Kinh doanh - đầu tư

Sức Mạnh Của Vị Giám Đốc Một Phút

suc-manh-cua-vi-giam-doc-mot-phut-ken-blanchard1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Ken Blanchard

Download sách Sức Mạnh Của Vị Giám Đốc Một Phút ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Trong những thập niên gần đây, quan điểm về công việc đã dần thay đổi. Trước kia, người lao động thường trung thành với công ty để bảo đảm có được một công việc ổn định. Họ nghĩ rằng nếu hết lòng làm việc chăm chỉ và tránh xa mọi rắc rối thì họ sẽ chẳng bao giờ sợ mất việc. Đầu những năm 1960, sau khi tốt nghiệp đại học, một người bạn của tôi may mắn tìm được việc làm ở Công ty AT&T. Anh ta gọi điện về nhà báo tin cho mẹ và mẹ của anh đã reo lên vui mừng: “Thế là con có chỗ yên ấm cả đời rồi nhé!”.
Còn ngày nay, bạn có định gắn bó suốt đời với một tổ chức nào không? Có lẽ là không! Người lao động ngày nay không còn quan niệm là cần phải gắn bó suốt đời với một công ty như trước. Trong nhiều năm qua, tôi đã cố gắng tìm hiểu quan điểm mới về công việc. Khi có dịp trò chuyện với các nhà quản lý trên khắp thế giới, tôi thường hỏi: “Các ông mong muốn điều gì nhiều nhất ở các nhân viên của mình?”. Và tôi nhận được những câu trả lời khá giống nhau: “Tôi muốn họ là những người luôn biết cách giải quyết vấn đề và luôn chủ động trong mọi công việc. Tôi mong muốn họ làm việc cho tôi như thể họ đang làm việc cho chính họ vậy”.
Nói cách khác, khi tuyển chọn nhân viên, các nhà quản lý sẽ ưu tiên chọn những người có uy lực, tức là những cá nhân mà họ có thể tôn trọng và tin rằng những người này sẽ đưa ra được những quyết định sáng suốt trong công việc ngay cả khi không có mặt họ ở bên cạnh.
Người lao động có phản đối điều đó không? Hoàn toàn không! Trên thực tế, tôi đã hỏi nhiều người rằng: “Nếu công việc ổn định không còn là vấn đề quan trọng đối với bạn thì bạn mong muốn điều gì từ tổ chức của mình?”. Một lần nữa, các câu trả lời cũng rất giống nhau. Ngày nay người lao động mong muốn hai điều. Thứ nhất, họ cần sự trung thực. “Đừng nói dối chúng tôi. Đừng hứa với chúng tôi là sẽ không hề có sự sa thải hàng loạt nào nhưng chỉ sau vài tháng lại thản nhiên tiến hành một đợt cắt giảm nhân sự”. Thứ hai, họ muốn có cơ hội để học hỏi các kỹ năng mới. “Nếu phải tìm một công việc mới, dù là trong hay ngoài tổ chức hiện tại, thì tôi cũng muốn tìm được một công việc có thể giúp tôi học hỏi và nâng cao kỹ năng cũng như kinh nghiệm của mình”. Và để bồi đắp kinh nghiệm cho bản thân, không có cách nào tốt hơn là luôn chủ động trong mọi việc, luôn đưa ra giải pháp cho mọi vấn đề, suy nghĩ và hành động như một người chủ thật sự.”
Đó là những điều chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Thế thì vấn đề nằm ở đâu? Nhiều người cho rằng đa số các nhà quản lý muốn giữ chặt quyền lực của mình và không muốn chia sẻ nó cho bất kỳ ai. Mặc dù đã tuyên bố sẽ trao quyền lực cho nhân viên nhưng họ vẫn muốn giữ trọng trách và muốn cấp dưới phải làm theo sự lãnh đạo của mình. Thế nhưng nếu muốn thành công trong thế giới ngày nay thì các nhà quản lý phải thay đổi cách suy nghĩ và hành động. Vào thập niên 1980, một nhà quản lý thông thường giám sát năm nhân viên – tầm kiểm soát là một nhà quản lý với năm người báo cáo trực tiếp. Để gia tăng khả năng cạnh tranh, các tổ chức hiện nay cần phải quan tâm đến khách hàng, tiết kiệm chi phí, phải nhanh nhạy, linh động và không ngừng cải tiến mọi mặt. Điều này đã dẫn đến việc xuất hiện những cơ cấu tổ chức có sức thuyết phục hơn với mức độ kiểm soát tăng lên đáng kể. Hiện nay việc một nhà quản lý phụ trách từ 25 đến 75 người báo cáo trực tiếp là rất phổ biến. Thêm vào đó, sự xuất hiện của các tổ chức ảo – nơi mà các nhà quản lý được yêu cầu giám sát những người mà họ không bao giờ gặp mặt trực tiếp – đã góp phần thay đổi hoàn toàn môi trường làm việc trong thế giới ngày nay.
Cách quản lý truyền thống đã rẽ sang một hướng mới: trao quyền cho cá nhân. Vấn đề bây giờ không còn là làm thế nào để các nhà quản lý chịu chia sẻ quyền lực nữa bởi họ không có sự lựa chọn nào khác, mà là làm thế nào để khiến cho mọi người bắt được và tự dẫn dắt “trái bóng quyền lực” mà cấp trên chuyển đến cho họ.
Nhiều người trở nên năng động và mạnh mẽ trong môi trường làm việc được trao quyền giống như cá gặp nước, nhưng cũng có nhiều người lại trở nên thụ động. Họ nghĩ rằng sự trao quyền thật đáng ghét, xem mình là nạn nhân, và xem người quản lý của mình như một địch thủ kém cỏi. Họ sẽ luôn miệng phàn nàn: “Sếp tôi không làm gì cả, việc này cũng không, việc kia cũng không”. Sự thật là hầu hết các vị sếp thời nay không còn cầm tay chỉ việc cho nhân viên như trước nữa. Bởi họ không có thời gian, và nhiều khi nhân viên của họ lại biết nhiều thứ liên quan đến công việc hơn họ.
Vậy làm thế nào để giúp nhân viên thay đổi từ một người có tư tưởng mình là nạn nhân thành một người biết vận dụng tối đa quyền hành được trao để tự giải quyết vấn đề và tự đưa ra quyết định?

ĐỌC THỬ

1. LÒNG TIN VÀO ĐIỀU KỲ DIỆU

Sau nhiều tháng nỗ lực làm việc cho bản dự thảo chiến dịch quảng cáo đầu tiên của mình thì đây là thời điểm mà Steve trông chờ nhất. Anh mở lời:

– Trước khi trình bày các ý tưởng quảng cáo trên báo chí, truyền thanh và truyền hình mà chúng tôi đã chuẩn bị, tôi xin phép được giải thích những khía cạnh khác nằm trong chiến dịch quảng cáo này.

Anh trình bản đề cương cho Roger, Chủ tịch Ngân hàng United Bank và sau đó phát lần lượt cho 11 vị lãnh đạo khác của ngân hàng này. Tất cả 12 người ngồi thành nửa vòng tròn trước mặt anh. Họ là khách hàng của anh, sẽ là những người xem xét và quyết định có chấp nhận hay không chiến dịch quảng cáo này trong năm tới.

Steve dẫn dắt họ vào phần ngân sách của bản đề cương, chiếu các slide trên PowerPoint để minh họa cho bài thuyết trình của mình. Anh trình bày chi tiết tỉ lệ phần trăm ngân sách được phân bổ cho việc thiết kế sáng tạo, chi phí sản xuất và mua chỗ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông.

Không ai đưa ra bất kỳ câu hỏi nào và Steve có cảm giác họ đang chờ đợi để nghe các ý tưởng quảng cáo. Không khí trong phòng dường như thay đổi khi anh kéo từ trong cặp ra vài bức tranh lớn và tuyên bố:

– Nếu quý vị không có ý kiến gì về phần ngân sách thì tôi xin phép được trình bày những ý tưởng và phương pháp mà chúng tôi đề xuất cho việc quảng cáo trên ti vi, báo chí, đài phát thanh và qua thư trực tiếp.

Steve giơ cao bức phác họa mô tả kịch bản cho quảng cáo trên ti vi và bố cục hình ảnh, slo-gan cho quảng cáo trên báo. Anh chiếu các kịch bản phát thanh kèm theo và nội dung bài quảng cáo lên màn hình.

Sau khi đọc to bài quảng cáo trên radio, Steve ngồi xuống, thở thật sâu và chờ đợi. Một sự im lặng nặng nề bao trùm khắp căn phòng cho đến khi một vị khách nói:

– Anh đã trình bày một phương pháp mờ nhạt hơn so với suy nghĩ của tôi, nhưng có lẽ vậy là tốt rồi – nó thể hiện chúng tôi là một ngân hàng thân thiện.

Vị phó chủ tịch ngân hàng lên tiếng:

– Rõ ràng anh đã đầu tư không ít thời gian và công sức vào chiến dịch này.

Sau một hồi im lặng và bối rối, mọi người đều giật mình quay sang phía Roger khi nghe ông tuyên bố:

– Đây chỉ là thứ rác rưởi!

Không ai nhìn Steve trong khi anh đứng ngây người, không biết phản ứng thế nào ngoài việc gật đầu liên tiếp vài cái như thể đang cố lay động một ý nghĩ nào đó. Biết mình không thể im lặng mãi nên trong lúc thu gom các tấm bảng và vật dụng như một cái máy, anh nói: “Có lẽ chúng tôi đã đi sai mục tiêu. Tôi sẽ quay về bàn bạc với nhóm sáng tạo và tuần sau tôi sẽ trình một bản dự thảo mới…”.

Đến lúc Steve định thần lại thì đã thấy mình đang ngồi trên xe và lái đi tự lúc nào, nhưng không phải đi về hướng công ty. Giờ anh không thể trở về vì không có cách nào để đối diện với nhóm sáng tạo. Cũng may là sếp của anh – bà Rhonda – đang đi công tác dài ngày. Bây giờ anh chỉ muốn ở một mình, được uống tách cà phê và suy nghĩ. Lái xe ra khỏi khu trung tâm đến một vùng ngoại ô xa lạ, Steve nhìn thấy quán Cayla’s Café. Anh ghé vào, hy vọng quán cà phê này có thể giúp mình phần nào khuây khỏa.

Quán Cayla cũng khá đặc biệt với rất nhiều sách và tạp chí, được bài trí hài hòa với những bộ bàn ghế gỗ rất nghệ thuật. Không khí yên tĩnh, khác hoàn toàn so với sự tất bật, nhộn nhịp ở công ty quảng cáo. Vừa bước vào, anh đã cảm nhận được sự mát mẻ và một chút thoải mái với mùi cà phê thoang thoảng trong quán. Anh thích ngồi gần những kệ sách và tạp chí với hy vọng chúng có thể giúp đầu óc anh lắng dịu trước tình thế khó khăn này. Anh biết mình phải đối mặt với sự thật. Anh đã sai ở đâu? Tại sao bản dự thảo lại thất bại thảm hại như thế?

Steve gọi một tách cà phê sữa nóng và để cho hơi ấm từ chiếc tách truyền vào hai lòng bàn tay trước khi uống ngụm đầu tiên. Sau lần thất bại này, chắc là anh sẽ bị đuổi việc. Thẳng thắn mà nói, Steve cảm thấy choáng váng với kết quả mà anh nhận được hôm nay.

Cách đây ba năm, Steve đã nhảy lên vui mừng như được trúng số khi bà Rhonda, người đồng sáng lập Công ty Quảng cáo Sáng tạo, đồng ý tuyển dụng anh ngay lúc mới ra trường với tấm bằng ngành marketing. Anh làm việc tích cực và nhanh chóng được đưa vào vị trí trợ lý giám đốc sản xuất, phụ trách nhiều dự án lớn. Năm ngoái, anh được mời làm người tổ chức chương trình trao giải thưởng của ngành quảng cáo dành cho các chiến dịch nổi bật.

Bốn tháng trước, Steve thật sự rất hãnh diện khi bà Rhonda cho anh cơ hội tiến nhanh trên con đường sự nghiệp bằng cách giao cho anh phụ trách một khách hàng nhỏ nhưng rất có tiếng là United Bank. Rhonda bảo Steve rằng bà muốn trao quyền cho anh và đây là thời điểm lý tưởng để làm điều đó.

Steve xem sự thăng tiến của mình là cơ hội để chứng tỏ bản thân. Nếu anh có thể tạo ấn tượng tốt với United Bank thì anh có thể sớm được phụ trách các dự án khác với quy mô tài chính và tiếng tăm lớn hơn.

Anh nghĩ mình có thể làm được việc đó. Nhưng giờ thì sự tự tin và nhuệ khí của anh đã hoàn toàn tan biến. Càng nghĩ về phản ứng của ông chủ tịch ngân hàng, anh càng cảm thấy bẽ mặt và nản lòng.

Trong một thoáng, Steve nghĩ rằng nguồn gốc thật sự của thất bại mà anh vừa nếm trải là do bà Rhonda. Bà ấy đã bỏ mặc anh. Bà Rhonda ở đâu khi anh cần bà, khi mọi việc đang sụp đổ? Tại sao bà không khuyến cáo với anh rằng khách hàng ấy là một cơn ác mộng, rằng nhân viên viết lời quảng cáo trong nhóm anh là người vô tích sự, và đạo diễn nghệ thuật là một người cực kỳ ích kỷ? Bà Rhonda là người duy nhất có thể cứu anh thoát khỏi sự bẽ bàng này, nhưng thay vào đó, bà ấy đã “trao quyền” cho anh. Anh đã tin tưởng Rhonda nhưng bà ấy lại “dâng anh đến miệng cọp”.

Với thất bại này, Steve chắc chắn rằng bà Rhonda sẽ sa thải anh nên anh quyết định đi trước một nước cờ. Anh sẽ tự làm việc đó! Anh lấy từ trong cặp ra một tập giấy màu vàng và bút để bắt đầu thảo đơn từ chức.

Vừa viết được câu đầu tiên, anh đã phải dừng lại vì tiếng ồn ào phát ra từ đám trẻ đang tụ tập dưới một tấm biển thô kệch có dòng chữ Góc Ảo thuật của bà Cayla. Anh thấy một phụ nữ da ngăm, nhỏ nhắn nhưng khỏe mạnh đi vào và ngồi xuống chiếc ghế gỗ đơn sơ đặt đối diện lũ trẻ. Bà ngồi ngay ngắn, để tay lên đùi rồi đưa mắt quan sát kỹ từng đứa một. Không khí bỗng im lặng đến nỗi Steve có thể nghe được tiếng động nhỏ nhất.

– Ta là Cayla. – Bà nói một cách nhẹ nhàng và chậm rãi, phát âm rõ từng từ như thể đang tiết lộ một bí mật thú vị. – Và ta là một ảo thuật gia.

Bà kể cho chúng nghe về một người Ấn Độ huyền bí nào đó đã dạy cho bà nghệ thuật sử dụng năng lực của tâm trí. Để minh họa, bà lấy ra hai sợi dây cao su và buộc chúng lại với nhau, kéo và giật mạnh ra để chứng minh chúng không dễ bị tháo rời.

Cayla tuyên bố bà có thể tách hai sợi dây ra chỉ bằng sức mạnh của tâm trí. Bọn trẻ hò hét tán thưởng khi tận mắt nhìn thấy bà trình diễn điều đó. Đúng là ảo thuật!

Steve lấy lại sự tập trung và tiếp tục viết lá đơn từ chức, không ngó ngàng gì đến giờ giấc và mọi chuyện xung quanh nữa.

– Cậu có thích màn ảo thuật đó không?

Đang tập trung cao độ, câu nói ấy làm Steve giật nảy mình ngẩng lên. Bà Cayla đã đứng bên cạnh anh từ lúc nào. Anh lúng túng đứng dậy và chìa tay ra.

– Xin lỗi, hy vọng là bà không phiền. Rất vui khi được xem bà làm trò ảo thuật. Bà là một nhà ảo thuật tài ba. Tên tôi là Steve.

– Phiền à? Không hề gì! – Người phụ nữ vừa nói vừa bắt tay Steve. – Ta hy vọng cậu cũng hưởng ứng. Tên ta là Cayla.

– Đó là tên thật của bà à?

Cayla mỉm cười:

– Đúng vậy! Ba mẹ ta thích cái tên này vì theo ngôn ngữ của người Do Thái thì nó có nghĩa là “được trao quyền”. Có thể đó là lý do tại sao ta có được những khả năng về ảo thuật!

Steve cảm thấy không thoải mái khi người phụ nữ này vô tình nhắc đến từ “trao quyền”. Anh mỉm cười gượng gạo và nói:

– Tôi đã từng tin vào ảo thuật nhưng rồi lại thất vọng khi nhận ra rằng chẳng có trò nào là ảo thuật cả. Nhưng tôi vẫn đánh giá cao những thủ thuật ẩn đằng sau trò ảo thuật đó.

– Cậu không tin vào ảo thuật? – Bà thở dài. – Thế thì quá tệ! Vì dường như cậu có thể làm được một số trò đấy.

Steve ngạc nhiên đến nỗi chẳng nói được lời nào. Anh không biết tại sao bà Cayla lại nói như vậy. Bà kéo một cái ghế từ bàn kế bên rồi ngồi xuống và ra hiệu cho Steve cùng ngồi.

– Nghe này! – Bà vừa nói vừa nhìn thẳng vào Steve như cách bà đã nhìn bọn trẻ trước đó. – Rõ ràng cậu là một doanh nhân, nhưng cậu đã ở quán cà phê này một mình vào giờ này. Hầu như cậu chẳng đụng đến tách cà phê và bánh nướng. Chắc có chuyện gì đó mới làm cậu suy tư như vậy.

Được khuyến khích bởi nụ cười thông cảm của bà Cayla, Steve cảm thấy thoải mái hơn, và rồi anh kể cho bà nghe câu chuyện của mình, bắt đầu bằng sự hứng khởi và tự hào khi được giao phụ trách một khách hàng riêng sau chưa đầy ba năm làm việc cho công ty.

– Nhưng không được bao lâu thì giấc mơ của tôi đã biến thành một cơn ác mộng. – Anh giải thích. – Để chuẩn bị cho những cuộc họp với khách hàng, chúng tôi đã nỗ lực lập một bản ngân sách quảng cáo. Trước đó tôi đã lập ngân sách cho sản xuất và phương tiện truyền thông, nhưng lần này tôi không thể thuyết phục được điều gì là thích hợp với họ. Trong những cuộc họp đầu tiên đó, chẳng có điểm nào khẳng định là họ sẽ có ấn tượng tốt về tôi hay về công ty, và từ đó sự việc bắt đầu xuống dốc.

Cho đến hôm nay thì không có bản ngân sách nào, không có mục tiêu nào và cũng không có chiến lược nào cả! Tôi không biết phải làm gì khi chiến lược quảng cáo của mình không được thông qua. Khách hàng này làm tôi phát điên lên vì họ chẳng tán thành bất kỳ điều gì trong chiến dịch dự kiến của tôi.

Cayla gật đầu một cách thông cảm khi lắng nghe Steve giãi bày khó khăn trong mối quan hệ với khách hàng.

– Còn nhóm sáng tạo của cậu thì sao? Họ có giúp đỡ được gì không? – Bà hỏi.

– Họ lại là chuyện khác nữa… Các nhân viên làm công việc sáng tạo còn tệ hơn những đứa trẻ hư hỏng. Tôi đã cố hướng dẫn cho họ nhưng vô ích. Họ bảo với tôi rằng việc của tôi là phải tính toán xem khách hàng muốn gì, dù cho khách hàng cũng chưa rõ mình muốn gì! Làm sao mà tôi làm được chứ? Cuối cùng, tôi yêu cầu họ nghĩ ra một điều gì đó, bất kỳ điều gì để tôi có thể trình bày với khách hàng. Thế là họ làm, và ý tưởng của họ đã khiến tôi lâm vào tình cảnh này đây!

– Thật ngại khi phải hỏi cậu rằng… – Cayla xen vào nhưng bị Steve cắt ngang.

– Đó là lý do tôi đến đây. Đó là một thất bại. Khách hàng phủ nhận chiến lược ấy. Tức thật! Tôi biết nó chưa hoàn hảo, nhưng đó là tất cả khả năng và nỗ lực của tôi. – Steve lấy tay ôm đầu như thể gánh nặng ấy vượt ra ngoài dự tính của anh. – Tôi phát bệnh với cả cái quá trình sáng tạo này. Tôi không có khả năng sáng tạo nên phải nhờ cậy vào cả nhóm, thế mà hoàn toàn chẳng nhận được gì từ họ! Làm sao tôi có thể quản lý quá trình sáng tạo này khi mà tôi chẳng có khả năng sáng tạo?

– Thế thì giờ cậu định làm gì? – Cayla hỏi.

– Tôi đang viết đơn từ chức. – Steve trả lời thực lòng.

– Hừm… – Cayla trầm ngâm nói. – Bỏ việc à?

– Vâng, trước khi tôi bị sa thải.

– Tại sao cậu không nhờ sếp của cậu giúp đỡ?

– Quá trễ rồi. Đến nước này rồi thì bà Rhonda còn có thể làm gì được? Chắc chúng tôi sẽ mất khách hàng này, và bà ấy sẽ khiển trách tôi, dù đó không phải là lỗi của tôi.

– Thế thì lỗi của ai?

Steve lắc đầu, thất vọng vì cảm thấy Rhonda đã đối xử tệ bạc với anh:

– Rõ ràng là khi bà Rhonda không chịu quan tâm, tất cả đều đổ vỡ. Giờ đây thậm chí tôi còn không tự tin với những việc tôi đã từng làm tốt, như hoạch định ngân sách, phương tiện truyền thông và sản xuất. Tôi đã không nhận ra rằng quảng cáo là một thế giới của những con người sát phạt lẫn nhau. Nó không hề giống như tôi nghĩ! – Steve than vãn.

– Cũng giống như ảo thuật thôi! – Cayla nói. – Cậu thích ảo thuật khi còn ngây thơ và chẳng hề nghi ngờ gì về sự thật của các trò ảo thuật đó. Nhưng giờ cậu không thích nữa vì nhận ra đằng sau mỗi trò ảo thuật là một vài thủ thuật nào đó.

– Tôi không chắc là có bí quyết nào cho sự thành công trong việc này hay không. Mà nếu có thì cũng chẳng có ai muốn chỉ cho tôi. – Steve nói một cách bất mãn.

– Hy vọng cậu không phiền lòng khi tôi nói câu này, có vẻ như cậu viện dẫn đủ mọi lý do để chứng minh rằng cậu là một nạn nhân đáng thương của nghịch cảnh.

Lời nhận xét của Cayla đụng chạm đến tự ái của Steve và anh đáp lại như để chống chế:

– Bà muốn nói gì, “một nạn nhân đáng thương của nghịch cảnh” ư?

– Ta muốn nói cậu là người né tránh trách nhiệm đối với tình huống mà cậu đang phải đối diện. Người đổ lỗi cho mọi người xung quanh thì nhiều nhưng người tự nhận trách nhiệm về mình là rất hiếm. – Cayla đáp thẳng thắn.

– Ồ không! Bà không thể buộc tội tôi vì những gì đã xảy ra. Những điều bà Rhonda mong đợi thật không công bằng. Tôi không nhận được sự trợ giúp của bà ấy cũng như của nhóm sáng tạo; nếu không, tôi đã có thể làm được nhiều hơn thế rồi. – Steve quả quyết.

– Thế thì, – Cayla nói tiếp, – Rhonda lẽ ra nên biết rõ như vậy khi giao cho anh phụ trách khách hàng ấy và trao cho anh quyền tự do giải quyết công việc, đúng không nào?

Steve hơi khó chịu và ngạc nhiên khi cuộc nói chuyện lại chuyển sang hướng này. Tuy nhiên trong thâm tâm, anh biết bà Cayla nói đúng một số điều.

Ánh mắt của bà Cayla đầy vẻ cảm thông. Bằng một giọng an ủi, bà nói:

– Ta biết cậu cảm thấy rất bối rối và thiếu tự tin. Cậu biết ta nói đúng, nhưng chấp nhận nó có nghĩa là cậu phải chịu trách nhiệm – chứ không phải Rhonda, khách hàng của cậu, hay nhóm sáng tạo thất thường của cậu. Dù sao thì điều ấy cũng không công bằng. Thậm chí cậu còn cảm thấy hơi sợ hãi.

Steve nhìn bà Cayla chằm chằm, tự hỏi làm cách nào mà bà lại biết được tất cả điều đó như thể bà ta đọc được ý nghĩ của anh vậy.

– Để ta giải thích. – Bà Cayla lên tiếng trước khi Steve kịp hỏi. – Ta biết ý nghĩ của cậu bởi vì ta là một ảo thuật gia, tất nhiên ta phải có khả năng quan sát tốt, dù ngay lúc này cũng không khó để đọc được ý nghĩ của cậu.

Cayla ngừng lại, mặt trầm tư và nhìn thẳng vào mắt anh, nói:

– Steve này, cách đây nhiều năm ta cũng rơi vào một tình huống tương tự như cậu bây giờ. May mắn thay, ta gặp được một người tuyệt vời, người ta thường hay gọi ông là Vị Giám Đốc Một Phút. Những điều ông dạy đã tạo ra một sự thay đổi kỳ diệu trong cuộc đời ta mà ta gọi nó là phép ảo thuật. Và giờ ta muốn truyền phép ảo thuật ấy cho cậu.

– Phép ảo thuật ư? – Steve hoài nghi. – Tôi nghĩ mình cần nhiều thứ hơn là khói và những tấm gương để giải quyết tình trạng rối rắm này!

– Bí quyết ấy không nhờ vào khói hay những tấm gương. – Bà Cayla khẳng định. – Phép ảo thuật ấy xuất phát từ khả năng tự lãnh đạo.

Steve chán nản đáp:

– Khả năng lãnh đạo có thể giúp ích cho Vị Giám Đốc Một Phút, nhưng tôi không phải là một nhà quản lý mà chỉ là một chuyên viên phụ trách khách hàng đang làm việc với một người quản lý không hề hỗ trợ mình!

Cayla nhíu mày:

– Đó là cách cậu nhìn nhận sự việc từ hoàn cảnh hiện tại của cậu – một hoàn cảnh đáng thương. – Bà mỉm cười khiến Steve không thể không cười thầm. – Cậu phải lật ngược vấn đề để có thể trở thành người dẫn đầu. Đã đến lúc phải ngừng tìm lý do biện hộ mà phải bắt đầu làm chủ chính mình.

– Cảm ơn bà rất nhiều vì đã động viên, nhưng tôi không tin vào những lời khích lệ tâm lý như vậy đâu. – Steve vẫn ủ rũ.

– Ta không động viên, khích lệ chung chung mà thật sự muốn giúp đỡ cậu. Chỉ cần cậu chế ngự sự hoài nghi của mình để có tâm trạng như khi cậu còn là một đứa trẻ đang xem ảo thuật và tin vào trò ấy. Ta cần cậu tin tưởng vào điều kỳ diệu của khả năng tự lãnh đạo.

Steve cười miễn cưỡng:

– Được thôi, thế bí quyết ấy là gì?

– Thật ra, có ba bí quyết tất cả. Ta sẽ lần lượt giới thiệu với cậu khi nào cậu sẵn sàng.

– Làm sao tôi biết khi nào mình sẵn sàng?

– Cậu sẽ sẵn sàng tự lãnh đạo khi cậu chịu trách nhiệm đối với thành công của riêng mình.

Steve suy nghĩ một lát rồi đáp:

– Ý bà là tôi phải loại bỏ ngay ý nghĩ trách bà Rhonda, nhóm sáng tạo và khách hàng rồi hỏi bản thân rằng tôi đã làm gì khiến cho công việc không đạt được thành công?

– Đúng vậy! Cậu phải bỏ ý nghĩ rằng “trao quyền” là chuyện đáng ghét. Ngược lại, cậu nên xem đó là một cơ hội lớn. Cậu cần bắt tay vào việc nắm giữ vai trò lãnh đạo để đạt được những gì cậu cần.

Họ im lặng một lúc thật lâu trong khi Steve ngẫm nghĩ lời nói của Cayla. Cuối cùng anh nói bằng một giọng dịu nhẹ:

– Giờ thì tôi đã hiểu! Rhonda trao quyền để tôi tự thực hiện công việc nhưng tôi không thể tự mình hành động cũng như tự chịu trách nhiệm để đảm bảo công việc thành công. Tôi chỉ đóng vai trò là một nạn nhân. Vấn đề là khi được trao quyền thì chúng ta không được viện cớ nếu sự việc trở nên rắc rối. Chúng ta cũng không được phép đổ lỗi cho ai cả ngoài bản thân chúng ta.

– Đây là chân lý của vấn đề: Sự trao quyền chỉ có hiệu quả khi người được trao quyền biết tự lãnh đạo. – Cayla nhìn thẳng vào Steve nói tiếp.

– Hãy nhớ:

Khi đã được trao quyền, bạn phải biết tự lãnh đạo để sự trao quyền ấy đạt hiệu quả.

– Rõ ràng là tôi đã trượt bài kiểm tra về khả năng tự lãnh đạo rồi, nhưng tôi không thể để cho lý lịch của mình có một vết đen vì bị sa thải, cho dù tôi đáng bị như thế. Tôi đã viết gần xong lá đơn từ chức rồi. – Steve chán nản nói.

– Trời ơi! – Cayla giơ tay lên. – Một lần nữa cậu lại hành xử như một kẻ đáng thương! Chuyện gì xảy ra với khả năng tự lãnh đạo rồi?

Steve cãi lại:

– Đó là việc của tôi. Tôi sẽ nghỉ việc!

Cayla lắc đầu và cười:

– Có những lúc bỏ việc là phù hợp, nhưng giờ không phải là lúc. Tại sao cậu cứ cho rằng cậu không còn cơ hội nữa? Chưa có ai yêu cầu cậu nghỉ việc mà, đúng không?

– Đúng, nhưng tôi biết bà Rhonda sẽ nghĩ gì! – Steve bướng bỉnh.

– Steve, cậu nghĩ câu này có đúng không? “Con người không đọc được ý nghĩ của người khác, cho nên thật là vô lý nếu cứ cho rằng họ biết những gì bạn đang nghĩ”.

– Đúng, nhưng với bà có thể là một ngoại lệ đấy. – Steve vừa nói vừa cười.

Cayla cười đáp lại:

– Thế nên nếu bà Rhonda không thể biết được cậu đang nghĩ gì thì làm sao cậu dám chắc rằng cậu biết bà ấy đang nghĩ gì?

Steve biết mình đã đuối lý nên đành thừa nhận bà đã nói đúng.

– Còn câu nói này thì sao? “Chính tôi là người có được nhiều lợi ích nhất nếu nhận trách nhiệm tìm kiếm những điều cần thiết để thành công trong công việc của mình”.

Steve ngập ngừng đồng ý:

– Tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về tôi, nhưng tôi không biết mình phải làm gì.

– Vậy hãy đi theo tôi. – Cayla bảo Steve đứng dậy đi theo bà.

2. CHUẨN BỊ KHÁM PHÁ BÍ QUYẾT

Steve theo Cayla ra phía sau quán và đi đến một căn phòng bên ngoài có treo một tấm biển nhỏ đề tên Cayla. Vừa bước đến cửa, anh giật mình đứng lại. Bên trong là một rừng đầy những chiếc kệ, hộp, thùng, hòm và các tủ có ngăn kéo chứa đầy những vật linh tinh để làm ảo thuật. Khi bước vào trong, anh có cảm giác như mình đang đặt chân vào thế giới ma thuật.

Cayla bước tới một chiếc tủ làm bằng gỗ sồi có dán hàng chữ “Bí quyết Tự lãnh đạo”. Bà mở ngăn kéo trên cùng để tìm kiếm thứ gì đó.

– Abracadabra! – Bà vừa đọc câu thần chú vừa rút mạnh ra một tờ giấy.

– Steve bật cười khi thấy bà Cayla đùa như vậy.

– Đây là bài tập về nhà của cậu trong chiều nay. – Bà nói và đưa cho anh tờ giấy.

Hãy sắp xếp các động lực thúc đẩy trong tờ giấy này theo mức độ quan trọng đối với cậu, từ 1 đến 10 – với 1 là quan trọng nhất và 10 là ít quan trọng nhất. Sau đó… – Cayla nhấn mạnh – cậu phải phát tờ khảo sát này cho ít nhất 5 đồng nghiệp khác ở công ty để xin ý kiến của họ. Ngày mai hãy mang tất cả các tờ giấy đó lại cho tôi và nói cho tôi biết cậu đã học được những gì.

– Đây có phải là một bí quyết không? – Steve hỏi với vẻ nghi ngờ.

– Đó là phần đầu của một bí quyết. – Cayla nhiệt tình đáp. – Những điều học được từ bài tập này sẽ củng cố những điều cậu tìm hiểu hôm nay và nó sẽ dẫn dắt cậu đến với bí quyết đầu tiên để trở thành một người biết tự lãnh đạo.

– Được rồi! Tôi sẽ tiến hành việc này ngay bây giờ, nhưng chưa chắc là tôi sẽ không bỏ việc. Tôi phải quyết định trước khi sếp tôi trở về vào cuối tháng này. – Khi nói những lời đó, đầu óc Steve đầy ắp những dự đoán, những viễn cảnh đen tối. Thật sự anh thấy thất vọng vì chưa bao giờ anh phải từ bỏ một công việc vì mất khả năng đảm đương.

– Ta nghĩ ngày mai cậu sẽ nhìn vấn đề một cách tươi sáng hơn.

– Có điều này tôi muốn hỏi, có gì mong bà bỏ qua cho, tại sao bà lại muốn giúp tôi?

Cayla mỉm cười:

– Lúc nãy ta có nhắc đến Vị Giám Đốc Một Phút, chắc cậu còn nhớ? Được ông giúp, ta đã thoát khỏi tình cảnh hết sức khó khăn nên ta đã nhiều lần xin được trả ơn nhưng ông đều từ chối. Ông nói rằng ông chỉ mong ta hãy truyền lại điều đã học được cho những người khác. Đó là một cách trả ơn ý nghĩa nhất đối với ông.

Bà nháy mắt và nói tiếp:

– Ngoài ra, ta là một nhà ảo thuật. Vì vậy, giúp cậu tức là ta cũng có được cơ hội để thực hành một số bí quyết ảo thuật.

Sự nhiệt tình và chân thành của Cayla đã làm cho Steve cảm thấy yên tâm tiến về phía trước. Anh thừa nhận:

– Tôi nghĩ là ngay bây giờ tôi có thể sử dụng một chút bí quyết đó. Tôi sẽ gặp lại bà vào ngày mai.

Steve trở lại công ty và gần như lẩn trốn khi vô tình gặp một thành viên trong nhóm ở hành lang. Anh biết ngày mai anh phải đối diện với họ trong cuộc họp đã được lên lịch trước, nhưng anh vẫn chưa sẵn sàng đối diện với thất bại của mình.

Hết sức kín đáo, Steve photo tờ giấy mà bà Cayla đã đưa cho anh và cân nhắc xem nên gửi cho những đồng nghiệp nào. Anh quyết định bắt đầu với người chắc chắn giúp anh mà không cần phải giải thích nhiều, đó Phyllis – trợ lý của bà Rhonda.

Anh đặt tờ khảo sát trên bàn làm việc của Phyllis rồi gửi một tin nhắn vào hộp thư thoại báo cho cô kiểm tra thư đến. Sau đó anh dành ra vài phút để đánh số thứ tự cho tờ giấy của mình.

Gần cuối ngày, Steve đến văn phòng của Phyllis để nhận lại tờ khảo sát.

– Chào anh Steve, tôi đã làm xong tờ khảo sát của anh rồi. Nó rất thú vị. Anh sẽ nói cho tôi biết điều gì đó sau khi cuộc khảo sát kết thúc chứ? – Như thường lệ, Phyllis chào Steve với một cử chỉ thân thiện và một phong cách chuyên nghiệp của một trợ lý điều hành nhiều kinh nghiệm. Phyllis có khả năng điều hành cả công ty nhưng dường như cô rất hài lòng với vai trò là người hỗ trợ ở hậu trường.

Ngay lúc đó, Grant bất ngờ ló đầu vào, hỏi: “Khảo sát gì thế?”

Steve không nghĩ Grant lại “nhiều chuyện” như vậy. Dường như mọi người đều cho rằng anh nhân viên giao tiếp khách hàng này có một sức thu hút đặc biệt, nhưng Steve lại nghĩ anh này chẳng có gì sâu sắc, tinh tế cả. Dù suy nghĩ như vậy nhưng Steve vẫn đưa cho Grant một tờ giấy đã photo. Suy cho cùng thì anh cũng cần người để điền vào bản khảo sát này.

Trước đó, Steve đã đưa tờ khảo sát cho Mike ở phòng thư tín, Skye ở phòng dịch vụ thông tin, và hai người khác mà anh không quen thân lắm.

Khi trả tờ khảo sát của mình cho Steve, Grant nói với một nụ cười thân thiện:

– Đừng bực mình nhé, anh Steve, tôi thấy danh sách này sẽ chẳng chứng minh được điều gì. Rõ ràng công việc thú vị luôn là động lực quan trọng nhất thúc đẩy mọi người!

Vài nhân viên đứng gần đó nghe được và không đồng ý với Grant. Thế là một cuộc tranh luận bắt đầu nổ ra, xoay quanh chủ đề động lực quan trọng nhất. Sự ồn ào của nhiều người khiến Ricardo – một lãnh đạo cấp cao của công ty – bước ra khỏi phòng để xem là chuyện gì. Nhà điều hành ăn mặc lịch lãm này nhìn vào bản danh sách và nói:

– À, tôi rõ rồi!

Steve cảm thấy hơi thất vọng vì anh cho rằng Ricardo sẽ đồng ý với ý kiến của Grant.

– Từ trước tới nay, hầu hết các bạn đều đòi tăng lương, vì thế tôi đoán lương cao chính là động lực thúc đẩy các bạn! – Ricardo nói.

Mọi người đứng yên lặng vì ngạc nhiên. Không ai đề cập đến lương cao trong ba lựa chọn đầu tiên của họ. Grant vẫn cho rằng công việc thú vị là quan trọng nhất, Phyllis cảm thấy sự đánh giá mới là quan trọng, trong khi Skye thì chọn điều kiện làm việc tốt. Mỗi người trong số họ đều có lý lẽ riêng cho lựa chọn của mình.

Khi mọi người nói câu trả lời của họ với Ricardo, Steve nhận thấy ông có vẻ bối rối vì đã đánh giá sai về động lực thúc đẩy đối với nhân viên, và anh có cảm giác như sự việc này đã khiến cho Ricardo đột nhiên hồ nghi về khả năng quản lý của ông.

Hy vọng có thể giúp giải tỏa bớt cảm giác khó chịu của Ricardo, Steve nói:

– Đó chính là điểm mấu chốt của bài tập này! Mỗi người chúng ta có những động lực thúc đẩy khác nhau. Một người làm việc hăng hái như Grant thì cần công việc thú vị. Phyllis thì cần được đánh giá vì phần lớn công việc của cô ấy là hỗ trợ người khác. Thật ra, những điều hôm nay thúc đẩy các bạn lại có thể thay đổi vào ngày mai.

Steve nhìn nhân viên phòng thư tín:

– Chẳng hạn khi các con của anh Mike lớn lên và anh muốn lo cho chúng học đại học thì vấn đề lương cao có thể đứng đầu trong danh sách của anh ấy.

– Được rồi! – Grant xen vào. – Có lẽ mỗi người chúng ta có những động lực thúc đẩy riêng. Đó có phải là ý anh muốn nói?

Steve nhớ lại cuộc thảo luận của anh với bà Cayla. Bà đã nói với anh rằng bản khảo sát này sẽ củng cố những điều anh học hỏi được trước đó và dẫn dắt anh đến với bí quyết đầu tiên của khả năng tự lãnh đạo. Nghĩ đến đó, đột nhiên các ý tưởng rời rạc trong đầu anh trở nên mạch lạc, khiến anh nhận thấy suy nghĩ của mình thật rõ ràng.

– Rõ ràng là cấp trên của chúng ta không phải là những người đọc được ý nghĩ của người khác! – Anh reo lên. – Vậy thì làm sao chúng ta có thể cho rằng họ hiểu được những gì thúc đẩy bản thân chúng ta? Thật là không công bằng cho họ và cho cả chúng ta.

Thật sự hứng khởi đối với điều mình vừa nhận ra, Steve nhìn lần lượt từng đồng nghiệp của anh rồi tuyên bố:

Mỗi người sẽ thu được nhiều lợi ích nhất nếu chịu tìm kiếm những gì mình cần để đảm bảo thành công trong công việc.

Ricardo như được giảm bớt căng thẳng và trở nên tươi tỉnh hơn:

– Khi có cơ hội, chúng ta hãy nói chuyện nhiều hơn về vấn đề này, Steve nhé. Tôi có một cuộc hẹn cần phải đi, nhưng tôi thấy dường như tất cả chúng ta có thể học được một điều gì đó từ bản khảo sát nhỏ này.

– Hay lắm! – Grant vỗ vai Steve khi quay đi.

Những người khác cũng lần lượt chào Steve để trở về bàn làm việc của mình. Thấy Steve đứng bất động một chỗ, Phyllis nhìn anh chăm chú và hỏi:

– Anh có sao không? Trông anh có vẻ rất lúng túng.

– Tôi thật sự bối rối. Qua cuộc khảo sát này, tôi nghiệm ra rằng một vị sếp không thể biết mọi thứ mà chúng ta cần, vì thế chúng ta phải biết chịu trách nhiệm về bản thân chúng ta. – Steve nói chậm rãi.

– Vâng, đó là một bài học hay. Vậy anh còn bối rối vì điều gì?

– Tôi cũng không biết! Tôi nghĩ tôi cần phải “nhận ra” một điều gì đó nữa, nhưng vẫn chưa biết chắc là điều gì. – Steve đáp, có vẻ đang suy nghĩ mông lung.

– Anh là một người thông minh. Tôi tin là anh sẽ nghĩ ra. – Phyllis nói một cách lạc quan. – Khi nào anh nghiệm ra điều gì đó, nhớ chia sẻ cho tôi biết nhé! – Nói xong, cô chào anh và quay trở lại tiếp tục công việc của mình.

Steve không chỉ bối rối mà còn cảm thấy không thoải mái. Trong anh vẫn còn vướng víu một điều gì đó không rõ ràng. Anh thuộc loại người rất ghét gặp phải một câu hỏi khó mà chưa thể nghĩ ra được đáp án giống như khi chơi trò chơi ô chữ. Anh chỉ thích làm theo các quy tắc và các kế hoạch đã được vạch ra rõ ràng. Vì vậy, anh cảm thấy mất bình tĩnh và khó chịu vì còn quá nhiều điều mâu thuẫn. Anh sợ bị sa thải nhưng không chắc có nên từ chức hay không. Anh băn khoăn vì sự xuất hiện của người phụ nữ có ma lực kỳ lạ tên là Cayla nhưng lại tò mò vì bà ta giống như một thiên thần hộ mệnh hơn là một người xa lạ. Anh cũng háo hức muốn trở thành một người biết tự lãnh đạo nhưng lại cảm thấy mâu thuẫn về trách nhiệm mà mình phải gánh vác.

Bất chợt Steve nhớ lại lời nói của bà Cayla: Ta cần cậu tin tưởng vào điều kỳ diệu của khả năng tự lãnh đạo. Dường như anh đã nhận thấy một phần sự kỳ diệu của nó, nhưng chưa rõ ràng…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button