Kỹ năng mềm

Bí Quyết Học Đâu Nhớ Đó

Lời giới thiệu

Quyển sách này sẽ thay đổi cuộc đời bạn. Nó sẽ giúp bạn học hành tấn tới, học đâu nhớ đó hay xuất sắc vượt qua các kỳ thi, nhưng lợi ích thật sự từ quyển sách vượt xa hơn thế nhiều – một khi vận dụng tốt các phương pháp trong sách này, bạn sẽ khai thác triệt để tiềm năng của bộ não mình.Rèn luyện trí nhớ đồng nghĩa với việc tổ chức lại cách thức tư duy, phát triển sự sáng tạo, mài dũa các kỹ năng học tập – đồng thời nâng cao dần những chuẩn mực cuộc sống và những đỉnh cao bạn có thể chinh phục. Bởi thế, luyện trí não không chỉ đơn thuần là cách để học tốt hơn mà còn là bước khởi đầu cho một cuộc đời mới.

Bạn sẽ bắt đầu thay đổi ngoạn mục suy nghĩ và cảm nhận về tất cả mọi thứ xung quanh.Tôi muốn bạn quên ngay đi quan niệm rằng bạn có một trí nhớ “tốt” hay “tệ”. Bất kỳ ai cũng có thể rèn luyện để bộ não ghi nhớ mọi điều họ cần nhớ. Những phương pháp này không hề mới, chúng vô cùng đơn giản, đã được vận dụng hàng thế kỷ qua và vẫn còn hữu dụng cho thời đại ngày nay. Vấn đề chỉ còn là bạn cần nắm rõ vai trò của trí nhớ và vận dụng các nguyên tắc sử dụng trí não vào quá trình học tập của bạn như thế nào mà thôi.Rèn luyện trí nhớ không chỉ gói gọn trong việc học thuộc lòng bài vở để chuẩn bị cho kỳ thi (mặc dù trong quyển sách này bạn sẽ tìm thấy chính xác các giải pháp cho điều này, thậm chí các bí kíp bạn cần ngay lúc này cho bài kiểm tra gần kề). Để thực sự thành công, trong học hành lẫn cuộc sống, bạn cần biết cách tận dụng hết công suất “bộ nhớ” của mình.

Ebook

NguồnChọn định dạng
SachvuiEPUB
TVEEPUB, MOBI, PDF
Link dự phòngChưa cập nhật

Đọc sách

Phiên bản đọc thử giúp đọc giả tham khảo trước khi mua sách giấy.

Lời tựa

Phần lớn chúng ta thường tiếp cận quá trình học hỏi theo những cách thức sai lầm. Nghiên cứu thực nghiệm về phương pháp tiếp thu và ghi nhớ đã chỉ ra rằng, hầu hết những gì vẫn được cho là cẩm nang hữu ích về học tập hóa ra lại chỉ làm hao tổn công sức của chúng ta. Ngay cả những người dành phần lớn thời gian của họ để nghiên cứu như các sinh viên cao đẳng hay sinh viên y khoa cũng áp dụng những kỹ năng còn xa mới được gọi là tối ưu. Trong khi đó, ngành khoa học nhận thức, với 125 năm lịch sử nhưng chỉ thực sự phát triển vài năm gần đây, đã khơi mở một viễn cảnh tươi sáng khi đúc rút ra những chiến lược thực chứng ưu việt nhằm thay thế những thói quen nghiên cứu kém hiệu quả song vẫn được chấp nhận và truyền bá rộng rãi, vốn bắt rễ từ lâu vào các học thuyết, giáo điều và cả tiềm thức con người. Song trên tất cả, điều mấu chốt ở đây là những chiến lược học tập hiệu quả nhất đều không thể dựa vào trực giác.

Chúng tôi, Henry Roediger và Mark McDaniel, là những nhà khoa học nhận thức đã dành cả sự nghiệp của mình để nghiên cứu về bản chất của trí tuệ. Cùng với cây bút Peter Brown, chúng tôi đã lập thành nhóm tìm hiểu về cách thức vận hành của trí nhớ và khả năng học hỏi, phần lớn là thông qua những câu chuyện có thật về những cá nhân đã thành công trong cuộc chinh phục tri thức và kỹ năng, hơn là chỉ đơn thuần trích dẫn hay tường thuật lại quá trình nghiên cứu. Những dẫn chứng này đã giúp chúng tôi làm sáng tỏ được tính hiệu quả vượt trội của những nguyên lý học tập được đúc rút từ các công trình nghiên cứu. Cuốn sách này là kết quả từ sự cộng tác của mười một nhà tâm lý học nhận thức. Năm 2002, trong nỗ lực lồng ghép những hiểu biết về phương pháp học tập góp nhặt được trong nghiên cứu tâm lý học nhận thức vào công cuộc giáo dục, tổ chức James S. McDonnell tại thành phố St. Louis, bang Missouri đã trao giải thưởng “Áp dụng tâm lý học nhận thức vào củng cố thực tiễn giáo dục” cho công trình nghiên cứu của Roediger và McDaniel cùng chín học giả khác, trong đó Roediger đóng vai trò chủ đạo. Các cá nhân đã cùng hợp tác trong mười năm với nỗ lực tìm kiếm cũng như khẳng định tiếng nói chung giữa khoa học nhận thức và khoa học giáo dục, và kết quả trực tiếp của công trình đó đã được phản ánh trong nhiều khía cạnh của cuốn sách này. Các nhà nghiên cứu cũng như tác phẩm của họ được trích dẫn trong cuốn sách đều được chú giải rõ ràng. Công trình của Roediger và McDonnell cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà gây quỹ khác, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu hợp nhất về Nhận thức và Trí nhớ trực thuộc Đại học Washington, nơi mà McDonnell là đồng giám đốc.

Hầu hết các cuốn sách đều thảo luận chủ đề theo từng kỳ, kỳ này một vấn đề, kỳ sau là vấn đề kế tiếp và tuần tự như thế. Không nằm ngoài chiến lược chung đó, mỗi chương của chúng tôi cũng sẽ đề cập đến các vấn đề mới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng áp dụng hai nguyên tắc nghiên cứu cơ bản trong cuốn sách này: các ý chính được nhắc lại đều đặn đan xen với các đề tài mới nhưng có liên quan. Sau khi nắm bắt một vấn đề, nếu người học ôn lại vấn đề đó một cách định kỳ, họ sẽ ghi nhớ nó tốt hơn. Tương tự, nếu họ lồng vào quá trình đó các vấn đề mới, việc tiếp thu sẽ dễ dàng hơn là nghiên cứu các vấn đề theo một trình tự đơn thuần. Do đó, chúng tôi không hề do dự khi đề cập đến các ý tưởng chính nhiều hơn một lần, lặp lại các nguyên lý với các ngữ cảnh khác nhau trong toàn bộ cuốn sách. Điều đó sẽ giúp độc giả ghi nhớ lâu hơn cũng như áp dụng chính những nguyên tắc đó hiệu quả hơn.

Với cuốn sách này, ngay từ bây giờ mỗi người chúng ta có thể tự học hỏi tốt hơn và ghi nhớ lâu hơn. Những giáo viên hay người hướng dẫn hoàn toàn có thể thúc đẩy quá trình học hỏi của người học bằng cách giúp họ nắm vững các nguyên tắc và áp dụng chúng vào thực tiễn nghiên cứu. Cuốn sách này không hề đề cập đến vấn đề cải cách các chính sách giáo dục hay hệ thống trường lớp nhưng rõ ràng, điều đó vẫn hàm ẩn bên trong nội dung. Một ví dụ thực tế là các giảng viên tiên phong trong việc áp dụng các nguyên lý này vào giảng dạy đã nghiêm túc thử nghiệm chúng ở chính các sinh viên tiềm năng của mình. Dưới sự dẫn dắt đó, các sinh viên này đã ứng dụng các nguyên tắc trên vào công cuộc rút ngắn khoảng cách dẫn tới những thành tựu khoa học. Và thành quả đạt được thật đáng ngạc nhiên.

Chúng tôi dành tặng cuốn sách này cho các sinh viên và cả những giáo viên cũng như cho mọi độc giả, những người luôn coi việc tiếp thu tri thức một cách hiệu quả là ưu tiên hàng đầu. Đó là những người giữ vai trò đào tạo trong các doanh nghiệp, ngành nghề, hay quân đội; những người lãnh đạo trong các tổ chức chuyên nghiệp với vai trò dẫn dắt các thành viên của mình; và cả những huấn luyện viên. Chúng tôi cũng hướng tới những độc giả trung niên và cao tuổi với châm ngôn học tập là sự nghiệp trọn đời.

Chừng nào vẫn còn những ẩn số về năng lực học tập đang chờ được giải đáp, chừng đó vẫn còn vô số những nghiên cứu luôn sẵn sàng cung cấp các nguyên tắc và chiến lược thực tiễn có thể áp dụng ngay lập tức, không tốn chi phí mà mang lại hiệu quả tuyệt vời.

Những lầm tưởng về sự tiếp thu

Matt Brown phát hiện ra áp suất dầu của động cơ bên phải tụt đột ngột khi đang điều khiển một chiếc phi cơ động cơ hai thì của hãng Cessna trên bầu trời Harlingen, bang Texas. Đó là một trong những năm đầu trong sự nghiệp phi công của ông. Ông đang đơn độc bay xuyên màn đêm ở độ cao 3.353m để vận chuyển một chuyến hàng khẩn cấp cho một nhà máy ở Kentucky. Nhà máy này đã phải tạm ngừng dây chuyền sản xuất để chờ các bộ phận còn thiếu trong quá trình lắp ráp.

Ông hạ độ cao và theo dõi đồng hồ đo dầu, hy vọng có thể đến kịp trạm dừng tiếp nhiên liệu ở Lousiana theo kế hoạch, tại đó máy bay có thể được sửa. Nhưng áp suất dầu vẫn tiếp tục sụt. Matt đã xoay xở với các động cơ pít tông từ lúc ông đủ lớn để cầm một cái cờ lê. Nhờ đó ông biết mình thực sự đang gặp rắc rối. Ông liệt kê và lướt nhanh trong đầu một loạt các phương án. Nếu ông để mặc áp suất dầu tụt xuống quá thấp, động cơ sẽ bị kẹt. Liệu ông có thể bay bao xa trước khi chuyện đó xảy ra? Điều gì sẽ xảy ra nếu ông để mất động cơ? Ông có thể giảm tải phía bên cánh phải? Nhưng liệu ông có thể giữ máy bay ở trên không như thế mãi? Ông hồi tưởng lại những giờ phút chịu đựng trên chiếc Cessna 401. Phải, điều tốt nhất bạn có thể làm khi chỉ còn một động cơ là hạ thấp độ cao. Nhưng ông vẫn còn một lô hàng nhẹ cần chở và máy bay sắp cạn nhiên liệu. Ông tắt động cơ đã tàn tạ bên cánh phải, quay cánh quạt nhằm giảm sức kéo, cùng lúc tăng động cơ cánh trái, bay bằng bánh lái đối diện và lê thêm được mười dặm nữa về phía điểm dừng đã định. Thế đấy, ông đã tiếp đất bằng một cú xoay cánh trái rộng, bởi một lý do đơn giản nhưng cực kỳ mấu chốt: thiếu lực cánh phải, cách duy nhất khiến máy bay có đủ lực nâng để duy trì một độ cao thấp trước khi hạ cánh là thực hiện một cú xoay cánh trái.

Trong khi chúng ta không cần thiết phải tường tận từng hành động của Matt thì dĩ nhiên ông phải hiểu rõ hành vi của mình. Và khả năng tự cứu mình thoát khỏi thảm họa của ông đã làm sáng tỏ điều chúng tôi vẫn luôn muốn đề cập đến trong cuốn sách này khi bàn về vấn đề học hỏi: thu thập kiến thức cũng như kỹ năng và lưu giữ chúng trong trí nhớ để sẵn sàng đối phó với những tình huống trong tương lai: bao gồm cả thách thức và cơ hội.

Chúng ta có thể có cùng chung ý kiến về một số khía cạnh bất biến khi đề cập đến vấn đề tiếp thu tri thức:

Trước hết, quá trình học tập có hiệu quả luôn đòi hỏi sự ghi nhớ. Có như thế kiến thức thu thập được trong hiện tại mới hữu ích trong tương lai.

Hai là, việc học hỏi và ghi nhớ cần được duy trì suốt cuộc đời. Chúng ta không thể hoàn tất bậc giáo dục trung học khi chưa nắm vững các tri thức về ngôn ngữ, toán học, khoa học, cũng như xã hội. Thăng tiến trong sự nghiệp lại tiếp tục đòi hỏi ở chúng ta các kỹ năng chuyên môn và kiến thức đại học. Khi giã từ sự nghiệp, chúng ta kiếm tìm vài sở thích mới. Lúc về già lẩm cẩm, chúng ta chuyển đến những ngôi nhà giản đơn và dễ thích nghi hơn. Khả năng tiếp thu tốt sẽ luôn là một lợi thế cho chúng ta trong mọi giai đoạn của cuộc đời.

Thứ ba, học hỏi cũng là một kỹ năng đòi hỏi sự trau dồi và những chiến lược hiệu quả nhất nhiều khi lại trái với lẽ thường.

ĐỀ XUẤT CỦA CHÚNG TÔI

Có lẽ bạn không đồng tình với chúng tôi ở khía cạnh thứ ba, nhưng hy vọng cuốn sách này sẽ thuyết phục bạn tin vào điều đó. Một số điều dưới đây, không ít thì nhiều, chưa được sắp xếp theo một danh sách tuần tự, nhưng đó là những đề xuất cơ bản hỗ trợ cho lập luận của chúng tôi và sẽ được đề cập đầy đủ hơn trong những chương sau.

Kiến thức sẽ trở nên sâu sắc và được lưu giữ lâu hơn chỉ khi có sự nỗ lực trong quá trình hàm thụ. Học hỏi mà dễ dàng thì chẳng khác gì viết chữ trên nền cát, nay còn mai mất.

Chúng ta còn yếu kém trong việc đánh giá khi nào chúng ta ở trạng thái tiếp thu tốt nhất và khi nào không. Khi mọi thứ trở nên khó khăn, chậm chạp và kém hiệu quả, chúng ta thường bị thôi thúc chuyển hướng sang các chiến lược tưởng như hữu ích mà không hề biết rằng kết quả thu được từ việc áp dụng những chiến lược đó nhiều khi chỉ mang tính nhất thời.

Cho đến nay, đọc lại bài khóa (rereading text) và ôn tập một cách tập trung (massed practice) một kỹ năng hay kiến thức mới là phương pháp học tập vẫn được người học trong mọi lĩnh vực ưu tiên áp dụng. Nhưng kỳ thực đó cũng là một trong những chiến lược kém hiệu quả nhất. Ôn tập một cách tập trung ở đây hàm nghĩa sự lặp lại liên tục, không ngừng, chuyên chú vào một kiến thức duy nhất nhằm khắc sâu nó vào trí nhớ. Đây là phương pháp kiểu “luyện tập-luyện tập-luyện tập” rất kinh điển. Nhồi nhét kiến thức trước kỳ thi là một ví dụ tiêu biểu. Đọc đi đọc lại hay ôn tập không ngừng làm gia tăng cảm giác về sự nhuần nhuyễn, trôi chảy, điều có thể tạm coi là dấu hiệu của sự tinh thông. Nhưng xét đến tính lưu giữ lâu dài và sự thành thạo đích thực thì chiến lược này chỉ làm hao tổn thời gian.

Phương pháp luyện tập thông qua hồi tưởng (retrieval practice) – khơi gợi lại ký ức về sự việc, khái niệm hay sự kiện – là phương pháp hiệu quả hơn nhiều so với đọc lại. Một ví dụ đơn giản là thẻ học thông minh (flashcard). Quá trình hồi tưởng lại tri thức củng cố khả năng ghi nhớ và hạn chế sự quên lãng. Giải một câu đố đơn giản sau khi đọc bài khóa hay nghe thuyết trình thúc đẩy sự lĩnh hội và ghi nhớ tốt hơn nhiều so với xem lại bài giảng hay các ghi chú về buổi thuyết trình. Não bộ không thể được tăng cường bằng các bài tập thể dục như cơ bắp, nhưng các dây thần kinh tham gia vào quá trình xúc tiến sự tiếp thu sẽ được củng cố khi trí nhớ được triệu hồi và kiến thức được ôn tập. Ôn tập theo chu kỳ sẽ loại bỏ khả năng lãng quên, hỗ trợ khả năng gợi nhớ và đặc biệt thiết yếu nếu bạn muốn nắm bắt hay làm chủ kiến thức.

Trong một bài tập, khi bạn tạo khoảng cách giữa những lần luyện tập (space out practice) và đối mặt với chút ít căng thẳng giữa những lần cách quãng, hay xen vào đó hai hay nhiều đối tượng luyện tập khác, quá trình gợi nhớ sẽ trở nên khó khăn và tưởng chừng kém hiệu quả hơn. Nhưng những nỗ lực nhằm khắc phục các trở ngại đó sẽ gia tăng sức sống lâu bền cũng như tính linh hoạt ở khả năng ứng dụng thành quả luyện tập trong những tình huống tương lai.

Cố gắng giải quyết khó khăn trước khi được chỉ ra giải pháp cũng là một cách học hỏi hiệu quả, bất chấp những sai lầm có thể xảy ra.

Có một quan niệm phổ biến rằng kiến thức sẽ được hấp thụ dễ dàng hơn nếu được truyền đạt phù hợp với cách thức lĩnh hội (learning style) của người học, bằng âm thanh hoặc hình ảnh chẳng hạn. Những nghiên cứu thực nghiệm không hề ủng hộ điều đó. Con người phát triển nhiều loại hình trí tuệ để thích nghi với việc học hỏi, và chúng ta sẽ nâng cao khả năng học hỏi nếu chịu khó mở rộng giới hạn dạng thức truyền đạt, huy động mọi khả năng và nguồn lực, hơn là bó hẹp sự truyền đạt hay trải nghiệm trong những dạng thức mà chúng ta cảm thấy dễ chấp nhận nhất.

Khi thành thạo hơn trong việc đúc rút những nguyên lý hay nguyên tắc cơ bản, những điều tạo nên sự khác biệt giữa các loại vấn đề, bạn sẽ thấy bớt phần khó khăn khi phải đưa ra giải pháp đúng đắn trong những tình huống xa lạ. Luyện tập đan xen và lồng ghép nhiều nội dung đa dạng (interleaved and varied practice) sẽ giúp bạn làm chủ kỹ năng hay kiến thức hơn so với luyện tập liên tục và chuyên chú vào một nội dung. Giả dụ, khi bạn đang ôn tập kỹ năng tính toán khối lượng, dung tích, v.v… bạn chen vào đó các kiến thức về hình khối. Điều này sẽ giúp bạn khỏi bối rối khi gặp một bài tập tính toán liên quan đến một dạng hình học nào đó. Một minh họa khác, kết hợp rèn luyện khả năng nhận dạng các loài chim với năng lực cảm thụ các tác phẩm tranh sơn dầu sẽ giúp bạn trau dồi được vốn hiểu biết cả về sự thống nhất giữa các thuộc tính trong cùng một loại thể lẫn sự khác biệt giữa các loại thể, từ đó củng cố kỹ năng phân loại mà rất có thể sau này bạn sẽ cần tới.

Tất cả chúng ta đều dễ sa vào những ảo tưởng. Những ảo tưởng này có thể làm thui chột năng lực đánh giá của chúng ta về những gì ta biết và những gì ta có thể làm. Quá trình kiểm tra thẩm định khả năng khái quát của chúng ta về những gì đã học được. Một phi công đang đối mặt với động cơ bị hỏng trong thiết bị mô phỏng điều kiện bay sẽ nhanh chóng phát hiện ra liệu mình có đang thực hiện đúng quy trình sửa chữa hay không. Gần như trong mọi lĩnh vực, người học có thể đạt tới trình độ thông thạo khi họ sử dụng các bài kiểm tra như một công cụ để xác định và khắc phục điểm yếu.

Mọi tri thức mới đều đòi hỏi phải được xây dựng trên nền tảng từ những hiểu biết trước đó. Bạn cần biết làm thế nào để hạ cánh một chiếc máy bay động cơ hai thì với đủ hai động cơ trước khi học cách tiếp đất chỉ với một trong số chúng còn hoạt động. Để học lượng giác, bạn nhất thiết phải nhớ kiến thức về đại số và hình học. Để biết cách đóng tủ, bạn phải thông hiểu đặc tính của gỗ và các vật liệu cấu thành, cũng như cách ráp ván, bào rãnh, phay mặt, làm mộng.

Trong một tác phẩm của Gary Larson, tác giả của loạt tranh biếm họa Far Side, một cậu bé với đôi mắt ốc nhồi đã xin phép thầy giáo: “Thưa thầy Oxborne, em có thể xin nghỉ được không ạ? Em không thể nhét thêm bất kỳ thứ gì vào đầu nữa ạ!” Nếu như bạn chỉ học hỏi như một cái máy sao chép nhắc lại kiến thức một cách đơn thuần, đúng là chẳng mấy chốc khả năng tập trung chú ý và lưu giữ thông tin của bạn sẽ tới mức giới hạn. Tuy nhiên, nếu bạn học hỏi với một sự diễn giải tỉ mỉ (elaboration), khả năng tiếp thu của bạn sẽ là vô hạn. Sự diễn giải tỉ mỉ ở đây ám chỉ quá trình chúng ta diễn đạt lại ý nghĩa của những tài liệu mới bằng ngôn ngữ và cách thức của chính mình cũng như quá trình chúng ta liên hệ chúng với những kiến thức bản thân đã có. Bạn càng diễn giải được nhiều mối liên hệ giữa hiểu biết mới với những kiến thức cũ, bạn càng thấu hiểu triệt để vấn đề, những mối liên hệ bạn tự tạo ra sẽ giúp bạn ghi nhớ chúng lâu hơn. Luồng không khí nóng lưu giữ nhiều hơi ẩm hơn không khí lạnh; để liên hệ điều đó với trải nghiệm thực tế của bản thân, bạn có thể liên tưởng tới phần sau điều hòa luôn bị rỏ nước, hay khí trời mùa hè oi bức luôn trở nên mát mẻ sau một cơn giông bất chợt. Sự bay hơi có tác dụng làm mát: hẳn là bạn biết điều này vì bạn cảm thấy nhà người chú ở Atlanta nóng nực hơn vào một ngày trời nồm so với một ngày khô hanh tại nhà người anh họ ở Phoenix, nơi mà bạn phải cất áo len đi ngay cả trước khi da mình kịp dấp dính. Khi nghiên cứu nguyên lý dẫn truyền nhiệt, bạn cảm nhận được sự truyền nhiệt khi làm ấm bàn tay quanh một cốc ca cao nóng, nhìn ra sự bức xạ trong cách mặt trời ẩn đi trong những ngày đông giá, cắt nghĩa sự đối lưu qua tiếng còi cứu hộ khi chú bạn âm thầm chậm rãi dõi theo bạn qua những con hẻm ưa thích của ông ở Atlanta.

Lồng nội dung kiến thức mới vào một ngữ cảnh rộng hơn (larger context) cũng là một phương pháp hàm thụ hữu ích. Càng biết nhiều chuyện bên lề sử sách, bạn càng hiểu thêm nhiều về lịch sử. Và bạn có thể lý giải ý nghĩa của những câu chuyện đó theo càng nhiều cách, ví như nếu kết nối chúng với những hiểu biết của mình về hoài bão con người và số phận éo le, thì câu chuyện đó càng tồn tại lâu dài trong tâm trí bạn. Tương tự, nếu bạn đang cố gắng tìm hiểu một khái niệm trừu tượng, như nguyên lý về mô men động lượng chẳng hạn, sẽ dễ dàng hơn khi bạn đặt nó vào một trạng huống cụ thể mà bạn đã biết, trong trường hợp này là cách một vận động viên trượt băng nghệ thuật tăng vận tốc xoay tròn khi cô xếp tay lên ngực.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button