Kinh doanh - đầu tư

1001 Cách Làm Giàu

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Quốc Khánh – Thu Minh

Download sách 1001 Cách Làm Giàu ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : KINH TẾ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Trong cuộc sống hiện nay, bất cứ việc gì cũng phải dùng đến tiền, đấy là còn chưa kể đến nhà ở, xe cộ, nhu cầu giải trí,… Chỉ nói riêng việc mỗi con người từ khi ở nhà trẻ, đi học, tốt nghiệp, đi làm cho đến khi xây dựng gia đình, sinh con đã phải tiêu rất nhiều tiền, thật khó tưởng tượng một người không có tiền thì sẽ sống thế nào trong xã hội như vậy.

Làm giàu là cả một nghệ thuật. Không phải ai có tiền là cũng biết cách quản lí, biết cách đầu tư. Có những người kiếm được kha khá tiền thì giữ và gửi ngân hàng, không biết làm thế nào để sinh lợi nhiều hơn, họ coi đó như là số tiền dự phòng, hưởng tuổi già, hoặc có chút tiền thì nghĩ rằng sẽ chẳng thể làm giàu được nếu đầu tư nhằm sinh lợi. Trên thực tế lại không hẳn như vậy. Nếu bạn biết cách sử dụng đồng tiền thì không những tiền đẻ ra tiền mà hoàn toàn có thể đầu tư nhỏ mà thu lợi lớn. Thậm chí vừa vui chơi, giải trí mà vẫn sinh lợi nhuận. Vậy làm thế nào để ta có thể thực hiện được điều đó. Cuốn sách 1001 cách làm giàu sẽ trả lời cho bạn câu hỏi này. Nắm vững các điểm chủ yếu trong cách quản lí tài chính thì bạn có thể lập cho mình kế hoạch chi tiêu, đầu tư và tránh được rủi ro, giảm bớt tổn thất, có thể giành được hiệu quả tốt nhất trong việc đầu tư. Có nghĩa là phải sử dụng đồng tiền sao cho đảm bảo ba yếu tố: tính lưu động, tính an toàn và hiệu quả. Phải nắm lấy từng cơ hội để đầu tư thế nào cho kịp thời… để thực hiện được những mục tiêu này đòi hỏi phải giải quyết bằng sự nhạy bén với tình hình thị trường. Làm chủ được đồng tiền có thể làm cho bạn đàng hoàng đối mặt với cuộc sống.

Phương thức đầu tư mà người ta thường sử dụng phần lớn vẫn là những phương thức bảo thủ, mang tính tiêu cực như gửi tiết kiệm, bảo hiểm… Đối với đại bộ phận thì số tiền của họ có được là do tích luỹ dần theo phương thức “Kiến tha lâu cũng đầy tổ”. Kì thực, phương thức này không phải là không tốt nhưng chúng ta nên áp dụng đầu tư đa dạng hoá để thu nhiều lợi nhuận và phân tán được rủi ro.

Trong cuốn sách này bạn sẽ bắt gặp một số quan niệm khá mới về nghệ thuật kiếm tiền như tiêu tiền cũng là một cách kiếm tiền, kiếm tiền bằng cách đầu tư cửa hiệu hay sở thích sưu tập, vật nuôi trong nhà cũng đẻ ra tiền. Kiếm tiền không phải là mục đích duy nhất của cuộc sống, mà là tạo điều kiện để chúng ta sống tốt hơn. Chúng tôi mong muốn tất cả các bạn đọc đều thành công với hai bàn tay và khối óc của mình. Không những có nhiều tiền để hưởng thụ cuộc sống mà còn biến của cải trở thành hạnh phúc lâu bền.

Chương 1 MUỐN LÀM GIÀU PHẢI HỌC CÁCH TIẾT KIỆM

Hiện nay có thể bạn rất giàu có thì cũng không thể có một nguồn tiền vô tận. Kể cả những tập đoàn lớn, trong nhiều kế hoạch phát triển cũng có lúc không đủ tiền. Người xưa nói: “Đại phú do thiên, tiểu phú do kiệm” (giàu lớn do trời, giàu nhỏ do tiết kiệm). Tuy chúng ta không cần phải tiết kiệm tới mức thắt lưng buộc bụng, nhưng phải tránh những lãng phí không cần thiết. Trong việc hưởng thụ mọi người cũng nên có sự tiết kiệm hợp lí. Giảm lãng phí, giảm chi không cần thiết thì của cải mới tích tụ lại dần dần.

  1. TIẾT KIỆM

Tiền ít nhưng không nhỏ, tích tiểu thành đại. Trên một tờ báo của Mĩ nói về một nhà triệu phú, ông ta chỉ là một người quản lí khách sạn. Có người nghi ngờ: Một người quản lí lương không cao, làm sao lại có những khoản tiền gửi lớn như vậy? Trên thực tế những khoản tiền này đương nhiên không phải bỗng dưng mà có, đó là từ những khoản tiền gửi nhỏ tích lại.

Chăm chỉ thì sẽ tăng thu nhập, tiết kiệm bằng việc giảm chi phí, chỉ có chăm chỉ và tiết kiệm thì mới có thể giàu có được, nếu chỉ biết dùng mà không biết tiết kiệm thì của cải sẽ trôi dần đi hết. Vì vậy, tiết kiệm là rất quan trọng. Cầm, kiệm phải đi đôi với nhau.

Các thương nhân sau khi kinh doanh trở thành giàu có thường có hai trạng thái: Một loại tiêu pha xa xỉ, coi tiền như rác, một loại thì vẫn sống tiết kiệm giản dị, chỉ tiêu nửa tiền. Kinh doanh thành công thuộc về loại sau.

Ngày xưa đã có câu: Thành đạt do tiết kiệm, thất bại do cờ bạc. Tiết kiệm có thể tích tiểu thành đại, tích cát thành tháp (xây cát thành lâu đài)

Kì thực, có rất nhiều người từ nghèo trở thành giàu có, cả đời rất tiết kiệm. Ví dụ như Lý Gia Thành, từ trước đến nay không hề chú ý đến quần áo, giày dép là của hãng nào, một bộ comple ông mặc mười mấy năm là chuyện bình thường, 10 đôi giày thì có 5 đôi cũ, giày hỏng thì ông đem khâu lại dùng. Chiếc đồng hồ đeo tay luôn chạy nhanh 10 phút ông vẫn dùng thường xuyên, hơn nữa đó là chiếc đồng hồ điện tử nhiều năm. Để kịp thời gian, mấy chiếc bánh quy rẻ cũng trở thành bữa ăn ngon.

Báo đăng có một người chịu khó tiết kiệm, thích tích của làm giàu. Khi nhà chưa giàu thì cả nhà ngày ăn hai bữa, khi giàu rồi thì ngày ăn ba bữa nhưng cũng chỉ là thêm bữa cháo. Khách đến nhà họ cũng không mời ăn. Trong nhà chẳng có xe cộ gì. Phụ nữ thì tiết kiệm nổi tiếng, nhà tuy giàu nhưng mấy tháng họ cũng không thịt cá. Buổi tối hàng ngày thì dệt vải, hàng xóm luôn nghe thấy tiếng máy dệt. Con cái đi thi cũng ăn mặc giản dị, đi bộ lên thành phố để đỡ tiền tàu xe. Người ngoài mới nhìn cứ tưởng đây là con nông dân nghèo khổ, hỏi kĩ thì mới biết đấy là con nhà giàu có.

Cũng có người nói” Như vậy thì sĩ diện để đâu?”. Khi bàn chuyện làm ăn thì cũng phải giữ sĩ diện một chút, nhưng chỉ cần đạt được mục đích là được, chẳng cần phải quá phô trương.

Chúng ta hãy xem xét một ví dụ sau đây thì sẽ rõ: Tháng 5 năm 1999, cậu con trai thứ hai của Lý Gia Thành là Lý Trạch Giai xuất thân từ gia đình có tài sản hàng triệu đô-la Hồng Kông – Khi tiếp nhà báo đến phỏng vấn, trên tay ông ta đeo một chiếc đồng hồ hiệu Swatch, chân đi đôi giày “cá cơm trắng”, loại giày bình thường bày bán trên phố ở Hồng Kông, một đôi giá chỉ 15 đô-la. Trừ trường hợp chính thức, để biểu thị sự tôn trọng đối với chủ nhà, ông ta mới mặc lễ phục. Lý Trạch Giai bình thường chỉ ăn mặc như người bình dân, nhiều lắm là khoác thêm chiếc comple. Khi tham gia hội nghị trao giải thưởng cho các nhà doanh nghiệp xuất sắc do “Nam Hoa tảo báo” và DHL cùng tổ chức, ông cũng không thắt carvat. Về ăn uống hằng ngày, ông có phong cách ăn nhanh, chỉ cần no bụng là được rồi.

Hiện nay, tỉ phú không ít nhưng rất nhiều người trong số họ chỉ thích sống như những người bình thường, có người tiết kiệm thậm chí tới mức khó có thể tin được.

ĐỌC THỬ

Chương 2 MỘT KIỂU TƯ DUY KHÁC VỀ LÀM GIÀU – TIÊU TIỀN CŨNG CÓ THỂ KIẾM RA TIỀN

Tiêu tiền mà cũng có thể kiếm được ra tiền à? Đây nhất định là chuyện nghìn lẻ một đêm! Có người sẽ khẳng định như vậy! Nhưng đây lại là sự thật trăm phần trăm, tiêu tiền quả thật có thể kiếm ra tiền.

Mọi người có lẽ đều hiểu như thế này: Trong quá trình sử dụng đồng tiền, giảm bớt chi tiêu thì cuối cùng lại tăng chi, còn tăng tiêu dùng thì lại giảm chi, cũng giống như là kiếm được một món tiền. Ví dụ như chi phí cho sức khỏe giáo dục cuối cùng đều kiếm ra tiền.

  1. QUẢN LÍ TÀI CHÍNH CÒN PHẢI BIẾT TIÊU TIỀN

Kinh doanh làm ăn kém thì sẽ bị lỗ vốn, kinh doanh làm ăn tốt thì sẽ kiếm ra tiền; quan trọng là ở chỗ chi tiêu có thoả đáng không. Chúng ta nhất định đã nhìn thấy tình trạng như thế này: Một cửa hàng làm ăn phát đạt, tưng bừng náo nhiệt, nhưng chỉ trong một đêm thì đột nhiên ông chủ và nhân viên tan tác mọi nơi. Nhưng một số cửa hàng khác, trông thì rất tiêu điều, cả ngày cũng chẳng thấy khách hàng nào vào mua, nhưng chỉ ít lâu sau, ông chủ cho thay đổi sửa sang cửa hàng, làm ăn tốt dần lên. Làm ăn tốt sao lại phải đóng cửa, làm ăn không tốt sao lại phát tài, bạn có biết vì sao không?

Thì ra, tình hình kinh doanh của một cửa hàng nhìn bề ngoài thì rất khó để biết là tốt hay xấu. Kinh doanh tốt sở dĩ không kiếm ra tiền chính là bởi quản lí nội bộ không tốt, chi tiêu quá lãng phí, dần dần thu không bù được chi, cuối cùng thì lỗ vốn. Ngược lại, có một số cửa hàng làm ăn không tốt, nhưng nội bộ quản lí nghiêm, có thể tính toán thu nhập rồi mới chi, ngày càng có dư thừa, tích tiểu thành đại, vốn phát triển dần.

Rất nhiều người kinh doanh trẻ tuổi thường không chú ý đến quan điểm tiết kiệm truyền thống, cho rằng như vậy là nhỏ nhặt không làm được việc lớn. Điều này quả thật cũng có cái lí nhất định. Thời đại ngày nay đã tiến bộ rồi, mức sống của mọi người đã được nâng lên cao rất nhiều. Nhưng bạn đã suy nghĩ kĩ chưa, chỉ cần bạn không cứng nhắc máy móc, sử dụng linh hoạt cái lí ở trong đó thì sẽ giúp rất nhiều cho việc kinh doanh làm ăn.

Bất luận là làm việc gì cũng không tránh khỏi những chi tiêu cần thiết. Cái gọi là tiền nhỏ không xuất thì tiền lớn không vào chính là ở chỗ này. Nếu cứ keo kiệt bủn xỉn, cái cần chi không chi thì sẽ vì cái nhỏ mà mất cái lớn, mất cả làm ăn lớn.

Nhưng, cuối cùng thì cái gì là những cái cần phải chi và cái gì là chi lãng phí? Trước hết bạn phải xem xét từ tình hình thực tế trong việc làm ăn của bạn. Chẳng hạn như việc mua xe ô tô, nếu nhu cầu làm ăn của bạn cần thì mua xe không phải là việc xấu, nếu chưa thật cần thiết lắm thì mua xe phải tiêu một khoản tiền, thuê lái xe cũng mất một khoản tiền, bảo dưỡng xe cũng phải tiêu tiền. Vậy tại sao bạn lại phải khổ như vậy? Phải biết rằng một khoản tiền chi ra đều là tiền do bạn vất vả mới kiếm được.

Thêm nữa, bạn phải xem những khoản chi này có đem lại lợi ích đáng có cho bạn không, nó có nâng cao hiệu quả kinh doanh hay không? Có đem lại lợi nhuận cần thiết không? Nếu đem lại lợi ích cho bạn thì hãy vui vẻ chi, không được mơ hồ, nếu không đạt được hiệu quả như mong đợi thì phải kiên quyết cắt bỏ khoản chi này. Bill Gate là người giàu nhất thế giới hiện nay, bí quyết của ông là biết đầu tư. Ông cũng không khác gì những đứa trẻ khác ở Mĩ, bắt đầu từ nghề đưa báo để sinh sống, nhưng ông hơn người khác ở chỗ hiểu được giá trị sau này của đồng tiền sớm hơn, cho nên ông giữ chặt từng đồng xu khó khăn mới kiếm được. Khi ông nhìn thấy trong cửa hàng bán chiếc ti vi giá 400 đô-la, cái mà ông nhìn thấy không phải là giá 400 đồng trước mà là giá trị của 400 đô-la của 20 năm sau. Vì vậy ông thà đi đầu tư chứ không chịu mua chiếc ti vi. Cách nghĩ như vậy khiến ông không thể tuỳ tiện đi mua những thứ không cần thiết.

Biết chi tiêu hay không cũng có thể nhìn thấy được người làm ăn kinh doanh có thông minh hay không. Có một số người chỉ keo kiệt, khoản chi nào cũng muốn tiết kiệm, vốn cần phải chi 1.000 đồng thì chỉ muốn chi 800 đồng thôi, kết quả là tiền tiêu bớt đi nhưng để lại ấn tượng không tốt cho người khác, trong làm ăn còn mất cái lớn hơn. Còn một số người làm ăn thông minh, cái cần chi thì rất rộng tay thoải mái, không thể hiện keo kiệt bủn xỉn, tiêu tiền tự nhiên rất có hiệu quả. Đối với những khoản không cần thiết phải chi thì tuyệt đối không chi giống như một con gà trống sắt, một cái lông cũng không nhổ được. Như vậy mới là người làm ăn chân chính và có triển vọng.

  1. Tiêu tiền cũng phải có kiến thức

Quản lí tài chính không phải là giữ tiền, quản lí tài chính là phải tiêu tiền nhưng là tiêu tiền có hiệu quả. Trong tiêu tiền có rất nhiều điều huyền diệu, tiêu tiền cũng là một môn khoa học.

(1) Học cách mặc cả.

Mặc cả là một nghệ thuật, người biết mặc cả thường có thể tiết kiệm được nhiều tiền. Muốn biết mặc cả thì có rất nhiều kinh nghiệm để học tập. + So sánh hàng hoá ở cả ba nơi: Nói chung, trước tiên bạn phải có sự tìm hiểu nhất định về giá bán của loại hàng hoá này, sau đó bạn phải tìm hiểu về chất lượng, tính năng và sự ứng dụng của hàng hoá đó, chỉ có tính toán kĩ thì mới có thể bất thình lình tấn công vào chỗ không phòng bị, như vậy thì mới không bị mắc lỗi.

+ Không chút nể nang: Nếu bạn rất hài lòng với hàng hoá của một cửa hàng nào đấy thì cũng không nên biểu lộ ra, nhất định phải thẳng tay chỉ ra lỗi của hàng hoá, đến khi chủ hàng mất lòng tin, cảm thấy hàng hoá này không đáng nhiều tiền vậy thì bạn mới trả thấp hơn giá bạn định mua, như vậy mới có chỗ mặc cả. Ví dụ: Bạn nhìn thấy một chiếc áo khoác ghi giá 160.000 đồng, bạn cảm thấy đáng 80.000 đồng, vậy bạn có thể trả giá 60.000 đồng, cuối cùng qua quá trình mặc cả, bạn có thể thỏa thuận được với giá 70.000 đồng, như vậy còn rẻ hơn so với tưởng tượng của bạn. Nếu vừa mới bắt đầu bạn đã trả giá 80.000 đồng thì chẳng còn chỗ để mặc cả nữa, phải nhớ rằng “ bổ” càng hăng thì càng có khả năng thành công.

+ Quan sát môi trường mua hàng Môi trường bán hàng của một cửa hàng gồm có đất đai, địa thế, trang trí, diện tích, phẩm chất nhân viên,… địa thế càng tốt, diện tích càng tốt thì tiền thuê càng cao; trang trí càng tốt thì giá thành càng cao; nhân viên càng nhiều, tiền lương phải chi trả càng nhiều. Như vậy, giá thành của cửa hàng càng cao thì giá bán của từng loại hàng khẳng định là sẽ cao hơn cửa hàng khác, cho dù có “bổ” giá thêm nữa thì cũng không thể thấp hơn giá thành, nên đừng có ham cửa hàng lớn.

+ Đừng có luyến tiếc. Trong quá trình mặc cả, thái độ của bạn rất quan trọng, người bán hàng thường đều biết quan sát lời ăn tiếng nói và sắc mặt của bạn, nếu bạn lộ rõ sắc mặt tán thưởng hoặc biểu hiện rất thích thú như nắn nắn, xem xem, đặt xuống rồi lại cầm lên thì đều bị anh ta tóm được, từ đó nâng cao giá, nếu bạn quả thực muốn đạt được nguyện vọng thì không nên biểu lộ ra, giả bộ có thể mua cũng có thể không mua, đừng sợ là đã mặc cả quá lâu, cuối cùng thì cũng đừng có luyến tiếc, đặt xuống rồi đi không nói thêm câu nào nữa, nếu cuối cùng người bán không gọi bạn lại thì bạn chuyển sang cửa hàng khác để mua cũng không muộn.

(2). Giảm giá (chiết khấu) hàng hóa, phân biệt kĩ thật giả.

Thông thường, mùa đông hàng năm hoặc thời kì đổi mùa, các cửa hàng vẫn thường có hoạt động giảm giá. Thời kì đầu giảm giá quả thật là cũng có thể mua được một số hàng tốt, giá rẻ, thời kì cuối của giảm giá hầu như chỉ còn lại những hàng tồn xấu, không tìm thấy hàng tốt. Nguyên nhân của giảm giá có nhiều: Như do thay đổi mùa vụ, không đủ quy cách, chất lượng kém, sản phẩm cũ, giải quyết hàng tồn do đóng cửa ngừng hoạt động,… Tóm lại, nguyên nhân giảm giá có rất nhiều, nhưng chưa hẳn đều là hàng rẻ thực sự, hoặc là đúng như câu nói “của rẻ là của ôi”. Để tiến hành giảm giá hàng hoá, mua được hàng hoá vừa ý mình, thực sự cũng là một môn khoa học. Khi cửa hàng triển khai hoạt động khuyến mại có thưởng, thường sẽ đưa những biện pháp tiêu thụ thu hút khách hàng, nếu bạn thực sự muốn mua hàng thì chẳng ngại gì mà không tính đến quà tặng kèm theo.

(3). Chú ý thực phẩm theo mùa

Bà chủ gia đình trong xã hội hiện đại không thể chỉ vì một, hai hào khi mua rau, hoa quả mà phải kì kèo mất thời gian. Nhưng trong chi tiêu gia đình, đề tài dễ khai thác nhất chính là các khoản chi cần thiết hằng ngày. Chúng ta ngày nào cũng phải mua thức ăn, nếu mỗi ngày tiết kiệm được 2.000 đồng thì một năm là 720.000 đồng, mỗi năm tiết kiệm 720.000 đồng thì tính lãi suất 30%, cuối năm sẽ được 96.000 đồng. 40 năm sau sẽ là 38.400.000 đồng, có thể thấy rõ công sức: “Những giọt nước nhỏ tích lại thành dòng nước, dòng nước hội tụ lại thành sông”.

Làm thế nào để đảm bảo cho các thành viên trong gia đình được ăn uống tốt mà lại đạt được mục đích tiết kiệm tiền?

Mua rau xanh, hoa quả theo mùa là phương pháp đơn giản nhất. Hoa quả của mùa hè mãi mãi là ngon nhất, rẻ nhất trong mùa hè. Nếu là rau quả trồng nhân tạo thì giá phải đắt hơn 2 đến 3 lần.

Ngoài ra, ở nhiều vùng, nhiều gia đình đều có phương pháp bảo quản rau xanh tại chỗ, như nhiều gia đình đã chế biến rau khô, rau muối, nén,… Khi thị trường có nhiều rau thì có thể chế biến các loại rau muối, đúng là một phương pháp tốt để tiết kiệm tiền, đồng thời lại có thể dùng rất tiện.

(4). Mua gộp hàng hoá, để hưởng giá bán buôn.

Hiện nay có nhiều chợ có thể bán buôn, một gia đình mua hàng loạt, có thể mấy tháng dùng không hết, thậm chí còn để quá hạn sử dụng. Cho nên, có rất nhiều địa phương hiện nay có các tập thể mua buôn. Mấy gia đình hoặc đồng nghiệp trong tập thể, đơn vị cùng chung nhau mua hàng loạt đồ dùng hằng ngày, hoa quả để có thể được hưởng giá bán buôn. Không nên xem nhẹ giá chênh lệch giữa bán buôn và bán lẻ, vì mua theo giá bán buôn một tháng bạn sẽ tiết kiệm được một khoản tiền.

(5). Chú ý chi tiêu nhỏ gộp lại thành chi lớn

Thói quen tiêu dùng rất khó thay đổi, vì thế khi mua bán tốt nhất phải chú ý rèn luyện thói quen tiết kiệm từ những chỗ nhỏ, để tránh việc từ những chi tiêu nhỏ tích góp lại thành chi tiêu lớn. Ví dụ như thức ăn bán trong siêu thị nhất định sẽ đắt hơn ngoài chợ bình thường, nếu không vội, có thời gian bạn cố gắng vào chợ mua sẽ rẻ hơn.

Mọi người đều rất hay chú ý đến những khoản chi lớn, nhưng lại không để ý đến những khoản chi nhỏ, kết quả là làm cho của cải vô tình trôi mất, cộng thêm giá trị của thời gian, đó chính là họ đã lãng phí một khoản tiền không nhỏ.

(6). Xem hàng hoá ở ở ba cửa hàng rồi hãy quyết định mua

Hàng hoá trong thị trường rất phong phú, một sản phẩm nào đó thường không có giá bán thống nhất, vì vậy khi lựa chọn mua, tốt nhất là sau khi xem xét tính năng nhãn hiệu, số loại, hỏi thăm mấy cửa hàng để đảm bảo chắc chắn rằng hàng của bạn đã mua không bị hớ so với cửa hàng khác.

Thường ở các thành phố đều có các chợ bán buôn, máy thu thanh loại nhỏ, bộ dàn âm thanh đều có bán, giá rẻ hơn chợ chính quy từ 20% đến 50%, nhưng do chất lượng không đảm bảo chắc chắn, giá cả dao động cũng rất lớn, khi lựa chọn mua, tốt nhất nên đi cùng với người bạn nào biết mua để tránh bị lừa. Ngoài ra, hỏi giá ở một vài cửa hàng vẫn là một trong những phương pháp tiết kiệm tốt nhất.

(7). Cố gắng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện hiệu quả cao

Ví dụ về việc chiếu sáng, hiệu suất phát quang của đèn nê-ông tiên tiến cao gấp 3 lần đèn chiếu sáng bình thường. Cho nên dùng bóng đèn loại này có thể tiết kiệm được trên 60% lượng điện chiếu sáng. Giá bán một bóng đèn tiết kiệm điện này cao hơn 5 đến 10 lần bóng đèn bình thường, nhưng tuổi thọ sử dụng cũng cao hơn 3 đến 5 lần. Các chuyên gia sau khi tính toán cho rằng: dùng bóng đèn nê-ông tiết kiệm điện thì tỉ lệ lợi nhuận đầu tư là 20% đến 60% (liên quan đến giá điện tại địa phương) .

Đặc biệt là hiệu quả của việc sử dụng thiết bị tiết kiệm điện đối với toàn xã hội là rất rõ rệt. Sử dụng thiết bị tiên tiến sẽ tiết kiệm được điện, từ đó có thể tiết kiệm được đầu tư của nhà nước vào việc xây dựng phát triển nhà máy điện. Đối với mỗi nhà, mỗi hộ, tiết kiệm được mấy trăm W điện thắp sáng là một con số nhỏ, nhưng đối với một số thành phố có hàng triệu người thì có thể tiết kiệm được hàng vạn KW, đó là quy mô của một nhà máy điện lớn. Cùng với việc nâng cao mức sống của chúng ta, giá tiêu dùng của các loại điện nước, gas, điện thoại, điều hoà trong gia đình cũng tăng lên. Có rất nhiều gia đình, tiền điện hàng tháng, tiền điện thoại, tiền máy điều hoà, tổng cộng là một số tiền có thể tới 400 đến 500 đồng. Nếu sử dụng thiết bị tiết kiệm điện thì các khoản tiền tiêu dùng này có thể giảm xuống được một nửa, như vậy một năm có thể tiết kiệm được khá nhiều tiền. Nếu thay dùng thiết bị tiên tiến thì đầu tư cần thiết lại không phải là nhiều.

(8). Tự mình bắt tay vào làm một số việc có thể làm được

Hiện nay tiền nhân công ngày càng đắt ví dụ như: vá săm xe đạp, sửa chiếc ô, sửa đôi giày, sửa một chiếc áo, nếu hàng hoá chất lượng không cao, đôi giày vừa mới mua đi một tháng đã hỏng rồi, sửa vài lần rồi, đi thì khổ mà vứt đi thì tiếc.

Thực ra, những việc như thế này có thể tự làm được và cũng không khó khăn gì.

Tự tay làm thì phải có một bộ dụng cụ đơn giản, có đồ nghề rồi thì có thể giải quyết được những phiền phức có thể gặp phải trong cuộc sống thường ngày ở gia đình như: vòi nước bị rò chảy, bệ xí bị tắc, sơn tường bị bong, nóc nhà dột,…

Thông thường, một bộ đồ nghề đầy đủ gồm có: kìm cắt thép, kìm vạn năng, búa, cưa, kìm điện, dao, bàn chải, keo, ni lông, đinh sắt, dây thép, dây bảo hiểm, kéo,… chỉ cần một số tiền nhỏ là mua được bộ đồ nghề này.

Để có thể tự làm được thì bạn cần có một quá trình học tập. Các sách nói về lĩnh vực này thì được xuất bản ở nước ngoài rất nhiều, trong nước xuất bản ít hơn, chủ yếu là bạn tự học và nhờ bạn bè, đồng nghiệp dạy cho, từ đơn giản đến phức tạp, từng bước một, dần dần tích luỹ kinh nghiệm thì bạn có thể trở thành chuyên gia về lĩnh vực này, đồng thời cũng có thể tiết kiệm được một khoản tiền thuê nhân công khá lớn.

Đặc biệt cần phải nhắc nhở là tuy tự làm lấy mọi việc thì tiết kiệm được tiền nhưng phải chú ý đảm bảo an toàn, nhất là sửa chữa hoặc kiểm tra đường điện đều phải chú ý đến an toàn để tránh cái được không bù được cái mất.

  1. TIÊU TIỀN TRONG GIÁO DỤC: CHI TIÊU CŨNG LÀ MỘT LOẠI ĐẦU TƯ

Về mặt kinh tế, đầu tư là chi phí nhiều hơn vì tương lai. Cùng với việc đổi mới liên tục về quan niệm của mọi người, trong xã hội thường giải thích đầu tư là: dùng tiền vào một chỗ nào đó để mong đạt được một cái gì đó. Từ “đầu tư” hiện nay ngày càng được nhiều người sử dụng và truyền bá, như đầu tư trí tuệ, đầu tư sức khoẻ, đầu tư tình cảm,…, đầu tư về mặt phẩm chất năng lực của mình là đầu tư về nguồn nhân lực và cũng là đầu tư có lợi ích lớn nhất.

Chúng ta hãy cùng nhau xem một ví dụ. Henry – Burayton là một nhà triệu phú, phải nói rằng trên thế giới này chẳng có ai bận rộn hơn ông. Khi con người bận rộn này xuất hiện đã là tổng giám đốc của công ty Servo của Mĩ, tuy của cải nhiều đến mức mấy đời con cháu tiêu cũng không hết nhưng ông vẫn không ngừng học tập, sau mỗi ngày làm việc vất vả ông còn bỏ tiền ra đăng kí học bồi dưỡng ở các lớp học buổi tối, lần này ông chọn môn vẽ phác hoạ. Sao ông lại đi học môn vẽ phác hoạ? Câu trả lời của ông khiến người khác rất cảm động: “Bởi vì vẽ phác hoạ có thể mở rộng kiến thức một cách có hiệu quả và tăng cường khả năng sáng tạo của tôi”.

Tuy bây giờ đã công thành danh toại nhưng ông cho rằng, đây chưa phải là điểm cuối cùng của sự cố gắng trong đời. Xã hội còn đang phát triển, thời đại không ngừng tiến bộ, nếu muốn theo kịp thời đại phải không ngừng học tập, ông cho rằng tiền có nhiều nữa thì vẫn là thứ bên ngoài con người, chỉ có chuyển hoá tiền thành tri thức trong mình thì mới thực sự trở thành của cải thuộc về mình. Vì vậy ông đã sử dụng thời gian nhàn rỗi buổi tối để học đánh máy chữ, kĩ thuật radar, tiếng Tây Ban Nha, quản lí học, diễn thuyết học,… tất cả những gì giúp cho nghiệp vụ ông đều học. Trên thực tế, ông đã thực sự sử dụng được những kiến thức đã học và thu được hiệu quả rất tốt.

Một người thành công thực sự thì có đầu tư bao nhiêu tiền vào giáo dục cũng không hối hận bởi vì họ hiểu rằng: trên thế giới có một việc duy nhất không thể hối hận chính là tiếp thu giáo dục. Henry biết rất rõ một người nếu không học thì sẽ trì trệ, nhưng xã hội luôn phát triển còn kết quả của sự trì trệ tất nhiên là sẽ lạc hậu với thời đại, không tạo ra được của cải lớn hơn, vì vậy mang một ít tiền đầu tư vào giáo dục sẽ là một sự đảm bảo rất quan trọng để tăng thêm của cải của mình.

Đúng vậy, giáo dục tốt sẽ làm cho người ta thành công, nhưng một lần giáo dục chưa phải là điểm cuối, bạn phải tiến hành đầu tư hơn nữa để giành được thành công lần sau. Từ xưa đến nay, tất cả những người đã được đào tạo tu dưỡng đều không chịu bằng lòng với hiện tại, mà luôn có sự chuẩn bị cho những thành công tốt hơn. Kì thực làm như vậy cũng không khó, tuy vất vả và tiêu tốn tiền nhưng được đền đáp lớn hơn. Những người thông minh đều hiểu rằng: “Đầu tư hôm nay là cơ sở cho ngày mai tốt đẹp”, vì vậy bạn không phút giây nào được sao nhãng việc học hành. Nếu có lãng phí, cho dù là trong giây phút thì cũng có thể đem lại cho bạn sự tiếc nuối suốt đời. Bạn đừng ngại bỏ chút tiền dư dật của mình để đi học một số kiến thức có lợi cho công việc. Sử dụng có hiệu quả món tiền mà trước mắt tạm thời chưa dùng hết để có thể đảm bảo cho thành công của bạn trong tương lai, đầu tư đó là bảo hiểm.

Đúc kết

Bất luận là bạn có tiền hay không, tiền nhiều hay ít, quan trọng là ở chỗ sử dụng tiền linh hoạt. Phương pháp sử dụng tiền linh hoạt không chỉ biểu hiện ở nguồn vốn mà còn đồng thời biểu hiện ở cách tiêu dùng. Cần phải biết rằng : tiêu tiền đôi khi cũng có thể kiếm ra tiền.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button