Kinh doanh - đầu tư

Đừng Hoang Tưởng Về Biển Lớn

Dung hoang tuong ve bien lon - Alan Phan1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Alan Phan

Download sách Đừng Hoang Tưởng Về Biển Lớn ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Trọn bộ ebook :           

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Bạn đọc cảm nhận

” Đã theo dõi “Góc nhìn Alan” cũng được gần 1 năm rồi và thật sự rất thích những chia sẻ cũng như lời khuyên của bác Alan Phan, nghe thực tế, gần gũi chứ không phải giọng khoe khoang, dạy đời trịch thượng. Cuốn sách này cũng vậy, qua những bài vip room,ết hoặc bài phỏng vấn nhỏ nhỏ, bác Alan nói về những kinh nghiệm trong việc làm ăn với quốc tế trong suốt mấy chục năm, thật sự là những bài học rất quý giá cho những doanh nghiệp Việt Nam nào đang có ý định vươn ra thị trường thế giới. Tựa sách cũng như một lời nhắc nhở, “đừng hoang tưởng về biển lớn”, thế giới ngoài kia không hề dễ dàng, mỗi bước đi cần là một sự tính toán với tất cả thận trọng thì mới có thể hội nhập thành công xu thế toàn cầu hóa hiện nay. “

” Nằm trong bộ những quyển sách của TS Alan Phan – Việt kiều rất tâm huyết và có hơn 45 năm kinh nghiệm trên thương trường Mỹ – Trung sẽ không làm bạn thất vọng trong quyển sách này. Sách được doanh nhân đón đọc nồng nhiệt đến độ luôn hết hàng. Điều đó cho thấy không cần phải bàn cãi đến nội dung của cuốn sách. Bìa sách được thiết kế khá bắt mắt, giấy khá tốt. Tuy mỏng nhưng là sách đáng để đọc của mỗi doanh nhân và các bạn sinh viên chuẩn bị bước chân vào con đường khởi nghiệp. Bạn sẽ nhìn rõ hơn về bức tranh toàn cảnh của doanh nghiệp khi bước ra biển lớn, đặc biệt là niêm yết trên sàn Mỹ ! ”

” Đừng hoang tưởng về biển lớn. Nghe tựa sách thôi đã hiểu được nội dung tác giả sẽ thẳng thắn phân tích những thực tế của cuộc sống và trong kinh doanh. Đây là một quyển sách rất bổ ích cho những người làm kinh doanh hay những bạn trẻ đam mê kinh doanh. Từ những kiến thức tác giả cung cấp, bạn sẽ có cơ sở xây dựng nên quan niệm sống đúng đắn cho bản thân, cũng như hướng đi cho tương lại. Với lời văn và phong cách nói ngắn gọn, sinh động và hóm hỉnh, đây chắc chắn là một trong những quyển sách không thể thiếu trên kệ sách của người yêu kinh doanh. ”

ĐỌC THỬ

Chương 1

Không ngừng đặt câu hỏi

Tất cả bài viết của tôi bắt đầu từ câu nói nằm lòng của Robert Kennedy: “Những nghiên cứu gia nhìn vào sự kiện đang xảy ra và hỏi tại sao. Tôi mơ về những sự kiện đã không xảy đến và hỏi tại sao không?” (There are those who look at things the way they are, and ask why… I dream of things that never were, and ask why not?). Đó là tiền đề của cuốn sách Một tư duy khác về kinh tế và xã hội Việt Nam tôi vừa hoàn tất.

Ý tưởng độc đáo
Tôi luôn nói với các bạn trẻ là thế giới kinh doanh không thiếu tiền mà chỉ thiếu ý tưởng. Những ý tưởng sáng tạo, làm thay đổi thói quen và hành xử, cải thiện hiệu năng vượt bậc là những ý tưởng đã đem lại tài sản hay danh vọng khổng lồ cho nhiều doanh nhân. Người Mỹ gọi chúng là những game-changers hay là những bước tiến đã thay đổi cuộc chơi.

Gần đây nhất, Facebook đã khiến một anh sinh viên 24 tuổi Zuckerberg trở thành tỷ phú. Trước đó là các doanh nhân đã sáng lập ra Google, Apple, Microsoft, Intel, IBM, Bell, RCA, Carnegie… tất cả đều là những thanh niên khởi nghiệp với trí tuệ, nghèo và kiên nhẫn. Họ chỉ có ý tưởng, không có tiền và tất cả đều đã thành công trong việc thay đổi phần lớn đời sống nhân loại. Muốn vậy, họ đã biết đặt câu hỏi chính xác là “tại sao không?” Họ đã dám đi vào lề trái của 99% đám đông. Họ dám có những tư duy khác lạ so với những suy tưởng bình thường của xã hội.

Cái giá phải trả
Dĩ nhiên, rất nhiều người, dù thành công hay thất bại, trong bọn họ đã phải trả giá đắt. Từ những mất mát về tiền bạc (thực ra không nhiều vì đa số là nghiên cứu sinh nghèo) đến những mất mát về danh tiếng, thị phi vì xã hội không ưa những người khác biệt. Thậm chí nhiều người còn mất mạng vì ý tưởng hay khám phá lạ đời, như Galileo với giả thuyết trái đất tròn, như Socrates với biện giải logic, như rất nhiều văn nghệ sĩ, tư tưởng gia trong các triều đại phong kiến độc tài.

Lấy lịch sử làm thí dụ. Ai cũng biết lịch sử luôn luôn được ghi lại bởi những kẻ chiến thắng. Trong những triều đại mà sự phản biện không được phép thực thi thì những câu chuyện ghi trong lịch sử có thể chỉ là những huyền thoại được thêu dệt vẽ vời để tăng uy tín và quyền lực của kẻ thắng. Tuy nhiên, phần lớn người dân, kể cả những bậc trí thức có chút đầu óc cũng nuốt gọn mọi dối trá trộn lẫn trong sự thật và bán sự thật (half-truths).

Tư duy sáng tạo bắt đầu từ câu hỏi
Trong một xã hội mà đến 95% dân số sống đời khổ sở và thiếu thốn về những vật chất tối thiểu, thì tư duy của ta phải đi ngược lại suy nghĩ đại chúng và hành xử trái hẳn với những điều mà người dân cho là sự khôn ngoan thường nhật. Muốn thoát ra khỏi giới hạn chật chội của nghèo đói, chúng ta phải có tư duy “ngoài cái hộp” (think out of the box).

Dĩ nhiên, ta phải đối phó thường trực với những ù lì rồi phá phách của những thành phần không muốn đổi thay hay tiến bộ của xã hội vì lợi ích cá nhân, gia đình hay phe nhóm. Không có một tinh thần bất khuất và kiên trì, chúng ta sẽ bỏ cuộc không chóng thì chày, vì sức đề kháng của phe bảo thủ rất mạnh. Cuối cùng, những thay đổi rồi cũng đến, vì cốt lõi của cuộc sống là thay đổi (change is inevitable). Nhưng có thể ta không còn hiện diện để nhìn những đổi thay này.

Chả thế mà chính Einstein cũng phải mỉa mai về đám đông chung quanh mình: “Hai thứ là vô tận trên đời: vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người. Thực ra, tôi không chắc về vũ trụ” (Two things are infinite: the universe and human stupidity. And I’m not sure about the universe.”

Tư duy mới sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi là tình trạng hiện tại do ai duy trì và họ có những ích lợi gì vào sự ù lì của tình thế? Kế tiếp là những thay đổi sẽ đem đến những cơ hội và rủi ro gì? Ngoài thay đổi, chúng ta có thể tìm được những phương hướng gì khác hơn cả sự thay đổi? Sự suy nghĩ của đám đông là thế này; nếu ta làm ngược lại, thì kết quả gì sẽ xảy đến? Thói quen bắt đầu từ tư duy, liệu ta có thể thay đổi tư duy của người tiêu thụ hay đối tác?

Trong tình trạng cạnh tranh của toàn cầu hóa và thế giới “phẳng”, tư duy sáng tạo là một vũ khí vô cùng quan trọng cho sự tiến bộ của một cá nhân, một doanh nghiệp hay một quốc gia. Chất xám và phần mềm sẽ là yếu tố quyết định trên thương trường tự do. Giáo dục, đạo đức và môi trường văn hóa là thành phần dinh dưỡng cho nền kinh tế mới. Cuốn sách Một tư duy khác về kinh tế và xã hội Việt Nam của tôi là một đóng góp nhỏ trong tiến trình tăng trưởng của lớp người trẻ hiện nay.

Mời bạn lên đường và đừng quên là Einstein đã nhắc nhở ta: “Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi” (The important thing is not to stop questioning).

Chương 2

Đừng hoang tưởng về một thế giới phẳng

Thế giới cũng sẽ KHÔNG phẳng sau sự lan tỏa toàn cầu của mạng lưới Internet. Thế giới sẽ vẫn là thế giới ta đã quen biết suốt 5.000 năm lịch sử: rất nhiều cách biệt giữa các tầng lớp xã hội: giàu và nghèo, học thức và vô học, đạo đức và bất lương, thôn quê và thành thị, quốc gia phát triển và quốc gia nghèo đói. Và công nghệ thông tin lại có khả năng làm gia tăng sự cách biệt này…

Các chính trị gia và các chuyên gia thường thích dùng các danh từ thời thượng để phô trương tri thức về thế giới và tạo ấn tượng trong cộng đồng. Gần đây, họ hay nói đến các ngôn từ như kinh tế sáng tạo, mạng xã hội, hội nhập toàn cầu, công nghệ xanh, kỹ thuật số, chỉ số hạnh phúc… Nhưng một chữ bị lạm dụng nhiều nhất có lẽ là “thế giới phẳng”.

Cuốn sách của Thomas Friedman
Danh từ này được Thomas Friedman dùng làm đề tài cho một tựa sách vào 2005 để diễn tả một hiện tượng mới về xã hội và kinh tế do cuộc cách mạng Internet và công nghệ thông tin (IT) mang lại. Giả thuyết của ông là sự lan tỏa cùng khắp những thông tin và kiến thức nhanh chóng qua Internet đã san bằng mọi cách biệt về lợi thế kinh tế giữa các quốc gia, giữa các thể chế chính trị, và giữa các tầng lớp nhân dân. Kết quả là một thế giới phẳng lì, không còn rào cản và bất cứ ai cũng có thể nắm bắt những cơ hội mới do công nghệ mới tạo dựng.

Tôi đã theo dõi nhiều bài viết của Friedman trên New York Times, tờ báo của giới mệnh danh là “tiến bộ” (liberal) của các trí thức khoa bảng Mỹ. Ông này có tật xấu là đơn giản hóa mọi vấn đề, rồi dựa trên một vài sự kiện đặc thù mà đặt ra các giả thuyết khá phi lý, phù hợp với quan điểm cá nhân của mình. Ông luôn quên đi sự phức tạp của mọi vấn đề bàn luận, dù là xã hội, kinh tế hay chính trị, dù là địa phương hay toàn cầu. Thế giới phẳng và một xã hội đại đồng bình đẳng là một hoang tưởng rất thời thượng của ông.

Máy tính, Internet, điện thoại di động và các dụng cụ công nghệ thông tin quả đã tạo nên một cuộc cách mạng vĩ đại về kiến thức và thông tin với tốc độ, tầm cỡ và chức năng. Nhưng thế giới sẽ vẫn là thế giới ta đã quen biết suốt 5.000 năm lịch sử: rất nhiều cách biệt giữa các tầng lớp xã hội: giàu và nghèo, học thức và vô học, đạo đức và bất lương, thôn quê và thành thị, quốc gia phát triển và quốc gia nghèo đói. Thực sự, công nghệ thông tin lại có khả năng làm gia tăng sự cách biệt này: người biết sử dụng IT sẽ khôn khéo dùng lợi thế cạnh tranh này của mình để kiếm tiền, kiếm quyền và đặc lợi nhiều hơn so với đám đông còn bỡ ngỡ.

Vào khoảng 1885, Karl Benz sáng chế ra chiếc xe hơi hiện đại thay thế cho cỗ xe ngựa và cùng thời điểm, James Maxwell đưa ra lý thuyết để thế giới có được máy phát thanh (radio). Nếu ông sinh ra ở thời này, Friedman cũng sẽ dễ dàng đưa ra lập luận về một “thế giới phẳng” vì hai phát minh này cũng đã đem nhân loại đến gần nhau hơn. Thế nhưng, sau đó, ai cũng biết thế giới đã KHÔNG phẳng với những sáng chế diệu kỳ về xe hơi, về radio, về TV, về máy in… Tôi cũng xin báo cho các bạn trẻ là thế giới cũng sẽ KHÔNG phẳng sau sự lan tỏa toàn cầu của mạng lưới Internet.

Lý tưởng công bằng xã hội
Sự yêu thích hình tượng và viễn ảnh của một thế giới phẳng có lẽ bắt nguồn từ sự ao ước của rất nhiều nhà trí thức trẻ (trong đó có người viết bài này) với một con tim tha thiết về một xã hội công bằng, không có khác biệt giữa giàu nghèo, giai cấp hay phân khúc. Một thế giới đại đồng của những người bình đẳng về mọi khả năng và quyền lợi. Cuộc thí nghiệm vĩ đại nhất lịch sử đã diễn ra ở Liên Xô và Trung Quốc hơn 70 năm. Ngày nay, tại hai xã hội này, sự cách biệt về giàu nghèo (theo chỉ số Gini) thuộc loại cao nhất trong 10 hạng đầu của thế giới (Top Ten).

Rất nhiều văn nghệ sĩ, trí thức và các bậc khoa bảng luôn luôn ca thán về hiện tượng bất công của xã hội, thường kết luận trong vội vã “đời không công bằng chút nào” khi so sánh sự thua kém của mình với những nhân vật mà họ nghĩ là không xứng đáng. Chính tôi cũng hay rơi vào trường hợp tự ti này khi không để lý trí suy xét.

Đời thật bất công
Vào thời điểm 1968 sau khi tốt nghiệp Đại học ở Mỹ, tôi và một người bạn người Mã Lai tên là Michael cùng quay trở về nước. Trong khi tôi chật vật với lương giảng viên ở Đại học Bách khoa Phú Thọ, Michael được ông bố, vốn là một đại gia tăm tiếng ở Mã Lai, mua cho một ngân hàng rồi bổ nhiệm hắn làm Chủ tịch Tổng Giám đốc một ngân hàng đứng hàng thứ tám ở Mã Lai vào thời đó. Ngay cả suốt cuộc đời hai đứa trong 42 năm qua, trong khi tôi phải lên voi xuống ngựa, đi từ đỉnh cao của thịnh vượng đến vực thẳm của nghèo khó, Michael vẫn ung dung tự tại sống đời thượng lưu, thành công từ việc làm ngân hàng đến tạo dựng một đế quốc về địa ốc. Sau này, mỗi lần qua chơi, tôi vẫn rất ghen tỵ, chép miệng, “đời thật bất công”.

Một người bạn khác ở Việt Nam cùng tôi mài ghế suốt bốn năm trung học. Anh ta tên Duy và là thần tượng của tôi hồi đó. Học giỏi, đẹp trai, con nhà giàu, nhưng trên hết, anh ta có một hạnh kiểm hoàn toàn, luôn luôn được bầu là lớp trưởng bởi các học trò và thầy cô. Ai cũng ngưỡng mộ. Anh thường ái ngại nhìn tôi bỏ lớp trốn học, đi tán gái, chọc phá làng xóm, và nói nếu không thay đổi tính nết, tương lai của tôi sẽ chìm sâu trong đống bùn. Tôi luôn luôn đồng ý, nhưng đã không bỏ được những thói quen xấu. Xong Tú Tài, anh thi đậu vào Đại học Sư phạm dễ dàng và trở thành một bậc thầy khả kính sau những năm học hành. Còn tôi, may mắn được học bổng Mỹ, bay đi tận nửa vòng trái đất, loay hoay làm lại đời mình.

Một lần về thăm nhà năm 1992, Viện Đại học Cần Thơ mời tôi giảng dạy một buổi về Kinh Tế Mở Cửa của Trung Quốc cho các học sinh cũng như nhiều vị giáo chức tu nghiệp. Tôi ngỡ ngàng gặp lại Duy, nhưng chúng tôi đã thay đổi thứ bậc trong mối liên hệ thầy-trò. Anh ngượng ngùng, bỏ ngang lớp học sau tiết đầu và không trả lời điện thoại khi tôi kêu. Bạn bè cho biết hôn nhân của anh trắc trở, anh buồn đời làm một con sâu rượu giải sầu, và bị cấp trên “đầy đọa” vì nhiều lần say rượu trong lớp học. Tôi chắc Duy cũng đang nghĩ thầm, “đời thật bất công”.

Điện thoại và sáng tạo
Cách nay ba tháng, một đại gia trẻ tuyên bố trong một buổi hội thảo là tương lai IT của Việt Nam sáng ngời, vì chỉ sau 10 năm, dân số Việt Nam có điện thoại di động bây giờ đã lên đến hơn 53 triệu người. Anh ta đồng hóa việc sở hữu một cái phone với trình độ kiến thức và hiệu năng của nền kinh tế sáng tạo, biểu hiện qua một công cụ IT phổ thông.

Tôi có hai người giúp việc nhà. Họ đều sở hữu điện thoại riêng cho cá nhân và nhờ những chương trình khuyến mãi, họ nói chuyện qua phone đến bốn, năm giờ mỗi ngày. Họ trao đổi liên tục với bạn bè, láng giềng, gia đình dưới quê về mọi chuyện lặt vặt, còn hơn Twitter của các siêu sao ở Hollywood. Thậm chí họ còn dùng điện thoại để chửi nhau, để khuyến nghị về số đề, về mua hụi, về chương trình kịch trên TV. Thậm chí, một bà đã gần 50 tuổi, có chồng và bốn đứa con ở quê, vẫn trả lời tất cả những cú phone từ người lạ, đóng vai một cô gái mới 20, đóng góp và giải tỏa các lời yêu thương ảo (như một loại phone sex rẻ tiền) cho rất nhiều bạn trai Việt.

Những lựa chọn cá nhân
Những bất công hay hố cách biệt vừa kể cũng có thể là do sự lựa chọn và sở thích của cá nhân. Năm trăm năm trước, ngài Nguyễn Bỉnh Khiêm đã ca tụng chữ “nhàn” và lối sống điền viên: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao”. Nếu ta bắt ông phải sống trong một Net café, cạnh Ngã Sáu Chợ Lớn, nhìn khói bụi, dòng xe và biển người qua lại, chắc ông phải khóc vì tủi thân mỗi ngày. Còn nếu ai buộc tôi phải xa rời các trung tâm tài chính thế giới như New York, Luân Đôn hay Hồng Kông… để về sống ở xứ Cà Mau với những cánh đồng bất tận của chị Nguyễn Ngọc Tư chắc tôi cũng hóa điên. Dù tôi biết chỗ đậu xe ở Cà Mau không thể tốn 40 đôla mỗi ngày như New York.

Trong chuỗi hội thảo về đầu tư cho các doanh nhân và sinh viên Việt Nam vào tháng Ba vừa qua, tôi nói nhiều về Zuckerberg của Facebook. Anh chàng sinh viên 24 tuổi này đã bắt đầu với một ý tưởng và một ngàn đô la của bạn cùng phòng, và chỉ trong 4 năm tạo nên một tài sản mà Goldman Sachs đánh giá là 60 tỷ đô la, tương đương với 60% GDP của Việt Nam. Trong số 80 triệu dân hiện tại, có người Việt nào sẽ đứng lên đáp lời sông núi để chứng minh là thế giới đã phẳng như Friedman nói, hay chúng ta sẽ lại có thêm vài khẩu hiệu rẻ tiền về sáng tạo?


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button