Kinh doanh - đầu tư

Kỷ Nguyên Hỗn Loạn

Ky nguyen hon loan1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Alan Greenspan

Download sách Kỷ Nguyên Hỗn Loạn ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

GIỚI THIỆU

BUỔI chiều ngày 11/9/2001, tôi đáp máy bay trở về Washington trên chuyến bay 128 của Hãng hàng không Thụy Sĩ, sau cuộc họp quốc tế thường kỳ của các thống đốc ngân hàng trung ương tại Thụy Sĩ. Khi tôi đang đi về phía cabin thì đội trưởng đội an ninh hộ tống tôi trong các chuyến đi nước ngoài là Bob Agnew chặn tôi ngay lối đi. Bob là cựu nhân viên mật vụ, một người thân thiện nhưng kiệm lời. Lúc đó, trông anh ta có vẻ nghiêm trọng. “Thưa ông Chủ tịch”, anh ta nói nhỏ, “Cơ trưởng muốn gặp ông ở phía trước. Hai máy bay vừa đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới”. Khuôn mặt tôi lúc ấy chắc đầy vẻ nghi ngờ khiến anh ta phải nói thêm: “Tôi không đùa đâu”.

Tại buồng lái, cơ trưởng có vẻ khá căng thẳng. Anh ta nói với chúng tôi rằng đã xảy ra một vụ tấn công khủng khiếp chống lại đất nước chúng ta – một số máy bay đã bị đánh cắp, hai trong số đó đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới và một chiếc đâm vào Lầu Năm Góc. Một chiếc khác đang mất tích. Đó là tất cả thông tin anh ta có được và nói ra bằng giọng tiếng Anh hơi lơ lớ. Chúng tôi sẽ quay trở lại Zurich và anh ta không thông báo nguyên nhân cho các hành khách khác.

“Chúng ta phải quay lại sao?”, tôi hỏi, “Liệu có thể hạ cánh ở Canada được không?” Anh ta trả lời không được vì theo lệnh phải bay tới Zurich.

Tôi trở lại ghế ngồi khi cơ trưởng thông báo rằng cơ quan kiểm soát không lưu yêu cầu máy bay của chúng tôi phải bay tới Zurich. Điện thoại ở ghế ngồi ngay lập tức bị tắc nghẽn khiến tôi không thể liên lạc được với mặt đất. Các đồng nghiệp ở Fed dự hội nghị với tôi tại Thụy Sĩ cuối tuần hôm đó cũng đang đi trên các chuyến bay khác. Không có cách nào biết được sự việc đang tiến triển như thế nào, tôi không thể không nghĩ về những điều xảy ra trong ba giờ rưỡi nữa. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, công việc tôi mang theo, đống bản ghi nhớ và báo cáo kinh tế bị bỏ quên trong túi của tôi. Liệu có phải những cuộc tấn công trên báo hiệu sự bắt đầu của một âm mưu lớn hơn?

Ngay lập tức tôi cảm thấy lo cho vợ tôi – Andrea là trưởng nhóm phóng viên phụ trách các vấn đề quốc tế tại Washington của hãng tin NBC. Cô ấy không có mặt ở New York, điều đó là sự an ủi lớn, và Lầu Năm Góc cũng không nằm trong lịch làm việc ngày hôm đó của cô ấy. Tôi đoán rằng cô ấy hẳn đã ở văn phòng của NBC tại trung tâm thành phố, bận đưa tin tức đến tối mắt tối mũi. Do đó tôi không quá lo, tôi tự nhủ… nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cô ấy lại quyết định vào phút cuối đến phỏng vấn một vị tướng nào đó ở Lầu Năm Góc?

Tôi cũng lo cho đồng nghiệp của tôi tại Fed. Liệu họ có an toàn không? Và còn gia đình của họ nữa? Họ chắc đang cố gắng đối phó với cuộc khủng hoảng. Vụ tấn công này – diễn ra lần đầu tiên trên lãnh thổ Mỹ kể từ sau vụ tấn công Trân Châu Cảng – sẽ đẩy đất nước lâm vào khủng hoảng. Vấn đề tôi cần phải tập trung vào là liệu nền kinh tế có bị giáng một đòn chí mạng hay không.

Khủng hoảng kinh tế là quá rõ ràng. Kịch bản xấu nhất, mặc dù rất khó xảy ra, sẽ là sự sụp đổ của hệ thống tài chính. Fed sử dụng hệ thống thanh toán điện tử với giao dịch lên đến hơn 4.000 tỉ USD/ngày bằng tiền mặt và trái phiếu với các ngân hàng trên khắp nước Mỹ và tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng nếu ai đó muốn tấn công nền kinh tế Mỹ, họ sẽ phá hủy hệ thống thanh toán. Các ngân hàng khi đó sẽ buộc phải sử dụng cách chuyển tiền mặt kém hiệu quả. Các doanh nghiệp sẽ phải sử dụng phương thức hàng đổi hàng hay giấy vay nợ; mức độ hoạt động kinh tế trên toàn quốc sẽ rơi tự do như một hòn đá.

Trong Chiến tranh lạnh, nhằm đề phòng bị tấn công hạt nhân, Fed đã xây dựng nhiều cơ sở máy tính và thông tin dự phòng để bảo đảm an toàn. Chúng ta có nhiều tầng nấc bảo vệ, ví dụ như số liệu của một ngân hàng thuộc Fed luôn được lưu giữ tại một ngân hàng khác cách xa hàng trăm dặm, hay tại một địa điểm xa xôi nào đó. Trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân, chúng ta ngay lập tức sẽ chạy hệ thống sao lưu tại những nơi không bị ảnh hưởng phóng xạ. Hệ thống có lẽ đang được Phó giám đốc Fed – ông Roger Ferguson – sử dụng trong ngày hôm nay. Tôi tin rằng ông ấy và những đồng nghiệp của chúng tôi sẽ có các bước đi cần thiết để bảo đảm hệ thống tiền tệ vận hành trơn tru.

Tuy nhiên, ngay cả khi tôi nghĩ về điều đó, tôi cũng không cho rằng phá hủy hệ thống tài chính một cách vật lý sẽ được những kẻ cướp máy bay chủ tâm sử dụng. Nhiều khả năng đây là hành động bạo lực mang tính biểu trưng chống lại nước Mỹ – giống như quả bom đặt tại garage của Trung tâm Thương mại Thế giới tám năm về trước. Điều làm tôi lo lắng là sự sợ hãi mà vụ tấn công đó gây ra – đặc biệt nếu xảy ra những vụ tấn công tiếp theo. Trong một nền kinh tế phức tạp như của Mỹ, người dân phải giao lưu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ một cách liên tục, và sự phân chia lao động rõ ràng đến mức tất cả các hộ gia đình đều phụ thuộc vào thương mại để tồn tại. Nếu người ta rút khỏi cuộc sống kinh tế hằng ngày – các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, hay thương gia quay lưng lại với thương mại, người dân ở nhà vì sợ đi siêu thị sẽ bị đánh bom liều chết – ảnh hưởng mang tính lan truyền sẽ xảy ra. Chính vấn đề tâm lý sẽ dẫn đến sự sợ hãi và suy thoái. Một sự hoảng loạn như vậy sẽ gây ra hàng loạt cuộc rút chạy và suy giảm kinh tế. Lúc đó đúng là họa vô đơn chí.

Một lúc lâu trước khi máy bay hạ cánh, tôi đã rút ra kết luận rằng thế giới sẽ thay đổi theo cách mà tôi chưa thể đoán định. Sự kiêu hãnh mà chúng ta, những người Mỹ, đã mang theo trong thập niên sau Chiến tranh lạnh vừa bị tan ra hàng trăm mảnh.

Cuối cùng chúng tôi cũng hạ cánh xuống sân bay Zurich vào khoảng 8 giờ 30 tối theo giờ địa phương – lúc đó là đầu giờ chiều tại Mỹ. Các quan chức ngân hàng tại Thụy Sĩ đón tôi khi rời máy bay và kéo tôi vào một phòng riêng trong sảnh đi của sân bay. Họ muốn cho tôi xem đoạn băng chiếu cảnh tòa Tháp đôi bị sập và Lầu Năm góc bị cháy, nhưng tôi từ chối. Tôi đã làm việc gần Trung tâm Thương mại Thế giới trong phần lớn thời gian cuộc đời, có những người bạn và người quen ở đó. Tôi đoán số người chết sẽ khủng khiếp và sẽ có cả những người tôi quen biết. Tôi không muốn nhìn thấy sự đổ nát. Tôi chỉ mong một chiếc điện thoại vẫn có tín hiệu.

Cuối cùng thì tôi cũng gặp được Andrea qua điện thoại di động vào lúc 9 giờ kém vài phút và thở phào nhẹ nhõm khi nghe giọng của cô ấy. Sau khi đã làm cho nhau yên lòng rằng cả hai đều bình an, cô ấy nói với tôi là đang rất bận: cô ấy đang tác nghiệp, sắp lên sóng với tin tức cập nhật các sự kiện trong ngày. Tôi nói, “Em hãy cho anh biết điều gì đang xảy ra, nhanh lên”.

Cô ấy giữ điện thoại một bên tai trong khi nhà sản xuất chương trình đặc biệt tại New York gần như gào lên bên tai kia, “Andrea, Tom Brokaw đang tới chỗ cô. Cô đã sẵn sàng chưa?” Cô ấy chỉ kịp nói, “Nghe này”. Tới đó, cô ấy đặt điện thoại di động đang mở vào lòng và phát biểu trước máy quay. Tôi nghe rõ những gì nước Mỹ đang nghe vào thời điểm đó – rằng chiếc máy bay United Flight 93 bị mất tích đã rơi ở Pensylvania.

Sau đó tôi đã gọi được cho Roger Ferguson tại Cục dự trữ Liên bang, chúng tôi thống nhất danh sách các biện pháp kiềm chế khủng hoảng và đúng như tôi suy đoán, ông ấy đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp. Sau đó, do tất cả các chuyến bay dân sự tới Mỹ bị hủy, tôi đã liên lạc với Andy Cart, Chánh văn phòng Nhà Trắng, để yêu cầu được đưa về Washington. Cuối cùng, tôi quay trở lại khách sạn với sự hộ tống của đội an ninh để tranh thủ ngủ và chờ chỉ thị.

Vào rạng sáng hôm sau, tôi được chở trên khoang của chiếc máy bay tiếp dầu KC-10 của Không quân Mỹ – có vẻ như đó là chiếc máy bay duy nhất còn lại. Đội bay này thường thực hiện các chuyến bay tiếp nhiên liệu tại Bắc Đại Tây Dương. Không khí ở buồng lái thật buồn. Cơ trưởng nói, “Ông sẽ không bao giờ tin nổi điều này. Nghe này”. Tôi đeo tai nghe nhưng không nghe thấy bất cứ điều gì ngoài sự im lặng. Anh ta giải thích: “Thông thường, Bắc Đại Tây Dương luôn đấy âm thanh các cuộc bộ đàm. Sự im lặng thật là đáng sợ”. Rõ ràng không có chiếc máy bay nào đang bay ở ngoài đó.

Khi máy bay đi vào vùng biển phía đông và tới không phận cấm của Mỹ, chúng tôi được hai chiếc máy bay chiến đấu F16 hộ tống. Cơ trưởng được phép bay qua nơi đã từng là địa điểm của tòa Tháp đôi tại điểm cực nam của khu Manhattan, giờ đây chỉ còn là một đống đổ nát bốc khói. Nhiều thập niên qua, văn phòng của tôi chỉ cách đó vài tòa nhà; trong thời gian cuối thập niên 60 – đầu 70, tôi đã chứng kiến tòa Tháp đôi mọc lên từng ngày. Giờ đây, nhìn từ trên cao gần 11 nghìn mét, điểm rõ ràng nhất có thể nhìn thấy của New York chính là đống đổ nát bốc khói đó.

Tôi tới ngay Cục Dự trữ Liên Bang vào buổi chiều hôm đó, cùng một cảnh sát hộ tống qua những con phố được canh gác. Sau đó, chúng tôi bắt đầu làm việc.

Nhìn chung, việc chuyển tiền bằng điện tử vẫn diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, do giao thông bằng hàng không bị hủy nên việc vận chuyển và thanh toán phần lớn các tấm séc theo kiểu cũ đã bị trì hoãn. Đó là vấn đề kỹ thuật – một vấn đề quan trọng, nhưng các nhân viên và ngân hàng thành viên của Fed hoàn toàn có thể giải quyết bằng cách tạm thời nới rộng biên độ cho vay của các ngân hàng thương mại.

Tôi dành hầu hết thời gian trong những ngày tiếp theo để theo dõi và phát hiện dấu hiệu của một sự trì trệ kinh tế thảm khốc. Trong vòng bảy tháng trước sự kiện 11/9, nền kinh tế đã lâm vào khủng hoảng nhẹ do phải đối phó với tác động của sự sụp đổ của các công ty mạng từ năm 2000. Nhưng tình hình bắt đầu chuyển biến. Chúng tôi đã nhanh chóng giảm lại suất và thị trường bắt đầu bình ổn. Vào cuối tháng Tám, công chúng đã hướng sự quan tâm từ vấn đề kinh tế sang vụ bê bối liên quan đến Gary Condit, nghị sỹ bang California đã có những phát biểu thiếu trung thực về một phụ nữ trẻ bị mất tích, được đưa tin đậm trên các bản tin buổi tối. Lúc đó Andrea đã không thể đưa tin về bất cứ sự kiện toàn cầu có ý nghĩa nào và tôi nhớ mình đã nghĩ rằng điều đó dường như thật tuyệt vời – thế giới hẳn sẽ tốt đẹp hơn nếu tin tức truyền hình chủ yếu tập trung vào các vụ bê bối trong nước. Trong nội bộ Fed, vấn đề lớn nhất mà chúng tôi phải giải quyết là sẽ cắt giảm lãi suất tới mức độ nào.

Sau sự kiện 11/9, các báo cáo và thống kê từ các ngân hàng của Fed cho thấy một câu chuyện rất khác. Hệ thống Fed gồm mười hai ngân hàng được đặt ở các khu vực chiến lược trên toàn nước Mỹ. Các ngân hàng Fed cũng được coi là các “cửa sổ” của nền kinh tế Mỹ – các quan chức và nhân viên ngân hàng liên hệ thường xuyên với các chủ ngân hàng và giới kinh doanh ở khu vực đặt ngân hàng và thông tin họ thu thập được liên quan đến các đơn đặt hàng và doanh số bán hàng được đưa ra trước các số liệu chính thức công bộ khoảng một tháng.

ĐỌC THỬ

 

Theo báo cáo của các ngân hàng thì trên toàn nước Mỹ, người dân đang dừng mua hàng, trừ các mặt hàng mua dự trữ đề phòng những vụ tấn công tiếp theo có thể xảy ra: doanh số bán hàng tạp phẩm, thiết bị an ninh, nước đóng chai và bảo hiểm tăng lên; trong khi toàn bộ dịch vụ lữ hành, giải trí, khách sạn, du lịch và hội nghị giảm xuống. Chúng tôi hiểu rằng việc chuyên chở rau từ Bờ Tây sang Bờ Đông có thể bị đình lại khi việc vận chuyển bằng hàng không bị trì hoãn, nhưng chúng tôi vẫn bị bất ngờ trước việc nhiều ngành kinh doanh khác bị tác động nhanh đến như vậy. Chẳng hạn, việc vận chuyển phụ tùng ô tô từ Windsor, Ontario, đến các nhà máy tại Detroit diễn ra chậm như sên bò trên đường sông nối hai thành phố – và đó là một nhân tố dẫn đến quyết định tạm thời đóng cửa năm nhà máy của Ford. Nhiều năm trước đây, các nhà sản xuất đã bắt đầu tiến hành mô hình sản xuất “ngay khi có yêu cầu” (just-in-time) – thay cho việc lưu kho phụ tùng và hàng hóa tại nhà máy, họ dựa vào vận chuyển hàng không trong việc phân phối những bộ phận thiết yếu. Quyết định đóng cửa không phận và thắt chặt kiểm soát biên giới đã dẫn đến sự thiếu hụt, bế tắc và các ca làm việc phải hủy bỏ.

Trong khi đó, chính phủ Mỹ đã hoạt động với công suất cao. Vào Thứ sáu, 14/9, Quốc hội đã thông qua khoản ngân sách khẩn cấp ban đầu trị giá 40 tỷ đô la và cho phép Tổng thống sử dụng vũ lực chống lại “các quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân” đã tấn công nước Mỹ. Tổng thống Bush hiệu triệu đất nước với bài diễn văn có thể sẽ trở thành bài phát biểu hiệu quả nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Tổng thống nói: “Nước Mỹ trở thành mục tiêu tấn công bởi vì chúng ta là ngọn hải đăng sáng nhất về tự do và cơ hội trên thế giới. Và không ai có thể làm cho ngọn hải đăng đó ngừng sáng.” Tỷ lệ ủng hộ ông đã tăng lên 86%; chính trị đã được sự ủng hộ của cả hai đảng, ít nhất là trong khoảng thời gian ngắn. Nhiều ý tưởng đã được đưa ra tại Quốc hội với mong muốn giúp đất nước hồi phục. Đã có một số kế hoạch bơm tiền vào các ngành hàng không, du lịch và giải trí. Có hàng đống đề xuất ủng hộ mở rộng việc cắt giảm thuế trong các ngành kinh doanh để khuyến khích đầu tư. Bảo hiểm khủng bố được thảo luận sôi nổi – làm thế nào để bảo hiểm trước những sự kiện thảm khốc như vậy và chính phủ có thể đóng vai trò gì trong quá trình đó.

Tôi cho rằng cần khôi phục lại các chuyến bay thương mại ngay để tránh tác động tiêu cực mang tính lan truyền (Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật cứu trợ vận tải hàng không trị giá 15 tỷ đô la). Tuy nhiên, ngoài việc đó, tôi ít chú ý hơn tới các cuộc tranh luận bởi tôi có ý định tập trung vào bức tranh rộng hơm – điều vẫn còn chưa rõ ràng. Tôi tin rằng câu trả lời sẽ không phải là những chính sách lớn, vội vàng và tốn kém. Thông thường, trong những thời điểm cấp bách của quốc gia, tất cả các nghị sỹ đều cảm thấy cần phải đưa ra một dự luật; các tổng thống cũng chịu áp lực phải hành động. Những điều kiện như thế thường sản sinh ra chính sách phản tác dụng, không hiệu quả và thiển cận, giống như chính sách phân phối xăng mà Tổng thống Nixon áp dụng trong cú sốc về dầu lửa OPEC năm 1973 (chính sách đó tạo ra tình trạng xếp hàng mua xăng tại một số khu vực trên nước Mỹ vào mùa thu năm đó). Tuy nhiên, trong mười bốn năm làm chủ tịch Fed của mình, tôi đã chứng kiến kinh tế Mỹ vượt qua nhiều lần khủng hoảng – bao gồm cả sự sụp đổ lớn nhất trong một ngày của lịch sử thị trường chứng khoán xảy ra năm tuần sau khi tôi nhậm chức. Chúng ta đã vượt qua những thăng trầm bất động sản của những năm 1980, khủng hoảng tiết kiệm và cho vay, khủng hoảng tài chính châu Á, cũng như suy thoái kinh tế năm 1990. Nước Mỹ đã trải qua thời kỳ bùng nổ thị trường chứng khoán dài nhất trong lịch sử và sau đó vượt qua sự sụp đổ các công ty trên mạng. Dần dần, tôi đi đến niềm tin rằng sức mạnh vĩ đại nhất của nền kinh tế Mỹ chính là khả năng chịu đựng của nó – khả năng hấp thụ những đổ vỡ để phục hồi, thường theo những cách thức và tốc độ mà bạn không thể dự đoán, càng không thể tác động. Do đó, trong hoàn cảnh khủng khiếp này, không có cách nào để biết đươc điều gì sẽ xảy ra.

Tôi cho rằng cách tốt nhất là quan sát và chờ đợi cho đến khi chúng ta hiểu rõ hơn tác động chính xác của sự kiện 11/9. Đó chính là điều tôi đã nói với lãnh đạo Quốc hội trong cuộc họp diễn ra tại văn phòng của Chủ tịch Hạ viện buổi chiều ngày 19/9. Có mặt tại phòng hội thảo giản dị nằm kế bên văn phòng Chủ tịch Hạ viện trong khu vực Hạ viện của Điện Capitol hôm đó là Chủ tịch Hạ viện Dennis Hastert, lãnh tụ phe thiểu số tại Hạ viện Dick Gephardt, lãnh tụ phe đa số tại Thượng viện Trent Lott, lãnh tụ phe thiểu số tại Thượng viện Tom Daschle, cùng với Bob Robin, cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Clinton và cố vấn kinh tế của Nhà Trắng Larry Lindsey. Các nghị sỹ muốn nghe đánh giá của Lindsey, Rubin và tôi về tác động kinh tế của các vụ tấn công. Cuộc thảo luận tiếp theo diễn ra hết sức nghiêm túc – không hề có phát biểu trang trọng (Tôi còn nhớ lúc đó đã nghĩ rằng đây chính là cách làm việc mà chính phủ nên áp dụng).

Lindsey đưa ra ý kiến rằng do khủng bố đã đánh một đòn chí mạng vào lòng tin của người Mỹ nên cách tốt nhất để vượt qua là cắt giảm thuế. Ông ta và những người khác ủng hộ việc bơm khoảng 100 tỷ đô la vào nền kinh tế càng sớm càng tốt. Con số đó không gây ngạc nhiên đối với tôi – nó chiếm khoảng 1% tổng sản lượng hàng năm của đất nước. Nhưng tôi nói với họ rằng chúng ta không có cách nào để đánh giá xem 100 tỷ đô la là quá nhiều hay quá ít. Đúng là ngành hàng không và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trên các mặt báo có đầy những câu chuyện đủ loại về tình trạng công nhân bị sa thải. Tuy nhiên, vào Thứ hai, 17/9, đáng ngạc nhiên là Thị trường chứng khoán New York đã được mở cửa trở lại tại địa điểm chỉ cách Trung tâm Thương mại Thế giới ba tòa nhà. Đó quả là sự kiện quan trọng bởi vì nó mang lại cảm giác bình thường đối với hệ thống tài chính – một điểm sáng của bức tranh mà chúng tôi đang cố chắp lại với nhau tại Fed. Đồng thời, hệ thống thanh toán séc đã hoạt động trở lại và thị trường chứng khoán đã không bị sụp đổ: giá cổ phiếu chỉ giảm xuống và sau đó ổn định, dấu hiệu cho thấy hầu hết các công ty không gặp phải vấn đề gì nghiêm trọng. Tôi nói với họ cần thận trọng cân nhắc các khả năng và nên gặp lại trong vòng hai tuần khi chúng tôi đã hiểu rõ vấn đề.

Sáng hôm sau, tôi đưa ra thông điệp tương tự trong phiên điều trần tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện với khuyến cáo cần phải kiên nhẫn: “Không ai có thể dự báo đầy đủ hậu quả của thảm kịch 11/9. Tuy nhiên, trong những tuần tiếp theo, khi cú sốc này qua đi, chúng ta có thể đánh giá chính xác hơn những sự kiện này đang tác động thế nào đến việc định dạng bức tranh kinh tế.” Tôi cũng nhấn mạnh: “Trong vòng vài thập niên qua, nền kinh tế Mỹ ngày càng có sức chịu đựng đối với các cú sốc. Các thị trường tài chính ngày càng ít bị nhà nước can thiệp, thị trường lao động có tính linh hoạt hơn nhiều và gần đây là những tiến bộ về công nghệ thông tin đã làm tăng khả năng hấp thụ những đổ vỡ và phục hồi.”

Trên thực tế, tôi đã đưa ra tình huống tích cực hơn những gì tôi thực sự lo ngại về tương lai. Giống như hầu hết thành viên của chính phủ, tôi phải tính toán sẽ có những cuộc tấn công tiếp theo. Cảm giác đó hầu như không được đưa ra công chúng, nhưng bạn có thể cảm thấy nó trong sự tuyệt đối khi bỏ phiếu tại Thượng viện: 98-0 cho phép sử dụng vũ lực chống lại khủng bố, 100-0 thông qua dự luật an ninh hàng không. Tôi đặc biệt lo ngại về vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đó có thể là một thiết bị hạt nhân bị đánh cắp từ kho vũ khí của Liên Xô trong thời kỳ bất ổn khi Liên Xô sụp đổ. Tôi cũng lo ngại nguồn nước bị đầu độc. Tuy nhiên, trên truyền hình, tôi ít bi quan hơn bởi vì nếu tôi bộc lộ hoàn toàn những gì tôi nghĩ về các khả năng, có thể điều đó sẽ gây ra sự hoảng loạn trên thị trường. Mặc dù vậy, tôi cho rằng hành động như vậy cũng không phải là lừa dối, vì những người tham gia thị trường sẽ nghe tôi và nói: “Tôi thực sự hy vọng ông ấy đúng.”

Cuối tháng Chín, những số liệu chính xác đầu tiên được công bố. Thông thường, chỉ số rõ ràng được đưa ra sớm nhất về sức khỏe của nền kinh tế là số đơn yêu cầu được nhận trợ cấp thất nghiệp, đây là một số liệu thống kê được Bộ Lao động tổng kết hàng tuần. Trong tuần thứ ba của tháng Chín, số đơn lên đến 450.000, cao hơn mức cuối tháng Tám đến 13%. Con số đó khẳng định mức độ và tính nghiêm trọng của những khó khăn mà chúng ta đã thấy trên các bản tin nói về người lao động mất việc. Tôi có thể hình dung ra có hàng nghìn khách sạn và công nhân tại các khu du lịch, và nhiều người khác đang trong tình trạng bấp bênh, không biết làm thế nào để tự nuôi sống mình và gia đình. Tôi đi đến kết luận rằng nền kinh tế sẽ không phục hồi nhanh. Cú sốc đó nghiêm trọng đến mức ngay cả một nền kinh tế có độ linh hoạt cao cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để vượt qua.

Giống như giới phân tích, các nhà kinh tế của Fed nghiên cứu tất cả các gói chi tiêu và giảm thuế được đề nghị, cũng như những con số liên quan đến chúng. Trong mỗi trường hợp, chúng tôi cố gắng nghiên cứu thật chi tiết để đánh giá biên độ; thật thú vị là chúng đều rơi vào tầm 100 tỷ đô la – con số được Larry Lindsey đưa ra đầu tiên.

Chúng tôi họp lại tại phòng hội thảo của ông Hastert vào Thư tư, ngày 3/10 để bàn tiến về nền kinh tế. Một tuần nữa đã lại trôi qua và con số người thất nghiệp lại tăng lên – thêm 517.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Lúc đó, tôi đã có quyết định của mình. Mặc dù vẫn dự tính cho các vụ tấn công tiếp theo nhưng tôi vẫn không làm thế nào để biết được mức độ tàn phá của chúng, cũng như làm thế nào để che chắn trước cho nền kinh tế. Tôi đã nói với nhóm họp rằng chúng tôi cần có biện pháp để khắc phục tổn thất có thể đánh giá được, và rằng đã đến lúc đưa ra gói kích thích có mức độ. Gói các biện pháp kích thích trị giá khoảng 100 tỷ đô la có vẻ hợp lý – đủ nhưng không quá mức để kích thích quá đáng nền kinh tế và gây ra tình trạng tăng lãi suất. Các nghị sỹ dường như đồng ý với đề xuất trên.

Tôi trở về nhà tối hôm đó với suy nghĩ rằng tất cả những gì mình đã làm là đưa ra và thúc đẩy một sự đồng thuận; con số 100 tỷ đô la là do Larry đưa ra lần đầu tiên. Do đó tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy các phương tiện thông tin đại chúng thêu dệt về cuộc họp, với thông tin gần như cho rằng tôi là người chủ trì cuộc họp trên. Mặc dù rất vui khi thấy Quốc hội và chính quyền lắng nghe ý kiến của mình nhưng tôi vẫn thấy những bài báo trên thật đáng lo ngại. Tôi chưa bao giờ vui vẻ thực sự khi được dựng lên là một nhân vật chỉ huy. Từ những ngày đầu tiên, tôi đã tự cho mình là một chuyên gia đằng sau hậu trường, một người thi hành các chỉ thị hơn là một lãnh đạo. Chính cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1987 đã đem lại cảm giác thoải mái khi đưa ra những quyết sách then chốt. Nhưng cho đến tận hôm nay, tôi không cảm thấy thoải mái ở vị trí nổi bật. Hướng ngoại ư, tôi không phải là người như vậy.

Tất nhiên, thật trớ trêu, mặc dù có sức thuyết phục nhất định, song trong những tuần sau vụ 11/9, mọi việc không hề diễn ra như mong đợi của tôi. Tiên đoán về một vụ tấn công khủng bố thứ hai có lẽ là một trong những dự đoán bi quan nhất của tôi. Cũng vậy, “gói kích thích có mức độ” mà mọi người cho là tôi đã bật đèn xanh cũng không được thực hiện. Nó bị cuốn vào các vấn đề chính trị và rơi vào bế tắc. Gói kích thích sau này được thông qua tháng 3/2002 không những bị muộn vài tháng, mà còn không nhằm vào phúc lợi chung – đáng xấu hổ là nó chỉ gồm những kế hoạch chi tiêu hổ lốn của chính phủ.

Tuy nhiên, nền kinh tế đã dần tự điều chỉnh. Sau một tháng suy thoái nhẹ, sản lượng công nghiệp đã bắt đầu tăng trưởng vào tháng Mười một. Vào tháng Mười hai, nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng trở lại, đơn xin trợ cấp thất nghiệp lại giảm xuống và dao động ở mức trước sự kiện 11/9. Fed đã thể hiện vai trò trong quá trình trên, nhưng chỉ là việc tiếp tục những biện pháp đã được áp dụng trước 11/9: cắt giảm lãi suất để khuyến khích người dân vay tiền và chi tiêu.

Tôi không bận tâm về việc những mong đợi của mình đã không diễn ra trên thực tế, bởi phản ứng tuyệt vời của nền kinh tế sau sự kiện 11/9 đã cho thấy một sự thật vô cùng quan trọng: nền kinh tế Mỹ thực sự có tính phục hồi cao. Những gì tôi phát biểu một cách lạc quan tại Ủy ban Ngân hàng Thượng viện đã trở thành sự thật. Sau những tuần lễ tồi tệ, các gia đình và doanh nghiệp Mỹ đã phục hồi. Tôi tự hỏi: Điều gì đã tạo ta mức độ linh hoạt chưa từng có như vậy trong nền kinh tế?

Các nhà kinh tế đã cố gắng trả lời các câu hỏi tương tự như vậy kể từ thời Adam Smith. Có thể nói hiện nay chúng ta đã quá bận rộn với việc tìm hiểu thấu đáo nền kinh tế toàn cầu hóa của chúng ta. Còn Smith thì đã phải sáng tạo ra kinh tế học gần như từ đầu để tìm hiểu sự phát triển của các nền kinh tế thị trường phức tạp của thế kỷ 18. Tôi không phải là Adam Smith nhưng cũng có tính tò mò như ông trong việc tìm hiểu các nhân tố trong thời đại của chúng ta.

Cuốn sách này có phần giống một câu chuyện trinh thám. Sau sự kiện 11.9, mặc dù có thể cần thêm bằng chứng, nhưng tôi biết rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mới – thế giới của nền kinh tế tư bản toàn cầu có tính linh hoạt, mau phục hồi, mở cửa và tự điều chỉnh với mức độ lớn hơn nhiều, một thế giới thay đổi nhanh hơn so với thậm chí chỉ một phần tư thế kỷ trước đây. Đó là thế giới mang lại những khả năng mới phi thường, nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ. Cuốn sách Kỷ Nguyên Hỗn Loạn là nỗ lực của tôi trong việc tìm hiểu bản chất của thế giới này: chúng ta đến thế giới này như thế nào, vượt qua các thách thức ra sao và điều gì đang chờ đợi ở phía chân trời kia, cả tốt và xấu. Ở những chỗ có thể, bằng kinh nghiệm của mình, tôi sẽ đưa ra cách hiểu của mình về thế giới đó. Tôi viết cuốn sách này với trách nhiệm ghi lại lịch sử, do đó độc giả sẽ biết mục đích của tôi. Theo đó, cuốn sách này được chia làm hai phần: phần thứ nhất là nỗ lực của tôi trong việc kể lại con đường học tập của mình; phần thứ hai có tính mục tiêu hơn, đó là xây dựng một nền tảng, từ đó tạo ra một khung khái niệm để hiểu về nền kinh tế toàn cầu mới. Trong quá trình đó, tôi khảo sát các cấu thành quan trọng của môi trường toàn cầu đang nổi lên: những nguyên tắc chi phối thế giới phát sinh từ Kỷ nguyên ánh sáng thế kỷ 18; cơ sở hạ tầng năng lượng rộng lớn giúp thế giới hoạt động; sự mất cân đối tài chính toàn cầu và sự thay đổi đầy kịch tính của dân số thế giới đe dọa sự sinh tồn của loài người; và, mặc dù sự thành công của thế giới là không thể phủ định, vẫn còn đó sự lo ngại thường trực về tính công bằng trong quá trình phân phối phúc lợi. Cuối cùng, tôi tập hợp lại những dự đoán hợp lý nhất của chúng ta về cấu thành của nền kinh tế thế giới vào năm 2030.

Tôi không giả vờ biết tất cả các câu trả lời. Tuy nhiên, với lợi thế làm việc tại Fed, tôi có may mắn được tiếp cận thông tin tốt nhất về hàng loạt chủ đề. Tôi được tiếp cận rộng rãi các tài liệu học thuật nhằm giải quyết nhiều vấn đề mà các đồng nghiệp tại Fed và tôi phải xử lý hàng ngày. Nếu không làm việc tại Fed, tôi sẽ không bao giờ được tiếp cận với hàng đống công trình nghiên cứu học thuật, một số thật sắc sảo, còn số khác lại nông cạn. Tôi có may mắn có thể gọi một hay nhiều chuyên gia kinh tế tại Fed để hỏi về công trình nghiên cứu về lịch sử cũng như đương đại. Không lâu sau, tôi sẽ nhận được đánh giá chi tiết về ưu và nhược điểm của hầu như tất cả các chủ đề, từ các mô hình toán học mới nhất được xây dựng để đánh giá quá trình giảm thiểu rủi ro, đến sự nổi lên và tác động của việc các trường đại học được cấp đất tại vùng Trung Tây nước Mỹ. Do đó, tôi không bị hạn chế trong việc tiếp cận những giả thuyết có ảnh hưởng tương đối sâu rộng.

Một số lực lượng toàn cầu, đôi khi gần như bí mật, dần dần thay đổi thế giới như chúng ta biết. Hiện tượng dễ nhận ra nhất đối với hầu hết chúng ta chính là sự chuyển đổi cuộc sống của chúng ta ngày càng sâu sắc bởi điện thoại di động, máy tính cá nhân, e-mail, điện thoại thông minh BlackBerries và internet. Sự khám phá ra thuộc tính điện tử của vật liệu bán dẫn sau Thế chiến thứ hai mở ra quá trình phát triển các thiết bị vi xử lý, và khi cáp quang kết hợp với tia laser và vệ tinh viễn thông tạo ra cuộc cách mạng thông tin, thì người dân từ Pekin, tiểu bang Illinois, đến Bắc Kinh, Trung Quốc, nhận thấy cuộc sống của họ đột nhiên thay đổi. Phần lớn dân số thế giới đã tiếp cận công nghệ mà khi bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1948, tôi đã không thể hình dung được, trừ trong những tài liệu khoa học viễn tưởng. Những công nghệ mới này không chỉ mở ra một viễn cảnh chưa từng có về liên lạc chi phí thấp, mà còn thúc đẩy những tiến bộ cơ bản trong lĩnh vực tài chính, giúp nâng cao đáng kể năng lực của chúng ta trong việc chuyển các khoản tiết kiệm khan hiếm vào những dự án đầu tư vốn hiệu quả, một nhân tố quan trọng thúc đẩy thịnh vượng và quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng.

Các hàng rào thuế quan đã giảm xuống trong những năm sau Thế chiến thứ hai. Đó là kết quả của nhận thức chung rằng chủ nghĩa bảo hộ trước chiến tranh đã dẫn đến sự sụt giảm thương mại – đi ngược lại quá trình phân công lao động quốc tế, do vậy đã gây ra sự sụp đổ gần như hoàn toàn của các hoạt động kinh tế thế giới. Quá trình tự do hóa thương mại sau chiến tranh đã giúp mở ra các nguồn cung giá rẻ mới. Cùng với sự phát triển của các thể chế tài chính và sản phẩm mới (được sản xuất do công nghệ bán dẫn), quá trình này thúc đẩy thế giới theo hướng chủ nghĩa tư bản thị trường toàn cầu, thậm chí ngay trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Trong một phần tư thế kỷ sau đó, sự thắng thế của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do đã giúp kiềm chế lạm phát và lãi suất ở mức một con số trên phạm vi toàn cầu.

Khoảnh khắc quyết định đối với nền kinh tế thế giới là sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989, cho thấy tình trạng sụp đổ về kinh tế bên trong bức màn sắt tồi tệ hơn nhiều so với sự tưởng tượng của những nhà kinh tế phương Tây hiểu biết nhất. Kế hoạch hóa tập trung cho thấy rõ sự thất bại không thể cứu vãn; diễn ra đồng thời và thêm vào đó là sự thất vọng ngày càng tăng đối với chính sách can thiệp kinh tế của một số nước phương Tây, chủ nghĩa tư bản thị trường bắt đầu lặng lẽ thay thế hai mô hình trên tại hầu hết các nước. Kế hoạch hóa tập trung không còn là chủ đề tranh luận nữa. Không còn những bài diễn văn tán dương. Ngoại trừ tại Triều Tiên và Cuba, mô hình này bị loại khỏi lịch trình kinh tế thế giới.

Không chỉ các nền kinh tế thuộc khối Liên Xô cũ mà hầu hết các nước thuộc phần mà trước đây chúng ta gọi là thế giới thứ ba – những nước trung lập trong Chiến tranh lạnh nhưng thực hiện kế hoạch hóa tập trung hay can thiệp mạnh mẽ vào thị trường tới mức được coi là kinh tế kế hoạch – đã áp dụng cơ chế thị trường. Trung Quốc, nước chuyển sang mô hình thị trường vào năm 1978, đã gia tăng quá trình dịch chuyển lực lượng lao động lớn, được kiểm soát chặt chẽ, gồm hơn 500 triệu người lúc đó, tới các Khu vực tự do thương mại của Đồng bằng châu thổ sống Châu Giang.

Sự thay đổi của Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền sở hữu của người nước ngoài mặc dù được thực hiện tinh vi nhưng có tác động đủ lớn để dẫn đến sự bùng nổ thực sự vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này sau năm 1991. Từ mức 57 triệu đô la năm 1980, FDI đã tăng nhanh, đạt 4 tỷ đô la năm 1991, sau đó tăng với tốc độ 21%/năm, đạt 70 tỷ đô la năm 2006. Vốn đầu tư cùng với lực lượng lao động dồi dào lương thấp, đã dẫn đến một sự kết hợp có hiệu quả làm giảm áp lực tăng lương và giá cả tại tất cả các nước phát triển. Trước đó, các nền kinh tế nhỏ hơn nhiều được gọi là những Con hổ châu Á, như Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và Đài Loan đã mở đường bằng cách áp dụng công nghệ của các nước phát triển để nhanh chóng nâng cao mức sống bằng cách xuất khẩu sang phương Tây.

Tỷ lệ tăng trưởng của các nước trên và nhiều nước đang phát triển khác cao hơn tốc độ tăng trưởng ở những nơi khác rất nhiều. Kết quả là đã diễn ra sự chuyển đổi một phần đáng kể tổng sản lượng của thế giới (GDP) tới các nước đang phát triển, một xu thế có tác động lan truyền. Thông thường, các nước đang phát triển có tỷ lệ tiết kiệm cao hơn nhiều so với các nước công nghiệp hóa – một phần bởi vì mạng lưới an sinh xã hội của các nước này yếu hơn, do đó các gia đình có thói quen tiết kiệm nhiều tiền hơn để dùng khi cần hay nghỉ hưu. (Những yếu tố khác cũng góp phần. Chẳng hạn, do chưa có văn hóa tiêu dùng nên các gia đình ít có xu hướng chi tiêu). Sự chuyển đổi một phần GDP thế giới từ năm 2001 từ các nước phát triển có tỷ lệ tiết kiệm thấp tới các nước đang phát triển có tỷ lệ tiết kiệm cao đã làm tăng tiết kiệm của thế giới nhanh tới mức tổng tăng trưởng tiết kiệm của thế giới đã vượt xa các khoản đầu tư theo kế hoạch. Quá trình điều hòa tiết kiệm và đầu tư trên thế giới, theo giả định, đã đẩy lãi suất thực tế (lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát giả định) giảm xuống một cách đáng kể. Nói theo cách khác, nguồn cung tiền để đầu tư đã tăng nhanh hơn nhu cầu của các nhà đầu tư.

Sự dư thừa tiết kiệm, cùng với toàn cầu hóa, tăng trưởng năng suất do công nghệ và quá trình dịch chuyển lực lượng lao động từ các nền kinh tế kế hoạch tới các khu vực thị trường cạnh tranh, đã giúp kiềm chế lãi suất, cả danh nghĩa và thực tế, cũng như lạm phát tại tất cả các nước phát triển và gần như cả các nước đang phát triển. Điều đó giải thích tại sao tỷ lệ lạm phát hàng năm ở hầu hết các nước (trừ Venezuela, Zimbabwe và Iran) đang ở mức một con số – điều chỉ xảy ra vài lần, cũng có thể là duy nhất kể từ thời điểm từ bỏ bản vị vàng và áp dụng chế độ tiền tệ fiat, hay tiền giấy, kể từ thập niên 30. Điều đặc biệt đáng chú ý là những nhân tố trên, một cách khá bất ngờ và may mắn, xuất hiện đồng thời vào đầu thế kỷ 21. Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm liên tục của lạm phát và lãi suất dài hạn, nhưng những người đứng đầu ngân hàng trung ương như chúng tôi đã lựa chọn thay đổi chính sách để tối đa hóa lợi ích dài hạn trước những thay đổi lớn trong nền tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, như tôi sẽ đưa ra ở phần sau, không có nhân tố nào trong số đó có tính vĩnh cửu. Kiềm chế lạm phát trong thế giới sử dụng tiền giấy là công việc thực sự khó khăn.

Quá trình giảm lãi suất dài hạn thực (đã khấu trừ lạm phát) trong hai thập niên qua diễn ra đồng thời với sự tăng tỷ lệ giá/ thu nhập (P/I) của cổ phiếu, bất động sản và trên thực tế là tất cả những tài sản mang lại thu nhập. Do đó, giá trị thị trường của tài sản trên thế giới từ 1985 đến 2006 tăng với tốc độ nhanh hơn tăng trưởng GDP thế giới (giai đoạn 2001-2002 là ngoại lệ đáng chú ý). Điều này dẫn đến sự tăng lên đáng kể của tính thanh khoản trên phạm vi thế giới. Giá cổ phiếu và trái phiếu, giá nhà, bất động sản thương mại, tác phẩm nghệ thuật và hầu hết các mặt hàng khác đều tăng lên. Chủ sở hữu nhà tại nhiều nước phát triển có thể sử dụng giá trị tài sản nhà đang tăng lên để tài trợ cho các khoản chi vượt quá thu nhập của họ. Chi tiêu của các hộ gia đình tăng lên, đặc biệt tại Mỹ, đã hấp thụ phần lớn lượng hàng xuất khẩu tăng đột biến từ các nền kinh tế đang phát triển. Đúng như tạp chí The Economist đã chỉ ra vào cuối 2006: “Tăng trưởng với tốc độ hàng năm 3,2% theo đầu người, kinh tế thế giới đã đi quá nửa chặng đường của một thập niên tăng trưởng cao nhất trong lịch sử. Nếu tiếp tục tăng trưởng như vậy, nó sẽ vượt qua cả hai thập niên được coi là có tốc độ cao nhất là 1950 và 1960. Chủ nghĩa tư bản thị trường, động lực của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, có vẻ như đang phát huy tốt hiệu quả”. Về cơ bản, những phát triển như vậy có tính phổ quát và tích cực. Sự tái thắng thế của thị trường mở và tự do thương mại trong một phần tư thế kỷ qua đã đưa nhiều trăm triệu người của dân số thế giới ra khỏi nghèo đói. Rõ ràng, nhiều trăm triệu người khác trên toàn cầu vẫn trong tình trạng nghèo đói, nhưng những bộ phận lớn của dân số các nước đang phát triển đã được thụ hưởng mức thịnh vượng vốn là độc quyền trong thời gian dài của cái gọi là các nước phát triển.

Nếu chỉ dùng một dòng để tóm lại câu chuyện của một phần tư thế kỷ qua, thì đó là sự tái khám phá sức mạnh của chủ nghĩa tư bản thị trường. Sau khi bị đẩy vào thoái trào vì những thất bại của nó trong thập niên 30 và sau đó là sự mở rộng mô hình can thiệp của nhà nước vào thập niên 60, chủ nghĩa tư bản thị trường dần nổi lên trở lại như một mô hình hiệu quả từ thập niên 70, tới ngày nay có thể nói đã trở thành phổ biến gần như trên toàn thế giới. Sự mở rộng chế độ pháp quyền thương mại, đặc biệt là chế độ bảo vệ quyền sở hữu, đã nuôi dưỡng tâm lý kinh doanh trên toàn thế giới. Đến lượt nó, quá trình này lại tạo ra các thể chế đang âm thầm điều khiển một phần của hoạt động nhân loại đang không ngừng phát triển – một phiên bản quốc tế của “bàn tay vô hình” của Adam Smith.

Theo đó, sự kiểm soát của các chính phủ đối với cuộc sống hàng ngày của công dân đã giảm xuống; những lực lượng của thị trường dần dần thay thế một số quyền lực của nhà nước. Nhiều luật lệ hạn chế tự do thương mại đã bị dỡ bỏ. Trong những năm đầu sau Thế chiến thứ hai, dòng vốn quốc tế bị kiểm soát và tỷ giá hối đoái là do các bộ trưởng tài chính các nước quy định. Kế hoạch hóa tập trung lan ra trong cả thế giới đang phát triển và phát triển, bao gồm cả tàn dư của nền kinh tế chỉ huy vẫn còn chiếm thế chủ đạo tại châu Âu. Nguyên tắc có tính chỉ đạo là: thị trường cần sự định hướng của nhà nước để hoạt động có hiệu quả.

Tại các cuộc họp vào giữa thập niên 70 của Ủy ban Chính sách Kinh tế của Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế (OECD) bao gồm các nhà hoạch định chính sách của hai mươi bốn nước, chỉ có Hans Tietmeyer của Tây Đức và tôi chủ trương hoạch định chính sách dựa trên thị trường. Chúng tôi là thiểu số rất nhỏ trong một cộng đồng rất lớn. Quan điểm của John Maynard Keynes, nhà kinh tế vĩ đại người Anh, đã thay thế quan điểm của Adam Smith và kinh tế học cổ điển sau khi Đại suy thoái những năm 1930 đã chứng minh sự thất bại của mô hình Smith về cách thức phản ứng của các nền kinh tế. Keynes đã đưa ra lời giải thú vị giải thích tại sao nền kinh tế thế giới lâm vào trì trệ và tại sao chính sách vay tiền nước ngoài của chính phủ có thể giúp nền kinh tế phục hồi nhanh chóng. Quan điểm can thiệp của Keynes vẫn có tính chi phối rộng rãi vào giữa thập niên 70, mặc dù nó đã bắt đầu suy giảm. Ủy ban Chính sách Kinh tế đã đồng thuận ở quan điểm cho rằng để thị trường xác định lương và giá là không đủ và không đáng tin, cần phải bổ sung bằng “các chính sách thu nhập”. Chính sách này không giống nhau tại tất cả các nền kinh tế, nhưng nhìn chung đã tạo ra định hướng cho các cuộc đàm phán về lương giữa các công đoàn – những tổ chức có ảnh hưởng và quyền lực lớn hơn nhiều so với hiện nay – với giới quản lý kinh tế. Chính sách thu nhập có tính tự nguyện và không đưa ra quy định về tổng lương và các biện pháp kiểm soát giá. Tuy nhiên, những định hướng đó nhìn chung được hậu thuẫn bởi các đòn bẩy điều tiết của chính phủ được sử dụng để “thuyết phục” những người vi phạm. Khi những chính sách trên thất bại, các biện pháp kiểm soát giá và lương sẽ chính thức được áp đặt. Các biện pháp kiểm soát giá và lương được Tổng thống Nixon đưa ra năm 1971 mặc dù được ủng hộ trong giai đoạn đầu song đã bị chết yểu và trở thành tàn tích cuối cùng của chủ nghĩa can thiệp đối với lương và giá cả tại các nước phát triển.

Trong những năm đầu đi học, tôi đã được học phải đề cao lý thuyết thị trường cạnh tranh. Trong sáu thập niên tiếp theo, tôi đã học cách đề cao cách thức lý thuyết hoạt động (đôi khi không) trong thực tiễn. Tôi đặc biệt may mắn được làm việc với tất cả các nhà hoạch định chính sách kinh tế của thế hệ trước, và được tiếp cận nhiều nhất các thông tin có thể đánh giá xu thế của thế giới, cả định lượng lẫn định tính. Tất nhiên là tôi có thể khái quát hóa kinh nghiệm của mình. Quá trình đó đã giúp tôi càng đề cao hơn thị trường cạnh tranh tự do với tư cách là lực lượng mang lại thịnh vượng. Thực tế, ngoại trừ một vài sự kiện không rõ ràng, tôi không thể hình dung ra bất cứ ví dụ nào chứng minh rằng việc mở rộng pháp quyền và bảo vệ quyền sở hữu lại không làm tăng của cải vật chất.

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra thường xuyên và rộng rãi là mô hình tự do cạnh tranh sẽ phân phối lợi ích trong xã hội như thế nào. Trong toàn bộ cuốn sách này, tôi tập trung vào mâu thuẫn giữa con người và các lực lượng thị trường. Cạnh tranh sẽ dẫn đến căng thẳng vì thị trường cạnh tranh tạo ra người thắng kẻ thua. Cuốn sách này sẽ cố gắng khảo sát hệ lụy của sự va chạm giữa nền kinh tế toàn cầu hóa đang thay đổi nhanh chóng và bản chất cố hữu của con người. Sự thành công về kinh tế trong một phần tư thiên niên kỷ qua là kết quả của cuộc đấu tranh đó; và sự căng thẳng cũng do quá trình thay đổi nhanh chóng đó đem lại.

Chúng tôi hầu như không nghiên cứu chủ thể chủ chốt của hoạt động kinh tế: đó là con người. Chúng ta là ai? Bản chất của chúng ta là gì và điều gì không cần thay đổi – chúng ta được quyền tự do và tự do đến mức nào trong hoạt động và học tập? Tôi đã luôn nung nấu câu hỏi trên kể từ khi nhận thức được vấn đề.

Trong các chuyến đi trên khắp hành tinh trong gần sáu thập niên qua, tôi đã nhận ra rằng những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên của con người mà không ai có thể tưởng tượng được lại xuất phát từ văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ hay cơ hội. Mọi người đều có động cơ bẩm sinh phấn đấu vì lòng tự trọng, mà lòng tự trọng này có được phần lớn là nhờ sự công nhận của những người khác. Sự phấn đấu đó có tác động lớn đến việc các gia đình chi tiền vào việc gì. Nó cũng sẽ tiếp tục lôi kéo con người cùng nhau làm việc tại các nhà máy và văn phòng, mặc dù họ sẽ sớm có khả năng về mặt kỹ thuật làm việc độc lập qua không gian mạng. Con người có nhu cầu bẩm sinh là giao tiếp với người khác. Chúng ta đều cần sự chấp nhận của người khác. Ẩn sỹ thực sự chỉ là sự lầm lạc hiếm hoi. Yếu tố làm nên lòng tự trọng phụ thuộc vào một loạt các giá trị được nhận thức và hun đúc mà con người tin tưởng, dù đúng hay sai, sẽ nâng cao cuộc sống của họ. Chúng ta không thế sống mà không có những giá trị để định hướng vô số lựa chọn mà chúng ta phải đối mặt mỗi ngày. Nhu cầu giá trị có tính bẩm sinh, song nội dung của giá trị thì không phải vậy. Nhu cầu đó bị chi phối bởi ý thức về đạo đức có sẵn trong tất cả chúng ta, đây là nền tảng từ đó con người đi tìm sự hướng dẫn của nhiều tôn giáo từ hàng thiên niên kỷ. Một phần giá trị đạo đức bẩm sinh đó là cảm giác về điều gì là đúng và phù hợp. Chúng ta đều có quan điểm khác nhau về sự công bằng, nhưng không ai có thể lảng tránh sự cần thiết nội tại của việc đánh giá thế nào là công bằng. Sự cần thiết nội tại đó là cơ sở cho pháp luật của mọi xã hội. Nó là nền tảng mà từ đó, chúng ta buộc người khác phải có trách nhiệm về hành động của họ.

Các nhà kinh tế không thể không tìm hiểu bản chất của con người, đặc biệt là về niềm vui và nỗi sợ hãi. Niềm vui là ngày hội của cuộc sống. Chúng ta phải nhận thức cuộc sống có nhiều niềm vui, để từ đó mong muốn duy trì nó. Đáng tiếc là sự thăng hoa niềm vui đôi khi khiến con người vượt quá giới hạn khả năng của họ; khi thực tế trở lại, niềm vui đột nhiên trở thành sự sợ hãi. Sự sợ hãi là phản ứng tự động của tất cả chúng ta trước những mối đe dọa đối với xu hướng bẩm sinh sâu thẳm nhất: ước muốn được sống của chúng ta. Nó cũng là nền tảng của nhiều phản ứng kinh tế, tâm lý tránh rủi ro vốn hạn chế mong muốn đầu tư và buôn bán của chúng ta, đặc biệt ở những nơi xa, và điều đó, trong hoàn cảnh cực đoan, sẽ thúc đẩy chúng ta tách khỏi thị trường, dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng các hoạt động kinh tế.

Một đặc tính cơ bản của bản chất con người – mức độ thông minh của loài người – có vai trò lớn đối với những thành công mà chúng ta đạt được về phương tiện sống cần thiết để tồn tại. Như tôi sẽ chỉ ra ở phần cuối cuốn sách này, trong các nền kinh tế với công nghệ hiện đại, con người dường như không thể tăng sản lượng trung bình theo giờ vượt quá 3%/năm trong một giai đoạn dài. Đó thực sự là tỷ lệ cực đại mà sự sáng tạo của con người có thể đẩy mức sống lên cao. Rõ ràng chúng ta không đủ thông minh để làm tốt hơn.

Thế giới hiện tại của chúng ta đang tạo ra nhiều nỗi sợ hãi đối với phần lớn công dân của nó, khi nhiều nguồn lực ổn định trước đây đối với bản sắc và an ninh đang bị mất đi. Nơi nào diễn ra thay đổi nhanh nhất thì nơi đó sự phân cực về phân bổ thu nhập diễn ra mạnh nhất. Thế giới đang ở vào kỷ nguyên hỗn loạn. Sẽ là bất cẩn và vô đạo đức nếu chỉ nhằm giảm thiểu thiệt hại của con người trong sự đổ vỡ. Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế toàn cầu tăng lên, người dân trên khắp thế giới đứng trước sự lựa chọn lớn lao: hoặc là tiếp tục các lợi ích của thế giới bằng cách áp dụng thị trường và xã hội mở để kéo con người ra khỏi nghèo đói, nâng cao các kỹ năng cho cuộc sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn, trong khi vẫn chú trọng đến vấn đề cơ bản là sự công bằng; hoặc là từ chối cơ hội và chấp thuận chủ nghĩa địa phương, chủ nghĩa bộ lạc, chủ nghĩa dân túy, thực ra là tất cả các loại “chủ nghĩa” mà ở đó các cộng đồng co lại khi bản sắc của họ bị đe dọa và họ không thể nhận thức ra sự lựa chọn tốt hơn. Có nhiều khó khăn chồng chất đang chờ đợi chúng ta trong thập niên tiếp theo và việc chúng ta có vượt qua chúng được hay không lại phụ thuộc vào chính chúng ta. Đối với người Mỹ, mở cửa biên giới để đón nhận lực lượng lao động có kỹ năng của thế giới và cải cách giáo dục cần được ưu tiên cao. Tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Bảo hiểm y tế cũng là ưu tiên quan trọng. Đây là những chủ đề tôi sẽ trở lại ở phần cuối của cuốn sách. Tôi kết luận trong chương cuối rằng: mặc dù có nhiều khiếm khuyết song không phải ngẫu nhiên mà con người luôn biết vượt qua và tiến lên thịnh vượng trong hoàn cảnh khó khăn. Đó chính là bản chất của chúng ta – một chân lý đã nuôi dưỡng sự lạc quan của tôi về tương lai trong nhiều thập niên qua.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button