Kinh doanh - đầu tư

Kinh Điển Về Khởi Nghiệp

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Bill Aulet

Download sách Kinh Điển Về Khởi Nghiệp ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Quản trị – khởi nghiệp

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng khởi nghiệp to lớn, với vô số người có tinh thần kinh doanh, độc lập tự chủ, khả năng lãnh đạo, trí tuệ sáng tạo, ý chí mạnh mẽ… nhưng lại rất thiếu kiến thức cơ sở về khởi nghiệp và quản trị kinh doanh. Kết quả là một tỉ lệ khởi nghiệp thành công chưa xứng với những gì chúng ta đáng có.

Nếu kiến thức về quản trị kinh doanh chủ yếu dành cho các doanh nghiệp đã đi vào phát triển ổn định, thì kiến thức về khởi nghiệp lại hết sức thiết yếu cho quá trình hình thành các doanh nghiệp mới đầy thách thức và rủi ro. Doanh nhân khởi nghiệp cần được trang bị những kiến thức về quản trị kinh doanh dành riêng cho quá trình khởi sự doanh nghiệp, từ bước nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, quan hệ khách hàng, phân tích tài chính, tiếp thị, bán hàng cho tới kêu gọi đầu tư để phát triển quy mô.

Hiện nay, dù đã có nhiều tài liệu và chương trình đào tạo dựa trên lý thuyết căn bản nhưng lại rất khó để áp dụng vào môi trường thực tế ở Việt Nam. Trong quá trình tìm kiếm các sách chuyên ngành và giáo trình cho học viên tại Chương trình đào tạo Doanh nhân khởi nghiệp MITFive, chúng tôi nhận thấy cuốn sách Kinh điển về Khởi nghiệp – 24 bước khởi sự kinh doanh thành công (tên gốc: Disciplined Entrepreneurship – 24 Steps to a Successful Startup) của tác giả Bill Aulet, là cuốn sách lý tưởng bởi sự phù hợp và khả năng áp dụng tại Việt Nam.

Kinh điển về Khởi nghiệp ra đời từ chính kinh nghiệm kinh doanh và những bài giảng của tác giả Bill Aulet ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và các hội thảo ở khắp nơi trên thế giới. Tổng hợp các vấn đề của khởi nghiệp thành 24 bước, nội dung chính của cuốn sách có thể chia thành 6 chủ đề dễ hiểu và dễ áp dụng với môi trường kinh doanh ở Việt Nam, đó là:

  1. Xác định rõ khách hàng của bạn là ai? Họ ở đâu?
  2. Giá trị bạn mang lại cho khách hàng của mình là gì?
  3. Làm thế nào đưa được sản phẩm tới tay khách hàng?
  4. Cách thức tạo ra doanh thu từ sản phẩm của mình?
  5. Kế hoạch thiết kế và phát triển sản phẩm ra sao?
  6. Làm sao để gọi vốn và tăng quy mô của doanh nghiệp?

Cuốn sách sẽ giúp bạn xóa bỏ những lầm tưởng về khởi nghiệp và hiểu rõ hơn con đường khởi nghiệp để thành công. Hơn nữa, qua những ví dụ cụ thể và thực tế trong cuốn sách, tác giả đã kể lại những câu chuyện thất bại và thành công trong cộng đồng khởi nghiệp ở MIT và trên khắp thế giới. Qua đó, bạn sẽ cảm nhận và thấy mình hòa nhập vào tinh thần khởi nghiệp toàn cầu.

Xin trân trọng gửi tới các bạn, những doanh nhân khởi nghiệp hiện tại và tương lai của Việt Nam một tác phẩm giá trị từ MIT: Kinh điển về Khởi nghiệp – 24 bước khởi sự kinh doanh thành công.

Cảm ơn các bạn đã lựa chọn cuốn sách này cho con đường khởi nghiệp của mình. Chúc các bạn khởi sự kinh doanh thành công và ý nghĩa, góp phần cho sự phát triển bền vững của một Việt Nam khởi nghiệp.

Tháng 10 năm 2016

Nhóm MITFive

LỜI DỊCH GIẢ

Với mong muốn cung cấp một khuôn khổ tổng thể, khoa học, chỉ ra từng bước đi trên con đường khởi sự kinh doanh cho những người khởi nghiệp Việt Nam, nhóm MITFive đã lựa chọn cuốn sách Kinh điển về Khởi nghiệp – 24 bước khởi sự kinh doanh thành công của tác giả Bill Aulet để giới thiệu với cộng động khởi nghiệp Việt Nam.

Do có mối quan hệ cá nhân thân thiết với tác giả, anh Giang Lâm, một trong năm thành viên nhóm MITFive, đồng thời là cựu sinh viên trường MIT, đã trở lại MIT để gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với tác giả Bill Aulet về ý tưởng giới thiệu cuốn sách này tại Việt Nam. Khi nghe anh Giang nói về ý tưởng dịch cuốn sách của mình sang tiếng Việt, tác giả Bill Aulet đã rất hào hứng, nhiệt tình ủng hộ, và còn nhận lời tới Việt Nam để giao lưu, chia sẻ cùng cộng đồng khởi nghiệp nhân dịp ra mắt sách.

Kinh điển về Khởi nghiệp cũng là món quà tặng tâm huyết tới cộng đồng khởi nghiệp từ nhóm dịch giả và các học viên của Khóa 1, Chương trình đào tạo MITFive. Họ chính là những người nhận thức được giá trị đặc biệt của cuốn sách này và đóng góp nhiệt tình trong việc nhanh chóng đưa nó tới các doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ hết mình của các bạn biên tập viên Thái Hà Books, trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã có thể ra mắt các bạn một cuốn sách có giá trị toàn cầu.

Giới thiệu cuốn sách này với độc giả Việt Nam, chúng tôi mong muốn đóng góp cho sự thành công của những người khởi nghiệp, vì các bạn chính là niềm hi vọng của tương lai.

Nhóm dịch giả

Giang Lâm – Hoàng Anh

 

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này là một bộ công cụ tổng hợp dành cho cả người lần đầu khởi nghiệp lẫn người đã khởi nghiệp nhiều lần để họ có thể xây dựng nên những doanh nghiệp vĩ đại dựa trên những sản phẩm sáng tạo đột phá. Ngay cả những người khởi nghiệp hàng loạt với bề dày kinh nghiệm trong một lĩnh vực hoặc ngành cụ thể cũng sẽ thấy 24 bước này hữu ích và giúp họ mang sản phẩm đến với thị trường hiệu quả hơn.

Là một doanh nhân, tôi có thể tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn như sách vở, những người cố vấn và hơn hết, từ chính kinh nghiệm của bản thân. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa tìm được một nguồn tham khảo nào có tất cả mọi thứ tôi cần.

Tôi đã đọc nhiều cuốn sách rất tuyệt vời như Bí mật Marketing trong thị trường high-tech (Crossing the Chasm) của Geoffrey Moore, Chiến lược đại dương xanh (Blue Ocean Strategy) của W. Chan Kim và Renée Mauborgne, Inbound Marketing (tạm dịch: Marketing dựa trên giá trị) của Brian Halligan và Dharmesh Shah, Four Steps to the Epiphany (tạm dịch: Chiến lược khởi nghiệp qua bốn bước) của Steve Blank, Khởi nghiệp tinh gọn (The Lean Startup) của Eric Ries, Running Lean (tạm dịch: Hoạt động tinh gọn) của Ash Maurya, và Tạo lập mô hình kinh doanh (Business Model Generation) của Alex Osterwalder và Yves Pigneur. Đây đều là những cuốn sách giá trị mà tôi tham khảo rất nhiều trong quá trình viết cuốn sách này. Nhưng mỗi cuốn chỉ tập trung đi sâu vào một vài khía cạnh chứ chưa đưa ra một lộ trình tổng thể cần thiết để giảng dạy cho sinh viên ở Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và để giảng trong các hội thảo, đào tạo. Mỗi khía cạnh đó đều quan trọng ở một thời điểm nhất định trong quá trình xây dựng khái niệm, phát triển và ra mắt sản phẩm nhưng vẫn cần có một lộ trình tổng quát, bao gồm tất cả khía cạnh trên và hơn thế nữa.

Giống như khi bạn dùng một hộp công cụ, cái vít có thể phù hợp trong một số trường hợp nhưng lại không thể dùng thay chức năng cái búa trong các trường hợp khác. Tương tự, những ý tưởng và kỹ thuật trong Inbound Marketing rất đáng giá nhưng chúng sẽ còn hữu ích hơn khi được kết hợp với các kỹ thuật khác và sử dụng đúng thời điểm.

Mục đích của cuốn sách này là hướng dẫn cho bạn trong quá trình khởi nghiệp nhiều lộn xộn và đôi khi mơ hồ để kiến tạo nên những điều chưa từng có. Đây thực sự là nhiệm vụ khó khăn nhưng cũng cực kỳ quan trọng. Cuốn sách này ra đời từ những hội thảo của tôi trên khắp thế giới và những bài giảng ở MIT đã được chọn lọc và chỉnh sửa trong nhiều năm cùng với hàng trăm doanh nhân khởi nghiệp tên tuổi khác.

Nhất định là còn nhiều yếu tố khác cần xét đến để xây dựng được một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, từ văn hóa và đội nhóm đến bán hàng, tài chính và lãnh đạo. Nhưng nền tảng của doanh nghiệp dựa trên sáng tạo đột phá là sản phẩm, và đây cũng chính là nội dung chủ yếu của cuốn sách.

Trong thực tế, quy trình này không nhất thiết phải theo thứ tự như được nêu trong sách. Tôi tạo ra một quy trình logic gồm 24 bước để các bạn bắt đầu nhưng các bạn sẽ nhận thấy rằng khi hiểu về một bước, bạn sẽ muốn nhìn nhận và đánh giá lại nội dung của bước đi trước đó, thậm chí là làm lại phần việc trước đó. Quá trình lặp đi lặp lại theo hình xoắn ốc này để tiến tới một phương án tối ưu là vô cùng quan trọng bởi bạn không có thời gian vô hạn để làm hoàn hảo nội dung của từng bước. Bạn sẽ phải đi qua mỗi bước bằng sự đánh giá dựa trên nghiên cứu và rồi sau đó điều chỉnh lại.

Mỗi bước đều đánh giá chi tiết và cẩn trọng việc khách hàng có được lợi ích gì từ sản phẩm của bạn, ngay cả khi người phân tích, nhà đầu tư tiềm năng hay người mô tả kỹ thuật sản phẩm cho rằng sản phẩm của bạn là có giá trị. Như người ta vẫn thường nói: “Về lý thuyết, thì lý thuyết và thực tiễn là như nhau, nhưng trong thực tế, lý thuyết và thực tiễn lại không hề giống nhau”.

Cuốn sách cũng cung cấp một ngôn ngữ chung để thảo luận các vấn đề trọng tâm của việc xây dựng doanh nghiệp mới. Nhờ đó, bạn có thể thảo luận hiệu quả hơn về việc khởi sự kinh doanh của mình với những người cố vấn và các cộng sự khởi nghiệp khác. Tôi đã định nghĩa mỗi bước thật cẩn thận để đề cập đến từng phần riêng biệt của quá trình [khởi nghiệp]. Tôi nhớ lại rằng bố tôi đã rất thất vọng khi ông muốn một cái kìm mà tôi lại đưa cho ông cái cờ lê. Và giờ đây tôi cũng trải nghiệm cảm giác đó khi tôi hỏi sinh viên về “mô hình kinh doanh” của họ mà họ lại nói về quy mô thị trường có thể chiếm lĩnh được hay định giá sản phẩm.

Kết quả của công cụ tích hợp với một ngôn ngữ chung này là điều mà ở MIT chúng tôi gọi là “Kinh điển về khởi nghiệp” (Disciplined Entrepreunership). Khởi nghiệp khó có thể được trình bày thành một khuôn khổ mà thậm chí là sự lộn xộn và không đoán trước được. Điều đó là đúng. Nhưng đó cũng chính là lý do tại sao một khuôn mẫu để giải quyết các vấn đề khi khởi nghiệp một cách có hệ thống lại cực kỳ giá trị. Bạn đã có đủ rủi ro với những vấn đề ngoài tầm kiểm soát nên khuôn mẫu cho doanh nhân khởi nghiệp sẽ giúp bạn thành công bằng việc giảm thiểu rủi ro ở những vấn đề bạn có thể kiểm soát được. Quy trình này có thể giúp bạn thành công hoặc thất bại nhanh chóng nếu con đường bạn đi tất yếu dẫn đến thất bại. Dù thế nào, cuốn sách này cũng đều giúp được bạn.

Đây chính là cuốn sách tôi ước mình đọc được 20 năm trước khi tôi lần đầu tiên bắt tay vào công việc kinh doanh.

Lưu ý cho những ví dụ trong sách này: Trong cuốn sách, tôi có lấy một số ví dụ từ các nhóm sinh viên MIT trong quá trình họ theo học khoá học Doanh nghiệp khởi nghiệp. Những ví dụ này nhiều khi không được trình bày đầy đủ vì giới hạn về thời gian của sinh viên. Những ví dụ trong cuốn sách này là để minh họa cho khái niệm cơ bản của các bước. Tôi có chỉnh sửa một số dự án để minh họa tốt hơn thực tế và những cạm bẫy ở nhiều bước nhưng vẫn giữ nguyên bản chất của từng ví dụ. Các ví dụ đều thống nhất với kinh nghiệm của tôi trong quá trình sáng lập doanh nghiệp. Các dự án trong ví dụ minh họa có thể không trở thành doanh nghiệp trong thực tế, vì điều đó phụ thuộc vào quyết định của sinh viên khi kết thúc khóa học, nhưng chúng vẫn có giá trị để các bạn học hỏi.

ĐỌC THỬ

GIỚI THIỆU

Chúng tôi biết gen doanh nhân khởi nghiệp có ở đó, chỉ là chưa thể tìm ra

 

PHÁT HIỆN MỚI – KHỞI SỰ KINH DOANH LÀ KỸ NĂNG CÓ THỂ DẠY ĐƯỢC!

Một trong những câu hỏi đầu tiên tôi thường hỏi sinh viên khi bắt đầu hội thảo hay lớp học là: “Các bạn có nghĩ khởi nghiệp là kỹ năng có thể truyền đạt được không?”. Đáp lại tôi thường là sự im lặng. Có vài bạn thì lắc đầu vẻ không thoải mái ở dưới lớp. Có lúc tôi lại nhận được câu trả lời khẳng định rằng đó là lý do các bạn đến đây. Sau một hồi im lặng lịch sự sẽ luôn có một người nói lên ý nghĩ của phần đông trong lớp, đó là: “Không, hoặc bạn sinh ra đã có kỹ năng khởi nghiệp, hoặc là không”. Người phát biểu đó khi được khuyến khích sẽ rất nhiệt tình tranh luận về quan điểm này.

Thật lòng mà nói, tôi thường thích người phát biểu như thế vì đó cũng chính là suy nghĩ của tôi 10 năm trước. Nhưng giờ thì tôi biết rằng khởi sự kinh doanh là kỹ năng có thể truyền đạt được. Chính tôi đã trải nghiệm điều này hàng tuần trong các khóa học tôi giảng dạy ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và ở khắp nơi trên thế giới.

Khi tôi nhìn lại Richard Branson, Steve Jobs, Bill Gates, Larry Ellison và tất cả những doanh nhân thành đạt khác, họ có vẻ khác chúng ta. Họ đặc biệt hơn những người khác. Nhưng mỗi người họ thành công đều nhờ vào những sản phẩm xuất sắc, chứ không phải là do họ có gen vượt trội.

Để khởi nghiệp thành công, bạn phải có một sản phẩm xuất sắc và mới mẻ. Sản phẩm của bạn có thể là hàng hóa, cũng có thể là dịch vụ hoặc là cách trao đổi thông tin. Tất cả yếu tố ảnh hưởng đến thành công sẽ không là gì nếu bạn không có một sản phẩm giá trị. Và quá trình tạo ra sản phẩm giá trị thì có thể truyền đạt được. Cuốn sách này sẽ chỉ cho bạn một cách có hệ thống để tạo ra sản phẩm tuyệt vời.

Cuốn sách mô tả từng bước tiếp cận và thực hành để tạo ra một doanh nghiệp mới. Khuôn mẫu này có thể được ứng dụng cho cả môi trường sư phạm lẫn những người muốn lập công ty và kiến tạo thị trường hoàn toàn mới. Trước khi bắt đầu, có ba lầm tưởng về khởi nghiệp kinh doanh cần phải được làm rõ vì những điều này thường cản trở những người khởi nghiệp hoặc là những người muốn dạy sinh viên về khởi nghiệp.

Xóa bỏ ba lầm tưởng

Có rất nhiều nhận thức sai lầm về khởi sự kinh doanh là gì và một doanh nhân khởi nghiệp cần phải có những phẩm chất, kỹ năng gì. Lầm tưởng đầu tiên là “cá nhân là người khai sinh ra công ty”. Mặc dù tư duy “doanh nhân là người hùng cô độc” rất phổ biến nhưng nghiên cứu đã đưa đến một kết luận rất khác. Đội nhóm mới là người khai sinh ra công ty. Quan trọng hơn, đội nhóm đông người cùng khởi nghiệp còn làm tăng cơ hội thành công hơn. Thêm sáng lập viên đồng nghĩa với thêm khả năng thành công.

Lầm tưởng thứ hai là “doanh nhân khởi nghiệp phải có sức hút cá nhân đặc biệt” và chính sức hút này là yếu tố quyết định thành công của họ. Thực tế, sức hút cá nhân có thể hữu dụng trong một thời gian ngắn, nhưng rất khó để có ảnh hưởng trong lâu dài. Thay vào đó, nghiên cứu chỉ ra rằng doanh nhân khởi nghiệp cần những yếu tố khác còn quan trọng hơn sức hút cá nhân, đó là khả năng giao tiếp hiệu quả, tuyển dụng người và kỹ năng bán hàng.

Lầm tưởng thứ ba là về cái gọi là “gen kinh doanh”, nghĩa là có những người sinh ra với khả năng sẽ thành công trong khởi sự kinh doanh. Như hình vẽ ở đầu phần này, thực tế, gen đó không tồn tại. Hay có suy nghĩ cho rằng một số nét tính cách như vẻ tự tin bên ngoài hay liều lĩnh, táo bạo có mối tương quan với thành công của doanh nhân khởi nghiệp, nhưng cách suy nghĩ đó cũng không đúng. Thay vào đó, những kỹ năng thực tế khác sẽ làm tăng khả năng thành công của người khởi nghiệp như kỹ năng quản lý nhân sự, kỹ năng bán hàng và chủ đề của cuốn sách này, quá trình thiết kế, phát triển và phân phối sản phẩm. Những kỹ năng này đều có thể dạy và học được chứ không phải là có sẵn trong gen của một số người may mắn. Mọi người đều có thể học được cách ứng xử, cách nhìn nhận vấn đề và kỹ năng, bởi vậy, khởi nghiệp là kỹ năng hoàn toàn có thể được phân tách thành một quy trình để dạy và học.

Để chứng minh, chúng ta cần nhìn sâu hơn vào MIT. Sinh viên tốt nghiệp từ MIT có tỉ lệ khởi nghiệp kinh doanh cực kỳ cao. Thực tế, đến năm 2006, đã có hơn 25.000 công ty đang hoạt động và 900 công ty được mở ra mỗi năm từ các sinh viên của trường. Những công ty này tạo việc làm cho hơn ba triệu người với tổng doanh thu hàng năm khoảng 2.000 tỉ đô la. Để dễ hình dung thì tổng doanh thu từ các công ty của cựu sinh viên MIT cộng lại tương đương với nền kinh tế lớn thứ 11 của thế giới.

Điều gì làm nên thành công của các sinh viên MIT khi khởi nghiệp?

Tại sao MIT lại rất thành công trong việc đào tạo các doanh nhân khởi nghiệp? Lý giải đầu tiên mọi người thường nghĩ đến là do sinh viên MIT cực kỳ xuất sắc. Thực ra, sinh viên MIT cũng không thông minh hơn sinh viên của những trường hàng đầu khác trên thế giới như Caltech, Harvard… nhưng không một trường nào, ngoại trừ Stanford, có được số lượng cựu sinh viên là doanh nhân khởi nghiệp nhiều như MIT. Do đó, thành công của MIT hẳn là do yếu tố khác.

Lý do thứ hai cũng thường được nhắc đến là do sinh viên MIT có cơ hội tiếp cận những công nghệ hàng đầu trong phòng thí nghiệm nên việc khởi sự kinh doanh sẽ dễ dàng hơn. Một lần nữa, đây cũng là giả thiết có thể lượng hóa được. Qua Văn phòng Chuyển giao Công nghệ (Technology Licensing Office – TLO) của MIT, chúng ta có số liệu về số lượng công ty ra đời từ phòng thí nghiệm mỗi năm trong ngành công nghệ vì các công ty đó đều phải đăng ký giấy phép ở văn phòng này. Và con số đó là 20 đến 30 công ty mỗi năm, rất ấn tượng so với số liệu ở các trường đại học khác. Tuy vậy, số liệu này vẫn còn rất nhỏ nếu so với 900 công ty của các cựu sinh viên MIT ra đời mỗi năm. Dù các công ty khởi nghiệp với công nghệ được cấp phép ở MIT có tầm quan trọng chiến lược và có ảnh hưởng lớn (chẳng hạn như Akamai), các công ty đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong việc giải thích lý do tại sao cựu sinh viên MIT rất thành công khi khởi nghiệp. Thực tế, 90% công ty khởi nghiệp của cựu sinh viên MIT không liên quan tới công nghệ được tạo ra trong phòng thí nghiệm của MIT.

Điều thực sự lý giải cho thành công trong khởi nghiệp của các cựu sinh viên MIT là sự kết hợp giữa tinh thần và kỹ năng. Ở MIT có văn hóa khuyến khích mọi người khởi nghiệp mọi lúc, mọi nơi, cũng giống như ở Thung lũng Silicon, Israel, Tech city của London và Berlin ngày nay. Các hình mẫu thành công ở khắp mọi nơi, đó không phải là những hình ảnh trừu tượng mà là những con người rất thực, không có gì khác biệt so với bạn. Khả năng thành công và tinh thần hợp tác ở MIT lan tỏa rộng khắp đến nỗi các sinh viên đều có tư duy rằng: “Đúng rồi, tôi cũng có thể khởi nghiệp”. Họ nhanh chóng bị “nhiễm virus khởi nghiệp” và niềm tin vào lợi ích của việc khởi sự kinh doanh.

Môi trường đầy tham vọng và hợp tác này làm cho các sinh viên đều rất phấn khích. Việc phát triển các kỹ năng khởi sự kinh doanh đến từ lớp học, từ các cuộc thi, sự kiện ngoại khóa và các chương trình phát triển mạng lưới. Và sự giảng dạy và những giá trị mang lại cho sinh viên luôn sẵn có ở cả trong và ngoài lớp học nên trong môi trường đó, sinh viên tiếp cận các môn học với sự hứng khởi và cam kết cao. Tinh thần cũng được nhân lên bởi tất cả sinh viên trong lớp đều cam kết hoàn toàn. Một lớp học ở trong môi trường cam kết cao sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn cho cả sinh viên và giảng viên.

Nhân tố quan trọng của vòng xoáy tích cực này chính là hiệu ứng tâm lý đám đông. Các sinh viên cùng học và làm việc với tinh thần khởi nghiệp, họ cũng cộng tác với nhau, nói chuyện về công việc, về những dự định kinh doanh trong cả cuộc sống hàng ngày. Và một cách tự nhiên họ thúc đẩy lẫn nhau, cạnh tranh lẫn nhau cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Các sinh viên không chỉ học hỏi lẫn nhau mà học hỏi còn trở thành một bản sắc của cá nhân cũng như đội nhóm.

Đây là những yếu tố tạo ra môi trường dạy kinh doanh rất thành công tại MIT. Đó là một vòng tròn thông tin phản hồi tích cực (xem Hình 1.1).

Phân biệt hai loại hình doanh nghiệp khởi nghiệp

Doanh nhân khởi nghiệp là những người tạo lập nên một ngành kinh doanh mới, chưa từng có trước đó. Định nghĩa này có vẻ rõ ràng cho đến khi giáo sư Fiona Murray, Scott Stern và tôi dành thời gian nói chuyện với các tổ chức về việc làm sao để thúc đẩy tinh thần khởi sự kinh doanh ở các vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới. Chúng tôi đã phát hiện ra rằng khi nói đến “khởi sự kinh doanh”, mọi người liên tưởng đến ít nhất là hai loại hình doanh nghiệp rất khác nhau, mỗi loại doanh nghiệp đều có những mục tiêu và nhu cầu rất khác nhau.

Khởi nghiệp doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)

Loại hình đầu tiên là khởi sự kinh doanh với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Loại hình doanh nghiệp này thường do một người sáng lập để phục vụ thị trường địa phương và sẽ trở thành một doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong phạm vi địa phương đó. Doanh nghiệp thường được tổ chức trong một nhóm nhỏ, có quan hệ mật thiết với nhau, có thể là một doanh nghiệp gia đình, nơi việc kiểm soát chặt chẽ doanh nghiệp là rất quan trọng. “Phần thưởng” cho các thành viên sáng lập doanh nghiệp loại này là sự tự do cá nhân và dòng tiền từ việc kinh doanh.

Về cơ bản, loại hình doanh nghiệp này không cần kêu gọi nhiều tiền. Khi bơm thêm tiền vào doanh nghiệp thì nhanh chóng có được kết quả là tăng thêm doanh thu và tạo ra công ăn việc làm. Như vậy doanh nghiệp có thể được phát triển về mặt địa lý và công việc mà họ tạo ra hầu hết là các việc không thuê ngoài được. Doanh nghiệp SME thường là các doanh nghiệp dịch vụ hoặc nhà bán lẻ các sản phẩm của công ty khác. Yếu tố chính để phân biệt là họ tập trung vào các thị trường địa phương.

Khởi nghiệp doanh nghiệp sáng chế đột phá (IDE)

Những doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên sáng chế đột phá (Innovation-Driven Enterprise – IDE) có nhiều rủi ro hơn và cũng tham vọng hơn. Người khởi nghiệp với IDE khao khát vươn xa hơn thị trường địa phương tới thị trường toàn cầu hoặc ít nhất là trong khu vực.

Những doanh nhân này thường làm việc theo nhóm để xây dựng doanh nghiệp dựa trên công nghệ, quy trình, mô hình kinh doanh, hoặc sáng kiến mới tạo ra cho họ một lợi thế cạnh tranh đáng kể so với các công ty hiện có. Họ quan tâm đến việc tạo ra của cải và giá trị hơn là việc kiểm soát công ty và thường bán cổ phần công ty để theo đuổi kế hoạch phát triển đầy tham vọng của mình.

Mặc dù doanh nghiệp IDE phát triển trong giai đoạn đầu chậm hơn doanh nghiệp SME nhưng họ sẽ đạt được tăng trưởng theo cấp số nhân một khi họ thu hút được khách hàng (Xem Bảng 1.1). Do sẵn sàng đánh đổi quyền kiểm soát công ty để tìm kiếm sự tăng trưởng nên doanh nghiệp IDE thường có nhiều người đồng sở hữu. Trong khi doanh nghiệp SME tăng trưởng và vẫn giữ quy mô nhỏ (dù không phải lúc nào cũng vậy), doanh nghiệp IDE tập trung hơn vào việc “đột phá hoặc là đóng cửa”. Để đạt được tham vọng của mình, họ phải lớn mạnh và trưởng thành nhanh chóng để phục vụ thị trường toàn cầu.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button