Kỹ năng mềm

Nói Sao Để Khích Lệ Và Giúp Con Trưởng Thành

noi-sao-de-khich-le-va-giup-con-truong-thanh1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Haim G. Ginott

Download sách Nói Sao Để Khích Lệ Và Giúp Con Trưởng Thành ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Tác phẩm kinh điển đã làm thay đổi hoàn toàn cách giao tiếp giữa cha mẹ và con cái. Thử tưởng tượng, bạn sắp được gây mê để làm phẫu thuật, vị bác sĩ đáng kính bước vào và nói: “Thực ra tôi không được đào tạo nhiều về phẫu thuật đâu, nhưng tôi yêu mến bệnh nhân của mình và tôi sẽ làm hết sức có thể.” Chắc hẳn lúc đó bạn sẽ phát hoảng và chạy thật nhanh để bảo toàn mạng sống. Thế nhưng, những đưa trẻ không dễ dàng bỏ chạy như vậy khi cha mẹ chúng tin rằng nuôi con chỉ cần tình yêu thương và những hiểu biết thông thường là đủ. Cuốn sách sẽ cung cấp cho các bậc cha mẹ những phương thức đặc biệt để trò chuyện và thấu hiểu con cái, như:

– Giải mã những thông điệp tưởng như vô nghĩa của trẻ

– Bày tỏ sự thấu hiểu và cảm thông đúng cách

– Lời khen cũng cần phải khéo léo và có liều lượng

– Nói không với giận dữ và dọa nạt

– Đối phó với những hành động xấu của con như nói dối, ăn trộm…

…và nhiều điều quan trọng khác trong hành trình nuôi dạy con cái của bạn.

Trích dẫn :

Khi tôi qua đời – Haim Nachman Bialik

Tiến sĩ Haim Ginott ra đi vào ngày 4 tháng 11 năm 1973 sau một thời gian dài lâm bệnh nặng, ông chỉ hưởng thọ 51 tuổi. Một vài tuần trước khi qua đời, ông nhìn vào cuốn sách đầu tay của mình, cuốn Nói sao để khích lệ và giúp con trưởng thành và nói với tôi: “Này Alice, rồi con sẽ thấy, cuốn sách này sẽ trở thành một tác phẩm kinh điển.” Và lời tiên đoán của ông đã trở thành sự thực.

Haim Ginott là một nhà tâm lý học lâm sàng, bác sĩ trị liệu cho trẻ em và nhà giáo dục về phương pháp làm cha mẹ. Các tác phẩm của ông – Group Psychotherapy with Children (Tạm dịch: Tâm lý trị liệu nhóm cho trẻ em), Between Parent and Child (Nói sao để khích lệ và giúp con trưởng thành), Between Parent and Teenager (Tạm dịch: Giữa cha mẹ và con cái ở tuổi vị thành niên) và cuốn Teacher and Child (Tạm dịch: Giáo viên và Trẻ nhỏ) – đã làm thay đổi hoàn toàn cách giao tiếp của các bậc cha mẹ cũng như thầy cô giáo đối với trẻ nhỏ. Các tác phẩm này đều đứng trong danh sách các cuốn sách bán chạy nhất trong vòng hơn một năm và được dịch ra 30 thứ tiếng khác nhau. Trong cuốn The Authoritative Guide to Self-Help Books (Tạm dịch: Chỉ dẫn đáng tin cậy về những cuốn sách học làm người) của John W. Santrock, Ann M. Minnett và Barbara D. Campbell, những tác phẩm của Ginott được đánh giá ở mức cao nhất (“rất nên đọc”) và được xếp trong danh sách những cuốn sách hoàn thiện bản thân hay nhất.

Ginott là nhà tâm lý học đầu tiên được mời xuất hiện thường xuyên trên chương trình truyền hình nổi tiếng Today; phụ trách chuyên trang hàng tuần, được hãng thông tấn King Features đăng tải trên toàn thế giới. Ông đều đặn viết bài cho tạp chí McCall’s danh tiếng dành cho phụ nữ tại Mỹ. Ông còn là giáo sư cộng tác giảng dạy bộ môn tâm lý tại Khoa Sau đại học, trường Đại học New York và chương trình đào tạo sau Tiến sĩ tại Đại học Adelphi.

Những kỹ năng giao tiếp mà ông đưa ra trong các cuốn sách của mình đã giúp cho người lớn bước vào thế giới con trẻ một cách độ lượng và đầy yêu thương, đồng thời dạy họ cách nhận ra và đáp lại cảm xúc của chúng.

Ông từng nói: “Tôi là một nhà trị liệu tâm lý cho trẻ em. Tôi thường chữa trị cho những em bé bị rối loạn tâm lý. Trung bình tôi gặp những đứa trẻ này một giờ mỗi tuần trong vòng một năm. Sau đó, những triệu chứng của chúng biến mất, chúng cảm thấy khá hơn nhiều và chịu hòa nhập với những đứa trẻ khác, thậm chí chúng còn thôi không quậy phá ở trường nữa. Tôi đã làm gì để có được thành quả như vậy? Tôi giao tiếp với chúng một cách yêu thương và trân trọng nhất. Tôi tận dụng mọi cơ hội để nuôi dưỡng lòng tự tin nơi chúng. Nếu giao tiếp bằng tình yêu thương thực sự có thể giúp cho những đứa trẻ gặp vấn đề về tâm lý khắc phục được vấn đề của chúng thì hiển nhiên, những người tiếp xúc với chúng nhiều nhất – cha mẹ và thầy cô – chính là những người nắm giữ chìa khóa của phương pháp này, đồng thời cũng là những người sẽ thực hành nó nhiều nhất. Mặc dù các nhà tâm lý trị liệu có thể chữa lành những vết thương, nhưng chỉ có những người tiếp xúc trực tiếp với trẻ hàng ngày mới có thể giúp chúng có được sức khỏe tinh thần hoàn hảo.”

ĐỌC THỬ

Chương 1. Nguyên tắc giao tiếp

Đối thoại giữa cha mẹ và con cái

Ý nghĩa đằng sau những câu hỏi của trẻ

Giao tiếp với con trẻ là một nghệ thuật độc đáo với những nguyên tắc và ý nghĩa riêng. Trẻ em hiếm khi nói với chúng ta những lời vô nghĩa. Trong lời nói của chúng luôn có những thông điệp cần được giải mã.

Cậu bé Andy, 10 tuổi, đã hỏi bố mình: “Có bao nhiêu đứa trẻ bị bỏ rơi ở Harlem hả bố?” Bố cậu bé là một luật sư và ông đã rất vui mừng khi thấy cậu con trai của mình tỏ ra hứng thú với các vấn đề xã hội. Ông đã giảng giải rất nhiều cho cậu bé, tìm kiếm cả con số thống kê chính xác. Nhưng Andy vẫn không thỏa mãn và tiếp tục hỏi những câu tương tự: “Có bao nhiêu đứa trẻ bị bỏ rơi ở New York? Ở Mỹ? Ở Châu Âu? Trên khắp thế giới?”

Cuối cùng, bố của Andy hiểu ra con mình không quan tâm tới vấn đề xã hội nào mà chỉ là vấn đề cá nhân của cậu bé. Câu hỏi của Andy không phải bắt nguồn từ sự cảm thông với những đứa trẻ bị bỏ rơi mà từ nỗi sợ hãi rằng chính mình sẽ lâm vào hoàn cảnh tương tự. Cậu không tìm kiếm con số nào cả mà đang trông đợi sự khẳng định từ bố rằng cậu sẽ không bị bỏ rơi.

Đáp lại mối quan tâm của Andy, bố cậu trả lời: “Con lo sợ rằng một ngày nào đó bố mẹ sẽ bỏ rơi con giống như nhiều người khác đã làm phải không? Bố đảm bảo với con rằng bố mẹ sẽ không bỏ rơi con đâu. Bất cứ khi nào con lại băn khoăn về điều này thì hãy nói cho bố biết để bố giúp con yên tâm nhé.”

Lần đầu tiên tới lớp mẫu giáo, khi mẹ vẫn còn ở bên cạnh, cô bé Nancy, 5 tuổi, đã nhìn lên những bức tranh treo trên tường và hỏi to: “Ai đã vẽ những bức tranh xấu xí kia vậy?” Mẹ của Nancy đã tỏ ra rất ngượng ngùng. Cô nhìn con gái mình với ánh mắt không bằng lòng và vội vã nói: “Này con, thật là không hay khi gọi đó là những bức tranh xấu xí trong khi chúng rất đẹp.”

Nhưng cô giáo của Nancy đã hiểu ra ý nghĩa sau câu hỏi của cô bé, cô cười và nói: “Ở đây con không cần phải vẽ những bức tranh đẹp. Nếu thích con có thể vẽ những bức tranh xấu cũng được.” Một nụ cười rạng rỡ nở trên gương mặt Nancy, bởi cô bé đã có câu trả lời cho câu hỏi thực sự của mình: “Điều gì xảy ra nếu cô bé vẽ không đẹp?”

Tiếp đó Nancy nhặt một món đồ chơi là một chiếc xe cứu hỏa đã hỏng lên và hỏi: “Ai đã làm hỏng chiếc xe này vậy?” Mẹ cô bé đáp lời: “Ai làm hỏng chiếc xe đó thì có gì quan trọng với con thế, con có biết ai ở đây đâu.”

Thế nhưng thực ra Nancy không tò mò về một cái tên. Cô bé muốn biết ở đây chuyện gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ làm hỏng đồ chơi. Hiểu được ẩn ý đó, cô giáo đã đưa ra một câu trả lời hết sức hợp lý: “Đồ chơi là để chơi mà. Thỉnh thoảng chúng cũng bị hỏng. Đó là chuyện bình thường vẫn xảy ra thôi.”

Nancy có vẻ hài lòng. Kỹ năng phỏng vấn đã giúp cô bé có được những thông tin cần thiết: “Người lớn này” rất tốt, cô ấy không hay nổi giận, ngay cả khi ai đó vẽ một bức tranh không đẹp hay làm hỏng đồ chơi. Mình không cần phải sợ hãi, ở đây sẽ an toàn. Và thế là Nancy chào tạm biệt mẹ, tới nắm tay cô giáo để bắt đầu ngày đầu tiên của mình ở trường mẫu giáo.

Carol, 12 tuổi, là một cô bé rất hay cáu kỉnh và mau nước mắt. Người em họ mà cô bé rất yêu quý chuẩn bị trở về nhà sau khi chơi cùng nhau suốt mùa hè. Nhưng cách phản ứng của mẹ đã khiến nỗi buồn của cô bé không được cảm thông, chia sẻ.

CAROL (nước mắt lưng tròng): Susie sắp đi rồi. Con sẽ lại phải ở một mình.

MẸ: Rồi con sẽ tìm thấy một người bạn khác.

CAROL: Sẽ chẳng có ai chơi với con nữa cả.

MẸ: Rồi con sẽ vượt qua được thôi.

CAROL: Ôi mẹ! (khóc nấc lên)

MẸ: Sao con đã 12 tuổi rồi mà vẫn còn khóc nhè như em bé thế.

Carol đưa mắt nhìn mẹ một cách thất vọng rồi trốn vào phòng mình, đóng sập cửa lại. Câu chuyện trên đáng ra đã có thể kết thúc tốt đẹp hơn. Cảm xúc của con trẻ cần được xem xét một cách nghiêm túc cho dù tình huống xảy ra cũng không đến nỗi nghiêm trọng. Đối với mẹ của Carol, một cuộc chia tay cuối mùa hè chỉ là một sự xáo trộn quá nhỏ, không đáng phải rơi nước mắt, nhưng cô không nên phản ứng một cách thiếu cảm thông như vậy. Cô có thể tự nhủ với mình rằng: “Carol đang buồn. Cách tốt nhất để giúp con bé là cho nó biết rằng mình hiểu điều gì đang làm nó tổn thương. Nhưng mình phải làm thế nào?” Bằng cách phản ánh lại cảm xúc của con, cô đã có thể chọn một trong những cách nói sau:

“Không có Susie sẽ thật buồn con nhỉ.”

“Cô bé còn chưa đi mà con đã thấy nhớ rồi phải không.”

“Thật khó mà chia tay khi các con đã quá thân nhau.”

“Không có Susie chắc con cảm thấy nhà mình trống trải lắm.”

Những cách phản ứng như vậy sẽ củng cố sự thân thiết giữa cha mẹ và con cái. Khi trẻ cảm thấy được thấu hiểu, những cô đơn và tổn thương mà chúng phải chịu đựng sẽ biến mất. Khi trẻ cảm thấy được thấu hiểu, tình yêu của chúng dành cho cha mẹ sẽ trở nên sâu nặng hơn. Sự cảm thông của cha mẹ đối với trẻ luôn đóng vai trò là phương thức sơ cứu tinh thần trước những cảm xúc tiêu cực.

Thừa nhận và nói lên nỗi thất vọng của một đứa trẻ sẽ mang lại sức mạnh cần thiết để chúng đối mặt với thực tế.

Cô bé Alice, 7 tuổi, đã lên kế hoạch dành cả buổi chiều để chơi với cô bạn thân Lea. Nhưng bỗng nhiên cô nhớ ra rằng Hội Brownie cũng họp mặt vào buổi chiều hôm đó. Và cô bé bắt đầu khóc.

MẸ: Ôi, con rất thất vọng phải không. Con đang mong được chơi với Lea buổi chiều nay mà.

ALICE: Vâng. Sao Hội Brownie không thể họp mặt vào một ngày khác được cơ chứ?

Nước mắt ngừng rơi. Alice đi gọi điện cho Lea và hẹn cô bạn đến chơi vào một ngày khác. Sau đó cô bé đi thay quần áo và chuẩn bị sẵn sàng cho buổi họp mặt.

Sự thấu hiểu và thông cảm của mẹ Alice đã giúp cô bé đối mặt với những mâu thuẫn và thất vọng không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Cô đã xác định đúng cảm xúc cũng như mong muốn của Alice và không hề xem nhẹ tình huống xảy ra. Cô không nói: “Sao con phải rối lên như vậy! Con sẽ chơi với Lea vào một ngày khác mà. Có chuyện gì to tát đâu nào?”

Cô đã thận trọng tránh không nói những điều sáo rỗng như: “Ồ, làm sao con có thể cùng lúc ở cả hai chỗ được.” Cô cũng không lên án hay kết tội con mình: “Sao con có thể hẹn bạn đến chơi khi biết rằng thứ Tư là ngày của Hội Brownie chứ?”

Mẩu hội thoại ngắn sau đây cho thấy người cha đã làm con trai mình bớt giận chỉ bằng cách đơn giản là xác nhận cảm xúc và lời than phiền của cậu bé.

Bố của David thường phải đi làm ca đêm và chăm sóc nhà cửa vào ban ngày trong khi mẹ cậu đi làm. Một hôm, khi vừa đi chợ về, anh thấy cậu con trai 8 tuổi của mình có vẻ rất giận dữ.

BỐ: Ta thấy một cậu bé đang giận dữ, thực ra là rất giận dữ.

DAVID: Con đang giận đấy, rất giận là khác.

BỐ: Sao thế con?

DAVID: (lặng người nói) Con nhớ bố. Bố chẳng bao giờ ở nhà khi con đi học về cả.

BỐ: Bố rất mừng vì con đã kể cho bố. Giờ thì bố biết rồi. Con muốn bố ở nhà mỗi khi con đi học về phải không?

David ôm cổ bố rồi chạy ra ngoài chơi. Bố cậu bé đã biết cách làm thay đổi tâm trạng của con trai. Anh không lấp liếm bằng cách giải thích tại sao mình không thể ở nhà: “Bố còn phải đi chợ. Con sẽ ăn gì nếu bố không đi mua thức ăn?” Anh không hỏi: “Tại sao con lại giận dữ thế?” mà thay vào đó, anh thừa nhận cảm xúc và sự trách móc của con trai mình.

Phần lớn các bậc cha mẹ không nhận ra sự vô nghĩa của việc cố thuyết phục con cái rằng sự cằn nhằn của chúng là không đúng hay suy nghĩ nào đó của chúng là sai lầm. Nó sẽ chỉ dẫn đến những tranh cãi và cảm xúc tức giận.

Một ngày, cô bé Helen 12 tuổi đi học về trong tâm trạng rất buồn bã.

HELEN: Con biết mẹ sẽ thất vọng lắm. Bài kiểm tra của con chỉ đạt điểm B thôi. Con biết việc con đạt điểm A là rất quan trọng với mẹ.

MẸ: Nhưng mẹ thực sự không quan tâm đâu con. Sao con có thể nói thế được. Mẹ không hề thất vọng về điểm của con chút nào. Mẹ nghĩ điểm B cũng tốt mà.

HELEN: Thế tại sao mẹ lại luôn mắng con khi con không đạt điểm A?

MẸ: Mẹ mắng con khi nào? Con đang buồn nên con đổ lỗi cho mẹ đấy thôi.

Helen bắt đầu khóc và chạy ra khỏi phòng. Mặc dù mẹ Helen biết rằng cô bé đã đổ lỗi cho mình thay vì thừa nhận sự thất vọng của bản thân, nhưng việc chỉ ra điều đó và tranh luận với con đã không làm cô bé cảm thấy khá hơn. Đáng lẽ mẹ của Helen đã giúp ích cho con gái được nhiều hơn nếu thừa nhận suy nghĩ của cô bé và nói: “Con muốn điểm số của con không quan trọng đến thế với mẹ. Con muốn chính con mới là người quyết định điểm số thế nào là tốt phải không. Mẹ hiểu rồi.”

Không chỉ con cái, ngay cả những người xa lạ cũng đánh giá cao sự cảm thông và chia sẻ của chúng ta trước những khó khăn của họ. Bà Grafton kể rằng bà không thích đến ngân hàng nơi mình mở tài khoản. “Ở đó thường rất đông đúc còn diện mạo và hành động của người quản lý thì cứ như thể anh ta ở đó đã là một ân huệ cho tôi rồi. Cứ khi nào phải tiếp xúc với anh ta là tôi lại rất căng thẳng.” Một ngày thứ Sáu nọ, bà phải lấy chữ ký của người quản lý cho tấm séc của mình. Bà đang cảm thấy khó chịu và mất dần kiên nhẫn khi chứng kiến thái độ của anh ta với những người khác. Thế nhưng sau đó bà quyết định sẽ cố gắng đặt mình vào địa vị của người quản lý và thể hiện sự cảm thông của mình bằng cách phản ánh và thừa nhận cảm xúc của anh ta. “Lại một ngày thứ Sáu mệt mỏi nữa phải không! Ai cũng muốn anh phải chú ý đến họ. Bây giờ còn chưa đến giữa buổi. Tôi không biết anh sẽ phải xoay xở thế nào để vượt qua cả ngày hôm nay đây.” Gương mặt của người đàn ông rạng rỡ lên. Lần đầu tiên bà Grafton nhìn thấy anh ta cười. “Ồ vâng, ở đây lúc nào cũng bận rộn. Ai cũng muốn được ưu tiên. Vậy tôi có thể làm gì cho bà đây?” Cuối cùng, anh ta không chỉ ký tấm séc mà còn đi cùng bà tới chỗ giao dịch viên để tấm séc được xử lý nhanh chóng hơn.

Hội thoại không hiệu quả: Chỉ trích và lên lớp trẻ sẽ tạo khoảng cách và sự oán giận

Các cuộc đối thoại giữa cha mẹ với con cái thường thất bại và chẳng dẫn tới đâu. Ví dụ điển hình mà ta vẫn thấy là: “Con đi đâu đấy?” “Ra ngoài ạ.” “Con làm gì đấy?” “Không làm gì ạ.” Những bậc cha mẹ cố gắng nói lý lẽ với con cái thường sẽ sớm phát hiện ra rằng việc đó thật mệt mỏi. Một bà mẹ từng nói: “Tôi thường cố gắng hết sức tìm ra lý lẽ để nói chuyện với con trai. Nhưng nó chẳng bao giờ nghe tôi cả. Nó chỉ nghe lời khi tôi hét lên với nó thôi.”

Trẻ em thường không muốn nói chuyện với cha mẹ. Chúng cảm thấy ấm ức khi bị lên lớp, chỉ bảo và phê phán. Chúng cảm thấy cha mẹ mình nói quá nhiều. David, 8 tuổi, đã phải thốt lên với mẹ: “Con chỉ hỏi mẹ một câu hỏi nhỏ thôi mà, tại sao mẹ phải dài dòng như vậy?” Cậu bé tâm sự thật với bạn bè: “Tớ chẳng nói chuyện gì với mẹ hết, nếu không tớ sẽ chẳng còn thời gian mà chơi nữa đâu.”

Một quan sát viên tận tâm, khi lắng nghe kỹ càng một cuộc đối thoại điển hình giữa cha mẹ và con cái, sẽ phải ngạc nhiên vì nhận thấy hai bên ít lắng nghe nhau tới mức nào. Cuộc đối thoại dường như là hai cuộc độc thoại, một thì toàn chỉ trích và dạy bảo, một thì toàn phủ nhận và biện hộ. Bi kịch của những cuộc trò chuyện như thế không nằm ở sự thiếu yêu thương mà ở sự thiếu tôn trọng, không phải do thiếu khôn ngoan mà vì thiếu kỹ năng.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button