Kỹ năng mềm

Học Từ Vấp Ngã Để Từng Bước Thành Công

Lời giới thiệu

“Thay vì chạy trốn khỏi rắc rối như hầu hết mọi người vẫn làm, hãy theo đuổi chúng đến cùng. Nếu làm được điều đó, tôi dám chắc nó sẽ thay đổi cuộc đời bạn”.

Thành công và thất bại chỉ đơn thuần là những điểm mốc nối tiếp nhau trong cuộc sống để tôi luyện nên sự trưởng thành của con người. Thất bại giúp con người đúc kết được kinh nghiệm để vươn tới chiến thắng và khiến những thành công đạt được thêm phần ý nghĩa.

Trong cuốn Học từ vấp ngã để từng bước thành công, John C. Maxwell đã chỉ cho chúng ta cách để kiểm soát được cảm xúc và suy nghĩ của bản thân mỗi khi có một việc diễn ra ngoài mong đợi. Cuốn sách chứa đựng những lời khuyên, bài học cũng như những ví dụ minh họa thực tiễn để minh chứng cho chân lý “Thất bại là mẹ thành công”. Thất bại chính là bàn đạp vững chắc tạo đà đưa bạn vươn tới thành công một cách nhanh chóng. Sự sợ hãi, lúng túng, bi quan những lúc vấp ngã chỉ làm mọi việc tồi tệ hơn. Thái độ sống, sự nhìn nhận đúng đắn về quan niệm thắng – bại mới chính là yếu tố cốt lõi tạo nên thành công. Qua 15 bài học giúp thay đổi thái độ cũng như cách nhìn nhận để chuyển bại thành thắng trong cuốn sách này, bạn sẽ được tôi luyện một cách nhuần nhuyễn và khai phá được sự tích cực ở bản thân, để rồi nhận ra rằng, thất bại không phải là kẻ thù mà là một trơ thủ đắc lực, một người bạn đồng hành của chúng ta trên con đường hướng tới thành công.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Điều gì tạo nên người thành công vượt trội? Tại sao có người liên tục thăng tiến trong khi những người khác lại lao dốc không phanh? Bạn có thể nghĩ đó là do may mắn hay phép màu, hay một tên gọi khác, tùy bạn. Nhưng sự thật là vẫn có một số người đạt được những thành quả đáng kinh ngạc dù gặp phải những trở ngại to lớn. Họ lọt vào nhóm 5 công ty có doanh số bán hàng cao nhất toàn quốc dù đã bị mất đi vài khách hàng lớn. Họ khéo léo tìm ra các cách tăng lợi nhuận cho bộ phận của mình trong tình trạng bị cắt giảm ngân sách. Họ vẫn giành được tấm bằng tốt nghiệp khi đang là những ông bố, bà mẹ đơn thân. Họ khám phá ra cơ hội kinh doanh tuyệt vời khi đồng nghiệp không nhận ra. Họ tuyển chọn được một nhân viên tiềm năng dù anh ta có bề ngoài không mấy ấn tượng. Dù ở đâu, họ cũng có thể hiện thực hóa được mọi việc.

NGUỒN GỐC CỦA THÀNH CÔNG

Điều gì làm nên sự khác biệt? Tại sao vẫn có người tạo ra được nhiều điều kỳ diệu? Có phải vì…

  • Nền tảng gia đình? Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình căn bản là một điều thật đáng để biết ơn, nhưng đó không phải là chỉ số đáng tin cậy để đo lường thành công. Trong số những người thành công, cũng có nhiều người xuất thân từ một gia đình không hạnh phúc.
  • Sự giàu có? Những người thành công lớn thường lại xuất thân từ gia đình trung lưu, thậm chí tầng lớp hạ lưu. Giàu có không phải là chỉ số đo lường thành tích xuất sắc và nghèo khổ cũng không phải nguyên nhân dẫn đến thành tích kém cỏi.
  • Cơ hội? Cơ hội là một yếu tố rất đặc biệt. Hai người có năng khiếu, tài năng và nguồn lực giống nhau cùng nhìn nhận một hoàn cảnh, có người thấy được cơ hội lớn, trong khi người kia lại không. Cơ hội nằm ở cách nhìn nhận của mỗi người.
  • Đức hạnh? Đây không phải là chìa khóa để thành công dù tôi đã từng mong như vậy. Tôi từng biết rất nhiều người đức hạnh nhưng chỉ tạo ra được những điều nhỏ bé. Và tôi cũng từng gặp một tên du thủ du thực lại trở thành ông chủ lớn.
  • Thiếu sự thử thách? Đã từng có một Helen Keller1 vượt qua những khuyết tật khủng khiếp hay một Viktor Frankl2 có thể sống sót sau những kinh hoàng tột độ. Vì thế, đây cũng không phải là lý do cho sự thất bại.

Không yếu tố nào kể trên là chìa khóa của thành công. Khi suy nghĩ kỹ hơn một chút, tôi nhận ra rằng yếu tố ngăn cách giữa người đạt được thành công và những người khác chính là cách họ nhận thức và phản ứng trước thất bại. Không yếu tố nào khác có tác động tương tự tới khả năng đạt được và hoàn thành điều mong muốn trong tâm trí và trái tim của con người.

NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC HỌC Ở TRƯỜNG

Cầu thủ bóng đá Kyle Rote Jr. từng nói rằng: “Rõ ràng có rất nhiều cách để trở thành người chiến thắng nhưng chỉ có một con đường duy nhất để làm người thua cuộc, đó là không vượt qua thất bại khi đương đầu với nó”. Mọi người đã nhìn nhận và đối diện với thất bại ra sao – liệu họ có làm chủ khả năng vượt qua thất bại và tiếp tục tiến lên – điều này có tác động tới mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sở hữu khả năng này. Phần lớn mọi người đều không biết phải bắt đầu rèn luyện từ đâu.

Ngay cả những người tích cực cũng cần một khoảng thời gian dài để học cách nhìn nhận thất bại theo hướng tích cực. Chẳng hạn như tôi thường được biết đến là người rất tích cực. Cuốn sách The Winning Attitude (tạm dịch: Thái độ chiến thắng) của tôi đã được in và tái bản trong suốt 15 năm. Tuy vậy, tôi không hẳn là người lúc nào cũng có khả năng vươn lên từ thất bại. Trước đây, tôi không được chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó. Đó chắc chắn không phải là thứ mà tôi và kể cả trẻ em ngày nay được dạy ở trường. Thực tế, trường học thường làm tăng cảm xúc tiêu cực của con người và những suy nghĩ về sự thất bại.

Dưới đây là thái độ của tôi trước đây về thất bại. Liệu bạn có những trải nghiệm tương tự như tôi không?

  1. Sợ thất bại. Ngày đầu tiên tôi bước vào lớp với tư cách sinh viên năm nhất, vị giáo sư giảng dạy môn lịch sử văn minh đã dõng dạc tuyên bố: “Một nửa lớp sẽ bị trượt môn học này”.

Phản ứng đầu tiên của tôi là sợ hãi! Tính đến thời điểm đó, tôi chưa từng trượt một môn nào. Và tôi không muốn có một thất bại được báo trước như vậy. Câu hỏi đầu tiên tôi tự hỏi bản thân là Giáo sư muốn điều gì? Trường học trở thành một trò chơi và tôi muốn giành chiến thắng.

Tôi nhớ mình đã dành 83 ngày học thuộc để chuẩn bị cho bài kiểm tra môn học này bởi thầy giáo cho rằng nếu có thể trích dẫn ngày tháng là bạn đã có thể nắm vững kiến thức. Tôi đạt điểm A cho bài kiểm tra nhưng chỉ 3 ngày sau, tôi đã quên sạch kiến thức. Tôi nỗ lực để tránh sự thất bại mà tôi sợ hãi nhưng tôi chưa thực sự thành công.

  1. Hiểu lầm về thất bại. Khi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng thất bại được đo lường bằng tỷ lệ phần trăm. 65% hoặc thấp hơn là tỷ lệ của thất bại. 70% hoặc cao hơn là tỷ lệ của thành công. Tuy nhiên, suy nghĩ đó không giúp ích được gì cho tôi. Thất bại không phải là những con số, một bài kiểm tra hay những sự kiện riêng lẻ mà là một quá trình.
  1. Không chuẩn bị cho thất bại. Khi tốt nghiệp đại học, tôi đứng trong nhóm 5 sinh viên đứng đầu lớp. Điều đó thực ra không có nhiều ý nghĩa. Tôi từng học hành rất chăm chỉ và đã thu lượm được vô vàn kiến thức. Tuy nhiên, tôi đã không chuẩn bị cho những điều đang chờ đợi mình khi rời khỏi ghế nhà trường.

Tôi phát hiện ra điều đó khi nhận công việc đầu tiên. Tôi trở thành mục sư trong một nhà thờ nhỏ ở nông thôn và làm việc rất chăm chỉ. Tôi làm tất cả những gì mọi người có thể mong đợi ở tôi và hơn thế nữa. Nhưng thành thật mà nói, tôi quan tâm tới việc khiến mọi người thích tôi khi tôi giúp đỡ họ hơn.

Theo quy định của nhà thờ nơi tôi làm việc, mỗi năm giáo dân sẽ bỏ phiếu để quyết định xem mục sư có được phép tiếp tục công việc hiện tại hay không. Một số người mà tôi biết thích khoe khoang về số phiếu nhất trí tuyệt đối nhận được từ người dân. Tôi cũng hy vọng rằng mình sẽ nhận được số phiếu nhất trí tuyệt đối. Kết quả ngoài sức tưởng tượng: 31 phiếu nhất trí, 1 phiếu không và 1 phiếu trắng. Tôi thực sự suy sụp.

Sau khi trở về nhà, tôi gọi điện cho cha của mình, một cựu mục sư, nhà quản lý khu vực trong giáo phái kiêm hiệu trưởng của một trường đại học.

Tôi than thở: “Cha ơi! Con không thể tin nổi. Con đã làm việc rất chăm chỉ. Con làm mọi thứ có thể.” Tôi bắt đầu rơi nước mắt. “Ai đó đã bỏ phiếu trắng và muốn con rời khỏi nhà thờ! Một phiếu trắng cũng chẳng khác nào một phiếu phản đối. Con có nên từ bỏ và tới một nhà thờ khác không?”

Thật bất ngờ, tôi nghe thấy một tiếng cười vang từ phía đầu dây bên kia: “Không, con trai ạ, hãy cứ ở đó,” cha tôi vừa nói vừa cười. “Đó chính là lá phiếu tuyệt nhất mà con nhận được.”

“Rõ ràng có rất nhiều cách để trở thành người chiến thắng nhưng chỉ có một con đường duy nhất để làm người thua cuộc, đó là không vượt qua thất bại khi đương đầu với nó.”

– Kyle Rote Jr.

MỘT KHÓA HỌC MỚI

CÁCH ĐƯƠNG ĐẦU VỚI TRỞ NGẠI

Khi nghĩ tới những người có thể nhìn thấy và đón đầu những khó khăn trước mắt, người đầu tiên xuất hiện trong tâm trí tôi là Mary Kay Ash. Cô đã tự gây dựng được tập đoàn của riêng mình. Trong suốt 4 đến 5 năm qua, tôi có nhiều cơ hội nói chuyện với những người làm việc trong các công ty mỹ phẩm của cô về khả năng lãnh đạo. Thực tế, khi tôi tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo trong cả nước, chuyên gia tư vấn Mary Kay đã nhiều lần tới tham dự.

Tôi rất ngưỡng mộ Mary Kay vì cô đã vượt qua nhiều trở ngại trong sự nghiệp và chưa bao giờ để thất bại khiến mình chùn bước. Công việc đầu tiên của Mary Kay là bán hàng gián tiếp (Indirect sales) và cô đã khá thành công. Tuy nhiên, cô cũng nhận ra rằng thật khó để một phụ nữ thành công trong giới kinh doanh, đặc biệt là giai đoạn những năm 50, 60 của thế kỷ XX, thậm chí là sau 25 năm thành công của mình. Cô cho biết:

Tôi đã làm việc theo cách riêng để trở thành một thành viên thuộc Hội đồng Quản trị gồm toàn nam giới của công ty dù cho đội ngũ bán hàng của chúng tôi đều là nữ. Các ý kiến của tôi không có chút giá trị nào. Tôi liên tục nghe thấy người ta nói: “Mary Kay, hãy suy nghĩ như một phụ nữ đi!” Tôi cảm thấy bị chối bỏ quá gay gắt nên quyết định thôi việc.

Tuy nhiên, thời gian nghỉ việc của cô không kéo dài. Khoảng một tháng sau, cô đã có định hướng mới. Cô đã sẵn sàng bắt đầu công việc kinh doanh của riêng mình. Nếu gặp phải trở ngại thì đó chính là những trở ngại mà cô tự mang đến cho bản thân. Cô quyết định kinh doanh mỹ phẩm và tạo ra cơ hội làm việc cho phụ nữ. Cô mua công thức làm đẹp từ các hãng mỹ phẩm danh tiếng nhất mà cô từng biết, lập kế hoạch tiếp thị và chuẩn bị thành lập công ty.

GIAN NAN!

Không lâu sau, cô đã vấp phải trở ngại đầu tiên. Khi cô tới gặp luật sư để thỏa thuận thể chế pháp lý cho công ty, anh ta đã xúc phạm cô và dự đoán trước thất bại. “Mary Kay,” anh ta nói, “nếu muốn vứt tiền tiết kiệm, cô cứ đi thẳng ra thùng rác. Như vậy sẽ đơn giản hơn nhiều so với những gì cô đang dự định làm”. Kế toán của cô cũng nói với cô những lời tương tự.

Bỏ ngoài tai những lời can ngăn, cô vẫn tiếp tục dự định của mình. Cô đầu tư 5.000 đô-la − tất cả số tiền mà cô dành dụm được − vào công việc kinh doanh mới. Cô để chồng phụ trách mảng hành chính trong khi cô tất bật cho việc chuẩn bị các sản phẩm, thiết kế bao bì, viết tài liệu đào tạo và tư vấn tuyển dụng. Họ đã tạo nên một bước tiến phi thường. Nhưng thật không may, một tháng trước khi công ty đi vào hoạt động, chồng cô qua đời sau một cơn đau tim ngay tại bàn ăn.

Hầu hết mọi người đều chấp nhận thất bại và rút lui mà không thể tiếp tục gắng gượng sau biến cố đó. Song, Mary Kay vẫn không ngừng nỗ lực và đã đưa công ty của mình vào hoạt động ngày 13/9/1963. Hiện nay, công ty có doanh thu hàng năm lên đến trên 1 tỷ đô-la, với 3.500 nhân công và 500.000 chuyên viên tư vấn bán hàng trực tiếp tại hơn 29 thị trường trên toàn thế giới. Mary Kay Ash đã bất chấp hoàn cảnh khó khăn với muôn vàn trở ngại và gian khổ để gặt hái được thành công.

CÂU HỎI PHI THỰC TẾ

Đến tuổi trưởng thành, một trong những câu hỏi tôi thường nghe thấy từ những diễn giả truyền động lực là: “Nếu khả năng thất bại bị loại bỏ, bạn sẽ nỗ lực để đạt được điều gì?”

Với tôi, đây có vẻ là một câu hỏi thú vị. Có lúc, nó nhắc nhở tôi luôn hướng tới những điều có thể xảy ra trong cuộc sống. Sau này, tôi nhận ra rằng đó thực sự là một câu hỏi tẻ nhạt. Bởi nó đẩy tư duy mỗi người vào con đường lầm lạc. Bạn không thể đạt được thành công nếu chưa từng nếm trải thất bại. Với tôi, một câu hỏi hay hơn là: Nếu nhận thức và cách phản ứng với thất bại của bạn thay đổi, bạn sẽ nỗ lực để đạt được điều gì?

Tôi không biết bạn đang phải đối mặt với những trở ngại nào trong cuộc sống. Song trở ngại nào cũng đều không phải là vấn đề. Vấn đề quan trọng là cuộc đời bạn có thể thay đổi nếu bạn sẵn sàng nhìn nhận thất bại theo một cách khác. Bạn có tiềm năng vượt qua mọi khó khăn, sai lầm hoặc rủi ro. Tất cả những gì bạn phải làm là học cách tiến lên từ thất bại. Nếu bạn đã sẵn sàng, hãy tiếp tục đọc những trang sau và hành động!

Nếu nhận thức và cách phản ứng với thất bại của bạn thay đổi, bạn sẽ nỗ lực để đạt được điều gì?

Bước đầu tiên để tiến lên từ thất bại: Xác định điểm khác biệt lớn nhất giữa kẻ tầm thường và người thành công.

Hãy quan sát cách những người thành công đối diện với những trải nghiệm tiêu cực, bạn có thể học được nhiều điều về cách tiến lên từ thất bại. Dưới đây là bảng thống kê phân biệt đâu là những hành động dẫn đến thất bại, đâu là cách để học hỏi từ những thất bại:

Hãy nhớ lại thất bại bạn mới trải qua gần đây. Bạn đã phản ứng ra sao? Vấn đề của bạn nan giải đến đâu không quan trọng, bởi chìa khóa để vượt qua khó khăn không nằm ở việc thay đổi hoàn cảnh mà ở sự thay đổi của chính bản thân bạn. Nếu sẵn sàng làm điều đó, nghĩa là bạn có thể đương đầu với thất bại. Từ bây giờ, hãy cam kết sẽ làm bất cứ điều gì để tiến lên từ thất bại.

Các bước để tiến lên từ thất bại:

  1. Xác định điểm khác biệt lớn nhất giữa kẻ tầm thường và người thành công.

ĐỊNH NGHĨA LẠI THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG

ĐỊNH NGHĨA MỚI VỀ THẤT BẠI VÀ THÀNH CÔNG

Sự khác biệt giữa vĩ nhân và kẻ tầm thường là cách mỗi người nhìn nhận sai lầm.

— Nelson Boswell

Ngày 6/8/1999, tại sân Montreal, một cầu thủ bóng chày chuyên nghiệp di chuyển tới vị trí chốt nhà3 và tiếp tục bị loại một lần nữa – lần thứ 5.113 trong sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp của anh. Có rất nhiều sai lầm tại vùng đứng đánh bóng (batter’s box4) mà không có cú đánh thành công nào! Nếu một cầu thủ liên tục bị loại, trung bình khoảng 4 lượt đánh bóng mỗi trận, anh ta sẽ phải chơi 8 mùa giải (1.278 trận liên tiếp) mà không được chạy tới chốt số 1 (first base)!

Sau trận đấu, cầu thủ nọ hẳn sẽ nản lòng lắm? Không. Liệu anh có nghĩ anh đã thất bại với chính mình hay với đội của anh? Không. Vào đầu trận đấu này, khi xuất hiện lần đầu tiên tại gôn nhà, cầu thủ này đã đạt được một kỳ tích đặc biệt, điều mà chỉ có 21 cầu thủ trong lịch sử bóng chày đạt được. Anh đã có cú đánh thành công thứ 3.000. Cầu thủ này chính là Tony Gwynn của đội San Diego Padres.

Suốt trận đấu, Tony đã thực hiện thành công 4/5 cú đánh bóng. Nhưng đó không phải là thành tích thường thấy của anh, anh thường đánh hỏng 2 trên 3 cú. Những kết quả này dường như không đáng khích lệ nhưng nếu am hiểu về bóng chày, bạn sẽ nhận ra rằng khả năng Tony chắc chắn thành công 1 trong 3 lần thử đã đưa anh trở thành cầu thủ đánh bóng xuất sắc nhất trong thế hệ của anh. Và Tony nhận ra rằng để tạo nên những cú đánh bóng thành công, anh phải trải qua rất nhiều lần bị loại.

Tôi từng là người hâm mộ Tony Gwynn trong suốt hơn một thập kỷ. Khi sống ở San Diego, tôi đã xem anh chơi trận đầu tiên và tiếp tục quan tâm hơn tới sự nghiệp của anh. Tôi muốn được tận mắt xem trận đấu khi anh thực hiện cú đánh bóng thành công thứ 3.000 – một chiến công tuyệt vời.

Vào ngày người ta kỳ vọng Tony đạt được kỳ tích vĩ đại đó, tôi vừa mới kết thúc bài giảng về khả năng lãnh đạo tại một hội nghị ở Chicago và phải tiếp tục giảng tại Philadelphia vào ngày hôm sau. Tuy vậy, tôi đã phải đổi vé máy bay và gọi rủ cậu con rể Steve, người sẽ có mặt trong hội nghị tiếp theo với tôi, đi cùng. Chúng tôi đã lên ngay chuyến bay tới Montreal để kịp xem trận đấu.

Trong suốt hành trình, tôi biết lịch trình của mình sẽ rất sát sao nhưng theo tính toán, chúng tôi vẫn có thể theo đúng lịch trình. Mọi thứ có vẻ rất ổn cho tới khi ra khỏi máy bay, Steve gặp trục trặc với các thủ tục hải quan. Từng giây qua đi, tôi gần như chắc chắn chúng tôi sẽ bỏ lỡ cú đánh đầu tiên của Tony. Khi chúng tôi tới được sân vận động, Tony đã đánh xong cú đánh thứ 3.000 trong sự nghiệp.

BẠN ĐỊNH NGHĨA THẾ NÀO VỀ THẤT BẠI?

Khi nhận ra rằng chúng tôi có thể bỏ lỡ khoảnh khắc lịch sử của Tony, chúng tôi đã từ bỏ? Không. Khi tới sân vận động và biết rằng đã quá trễ, chúng tôi sẽ quay về nhà? Không. Chúng tôi đã rất vui vẻ khi trở thành một phần của ngày đáng nhớ đó. Và giống như Tony, chúng tôi kiên trì theo dõi hết trận đấu, được xem những cú đánh thành công của anh là sự tưởng thưởng xứng đáng cho chúng tôi. Vào những phút cuối của trận đấu, khi Tony đánh hỏng một quả lên khán đài, tôi đã nhặt được. Vài tuần sau, chính Tony đã ký tặng tôi vào trái bóng đó. Tôi đã có một món quà lưu niệm về quả bóng thành công thứ 3.000 của anh ấy và giữ gìn nó cho tới tận bây giờ.

Một trong những vấn đề lớn nhất của con người khi đương đầu với thất bại là họ đưa ra phán xét quá nhanh về những tình huống trong cuộc sống và gán cho chúng là thất bại. Thay vào đó, họ nên mở rộng tâm trí hơn. Cũng giống như Tony Gwynn, đừng vì một lượt bị loại mà nghĩ mình là kẻ thất bại. Tony xem xét tình huống trong bối cảnh rộng lớn hơn. Viễn cảnh tương lai đã giúp anh kiên trì tới cùng. Nó mang lại sự gắn bó lâu dài. Và sự gắn bó đó trao cho anh cơ hội thành công.

THẤT BẠI KHÔNG PHẢI LÀ…

Thay đổi quan niệm về thất bại sẽ giúp bạn kiên trì và cuối cùng sẽ đạt được những khát vọng của bản thân. Vậy, bạn nên đánh giá như thế nào về thất bại? Hãy bắt đầu từ việc phân tích kỹ hơn 7 quan niệm sai lệch về thất bại:

  1. Người ta thường nghĩ mình có thể né tránh được thất bại

Ai cũng đều phải trải qua thất bại, lạc lối và mắc sai lầm. Hơn 250 năm trước, Alexander Pope đã từng nói: “Con người ai cũng có lúc phạm sai lầm”. Thực chất, ông chỉ giải thích một câu nói quen thuộc trong thời kỳ La Mã từ 2.000 năm trước. Cho đến nay, nội dung câu nói vẫn không có gì thay đổi: Là con người, ai cũng sẽ mắc phải những sai lầm.

Có lẽ bạn đã quá quen thuộc với Định luật Murphy và Nguyên tắc Peter. Gần đây, tôi đã khám phá ra thứ gọi là Quy luật của Con người. Tôi nghĩ rằng các quy tắc dưới đây sẽ chỉ ra rằng chúng ta cũng như bao người khác, đều không hoàn hảo và cần học hỏi từ những sai làm của mình:

  • Quy tắc 1: Bạn sẽ học được những bài học.
  • Quy tắc 2: Không có những sai lầm, chỉ có những bài học.
  • Quy tắc 3: Một bài học sẽ được lặp lại nhiều lần cho tới khi bạn học được nó.
  • Quy tắc 4: Nếu bạn không học những bài học dễ, chúng sẽ ngày càng khó hơn.
  • Quy tắc 5: Bạn sẽ biết mình đã học được một bài học khi hành động của bạn thay đổi.

Nhà văn Norman Cousins đã đúng khi nói rằng: “Con người, về bản chất là không hoàn hảo.” Hãy thừa nhận việc bạn sẽ mắc phải những sai lầm.

  1. Người ta thường nghĩ rằng thất bại là một sự kiện

Khi lớn lên, tôi đã nghĩ rằng thất bại thường ập đến trong một khoảnh khắc. Ví dụ tiêu biểu nhất tôi có thể liên tưởng tới là khi tôi làm bài kiểm tra. Nếu nhận điểm kém, nghĩa là tôi đã thất bại. Nhưng mới đây, tôi lại phát hiện ra rằng thất bại là một quá trình. Nếu bạn làm một bài kiểm tra dở tệ, không có nghĩa là bạn thất bại tại thời điểm đó. Điểm kém chỉ ra rằng bạn đã xao lãng suốt cả quá trình chuẩn bị cho bài kiểm tra.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button