Kinh doanh - đầu tư

42 Năm Làm Ăn Tại Mỹ Và Trung Quốc

42-nam-lam-an-tai-my-va-trung-quoc-alan-phan1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Alan Phan

Download sách 42 Năm Làm Ăn Tại Mỹ Và Trung Quốc ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook               

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Nếu là một doanh nhân, hẳn bạn sẽ vô cùng hứng thú trước hai thị trường – có thể nói là rộng lớn, hấp dẫn và mang tính cạnh tranh hàng đầu thế giới: Mỹ và Trung Quốc.

Tuy mỗi thị trường có những đặc điểm riêng về tư duy kinh doanh, nguồn vốn kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, quan hệ làm ăn, kỷ cương quản trị… nhưng với cuốn sách này, bằng những kinh nghiệm thiết thực suốt 42 năm làm ăn tại hai đất nước – hai thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này, tác giả cuốn sách – tiến sĩ Alan Phan sẽ mang lại cho các bạn những thông tin và kỹ năng vô cùng thiết thực cho những doanh nghiệp muốn làm ăn, kinh doanh tại Mỹ và Trung Quốc nói riêng cũng như các doanh nhân trẻ nói chung.

Tiến sĩ Alan Phan là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987. Năm 1999, Tập đoàn Hartcourt của ông đạt mức thị giá lên đến 670 triệu USD, hiện nay đã tách thành năm công ty (HRCT, SRRY, ETLK, ENVI và SPXP) và tiếp tục niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc vào năm 1997. Trước đó, ông đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các công ty đa quốc gia cũng như các ngân hàng lớn ở Wall Street.

Hiện nay, Tiến sĩ Alan Phan đang là Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA (quỹ riêng của gia đình) và là chuyên gia tư vấn về các thị trường đang nổi (Emerging Markets) cho một số công ty đa quốc gia tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Ông cũng là cổ đông lớn tại 6 công ty đại chúng ở Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Alan Phan du học Mỹ từ năm 1963. Ông tốt nghiệp bằng Cử nhân tại Penn State (Mỹ), Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại American Intercontinental (Mỹ), Tiến sĩ khoa học tại Sussex (Vương quốc Anh) và Tiến sĩ Quản trị kinh doanh tại Southern Cross (Australia). Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại nhiều trường đại học tại Mỹ (Colorado, Columbia, Cal State) và Trung Quốc (Fudan, Tongji).

Trong thời kì kinh tế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, hi vọng rằng cuốn sách 42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc sẽ mang lại cho các doanh nhân một cái nhìn đúng đắn, thiết thực về hai thị trường lớn bậc nhất thế giới – Mỹ và Trung Quốc, từ đó có thể học hỏi, mở rộng và ngày một phát triển công việc kinh doanh của mình.

Ngày xưa tôi say mê truyện Tây Du Ký, nhất là đến phần khi Tôn Hành Giả phi vân nhảy qua năm ngọn núi Ngũ Hành, để rồi cuối cùng thấy mình không vượt qua năm ngón tay của Phật. Quay nhìn lại những chuyện phiêu lưu làm ăn của tôi suốt 42 năm qua, tôi thấy mình cũng cảm nhận được rất nhiều điều thú vị, hưng phấn, nhưng cũng cảm thông với giác ngộ của Tôn Hành Giả về thân phận bé nhỏ của mình khi so với lưới trời lồng lộng của vũ trụ. Cảm thông thôi, chứ tôi không mơ nghĩ mình là một Tôn Hành Giả khuấy động cung đình của Ngọc Hoàng, mà chỉ là một con ếch nhỏ từ xứ Việt quê mùa, đem chuông đi đánh xứ người. Nghĩ là mình đã ra biển lớn tranh đua cùng thiên hạ, vung tay ca múa trên nhiều sân khấu; nhưng thực sự vẫn còn quanh quẩn trong cái đáy giếng của mình. Trên hết, sau những tiếp cận với nhiều nền văn hóa và học rất nhiều bài học hay dở, con ếch thấy mình vẫn là một con ếch rất Việt Nam.

Mặc dù liên tục sống và làm việc ở Mỹ suốt 26 năm (từ 1963), sau đó, lang thang khắp 32 nước trong quãng đời còn lại, kể cả 12 năm ở Trung Quốc, tôi vẫn thấy tâm hồn mình mang đậm nét Việt Nam của một chàng trai 18 tuổi khi rời xứ sở. Nhận học bổng USAID, tôi hân hoan bỡ ngỡ trong môi trường đại học, yêu thích đến độ ước mơ lớn nhất lúc đó của tôi là trở thành một ông giáo sư khả kính của một trường đại học nổi tiếng. Nhưng dòng đời cuốn nhanh, đôi khi mình không kịp quyết định và tôi trở thành một doanh nhân bất đắc dĩ. Không thực sự muốn làm ăn kiếm tiền, nhưng “nghiệp” kinh doanh là một hấp dẫn tuyệt vời như tứ đổ tường(1) (liên tưởng thôi vì tôi không dùng hay ưa thích gì bốn món này, có lẽ chỉ… một món). Tôi bị cuốn hút trong cơn lốc xoáy của hạnh phúc lẫn đau khổ và chỉ biết an ủi mình khi thất bại, là dù sao “định mệnh đã an bài”.

Cuốn sách này tôi viết lại như một ghi nhớ trân trọng để cảm ơn cái định mệnh đó.

Và cảm ơn thì rất nhiều. Trước hết, tôi chân thành cảm ơn nhà báo Nguyễn Mạnh Dương của Doanh nhân Sài Gòn đã hỗ trợ tôi trong công việc biên soạn. Tôi xin cảm ơn Âu Ngọc Hồ, Peter Peterson đã giúp thiết kế, đánh máy, hỗ trợ soạn thảo. Tôi xin cảm ơn Công ty CP Sách Thái Hà đã rất nhiệt tình trong việc xuất bản cuốn sách này.

Xa hơn nữa, tôi phải cảm ơn những người đã giúp đỡ, cấu trúc và biến thể con người kinh doanh trong tôi. Tôi nhớ mãi những bài giảng tuyệt vời trong trường đại học của giáo sư Warren Underwood… Tôi không quên các bậc thầy về kinh doanh (mentors) đã nhào nặn tư duy của tôi như Mory Kraselnick, Henry Kauder,… Ngay cả những nhân vật tôi chỉ gặp một hai lần, không quen biết nhiều, nhưng đã có một ấn tượng sâu sắc và chỉ bảo tôi vài điều thật hữu ích. Tôi muốn nói đến Tướng Alexander Haig, ông cựu Bộ trưởng Robert Rubin, ông Boss Shaul Eisenberg, ngài Larry Elisson, Thượng nghị sĩ Jack Kemp, ngài Robert Kuok, ngài Lim Siew Leung và bao nhiêu con người “vĩ đại” khác. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn tới các bạn thân trong thương trường đã giúp đỡ tôi rất nhiều về mặt tinh thần khi thành công cũng như thất bại. Xin được cảm ơn James DeRosa, Cynthia Kacar,…

Ngoài những ân nhân, tôi cũng xin được dành đôi lời cảm ơn các đối thủ và kẻ thù. Thực sự, họ cũng là ân nhân vì đã dạy tôi rất nhiều bài học thực dụng và giữ tôi không ngã đau khi leo cao. Những cái tên như Sherman Mazur, Jerry Newman… – các bloggers vô danh trên các diễn đàn hay lăng mạ tôi – cũng phải được tri ân.

Và sau cùng, tôi xin cảm ơn các bạn doanh nhân trẻ của Việt Nam. Trong những cuộc gặp gỡ, các anh chị em đã cho tôi hứng thú để viết cuốn sách này. Dù chỉ là một con ếch, tôi đã sống một cuộc sống phiêu lưu đầy kỳ thú vì biết “lên đường”. Đừng lo sợ, nghi ngại, hãy đi tìm những cuộc phiêu lưu cho cá nhân mình, cho cuộc đời mình. Bạn sẽ gặp nhiều đắng cay, thất vọng, nhưng bạn cũng sẽ gặp nhiều may mắn, thành công. Hãy giữ vững niềm tin: Cứ đi ắt sẽ đến.

ĐỌC THỬ

MỞ ĐẦU

Ếch ngồi đáy giếng

Tính từ thời điểm học việc, tập tành khởi nghiệp rồi lăn lộn trên hai thị trường lớn và khó khăn nhất là Mỹ và Trung Quốc, cho đến nay khoảng thời gian đó đã chiếm ngót 42 năm trong cuộc đời tôi. Thật nhiều điều để nhớ và để quên. Có những lúc tham vọng thật nhiều, tiền bạc không thiếu, danh tiếng bay cao, đi khắp năm châu; nhưng có những lúc phải một mình đối diện với vực thẳm phá sản, những lời chê bai dè bỉu, những ganh tị phá hoại, rồi cả những lỗi lầm dại dột của mình. Nhìn từ tổng quan, bỏ qua những lời khen tiếng chê của thiên hạ, tôi thấy mình vẫn giống như một chú ếch ngồi dưới đáy giếng, cố leo lên vài ba bậc, cũng chỉ là sự thu gọn bầu trời trong một không gian hạn hẹp, tầm thường và thua kém.

Làm chủ ở quê nhà
Năm 18 tuổi, tôi rời Việt Nam để sang Mỹ học. Sau khi học xong, tôi có đi làm vài nơi, nhưng không hào hứng lắm với cảnh “sáng vác ô đi chiều vác về”. Thấy nhớ nhà và vẫn còn máu mạo hiểm, thích phiêu lưu ở tuổi 22, nên tôi về nước năm 1968. Sau 5 năm ở Mỹ, có chút kiến thức và bằng cấp, lại không phải chịu gánh nặng gia đình, tôi tự tin và yêu đời, dù chẳng có chút logic nào trong cảm nhận này. Có lẽ tinh thần lạc quan luôn tiềm ẩn trong mỗi người Việt, hay chỉ là cá tính tự nhiên của tuổi trẻ?

Việt Nam lúc đó còn chiến tranh, cuộc sống đầy bấp bênh với những thay đổi liên tục về chính trị và kinh tế. Mọi người tìm cách ra đi, còn tôi lại lững thững quay về. Gia đình bạn bè đều ngạc nhiên, thậm chí còn khuyên tôi nên đi khám bác sỹ… tâm lý. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, sau đó nhờ bố mẹ cố gắng làm ăn, tôi leo lên tầng lớp trung lưu, nên tôi cũng không có thế lực hay lợi điểm gì ngoài xã hội. Tôi nhập ngũ rồi về dạy học ở trường Đại học Kỹ thuật Phú Thọ (sau này là Đại học Bách Khoa TP.HCM), cuộc sống bình thường, giản dị và cũng không nhiều tham vọng. Chắc chắn khi đó tôi không có ý muốn gì về chuyện làm ăn kinh doanh. Tôi nghĩ đơn giản là ở Việt Nam vài năm, rồi quay lại Mỹ học để lấy bằng tiến sỹ với mộng ước làm một giáo sư đại học tại Mỹ.

Đến khi tôi gặp anh chàng người Do Thái của tập đoàn Eisenberg tại Sài Gòn thì mọi chuyện thay đổi hết. Tập đoàn này huấn luyện và đưa tôi vào môi trường kinh doanh của họ. Sống và làm việc với những người Do Thái một thời gian, tôi bắt đầu có tư duy như một doanh nhân Do Thái. Ban đầu chỉ làm công, nhưng tôi học hỏi rất nhanh, lại chịu khó chăm chỉ, giúp ích cho hoạt động của họ nhiều, nên được cất nhắc lên làm đối tác, hưởng 20 – 30% lợi nhuận mỗi dự án. Tôi cũng biết tự đi tìm vốn góp và khám phá rằng mình có một tài năng bẩm sinh là bán hàng, từ sản phẩm tiêu dùng nhỏ đến các công trình, thiết bị lớn.

Công ty đầu tiên tôi chính thức đầu tư và làm quản lý là Dona Foods (vẫn tồn tại đến nay sau 38 năm tại Biên Hòa). Công ty thuộc gia đình ông Hồ Vĩ Kiệt – một thương gia gốc Hoa ở Chợ Lớn. Hãng Eisenberg ký hợp đồng bán máy móc công nghệ cho công ty ông trị giá khoảng 2 triệu USD để lập một nhà máy sản xuất đồ hộp. Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ lúc đó tài trợ 75% vốn đầu tư (khoảng 1,5 triệu USD) cho dự án. Ông Kiệt phải bỏ thêm 25% cộng với tiền xây nhà máy, tổng cộng là 1 triệu USD. Sau sáu tháng, ông không kiếm được tiền để đầu tư. Lúc đó, để cứu vãn hợp đồng cung cấp thiết bị và số tiền hoa hồng của tôi, tôi tập họp bạn bè để cùng góp vốn mua lại dự án. Tôi đổi tên nhà máy thành Đông Á thực phẩm (Dona Foods) thay cho tên Đại Việt trước đây. Nhà máy hoạt động thành công nhờ nhiều hợp đồng lớn (phần lớn do khả năng bán hàng của tôi) và một thị trường nội địa rất tốt.

Bắt tay vào kinh doanh rồi, tôi mới thấy phải lo lắng đến quá nhiều thứ lặt vặt cũng như to lớn. Mới 25 tuổi đời, tôi đã mất ngủ thường xuyên. Công ty mới khởi nghiệp giống như con tàu bị thủng nhiều lỗ, vá hết chỗ này thì chỗ khác lại bị xì ra, không ngừng nghỉ. Nhưng tôi lại thấy thú vị với những cảm giác đó, có lẽ do tuổi trẻ chưa biết sợ là gì. Tôi nghĩ nếu mình già dặn khôn ngoan hơn, có lẽ chuyện Dona Foods đã không xảy ra. Nhưng cũng có thể nói, cảm giác vượt qua khó khăn rất thú vị. Khi nhà máy hoàn thành, nhìn mấy ngàn nhân viên trong dây chuyền sản xuất và cầm trên tay từng sản phẩm mới ra lò, tôi thấy rất hãnh diện. Trong ngày khánh thành, khi mọi quan khách đã về hết, tôi leo lên chòi canh của nhà máy, thả hồn suy ngẫm về “nghề” hay “nghiệp” kinh doanh và vị trí của mình trong dòng nước xoáy. Cảm giác này là động lực thúc đẩy tôi trong những lần thất bại hay thành công về sau. Tôi thấy chỉ có một cảm giác tuyệt vời hơn thế trong đời là ngày đầu tiên tôi được làm cha mà thôi.

Nhưng sự trả giá cho nghiệp kinh doanh cũng lớn tương đương với niềm vui tạo được. Khó khăn chồng chất, từ những vấn đề vĩ mô như dòng vốn luân chuyển, doanh thu hàng tháng cho đến những rắc rối nhỏ liên tục với công đoàn, thiết bị, khách hàng hay sản phẩm. Đời sống doanh nghiệp giống như mối liên hệ trong một đại gia đình phức tạp: khách hàng là cha, cổ đông là mẹ, ngân hàng là nhân tình, nhân viên là bầy con mọn, quan chức chính phủ là chú bác, các nhà cung cấp là anh chị em, các đối thủ cạnh tranh là hàng xóm láng giềng… Mọi người đều có những đòi hỏi về thời gian và tiền bạc, phi lý hay thuận lợi theo quan điểm họ và doanh nhân phải chia năm sẻ bảy sao cho vừa vặn.

Ngay cả chuyện tiếp khách cũng không đơn giản. Tôi nhớ chi nhánh bên Anh của đại công ty Carnation (Mỹ) được tòa đại sứ Mỹ giới thiệu đến mua hàng. Carnation đang thu mua sản phẩm cá thu hộp (rất thông dụng bên Anh, Mỹ) ở Tây Ban Nha và Marốc. Công ty gửi hai nhân viên qua Sài Gòn để bàn chuyện hợp đồng mua hàng. Trong khi tham quan nhà máy, khui vài hộp cá để họ thử mẫu, tôi thất kinh khi thấy có một con ruồi bên trong hộp sản phẩm. Nhanh trí, tôi chụp ngay con cá có con ruồi dính vào đó cho lên miệng ăn để họ không nhìn thấy. Tôi muốn nôn ngay ra lúc đó, nhưng chỉ biết nhoẻn miệng cười. Sau buổi làm việc, Carnation đặt mua 15 container, được báo chí đăng tải nhiều vì đây là lần đầu tiên Việt Nam có đồ hộp xuất khẩu. Đó là năm 1971.

Phong trần nơi đất khách

Năm 1975 tôi quay lại Mỹ, không còn gì ngoài 600 USD trong túi. Tất cả tài sản phải bỏ lại, kể cả năm nhà máy và hai căn nhà số 23-25 trên đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi). Ban đầu, tôi đi làm lại cho Eisenberg ở Wall Street, rồi chuyển sang nhiều công ty tài chính lớn khác trong suốt 10 năm. Lúc này, máu “giang hồ” nổi lên, tôi nhận lời đi khắp thế giới, kể cả những nơi hiểm nguy và xa lánh nhất mà không anh quản lý Mỹ (executive) nào muốn đi. Nhưng trong tôi vẫn nung nấu mộng ước doanh nhân và mỗi khi về lại Los Angeles, hay vào những buổi cuối tuần, tôi hăng say giúp gia đình cũng như theo bạn bè đầu tư mua bán (phần lớn là lỗ). Năm 1985, tôi bỏ Wall Street và bắt đầu công ty của riêng mình: Hartcourt.

Khởi nghiệp lần hai tương đối dễ hơn vì sau 15 năm, tôi đã quen biết nhiều, suy nghĩ chín chắn, tiền vốn đầy đủ. Nhưng ngược lại, thị trường bắt đầu cạnh tranh hơn, mình càng làm lớn thì đối thủ càng nhiều, càng giỏi, nhiều lần tôi phải đứng trước những hoàn cảnh tài chính hiểm nghèo. Lúc này, tôi đã biết sợ, các quyết định không còn táo bạo lanh lẹ nữa. Sự cẩn thận này cũng đồng nghĩa với việc mất đi nhiều cơ hội so với những công ty trẻ, biết đột phá và liều lĩnh hơn.

Khi khởi nghiệp, mô hình làm ăn của Hartcourt cũng giống với Eisenberg là chuyên bán công nghệ thiết bị Âu, Mỹ cho các nước đang phát triển. Thị trường chính là Nam Trung Mỹ (Latin America). Tôi yêu các xứ sở và dân tộc này, nhưng làm ăn nơi đây rất phức tạp vì tư duy của họ khác hẳn với người Mỹ hay người Á Châu. Doanh thu kiếm được vất vả, tiền bản địa phá giá thường xuyên (Argentina, Brasil và Mexico thời đó), tôi thua lỗ liên tục suốt hai năm đầu. Tôi quyết định quay trở lại Trung Quốc năm 1988, tận dụng các quan hệ tạo dựng từ thời còn làm công cho Wall Street. Tình hình tài chính của Hartcourt đã khá lên, nhờ vài hợp đồng lớn và các nhà đầu tư thế giới bắt đầu xì xầm về những cơ hội đang mở rộng của thị trường Trung Quốc.

Nhìn phiến diện, thị trường Trung Quốc với 1,3 tỉ dân, dang rộng cửa đón chào đầu tư nước ngoài, hứa hẹn rất nhiều cơ hội vì đời sống người dân còn nhiều nhu cầu. Khi mới nhập cuộc tôi rất hào hứng, luôn nghĩ là mình có lợi thế cạnh tranh và mọi chuyện sẽ thành công suôn sẻ. Tôi đầu tư xây một nhà máy 12 triệu USD để sản xuất bút viết và dụng cụ văn phòng. Nhưng chỉ vài năm sau là cả một sự thất vọng từ nhiều yếu tố (mà tôi sẽ kể lại ở các phần sau của cuốn sách), kể cả vụ Thiên An Môn làm các nhà đầu tư nước ngoài chạy khỏi Trung Quốc, gây ra những thiếu hụt trầm trọng về vốn ngoại tệ.

Tôi lại loay hoay gom tiền về Mỹ, rồi qua Mexico mua lại một nhà máy sản xuất hộp truyền hình cáp. Việc kinh doanh này cũng khá, nhưng vì chỉ làm gia công cho hãng General Instrument (sau thuộc tập đoàn Motorola) nên cũng chẳng được bao nhiêu lợi nhuận. Sau bảy năm lăn lộn trên thương trường, tôi từng so sánh và suy nghĩ, nếu còn làm ở Wall Street thì tiền kiếm được có lẽ cũng còn nhiều hơn số tiền mình đang làm với tư cách chủ doanh nghiệp, mà lại chẳng bị đau đầu hay mất ngủ.

Mặt trái của nghề kinh doanh là những áp lực thường xuyên về mọi mặt, đến nỗi một doanh nhân không có thời gian để luyện tập thân thể (nhiều khi vệ sinh cá nhân cũng phải nhịn vì cuộc họp đang sôi nổi) làm sức khỏe suy sụp rất nhanh. Rồi những áp lực đó lại ảnh hưởng đến gia đình, hay gắt gỏng, gây gổ với vợ con. Nhiều khi còn đem cả hình ảnh những khách sạn năm sao ở khi đi công tác so sánh với ngôi nhà của mình và kết luận tư cách phục vụ kiểu này chỉ đáng… một sao. Con người độ lượng, vui tươi, lạc quan, dễ tính, yêu đời, yêu người, yêu nghệ thuật của tôi bị biến đổi trầm trọng từ tất cả những áp lực đó.

Chạy khỏi Trung Quốc, rồi về Mỹ cũng không có thành công gì đáng kể, tôi bắt đầu nghi ngờ trí thông minh, sự khôn ngoan, kỹ năng bán hàng và phương cách quản trị của mình. Nhưng internet bắt đầu xuất hiện, công nghệ thông tin (IT) được các nhà đầu tư mạo hiểm coi là biên giới mới của nền kinh tế. Tôi cũng say mê với những phát minh đầy sáng tạo của Thung lũng Silicon, nên quyết định đưa Hartcourt nhảy vào lĩnh vực này như một hi vọng cuối cùng cho sự nghiệp kinh doanh của mình.

Dù có nhiều kiến thức khoa bảng ở đại học, nhưng cũng như mọi người thời đó, với tôi, IT và internet là những khám phá vô cùng mới mẻ, càng học càng thấy mình ngu dốt, không bén nhọn như những đứa trẻ mới 12, 13 tuổi đời. Lúc đó là năm 1995, tôi đã ở tuổi 50 và không còn thấy gì hấp dẫn nữa sau gần 30 năm lăn lộn mưu sinh và xây dựng sự nghiệp. Nhưng cũng thật bất ngờ, khi nhảy vào việc kinh doanh IT, tôi lại bị cuốn vào cơn lốc lịch sử của cuộc cách mạng công nghệ. Thế giới mới của nền kinh tế toàn cầu hóa cũng đem lại rất nhiều thay đổi trong giao dịch mua bán xuyên quốc gia. Dòng sông ngày xưa nay đã thực sự biến thành biển cả.

Lúc đó, Trung Quốc cũng bắt đầu hồi phục sau khủng hoảng Thiên An Môn và thị trường IT nơi đây hứa hẹn nhiều tiềm năng. Tôi nghĩ mình sẽ có nhiều thế mạnh cạnh tranh ở Trung Quốc hơn là ở Mỹ, vì sự phát triển IT ở Trung Quốc chậm hơn Mỹ khoảng 10 năm. Do đó, tôi dời qua Hồng Kông sinh sống và đi đi về về lục địa Trung Quốc làm ăn, gây dựng lại quan hệ với bạn bè cũ. Tôi mua nhà ở Thượng Hải 5 năm sau đó. Hai năm sau, khoảng vào năm 1998, cổ phiếu Hartcourt lên như diều (từ 0,75 đến 20 USD mỗi cổ phiếu vào năm 2000), nhất là vào thời điểm vàng son của bong bóng dotcom. Có thể nói, thành công đó không thực sự là do tài năng, mà là tôi may mắn tích hợp được thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nhiều người trẻ Trung Quốc lúc đó muốn kinh doanh về IT, nhưng họ không có tiền. Tôi giống như người anh đỡ đầu của họ và cả hai đều dựa vào nhau để cùng phát triển. Thị giá công ty Hartcourt lúc đó lên tới gần 700 triệu USD và tôi sở hữu hơn 30% cổ phần của công ty. Tôi bắt đầu trở nên mù quáng và thấy mình là một đại gia tài ba có thể tạo dựng một Microsoft, Cisco System, Yahoo mới của Trung Quốc.

Tham vọng cùng những lời ca tụng, tâng bốc đã đẩy tôi đi quá xa thực tế. Tôi kiêu căng, liều lĩnh và mất đi trọng điểm về mục tiêu công việc cũng như đời sống cá nhân. Đây là lúc nguy hiểm nhất, gây ra nhiều sai lầm nhất. Một người bạn từng nói rằng khi chơi bài, nếu con bài quá tệ, anh sẽ không thua quá lớn. Nhưng khi bài có vài con ách thì lúc đó là mình dễ chết nhất. Warren Buffet cũng từng nói: “Ta nên sợ khi thấy thiên hạ xung quanh ham và nên ham khi thấy xung quanh sợ”. Tôi chưa có kinh nghiệm về những bài học này, nên bắt đầu phát triển Hartcourt ào ạt khi bong bóng dotcom bắt đầu xìu xuống. Các đầu tư dàn trải đòi hỏi một nhu cầu về vốn rất cao mà Hartcourt không thể kiếm được khi bong bóng vỡ. Đến năm 2002, thị giá Hartcourt chỉ còn hơn 100 triệu USD và Ủy ban Chứng khoán Mỹ lại liên tiếp sách nhiễu Hartcourt cùng tôi với nhiều vụ kiện. Tôi phải tái cấu trúc Hartcourt thành năm công ty nhỏ hơn để tránh áp lực và dù thắng kiện, tôi rời khỏi Hartcourt sau 17 năm làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.

Tôi qua Úc học thêm bằng tiến sĩ về Quản trị Doanh nghiệp (DBA) và thành lập quỹ đầu tư riêng cho gia đình (Viasa Fund).


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button