Kỹ năng mềm

Sống Tận

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Shyalpa Tenzin Rinpoche

Download sách Sống Tận ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Ngày nay, con người có quá nhiều vật lộn với những thử thách về tài chính, các mối quan hệ, và nghề nghiệp, Sống tận của tác giả Shyalpa Tenzin Rinpoche là một toa thuốc kịp thời, “chữa trị” cho chúng ta khỏi “căn bệnh” của thời đại, đó là sống gấp.

Shyalpa Tenzin Rinpoche đưa những công cụ cần thiết cho chúng ta để trải nghiệm sự tự do tự tại đích thực, không bị ngắt quãng bởi sự thèm muốn vô tận về điều gì đó tốt đẹp hơn. Những chủ đề bao gồm từ sự khởi đầu với động lực thuần khiết, sự quý trọng hơi thở, kết nối bản thân với những người khác, cốt lõi của việc hòa giải, và sự hoàn thiện hoàn toàn tự nhiên.

Cuốn sách gồm các bước để người đọc có thể khai thác được năng lực bản thân để sống sao cho tận nhất:

– Tự do tự tại

– Sống trần trụi

–  Mục đích thật sự của cuộc đời

– Thỏa nguyện thực sự…

“Thách thức lớn nhất đối với chúng ta là sống trọn vẹn. Cuộc đời sẽ không thỏa mãn thực sự khi ta không thể sống hết mình từng phút từng giây và nắm được cốt lõi bản năng quý giá của con người. Tạm thời ta có thể tận hưởng sức khỏe dồi dào và những tiện nghi về vật chất, nhưng cuộc đời đang trôi vụt qua như những hạt cát chảy trong chiếc đồng hồ. Hơn nữa, không có gì đảm bảo rằng ta sẽ thức dậy sau giấc ngủ đêm nay!

Do đó, tôi chân thành khuyên bạn đọc hãy hít thở thật trọn vẹn ngay bây giờ! Hãy sống đầy quan tâm như thể sẽ không có ngày mai.”

MỞ ĐẦU

Những chúng sinh siêu phàm và cao cả nhất đều xuất sắc trong cách sống sao cho tận nhất và dường như không bao giờ chìm đắm vào quá khứ. Tôi đã chứng kiến điều này ở người thầy vĩ đại của mình; sau rất nhiều đề nghị, thầy chỉ thảo ba dòng tóm kết cuộc đời mình. Mặt khác, có những bậc thầy phi thường viết ra những câu chuyện cuộc đời không hồi kết, và cũng không kém phần truyền cảm. Các sự kiện trong đời tôi không có gì đáng nói, và tôi thấy thông điệp quan trọng hơn nhiều so với người đưa tin. Tuy nhiên, tôi đã được đề nghị thuật lại ngắn gọn cuộc đời mình để có thể tạo được một mối liên hệ cá nhân và triển vọng với các độc giả có hứng thú.

Tôi sinh ra ở vùng đồi thấp dưới chân dãy núi Himalaya hùng vĩ. Sau sinh nhật lần đầu của tôi, gia đình tôi chuyển đến Orissa ở miền Đông Ấn. Khi còn sống ở Tây Tạng, cha mẹ tôi là những chủ đất phát đạt, nhưng từ khi lưu vong, họ phải làm việc quần quật dưới nắng hàng giờ liền, đốn cây và cày cấy ruộng đất để trồng ngô. Trong những năm đầu tuổi thơ tôi, trách nhiệm chăm sóc tôi chủ yếu thuộc về ông bà, và họ đã nuôi nấng tôi bằng tình thương và lòng quan tâm trìu mến. Theo một nghĩa nào đó, ông bà chính là những người thầy đầu tiên của tôi, vì tôi đã học được từ họ cách bảo vệ và chăm sóc người khác.

Dường như từ khi tôi còn rất nhỏ, đã có những dấu hiệu cho thấy con đường đời tôi sẽ đi. Khi tôi hai tuổi, bà tôi đã dạy tôi cách chắp tay tôn kính khi bước vào ngôi đền gần nhà. Một vị lạt ma cao tuổi là hiện thân của Phật tổ trong vùng bảo bà tôi rằng tôi sinh ra là để làm một người dẫn đường tâm linh.

Năm bốn tuổi, tôi dậy sớm theo cha khi ông cầu kinh hàng ngày. Tôi không hay chơi đồ chơi như những đứa trẻ khác, mà có hứng thú hơn với những đồ vật mang tính tâm linh như chuông và trống. Những món đồ linh thiêng này làm nên mối liên kết sớm nảy nở giữa tôi với những lời răn của Đức Phật và khởi đầu hành trình tâm linh kéo dài cả đời mình.

Năm sáu tuổi, tôi bắt đầu theo học một trường công thế tục, và mỗi khi đi học về vào buổi chiều, tôi lại ngồi học và đọc thuộc lòng kinh Phật cho đến giờ ăn tối. Tôi thường nghe tiếng bạn bè cười nói bên ngoài khi chơi đá bóng hay trốn tìm. Tôi muốn chơi cùng các bạn trong ánh nắng chiều. Tuy nhiên, người bà thông thái của tôi đã nhẹ nhàng khuyến khích tôi tập trung vào học tập tôn giáo vì tin tưởng rằng định mệnh của tôi là trở thành một lãnh đạo tinh thần.

Vào sinh nhật thứ mười lăm của tôi, ông tôi bảo tôi chọn một cô gái trẻ trong làng làm vợ. Nhưng ở tuổi này tôi thích thú với việc tiếp tục học tập hơn, và tôi đã được nhận vào Viện Nghiên cứu Tây Tạng học Cao cấp Trung ương ở Sarnath, Ấn Độ. Mỗi sáng, tôi và bạn bè cùng lớp học về triết học cổ đại, các lễ nghi và kinh cầu. Vào buổi chiều, chúng tôi ngồi trong những khu vườn thơm ngát bao quanh trường và tham gia vào các cuộc tranh cãi và thảo luận triết học sôi nổi. Mỗi năm trôi qua, hiểu biết và niềm tin của tôi vào con đường tâm linh của cuộc đời càng lớn mạnh.

Trong năm học thứ sáu, tôi nhận được thư báo tin ông tôi qua đời. Tôi đau buồn cùng cực trở về nhà trong kỳ nghỉ hè để rồi nhận thêm tin dữ rằng cha dượng mình cũng vừa mất, còn cha mẹ đẻ tôi đều đang ốm nặng. Mẹ tôi đang hôn mê. Tôi cùng các thầy tăng và lạt ma thực hiện các nghi lễ cho người chết và cầu kinh cho người ốm. Tôi tập trung giúp cha mẹ lấy lại sức lực, nhưng cơ hội hồi phục của họ không có vẻ gì hứa hẹn.

Trong Phật giáo có niềm tin rằng cứu động vật sắp bị làm thịt sẽ không chỉ giải phóng chúng khỏi đau khổ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đời của chính ta. Quan trọng hơn, thể hiện lòng thương theo cách này sẽ biến đổi các trở ngại tiêu cực cho những người ở phút lâm chung. Khi bạn thực sự cảm thấy lòng thương trong tim mình, mọi thứ sẽ tiến triển tốt đẹp. Tôi dành phần lớn số tiền còn lại sau khi trả tiền thuốc men để mua lại hàng ngàn con cá rồi phóng sinh chúng ở sông Hằng vào ngày hôn mê thứ mười hai của mẹ tôi. Kỳ diệu thay, mẹ tôi đã tỉnh lại và được nghỉ ngơi yên lành lần đầu tiên sau nhiều tuần. Sau đó, cha mẹ tôi dần dần bình phục.

Sau nhiều năm học tổng hợp về nền tảng triết học Phật giáo, tôi gặp được người thầy gốc của mình cũng như nhiều vị đại sư khác đã cho tôi các lời răn, truyền đạt, quán đảnh và nhập môn mật tông của dòng Đại Viên Mãn. Đại Viên Mãn là đỉnh cao của mọi giáo lý Phật giáo, là con đường tuyệt đỉnh đưa đến giác ngộ trực tiếp về bản chất rõ ràng và minh bạch của tâm trí.

Năm hai mươi mốt tuổi, tôi được mời đến Kham, ở phía đông Tây Tạng, và được phong làm lãnh đạo tinh thần ở Tu viện Shyalpa và Trung tâm Ẩn tu. Trong lễ nhậm chức của tôi, lạt ma đáng kính Khenpo Karma Dorje và các lạt ma địa phương khác hành lễ Tâm Bí Puja của Liên Hoa Sinh. Nghi lễ này đưa lời cầu kinh vọng tới Đức Phật thứ hai là Liên Hoa Sinh, người đã có công đưa các lời răn quý báu của Phật giáo từ Ấn Độ đến Tây Tạng. Tôi rất cảm kích trước sự đón nhận tốt đẹp của họ. Niềm tin của họ với tôi đã củng cố quyết tâm của tôi là gồng gánh trách nhiệm hướng dẫn tu viện. Thật là một niềm vinh dự và đặc quyền khi được phụng sự theo cách này.

Năm 1987, tôi được mời đến nước Mỹ truyền đạo. Tôi rất thích thú được đến thăm nơi này, vì tôi đã gặp nhiều du khách người Mỹ ở Varanasi, Ấn Độ, và họ đã nói với tôi rằng đất nước của họ giàu về vật chất nhưng nghèo về tinh thần. Đến bờ Đông nước Mỹ chỉ với một trăm đô-la trong túi, tôi đi dọc đất nước này bằng đường bộ tới Los Angeles rồi quay lại Vermont, vừa đi vừa truyền giáo. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng nhiều người ở Mỹ đang tìm kiếm sự thỏa mãn tức thì – có thể là đồ ăn nhanh hoặc sự giác ngộ ngay lập tức!

Một vài môn đệ thân thiết đề nghị tôi ở lại Mỹ, vì vậy tôi đã sống vài năm ở vùng Berkshires xinh đẹp thuộc Massachusetts. Tôi bán ẩn tu ở đó, học và nghiền ngẫm Thất Bảo của Longchenpa , công trình của một trong số các học giả và đại thiền sư vĩ đại nhất Tây Tạng. Niềm tin và kỳ vọng của tôi vào các giáo lý uyên thâm này ngày càng sâu sắc, và tôi ngày càng quyết tâm trình bày những viên ngọc trí tuệ này theo cách dễ tiếp cận nhất cho những người tìm kiếm ngày càng thêm đông ở phương Tây.

Từ đó đến nay, tôi cố gắng hoàn thành tâm nguyện của các đạo sư của mình bằng cách chia sẻ hiểu biết về giáo lý và phương pháp tu hành Phật giáo của mình với những người có khát vọng tâm linh trên toàn thế giới. Tôi thấy mình thật may mắn khi được tiếp cận với một tôn giáo trí tuệ có thể hướng ta đến với giác ngộ toàn vẹn. Ta thật hạnh phúc khi có thời gian và hứng thú lắng nghe các giáo lý này và tu tập theo chúng. Ngày nay, giáo lý của Đức Phật vẫn đang được truyền xuống chúng ta như cơn mưa mật ngọt. Ngay trong kiếp này, ta có thể tỉnh thức từ mù sương ảo tưởng và trải nghiệm ánh sáng rực rỡ từ bản chất đích thực của mình.

Những người liên tục trải nghiệm những phẩm chất cao cả, phong phú nhất trong sự tồn tại của mình chính là những người đã giác ngộ. Ta càng hợp nhất với sự phong phú cốt yếu trong mình thì càng sống trọn vẹn. Khi đó, ta có thể thực sự tận hưởng cuộc sống quý báu này và ăn mừng cho từng khắc từng giây. Xét cho cùng, không có gì khác biệt giữa Đức Phật và chúng ta. Đức Phật hiện thực hóa các phẩm chất giác ngộ của mình, và chúng ta cũng có tiềm năng đó.

Bản chất giác ngộ tồn tại trong ta vốn đã toàn hảo từ thuở nguyên khai. Ta không cần phải chế tạo ra bất kỳ thứ gì vì bản thân nó vốn toàn hảo rồi. Bản chất thực sự của ta tỏa sáng như ánh mặt trời. Ta phải luôn nhận thức được ánh sáng vô điều kiện này, ngay cả trong những ngày tăm tối nhất.

Trong thời buổi rối ren này, khi mà các hệ tư tưởng cứng nhắc và hỗn loạn thường ngự trị, các giáo lý của Đức Phật vẫy gọi ta quay trở về với sự đơn giản và tươi mới của bản tính tự nhiên trong mỗi chúng ta. Ta không cần phải lo lắng về bất kỳ điều gì ngoài bản chất tự nhiên của tồn tại. Hãy cùng hít thở tự do, bỏ qua mọi áp lực hay căng thẳng vốn đã quá quen thuộc với ta. Tâm nguyện của tôi là các giáo lý thông tuệ quý giá này sẽ góp phần hướng ta đến với cốt lõi của bản chất đích thực và vô điều kiện của mình. Khi bình tâm với bản thân và với thế gian, ta có thể khám phá được ý nghĩa của việc sống trọn vẹn từng khắc từng giây.

ĐỌC THỬ

Chương 1SỐNG TẬN

Tự do tự tại

Dù có nhận ra hay không thì mong muốn sâu thẳm nhất trong chúng ta là được trải nghiệm sự phong phú và đủ đầy trong từng khoảnh khắc tồn tại. Mỗi người trong chúng ta đều có khả năng sống trọn vẹn, nhưng làm thế nào để chúng ta nhận ra được tiềm năng ấy? Ta thường nghĩ rằng cách chắc chắn nhất để đạt đến sự trọn vẹn là thỏa mãn niềm khát khao có được những thứ mang lại niềm vui cho mình. Tuy nhiên, khi ta cố nắm lấy niềm vui với hy vọng kiếm tìm hạnh phúc, nó lại đánh lạc hướng chúng ta. Ví dụ như một cây kem hoa quả, một bộ phim ly kỳ hay một ly rượu ngon có thể sẽ bóp méo phẩm chất tự nhiên của chúng ta. Ta có thể ngấu nghiến một phong sô-cô-la khi cảm thấy cô đơn hoặc không được coi trọng. Tuy được thưởng thức vị sô-cô-la và cảm thấy khoan khoái trong chốc lát, nhưng rồi cảm giác cô đơn, trống rỗng sẽ nhanh chóng quay trở lại. Ta không được trải nghiệm sự trọn vẹn thuần túy vốn có trong từng khoảnh khắc, do đó ta thường tìm đến những khoái cảm về giác quan như một phương thuốc xoa dịu tạm thời.

Ở nước Mỹ, chúng ta tự hào về sự tự do và thường tự lấy làm vui mừng vì những đặc quyền to lớn mà mình được hưởng. Nhưng dường như chúng ta thường không tận dụng tối đa sự an nhàn và cơ hội mà sự tự do đó mang lại cho mình. Ta thường tin rằng tự do lựa chọn cho ta được xả láng hưởng thụ. Điều này có thể mang lại sự thỏa mãn tạm thời. Tuy nhiên, không ngừng tìm kiếm khoái lạc không phải là cách để tận hưởng tự do.

Khi đã biết cách nhượng bộ, ta có thể thực sự tận hưởng tự do. Khả năng nhượng bộ đến từ việc tiếp cận cuộc sống có kỷ luật. Ở đây nhượng bộ không có nghĩa là quy phục người có quyền cao hơn, như một anh lính mới cúi chào sĩ quan. Đúng hơn, nhượng bộ là khi ta từ bỏ việc cố gắng thỏa mãn tất cả hy vọng và mong đợi của mình. Nếu có thể từ bỏ những nỗ lực tạo ra một thế giới “hoàn hảo”, ta sẽ được trải nghiệm thứ tự do thật sự không bị phá hỏng bởi khát khao không ngừng về một thứ gì đó tốt đẹp hơn. Càng tin tưởng vào tiềm năng của mình, ta càng sẵn sàng nhượng bộ một cách đầy tự nhiên. Từ đó, ta có thể tìm thấy niềm vui thuần khiết ở những nơi không ngờ đến nhất.

Sự tự giác mang lại cho ta khoảng không để nhượng bộ. Nó bổ sung sự tự tin vào giá trị vốn có của ta. Tự giác không có nghĩa là đòi hỏi nghiêm khắc ở bản thân. Ăn chay và cầu nguyện cả ngày trong hang tối không hẳn lúc nào cũng cần thiết. Kỷ luật thật sự không phải là trừng phạt, mà là con đường bình yên đưa tới cảm thông và thấu hiểu. Nếu thiếu đi cách luyện tập tinh thần này thì lối suy nghĩ thường lệ sẽ lấn át và giam cầm ta theo những cách thông thường. Về bản chất, tất cả các phương pháp tu rèn tâm linh đều chỉ là công cụ giúp chúng ta vượt qua bản thân. Qua luyện tập, ta có thể phát triển các kỹ năng này. Khi tập quan tâm và mài giũa nhận thức, ta sẽ không bị mắc kẹt trong những thói quen nhàm chán hay những suy nghĩ hẹp hòi. Ta sẽ mở ra những nguồn năng lượng tươi mới có thể tự phục hồi. Từ đó, ta có thể sống trọn vẹn trong từng hơi thở.

Phòng bị và bảo vệ hình ảnh bản thân bòn rút hết thứ năng lượng quý giá này của ta. Nỗ lực xây dựng và khẳng định cá tính dẫn đến lo lắng và căng thẳng. Khi hiểu rõ bản thân, ta sẽ toại nguyện, tận hưởng tự do tự tại hoàn toàn. Lối sống kỷ luật sẽ trở nên thoải mái và dễ dàng, rồi ta sẽ thấy tận hưởng sự tĩnh tâm và hạnh phúc dài lâu mới đơn giản làm sao.

Sống trần trụi

Thách thức lớn nhất đối với chúng ta là sống trọn vẹn. Cuộc đời sẽ không thỏa mãn thực sự khi ta không thể sống hết mình từng phút từng giây và nắm được cốt lõi bản năng quý giá của con người. Tạm thời ta có thể tận hưởng sức khỏe dồi dào và những tiện nghi về vật chất, nhưng cuộc đời đang trôi vụt qua như những hạt cát chảy trong chiếc đồng hồ. Hơn nữa, không có gì đảm bảo rằng ta sẽ thức dậy sau giấc ngủ đêm nay!

Do đó, tôi chân thành khuyên bạn đọc hãy hít thở thật trọn vẹn ngay bây giờ! Hãy sống đầy quan tâm như thể sẽ không có ngày mai. Dù cho mọi người nghĩ rằng sống gấp từng phút giây như vậy là điên rồ nhưng đôi khi điên rồ một chút cũng không sao, miễn là điên rồ tích cực. Chẳng có lý do gì để luôn phải tuân theo quy tắc. Xét cho cùng, quy tắc là gì? Ai tạo ra quy tắc? Khi bạn hiểu rõ sự quý giá và ngắn ngủi của cuộc đời, bạn sẽ sống có ích và có ý nghĩa nhất cho chính bản thân mình. Bạn sẽ không cần sự công nhận của người khác.

Có thể bạn được gia đình và bạn bè yêu thương. Nhưng hãy nhớ rằng bạn chào đời trần trụi và cô đơn, và khi ra đi, bạn cũng sẽ trần trụi và cô đơn. Vậy thì tại sao lại không sống trần trụi? Tại sao không sống mà không cần vỏ bọc, không cần giả bộ? Sống trần trụi nghĩa là sống từng giây phút với đúng con người nguyên bản, tươi mới của mình. Khi đã quen với bản tính vô điều kiện và không bị ràng buộc bởi những tình huống liên quan của mình, bạn sẽ thấy mọi thứ đều hoàn hảo.

Cuộc đời không phải là cuộc diễn tập. Đừng thỏa hiệp mà hãy sống cho hiện tại. Đừng thỏa hiệp với quá khứ hay tương lai, với đúng hay sai, với tốt hay xấu. Với quan điểm bản thân là trung tâm, tâm thức chúng ta bị kích động bởi hai thái cực là hy vọng và sợ hãi. Ta hy vọng mọi chuyện sẽ thuận lợi và lo sợ điều ngược lại. Sống trọn vẹn nghĩa là sống không thỏa hiệp. Đừng để những suy nghĩ, cảm giác hay xúc cảm chi phối bạn. Hãy thử trung thực đối mặt với tất cả những mối lo âu và tiêu cực trong bạn. Nếu cần, hãy lui về một nơi tách biệt để có thể tu tập giáo lý từ những người đã giác ngộ và khám phá tâm thức của bản thân.

Những người theo đạo Phật được gọi là hành giả vì họ không chỉ nghe theo những lời Phật dạy, mà còn áp dụng những lời dạy đó và kiểm tra tính trung thực của chúng, giống như người thợ kim hoàn thử vàng để đảm bảo nó là thật. Phật tử tu hành bằng cách rèn luyện tâm thức của mình, giống như vận động viên điền kinh rèn luyện cơ thể để chạy đua marathon. Rèn luyện lâu dài sẽ dần dần giải phóng bạn khỏi những suy nghĩ có hại và những cảm xúc tiêu cực. Phật pháp tinh hoa nhất là khéo léo giải phóng sự lộn xộn của bạn tức thì, dù bạn đang làm gì hay ở đâu. Đây là cách sống tốt nhất và cách tu hành đúng đắn nhất.

Mục đích thật sự của cuộc đời

Hành trình tâm linh giúp chúng ta khám phá trí tuệ thiên bẩm – cốt lõi sự tồn tại của chúng ta. Khi ta thấy được thứ hào quang nội tại này, mọi khổ hạnh và tăm tối sẽ biến mất. Chính trong khoảnh khắc này, ta có cơ hội xua tan đi vô minh và tận hưởng một lối sống thực sự lành mạnh. Khi những chướng ngại trong ta đã được gột rửa thì sự hỗn loạn cũng sẽ biến mất. Nếu như việc làm người có một mục đích nào đó thì đó chính là để tận dụng tốt cuộc đời của mình, nhờ vậy mà không bao giờ bị mắc kẹt trong những thế giới của tối tăm và vô vọng, không có cơ hội sử dụng trí tuệ của mình.

Tuy nhiên, cần làm rõ một điều quan trọng: tất cả chúng ta đều có thể tự dối lừa bản thân. Nếu ta đã chịu đau khổ trong quá khứ hay hiện tại đang nếm trải nó thì đó không phải là lỗi của ai khác mà là do chính ta. Tự cho mình là thông minh, ta đã đánh lừa bản thân rồi. Giáo lý của Phật chỉ cho ta cách tận dụng trí tuệ cơ bản và tránh tự lừa dối bản thân. Dù cho bạn có dành hàng năm ròng ẩn tu, thuộc lòng hàng triệu câu chân ngôn, rồi xuất hiện trở lại với tư cách một tu sĩ nhân đức, có thể bạn vẫn đang lừa dối bản thân. Ngày nay, nhiều hành giả trên con đường tâm linh – cả ở phương Đông và phương Tây – đều khẳng định là đã thiền định trong nhiều năm và tin rằng họ đã trải nghiệm sự tỉnh thức. Thế nhưng, rất nhiều người lại không hiểu vì sao mình thiền định, hay cách tu hành nâng cao lối sống của mình. Điều đó cho thấy họ chưa nhận thức được mục đích thật sự của cuộc sống.

Là con người, chúng ta thật may mắn khi có năng lực trí tuệ hiểu được ý nghĩa của sự hữu hạn. Ta nên luôn ghi nhớ rằng cuộc đời con người rất ngắn ngủi và không thể đoán trước, cũng giống như cơn mưa rào mùa hạ. Không thể biết khi nào cuộc đời sẽ kết thúc, nhưng chắc chắn nó sẽ kết thúc. Do đó, ta nên nhanh chóng theo đuổi một con đường tâm linh có thể giúp ta biến những phẩm chất bẩm sinh, giác ngộ trong ta thành hiện thực. Chỉ khi đó ta mới biết đến sự mãn nguyện hoàn toàn và đạt được mục đích sống. Tôi tin rằng đây là cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề hàng ngày, và là hiện thân của lối sống tâm linh đích thực.

Thỏa nguyện thực sự

Ta thường cố gắng áp dụng lối suy nghĩ và các phương pháp thông thường để giải quyết các vấn đề và tìm kiếm sự thỏa nguyện, nhưng cách tiếp cận này dường như không bao giờ mang lại một giải pháp thực sự hiệu quả. Liệu ta có thể đến gần niềm vui và tự do vô điều kiện hơn không?

Ở phương Tây, con người được tự do làm mọi điều mình muốn, mua bất kỳ thứ gì mình thích nếu có tiền. Ta có thể thực hiện mọi việc nếu có đủ nguồn lực. Nhưng đặt niềm tin vào những thành tựu ngẫu nhiên và phù du cũng giống như tin vào ảo ảnh. Ta dựa vào các tình huống có điều kiện để được thỏa nguyện, nhưng ta sẽ luôn mong muốn được thỏa mãn nhiều hơn nữa. Mọi thứ trong thế giới tương đối này đều có điều kiện. Mọi thứ đều phụ thuộc vào những nguyên nhân và điều kiện thiếu ổn định và liên tục thay đổi.

Ta tự đánh lừa bản thân khi nghĩ rằng đạt được các mục tiêu có điều kiện sẽ mang lại thỏa nguyện lâu dài. Nhưng ta thường bị sập bẫy những kế hoạch khôn khéo của chính mình và do vậy mà vô tình lãng phí thời gian quý giá. Ta cứ tự mình luẩn quẩn một cách hạn chế và tư lợi.

Xin đừng hiểu nhầm – đáng lẽ ta phải được tự do làm những gì mình muốn. Nhưng vấn đề cấp bách nhất là: ta cần giải phóng bản thân khỏi lối suy nghĩ tự cho mình là trung tâm bằng cách kiềm chế tính tự phụ và kiêu hãnh của mình. Giống như tù nhân cố thoát khỏi xiềng xích, ta cũng phải vượt khỏi những rối ren và suy nghĩ tiêu cực đang hành hạ mình. Khi đó ta sẽ lại khám phá được vẻ đẹp của bản chất tồn tại tự nhiên của chính ta, và thoát khỏi mọi gánh nặng và hạn chế.

Bản chất thật sự của ta là nhận thức thuần túy và tỏa khắp. Nhận thức này không có hình dạng, nhưng nó phản ánh và thể hiện mọi diện mạo. Hành trình cuộc đời là khám phá bản chất đích thực của ta, và tắm mình trong tự do vô điều kiện, vượt qua mọi giới hạn. Khi đó, ta sẽ không bao giờ quên rằng mỗi giây phút trôi qua là một món quà vô giá – hơi thở của ta. Từng hơi thở ta hít vào và thở ra, trong từng giây từng phút, đều quý giá. Ở đây, luôn có những khám phá mới mẻ. Ở đây, luôn có thỏa nguyện thực sự. Vì vậy, đừng quá phụ thuộc vào bất kỳ thứ gì bên ngoài. Hãy luôn nhớ có một thứ vốn là của ta ngay từ lúc bắt đầu: khả năng hít thở thật sâu và sống trọn vẹn cuộc đời.

Chương 2CÁCH KHỞI ĐẦU THÔNG MINH

Bước đầu tiên

Cuộc đời quả là một cơ hội quý giá. Nếu ta khao khát được sống trọn vẹn thì điều quan trọng là phải có mục đích rõ ràng. Cách tốt nhất để bắt đầu mọi hoạt động là kiểm tra động lực của mình. Khi bắt đầu một hành trình, ta luôn có một mục tiêu. Chuyến đi này là để làm việc hay nghỉ ngơi? Để phỏng vấn xin việc hay gặp gỡ bạn bè? Ta đang mong muốn hoàn thành điều gì? Ta mong đợi có một khoảng thời gian vui vẻ hay đang lo lắng về chuyến đi?

Kiểm tra động lực là việc có ý nghĩa vì mục tiêu rõ ràng sẽ đặt nền móng cho mọi thứ về sau. Ta vẫn thường nói rằng mọi thứ đều dựa trên nguyện vọng. Động lực sẽ chi phối hướng đi của cuộc hành trình và quyết định kết quả cuối cùng.

Có lẽ động lực đọc cuốn sách này của bạn đến từ mong muốn học hỏi cách sống một cuộc đời hạnh phúc hơn. Nếu vậy, hẳn bạn cảm nhận được rằng tất cả mọi người đều mong mỏi bớt khổ sở hơn và sống vui vẻ hơn. Ai cũng muốn được hạnh phúc! Ta sẽ mãn nguyện hơn trong mọi việc mình làm nếu khởi đầu bằng mong muốn chân thành rằng tất cả chúng ta sẽ cùng tìm được hạnh phúc.

Tuy trong đời có những lúc ta tương đối hạnh phúc nhưng rất hiếm khi ta thoát khỏi căng thẳng hay lo âu. Ai cũng phải nỗ lực; ai cũng có nỗi khổ tâm. Thực tế, tất cả chúng ta đều là nạn nhân của những suy nghĩ và cảm xúc khích động. Ta có thể thấy mình thật đáng thương nhưng ta nên biết rằng tất cả chúng sinh đều có nỗi khổ như vậy. Chúng ta là những người bạn đồng hành trong một hành trình khó khăn, hiểm trở. Khi cùng nhau tiến đến mục tiêu là niềm hạnh phúc chung thì ta có thể trút bỏ gánh nặng của bản thân cũng như của người khác.

Với bước đi cao cả đầu tiên này, cuộc đời bạn sẽ phong phú hơn, giống như một tấm thảm cầu kỳ được thêu cẩn thận bằng những sợi chỉ vàng. Hãy dịu dàng ôm trọn cả vũ trụ và coi tất cả mọi người là bạn đồng hành trong hành trình cuộc sống. Tất cả chúng ta đều giống nhau, vì vậy hãy cùng quan tâm đến nhau. Nâng tầm suy nghĩ như vậy không hề dễ dàng vì chúng ta đã dành quá nhiều thời gian cho bản thân. Tập thói quen suy nghĩ cho người khác sẽ mở mang tầm mắt cũng như xoa dịu trái tim bạn. Thực hiện bước đầu tiên với một trái tim nhân hậu là cách khởi đầu thông minh.

Ý định tốt đẹp

Để sống trọn vẹn, ta cần làm mọi việc thật hoàn chỉnh. Hành động toàn hảo bắt đầu từ ý định trong sáng. Nói cách khác, hãy bắt đầu bằng lòng tốt.

Nếu hành động của ta không đi cùng lòng tốt thì ta sẽ không đạt được kết quả hoàn hảo. Khi hành động của ta không bắt nguồn từ một tấm lòng trong sáng, ta sẽ tự hạn chế tiềm năng của mình. Cuộc đời ta sẽ trống rỗng và vô nghĩa. Mặt khác, nếu ta hành động vì người khác, cuộc đời ta sẽ tốt đẹp hơn và mỗi hơi thở sẽ giống như một món quà kỳ diệu. Thái độ tích cực sẽ làm cuộc đời đẹp đẽ hơn, giống như một viên đá quý tô điểm cho người đeo nó. Trong đạo Phật, linh đan mang nghĩa ẩn dụ để minh họa cho sức mạnh chuyển hóa của sự từ tâm. Một ước mơ nhân từ cũng giống như một viên linh đan có thể biến kim loại thường thành vàng ròng.

Khi hành động của ta không được dẫn dắt bởi những ý định tốt đẹp thì chẳng mấy chốc ta sẽ mất đi lòng nhiệt thành và niềm hứng khởi. Dù ban đầu có hứng thú đến đâu thì cuối cùng cũng sẽ kết thúc trong thất vọng. Suy nghĩ ích kỷ không phải là suy nghĩ trong sáng. Vì vậy, ngay từ đầu hãy củng cố quyết tâm, thanh lọc suy nghĩ và đánh thức lòng tốt trong bạn. Hành động của bạn sẽ tỏa ra sự chính trực và phẩm hạnh. Bạn sẽ không bao giờ nản chí hay gục ngã. Bạn sẽ tôn trọng bản thân và mọi người, sự tôn trọng bắt nguồn từ bản chất tốt đẹp bên trong chúng ta.

Dù bạn dự định làm gì thì cũng hãy bắt đầu bằng cách dành một phút suy nghĩ trước khi hành động. Khởi đầu bằng một suy nghĩ trong sáng và nuôi dưỡng nó trong tim. Luôn giữ nó trong tâm trí. Hãy chân thành mong muốn rằng mọi tương tác giữa bạn với người khác sẽ mang lại hạnh phúc cho họ trong cuộc sống hiện tại cũng như sau này, và rằng cuối cùng nó sẽ dẫn họ đến với hạnh phúc tột cùng của giác ngộ hoàn toàn.

Phá bỏ xiềng xích ích kỷ

Khi động lực của ta trong sáng, ta có thể dễ dàng đạt được mọi thứ, giống như đại bàng tự do bay liệng trên không trung. Nếu không có những mong muốn cao thượng của một tấm lòng từ bi thì ta sẽ không đạt được điều gì đáng giá khi hành đạo, dù ta có thiền định ngày đêm suốt cả trăm năm. Điều quan trọng không phải là làm gì mà là làm như thế nào.

Chỉ cần một giọt thuốc độc trong ly sữa cũng đủ khiến bạn không muốn đụng đến nó nữa. Nếu động cơ của bạn chỉ là những mục tiêu ích kỷ thì kết quả thu được cũng không có gì tốt đẹp. Ngược lại, nếu bạn thực tâm mong muốn làm dịu đi những khổ đau của người khác thì cuộc đời của bạn sẽ trở nên tươi đẹp.

Một kẻ ích kỷ chỉ muốn vơ hết mọi thứ về mình mà không quan tâm đến những người đang cảm thấy cô đơn và thiếu thốn tình thương. Nếu chỉ biết nhắm tới những mong muốn và lợi ích của bản thân, ta sẽ tự hạn chế cơ hội được hạnh phúc. Quan tâm đến người khác là cách để bồi đắp trí tuệ xúc cảm của mình. Nếu bắt đầu bằng mong muốn được giúp đỡ tất cả chúng sinh, cuộc sống của ta sẽ có mục đích và tràn đầy niềm vui. Ta bắt đầu bằng mục đích cao cả là giác ngộ vì lợi ích của tất cả mọi người. Như đã nói trong đạo Phật, cao cả lúc khởi đầu, cao cả trong hành đạo và cao cả khi kết thúc.

Con đường tâm linh chân thực nới lỏng những xiềng xích ích kỷ, những điều nhỏ nhen trong thâm tâm làm hạn hẹp tầm nhìn của ta. Lòng thương yêu thực sự sẽ soi rọi cuộc đời ta và giúp ta dẫn bước cho mọi người, giống như ngọn hải đăng báo hiệu hướng đi an toàn cho những con thuyền lạc ngoài biển khơi. Hãy luôn xem xét những ý định của mình bằng cách tự đặt ra câu hỏi, “Đây có phải là ý tốt hay không?” Hãy biến nó thành lối sống của bạn.

Cầu nguyện mỗi ngày

Để thấy được hết tiềm năng của mình và đạt được tự do thực sự, hãy luôn yêu thương và quan tâm đến tất cả mọi người. Nếu có thể giải thoát bản thân khỏi những suy nghĩ và hành động ích kỷ, bạn sẽ có tâm thế bình yên và độc lập.

Thành công trên con đường tâm linh phụ thuộc vào việc nuôi dưỡng thành ý. Khi con tim chân thành thì con đường cũng sáng rõ. Bạn sẽ thấy cuộc đời mình quý giá vô cùng, đến mức không thể lãng phí được, và bạn sẽ chẳng có thời gian cho bất kỳ nhận xét ích kỷ nào đâu. Bạn sẽ nhận thấy sự thiêng liêng trong tất cả mọi điều.

Trên con đường Phật giáo, nuôi dưỡng một tấm lòng từ bi là bước tu hành cốt lõi. Mỗi buổi sáng khi thức dậy – trước lúc uống cà phê, đánh răng hay tắm táp – hãy dừng lại và đọc câu kinh đơn giản này:

Tôi sẽ hành động với thành ý.

Tôi sẽ tránh xa những suy nghĩ ích kỷ.

Tôi sẽ mang niềm vui và hạnh phúc đến cho mọi người.

Tôi sẽ thoát khỏi khổ đau.

Tôi sẽ có trái tim rộng mở.

Bao trọn cả thế giới này.

Sức mạnh của những mong muốn tích cực này sẽ khiến cả ngày của bạn đầy hăng hái và mục đích. Trước khi bắt đầu làm việc, gặp gỡ đồng nghiệp, ăn trưa hay thư giãn với gia đình, hãy đánh thức tinh thần của một trái tim rộng lượng. Ban đêm, trước khi đi ngủ, hãy suy ngẫm lại về ngày vừa qua và tự hào về những thành ý của mình đối với mọi người. Bạn sẽ có được một giấc ngủ yên bình và thức dậy đầy tươi mới vào sáng hôm sau.

Trí tuệ thiên bẩm

Hãy suy ngẫm về câu châm ngôn: Ai cũng muốn hạnh phúc, chẳng ai mong khổ đau. Về bản chất, tất cả chúng sinh đều như vậy, dù ta coi họ là bạn hay thù.

Với trí tuệ của mình, ta có thể hiểu được sự thật phổ biến này mà không cần đức tin nào thuyết phục. Thường thức bảo ta rằng mọi người đều muốn thoát khỏi đau khổ và được hưởng hạnh phúc. Ta theo đuổi hạnh phúc bằng nhiều cách, người thì tích lũy của cải, kẻ thì chạy theo khoái lạc và những thú tiêu khiển, người lại khám phá tiềm năng giải thoát của con đường tâm linh. Nhưng liệu ta có thể thành công nếu chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho bản thân? Mưu cầu hạnh phúc một vế như vậy chẳng bao giờ bảo đảm thỏa nguyện dài lâu. Quan tâm lo lắng cho mọi người là phương cách thông minh đảm bảo thỏa nguyện cho cả hai phía, như câu tục ngữ: “Tiếng lành đồn xa”.

Khi mưu cầu hạnh phúc, hành động của ta thường phản tác dụng, thành ra tự làm hại chính mình và mọi người xung quanh. Ta có thể lừa gạt một người thân, xa lánh một người bạn, hoặc bịp bợm một đối tác làm ăn. Tuy có chung mong muốn được hạnh phúc nhưng ta thường mưu cầu hạnh phúc bằng những cách hẹp hòi và ích kỷ. Nếu cứ ngấu nghiến món ăn ưa thích của mình thì sẽ có ngày bạn phát ngán, và không bao giờ muốn đụng đến nó nữa. Tuy nhiên, nếu biết suy nghĩ thì bạn sẽ ăn uống điều độ. Tương tự, ta có thể phát bệnh vì những cảm xúc xáo trộn khi để bản thân chìm đắm trong những vấn đề cá nhân. Giống như cơ thể báo cho ta không được ăn quá no, trí tuệ bẩm sinh có thể ngăn ta hành động ích kỷ. Hiểu được điều này, ta sẽ hành động cẩn thận và nhạy cảm hơn. Mong muốn giúp ích người khác là phương thuốc hoàn hảo cho mọi khổ đau và ưu phiền. Đó là mong muốn tốt đẹp nhất vì nó có thể vượt qua mọi suy nghĩ xấu xa. Hãy luôn nhớ lấy điều này và đừng bao giờ từ bỏ nó.

Hành trình tâm linh chính là hành trình của chúng ta

Cốt lõi của hành đạo kết nối chặt chẽ với niềm tin cùng tiềm năng vô hạn của con người. Dù có ý thức được hay không thì hành trình của cuộc đời ta vẫn đang diễn ra. Khi ta để tâm vào chuyến du hành thì ta sẽ thực sự trải nghiệm được sự thiêng liêng của thế giới này.

Nhiều người trong chúng ta hoài nghi về việc trở thành “người tu hành”; tuy nhiên, tâm linh không phải là điều xa lạ với chúng ta. Ta cứ khoác cho nó tấm áo uy trang trong khi thực ra nó rất gần gũi. Tâm linh luôn tồn tại bên trong ta, vì vậy ta luôn luôn xứng đáng với phúc lành mà nó mang lại. Khi sinh ra, mỗi con người đều có tiềm năng vô hạn về phát triển và trưởng thành trong tâm linh. Một tu sĩ đắc đạo cũng là một con người như bạn vậy!

Hành trình tâm linh sâu sắc này là hành trình của chúng ta, và nó có thể thỏa mãn những khát khao sâu thẳm nhất của ta. Mục đích thực sự của cuộc đời là phát huy được hết tiềm năng của mình. Đừng bao giờ ngừng tin tưởng rằng ta có thể được thức tỉnh. Các bậc thầy tâm linh không nắm giữ độc quyền lòng từ bi. Ngược lại, mỗi người đều có trong mình những điều tốt đẹp căn bản, khả năng yêu thương và lòng tốt. Được thừa hưởng những điều tốt đẹp căn bản ngay từ khi sinh ra là trải nghiệm tuyệt diệu nhất trong cuộc đời con người. Ta đang đi trên con đường tâm linh kéo dài suốt cuộc đời dẫn đến cốt lõi cuối cùng, chính là giác ngộ hoàn toàn.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button