Kỹ năng mềm

Émile Hay Là Về Giáo Dục

emile-hay-la-ve-giao-duc1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Jean-Jacques Rousseau

Download sách Émile Hay Là Về Giáo Dục ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng mềm

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Tập sách gồm những suy tư và quan sát này, không thứ tự và hầu như không mạch lạc, được khởi thảo để chiều lòng một bà mẹ hiền biết suy nghĩ. Thoạt tiên tôi chỉ dự định viết một bài thuyết minh chừng vài trang; do đề tài lôi cuốn tôi ngoài ý muốn, bài thuyết minh dần dà thành một công trình hẳn là quá to tát đối với nội dung của nó, nhưng lại quá nhỏ bé đối với vấn đề mà nó bàn luận.

Tôi đã cân nhắc rất lâu việc công bố nó; và trong khi soạn thảo, nhiều lần nó đã khiến tôi cảm nhận rằng từng viết vài tập mong mỏng không đủ để biết cấu thành một cuốn sách. Sau nhiều nỗ lực vô bổ để làm tốt hơn, tôi cho rằng phải đưa nó ra đúng như nó vốn thế, bởi xét thấy cần hướng sự chú ý của công chúng về phía đó; và xét rằng, dù các ý tưởng của tôi có dở, song nếu tôi làm nảy ra được những ý hay ở người khác, thì tôi không hoàn toàn uổng phí thì giờ của mình. Một con người, từ nơi ẩn cư, tung những trang viết của mình ra với công chúng, không người ca ngợi, hưởng ứng, không có phe phái bênh vực, thậm chí chẳng biết mọi người nghĩ gì hoặc nói gì về những trang viết ấy, thì nếu như có lầm lẫn, cũng chẳng phải sợ mọi người chấp nhận những sai lầm đó mà không kiểm tra xem xét.Tôi sẽ nói ít về tầm quan trọng của một sự giáo dục tốt; tôi cũng sẽ không dừng lại để chứng minh rằng sự giáo dục hiện hành là dở; hàng ngàn người khác đã làm việc đó trước tôi, và tôi không thích viết đầy một cuốn sách những điều mà ai cũng biết. Tôi chỉ nhận xét rằng, từ lâu lắm rồi, chỉ có một sự kêu ca phàn nàn về cách làm đã được xác lập, mà không người nào tính đến chuyện đề xuất một cách làm tốt hơn. Văn chương và tri thức thời đại chúng ta có khuynh hướng phá hủy nhiều hơn là xây dựng. Người ta chỉ trích với giọng ông thầy; để đề xuất, phải dùng một giọng điệu khác, mà triết lý cao ngạo không ưa thích lắm. Mặc dù đã có bao nhiêu sách vở, như người ta nói, chỉ nhằm mỗi mục tiêu là công ích, song lợi ích đầu tiên của mọi lợi ích, là nghệ thuật đào tạo con người, hãy còn bị lãng quên. Đề tài của tôi hãy còn hoàn toàn mới mẻ sau cuốn sách của Locke[11], và tôi rất sợ là nó vẫn còn mới mẻ sau cuốn sách của tôi.

Người ta không hề hiểu biết tuổi thơ: dựa trên những ý tưởng sai lầm của ta về tuổi thơ, thì càng đi, càng lạc lối. Những bậc hiền minh nhất chuyên chú vào những điều con người cần biết, mà không coi trọng những điều trẻ con có thể học được. Họ luôn tìm kiếm người lớn trong đứa trẻ, mà không nghĩ về hiện trạng của đứa trẻ trước khi nó là người lớn. Đó là điều tôi đã chuyên tâm nghiên cứu hơn cả, để nếu như toàn bộ phương pháp của tôi đề xuất có sai lầm và hão huyền, thì mọi người vẫn có thể lợi dụng được các quan sát của tôi. Tôi có thể đã nhìn rất kém điều cần làm; nhưng tôi cho rằng mình đã nhìn rõ chủ thể mà trên đó ta cần thao tác. Vậy xin các vị hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ hơn các học trò của mình; bởi chắc chắn rằng các vị không hề hiểu chúng; mà nếu các vị đọc cuốn sách này với ý đó, thì tôi nghĩ cuốn sách chẳng phải là vô ích đối với các vị. Về những gì mà người ta sẽ gọi là phần hệ thống, ở đây chẳng là gì khác ngoài sự vận hành của tự nhiên, đó chính là điều sẽ khiến độc giả khó nghĩ nhất; chắc người ta cũng sẽ công kích tôi ở điều này, và có lẽ họ không sai đâu. Người ta sẽ nghĩ rằng mình đang đọc những mơ mộng của một nhà ảo tưởng về giáo dục hơn là một khảo luận về giáo dục. Làm thế nào được? Tôi không căn cứ vào các ý tưởng của người khác mà viết; tôi căn cứ vào các ý tưởng của mình. Tôi không hề nhìn như những người khác; từ lâu người ta đã trách tôi về điều này. Nhưng việc cho mình những con mắt khác; những ý tưởng khác có tùy thuộc vào tôi hay chăng?. Không. Tùy thuộc vào tôi là việc đừng tự tán thành, đừng tưởng rằng riêng mình khôn ngoan hơn toàn thể thiên hạ; tùy thuộc vào tôi, không phải việc thay đổi cảm nghĩ, mà là nghi ngờ cảm nghĩ của mình: Đó là tất cả những gì tôi có thể làm, và là những gì tôi đang làm. Nếu đôi khi tôi lấy giọng quả quyết, thì đó không hề là để áp đặt với độc giả; đó là để nói với độc giả giống như tôi nghĩ. Tại sao tôi lại đề xuất dưới hình thức nghi vấn, điều mà, về phần mình, tôi chẳng hề nghi ngờ?. Tôi nói đúng điều đang diễn ra trong đầu óc mình. Trong khi trình bày một cách thoải mái cảm nghĩ của mình, tôi rất ít muốn cảm nghĩ ấy có uy quyền, thành thử tôi luôn kèm theo đó các lý lẽ của tôi, để mọi người cân nhắc chúng và xét đoán tôi: Nhưng, dù tôi không hề định khăng khăng bênh vực các ý tưởng của mình, tôi vẫn cho rằng mình buộc phải đề xuất chúng; bởi các phương châm mà vì chúng tôi có ý kiến trái ngược với ý kiến những người khác không hề vô sự. Chúng thuộc những phương châm mà ta cần phải biết là đúng hay sai, những phương châm tạo nên hạnh phúc hay bất hạnh cho loài người.

Hãy đề xuất điều gì đó có thể làm được, người ta không ngừng nhắc đi nhắc lại với tôi như vậy. Cứ như thể người ta bảo tôi: Hãy đề xuất làm điều người ta đang làm; hoặc chí ít hãy đề xuất điều thiện nào đó dung hòa được với điều ác hiện hữu. Một dự án như thế, về một số vấn đề, còn hão huyền hơn các dự án của tôi rất nhiều; bởi, trong sự dung hòa ấy, cái thiện hỏng đi, còn các ác không chữa khỏi. Chẳng thà tôi nhất nhất tuân theo cách làm đã được xác lập, còn hơn là có một cách làm tốt nửa vời; như vậy trong con người có lẽ sẽ ít mâu thuẫn hơn; con người không thể đồng thời hướng về hai mục đích đối lập. Hỡi các bậc cha mẹ, điều có thể làm được là điều các vị muốn làm. Tôi có phải chịu trách nhiệm về ý muốn của các vị hay không?

Trong mọi loại dự án, có hai điều cần xem xét: Thứ nhất, tính tốt đẹp tuyệt đối của dự án; thứ hai, tính dễ dàng của việc thực hiện.

Về điều thứ nhất, để cho bản thân dự án có thể được chấp nhận và bản thân nó có thể thực thi, chỉ cần những gì tốt đẹp ở nó thuộc về bản chất của sự vật; thí dụ như ở đây, sự giáo dục được đề xuất cần phù hợp với con người, và rất thích ứng với lòng người.

Điều thứ hai phụ thuộc vào các quan hệ nhất định trong một số tình thế: Đó là những quan hệ ngẫu nhiên với sự vật, do vậy, chúng không hề là tất yếu, và có thể biến thiên đến vô tận. Chẳng hạn sự giáo dục này có thể thực thi tại Thụy Sĩ, mà không thực thi được tại Pháp; sự giáo dục kia có thể thực thi ở tầng lớp thị dân, còn sự giáo dục nọ ở giới quyền quý. Tính dễ dàng nhiều hay ít của việc thi hành phụ thuộc vào hàng ngàn trường hợp không thể xác định bằng cách nào khác ngoài việc ứng dụng riêng biệt phương pháp cho xứ sở này hay xứ sở nọ, cho trạng thái này hay trạng thái nọ. Mà tất cả những sự ứng dụng riêng biệt ấy, do không thiết yếu đối với đề tài, nên không ở trong kế hoạch của tôi. Những người khác có thể lo điều đó nếu họ muốn, mỗi người lo cho xứ sở hoặc quốc gia mà họ sẽ nhằm tới. Đối với tôi, chỉ cần nơi đâu sẽ ra đời những con người, ta có thể đào tạo họ theo những gì tôi đề xuất; và trong khi đào tạo họ theo những gì tôi đề xuất, ta đã làm điều tốt nhất cả cho họ cả cho người khác, thế là đủ. Nếu tôi không làm trọn lời hứa này, chắc hẳn là tôi sai trái; nhưng nếu tôi làm trọn lời hứa, thì mọi người cũng sai trái khi đòi hỏi nhiều hơn ở tôi, bởi tôi chỉ hứa có vậy mà thôi.

ĐỌC THỬ

QUYỂN MỘT

Mọi thứ từ bàn tay Tạo hóa mà ra đều tốt: mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người. Con người bắt ép một chất đất phải nuôi các sản phẩm của chất đất khác, một cái cây phải mang quả của cây khác; con người hòa trộn và lẫn lộn các khí hậu, các yếu tố, các mùa; con người cắt xẻo các bộ phận trong thân thể con chó của mình, con ngựa của mình, nô lệ của mình; họ đảo lộn mọi thứ, họ làm biến đổi xấu xí mọi thứ, họ ưa sự dị dạng, các quái vật; họ không muốn cái gì y nguyên như tự nhiên đã tạo ra, ngay cả con người cũng thế; họ phải rèn tập con người cho họ, như một con ngựa để kéo cỗ máy; họ phải uốn vặn con người theo kiểu cách của họ, như một cái cây trong vườn nhà họ.

Không có điều này, thì mọi sự có lẽ còn tệ hơn nữa, và giống loài chúng ta không muốn được đào luyện nửa vời. Trong tình trạng từ nay trở đi của sự vật, một con người bị phó mặc cho bản thân giữa những người khác ngay từ khi ra đời, sẽ là kẻ bị biến dạng nhiều nhất. Các thành kiến, uy quyền, sự cần thiết, tấm gương, mọi thể chế xã hội, trong đó chúng ta bị chìm ngợp, sẽ bóp nghẹt bản tính tự nhiên ở anh ta, và chẳng để gì thay thế vào đó. Ở đấy bản chất tự nhiên sẽ như một cây non mà sự tình cờ làm mọc ra giữa đường, và người qua kẻ lại chẳng bao lâu sẽ làm chết, khi va vào nó từ mọi phía và uốn nó theo mọi hướng.

Chính là tôi đang nói với bà đấy, bà mẹ giàu yêu thương và biết lo xa[12], người biết tránh con đường lớn và bảo đảm cho cây con mới mọc khỏi sự va chạm của dư luận người đời! Hãy vun trồng, hãy tưới tắm cho cây non trước khi nó chết: một ngày kia quả của nó sẽ khiến bà được hưởng lạc thú ngọt ngào. Hãy sớm lập một vành đai quanh tâm hồn con mình, một người khác có thể đánh dấu chu vi, nhưng riêng bà phải đặt rào chắn.

Người ta uốn nắn cây nhờ vun trồng, và đào luyện con người nhờ giáo dục. Nếu con người sinh ra vốn cao lớn và mạnh mẽ, thì tầm vóc và sức mạnh của anh ta sẽ vô dụng đối với anh cho đến khi anh học được cách sử dụng chúng; chúng sẽ bất lợi cho anh, bởi ngăn trở những người khác nghĩ đến việc giúp đỡ anh[13]; và, bị phó mặc cho bản thân, anh ta sẽ chết vì khốn khổ trước khi biết được nhu cầu của mình. Người ta phàn nàn về trạng thái của tuổi thơ; người ta không biết rằng loài người sẽ tiêu vong, nếu như con người không khởi đầu bằng việc là trẻ thơ.

Chúng ta sinh ra yếu đuối, chúng ta cần sức mạnh; chúng ta sinh ra chẳng có gì, chúng ta cần sự giúp đỡ; chúng ta sinh ra ngu ngốc, chúng ta cần sự phán đoán. Tất cả những gì chúng ta không có khi ra đời và chúng ta cần đến khi lớn lên, đều được sự giáo dục đem lại cho ta.

Sự giáo dục đó đến với chúng ta từ tự nhiên, hoặc từ con người hoặc từ sự vật. Bước phát triển nội tại của các khả năng và các cơ quan của chúng ta là sự giáo dục của tự nhiên; việc sử dụng các bước phát triển đó, do mọi người dạy cho ta, là sự giáo dục của con người; và những gì thu nhận được do kinh nghiệm của chính chúng ta về các đối tượng ảnh hưởng đến ta là sự giáo dục của sự vật.

Vậy mỗi người trong chúng ta được đào tạo bởi ba loại thầy giáo. Người đồ đệ nào mà ở anh ta những bài học khác biệt của các ông thầy đó mâu thuẫn nhau, là người được giáo dục dở, và sẽ không bao giờ đồng tình với bản thân; người nào mà ở anh ta tất cả các bài học cùng nhằm trúng những điểm như nhau, và hướng về những mục đích như nhau, người đó một mình đi đến mục tiêu và sống một cách nhất quán. Chỉ có người ấy là được giáo dục tốt.
Trong ba sự giáo dục khác biệt ấy, sự giáo dục của tự nhiên không hề phụ thuộc vào chúng ta; sự giáo dục của sự vật chỉ phụ thuộc vào chúng ta ở một số phương tiện. Sự giáo dục của con người là điều duy nhất mà chúng ta thực sự làm chủ; song chúng ta cũng chỉ làm chủ trên giả định; bởi ai có thể hy vọng điều khiển hoàn toàn được các diễn ngôn và các hành vi của tất cả những người ở xung quanh một đứa trẻ?.

Vậy nếu như giáo dục là một nghệ thuật, thì nó lại hầu như không có khả năng thành công, bởi sự hợp lực cần thiết cho thành tựu của nó chẳng tùy thuộc vào ai hết. Tất cả những gì ta có thể làm do hết sức chăm lo là đến gần được mục đích nhiều hay ít, nhưng phải có may mắn mới đạt tới mục đích.

Mục đích ấy là gì? Đó chính là mục đích của tự nhiên; điều này vừa mới được chứng tỏ. Bởi sự hợp lực của ba nền giáo dục là cần thiết cho tính hoàn hảo của chúng, thì chính nền giáo dục mà ta không thể tác động gì được là điều mà ta phải lái hai nền giáo dục kia hướng tới. Nhưng có lẽ cái tiếng tự nhiên có một ý nghĩa quá mơ hồ; ở đây cần cố gắng xác định nó.

Tự nhiên, như mọi người thường bảo chúng ta, chỉ là thói quen. Thế nghĩa là gì? Chẳng phải có những thói quen ma ta chỉ tập nhiễm do cưỡng bức, và chúng mãi mãi bóp nghẹt tự nhiên đó sao? Thí dụ như thói quen của những cái cây bị người ta ngăn trở chiều hướng thẳng đứng. Khi được tự do cái cây vẫn giữ chiều nghiêng mà người ta đã ép nó khuôn theo; nhưng nhựa cây không vì thế mà thay đổi chiều hướng nguyên sơ; và nếu cây tiếp tục sinh trưởng, phần mọc dài ra của nó thẳng đứng trở lại. Các xu hướng của con người cũng thế. Chừng nào người ta vẫn ở trong cùng một trạng thái, người ta có thể giữ những xu hướng hình thành do thói quen, và với ta những xu hướng này là ít tính tự nhiên nhất; nhưng, tình thế vừa thay đổi, là thói quen ngừng và cái tính tự nhiên trở lại. Chắc chắn giáo dục chỉ là một thói quen. Mà chẳng phải có những người quên đi và mất đi sự giáo dục, có những người khác vẫn giữ được sự giáo dục đó sao? Sự khác biệt này từ đâu ra? Nếu phải giới hạn danh từ tự nhiên vào những thói quen phù hợp với tự nhiên, ta có thể tránh cho mình những lời lẽ rắc rối trên.

Chúng ta sinh ra có cảm giác, và từ khi ra đời, chúng ta chịu ảnh hưởng theo nhiều cách, từ những đối tượng bao quanh ta. Ngay khi có thể nói rằng ta ý thức được cảm giác của mình, là ta có khuynh hướng tìm kiếm hoặc trốn chạy những đối tượng sản sinh ra cảm giác ấy, thoạt tiên tùy theo những cảm giác này dễ chịu hay khó chịu với ta, sau đó, tùy theo sự thích hợp hay không thích hợp mà ta thấy giữa ta và các đối tượng, cuối cùng, tùy theo các phán đoán của ta về đối tượng theo quan niệm về hạnh phúc hay tính hoàn hảo mà lý trí đem lại cho ta. Các khuynh hướng này dần mở rộng và củng cố tương xứng với việc chúng ta trở nên mẫn cảm hơn và sáng suốt hơn; nhưng, bị thói quen của chúng ta câu thúc, chúng biến chất đi ít hay nhiều do các ý kiến của chúng ta. Trước khi có sự biến chất đó, chúng là cái mà tôi gọi là bản tính tự nhiên ở ta.

Vậy cần phải quy tất cả mọi điều vào các khuynh hướng nguyên sơ đó; và điều này là có thể, nếu ba sự giáo dục của chúng ta chỉ khác biệt nhau mà thôi: Nhưng làm thế nào khi chúng đối lập nhau; khi mà, thay vì giáo dưỡng một con người cho bản thân anh ta, người ta lại muốn giáo dưỡng anh ta cho những người khác? Lúc ấy sự hòa hợp là không thể. Buộc phải chống lại bản tính tự nhiên hoặc các thể chế xã hội, ta cần chọn giữa việc đào tạo một con người hay một công dân; bởi ta không thể đồng thời đào tạo cả người nọ lẫn người kia.

Bất kỳ một quần thể mang tính bộ phận nào, khi nó hẹp và thật đoàn kết, cũng xa lìa quần thể lớn. Bất kỳ người ái quốc nào cũng khắc nghiệt với dân ngoại quốc: Họ chỉ là con người mà thôi, họ chẳng là gì trong mắt anh ta hết[14]. Điều bất lợi này không tránh khỏi, nhưng nó yếu ớt. Điều cốt yếu là tốt với những người mà mình sống cùng. Ở bên ngoài thì người dân thành Sparte[15] đầy tham vọng, keo kiệt, bất công; nhưng lòng vô tư bất vụ lợi, sự công bằng, sự hòa hợp, ngự trị bên trong những bức tường thành. Các vị hãy phòng ngừa những nhà thế giới chủ nghĩa, họ kiếm tìm xa xôi trong sách vở những bổn phận mà họ chẳng buồn làm trọn ở xung quanh họ. Như triết gia nọ yêu quý những con người Tartare, để khỏi phải yêu quý láng giềng của mình.

Con người tự nhiên là tất cả đối với mình; anh ta là sự thống nhất số học, là số nguyên tuyệt đối, chỉ có quan hệ với bản thân hay với đồng loại của mình. Con người dân sự chỉ là một đơn vị phân số liên quan đến mẫu số, và giá trị là ở quan hệ với số nguyên, tức là xã hội. Thể chế xã hội tốt là những thể chế biết phi tự nhiên hóa con người hơn cả, biết tước đi ở anh ta sự tồn tại tuyệt đối để cho anh ta một sự tồn tại tương đối, và đem cái tôi vào sự thống nhất chung; sao cho mỗi cá nhân không còn cho mình là đơn nhất, mà là bộ phận của sự thống nhất, và chỉ còn được cảm nhận trong tổng thể.

Một công dân thành La Mã chẳng phải Cailus, cũng chẳng phải Lucius; đó là một người La Mã; anh ta yêu tổ quốc độc hữu của mình. Resgulus bảo mình là người Carthage, bởi ông đã thành tài sản của các chủ nhân mình. Với tư cách người ngoại bang, ông từ chối dự họp Viện Nguyên lão La Mã; phải có một người Carthage ra lệnh cho ông làm việc ấy. Ông công phẫn vì mọi người định cứu mạng mình. Ông thắng, và đắc thắng quay về chết trong cực hình[16]. Tôi thấy điều này chẳng liên quan nhiều đến những con người mà chúng ta quen biết.

Persdarète người Lacédémonie ứng cử vào hội đồng ba trăm thành viên; ông không trúng: Ông quay về rất vui sướng vì ở Sparte có ba trăm con người ưu tú hơn ông. Tôi coi sự biểu lộ này là thành thật; và có lý do để tin rằng nó thành thật: Người công dân là thế đó.

Một người phụ nữ Sparte có năm con trai trong quân đội, và chờ tin tức về trận chiến. Một nô lệ đi tới; bà run run hỏi tin. “Năm người con của bà đều bị giết chết-Tên nô lệ hèn hạ kia, ta đã hỏi ngươi chuyện đó sao?-Chúng ta đã chiến thắng!”. Bà mẹ chạy đến đền thờ, và tạ ơn thần linh. Người nữ công dân là thế đó.

Người nào vẫn muốn duy trì quyền tối thượng của các tình cảm tự nhiên trong trật tự dân sự, thì không biết mình muốn gì. Luôn mâu thuẫn với bản thân, luôn bấp bênh do dự giữa thiên hướng và bổn phận, anh ta sẽ chẳng bao giờ là con người cũng chẳng là công dân; anh ta sẽ chẳng tốt cho mình cũng chẳng tốt cho người khác. Đó sẽ là một trong những người của thời đại chúng ta, một người Pháp, một người Anh, một thị dân; đó sẽ chẳng là gì hết.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button