Kỹ năng mềm

Người Việt Từ Nhà Ra Đường

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Băng Sơn

Download sách Người Việt Từ Nhà Ra Đường ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KỸ NĂNG SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Văn hóa ứng xử trong giao tiếp luôn được xã hội coi là chuẩn mực của mỗi con người. Ngày nay mặc dù xã hộ đã có nhiều thay đổi nhưng giao tiếp ứng xử vẫn có tầm quan trọng đặc biệt. Nó tạo nên các mối quan hệ đẹp có văn hóa, có đạo đức trong cộng đồng dân cư, trong tình bạn trong tình yêu, trong gia đình, trong nhà trường, trong kinh doanh, đàm phán – thương lượng khi có những bất đồng có thể dẫn đến xung đột.

Nét thuần phong mĩ tục của dân tộc ta liệu còn được gìn giữ cho đến ngày nay? Sự ngạc nhiên là nền văn hóa đã có sự giao thoa, để từ đó có những điều tốt và xấu đang tồn tại đan xen nhau. Phải chăng cần phải có những tiếng chuông thức tỉnh để từ đó nhằm nâng cao văn hóa ứng xử trong giao tiếp xã hội của dân tộc ta.

Bắt nguồn từ hiện thực đó, cuốn sách “Người Việt từ nhà ra đường” chính là những lời khuyên, tâm huyết của tác giả gửi đến bạn đọc xa gần về cách sống, cách ứng xử hàng ngày để mỗi người có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

ĐỌC THỬ

1VÀNG VÀ CÁT

Đọc lại tạp chí Hữu Thanh của Tản Đà chủ biên khoảng năm 1921-1924, có một câu châm ngôn thật hay, tiếc là cụ Tản Đà lại đề là Khuyết danh mà không cho biết tác giả là ai, rằng:

“Ngồi trên đống cát, ai cũng có thể là hiền nhân quân tử, nhưng ngồi trên đống vàng mới thực sự biết ai là quân tử hiền nhân”.

Ngày nay, các cơ quan thông tin đại chúng thường phanh phui các vụ ăn cắp, tham ô, tham nhũng, lũng đoạn thị trường, lừa đảo… tiền tỷ, thậm chí hàng nghìn tỷ, ta thấy thủ phạm toàn là những kẻ có tí chức quyền trong tay, những kẻ có quyền chi tiêu, quyền ghi chép vào sổ sách hay không ghi chép, có quyền bắt người khác làm theo ý riêng mình để bòn rút của Nhà nước, của tập thể, của người dân. Khi vỡ lở ra, cái dùi (chứ không phải cái kim) trong bọc lòi ra, thì cháy nhà mới ra mặt chuột, chiếc mặt nạ rơi xuống, lộ nguyên hình những con sâu mọt làm khổ người lành.

Bọn này bị trừng phạt là đáng lắm, mà cần phạt nặng để làm gương, bởi chúng là người “ngồi trên đống vàng” như Tản Đà trích dẫn cách đây bảy, tám mươi năm.

Không hề thấy báo đăng tin chị thợ cấy thuê ở nông thôn, ngày công dăm bảy nghìn bạc, tham nhũng triệu nào, tỷ nào của ai bao giờ. Không thấy anh thợ mộc làm thuê, đục gỗ, bào gỗ tham ô của Nhà nước chút gì. Không thấy cô bán hoa rong trên phố tham nhũng đồng nào của Nhà nước hay của hợp tác xã. Họ chỉ được ngồi trên đống cát vậy. Chả lẽ lại tự tham ô, tham nhũng, lấy mươi đồng từ túi bên trái để sang túi bên phải ngay trong cái áo rách của mình?

Xưa không thiếu gì những ông quan thanh liêm. Nay không thiếu gì cán bộ liêm khiết, trong đó có một Nguyễn Lương Bằng, nguyên Phó Chủ tịch nước là tấm gương sáng chói. Đáng kính thay là những tấm lòng trong sáng. Nhưng cũng đáng giận và đáng khinh thay là những trái tim đen tối, thấy tiền thấy vàng là tối mắt, lao vào con đường tội lỗi. Bia đá và bia miệng còn kia. Nhưng trước hết, tấm bia luật pháp cần nghiêm minh hơn nữa.

2VĂN HÓA VÀ MÊ TÍN

Chuyện xưa kể rằng “khi con người bước qua cuộc sống sang cõi chết, phải đi đò qua con sông “Lê Thê”, bọn quỉ sứ của Diêm Vương bắt mọi linh hồn ăn “cháo lú” để từ nay vĩnh viễn quên đường về”.

Có một người con chí hiếu tên là Mục Kiều Liên thương nhớ mẹ khôn nguôi, không hiểu ở cõi xa xôi ấy, mẹ mình sướng khổ ra sao, nên một lần chàng quyết đi tìm mẹ. Nhờ phép thần thông, chàng xuống được âm phủ, một thuyết khác nói là chàng phải làm phúc cho mọi người bằng cách xây chùa trăm gian, bắc cầu chín nhịp thì được gặp mẹ. Chàng đã làm và được gặp mẹ thật. Các vong hồn trong cõi âm ty chỉ được Diêm Vương thả ra đúng một ngày mỗi năm: Đó là dịp lễ Trung Nguyên, rằm tháng bảy âm lịch, còn quanh năm bị giam cầm đầy đọa. Ngày hôm ấy, chàng Mục thấy không biết bao nhiêu linh hồn vất vưởng, lang thang, đói khát, rách rưới. Nghe theo lời mẹ, chàng trở về dương gian, đúng ngày ấy lên chùa cầu kinh, cúng cháo lá đa, đốt vàng mã cho các linh hồn kia đỡ tủi. Từ đó, ngày rằm tháng bảy còn được gọi là ngày “xá tội vong nhân”. Và mọi ngôi chùa đều tổ chức cúng bái, chiêu niệm cho linh hồn siêu sinh tịnh độ, ai có điều kiện thì tổ chức bữa cúng cháo lá đa công cộng, có đủ thanh bông hoa quả, cháo hoa đựng trong những chiếc bồ đài bằng lá đa cắm dọc đường quan, sau đó những người nghèo đói ở trên trần gian tha hồ vào cướp cỗ mà ăn…

Ta không bàn về chuyện cũ có thực hay hư cấu. Không bàn đến chuyện đổ vàng mã đốt đi có trở thành đồ thật ở cõi ta hay không. Vào ngày rằm tháng bảy thường có đôi ba hạt mưa, người ta cho rằng mưa thế để dâng nước trên con sông “Lê Thê”, cho thuyền chở mã để đến với mọi linh hồn trong cõi ấy. (Thực ra, đây là tháng ngâu, rất dễ mưa).

Cho đến nay, vật đổi sao dời, bao thế kỷ đãqua, tục cúng rằm tháng bảy đã trở thành phong tục, thành một ngày Tết nhỏ, lễ nhỏ mà dân gian các vùng thường vẫn tổ chức.

Thực ra, dân tộc Việt Nam từ lâu đã có phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà cha mẹ khi đãkhuất, coi họ vẫn như đang còn sống ở một thế giới khác. Đó là lòng tưởng nhớ, sự biết ơn, niềm sùng kính với tiền nhân, đến cội nguồn. Một phong tục đẹp trong nền văn hoá truyền thống, một nét tâm linh luôn được thắp lên từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chuyện có hay không có linh hồn, có hay không có một thế giới khác là của các nhà khoa học. Nhưng thực tế, có một sự suy nghĩ coi trọng đời sống tinh thần, coi trọng cội nguồn vẫn đang tồn tại trong tâm khảm mọi người Việt Nam, mà câu chuyện Mục Kiều Liên kia chỉ là cái cớ. Bữa cỗ cúng cháo lá đa để người đang sống được tha hồ ăn uống, là một nét đẹp. Nó không còn là sự bố thí thông thường, mà là sự chia sẻ để vợi đi một phần nhỏ thống khổ cuộc đời. Chả thế mà đại thi hào Nguyễn Du cũng đã có bài “Văn tế thập loại chúng sinh” thường gọi là “Văn chiêu hồn”, một áng văn chương bất tử như một bài kinh cầu nguyện cho những ai đã ra đi khỏi cuộc đời, tan vào hư vô nhưng còn sống mãi trong lòng người còn sống.

Tết Trung Nguyên cho ngày “Xá tội vong nhân” cũng đẹp như Tết Trung thu của trẻ em, Tết 10 tháng 10 là ngày cơm mới, hay Đoan ngọ là mùng 5 tháng 5, dù ý nghĩa mỗi ngày có khác nhau. Nhớ người đã khuất, thương xót kẻ không còn là nét đẹp của văn hoá Việt Nam, một dân tộc trọng tình người, đề cao nhân nghĩa, thuỷ chung.

Duy chỉ có điều đáng bàn chút ít là nhân ngày Tết ấy, thời gian càng phôi pha thì càng có kẻ lợi dụng, dùng nó như một chiêu bài cho mê tín dị đoan, được lồng vào tín ngưỡng. Từ lâu, tín ngưỡng và mê tín thường có ranh giới không rõ rệt, dễ làm nhiều người ngộ nhận nên rất dễ bị lợi dụng cái tốt để làm điều không tốt. Trong đó tục đốt vàng mã là một. Chưa ai chứng minh được rằng có người từ cõi chết trở về. Cũng chưa ai chứng minh được cái áo bằng giấy đốt đi lại thành áo thật. Đến cửa Phật cũng phải bài trừ tục mê tín ấy. Chùa Trấn Quốc, chùa Bà Đá, những ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội phải yết biển “Không đem vàng mã vào chùa”, thì rõ ràng là không ai có thể đồng tình với thói mê tín, dị đoan này.

Hiện tại, người ta đã đi quá đà gây lãng phí lớn, có nhà giàu xổi, phất lên nhanh, ngày rằm tháng bảy, đặt hàng mã cả xe máy Dream, tủ lạnh, ti vi màu, hình nhân là mấy cô gái mặt hoa da phấn cho người chết dùng, tiêu hàng triệu đồng, đốt đi không biết bao nhiêu giấy tốt. Có người đã nhẩm tính, mỗi năm số giấy làm hàng mã bị đốt đi lên đến con số hàng chục, hàng trăm tấn, trong khi các vùng xa còn thiếu đói, trẻ em không có giấy viết để đến trường. Đó là một điều hiển nhiên vô lý, khó chấp nhận.

Gia đình nào mà chẳng có những người quá cố, dù mất đã lâu hay mới. Gia đình nào cũng có bàn thờ với bát nhang nghi ngút. Công giáo nào cũng có bàn thờ kiểu Công giáo. Tục thờ cúng tổ tiên rõ ràng là một nét đẹp, thể hiện tâm hồn người Việt Nam coi trọng truyền thống văn hoá, tôn kính cội nguồn. Rằm tháng bảy, cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát cũng vẫn là nét đẹp. Nó cũng như đi thanh minh hay tảo mộ, ngày giỗ thắp hương để con cháu nhớ đến ông bà.

Chỉ riêng chuyện lấy ngày này làm cái cớ mà thực hiện hành động mê tín như gọi hồn, gọi rí, đốt vàng mã vô tội vạ… thì không còn là lĩnh vực tâm linh nữa mà đã trở thành mê tín, dị đoan, cần được chỉnh sửa.

Văn hoá vốn rất đa dạng, có vật thể và phi vật thể. Chúng ta cũng luôn tôn trọng mọi tín ngưỡng khác nhau. Nhưng sống trong thời đại khoa học kỹ thuật, khó mà chấp nhận những điều phi lí nhân danh tâm linh được. Đứng về khía cạnh kinh tế cũng vậy, gia đình còn thiếu thốn nhiều thứ, xã hội còn phải tiết kiệm, bỗng dưng đốt đi bao nhiêu tiền của, giấy má đáng quí cũng khó mà đồng tình cho được.

Một nén nhang, một bông hoa nhớ đến người xưa, đó chính là văn hoá, là điều chúng tôi hằng tâm niệm về cội nguồn, về quá khứ về những công đức sinh thành ra ta và cả giống nòi này. Vì vậy mà càng cần dẹp bỏ điều mê tín không đẹp, không phù hợp nữa.

3SANG VÀ TRỌC

Giàu sang” và “Nghèo hèn” là cụm từ hay từ ghép? Gì cũng được, bởi giàu mới có thể sang, và nghèo thường đi với hèn. Đó là lẽ thông thường và cách hiểu thông thường xưa nay. Tuy nhiên trên đời lại có anh trọc phú, có giàu mà không sang, mà ô trọc, cũng có ông thầy giáo làng, tức ông đồ, nghèo mà thanh cao, trong sáng một kiểu sang nhiều người bắt chước cả đời không được. Vậy nên hiểu thế nào về cái từ “sang” đây?

Bà ta, mẹ ta nghèo khó, một đời yếm vá, cơm độn ngô khoai chân lấm tay bùn, thắt lưng buộc bụng… mà dạy ta biết: “Đói cho sạch rách cho thơm”, biết không sợ kẻ cường hào đè nén, biết “thấy người hoạn nạn thì thương”, biết “miếng ăn là miếng nhục”, miếng ăn “quá khẩu thành tàn”, cũng dạy ta biết thương yêu đùm bọc, biết đường hoàng trong trắng, sạch sẽ, công minh, nghiêm chỉnh… mà nay xã hội thừa nhận là văn hoá, là người có văn hoá… Vậy thì cái sự nghèo đó là sang hay hèn?.

Xưa thiếu gì kẻ giàu nứt đố đổ vách mà bủn xỉn, cay nghiệt, tham lam, tàn ác, nhũng nhiễu, dâm loạn… thì cái giàu ấy là sang hay hèn?.

Nay, không thiếu gì kẻ giàu xổi, phất lên nhanh nhờ những thủ đoạn mờ ám, mặc bộ quần áo đắt tiền nhưng khinh người như rác, ăn nói thô tục (vì học ít quá), say sưa, loạng choạng, vũ phu với vợ con, cạnh khoé cùng hàng xóm, kèn cựa với đồng nghiệp… có thể đi nhà hàng một đêm hàng triệu đồng nhưng bà lão mù đứng cửa xin bố thí một trăm đồng nhỏ, hắn ta không những không cho mà còn mắng mỏ, đuổi đi một cách tàn nhẫn… cái sự giàu đó là sang hay là ngược lại?

Ngẫm không có một xã hội nào từ xưa cho đến sau này ở đâu tất cả mọi người đều sướng như vua, chiêu đãi bữa tiệc suốt một tuần hết 4000 lạng vàng như Từ Hy Thái hậu, hay như vua xứ Ethiôpi trước đây, mỗi năm tắm bằng máu hai cô gái đồng trinh bị cắt tiết pha vào hồ nước, hoặc một ông vua khác, nhiều vàng quá, không biết dùng vào việc gì bèn đúc vàng thành cái giảm chấn ở đầu ôtô v.v… Nhưng cũng không có một xã hội nào chỉ có toàn những Chí Phèo, Thị Nở, chị Dậu hay Chử Đồng Tử (hai cha con phải chung một khố) khi chưa gặp công chúa Tiên Dung… đến nỗi cái lều không có mà ở, áo không có mà mặc…

Một xã hội có người giàu và người nghèo là đương nhiên, tất yếu. Nhưng giàu có phải là sang không và nghèo có chắc là hèn không, thì đôi khi ta phải suy nghĩ lại, phải xem xét cho thấu lý đạt tình trong từng trường hợp cụ thể.

Gần đây có người cho rằng ăn quà là thường tình và đã là quà thì không cần phân biệt sang hay không sang. Phở chẳng hạn. Bát phở là bát phở, không có sang hèn trong đó.

Xin thưa, chưa chắc!

Chị hàng rong mua một đồng phở không (không thịt) xin thêm chút nước dùng, bẻ cái bánh mì ra mà chấm mà ăn, cầm hơi một ngày rong rao trên phố… so với mấy ông mở cửa xe bóng loáng, vào ăn phở, phố Lê Văn Hưu, phố Nam Ngư, đầu phố Nguyễn Du, bát phở tú hụ, ăn không hết bỏ đi, rồi ra cửa trả một vài trăm nghìn không cần đếm. Có sự sang và không sang trong cách ăn quà đó không, trong bát phở đó không?

Ranh giới giữa cái sang và không sang thật khó xác định. Nhưng thế nào là sang, thế nào là trọc, có lẽ khó mà thống nhất trong quan niệm.

Nước ta vốn nghèo, nhưng với một nền văn hiến, văn hoá để lại cho chúng ta như ngày nay, thì dân tộc này là sang hay là trọc?

Mấy tên giàu có, được gọi là “đại gia” nhưng ăn cắp, ăn cướp, ăn chặn (có kẻ ăn chặn cả tiền đền bù cho dân ở lòng hồ sông Đà) rồi phải ra toà, bị tuyên án tử hình, tù chung thân… là sang hay là trọc?

Người Việt Nam bình thường chúng ta, ra đường “phẳng phiu” ngay ngắn, nói năng thanh lịch, ăn ở đường hoàng, rộng lòng khoan dung, sẵn sàng chia sẻ, tự nâng cao trình độ ngày ngày, biết dạy con cháu gìn giữ gia phong quốc pháp… rõ ràng là sang, chứ gì?

Không thể chỉ đánh đồng mọi sinh hoạt cũng như không thể coi vẻ bề ngoài mà kết luận khiên cưỡng. Sang và Trọc phải có cội rễ trong mỗi con người.

1999


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button