Kỹ năng mềm

Để Trở Thành Samurai Tiếng Nhật

Lời giới thiệu

Nhật Bản không chỉ là quốc gia dẫn đầu thế giới về kinh tế và công nghệ, mà còn là đất nước kỳ diệu với những nét văn hóa đặc trưng cùng tính cách dân tộc độc đáo. Những năm qua, quốc đảo này là địa chỉ quen thuộc đối với các bạn trẻ trên khắp thế giới tìm đến để trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm thông qua học tập và làm việc tại các công ty Nhật Bản. Không chỉ thu được kiến thức khoa học hay kinh nghiệm quản lý, các bạn trẻ chắc chắn sẽ còn được rèn luyện một trong những bí quyết thành công của người Nhật, nguồn gốc của “sự thần kỳ châu Á”. Đó là tinh thần Samurai!

Bên cạnh đó, dân số Nhật Bản ngày càng già đi, trong khi Doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm một số lượng lớn các nhân viên, kỹ sư biết tiếng Nhật, còn chính phủ Nhật Bản thì đang muốn thu hút nhiều lưu học sinh tới học tại Nhật Bản. Đây chính là điều kiện vô cùng thuận lợi đối với những bạn trẻ muốn làm việc hay du học tại Nhật Bản.

Tác giả cuốn sách này, Abe Masayuki, là một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo và tuyển dụng cho các công ty Nhật Bản, có thời gian lâu dài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Cuốn sách của ông sẽ giới thiệu với bạn hình ảnh một đất nước Nhật Bản tươi đẹp, quyến rũ và mở rộng vòng tay đón chào những ai có tình yêu lao động, có kỹ năng, tri thức và lòng nhiệt thành. Đặc biệt, cuốn sách còn cung cấp cho bạn chỉ dẫn cụ thể trong quá trình học tiếng Nhật, tăng cường các kỹ năng và chuẩn bị những điều cần thiết trước buổi phỏng vấn tuyển dụng của các công ty Nhật Bản.

“Tôi viết cuốn sách này với hy vọng giúp các bạn nhận ra rằng: Quả thật Nhật Bản là một đất nước rất thú vị và là nơi mà bạn có thể hiện thực hoá ước mơ của mình” – Abe Masayuki.

Ebook

File ebook hiện chưa có . Comment tại trang này email của bạn để Downloadsach gửi link ngay khi tìm kiếm được trên Internet. Gợi ý : Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

ĐÔI LỜI VỚI BẠN ĐỌC CỦA CUỐN SÁCH

Bạn, người bây giờ đang cầm cuốn sách này trên tay! Và Bạn, người lúc này đây đang giở tới đúng trang này! Hãy nhẹ nhàng nhắm mắt lại. Bạn hãy nhắm mắt và dành thời gian 1 phút tưởng tượng ra cuộc sống của mình 5 năm sau.

Thế nào? Bạn đã hình dung được chưa? Tiếp theo, trong 1 phút, bạn hãy thử nhìn lại quãng đời của mình từ trước tới giờ. Bạn nhìn thấy điều gì? Bạn có cảm thấy đầy ắp những hình ảnh hoàn toàn thỏa mãn và có ý nghĩa không? Những ai thấy hiện lên trong đầu toàn những hình ảnh hạnh phúc như một giấc mơ thì chẳng cần phải mua cuốn sách này nữa!

Người mà tôi muốn họ đọc cuốn sách này một cách tập trung và đầy hưng phấn là những người “muốn làm một điều gì đó nhưng đang trăn trở, chưa tìm ra đó là điều gì”, hay số đông những sinh viên đại học, học sinh trung học phổ thông đang bắt đầu có suy nghĩ “làm việc ở nước ngoài có khi cũng hay”. Ngay cả đối với những nam nữ nhân viên trẻ tuổi ở các công ty , những người chưa bằng lòng với công việc hiện tại và bắt đầu có suy nghĩ rằng “chắc chắn tôi còn có nhiều cơ hội. Tôi muốn thử sức mình thêm nữa”, thì cuốn sách này có thể sẽ trở thành một giải pháp tốt cho họ. Chính các bạn là đội quân dự bị của “Samurai tiếng Nhật” đó. Nào, tiến lên! Cùng tiến lên! Chúng ta hãy cùng phấn đấu trở thành những Samurai tiếng Nhật!

Tôi cũng muốn giới thiệu cuốn sách này tới các bậc cha mẹ mong muốn đi tìm lời khuyên đích xác cho những đứa con đang học trung học cơ sở, trung học phổ thông của mình về vấn đề “xin việc làm” hay “công việc trong tương lai”.

Đến đây tôi xin bật mí với các bạn điều này. Đó chính là một thực trạng của nước Nhật hiện nay.

  1. Doanh nghiệp Nhật Bản đang cần một số lượng lớn các nhân viên, kỹ sư biết tiếng Nhật, còn chính phủ Nhật Bản thì đang muốn thu hút nhiều lưu học sinh tới học tại Nhật Bản.
  2.  Số thanh niên Việt Nam biết tiếng Nhật còn quá ít.
  3. Sắp tới, dân số trẻ của Nhật Bản sẽ ngày càng giảm đi.

Cuốn sách này sẽ cho bạn những lời khuyên để mở ra cánh cửa tiếp theo của cuộc đời bạn. Đây là cẩm nang giúp bạn có thể vào làm tại các doanh nghiệp Nhật Bản hay đi du học tại Nhật Bản. Cũng có nghĩa đây là cuốn sách giúp bạn trở thành một Samurai. Nếu bạn đọc thật kỹ, cuốn sách này chắc chắn sẽ trở thành phương tiện giúp bạn hoạch định chiến lược và thực hiện chiến thuật “tự khẳng định mình”.

Chương 1. “TIẾNG NHẬT SẼ THAY ĐỔI HOÀN TOÀN CÁCH SỐNG CỦA BẠN”

Tháng 9 năm 2008, cú sốc Lehman  xảy ra tại New York (Mỹ), kéo cả thế giới cùng lúc lâm vào suy thoái. Gần đây, sự đổ vỡ của nền kinh tế Hy Lạp, một nước thuộc khối Các quốc gia châu Âu sử dụng đồng Euro, cũng là một yếu tố làm trầm trọng thêm sự mất ổn định. Nhưng vào mùa xuân năm 2010, Mỹ – tâm điểm của suy thoái kinh tế thế giới – đã bắt đầu hồi phục. Các nước Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Brazil vẫn giữ vững phong độ, luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế 6 – 10%.

Vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, một trận động đất và sóng thần lớn đã xảy ra và tàn phá nhiều vùng phía đông Nhật Bản, gây hư hại cho nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima và làm phát tán phóng xạ sang các vùng lân cận. Đây được coi là một thảm họa lịch sử. Thế nhưng nhân dân Nhật Bản đã đoàn kết lại với nhau và từng bước phục hồi lại đất nước. Người dân trên toàn thế giới ngưỡng mộ tinh thần của người Nhật Bản. Và họ đã đóng góp tiền của cũng như công sức của mình vào công cuộc khôi phục đất nước Nhật Bản. Cũng có người cho rằng thảm họa này giống như là cuộc thế chiến thứ hai. Nói cách khác thảm họa này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn và được so sánh giống như là “cuộc chiến” của Nhật Bản 66 năm về trước.

Nếu bạn là người có mong muốn trở thành Samurai thì có thể bạn đã biết về điều này. Nhật Bản đã lập nên kỳ tích lịch sử bằng việc tạo ra những tên tuổi mang tầm thế giới như “HONDA”, “PANASONIC” (Matsushita), “SONY”. Nhật Bản có những điều kiện để sản sinh và nuôi dưỡng những vĩ nhân thiên tài như Honda Shoichiro, Matsushita Konosuke, Ibuka Dai (phụ trách phát triển công nghệ) và Morita Akio (phụ trách Quốc tế hóa kinh doanh) của SONY.  Đây chính là “NỘI LỰC” của Nhật Bản.

Và bây giờ là lúc nội lực đó được phát huy.

Bạn có quyết tâm trở thành một Samurai tiếng Nhật không?

Bạn hãy tưởng tượng về tương lai của mình. Bạn muốn làm công việc gì để đạt tới thành công trong cuộc đời mình? Bạn có muốn thử tưởng tượng về thành công của mình tại Nhật Bản không?

1-1.  Tàu siêu tốc shinkansen, xe máy, công nghệ môi trường đều là những công nghệ thế mạnh của Nhật Bản. SONY, TOYOTA, HONDA, CANON, PANASONIC, UNIQLO, tất cả đều là các hãng của Nhật Bản.

Đến đây, tôi sẽ thử viết ra những tên công ty Nhật Bản mà tôi biết nhé. Còn bạn, bạn có biết những cái tên này không?

Công ty cổ phần Murakami Kaimeido, Công ty cổ phần Asahi Etech, Công ty cổ phần Dengyo, Công ty cổ phần công nghiệp Yokota, Công ty cổ phần Nifuko, Công ty cổ phần công nghiệp Kishimoto, Công ty cổ phần hệ thống thông tin YCC, Công ty cổ phần thiết kế Konan, Công ty cổ phần công nghiệp Ayumi, Công ty cổ phần Sunouchi, Công ty cổ phần Disco, Công ty cổ phần Nito Seimo, Công ty cổ phần Kyowa, Công ty cổ phần Tatsumo, Công ty cổ phần công nghiệp Seiki Kansai, Công ty cổ phần Takagi, Công ty cổ phần điện khí ứng dụng, Công ty cổ phần Takatori, Công ty cổ phần giải pháp nguồn nhân lực, Công ty cổ phần Torex Semiconductor, Công ty cổ phần Sizuoka Seigyo, Xưởng đúc chế thép Ito, Công ty cổ phần điện khí Tabuchi…Có công ty nào bạn biết không? Chắc hẳn đều là những công ty bạn chưa từng nghe tên phải không? Vì đây đâu phải là HONDA hay TOYOTA. Đây là những công ty thuộc đủ mọi lĩnh vực, từ chất bán dẫn, máy chính xác, khuôn đúc, IT đến chế tạo rô-bốt. Trong số này, có những công ty hiện đang được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo cấp 1 và cấp 2, có 2 công ty có lịch sử trên 100 năm, lại có cả những công ty đã đầu tư nhà máy tại Việt Nam, những công ty đã được nhận bằng khen từ các quỹ danh tiếng của Nhật Bản và thế giới về QC (quản lý chất lượng) và phát minh. Đương nhiên, đa số những công ty này đều đã có những chứng chỉ ISO chủ chốt. Những công ty được nêu tên trong danh sách này thực sự mới chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong số những công ty ưu tú cỡ vừa và nhỏ của Nhật Bản. Đây đều là những hãng sản xuất có quy mô từ 50 đến 3,000 nhân viên. Tại Nhật Bản, tồn tại rất nhiều những “công ty ưu tú không mấy nổi tiếng” kiểu như thế này. Những công ty kể trên chỉ là một vài công ty trong ngành sản xuất. Ngoài ra, nếu kể thêm cả những công ty thuộc lĩnh vực phân phối, vận tải, bán lẻ, dịch vụ, tài chính, dịch vụ nội dung, thông tin, hay lĩnh vực lâm nghiệp, ngư nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm…nữa, thì Nhật Bản có tới 1,500,000 công ty! Nhiều như sao trên trời, phải không các bạn?

Mùa xuân năm 2010, được sự cho phép của Chính phủ Nhật Bản, đích thân các Bộ trưởng đã tới Hà Nội để làm việc về các dự án như đường sắt cao tốc shinkansen, điện hạt nhân, hệ thống xử lý nước quy mô lớn. Tôi được biết các vị lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện thái độ hết sức tích cực trong các hoạt động này. Khác với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, cho đến nay, Nhật Bản đã hạn chế việc “Chính phủ hỗ trợ các hoạt động của doanh nghiệp”. Trong thời kỳ Đại chiến thế giới lần thứ hai, Nhật Bản theo chủ nghĩa quốc gia quân sự. Do những mặc cảm và hối hận về điều này, Chính phủ Nhật Bản đã duy trì một chính sách “liêm khiết” thái quá, hoàn toàn không can thiệp vào các lĩnh vực hoạt động của tư nhân và người dân trong suốt 60 năm sau chiến tranh. Vì thế, ngoài ngành ngân hàng được coi là Đội tàu được hộ vệ (Goeisendan), thì Chính phủ hoàn toàn không có sự hỗ trợ trực tiếp nào cho các hãng sản xuất. Theo một nghĩa nào đó, đây là việc rất tốt. Một nước Nhật có “Hiến pháp hòa bình” đẹp tới mức có thể đăng ký trở thành di sản thế giới, thì làm như vậy cũng đáng. Thế nhưng, trong bối cảnh của “Chủ nghĩa tư bản có lợi cho người giàu” cùng làn sóng toàn cầu hóa do Mỹ tạo ra tác động lên nhiều khía cạnh của kinh tế thế giới, khi người Nhật vẫn ngồi yên thì Hàn Quốc đã góp nhặt được một số công nghệ của Nhật, điều chỉnh lại và đã thành công trong nhiều phiên đấu thầu, đặc biệt là việc bán công nghệ và xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho các Tiểu vương quốc Ả rập (UAE). Nghe nói phần lớn công nghệ vốn dĩ là của Nhật. Nếu cứ như thế này thì không ổn, nên Chính phủ Nhật Bản cuối cùng cũng phải hành động.

Thập niên 60, 70, không hẳn là Chính phủ Nhật Bản hoàn toàn không tham gia vào hoạt động kinh doanh, mà chỉ là bị buộc phải im lặng trước những tác động chính trị của Mỹ. Sự kiện Tron Architecture thập niên 80, cuộc xung đột trong cạnh tranh siêu máy tính của thập niên 90 là ví dụ. Hãy trở lại với câu chuyện của chúng ta.

Trong số 1.500.000 công ty có công nghệ đa dạng, năng lực dày dạn, có tới 600.000 công ty thuộc ngành sản xuất (MAKER), tỏa rộng mênh mông như chân núi Phú sĩ. Chính đội ngũ đông đảo những công ty vừa và nhỏ đã tạo nên kết cấu các ngành sản xuất của Nhật Bản. Nếu thử tháo dời từng bộ phận của chiếc tivi SONY, bạn sẽ thấy nó được lắp ráp từ phụ tùng đến từ khoảng 50 hãng chế tạo vừa và nhỏ. Còn nếu tháo dời một chiếc ô tô của TOYOTA, nó được tạo thành từ khoảng 30.000 chi tiết phụ tùng. Số công ty liên quan cung cấp những phụ tùng này là bao nhiêu công ty? Đây là bí mật công ty nên tôi cũng không thể biết chính xác, nhưng chắc chắn phải có tới vài chục công ty vừa và nhỏ, bao gồm cả công ty con của TOYOTA. Những phụ tùng, nguyên liệu đó đều là những sản phẩm được các giám đốc công ty, các kỹ sư, công nhân, thợ lành nghề của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ưu tú trên khắp nước Nhật dồn tâm huyết tạo ra. Và rồi những phụ tùng đó lại được các hãng chế tạo lớn danh tiếng được cả thế giới biết đến kiểm tra kỹ lưỡng, duy trì chất lượng cao, tránh để lọt bất cứ sai sót nào, lắp ráp thành những sản phẩm chất lượng, tạo nên thương hiệu, rồi bán ra thế giới với một chiến lược marketing toàn cầu. Chính cơ chế sản xuất huy động tổng lực của tất cả các doanh nghiệp từ nhỏ tới lớn và tinh thần làm trụ đỡ cho cơ chế đó đã tạo nên một đặc trưng trong cơ cấu các ngành sản xuất của Nhật Bản. Bạn đã thấy chưa? Điều này rất quan trọng! Tôi mới chỉ đưa ra ví dụ về ngành sản xuất thôi, nhưng các ngành dịch vụ, bán lẻ, vận tải – phân phối, nội dung số (contents), IT cũng hoàn toàn tương tự. Và những công ty chứa đựng trong mình nhiều giá trị đích thực này đang chờ đợi các bạn – những Samurai Việt Nam trẻ trung và nhiệt tình.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button