Kỹ năng mềm

Biển Cả Và Giá Trị Cuộc Sống

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Richard Bode

Download sách Biển Cả Và Giá Trị Cuộc Sống ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Sách kỹ năng sống

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

“Cuộc sống con người luôn chật chội, nhiều khó khăn thử thách và nhiều đổi thay. Biển cả rộng lớn và bí ẩn luôn cho ta những bài học vô giá và không bao giờ cũ.”

– Khuyết danh

Hành trình của chúng ta trong cuộc sống có rất nhiều điểm giống như việc chèo lái, định hướng một con thuyền trên biển cả sóng gió. Trong cuộc hành trình đó, mỗi người chúng ta đều được quyền phán đoán và có những lựa chọn khác nhau, hoặc an phận, đi theo con đường dễ dàng, hoặc dũng cảm, dấn thân đi qua vùng bão tố. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi người đều có thể lựa chọn cuộc sống cho chính mình mà không phải phụ thuộc vào bất cứ ai, vào bất cứ điều gì và hoàn cảnh nào. Điều quan trọng nhất mà chúng ta cần có là đưa ra những quyết định đúng đắn, sáng suốt để có thể thành công trên con đường của chính mình, hướng tới những ý nghĩa và giá trị đích thực của cuộc sống.

Richard Bode, tác giả cuốn sách Biển cả và những giá trị cuộc sống, đã gắn tình yêu của mình vào biển cả từ khi còn là một cậu bé. Ước mơ trở thành một thủy thủ đích thực đã không ngừng thôi thúc ông học hỏi và khám phá những bí ẩn lớn lao từ người thầy bao dung nhưng cũng vô cùng khắc nghiệt: Đại dương. Bằng trái tim rộng mở, sự quan sát tinh tế và nguồn cảm hứng vô tận từ đại dương bao la, với những trải nghiệm sâu sắc của một thời tuổi trẻ lênh đênh trên sóng nước cùng sự am hiểu, nhạy bén trong cảm nhận những quy luật của tự nhiên, tác giả Richard Bode đã chuyển tải đến độc giả khắp thế giới những khát khao về một thế giới tự do bất tận giữa thiên nhiên, những ước mơ, hy vọng, những đam mê, hoài bão và những bài học cuộc sống qua cuốn sách Biển cả và những giá trị cuộc sống.

Với cậu bé nhân vật chính trong tác phẩm này, biển cả chính là cuộc sống của cậu – một cuộc sống với sóng gió, thủy triều, những đàn chim hải âu, những đợt sóng không ngừng, và trên hết là những suy tư, khát khao được thử thách, khám phá… Ước mơ trở thành thủy thủ đã từng đặt cậu trước sự lựa chọn mang tính quyết định: sẽ đứng yên trên bờ biển, sống với những nỗi sợ hãi và tiếc nuối, hay là dám căng buồm đón gió, mạo hiểm ra khơi để thỏa mãn khát vọng và tiếp nhận những bài học vô giá từ trải nghiệm của chính mình? Cậu đã quyết định dấn thân để hiểu được rằng những cơn bão tố, những đợt sóng thần, những tảng băng trôi… đều vô cùng lớn lao so với sự nhỏ bé, yếu ớt của con người, nhưng con người đều có thể vượt qua tất cả những sức mạnh đó bằng trí thông minh và lòng dũng cảm. Giữa đại dương, con người gần như đặt số mệnh của mình vào biển cả. Họ có thể bị đói khát, bị mất phương hướng, tuyệt vọng hoặc bị dìm xuống đại dương… Nhưng qua sự tôi luyện đầy gian nan, thử thách đó, con người đã mạnh mẽ, trưởng thành và khám phá ra được nhiều điều vô giá cho cuộc sống của mình.

Qua từng trang sách Biển cả và những giá trị cuộc sống, chúng ta sẽ tìm thấy những bài học bổ ích về cuộc sống, về cách nuôi dưỡng ước mơ cũng như lựa chọn hướng đi trong cuộc đời. Mỗi chúng ta tuy có một mục tiêu sống khác nhau, dù nhỏ bé hay vĩ đại, dù bình thường hay cao cả, nhưng đều phải nỗ lực không ngừng vì nó. Và quan trọng hơn, chúng ta hiểu rằng cuộc sống là một hành trình không có điểm dừng chân cuối cùng, làm cách nào để có thể hướng đến đích quan trọng hơn là khi nào về đích, cảm nhận và sống với những hạnh phúc trong đời quan trọng hơn là tham vọng chiếm hữu những tài sản to lớn.

Có những bài học thật bình dị nhưng sau này chúng ta mới thấy rằng nó thật có ích và ý nghĩa. Biển cả và những giá trị cuộc sống sẽ truyền cho chúng ta những bài học cuộc sống và hướng chúng ta tiếp cận với các quy luật tự nhiên cũng như của đời sống con người, giúp chúng ta cảm nhận cuộc sống một cách tinh tế, sâu lắng. Cuốn sách này sẽ là nguồn cảm hứng tinh thần giúp chúng ta vượt qua thử thách để thực hiện được ước mơ của mình.

– First News

BÀI CA NGƯỜI THỦY THỦ

“Hãy nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng sống, như bình minh rực sáng trên biển rộng bao la.”

– Khuyết danh

Khi còn trẻ, tôi đã từng lập một lời tuyên thệ, rằng sẽ dạy các con mình học cách đi biển. Nhưng lời hứa ấy mãi mãi đã không thể được thực hiện.

Những lo toan thường nhật của cuộc sống: công việc, địa vị, tiền bạc, sức khỏe… đã không cho phép tôi truyền lại những trải nghiệm cả đời mình cho các con. Tôi đã không chỉ dẫn cho chúng đầy đủ những điều hay lẽ phải. Cũng không truyền lại được những kinh nghiệm mà mình đã trải qua thời trai trẻ.

Tôi đã cố gắng để tha thứ cho mình, nhưng hình như điều đó là quá sức. Dù tôi có tự bào chữa thế nào đi nữa, thì vẫn phải đối mặt với một sự thật đầy xót xa: Tôi đã không dạy các con mình học cách đi biển.

Tận trong tâm khảm, từ những giấc mơ, tôi thấy mình đã thực hiện lời hứa với bản thân: đưa các con, từng đứa, từng đứa một ra khơi trên chiếc thuyền một buồm ọp ẹp mà tôi đã bán không lâu sau khi lũ trẻ ra đời. Tôi dạy chúng làm thế nào để giong thuyền qua lạch nước mặn và thẳng hướng theo ngọn hải đăng khi đi ngang qua vịnh. Tôi dạy chúng cách hướng mũi hay đuôi thuyền xuôi theo hướng gió. Tôi dạy chúng căng buồm, hạ buồm, cách ném mỏ neo qua khoang thuyền, cách dừng thuyền để bỏ neo khi biển động… Qua giấc mơ, tuy tôi biết mình không thực sự dạy các con đi biển, nhưng chí ít tôi cũng đã dạy chúng cách sống hoàn toàn không dựa vào những giáo điều. Tôi muốn chúng hiểu rằng: cách lèo lái đưa thuyền thoát khỏi những khu vực nguy hiểm cũng tương tự như cách ta đương đầu với những thử thách trong cuộc sống.

Lúc còn trẻ, tôi chỉ đơn thuần học cách để lái thuyền chứ chưa thực sự nhận ra những kinh nghiệm mà mình học được từ cuộc sống lênh đênh nơi biển cả lại quý giá và hữu ích về sau đến vậy.

Khi thấy gió đổi chiều, tôi chỉ việc điều khiển bánh lái chỉnh hướng thuyền, thả neo… – đơn giản là làm những việc phải làm – chứ không hề nghĩ sâu xa rằng: đó là một bài học khác của cuộc đời.

Tôi đã nhận thấy mối quan hệ giữa bản thân mình và các yếu tố tự nhiên là không kiểm soát được. Gió có thể thổi đến từ bốn phương. Gió có thể thét gào, lặng đi và cũng có thể ngừng thổi bất cứ lúc nào. Tôi không được chọn gió bởi nó thuộc về thế lực tự nhiên. Nhưng tôi buộc phải lái thuyền theo gió. Và có đôi khi gió bỗng ngừng thổi, tôi đành phải chờ đợi với sự kiên nhẫn của Job(*) nếu muốn di chuyển đến nơi mình cần.

(*)Trong Kinh thánh, Job là người phải kiên nhẫn chịu đựng trong mọi hoàn cảnh.

ĐỌC THỬ

Tôi cho rằng loài người khá ngạo nghễ khi nghĩ rằng mình thống trị được cả thế giới. Họ tin rằng thế giới thuộc về loài người, rằng họ có thể kiểm soát được nó. Nhưng người thủy thủ lại khác, họ cho đó chẳng qua là một ảo tưởng. Người thủy thủ luôn ở bên cạnh bánh lái, quan sát và chờ đợi. Anh ta hiểu mình không phải là chúa tể của tất cả, thậm chí chẳng hơn được loài cá trong đại dương mênh mông hay loài chim trên bầu trời bao la. Nhưng anh ta biết cách ứng phó khi gió đổi chiều hoặc khi thủy triều rút… Anh ta có quyền thay đổi lịch trình, kéo buồm theo hướng gió, và dong buồm ra khơi.

Cuồng phong, bão tố, sóng thần, băng trôi… tất cả đều cho thấy sự nhỏ bé và yếu ớt của con người trước các thế lực tự nhiên. Giữa đại dương, con người không thể tự định đoạt số mệnh của mình. Họ có thể bị quật ngã, bị bỏ đói, bị cô lập và thậm chí đối diện với tử thần. Đôi khi họ được nâng bổng lên bởi một bàn tay vô hình nào đó nhưng rồi lại có thể bị nó nhấn chìm bất cứ lúc nào.

Tôi lần lượt mất cả cha lẫn mẹ khi còn là một cậu thiếu niên khờ khạo. Điều đó quả thực vượt quá sức tưởng tượng của một đứa trẻ, nhưng cũng chính cơn nguy biến định mệnh ấy đã hướng cuộc đời tôi rẽ sang bước ngoặt khác. Tuy tôi không thể làm chủ nó cũng như lấy lại những gì mà nó đã cướp đi, nhưng tôi sẽ cố lèo lái nó cho đến khi tìm được một nơi nào đó để dừng chân.

Tất cả những bất hạnh đó đã xảy ra với tôi nửa thế kỷ trước, và tôi vẫn đủ sức để tiếp tục tồn tại. Qua nhiều năm, tôi nhận ra rằng, mặc dù nỗi đau thương ấy dường như là quá sức chịu đựng với nhiều người, nhưng cuộc sống thường nhật không phải toàn khó khăn, trắc trở. Ngày nối tiếp ngày trôi qua, cuộc sống cũng giống như một cơn gió luôn biến đổi không ngừng. Gió không ngớt đổi chiều, theo hướng Bắc-Đông Bắc, rồi Đông Bắc, rồi lại Bắc. Cũng như tâm trạng chúng ta luôn thay đổi, buồn, vui, giận dữ thất thường. Như người thủy thủ điều khiển thuyền theo hướng gió, chúng ta cũng vậy, phải luôn làm chủ cảm xúc của mình.

Trong những giấc mơ, tôi thấy mình cùng các con đi biển và chia sẻ với chúng những suy nghĩ này. Nhưng thật sự chẳng có chuyến đi biển nào cả. Và vì thế, chẳng có cơ hội nào để tôi truyền cho chúng những kiến thức về nghề đi biển. Ở cương vị một người cha, tôi đã nghiệm ra rằng thật khó để có thể truyền lại cho con những bài học kinh nghiệm của mình về cuộc sống. Đồng thời, tôi cũng hiểu một cách muộn màng rằng, các con tôi sinh ra là để học những bài học kinh nghiệm từ chính bản thân chúng chứ không phải từ cha mẹ. Và dù tôi có nỗ lực đến đâu để hoàn thành ước muốn của mình thì cũng chẳng đem lại kết quả gì.

Sự thật là, dù nội tâm có day dứt hay nuối tiếc thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ không thể suốt đời cứ kết tội bản thân về những việc mình đã làm hoặc không làm. Vấn đề là ở chỗ: tuổi trẻ của tôi, tôi học đi biển, còn các con tôi thì không. Tôi không biết tại sao điều đó lại xảy ra và cũng chẳng thể hiểu tại sao có những sinh viên cắm cúi vào thư viện trường trong khi một số khác lại chọn phòng thể dục. Điều đó dấy lên trong tôi một suy nghĩ: Phải chăng có những đích đến vẫy gọi chúng ta từ một nơi bí ẩn nào đó trong chính mỗi người và bản năng chúng ta phải trực tiếp lắng nghe tiếng gọi ấy?

Những dòng chảy êm ả của cuộc sống đã đưa tôi ra biển trên một chiếc thuyền buồm khi tôi còn là một cậu bé. Đó là hành trình tôi chọn cho mình, và nó đã tạo nên những khác biệt trong cuộc sống của tôi.

Các con tôi giờ đã trưởng thành và bận rộn hơn với cuộc sống, với vinh quang và những nỗ lực có ý nghĩa đặc biệt với chúng. Còn tôi thì ôm mãi trong lòng câu chuyện chưa kể, mà cũng chẳng có ai để kể. Vì thế, những gì tôi viết ra đây như một cách để chuộc lỗi cho những việc mà tôi đã bỏ quên trong quá khứ. Tôi giống như một người thủy thủ xa xưa, cố níu lấy những người xung quanh hay bất chợt đi ngang, chỉ để kể cho họ nghe bài ca của mình.

BÀI HỌC ĐẦU TIÊN

Lần đầu tiên, niềm khao khát được lái một con thuyền nảy sinh trong suy nghĩ của tôi năm mười hai tuổi. Tôi đứng trên bờ và mải miết dán mắt vào những chiếc thuyền hết tròng trành rồi lại đứng yên trong làn gió nhẹ. Tôi bắt đầu hình dung về việc lái thuyền, trông nó đơn giản hơn nhiều so với việc một cầu thủ bóng chày đánh quả home- run(*) hay đánh một quả bóng quá cỡ qua khung kim loại. Khi điều khiển thuyền, tôi chỉ việc giương buồm, làm cho buồm no gió, và thế là mặc sức vùng vẫy thỏa thích như chú chim non lần đầu tiên được bay nhảy trong bầu trời xanh bao la.

(*) Cú đánh cho phép người chơi chạy quanh ghi điểm mà không dừng lại.

Nhưng người đầu tiên dẫn dắt tôi hòa nhập vào thế giới đại dương lại không nghĩ vậy. Tên ông là Harrison Watts. Thoạt đầu, những hiểu biết của tôi về ông chỉ dừng lại ở cái tên của ông. Ông là một thuyền trưởng huyền thoại, người đã bứt lên, vượt xa những chiếc thuyền đua và thuyền chạy trên băng khi vịnh Đại Nam cùng toàn bộ vùng đất liền từ Trường Đảo đến Hỏa Đảo bị đóng băng vào mỗi mùa đông. Nếu có dịp đến đây, bạn hãy dừng chân ở cuối đại lộ Đại Dương trong thị trấn cổ xưa của Vịnh Biển, bạn sẽ thấy ngay ngôi nhà khung gỗ của thuyền trưởng sừng sững ở đó – phía Bắc vịnh, xoay lưng lại với khúc sông nước mặn nhộn nhịp. Bạn có thể tìm thấy chiếc Nimrod, chiếc thuyền đã gắn bó với ông trong cả Thế chiến thứ hai và nhiều năm về sau, đang lắc lư trong gió. Ông nối gót những thế hệ đi trước đến vùng biển viễn đông này an cư lạc nghiệp và cũng tiếp bước theo họ mắc căn bệnh thấp khớp.

Tôi thường nhìn thuyền trưởng ở một khoảng cách khá xa, vì ông đậu neo chiếc Nimrod tại dải nước hẹp từ xưởng đóng tàu, nơi tôi hay đến chơi những khi rảnh rỗi. Ông chừng bảy mươi tuổi, có dáng dấp bệ vệ, gương mặt đôn hậu ẩn sau chiếc mũ lưỡi trai bằng vải dù trắng có vành dài. Mặc dù khá lớn tuổi nhưng ông vẫn giữ được sự linh hoạt, nhanh nhẹn, quyết đoán của một vị chỉ huy từng trải, gan dạ. Vào những chiều hè, ông hầu như luôn có mặt tại khoang lái của chiếc Nimrod, trở về từ vịnh với khoang thuyền ăm ắp cá, đi vào lạch và kéo theo một chiếc xuồng mũi cong ở phía sau. Tôi chắc rằng ông cũng nhìn thấy tôi, bởi tôi luôn ngồi bên bờ vịnh để có thể học được cách ông cho thuyền cập bến như thế nào.

Một cách tự nhiên, ông trở thành người thầy dạy tôi bài học vỡ lòng về tàu thuyền. Đó là vào một ngày cuối tháng sáu, khi kỳ nghỉ hè thú vị vừa chớm bắt đầu. Sáng hôm ấy, tôi đạp xe đi vòng quanh xưởng tàu và phát hiện ra chiếc Nimrod lừng lẫy một thời đang phơi mình trên cạn, còn thuyền trưởng thì đang hì hục dưới lòng thuyền, đập đập, gõ gõ vào bụng nó. Tôi mon men tiến lại gần nơi ông làm việc với bộ dạng rụt rè, phần vì đối với tôi, ông vẫn còn là một bí ẩn, phần vì sợ ông đột nhiên biến thành một thủy thần có thể cắt đầu tôi bất cứ lúc nào. Tôi yên lặng ngồi trên một khối gỗ lớn cạnh thuyền ông với đôi mắt không ngừng cảnh giác. Bỗng chốc nỗi sợ hãi trong tôi chợt tan biến khi ông quay sang trò chuyện với tôi. Tôi nhận ra nỗi sợ của mình thật vô lý. Thì ra, ông cũng là một người bình thường như bao người khác và đứa trẻ con trong tôi bắt đầu cảm thấy thinh thích khi tiếp xúc với ông.

“Này, anh bạn nhỏ của ta”, ông nói cứ như thể chúng tôi đã là một đôi bạn tri kỷ, “sao cậu ra đây sớm thế?”.

“Con đang tìm một con thuyền”, tôi ngoan ngoãn trả lời. Tuy điều đó không được thành thật lắm, nhưng cũng không hẳn là một lời bịa đặt.

“Loại thuyền nào?”

“Thuyền buồm ạ.”

“Thế cậu có thể lái thuyền được không?”

Tôi cảm thấy sợ phải trả lời câu hỏi này, bởi vấn đề khó khăn nhất trong cuộc sống là phải thừa nhận sự ngu dốt của bản thân trước người khác trong khi đang cố gắng tìm mọi cách gây ấn tượng. Tôi có tài bốc phét với lũ bạn về việc mình có thể làm gì và sẽ đi những đâu nếu được sở hữu một chiếc thuyền của riêng mình. Và lũ bạn ngờ nghệch của tôi không mảy may nghi ngờ. Ở tuổi mười hai, thật khó có thể cưỡng lại được sự tán dương, khen ngợi từ bạn bè cùng trang lứa. Nhưng với thuyền trưởng thì lại là chuyện khác. Một chuyên gia lão luyện như ông sẽ không mấy khó khăn để phát hiện ra rằng tôi đang khoác lác. Thậm chí, ông còn có thể nhìn thấu được tâm can tôi khi tôi chưa mở miệng nữa là đằng khác.

“Dạ không, con không thể”, tôi đáp.

“Thế cậu đã bao giờ đi trên một chiếc thuyền buồm chưa?”

“Dạ… Không hẳn là thế ạ”. Tự dưng, tôi lại cảm thấy lúng túng trước câu trả lời không mấy tự tin của mình.

“Cậu chưa bao giờ đi thuyền, cũng như chưa từng đi trên một chiếc thuyền buồm nào cả. Vậy mà cậu lại muốn có một chiếc thuyền. Cậu có nghĩ rằng điều đó là quá xa vời?”

“Ồ, con nghĩ rằng mình có thể tự xoay xở được.”

Ông lăn ra ngoài từ phía dưới chiếc Nimrod và đứng thẳng dậy. Tôi hồi hộp chờ đợi khoảnh khắc tuyệt vời sẽ xảy đến khi ông hô biến và lập tức chiếc thuyền một buồm sẽ hiện ra để cả hai có thể ra khơi. Nhưng thật thất vọng bởi chẳng có bài học nào về lái thuyền cả. Thay vào đó, ông chậm rãi bước về phía buồng lái lôi ra đôi mái chèo, sau đó đi thẳng đến chỗ chiếc xuồng mũi cong mà ông đã buộc vào bến tàu. Ông đưa mái chèo cho tôi. “Lên xuồng nào!”, ông nói gần như ra lệnh, “Bây giờ, việc đầu tiên cậu cần làm là học chèo thuyền nhỏ trước đã!”.

Tôi ném nhanh cái liếc mắt về phía chiếc xuồng bé tí với vẻ mặt không hài lòng chút nào. Thân hình ngắn ngủn của nó cứ dập dềnh trên sóng như một cái nút bần càng làm tôi thấy khó chịu. Một sự sỉ nhục quá thể đối với một đứa bé mười hai tuổi đầy tự trọng như tôi. Tôi khát khao được sở hữu chiếc thuyền một buồm, nếu không thì thuyền đáy bằng nhỏ, hay chí ít cũng là một chiếc thuyền thoi có bốn đến sáu mái chèo. Tôi muốn được giương buồm trên vịnh, xuyên qua đại dương, thám hiểm thế giới, oai phong như một thủy thủ thực thụ. Vậy mà…

Tuy nghĩ vậy nhưng rồi tôi cũng bước lên xuồng, bắt đầu điều khiển nó theo bản năng một cách khó nhọc. Quả thật không dễ để thuần hóa “con quái vật hai càng đáng ghét” này, nó cứ tròng trành liên tục như thể muốn ném tôi xuống biển vậy. Trong khi tôi đang khổ sở đánh vật với chiếc xuồng thì thuyền trưởng vẫn bình chân như vại. Tôi đoán rằng ông ta đang ngầm đánh giá xem khả năng giải quyết tình huống của tôi đến đâu.

Sau ba ngày liên tục luyện tập, cuối cùng thì tôi cũng đã có thể tự mình chèo xuồng, thậm chí còn khá thuần thục trong những pha luồn lách khi gặp phải những chiếc thuyền lớn. Thuyền trưởng thỉnh thoảng mới xuất hiện ở cầu tàu, ông vẫy tôi lại và chỉ dẫn thêm một vài điều. Nhưng phần lớn thời gian, ông đứng trầm ngâm ở đó quan sát cách tôi khua mái chèo. Tôi không biết liệu ông có hài lòng với sự tiến bộ của tôi hay không. Hy vọng tôi sẽ không làm ông thất vọng. Về phần mình, tôi thực sự cảm thấy tự hào về bản thân, bởi tôi nhận thấy mình có khá nhiều kinh nghiệm và đủ nhanh nhạy để phán đoán tình huống cũng như có thể làm chủ được hoàn cảnh một cách tốt nhất.

Ngày qua ngày, dưới sự quan sát thầm lặng của thuyền trưởng, tôi đã rèn được một số kỹ năng như cách đoán biết vùng nước xoáy, tháo nước khi thuyền gặp sự cố hay cách đẩy mái chèo sao cho ít tốn sức nhất mà vẫn hiệu quả… Nói chung là những điều cơ bản mà một thủy thủ cần phải biết. Đầu tiên, tôi học cách khỏa hai mái chèo vào nhau, sau đó học cách cho thuyền tiến lên phía trước với những tốc độ khác nhau bằng cách thay đổi nhịp chèo. Quan trọng hơn là cách nhìn của tôi về đại dương, về nghề đi biển cũng từng bước thay đổi, thâm trầm hơn, sâu sắc hơn. Tôi nhận ra rằng một khi ta lênh đênh trên mặt biển, tứ bề chỉ có nước và nước, thì bản năng sống của ta sẽ được bộc lộ một cách mãnh liệt nhất.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button