Kinh doanh - đầu tư

Thanh Niên Khởi Nghiệp

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK 

Tác giả : David S. Kidder

Download sách Thanh Niên Khởi Nghiệp ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH TẾ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                  

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


LỜI ĐỀ TẶNG

Cuốn sách này dành tặng cho “lần khởi nghiệp” quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, đó là gia đình tôi: vợ tôi Johanna cùng các con trai Jack, Stephen và Lucas.

Hy vọng cuốn sách này sẽ truyền cảm hứng và giúp ích cho các bạn cũng như nó đã giúp tôi thực hiện mục tiêu cả gia đình chúng tôi đã đề ra: sử dụng những món quà Thượng đế ban tặng để giúp mọi người và cả thế giới thay đổi theo hướng tích cực và phi thường.

MỤC ĐÍCH CỦA CUỐN SÁCH

Khởi nghiệp là hành trình đầy gian nan khám phá những mảnh đất chưa từng đặt chân tới. Trên hành trình ấy có cả những điều ly kỳ và nỗi sợ hãi. Bạn đang cho một cuộc hành trình đầy mạo hiểm, nên điều quan trọng nhất là bạn phải chuẩn bị thật tươm tất. Theo như ước tính, phải mất tới hơn 10.000 giờ cần cù rèn luyện mới có thể phát triển hoàn thiện những kỹ năng và kiến thức hoàn toàn chuyên môn. Cuốn sách này chính là sự tổng kết lại những chương cuối trong chuyến hành trình tự rèn luyện bản thân đã giúp tôi trở thành một doanh nhân thành đạt như bây giờ. Thực tế, để phát triển thành công một công ty từ một ý tưởng nhỏ bé ban đầu đòi hỏi sự tận tụy, bền bỉ không ngừng. Sứ mệnh ấy đơn giản là phản ánh và tiếp thu một cách chân thực, liên tục củng cố và hoàn thiện bản thân.

Trong quá trình xây dựng ba công ty cuối cùng, tôi đã cho ra đời cuốn sách Thanh niên nghiêm túc khởi nghiệp này. Đó là sự tổng hợp những ý tưởng cốt lõi, niềm tin, công cụ, phương pháp được rút ra và đúc kết, thể hiện được chân thực và rõ ràng nhất quá trình tạo dựng một công ty, từ ý tưởng đến thực tế triển khai. Tôi cam đoan với tất cả thành viên trong công ty tôi rằng họ sẽ có cơ hội trở thành những người điều hành quá trình khởi nghiệp một cách trọn vẹn, họ sẽ được lĩnh hội và trải nghiệm một hành trình khởi nghiệp đúng nghĩa – với cả thành công và thất bại – cuốn Thanh niên nghiêm túc khởi nghiệp này bao gồm hệ thống vận hành và nền tảng mà tất cả chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng. Tuy nhiên, vài năm trước, tôi nhận thấy cần phải cập nhật cuốn cẩm nang của mình bởi công ty tôi thành lập gần đây nhất đã mở rộng nhanh chóng cả về độ phức tạp, nhân sự, đối tác, sản phẩm, văn hóa và nhiều mảng khác nữa. Cuốn cẩm nang cũ đơn giản là chưa đủ cặn kẽ để bao quát toàn bộ những thái cực trong việc thành lập và điều hành một công ty từ lúc mới ra đời – đòi hỏi bạn phải giải quyết năm tới mười vấn đề hóc búa cùng lúc – cho tới khi công ty đủ lông đủ cánh để mở rộng quy mô. Bạn sẽ buộc phải quay cuồng với hàng trăm vấn đề phát sinh cùng lúc (mà thường thì phải giải quyết ngay lập tức). Tôi đã quyết định đó chính là lúc mình phải khẩn trương ấn nút khởi động lại, huy động tối đa kiến thức mình có, từ những người bạn và những con người đáng ngưỡng mộ khác. Tôi cần phải làm cho trí tuệ mình căng tràn và minh mẫn. Tôi tiếp cận với rất nhiều người, phần lớn trong số họ đều là những doanh nhân được coi là thành đạt nhất trong nhiều lĩnh vực. Một số người là những cộng sự của tôi suốt một thời gian dài, còn số khác tôi mới gặp lần đầu tiên. Tôi đang chia sẻ những gì tôi học được từ họ với các bạn – đó chính là cẩm nang khởi nghiệp của họ.

Những doanh nhân mà tôi hướng tới có kinh nghiệm trong rất nhiều mảng khác nhau cả trong thế giới kinh doanh lợi nhuận và phi lợi nhuận – từ công nghệ và tài chính cho tới hoa, đồ uống, giày dép, tàu vũ trụ, và may mặc. Tất cả họ đều là những người góp sức vào sự thay đổi diện mạo thế giới, nhiều người trong số đó là tỉ phú, tỉ phú cả về ý tưởng, xuất bản, truyền thông và lòng bác ái. Khi nói chuyện với họ, tôi cố gắng đào sâu vào hai câu hỏi trọng tâm và cấp bách nhất: Một là, những luận điểm nào theo họ là quan trọng nhất trong việc tạo ra những công ty khởi nghiệp thành công và phát đạt; và hai là, những hoạt động và phương châm nào quan trọng nhất trong năm năm đầu khởi nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển và lớn mạnh của công ty? Những câu hỏi này đủ chặt chẽ để trọng tâm cuộc hội thoại đi thẳng vào những ý tưởng chủ đạo nhưng đồng thời chúng cũng đủ mở để cuộc hội thoại chạm tới nhiều vấn đề khác từ phát triển sản phẩm đến xây dựng đội ngũ và quản lý nhân sự; từ đầu tư sang văn hóa, thiết kế, marketing, tài chính, quản lý khủng hoảng, và nhiều vấn đề khác nữa. Tôi nỗ lực khai thác những hành vi cạnh tranh khốc liệt giúp những nhà sáng lập và những người có tầm nhìn xa trông rộng đáng kính (thậm chí có thể gọi là huyền thoại) này tạo ra những công ty đi đầu trong trong các thị trường của họ. Tôi cần cẩm nang khởi nghiệp của họ để có thể tự tạo nên cẩm nang khởi nghiệp của riêng mình.

Cuốn sách này bao gồm các bài phỏng vấn được triển khai dựa theo một bộ câu hỏi được dựng sẵn nhằm khai thác tối đa những luận điểm mang tính đường lối của những nhà sáng lập. Thông qua những bài phỏng vấn này, tôi ghi chép rất tỉ mỉ và thăm dò những ý kiến sinh động bao gồm cả cẩm nang của doanh nhân, lưu tâm tới những lời khuyên bổ ích nhất cho những thử thách trong quá trình khởi nghiệp và hành trình cá nhân. Chúng ta cần những doanh nhân này nói cho chúng ta biết “Khởi nghiệp thực sự như thế nào”, và trên thực tế họ đã chỉ cho chúng ta thấy.

Chúng tôi đã tổng hợp tất cả những ý tưởng xuất chúng cũng như những câu chuyện và kinh nghiệm được chia sẻ một cách vô tư và thẳng thắn để đúc kết nên cuốn sách này, tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề mà cuốn sách này vẫn chưa lý giải được liên quan tới việc làm thế nào các doanh nhân nắm bắt được “sự thay đổi của thị trường”.

Chúng ta đều cho rằng tài sản lớn nhất của mình là giá trị tài sản trong nhà mình, nhưng trên thực tế, tài sản lớn nhất của chúng ta bao gồm chính là bản thân chúng ta: tài năng, mục tiêu và sự nỗ lực. Bạn chính là vốn đầu tư tốt nhất của bạn. Giấc mơ Mỹ mới sẽ giúp bạn tạo ra và gây dựng công ty của riêng mình. Tài sản lớn nhất chính là bản thân bạn.

ĐỊNH NGHĨA CÔNG TY KHỞI NGHIỆP

Công ty khởi nghiệp là gì? Hầu hết mọi người đều định nghĩa công ty khởi nghiệp là bất cứ công ty nào mới hoạt động ngắn hạn; mới thành lập, và thường trong giai đoạn tìm kiếm sản phẩm và thị trường. Đây là giai đoạn các nhà sáng lập vẫn đang bước đi vô định trong bóng tối, kiếm tìm những tia sáng tri thức le lói giúp họ sáng tỏ làm thế nào để ý tưởng đáp ứng được nhu cầu khách hàng cũng như sản phẩm/ dịch vụ cạnh tranh. Thuật ngữ “công ty khởi nghiệp” chính thức trở nên phổ biến trong giai đoạn bùng nổ –các công ty kinh doanh qua mạng Internet, như một cách để mô tả các công ty công nghệ được sở hữu bởi các nhà đầu tư mạo hiểm. Nhưng vì mục đích của cuốn sách này, chúng tôi sẽ mở rộng định nghĩa công ty khởi nghiệp là bất cứ doanh nghiệp mới, sáng tạo được tạo ra bởi một đội ngũ sáng lập, tập trung vào tăng trưởng nhanh, rủi ro/cơ hội, khả năng mở rộng quy mô, và khả năng lãnh đạo thị trường. Những công ty này thường thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư giai đoạn đầu hoặc các nhà đầu tư kiểu đỡ đầu1, rồi mới tiến đến vốn đầu tư mạo hiểm, mặc dù không phải tất cả các công ty đều cần đến hoặc tìm kiếm vốn bên ngoài. Giai đoạn khởi nghiệp thường kết thúc khi công ty đã vượt qua những mốc phát triển nhất định, thường là khi công ty đạt được mức lợi nhuận vượt trội, hoặc khi công ty bị sáp nhập hoặc mua lại.

Trong bối cảnh tỉ lệ thất bại rất cao, những công ty có thể tồn tại và phát triển mạnh thường sinh ra lợi nhuận kinh tế khổng lồ. Một trong những mục đích chính của cuốn sách này là điều chỉnh lại hay tối ưu hóa những nỗ lực trọng tâm của các doanh nhân nhằm giúp họ lựa chọn ý tưởng thích hợp nhất để dựa vào đó đưa ra đường hướng ngay từ đầu. Chúng tôi hy vọng rằng bằng cách khai thác sâu những “lăng kính” của các nhà sáng lập, bạn có thể chắt lọc hoặc lựa chọn ý tưởng, chiến lược kinh doanh sáng suốt hơn, nắm bắt được đặc trưng cũng như những thuộc tính của những công ty phát đạt khác. Trong nhiều trường hợp, việc lựa chọn những gì cần chú trọng cũng quan trọng không kém việc lựa chọn những gì cần từ bỏ, và lúc nào nên từ bỏ. Nếu ý tưởng khởi nghiệp của bạn không có những điểm tương đương với những ý tưởng được đưa ra trong cuốn Thanh niên nghiêm túc khởi nghiệp này, có lẽ bạn sẽ phải cân nhắc lại luận điểm kinh doanh của mình, đổi hướng mục tiêu, hoặc thậm chí quyết định từ bỏ không theo đuổi ý tưởng đó nữa, bởi chi phí cơ hội và rủi ro quá cao, khó có thể nhìn ra tiềm năng tạo ra lợi nhuận.

Việc quyết định bạn có thích hợp cho việc trải nghiệm thử thách khởi nghiệp hay không bao gồm cả việc tự đánh giá bản thân vô cùng phức tạp. Tin vui là các kỹ năng cần thiết cho một doanh nhân có thể học hỏi được. Đó là cả một quá trình chứ không phải kết quả, đơn giản là bạn cần phải kiên trì phát triển và tự hoàn thiện bản thân cho tới khi nào bạn hé lộ được cẩm nang của mình để theo đuổi và thực hiện ý tưởng tuyệt vời nhất của mình.

ĐI THẲNG VÀO VẤN ĐỀ!

Hiện giờ tôi hy vọng bạn đang tự nhủ: “Hãy cho tôi câu trả lời đi!” Tôi sẽ làm vậy. Nhưng trước hết, tôi cần phải nói rằng những ý kiến sắp được đưa ra sau đây có vẻ như rất hiển nhiên, nhưng thực tế chúng lại là một phần không thể thiếu trong từ điển bách khoa ở công ty của bạn. Đó không phải là những công ty bạn khởi dựng nhưng thất bại, cũng không phải những công ty mà bạn đã thành công, mà là công ty mà bạn đang tìm kiếm một hướng đi xán lạn hơn; hay công ty mà bạn đang ấp ủ sẽ khởi dựng một ngày nào đó. Khi bạn đọc những ý kiến này đặt trong các câu chuyện của những nhà sáng lập đã rèn giũa và nặn đẽo ra chúng, bạn sẽ nhận ra rằng đó thực sự là những tư tưởng sâu sắc. Trong hầu hết các trường hợp, kết quả cuối cùng bạn đạt được lại dựa vào chính khả năng của bạn trong việc xử lý các khía cạnh nghệ thuật cũng như khoa học của những ý kiến này – đó là, tạo ra một tầm nhìn. Đó không phải là những ý kiến bạn có thể lựa chọn, mà đó sẽ là những gì thị trường sẽ đánh giá công ty bạn, vì thế bạn cần phải dành thời gian kiểm tra việc kinh doanh của mình một cách khách quan với những ý kiến ấy.

Bản thân tôi cho rằng thật là tai họa nếu bạn không làm như vậy.

Sau đây là những ý kiến tổng quát và then chốt nhất từ cuốn Thanh niên nghiêm túc khởi nghiệp:

1. Nắm được điểm mạnh của chính mình

Sau những cuộc trò chuyện với các doanh nhân và thu lượm những lời khuyên từ họ để viết nên cuốn sách này, tôi đã đúc rút ra được một kết luận căn bản, rằng hầu hết các nhà sáng lập đều biết cách tận dụng thế mạnh của mình. Có rất ít doanh nhân mong muốn làm việc trong một lĩnh vực mà họ không nắm bắt được thế mạnh, từ khả năng cho tới đam mê. Tiếng tăm trên thị trường và thế mạnh của một công ty gắn liền với danh tiếng cũng như thế mạnh của người sáng lập ra nó. Nếu trong một thị trường, bạn băn khoăn về độ khó khăn và xa vời để đạt được thành công đột phá, đó là khi bạn bắt đầu hiểu được tại sao cần phải sử dụng một phiến gỗ phá thành là những tài sản độc quyền – bắt đầu với trái tim và trí óc của người sáng lập – để đột phá.

2. Tập trung vào những ý tưởng lớn nhất

Người ta thường đánh giá thấp, cho rằng các doanh nhân tài ba không giỏi tính toán thời gian cho một cuộc chơi thị trường. Các doanh nhân tài ba luôn có giác quan thứ sáu để cảm nhận được một loạt các xu hướng và thông tin. Cách họ tập hợp các kiến thức một cách chủ động và bị động bao gồm cả sự tính toán thời gian, hướng triển khai ý tưởng và các bước thực hiện. Và một khi họ đã phát hiện ra một xu hướng đúng đắn, thường bắt nguồn từ các viễn cảnh trái chiều trên thị trường, thì họ sẽ chỉ tập trung sâu vào Một ý tưởng lớn. Có thể bạn cho rằng đó là khả năng vốn có của các doanh nhân đi đầu, nhưng không phải vậy. Trên thực tế, chọn được một con đường đi và đặt cược tất cả vào nó là một trong những phần việc khó khăn nhất, nhưng nó lại là việc làm tiên quyết để có thể thống lĩnh thị trường. Các doanh nhân thích sự lựa chọn và thích tìm nhiều cách để chinh phục. Nhưng trong khi bạn cho rằng nhiều lựa chọn mở sẽ cho bạn nhiều cơ hội và con đường đi đến may mắn hơn, thì thực tế lại ngược lại. Có quá nhiều lựa chọn chỉ khiến bạn sao nhãng, thiếu tập trung, mất đi nguyên tắc để học được cách phát triển trên thị trường. Công việc của một nhà sáng lập thành công là tìm ra câu trả lời nhanh nhất có thể. Hầu hết các doanh nhân ở thung lũng công nghệ đều cho rằng bạn cần phải nhanh chóng thất bại. Cuối cùng thì bạn đơn giản chỉ là cố gắng nhìn nhận một cách lạc quan các công việc kinh doanh của bản thân để giải quyết các vấn đề của thị trường. Chọn cho mình một lựa chọn – một chứ không phải một vài – sẽ cho bạn sự tập trung cao độ và nguồn thông tin phong phú. Nắm lấy chìa khóa, tập trung và xử lý mật mã.

3. Tạo thuốc giảm đau thay vì vitamin

Đây là câu thần chú lâu đời của giới đầu tư mạo hiểm, nhưng nó vẫn khiến tôi có một chút giật mình khi bắt gặp những con người vô cùng tài năng lại theo đuổi những ý tưởng đơn giản đó là phát triển một tính năng đơn giản hay dịch vụ cục bộ nào đó không có sức cạnh tranh trong các thị trường lớn. Đối với khách hàng, đây chỉ là những sản phẩm/dịch vụ có cũng được mà không có cũng không sao, như việc uống vitamin không phải lúc nào cũng cần thiết. Tuy nhiên đôi khi vẫn có một ốc đảo nhỏ trong tâm trí các doanh nhân, đó là sự động viên của gia đình, bạn bè và những người ủng hộ. Khi đó sự lạc quan sẽ giúp họ mở rộng và phát triển công ty. Nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra. Mặt khác, một ý tưởng được ví như viên thuốc giảm đau là khi bạn có một thị trường rộng lớn với các khách hàng tiềm năng, và họ có thể miêu tả cho bạn những gì họ cảm thấy đau nhức, hay chí ít cũng chỉ cho bạn biết chỗ đau ấy. Công việc của bạn là tạo ra một loại thuốc có thể triệt tiêu cơn đau nhức ấy vĩnh viễn. Một khi khách hàng đã bắt đầu sử dụng dịch vụ hay sản phẩm của bạn, họ sẽ không bao giờ từ bỏ nó – bởi nó đã trở thành một thứ thiết yếu. Vitamin giải quyết được các vấn đề một cách tổng quát, nhưng lại không thể triệt tiêu cơn đau. Nếu bạn không thể miêu tả công ty của bạn như một viên thuốc giảm đau một cách đơn giản và dễ hiểu cho một trong các khách hàng tiềm năng, thì tôi khuyến cáo bạn nên định nghĩa và xem xét lại luận điểm kinh doanh của mình.

4. Tốt hơn đối thủ gấp mười lần

Thật khó để một doanh nhân tránh bị rơi vào sự lạc quan quá mức về doanh nghiệp của mình (Tôi có thể nghe thấy hội đồng quản trị của tôi cười thầm). Nhưng điều quan trọng là phải giữ cho sự lạc quan ấy không đi quá giới hạn, rơi vào lãnh địa hoang tưởng, bởi hoang tưởng là kẻ thù của việc thành lập công ty lớn. Trên thực tế, trong khi lạc quan là thuộc tính không thể thiếu đối với bất kỳ doanh nhân tài ba nào, thì nó cũng không thể lấn át được lực ma sát thị trường của những doanh nhân lớn khác. Có một số liệu thống kê đáng kinh ngạc về những trở ngại trong việc chuyển khối tài sản hay thời gian từ các dịch vụ của đối thủ sang công ty khởi nghiệp của bạn, khiến cho khó khăn này gần như không thể thực hiện nổi. Sự thật là bạn cần một vũ khí cấp nguyên tử trong kho vũ khí của bạn, thứ có thể phá hủy hệ thống phòng vệ cấp vũ trang mà những doanh nhân khác dựng lên để giữ bạn tránh xa khách hàng của họ. Nếu bạn đang băn khoăn tại sao khách hàng lại không tìm đến công ty khởi nghiệp của bạn, có thể bởi vì bạn chưa chỉ được ra làm thế nào để đánh bại hệ thống phòng ngự của họ. May mắn thay, có một cách đơn giản để chiến thắng. Ý tôi đơn giản ở đây nghĩa là đó hoàn toàn là việc khó khăn nhất bạn phải hoàn thành để giúp công ty khởi nghiệp của mình trụ vững, đó là: tốt hơn đối thủ gấp mười lần. Bạn không thể chỉ tốt hơn hai hay năm lần; bạn cũng không thể tốt hơn quá nhiều vì điều đó sẽ giết chết công ty bạn. Cả công ty chỉ cần tập trung vào thế mạnh, điều này sẽ giúp đánh bại các đối thủ và giúp cho công ty bạn hoàn toàn khác biệt và tốt hơn gấp mười lần bất cứ đối thủ nào. Đó là vạch kẻ bạn đặt ra cho đội của mình; bạn phải sở hữu và nhận thức đầy đủ giá trị này. Bạn phải định nghĩa sản phẩm và/hoặc bản đồ phương hướng dịch vụ của mình. Chỉ từ vị trí chiến lược này bạn mới có thể có được đòn bẩy để tác động một lực cực lớn, đưa bản thân tới những cơ hội thị trường mới và mở rộng công ty.

5. Độc quyền

Đây là đề tài đáng ngạc nhiên mà tôi đã rút ra từ những cuộc nói chuyện với những nhà sáng lập được nhắc đến trong cuốn sách này. Ngay từ những năm đầu khởi nghiệp, hầu hết các doanh nhân đã dự định tạo ra một công ty mang những đặc tính độc quyền. Ý định này của họ không hề nhằm mục đích xấu; thực tế, trên các thị trường cạnh tranh tự do, gần như tất cả các ý định đều đáng tin cậy. Với họ, suy nghĩ “độc quyền” chỉ đơn giản là một cách để tập trung vào xây dựng các công ty thống lĩnh thị trường. Và điều này cũng phần nào thể hiện tham vọng của họ. Rất ít doanh nhân có được suy nghĩ táo bạo này ngay từ đầu, nhưng nó lại cần được hòa quyện vào linh hồn của công ty ngay từ ngày đầu tiên. Thời kỳ đầu mang yếu tố quyết định tới việc dìu dắt và định hướng bản thân cũng như nhân viên của bạn rằng chúng ta chỉ giới hạn trong phạm vi tầm nhìn của chúng ta. Bám sát nguyên tắc ấy sẽ buộc bạn phải xem xét lại những cuộc chiến giáp lá cà ngày qua ngày cần có để xây dựng công ty và mục tiêu thống lĩnh hoàn toàn thị trường.

TIẾN XA HƠN CẨM NANG CỦA BẠN

Tôi muốn làm sáng tỏ với độc giả của cuốn sách này cũng như với đội của tôi rằng chúng ta cần phải tiến xa hơn cái gọi là trí khôn kinh doanh “tóm lược điều hành” thông thường này. Xây dựng công ty thực chất là xây dựng những con người, bắt đầu từ chính bạn. Có câu châm ngôn nói rằng nếu bạn không thể dẫn dắt bản thân thì bạn cũng không thể dẫn dắt người khác. Đây là sự thật gai góc và mất lòng. Việc khởi dựng một công ty sẽ bộc lộ con người bạn, nó khiến bạn phải hủy bỏ và thường xuyên phải xây dựng lại. Toàn bộ công ty và kết quả cuối cùng của nó là sự phản ánh năng lực của bạn trong việc đặt ra các mục tiêu, niềm tin nền tảng và tập trung xây dựng một tổ chức tồn tại lâu dài nhằm giúp giải quyết hiệu quả vấn đề chính yếu của thị trường. Đó là lý do tại sao bạn cần phải khai thác thật sâu vào hệ thống vận hành trong lĩnh vực đó cũng như bản thân bạn. Trên tinh thần ấy, tôi muốn nắm bắt cơ hội này để chia sẻ với các bạn niềm tin cốt lõi tôi học được từ chính kinh nghiệm của bản thân:

Bạn trúng sổ số; hãy biết ơn điều đó. Hãy mạo hiểm.

Trong nhiều năm, tôi thật may mắn khi có cơ hội đến một số nơi xa xôi, hẻo lánh nhất hành tinh. Bất cứ khi nào thế giới quan của tôi bắt gặp thực tế ảm đạm của thế giới khắc nghiệt bên ngoài trái bong bóng mà nhiều người chúng ta may mắn được trú ngụ, thì hầu như tôi đều trở về nhà với suy nghĩ: “Mình không phải là mình. Mình là những con người khắc khổ kia.” Nói cách khác: Trong số hàng tỉ người đã và đang sống, chắc chắn tôi sẽ không thể nào có may mắn được sống trong một giai đoạn lịch sử, khoa học nhân văn và địa lý có thể mang lại tất cả những kinh nghiệm cuộc sống như tôi biết. Thực tế là, chúng ta có trách nhiệm phải mạo hiểm bởi sự thật là chúng ta hoàn toàn không có rủi ro thật sự nào. Tôi tin rằng cuộc sống hoàn toàn đáng sống khi ta dám liều lĩnh, chớp lấy cơ hội để thúc đẩy bản thân thể hiện hết khả năng. Chúng ta nên biết ơn vì có được những cơ hội như thế. Hãy nắm bắt lấy chúng.

Đừng để bị ảnh hưởng bởi sự so sánh. Hãy cứ đi theo con đường của riêng mình.

Khi được hỏi về những con người hoặc ý kiến nào có ảnh hưởng đến cuộc đời, rất nhiều người liệt kê ra một danh sách gồm cả bố mẹ, niềm tin, cộng đồng và tham vọng cá nhân. Nhưng tôi khẳng định rằng những người này đã bỏ sót một ảnh hưởng sâu sắc mà nhẽ ra phải được đặt đầu tiên trong danh sách, đó là: sự so sánh. Về bản chất, con người là loài động vật xã hội, nên các công ty cần phải đặt nền móng dựa trên niềm tin. Như vậy có nghĩa là các nhà lãnh đạo luôn so sánh tiến trình phát triển của công ty mình với vòng quay tin tức thường nhật của thị trường; với những Giám đốc điều hành huênh hoang, hống hách, ganh đua; và những thông cáo báo chí tung tin đồn thổi sẽ lái công ty họ xuống dốc và lái nhân viên của công ty rơi vào hoang mang và quên lãng. Bạn cần phải tin vào trực giác của mình, tập trung vào tiếng nói của khách hàng và tiến lên phía trước trên con đường kiên quyết, bền bỉ.

Ưu tiên những việc khó và những việc nằm trong khả năng của bạn.

Loại bỏ những điểm yếu, chỉ tập trung vào những điểm mạnh.

Ý kiến này không hề phức tạp hay lập dị, nó dựa trên cơ sở việc bạn càng từ bỏ được nhiều điểm yếu của mình càng giúp thay đổi rõ nét tiến trình cuộc đời bạn. Bạn tự tin đến đâu khi đánh giá công sức và thời gian bạn bỏ ra? Nếu bạn đánh giá cao chúng, hãy từ bỏ tất cả những việc tiêu tốn thời gian mà không góp phần vào việc đạt được những mục tiêu quan trọng giúp cải thiện cuộc đời bạn, và dành khoảng thời gian đó cho những việc khai thác được khả năng của bạn hoặc những việc trọng tâm cần làm. Điều này rất đơn giản, chẳng hạn như bạn có thể thuê người làm các việc vặt thường ngày (như thanh toán hóa đơn, dọn dẹp nhà cửa và các việc linh tinh khác), những thứ đang cản trở bạn tập trung hoàn toàn thể chất và trí tuệ cho những công việc quan trọng nhất (bao gồm cả nghỉ ngơi). Nếu tự đánh giá được tài năng và ý tưởng của mình theo cách này là bạn đã biến chúng thành tài sản của giá nhất quý bạn. Từ giờ bạn sẽ không thể để phí hao sức lực và sao nhãng khỏi những ý tưởng cốt lõi của mình nữa.

Yêu thương và vị tha với người khác. Bài trừ sự khinh miệt.

Hiếm khi thấy thứ gì có thể giết chết một mối quan hệ hay một công ty nhanh hơn sự khinh miệt. Độc thoại nội tâm với những suy nghĩ phê bình tiêu cực cuối cùng cũng sẽ bị bộc lộ ra bên ngoài, chẳng hạn như thông qua cách nói chuyện của chúng ta với người thân và đồng nghiệp. Sự khinh miệt cần thuốc giải. Trên tinh thần ấy, tôi cảm thấy một trong những việc quan trọng nhất mà tôi cần làm cho công ty là giúp đội của tôi có khả năng đương đầu với mạo hiểm, mà không sợ thất bại hay khinh miệt đồng nghiệp. Tôi muốn tạo ra một thứ văn hóa đề cao tinh thần dám mạo hiểm không hề sợ hãi. Và rồi, khi chúng ta thất bại – điều mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải – chúng ta có thể học hỏi và giải quyết từ những sai lầm của nhau, và rồi tha thứ cho nhau để cùng đi tiếp. Ý kiến này được trích từ Nguyên tắc 7:1 của chúng tôi, tức là chúng tôi cố gắng thực hiện điều tốt nhiều gấp bảy lần điều xấu. Tuy nhiên tôi cũng phải thừa nhận rằng đó là một tỉ lệ khó thực hiện. Việc tự thúc đẩy bản thân rất khó, đơn giản là bạn không cần trở nên hoàn hảo, vì thế đừng che giấu thất bại. Hãy thừa nhận nó, giải quyết, học hỏi từ đó và rồi tha thứ và tiến lên phía trước. Đó là liều thuốc giải ho sự khinh miệt đã lấn át cả văn hóa, tôn giáo, hay luật pháp. Nguyên tắc 7:1 là một nguyên tắc căn bản bạn có thể tiếp thu để bảo vệ công ty bạn khỏi dự đe dọa của sự khinh miệt. Duy trì công ty khởi nghiệp và các mối quan hệ là rất khó khăn và bạn cần có sự hỗ trợ và điều kiện thuận lợi để đạt được thành công.

Ben Horowitz là một trong những doanh nhân công nghệ và nhà đầu tư mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Ông đã chia sẻ với tôi những gì ông quan sát được, đó là: quyết định theo đuổi việc khởi dựng công ty khởi nghiệp thật khó hiểu bởi những gì phải trải qua vô cùng gian nan và khó khăn. Thế nên đừng vội đưa ra quyết định đó cho tới khi nào bạn hoàn tâm toàn ý để giải quyết một vấn đề hay cơ hội lớn của thị trường. Chỉ những người phi lý và nhiệt huyết nhất cuối cùng mới có thể đặt chân tới những ý tưởng tuyệt vời nhất để giải quyết nhu cầu thiết yếu của thị trường. Một trong những cách then chốt để sống sót qua trải nghiệm khởi nghiệp là nuôi dưỡng khát khao không gì có thể phá vỡ được để nhìn và chạm tới một tương lai mà bạn cảm thấy chỉ có bạn mới tạo ra được.

Mặc dù cuốn sách này đề cập đến rất nhiều doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ, nhưng không có nghĩa là cuốn sách “làm thế nào để” này chỉ dành cho “thung lũng công nghệ”. Nó được viết ra hướng tới nhiều thị trường khác, tổng kết từ trí tuệ và hành trình của những doanh nhân thành đạt để giúp bạn thấm nhuần sự tự tin và can đảm; với cảm giác “Tôi có thể làm được”; và rằng tôi không đơn độc.

Nhìn chung, cuốn Thanh niên nghiêm túc khởi nghiệp là trải nghiệm của tuyệt vời cá nhân, một trải nghiệm thiết thực và quan trọng như bất cứ cuộc hành trình thể chất và tinh thần nào tôi từng trải qua. Tạo ra cuốn sách này là một món quà đối với tôi và đối với đội của tôi. Tôi hy vọng nó cũng là một món quà đối với bạn.

Chúc các bạn gặp những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống và thực hiện được tất cả những mục tiêu đề ra.

David S. Kidder

ĐỌC THỬ

GIỚI THIỆU VỀ CHRIS ANDERSON

Chris Anderson có một tài năng đặc biệt. Ngoài việc sở hữu giác quan thứ sáu về tư duy tiên phong cho phép ông dự đoán và tận dụng các động thái và các sản phẩm được tạo ra để thay đổi thông tin, Chris còn là một người phụ trách tài năng về bản chất con người. Ông tập hợp niềm đam mê của một số người tài năng nhất thế giới thông qua hội thảo TED thay vì những cuộc gặp mặt phức tạp giữa các chuyên gia về chính trị, nghiên cứu khoa học kinh tế học, và văn hóa đại chúng. Bằng cách quảng bá TED talks tới hàng triệu người qua Internet, ông đã cách mạng hóa cách thông thường mọi người truy cập và tương tác với thế giới “ý tưởng lớn”, thứ đã trực tiếp hoặc gián tiếp định hình cuộc sống của họ.

TED từng là một hội thảo quy mô nhỏ, chỉ những người có giấy mời mới được đặc quyền tham dự. Khi Chris lần đầu tham gia chương trình vào năm 1998, tổng số khán giả chỉ khoảng một trăm người. Đến nay, một thập kỷ sau khi có được TED, Chris đã mở rộng quy mô và thương hiệu của hội thảo một cách đáng kể, xây dựng hội thảo thành một trong những nền tảng kỹ thuật số quan trọng nhất của phương tiện truyền thông hiện đại và tiếp cận với hàng triệu tín đồ đam mê.

Các doanh nhân năng động có thể học hỏi rất nhiều từ cẩm nang của Chris. Cuộc đổi mới tiên phong của ông đằng sau thành công của TED chính là ông đã xác định lại sự phân phối và khả năng tiếp cận bằng cách chỉ ra làm thế nào để khiến phương tiện truyền thông tăng lên gấp bội cả về thông điệp và điểm mấu chốt.

CÂU CHUYỆN CỦA CHRIS

Chris Anderson là một công dân toàn cầu2 thực sự, và ông cũng từng trải nghiệm trọn vẹn như một doanh nhân khởi nghiệp. Ông lớn lên ở Pakistan, Ấn Độ, và Afghanistan cho tới khi 13 tuổi thì ông vào một trường nội trú ở Anh. Từ đó ông theo học tại Đại học Oxford, ban đầu ông chọn chuyên ngành vật lý học nhưng sau đó lại tốt nghiệp vói tấm bằng cử nhân triết học. Cuối cùng, tập hợp những niềm đam mê ấy đã thôi thúc ông trở thành một phóng viên khoa học.

Năm 1984, Chris bắt đầu tập trung vào máy tính. Ông đã chia sẻ với khán giả của TED rằng “Tôi là một phóng viên khoa học chuyên bị mọi người cười nhạo khi tôi nói rằng “Tôi thực sự mong muốn sẽ sáng lập được tạp chí máy tính của riêng mình”. “15 năm sau tôi đã tạo ra hàng trăm tạp chí máy tính.” Thời vận của Chris đến là khi niềm đam mê của ông với thế giới xuất bản, công nghệ, khoa học và máy tính đã quy tụ, và ông chính là người đi đầu trong việc tạo ra một trong những đế chế xuất bản công nghệ đầu tiên.

Chris Anderson: Vào giữa những năm 80, máy tính hộ gia đình (home computer) trở nên phổ biến, do vậy tạp chí của tôi cũng đã được rất nhiều người mua. Chưa bao giờ có điều gì làm tôi vui mừng đến vậy.

Rõ ràng là máy tính sẽ còn phát triển và tiên tiến hơn rất nhiều. Sản xuất các tạp chí khai thác niềm đam mê về máy tính chính là điểm khởi đầu cho tôi. Điều đó có nghĩa là ngay từ đầu, cuốn tạp chí mà tôi định cho ra đời sẽ chỉ chuyên về một loại máy tính. Đã từng có một số tạp chí máy tính trên thị trường, nhưng hầu hết chúng đều không có ích với người đọc. Vào lúc đó, mỗi người chỉ có một chiếc máy tính và các chương trình được viết cho tính này không hoạt động được trên máy tính khác. Do vậy thật là tuyệt vời nếu bạn có một tạp chí chỉ chuyên về máy tính của mình. Đối với tôi, có một sự khác biệt rất lớn giữa việc một người tình cờ xem lướt qua một thứ gì đó với một người có cảm giác họ phải chạy đi mua ngay vào ngày xuất bản. Bất cứ nơi nào bạn thấy được niềm đam mê thực sự nghĩa là ở đó có điều gì đó đáng để khám phá.

Nhiều người cho rằng việc tôi đang làm thật vô vị, nhưng đây là những cuốn tạp chí theo sở thích, chứ không phải tạp chí Time, Life hay Vogue. Có thể chúng là những cuốn tạp chí vô vị với nhiều người, nhưng đối với những độc giả được hướng tới thì chúng lại quý như vàng. Khẩu hiệu của công ty chúng tôi là “truyền thông song hành với đam mê”. Thay vì việc tạo ra mọi đặc tính để thu hút nhiều độc giả thì sau khi suy tính kỹ càng, chúng tôi quyết định chỉ tạo ra một số đặc tính thu hút sự quan tâm của một nhóm người cụ thể. Điểm mấu chốt là biến các tạp chí này thành một nhu cầu không thể thiếu với những người này, và do vậy chúng tôi có thể tính giá bìa cao, tần suất quảng cáo lớn, v.v…”

Chris giã từ bước khởi nghiệp đầu tiên với nghề xuất bản của mình, Future Publishing, và bán nó cho Pearson bảy năm sau khi thành lập. Sau đó ông chuyển tới Hoa Kỳ, nơi ông đã tìm thấy bước khới nghiệp thứ hai, Imagine Media3. Sản phẩm hàng đầu của công ty mới này là tạp chí Business 2.0. Ngày nay, khi nhìn lại cuốn tạp chí này, Chris coi nó như một sự “ngông cuồng” muốn bứt phá thế giới công nghệ lúc bấy giờ. Như ông đã nói trong hội nghị TED Business 2.0, “dày như một cuốn danh bạ điện thoại, bơm khí nóng vào trong quả bóng công nghệ”. Với độ căng của quả bóng đó, Imagine đã đạt tới ngưỡng thị trường ở mức trên 2 tỉ đôla. Sau đó quả bóng nổ tung. Vào tháng Hai năm 2001, Imagine sa thải 350 người trong một ngày. Chris phải xoay xở để giữ thế cân bằng cho công ty, nhưng ông vẫn sẵn sàng đối mặt với thử thách lớn tiếp theo. Trong khi tìm kiếm nỗ lực mới, ông đã lại nghĩ tới một hội thảo truyền cảm hứng mà ông đã từng tham gia vài năm trước, chính là hội thảo TED.

Thông qua tổ chức phi lợi nhuận Sapling Foundation của mình, Chris đã mua lại TED vào năm 2002. Năm 2006, ông đã bước đầu thấy được việc số hóa và phân phối các kho dự trữ TED miễn phí sẽ giúp giải phóng động lực đặc biệt mới mẻ cho hội thảo.

Việc những người thường xuyên tham dự TED quan tâm rất nhiều đến hội nghị này khiến tôi không khỏi băn khoăn rằng liệu những người không được tham gia có quan tâm hay không nếu họ được tiếp cận với nó. Chúng tôi đã không tìm thấy câu trả lời trong nhiều năm vì không thể phân phối nội dung của TED ra ngoài. Truyền hình không được ưa chuộng, do đó không có cách nào để phân phối nội dung những bài phát biểu trên quy mô lớn.

Sau đó, video trực tuyến xuất hiện và chúng tôi đã thử thực hiện một vài thử nghiệm.

Con số không bùng nổ ngay lập tức, nhưng từ những phản hồi đầu tiên sau khi các bài phát biểu được đưa đến với công chúng, rõ ràng là chúng tạo ra một cảm giác rất xúc động nơi người đọc. Một người phụ nữ đã viết thư cho chúng tôi nói rằng: “Tôi đang vừa xem vừa khóc khi họ kể câu chuyện về cuộc đời họ”. Một người khác nói rằng: “Sau khi cùng nhau xem bài phát biểu này, tôi và đứa con 15 tuổi của tôi đã có một cuộc trò chuyện ý nghĩa nhất trong vòng năm năm nay”.

Sau khi đọc hết các phản hồi từ người đọc, bạn sẽ nhận thấy một bầu không khí sục sôi xung quanh. Có thứ gì đó thực sự lý thú và đầy nhiệt huyết. Vào thời điểm đó, thật đáng để cho chúng tôi chuyển mọi hướng kinh doanh nhằm vào việc truyền tải các bài phát biểu. Làm đúng cách, đó có thể là một con số khổng lồ.

Chris đã đúng. Hàng trăm triệu người đã xem TED Talks trực tuyến. Giờ đây, ông đang tìm cách để thu hút người xem hơn nữa.

Niềm đam mê là một đại diện cho tiềm năng

Lời khuyên truyền thống là “đi theo đam mê của bạn”; Tôi không hề nói điều này. Từ quan điểm kinh doanh – cơ hội, thì việc dõi theo đam mê của người khác thậm chí còn quan trọng hơn. Thường có những trường hợp khi một điều gì đó chưa xảy ra, nhưng bạn đã nhìn thấy tia hy vọng lóe lên trong mắt ai đó và bạn có thể cảm nhận họ quan tâm đến điều đó nhường nào. Điều đó có thể đại diện cho cơ hội. Thứ đam mê ấy là một đại diện cho tiềm năng.

Cộng đồng là đòn bẩy cho một vòng xoáy trôn ốc

Bí quyết để khởi nghiệp thành công chính là thuyết phục được người khác cùng thực hiện công việc đó, gắn kết họ với niềm đam mê truyền bá cho sản phầm hoặc dịch vụ của bạn. Trong một số lĩnh vực kinh doanh, bạn có thể làm được hơn thế: một hiệu ứng kiểu mạng lưới giúp ý tưởng nhỏ bé của bạn lan truyền rộng rãi trong một thời gian ngắn. Điều này có thể dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả danh tiếng của bạn. Bạn càng thành công, sẽ càng có nhiều người tài muốn đến và làm việc cho bạn hay đơn giản là nâng tầm địa vị cho bạn. Kết quả là vòng xoáy trôn ốc đưa bạn tới một vị trí tốt hơn.

Xây dựng một thị trường riêng trong khi vẫn duy trì việc thu hút trong các mảng khác

Những ý tưởng có sức thuyết phục phải là sự kết hợp một loạt các lĩnh vực. Chúng phải gắn kết với công nghệ một cách thông minh, nhưng cũng phải đáp ứng nhu cầu thị trường, và tâm lý khách hàng. Nhưng thế vẫn chưa đủ để một sản phẩm trông có vẻ “hay”. Ý tưởng phải được trình bày một cách độc đáo sao cho một nhóm người cảm thấy cực kỳ hào hứng với nó. Và rồi họ sẽ nói với những người khác, đó chính là cách lan truyền sản phẩm.

PHÁT TRIỂN KHÁCH HÀNG

Nắm được mối quan tâm của khách hàng

Cho dù khách hàng của bạn luôn nhiệt tình cam kết thực hiện đề nghị của bạn, nhưng họ cũng rất dễ dàng quay lưng lại do nhiều nguyên nhân như: sự kiêu ngạo, chuyển đổi công nghệ hay một ai đó đưa ra gợi ý tốt hơn. Thử xem xét điều gì xảy ra với ngành kinh doanh tạp chí khi mạng Internet xuất hiện. Đột nhiên, những người luôn nhiệt tình cam kết với các tạp chí trò chơi điện tử bắt đầu lấy thông tin trên mạng. Những thông tin ấy ở ngay đó, theo yêu cầu, miễn phí, và niềm đam mê của họ dành cho các tạp chí trò chơi điện tử dần bị mất đi. Để tránh bị bất ngờ bởi sự thay đổi này, bạn phải thường xuyên chú ý tới mối quan tâm chủ yếu của cộng đồng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của bạn và thay đổi sản phẩm của bạn sao cho phù hợp với nhu cầu của họ.

THẤT BẠI

Sợ thất bại sẽ đem lại quyết tâm

Khi trải qua một thất bại thực sự, bạn sẽ rút ra được bài học từ thất bại đó và tiếp tục đi tiếp. Nhưng khi bạn bị đe dọa với viễn cảnh thất bại, đó sẽ là nguồn động lực lớn. Nó thôi thúc bạn phải quyết tâm hơn nữa, và không có việc dự đoán nguy cơ thất bại nào tốt hơn cho việc chuẩn bị thật kỹ lưỡng để kịp đối phó khi nó xảy ra.

LÃNH ĐẠO

Đừng đưa ra những quyết định quan trọng vào thời điểm khó khăn

Khi bạn đang trong tình trạng căng thẳng cao độ, bạn hay đưa ra một số quyết định liều lĩnh như: “Chúng ta sẽ phải đóng cửa thôi” hay “Chúng ta sẽ phải chơi một canh bạc lớn”. Nhưng những lúc mệt mỏi và nản chí, bạn không thể tư duy để đưa ra quyết định sáng suốt. Chiến lược đúng đắn là hãy tìm cách vượt qua giai đoạn này, chọn cho mình một nơi thích hợp, trấn tĩnh lại, suy nghĩ thấu đáo và đưa ra quyết định quan trọng khi bạn sáng suốt nhất.

MARKETING

Đặt tên thương hiệu không quá tám từ

Bạn cần chắc chắn rằng đối tượng khách hàng mà sản phẩm của bạn nhắm đến có thể “cảm nhận được” nó thật nhanh chóng. Nếu bạn không thể đặt tên thương hiệu của mình chỉ trong khoảng ba đến tám từ thì coi như bạn thất bại. Chẳng hạn như năm 1998 chúng tôi có ý tưởng cho ra đời một tạp chí mới cho doanh nghiệp vào thời đại Internet. Ý tưởng đó thật thú vị và chúng tôi đã nhận được phản hồi tích cực, nhưng rồi lại không tìm được tên thích hợp cho sản phẩm đó. Sau đó, tôi đã nói chuyện đó với Jeff Bezos (người sáng lập Amazon) tại TED, đưa ra một số ý tưởng như Business 2000 hay New Business. Ông ấy đã đưa ra gợi ý Business 2.0, và chỉ trong giây lát, tôi nhận ra rằng cái tên đó hoàn toàn phù hợp.

TẦM NHÌN VÀ SỨ MỆNH

Theo đuổi hai ý tưởng lớn mỗi năm

Mỗi năm, bạn nên chọn ra hai ý tưởng lớn có ý nghĩa như sự mở rộng sứ mệnh của bạn một cách hợp lý. Với chúng tôi, sự mở rộng sứ mệnh gần đây nhất chính là chương trình TEDed. Nếu định lan truyền ý tưởng, liệu bạn có muốn tập trung vào những người còn có quá nhiều mối bận tâm khác trong đầu và những người còn có cả cuộc đời dài phía trước để tiếp nhận những ý tưởng không? Ngay bây giờ, chúng tôi đang tập trung trẻ hóa đối tượng và biến điều đó thành hiện thực.

QUAN HỆ CÔNG CHÚNG

Xây dựng danh tiếng của bạn thông qua tính minh bạch

Hàng tỷ người hiện nay đang kết nối trực tuyến như vậy, nghĩa là danh tiếng có thể bay quanh thế giới chỉ trong nháy mắt. Dù đó là tiếng tốt hay xấu, nó cũng được lan truyền hết sức nhanh chóng. Lan truyền tiếng tăm tích cực đòi hỏi bạn phải tiết lộ cái gì đó mà theo truyền thống, đó sẽ là thứ bản thân bạn cực kỳ trân trọng. Có thể 10 năm trước nó đáng được bạn nâng niu, nhưng giờ nó không còn đáng để làm như vậy nữa. Danh tiếng của bạn lan truyền còn nhanh hơn cả khả năng đối thủ của bạn khai thác thông tin bạn đã để rò rỉ. Chẳng hạn như trường hợp của chúng tôi, chúng tôi đã tổ chức một sự kiện lớn và tốn rất nhiều kinh phí, nhưng việc tiết lộ toàn bộ nội dung sự kiện đó không hề hủy hoại nó mà còn làm tăng nhu cầu.

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM

Đừng ngại chia sẻ

Như tôi đã nói, quy luật về thứ mà bạn có thể giữ lại và thứ mà bạn nên chia sẻ có thể hoán đổi. Nếu một thứ đó có thể được chia sẻ bằng kỹ thuật số thì trong hầu hết các trường hợp bạn nên làm như vậy. Hãy xem điều gì đã xảy ra trong ngành công nghiệp âm nhạc. 20 năm trước, cả đĩa CD và các buổi hòa nhạc đều đã xuất hiện và chi phí đắt gần ngang nhau. Ngày nay, chi phí cho nhạc kỹ thuật số đã được giảm xuống tới mức không và buổi hòa nhạc với mức giá 100 đôla. Đó thực sự là một thay đổi cơ bản trong tuyên ngôn về giá trị. Mặc dù điều đó có vẻ như đang làm mất dần giá trị nhưng chia sẻ nội dung kỹ thuật số thực sự đã tạo ra nhu cầu.

GIỚI THIỆU VỀ CHARLES BEST

 

Lấy cảm hứng từ tên họ đầy ý nghĩa của mình, những dự định độc đáo đã thôi thúc Charles Best thành lập nên DonorsChoose.org. Diễn đàn trực tuyến này là nơi “mối lái” các hoạt động từ thiện cá nhân với cơ hội hỗ trợ các dự án giáo dục được ấp ủ bởi những giáo viên tận tụy tại các trường công lập. Nhờ có DonorsChoose, các nhà tài trợ ở Albuequerque có thể hỗ trợ sinh viên Chicago tham gia các chuyến đi thực tế đến bảo tàng. Một giáo viên ở St Louis có thể mua sách cho lớp mình với sự giúp đỡ từ các nhà tài trợ ở California. Mỗi giáo viên tham gia vào diễn đàn có một không hai này đều có cơ hội tìm kiếm nguồn hỗ trợ cho sinh viên của mình, những nguồn lực không có sẵn tại địa phương của họ.

Trong một lớp học, tác động của dự án DonorsChoose.org có thể đánh dấu một khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời của một đứa trẻ. Một bài tập mỹ thuật lớp năm có thể là bước khởi đầu của một nhà thiết kế đồ họa tài năng. Một chuyến đi thực tế đến nhà máy có thể gieo trồng những hạt giống đầu tiên trong tâm trí của nhà phát minh hay nhà lãnh đạo kinh doanh tương lai. Để giúp học sinh có được những khoảnh khắc này, chương trình học tập của trẻ cần được trang bị đầy đủ và đa dạng các hoạt động mang tính thúc đẩy, tốn kém khá nhiều chi phí. Tuy nhiên, Charles nhận thức rất rõ vấn đề này, chi phí xã hội của việc không phát triển đầy đủ tiềm năng tối đa của trẻ còn tốn kém hơn rất nhiều

Với DonorsChoose.org, Charles điều phối các nguồn lực tới những người cần chúng và tạo điều kiện cho hàng triệu trẻ em tìm cơ hội thay đổi cuộc đời. Không thể đánh giá thấp ảnh hưởng nhanh chóng của tầm nhìn này.

CÂU CHUYỆN CỦA CHARLES

Ngay từ thời điểm bắt đầu sự nghiệp, Charles đã cam kết sẽ cống hiến hết mình. Khi còn là sinh viên năm cuối ở trường đại học, ông đã cân nhắc giữa hai lựa chọn: trở thành sĩ quan cảnh sát hay giáo viên. Và cuối cùng ông đã chọn nghề giáo. Khi bắt đầu giảng dạy lịch sử tại Wings Academy, một trường trung học ở South Bronx, Charles nhận ra rằng việc quỹ giáo dục công thiếu thốn triền miên đã kìm kẹp giáo viên cũng như học sinh như thế nào. Và DonorsChoose.org đã được ra đời và phát triển từ chính nhận thức này.

Charles Best: Khi còn là giáo viên ở Bronx, tôi nói chuyện với các đồng nghiệp về những cuốn sách chúng tôi muốn học sinh đọc và chuyến đi thực tế mà chúng tôi muốn các em tham gia. Nhưng rồi chúng tôi thấy thật thất vọng vì không thể biến những ý tưởng này thành hiện thực. Chúng tôi cảm nhận được rằng có nhiều người muốn giúp cải thiện các trường công lập, nhưng họ không đủ tự tin hoặc không có trách nhiệm để làm vậy.

Để giải quyết vấn đề này, Charles đã thành lập DonorsChoose.org vào năm 2000. Trong ba năm đầu tiên, Charles vừa điều hành trang web vừa tiếp tục đi dạy toàn thời gian. Nhờ vào những nỗ lực và đóng góp thầm lặng của ông trong thời gian đó, mà trang web đã đạt được thành công ngay lập tức.

Sau đó DonorsChoose.org bắt đầu được sử dụng trong phòng giáo viên trường tôi, trên nguyên tắc đã cũ nhưng hiệu quả: đồ ăn miễn phí. Chuyện là tôi đến phòng giáo viên, mang theo món bánh lê Pear Torte do mẹ tôi làm và đưa ra một đề nghị với các giáo viên: nếu vị nào muốn thưởng thức một miếng bánh, họ phải vào thăm trang web mới này và đăng một dự án trình bày những gì họ muốn làm nhất cho học sinh. Đó là cách chúng tôi đã nhận được 11 yêu cầu dự án đầu tiên trên trang web. Tự tôi đã nặc danh tài trợ cho những yêu cầu đó, và nhờ vậy, các đồng nghiệp của tôi tin rằng trang web thực sự làm việc và rằng có những nhà tài trợ đang chờ đợi để được chắp cánh cho những ước mơ của giáo viên. Tin đồn này nhanh chóng lan ra khắp Bronx và chúng tôi nhận được yêu cầu từ hàng trăm giáo viên khác.

Sau đó, để có được các nhà tài trợ thực sự, các học sinh của tôi đã tình nguyện tìm kiếm mỗi ngày sau giờ học, trong khoảng ba tháng. Các lá thư được viết tay và gửi tới các học sinh, sinh viên cũ của trường trung học và đại học nơi tôi từng học. Chúng tôi đã gửi 2.000 bức thư thông báo với mọi người về trang web này, nơi chỉ với $10 họ có thể trở thành các nhà từ thiện. Họ có thể chọn một dự án bất kỳ mà họ thấy hứng thú, theo dõi xem số tiền sẽ được sử dụng như thế nào, và nhận phản hồi từ những người nhận tài trợ. Những lá thư này đã mang lại 30.000 đôla tiền tài trợ đầu tiên.

Bên cạnh đó, việc tạo ra tính thanh khoản trong thị trường từ thiện mới này cũng tốn không ít thời gian khiến chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo. Từng chút từng chút một, chúng tôi đã phát triển trang web đến khi nó có thể tự đi vào hoạt động.

Ngoài việc phát triển trang web, Charles còn ấp ủ đam mê mở rộng thị trường từ thiện mới này. Cơ hội thực sự đầu tiên ông có được là từ Sở Cảnh sát New York.

Một vài năm sau khi trang web được khởi động, Sở Cảnh sát New York đã đến gặp chúng tôi và đề nghị cho phép các sĩ quan cảnh sát gửi các yêu cầu dự án. Tôi đã thực sự rất phấn khích với ý tưởng đó. Tôi đã từng tham gia kỳ thi sĩ quan cảnh sát vào năm học cuối khi còn là sinh viên và phân vân giữa việc trở thành một giáo viên hay một cảnh sát. Vì vậy ý tưởng cho phép cả giáo viên và cảnh sát từ thành phố New York có thể đăng các dự án trên trang web thực sự rất có ý nghĩa đối với tôi.

Tất cả mọi thứ đều đã sẵn sàng. Chủ tịch hội đồng quản trị của chúng tôi đã sẵn sàng tài trợ dự án và việc điều chỉnh trang web không còn khó khăn gì. Tại thời điểm này, Sở cảnh sát nhận thấy việc tài trợ cho dự án của một sĩ quan cảnh sát sẽ là cách hối lộ dễ dàng nhất nên việc tài trợ cần phải rõ ràng, vì không phải ý định của tất cả mọi người đều tốt. Nếu muốn thực hiện chương trình này, chúng tôi phải tiến hành kiểm tra hồ sơ của từng nhà tài trợ để xem họ có nhận được vé đỗ xe đặc biệt hay bất cứ ưu đãi nào khác không. Sự việc này dạy chúng tôi nhận ra rằng có những vấn đề chính trị nghiêm trọng ẩn nấp sau những gì tưởng như chỉ là việc mở rộng đơn thuần chương trình của chúng tôi. Đó chẳng khác nào một cái tát vào mặt chúng tôi, nhưng nó khiến chúng tôi tìm ra trọng tâm của vấn đề: gắn bó với các dự án trường công và nỗ lực mở rộng chương trình về mặt địa lý.

Bước ngoặt xảy ra vào năm 2003, khi Oprah Winfrey4 giới thiệu về DonorsChoose.org trong chương trình của bà. Tuy nhiên, nhân vật có ảnh hưởng quyết định mang lại tiếng tăm cho trang web này là Stephen Colbert, ông đã quảng cáo trang web từ năm 2007. Năm đó, Colbert ứng cử trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ tại bang South Carolina quê hương ông và kêu gọi những người bỏ phiếu ủng hộ ông bằng cách đóng góp cho DonorsChoose.org. Năm 2009, ông không tổ chức sinh nhật của mình và yêu cầu bạn bè, gia đình và người hâm mộ đóng góp vào trang web thay cho việc tặng quà ông. “DonorsChoose.org làm tôi cảm thấy mỗi ngày đều là sinh nhật của mình, và như là tôi có tới tận 364 giấy phép lái xe giả.” Colbert chia sẻ.

Năm 2010, chúng tôi nhận được hơn một triệu đôla tiền tài trợ từ những sự kiện may mắn không ngờ. Một trong những sự kiện đó là đại hội của Stephen Colbert và Jon Stewart ở Washington D.C. Những người hâm mộ Colbert quyết định rằng cách tối ưu để khiến Colbert và Stewart cam kết tổ chức đại hội này là tài trợ cho hàng trăm, hàng trăm dự án giáo dục trên DonorsChoose.org. Tại thời điểm đó, cứ 10 phút lại có một khoản tài trợ được đóng góp. Họ gọi đó là “tống tiền Stephen bằng lòng tốt,” và sự kiện này đã mang lại 600.000 đôla cho các dự án trên trang web của chúng tôi.

Một thời gian ngắn sau trong chiến dịch ứng cử, Stephen bắt đầu bày tỏ lòng biết ơn và khuyến khích những gì mà người hâm mộ ông đang làm. Nhưng đó hoàn toàn là ý tưởng của những người sử dụng trang web. Stephen không phải là người nảy ra ý tưởng này và chúng tôi cũng không phải là người khởi xướng nó. Ý tưởng này không nằm trong những quyết định chiến lược mà chúng tôi đưa ra. Chỉ đơn giản là may mắn đã mỉm cười với chúng tôi. Tuy nhiên, hãy xem xem làm thế nào mà vận may và nỗ lực gặp được nhau: chúng tôi đã xây dựng một diễn đàn nơi bất cứ ai cũng có thể làm từ thiện. Đó có thể là một ban lãnh đạo, và các ban lãnh đạo có thể đang cạnh tranh nhau để gia tăng danh tiếng. Vì vậy, với nỗ lực đã có, hãy chờ đợi, vì may mắn chắc chắn sẽ đến với chúng ta.

HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

Sử dụng nguồn lực cộng đồng

Sử dụng nguồn lực cộng đồng không phải là cách thức độc đáo, nhưng chúng tôi khai thác nó trên nhiều khía cạnh. Chúng tôi sử dụng nguồn lực cộng đồng các giáo viên thiết kế làm giải pháp vi mô cho những học sinh mà họ dạy, và chúng tôi dùng nguồn lực các nhà tài trợ quyết định những giải pháp nào nên được thực hiện. Tất nhiên, hình thức sử dụng nguồn lực cộng đồng không mang tính cách mạng. Với các tổ chức như Kiva hay Kickstarter, hình thức từ thiện ––trực tiếp (giữa người làm từ thiện và người nhận từ thiện được kết nối trực tiếp với nhau, thường là thông qua mạng Internet, không qua bất cứ một trung gian nào) đã trở thành phong trào. Nhưng chúng tôi cũng thực hiện hình thức sử dụng nguồn lực cộng đồng để hỗ trợ các giáo viên sẽ tình nguyện dành thời gian của họ để xem xét yêu cầu của các giáo viên khác và đánh giá tính toàn vẹn và chất lượng của các yêu cầu đó. Chúng tôi hiện đang đẩy mạnh hình thức sử dụng nguồn lực cộng đồng hơn nữa bằng cách triển khai một giao diện lập trình ứng dụng (API) và kêu gọi cộng đồng phát triển hơn để chia sẻ nguồn lực, biến DonorsChoose.org thành một trải nghiệm đa dạng hơn.

TUYỂN DỤNG

Đích thân kiểm tra thư giới thiệu ứng viên

Khi bạn cần kiểm tra thư giới thiệu của các ứng viên trong một cuộc tuyển dụng quan trọng, hãy chấp nhận việc đó và tự tạo động lực cho bản thân để đích thân bạn phải thực hiện việc đó. Thậm chí nếu bạn chỉ có thời gian cho một cuộc trò chuyện năm mười phút, hãy đi và gặp mặt người bạn sẽ nói chuyện. Đó là cách duy nhất mà bạn có thể mong chờ để nhận được những tín hiệu trung thực (nếu không phải là lời nói chân thật) từ người đã làm việc với ứng viên của bạn trước đó.

MARKETING

Tận dụng vận may

Không có bất cứ kế hoạch nào cho việc Stephen Colbert quảng cáo trang web của chúng tôi mà chúng tôi tìm kiếm mọi cơ hội để phát triển trên nền tảng đó. Là một tổ chức phi lợi nhuận, bạn không có ngân sách rủng rỉnh cho việc marketing, vì vậy ngân sách cần phải được tập trung, nhưng bạn có lợi thế của việc đảm đương một sứ mệnh lớn lao mà mọi người quan tâm.

NHÂN TÀI

Hỗ trợ các quyết định tuyển dụng cấp quản lý

Bạn chỉ nên tham gia vào báo cáo tuyển dụng ở cấp độ thứ hai chứ đừng phản đối những ứng cử viên mà nhà quản lý thực sự cảm thấy hài lòng. Trong tình huống này, vai trò của bạn trong buổi phỏng vấn là nên thuyết phục ứng cử viên đó tham gia vào đội của bạn. Làm như vậy, bạn sẽ thể hiện được là mình vẫn thích nghi được với văn hóa công ty, và cũng sẽ có sự thấu hiểu vấn đề để chia sẻ với nhà quản lý. Đừng làm người quyết định trong quá trình tuyển dụng của người khác.

TẦM NHÌN

Mục đích là trung tâm của động lực

Động lực để bạn thành lập một công ty là thú vui được xây dựng và kiến trúc một cái gì đó, đồng thời là cảm giác bạn đang tạo ra tác động, ảnh hưởng nào đó. Đối với tôi, mục đích lập ra trang web này là để giúp đỡ các trẻ em từ những gia đình có thu nhập thấp có được các tài liệu học tập và trải nghiệm cần thiết cho một nền giáo dục tuyệt vời. Tạo ra tác động xã hội trên thế giới là một thước đo giá trị cá nhân còn quan trọng hơn rất nhiều so với số tiền bạn kiếm được.

GIỚI THIỆU VỀ SARA BLAKELY

Buổi trò chuyện với Sara Blakely đã khiến tôi phải nhìn nhận lại cách dạy dỗ con cái. Khi còn là một đứa trẻ, Sara hay được bố hỏi rằng: “Thất bại ngày hôm nay của con là gì?”, rồi ông giải thích với cô rằng thất bại là dấu hiệu cho thấy cô đã thử sức với một việc nào đó. Thất bại không hẳn là xấu. Đó là một cách nhìn sâu sắc đi ngược lại với những “lẽ thường” trong quan niệm thành công của chúng ta. Nếu bạn chỉ biết ca ngợi tài năng thay vì khen ngợi nỗ lực của con bạn là bạn đang làm hại chúng. Tương tự như vậy, tán thưởng ý tưởng của doanh nhân cũng không phải là điều hay. Quan trọng là chúng ta có thể triển khai được những gì dựa trên ý tưởng đó.

Sara nảy ra ý tưởng về Spanx vào năm 2000 trong một lần đang cắt chiếc quần tất. Nguồn cảm hứng đó có được không chỉ nhờ vàomay mắn mà còn do cô luôn biết tư duy “sáng tạo” và bao quát. “Tôi luôn suy nghĩ!”, cô chia sẻ, “Suy nghĩ với tôi giống như một sự giải trí. Có những lúc tôi ngồi trên ghế và suy nghĩ thay vì bật ti vi.” Thói quen đó đã giúp Sara tự tin cho ra đời rất nhiều ý tưởng, và đó cũng là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy tinh thần độc lập chính là bệ phóng cho sự nghiệp của cô. Cô không cần người khác công nhận những điều cô biết là đúng; cô chỉ hành động, với tâm niệm rằng bất cứ thất bại nào cuối cùng cũng giúp cải thiện nỗ lực bản thân theo cách mà sự khích lệ không bao giờ làm được. Quan điểm độc đáo này chính là nguồn động lực, là đòn bẩy cho sự phát triển của cô.

CÂU CHUYỆN CỦA SARA

Việc Sara cam kết cải thiện cuộc sống của phụ nữ có liên quan tới những kỷ niệm tuổi thơ của cô.

Sara Blakely: Từ khi còn nhỏ, tôi đã cảm thấy cực kỳ may mắn và hạnh phúc khi được là một phụ nữ sinh ra ở Mỹ, không vì một lý do đặc biệt nào cả. Tôi lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu. Bố tôi là luật sư, còn mẹ ở nhà làm nội trợ kiêm làm nghệ thuật. Nhưng theo như bố mẹ tôi nhớ, ngày trước tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi quan niệm rằng phụ nữ không được phát triển năng lực tại nhiều nơi trên toàn thế giới, kể cả ở Mỹ.

Ở độ tuổi thiếu niên, Sara đã bị tổn thương bởi cái chết của người bạn thân và tiếp đó là vụ ly hôn của bố mẹ cô. Chính điều đó đã phần nào khiến cô có thêm nghị lực.

Khi tôi 16 tuổi, một số việc đau buồn đã xảy ra. Trong một năm, bạn thân của tôi qua đời do tai nạn xe hơi, bố tôi rời đi và ly hôn với mẹ. Nhưng trước khi đi, bố đã đưa tôi một bộ đĩa CD với tựa đề Làm thế nào để không bị ràng buộc bởi các giới hạn, diễn giả là Tiến sỹ Wayne Dyer, và bộ đĩa đã có ảnh hưởng sâu sắc tới tôi. Tôi tâm đắc với bộ đĩa ấy tới mức đã từng mang nó tới gặp thầy hiệu trưởng để hỏi xem tại sao mọi người lại không dạy những điều này ở trường!

Trong cái rủi có cái may. Tuy có rất nhiều chuyện buồn xảy ra nhưng tôi vẫn thấy mình thật may mắn khi được tiếp cận với cách nghĩ cực kỳ hiệu quả và hữu ích như vậy. Tôi cảm giác như mình đã được bồi dưỡng qua một lớp đào tạo về cách suy nghĩ và khai thác cảm hứng từ khi còn rất trẻ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Sara làm công việc bán hàng để tự chu cấp cho bản thân trong khi theo đuổi sự nghiệp làm diễn viên hài kịch độc thoại. Tuy sự nghiệp ấy không thành công nhưng cô quyết không từ bỏ việc nuôi dưỡng ước mơ.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tôi bắt đầu với nghề bán máy fax. Tôi đã phải gõ cửa từng nhà để tiếp thị sản phẩm trong vòng bảy năm. Rồi một lần khi cắt bỏ phần bàn chân của chiếc quần tất, tôi chợt nảy ra ý tưởng và lên kế hoạch cho Spanx kể từ đó. Trong 20 năm qua, không ít phụ nữ vì vô vàn lý do đã cắt bỏ đi phần ống chân của chiếc quần tất, nhưng không ai tận dụng ý tưởng đó và theo đuổi nó. Tôi nghĩ sự khác biệt nằm ở tâm lý sẵn sàng mà tôi đã chuẩn bị từ trước – rất nhiều suy nghĩ, mường tượng và rất nhiều mục tiêu được đề ra. Tôi luôn rạch ròi trong việc nhờ mọi người chỉ cho mình thấy cơ hội và tự xây dựng ý tưởng cá nhân. Tôi đã từng đánh giá điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình với vai trò là đại diện bán hàng. Tôi biết rằng mình có khả năng bán hàng, và tôi cũng biết mình đã bán một sản phẩm chính bản thân cũng không hiểu rõ hoặc không thực sự thích thú. Nếu tôi có thể tạo ra sản phẩm của riêng mình mà tôi thực sự đam mê, tôi nghĩ mình có thể làm tốt hơn nữa.

Mặc dù rất phấn khởi, nhưng Sara vẫn rất thận trọng.

Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân chính khiến Spanx có thể trụ vững là do mới đầu tôi đã không nói với bất cứ ai về ý tưởng của mình. Tôi giữ kín ý tưởng ấy trong vòng một năm và miệt mài không quản ngày đêm theo đuổi. Tất cả những gì mọi người biết là Sara đang thực hiện một ý tưởng điên rồ nào đó. Không ai khuyên tôi phải làm thế, đó hoàn toàn là do trực giác mách bảo. Sau một năm, tôi mời gia đình và bạn bè đến và giới thiệu: “Đây chính là chiếc quần tất không bànmà con tự thiết kế.” Trông mọi người có vẻ kinh ngạc: “Đây chính là những gì mà con đang thực hiện sao?!” Câu nói ấy không hề có ý châm chọc mà đầy tình yêu thương và sự quan tâm. “Ôi con yêu, nếu đây là một ý tưởng hay thì tại sao đến giờ vẫn không ai thực hiện chứ? Và kể cả đó có là một ý tưởng hay đi chăng nữa thì mọi người cũng sẽ dập tắt nó ngay chỉ trong vài tháng.” Nếu tôi nghe những điều này vào ngày đầu tiên tôi cắt bỏ phần bàn chân ra khỏi chiếc quần tất thì có lẽ đến giờ tôi vẫn đi bán máy fax.

Với 5000 đôla tiền tiết kiệm, Sara đã sản xuất và tích cực quảng bá những mẫu quần tất không bàn đầu tiên.

Chỉ trong vòng 30 giây tôi có thể nói cho khách hàng biết tại sao họ cần sử dụng sản phẩm của tôi. “Phát minh về quần tất không bàn của tôi sẽ giúp bạn mặc những chiếc quần màu trắng mà không lo bị hằn cạp quần, trông bạn sẽ thon gọn hơn và có thể diện với bất cứ thời trang giày nào. Bạn có cả đống quần áo treo trong tủ mà không dám mặc vì bạn không biết nên mặc thứ gì bên trong. Vì thế bạn cần sản phẩm này.”

Sau đó tôi nhận ra rằng mình có thể tác động thêm bằng hình ảnh. Vì thế tôi đã chụp ảnh mình từ phía sau: một bức tôi mặc chiếc quần trắng cùng với chiếc Spanx, và một bức tôi mặc quần trắng không mặc Spanx bên trong. Tôi ép những bức ảnh này và đứng ở cửa ra vào các cửa hàng để thu hút mọi người. Nếu sau 30 giây giải thích “vì sao bạn cần tới sản phẩm này” mà vẫn không thuyết phục được họ, tôi sẽ đưa những bức ảnh đó ra và họ phải thốt lên “Ồ, tôi thấy rồi…Tôi sẽ mua hai chiếc!”.

Spanx đã đem lại thành công vượt bậc cho Sara, nhưng cô chưa bao giờ đánh mất niềm đam mê ban đầu của mình.

Với tôi, Spanx trao quyền cho phụ nữ cho họ sự tự tin, và là bàn đạp cho mục tiêu cuối cùng của tôi là giúp ích cho phụ nữ toàn cầu. Thu nhập là sức mạnh trong xã hội và nó có thể tạo ra những việc mang tầm cỡ. Chúa chắc hẳn có khiếu hài hước vì: tôi đang trên chặng đường đạt được mục đích giúp phụ nữ.

THẤT BẠI

Không ngại thất bại

Ngay từ nhỏ bố tôi đã luôn khuyến khích anh em tôi thất bại. Chúng tôi ngồi quây quần bên bàn ăn và bố tôi hỏi: “Thất bại trong tuần này của các con là gì?” Nếu chúng tôi không có gì để chia sẻ, bố tôi sẽ rất thất vọng. Nếu tôi làm điều gì đó thất bại, bố sẽ hoan nghênh tôi. Điều tôi không nhận ra lúc bấy giờ là bố giúp tôi định nghĩa thất bại theo cách khác ngay khi tôi còn nhỏ. Với tôi, thất bại là không cố gắng; thất bại không phải là kết quả. Nếu tôi phải nhìn mình trong gương và nói: “Tôi đã không cố gắng vì tôi sợ”, đó chính là thất bại.

TẬP TRUNG THỜI GIAN VÀ CÔNG SỨC

Cải thiện sản phẩm, doanh thu sẽ đến

Tôi không bao giờ dành thời gian nghĩ đến việc làm thế nào để kiếm nhiều tiền hơn. Tâm trí tôi luôn luôn để vào việc thúc đẩy công ty đi lên bằng cách tập trung vào sự hào hứng xoay quanh việc tạo ra thứ gì đó, hoặc biến những thứ đã có trở nên tốt hơn. Tôi luôn luôn tự hỏi: “Sản phẩm tiếp theo tôi có thể mang lại cho phụ nữ là gì?” Tôi đã gặp một phụ nữ ở sân bay và cô ấy phàn nàn với tôi rằng chiếc áo nịt ngực không giúp được gì cho cô ấy, vì thế tôi đã tạo ra một chiếc áo nịt ngực giải quyết được những vấn đề đó. Những cuộc trò chuyện như thế chính là nơi khởi nguồn cảm hứng cho tôi, và từ đó doanh thu sẽ tự đến.

NHÂN LỰC

Nhận ra những mặt cần cải thiện

Trong mọi đánh giá nhân viên, cho dù là dành cho nhân viên tiếp tân hay trưởng bộ phận phát triển sản phẩm, tôi luôn đặt câu hỏi: “Ba điều bạn nghĩ bạn có thể làm tốt hơn trong công việc, và ba điều bạn nghĩ công ty có thể cải thiện là gì?” Thật tuyệt vời khi được nghe những ý kiến mà mọi người chia sẻ. Điều này không chỉ khiến nhân viên có cảm giác tiếng nói của họ có ảnh hưởng tới công ty dù cho họ có ở vị trí nào, mà nó còn buộc mọi người phải thoát khỏi lối mòn tư duy để tìm cách thực hiện công việc một cách linh hoạt ngoài những gì bạn đã chỉ cho họ.

LÃNH ĐẠO

Dũng cảm dù sợ hãi

Tôi không muốn bất cứ ai cho rằng những người đạt được những thứ mà tôi làm được dám hành động bởi vì họ không sợ hãi. Rất nhiều thứ khiến tôi sợ hãi. Đôi khi nó đơn thuần chỉ là phản ứng của cơ thể: Bao năm qua không biết bao nhiêu lần tôi đã bay những chuyến bay dài bốn đến năm ngày, nhưng cứ mỗi lần như vậy bàn tay tôi lại toát mồ hôi. Nhưng sự can đảm đã vượt qua nỗi sợ hãi, và tôi vẫn tiếp tục làm việc chăm chỉ để trở thành một con người dũng cảm. Tôi cảm giác rằng cuộc đời rất ngắn ngủi và ngày hôm nay không phải buổi tổng duyệt. Tôi không bao giờ muốn bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào chỉ vì tôi sợ hãi. Trong cuộc sống, ta luôn phải đối mặt với những căng thẳng và lo lắng, nhưng tôi đã học cách biến chúng thành động lực thúc đẩy tôi.

PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM

Đừng giảm giá thành sản phẩm mà hãy cải thiện chất lượng

Tôi đã bước chân vào lĩnh vực hoàn toàn chú trọng vào đồng tiền. Không ai chú ý tới phụ nữ và nghĩ xem họ cảm thấy như thế nào khi mặc những đồ lót này, và làm sao để chúng vừa với người họ. Tất cả các cuộc cạnh tranh chỉ nhằm vào việc làm thế nào để sản phẩm của họ ngày càng rẻ hơn, và cho rằng đó là phương pháp cạnh tranh hiệu quả. Rồi đột nhiên, tôi xuất hiện và bán một bộ đồ lót với mức giá cao chưa ai từng nghĩ tới, và phụ nữ vẫn xếp hàng dài để mua sản phẩm của tôi. Tôi nghĩ tôi đã khiến cả ngành công nghiệp sốc, nhưng tôi thực sự tin rằng chúng ta cần cải thiện chất lượng sản phẩm chứ không phải giảm giá thành sản phẩm.

QUAN HỆ CÔNG CHÚNG

Tự mình làm quảng cáo

Lần đầu bắt tay vào công việc, tôi đã cân nhắc không biết có nên chi một khoản tiền lớn vào các công ty PR để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của Spanx hay không. Rồi tôi hình dung mình là một người ở đầu dây điện thoại bên kia. Nếu tôi xuất hiện trên tờ Wall Street Journal hay tạp chí People, cái nào sẽ ấn tượng hơn: nhận cuộc gọi từ một người trình bày về 15 sản phẩm, hay nhận cuộc gọi từ một người kể cho tôi nghe về một phát minh của cô ấy một cách đầy hào hứng? Tôi đã tự mình quảng bá Spanx cùng với những người bạn yêu thích sản phẩm này, và quả thực việc đó hiệu quả hơn nhiều.

NHÂN TÀI

Thuê người khác làm thay những việc không phải sở trường của bạn.

Như hầu hết những doanh nhân khác, tôi không thể đủ khả năng thuê bất cứ ai khi mới ra mắt sản phẩm. Tôi là nhà phát minh có 5000 đôla, và chỉ có vậy, tôi phải tự làm mọi việc. Nhưng chỉ sau hai năm tôi có thể thuê người làm thay những vị trí mà tôi không thích. Cụ thể hơn, tôi dồn toàn bộ sức lực và thế mạnh cho CEO của mình, Laurie Ann Goldman, người đã sát cánh cùng tôi trong chín năm, là một người điều hành tuyệt vời. Quan trọng hơn cả, cô ấy rất kiên định. Để thành một nhà quản lý giỏi bạn cần phải kiên định. Tôi là người thiên về óc sáng tạo. Tôi tự nhận thấy như vậy, cho nên tôi đã thuê người khác làm những việc không phải sở trường của tôi từ rất sớm. Tôi cho rằng nếu các nhà sáng lập không chịu từ bỏ một số quyền kiểm soát thì chính họ sẽ kìm hãm sự phát triển của công ty.

LÀM VIỆC VÌ BẢN THÂN

Tiền giống như kính lúp

Tiền sẽ phóng đại bản chất con người. Nếu bạn là một kẻ ngốc, nó sẽ khiến bạn ngốc hơn; nếu bạn đang bấp bênh, bạn sẽ trở nên bấp bênh hơn; nếu bạn hào phóng, bạn sẽ hào phóng hơn; nếu bạn tốt bụng, bạn sẽ trở nên tốt bụng hơn. Kiếm tiền giống như soi kính lúp xem bạn là ai, cả về con người lẫn công việc. Nó tạo ra rất nhiều năng lượng và nội lực, nhưng sử dụng có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào bạn.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button