Kinh doanh - đầu tư

Quản Trị Thương Hiệu Cá Nhân Và Công Ty

quan tri thuong hieu ca nhan1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Hubert K. Rampersad

Download sách Quản Trị Thương Hiệu Cá Nhân Và Công Ty ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH KINH DOANH – ĐẦU TƯ

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI GIỚI THIỆU

(cho bản tiếng Việt)

Khi mua một sản phẩm hay sử dụng một dịch vụ, hầu hết chúng ta đều dựa trên độ tín nhiệm và cảm giác quen thuộc mà sản phẩm hay dịch vụ đó gây dựng được. Lựa chọn và quyết định của chúng ta có thể được thực hiện trong tiềm thức hay có chủ định. Khi muốn giao một nhiệm vụ hay nhờ giúp đỡ, chúng ta cũng tìm người phù hợp nhất và có khả năng nhất, dựa trên những thông tin có được về người đó và trên trải nghiệm của chính chúng ta về mối liên hệ giữa nội dung công việc và những người đủ khả năng đảm nhiệm công việc. Hệ thống thông tin và trải nghiệm làm cơ sở cho quyết định và lựa chọn của chúng ta chính là thương hiệu.

Thương hiệu của một cá nhân, một tổ chức, một sản phẩm hay một dịch vụ, bởi vậy, đều vô cùng quan trọng. Bạn nghĩ: “Hữu xạ tự nhiên hương”? Bạn nghĩ hãy cứ cho ra đời những sản phẩm thật tốt và rồi một ngày kia mọi người sẽ tự nhiên nhận ra điều ấy? Điều này có thể xảy ra, nhưng bạn sẽ mất rất nhiều thời gian khi bị động ngồi đợi người khác khẳng định giá trị sản phẩm của mình. Đó là chưa kể khi biết đến bạn thì họ đã có vô số những lựa chọn khác, có thể kém hơn nhưng quan trọng là họ ĐÃ quyết định mua hay sử dụng sản phẩm khác. Bên cạnh đó, việc quyết định có sử dụng tiếp sản phẩm của bạn nữa hay không sẽ phụ thuộc vào chất lượng thông tin và trải nghiệm cũng như cảm xúc mà họ có được.

Việc xây dựng thương hiệu cho cá nhân hay cho tổ chức thể hiện trước hết ở sự tôn trọng chính bản thân mỗi người hay chính tập thể mà mỗi người đang là một thành viên. Sau đó là quá trình tạo ra các kênh thông tin và trải nghiệm, bao gồm cả cảm xúc, để được người khác biết đến một cách chính xác với thời gian sớm nhất. Tính chính xác cùng sự nhất quán của thông tin và trải nghiệm là những yếu tố tiên quyết giúp thương hiệu tồn tại bền lâu. Vì vậy, mỗi cá nhân hay mỗi tổ chức đều phải có một công cụ hay phương pháp quản trị thương hiệu nghiêm túc và hiệu quả.

Hubert K. Rampersad đã sử dụng thẻ điểm cân bằng cá nhân (personal balanced scorecard), một công cụ quản trị thương hiệu cá nhân xuất sắc, để viết về thương hiệu. Tác giả giúp bạn cụ thể hóa thẻ điểm cân bằng cá nhân, chỉ cho bạn cách thức biến thương hiệu và mục tiêu cá nhân thành hành động cũng như cách sử dụng chiếc thẻ đó để tận dụng các thế mạnh và loại bỏ các điểm yếu của bản thân. Đây là một trong những công cụ được Hubert K. Rampersad nghiên cứu, phát triển và làm chủ đề cho nhiều tác phẩm quan trọng của ông, khiến thương hiệu cá nhân của ông cũng gắn liền với khái niệm thẻ cân bằng điểm.

Để mang lại cho doanh nhân Việt một nguồn tri thức về vấn đề này, Alpha Books chọn Quản trị thương hiệu công ty và cá nhân (Effective Personal and Company Brand Management), cuốn sách được xuất bản đồng loạt trên toàn thế giới để mở đầu cho chuỗi hội thảo về chủ đề thương hiệu cá nhân của Hubert K. Rampersad, với mong muốn mỗi người đều tự coi trọng tinh thần và giá trị kinh doanh của bản thân, biết cách quản trị và phát triển nó thành một thương hiệu thành công.

ĐỌC THỬ

Chương 1. Lời giới thiệu

Michael Jordan và Tiger Woods cùng góp mặt trong một chương trình quảng cáo lớn. Họ kiếm được rất nhiều tiền bởi chính người tiêu dùng đã giúp họ. Chúng tôi cũng có thể bán được nhiều sản phẩm hơn và tạo ra nhiều việc làm hơn vì khách hàng yêu thích sản phẩm của chúng tôi

— Philip H. Knight, đồng sáng lập, nguyên CEO của hãng Nike

Hầu hết người tiêu dùng khi quyết định mua một sản phẩm nào đó đều dựa trên sự tín nhiệm, độ tin cậy và cảm giác quen thuộc của họ đối với sản phẩm, dịch vụ, hay con người có liên quan đến sản phẩm đó. Đó là mối quan hệ đáng tin tưởng hơn vẻ bề ngoài của sản phẩm đó. Đó chính là thương hiệu.

Thương hiệu chính là sự kỳ vọng, là hình ảnh và sự nhận thức nảy sinh trong suy nghĩ người tiêu dùng mỗi khi họ nhìn thấy hay nghe nói đến tên, sản phẩm hay logo nào đó. Microsoft, Nike, Toyota, Volvo và Coca-Cola khiến chúng ta nhận thức về sản phẩm của họ như họ mong muốn. Thương hiệu của các công ty/ tập đoàn này truyền đạt điều họ mong muốn chúng ta nhìn nhận và kỳ vọng về sản phẩm của họ. Thương hiệu ngày càng trở nên mạnh mẽ và quan trọng. Các thông số dưới đây minh họa cho điều này:

  • Trung bình một người dân ở Bắc Mỹ biết đến hơn 3.000 thông điệp thương hiệu mỗi ngày;
  • Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cho thương hiệu họ quen thuộc và tin tưởng cao hơn từ 9-12% so với một thương hiệu xa lạ;
  • Thương hiệu Coca-Cola đáng giá một nửa tổng giá trị thị trường của công ty.

Việc xây dựng thương hiệu quan trọng hơn việc tiếp thị và bán sản phẩm. Cuốn sách The Brand Called You (Bạn chính là thương hiệu) của Peter Montoya đã chỉ ra sự khác biệt giữa ba hoạt động này:

  • Marketing là giới thiệu sản phẩm. Tạo ra thị trường bằng cách khéo léo gửi tới khách hàng mục tiêu những thông điệp của công ty qua các phương tiện thông tin đại chúng, làm nảy sinh sự nhận thức, sự thích thú, và sự am hiểu của khách hàng. Đó là cách gieo mầm để bán hàng qua việc cho khách hàng biết sự tồn tại của sản phẩm của bạn;
  • Bán hàng là thuyết phục. Bán hàng là các thủ thuật đặt câu hỏi, kỹ năng lắng nghe và kỹ năng thuyết phục khách hàng rằng sản phẩm, dịch vụ của bạn rất cần thiết đối với họ. Đó là cách giúp bạn tiến gần đến các thỏa thuận mua bán;
  • Xây dựng thương hiệu là gây ảnh hưởng. Tạo ra sự nhận biết thương hiệu kết hợp với nhận thức, cảm xúc đối với thương hiệu đó. Việc xây dựng thương hiệu phải được thực hiện trước công đoạn tiếp thị và bán hàng. Nếu thiếu thương hiệu mạnh, tiếp thị sẽ không hiệu quả và việc bán hàng cũng sẽ bế tắc.

Đừng lãng phí thời gian và tiền bạc vào việc tiếp thị và bán hàng mà bỏ qua việc khuyếch trương thương hiệu của bạn. Đã đến lúc chúng ta nên tập trung vào việc xây dựng thương hiệu. Randall Hansen, người sáng lập Hãng giới thiệu việc làm Quintessential Careers từng nói: “Xây dựng thương hiệu chính là tạo ra sự cam kết… cam kết về giá trị sản phẩm… cam kết sản phẩm của bạn tốt hơn sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác… và bạn phải thực hiện thành công lời cam kết này”. Ví dụ như hãng xe hơi Volvo đã tạo ra sự khác biệt với các tập đoàn xe hơi khác bằng lời cam kết về độ an toàn hay tập đoàn máy tính IBM đại diện cho độ tin cậy.

Việc xây dựng thương hiệu không chỉ còn dành riêng cho các công ty. Một xu hướng mới xuất hiện, đó là xây dựng thương hiệu cá nhân. Xu hướng này nảy sinh do:

  1. Ngày nay, cuộc cách mạng công nghệ đã thay đổi cơ cấu nghề nghiệp. Trước đây, trong suốt cuộc đời, bạn chỉ có thể làm việc cho một hay hai công ty, còn bây giờ bạn có thể có tới bốn hay tám nghề, hoặc nhiều hơn. Thương hiệu cá nhân là điểm mấu chốt giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp và là phương tiện hữu hiệu giúp bạn xác định được bạn là ai, bạn đại diện cho cái gì và lý do bạn được trọng dụng;
  2. Cách giao tiếp hàng ngày của chúng ta cũng có sự thay đổi. Mạng Internet đưa chúng ta lên vị trí một nhà phát hành. Email, báo chí, bảng xếp hạng, nhật ký cá nhân, mạng trực tuyến, cùng những cuộc thảo luận nhóm tạo cho chúng ta cơ hội học hỏi, gắn kết và trình bày các kế hoạch kinh doanh. Ai cũng muốn hợp tác với những người có trách nhiệm, hiểu biết và đáng tin cậy. Nếu sự hiện diện và thương hiệu của bạn trên mạng nhất quán, quen thuộc, thân thiết, người ta sẽ có cảm giác đã quen biết bạn từ lâu và dễ dàng đồng ý hợp tác với bạn. Vì vậy, thương hiệu cá nhân cũng rất quan trọng cho việc phát triển kinh doanh.

Đặc biệt, trong thời kì hậu Enron, khi các công ty trở thành biểu tượng của tính tham lam, lừa lọc và thất bại, thì việc xây dựng thương hiệu cá nhân ngày càng quan trọng hơn việc xây dựng thương hiệu công ty; bởi chúng ta tin tưởng cá nhân hơn các công ty. Khách hàng đang tìm kiếm những người có kinh nghiệm hơn, có trách nhiệm với họ hơn, tận tình hơn, sẵn sàng hy sinh quyền lợi khi cần thiết, giúp đỡ họ hơn là tìm kiếm các công ty. Vì vậy, quy mô không phải là vấn đề.

Giỏi và chuyên nghiệp vẫn chưa đủ trong kinh doanh. Đã đến lúc bạn cần nghiêm túc khám phá tài năng, niềm đam mê, mơ ước thật sự của bạn, phát triển bản thân để trở thành một người đầy quyền lực, nhất quán và khó quên bằng thương hiệu độc đáo của bạn. Bạn có thể định hình về sự nhận thức thương hiệu cá nhân của bạn trên thị trường bằng cách lý giải các thế mạnh độc đáo, giá trị và nhân cách của bạn, chia sẻ với mọi người một cách thú vị và đầy sức thuyết phục, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thương hiệu của mình. Đó là điều bạn cần để phát triển và quản trị thương hiệu, yếu tố quan trọng cho sự nghiệp tương lai và thành công trong cuộc sống. Tất cả mọi người đều có cơ hội và nên có trách nhiệm học hỏi, bồi dưỡng, nâng cao các kỹ năng và xây dựng được cho mình một thương hiệu mạnh. Tom Peters, bậc thầy trong việc xây dựng thương hiệu – người đã phát động phong trào xây dựng thương hiệu cá nhân đã viết một bài báo có tiêu đề: “The Brand called You” (Bạn chính là thương hiệu) trên tạp chí Fast Company. Bài báo có đoạn: Bất luận tuổi tác, địa vị, công việc kinh doanh chúng ta từng làm thế nào, tất cả chúng ta cần phải nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu. Chúng ta là những CEO cho chính công ty của mình. Ngày nay, để có thể  kinh doanh, việc quan trọng chúng ta cần làm là trở thành giám đốc tiếp thị cho thương hiệu. Bạn chính là thương hiệu. Bạn đang chịu trách nhiệm cho chính thương hiệu của bạn… Bạn nên suy nghĩ khác về bản thân: bạn không phải là “một nhân viên”, bạn không “phụ thuộc” vào bất cứ công ty nào để sống, bạn không khẳng định mình bằng chức danh… và các loại nghề nghiệp khác… Hãy trở thành CEO của công ty mình. Việc này đòi hỏi bạn phải tự phát triển bản thân, tự thăng tiến, tự tìm kiếm thị trường và coi đó là phần thưởng cho mình.

Không có nghề nghiệp nào ổn định. Hãy độc lập và xác định lại bản thân qua việc xây dựng, thực hiện và hoàn thiện thương hiệu cá nhân đích thực của bạn. Bạn trở thành CEO của chính cuộc đời mình bởi vì bạn thu hút và tạo ra những cơ hội mới. Theo Peter Montoya, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu, có ba loại hình kinh doanh cần đến thương hiệu cá nhân đó là: 1) Dịch vụ đào tạo nghề nghiệp (diễn viên, người môi giới, họa sĩ, vận động viên, người viết sách, cố vấn, tư vấn viên, nhà thiết kế, nha sĩ, nhà cung cấp thực phẩm, bác sĩ, nhà vật lý trị liệu, …); 2) Kinh doanh tư nhân (chủ các phòng tắm, cửa hàng ô tô, tiệm giặt ủi, tiệm bánh, cửa hàng sửa chữa máy vi tính, xưởng in, dịch vụ trông trẻ, v.v…); 3) Những người bán sản phẩm giá trị gia tăng (nhà buôn ô tô, hiệu sách, các nhà xuất bản, cửa hàng bán đĩa hát, cửa hàng bán lẻ,…). Những người làm việc ở ba ngành này đều lấy thương hiệu cá nhân làm bí quyết gây ảnh hưởng đến thị trường.

Ai cũng có thương hiệu cá nhân, nhưng phần lớn mọi người đều không nhận thức được điều này và không quản trị thương hiệu cá nhân một cách chiến lược và hiệu quả. Rajesh Setty, Chủ tịch Foresight Plus, LLC., tác giả cuốn Beyond Code: Learn to Distinguish Yourself in 9 Simple Steps từng nói: “Tất cả mọi người đều có thương hiệu cá nhân, vì tất cả đều có thể dễ dàng đưa ra một lời hứa với cả thế giới – một số thì nói ra, còn phần lớn là sự ngầm hiểu… Bản thân bạn là tài sản lớn nhất của mình. Hãy tạo dựng cho mình một vị trí để thực hiện được những điều bạn đam mê. Bạn tồn tại là thương hiệu của bạn tồn tại… Thương hiệu của bạn chính là con người thật của bạn”. Bạn nên kiểm soát thương hiệu, thông điệp thương hiệu và tác động của nó đến cách bạn tiếp thu đánh giá của người khác về mình. Điều này sẽ giúp bạn phát triển, khiến bạn trở thành một chuyên gia đặc biệt. Danh tiếng hay thương hiệu tốt dường như là một thứ tài sản vô cùng quan trọng trong thời đại cá nhân, ảo và trực tuyến ngày nay. Nó ngày càng trở nên thiết yếu và là chìa khóa dẫn bạn tới thành công. Đây chính là chiến lược đúng đắn của những người nổi tiếng nhất thế giới như Oprah Winfrey, Tiger Woods, Michael Jordan, Donald Trump, Richard Brandson và Bill Gates. Vì thế, xây dựng cho mình một thương hiệu để đạt được thành công là điều rất quan trọng.

Có rất nhiều định nghĩa về thương hiệu cá nhân như:

  • Sự nhận thức hay cảm xúc của người khác về bạn;
  • Phản ánh bạn là ai và bạn tin tưởng điều gì, thể hiện qua những việc bạn làm và cách bạn thực hiện những việc đó;
  • Khơi dậy sự nhận thức có ý nghĩa về giá trị và phẩm chất bạn đại diện;
  • Ảnh hưởng đến cách mọi người đánh giá bạn;
  • Giá trị mọi người nhận thấy ở bạn;
  • Tổng hợp của những kỳ vọng và mối liên hệ trong tâm trí khách hàng mục tiêu;
  • Hình ảnh bạn muốn thể hiện trong những việc làm của mình;
  • Loại bỏ sự cạnh tranh khiến bạn trở thành người độc đáo và giỏi hơn so với các đối thủ khác trên thị trường.

Những lợi ích của việc có một thương hiệu mạnh:

  • Khơi dậy những nhận thức ý nghĩa về giá trị và phẩm chất mà bạn đại diện;
  • Thể hiện với mọi người: bạn là ai, bạn làm gì, điều gì khiến bạn trở nên khác biệt, cách bạn tạo ra giá trị cho họ và họ có thể hy vọng điều gì khi giao dịch với bạn;
  • Ảnh hưởng tới cách người khác đánh giá bạn;
  • Tạo ra sự mong đợi trong tâm trí người khác về thứ họ sẽ nhận được khi làm việc với bạn;
  • Tạo ra sự nhận biết về bạn, khiến mọi người dễ dàng nhớ đến bạn;
  • Giúp khách hàng tiềm năng thấy được bạn là người duy nhất có thể giải quyết những vấn đề của họ;
  • Đưa bạn lên vị trí cao hơn các đối thủ cạnh tranh, khiến bạn độc đáo và tốt hơn các đối thủ trên thị trường.

Hầu hết các định nghĩa được đề cập ở trên về việc xây dựng thương hiệu cá nhân xuất phát từ quan điểm tiếp thị cá nhân (bán hàng) và xây dựng hình ảnh. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân tốt hơn việc tiếp thị và thăng tiến bản thân. Hình ảnh thương hiệu cá nhân của bạn chính là sự nhận thức của người khác về bạn. Để xây dựng thương hiệu cá nhân thành công đòi hỏi phải quản lý hiệu quả nhận thức này. Thương hiệu cá nhân của bạn là tổng hợp tất cả các kỳ vọng, hình ảnh và nhận thức của người khác về bạn khi họ nhìn thấy hay nghe nói đến tên bạn. Dưới đây là một số ví dụ về việc xây dựng thương hiệu.

Khi nghĩ đến Oprah Winfrey, chúng ta đều nghĩ về sự ấm áp và quyền lực của người phụ nữ

 

Bill Gates khiến chúng ta nghĩ đến những phần mềm máy tính và lòng nhân ái.

 

Donald Trump gắn liền với “cái tôi” và sự quyết đoán.

 

JK Rowling, một nhà văn tài năng với bộ truyện Harry Potter nổi tiếng.

 

Einstein, một tài năng vĩ đại và cao quý.

 

Mẹ Teresa mang đến cho chúng ta ý nghĩ cứu giúp người nghèo và những việc thiện.

 

Michael Jordan là cầu thủ bóng rổ tài năng.

 

Tiger Woods, tay golf cừ khôi nhất thế giới.

 

Peter Montoya, tác giả cuốn The Brand Called You (Bạn chính là thương hiệu) tin rằng vấn đề then chốt để xây dựng một thương hiệu cá nhân là bạn phải ý thức được điều mọi người đánh giá về bạn: Một thương hiệu cá nhân tuyệt vời là một thương hiệu cá nhân mang dấu ấn riêng, có khả năng khơi dậy trong suy nghĩ mọi người những nhận thức đầy ý nghĩa và đúng đắn về các giá trị cũng như các phẩm chất của người đại diện cho thương hiệu đó. Nó gồm hai yếu tố quan trọng: ảnh hưởng của cảm xúc (cảm giác của bạn về một người, lòng tin tưởng, sự tín nhiệm, sức hút) và tính nhất quán của thương hiệu (ăn sâu trong tiềm thức đối tượng với những thông điệp thương hiệu lặp lại trong một thời gian dài). William Arruda, tác giả cuốn Career Distinction: Stand Out by Building Your Brand (Sự phân biệt nghề nghiệp: Đứng vững nhờ xây dựng thương hiệu), đã nói: Xây dựng thương hiệu cá nhân nghĩa là đánh giá, chuyển tải những gì khiến bạn trở nên độc đáo, phù hợp, hấp dẫn để thăng tiến trong nghề nghiệp. Đây là cách sàng lọc và chuyển tải tốt nhất khiến bạn trở thành người khác biệt, đặc biệt và giúp phân biệt bạn với những người cùng địa vị, đưa bạn tới thành công rực rỡ. Bạn cần phải hiểu biết và sử dụng những tính cách độc đáo, thế mạnh, kỹ năng, giá trị và niềm đam mê để phân biệt mình với các đối thủ cạnh tranh và dẫn đường cho những quyết định kinh doanh của bạn.

Theo Thomas Gad, tác giả cuốn 4D Branding (Xây dựng thương hiệu 4D), xây dựng thương hiệu cá nhân là cách làm có hệ thống và lý thú để định nghĩa chính xác hơn về một con người, không chỉ trong mắt người xung quanh mà ngay cả trong suy nghĩ của chính người đó. Muốn biết bạn đại diện cho cái gì, không chỉ nhìn vào triết lý sống và đạo đức cá nhân mà còn phải hiểu công cụ quyết định mang tính thực tiễn của chính bạn, con đường giúp bạn thăng tiến trong nghề nghiệp và phát triển tiềm năng. Suy nghĩ của Bill Lang (Giám đốc điều hành tổ chức Bill Lang International) về việc xây dựng thương hiệu cá nhân rất gần với cách thức xây dựng thương hiệu cá nhân đích thực của tôi, đó là: Xây dựng thương hiệu cá nhân là hình ảnh bạn tỏa sáng trong tất cả những việc bạn làm. Đó không phải là sự giả tạo hay hời hợt. Nếu bạn không tạo được uy tín trong những việc bạn làm, thương hiệu của bạn sẽ chỉ là một thương hiệu giả tạo, hời hợt. Vấn đề được đề cập ở đây chính là giá trị thật của bạn, niềm tin và dịch vụ bạn mang đến cho người khác. Tôi cũng tán thành ý kiến của Kristie Tamsevicius, nhà chiến lược xây dựng thương hiệu, người sáng lập WebMomz.com, thừa nhận tính rằng mỗi chúng ta đều có tài năng độc đáo, mục đích rõ ràng và ước mơ trong cuộc sống. Bằng cách kết hợp chúng lại với nhau, chúng ta sẽ vươn tới niềm hạnh phúc to lớn hơn và thành đạt hơn trong cuộc sống. Điều này hoàn toàn phù hợp với mô hình xây dựng thương hiệu cá nhân có tổ chức, đích thực mà tôi sẽ giới thiệu ở chương sau. Kế hoạch mới này mở ra cho bạn một tiềm năng và giúp bạn xây dựng một hình ảnh đáng tin cậy như mình mong muốn và thể hiện trong tất cả những việc bạn làm. Kế hoạch mới này là sự kết hợp hài hòa các giá trị thực, niềm tin, ước mơ và tài năng của bạn. Khi bạn kết hợp thương hiệu của bạn với các công cụ mạnh mẽ, bạn sẽ thành công rực rỡ, tạo cơ sở vững chắc cho niềm tin, sự tín nhiệm và sức hút cá nhân. Đây là một phương pháp bền vững, khác với các phương pháp truyền thống khác và dựa trên niềm đam mê của tôi về sự phát triển tiềm năng của con người. Cách tiếp cận mới này nhấn mạnh việc bạn phải hiểu rõ bản thân và nhu cầu của người khác, thỏa mãn được nhu cầu của họ trong khi vẫn sống đúng với giá trị của mình, không ngừng tự hoàn thiện, hiểu rõ sự phát triển của cuộc sống, dựa trên hành trình xây dựng thương hiệu cá nhân. Phương pháp mới này tập trung vào khía cạnh nhân văn của thương hiệu, bao gồm danh tiếng, tính cách và nhân cách của bạn. Nếu bạn đã xây dựng thành công thương hiệu theo cách của tôi, bạn sẽ dễ dàng thuyết phục những người khác, thu hút được mọi người và những cơ hội phù hợp, hoàn hảo về phía mình.

Trong cuốn sách này, quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân đích thực bắt đầu từ việc xác định bạn là ai trong chính con người thực của bạn. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân này dựa trên triết lý sống, ước mơ, tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị, vai trò then chốt, tính cách, hiểu biết cá nhân, tự nhận thức, tự chịu trách nhiệm, đặc điểm tích cực và tính tự quản của bạn. Với thương hiệu cá nhân đích thực cùng các phẩm chất, đặc điểm và các giá trị tốt đẹp nhất, bạn sẽ trở nên khác biệt so với những người khác. Nếu không có thương hiệu đích thực này, bạn cũng giống như họ. Nếu bạn không xây dựng được một thương hiệu theo cách có tổ chức, trung thực và đích thực, nếu bạn không thực hiện được lời cam kết thương hiệu và nếu bạn chỉ tập trung chủ yếu vào việc bán hàng, đóng gói, hình thức bên ngoài, sự thăng tiến bản thân và sự nổi tiếng thì bạn sẽ bị nhìn nhận là con người ích kỷ và luôn coi mình là trung tâm. Nên nhớ rằng Albert Einstein từng nói: “Hãy cố gắng trở thành một con người giá trị chứ không phải là một người thành đạt”.

Dưới đây, tôi nêu ra những mục đích học tập của cuốn sách này.

MỤC ĐÍCH HỌC TẬP

Sau khi đọc cuốn sách này và áp dụng các khái niệm của nó, bạn sẽ học được cách:

  • Xây dựng, thực hiện, duy trì và hoàn thiện một thương hiệu cá nhân hay thương hiệu công ty đích thực, đặc biệt, phù hợp, nhất quán, cô đọng, ý nghĩa, thú vị, hấp dẫn, bền vững, trong sáng, đầy khát vọng, thuyết phục và gây ấn tượng sâu sắc;
  • Tạo ra trong tâm trí khách hàng tiềm năng những nhận thức và cảm xúc tích cực (về sự khác biệt, đặc biệt, độc đáo và đích thực của bạn dựa trên thương hiệu cá nhân của bạn);
  • Xây dựng mối quan hệ đáng tin cậy và lâu dài với khách hàng, tạo ra mối liên hệ cảm xúc với họ, quản lý hiệu quả những kỳ vọng và nhận thức của họ;
  • Quản lý và tác động đến cách mọi người đánh giá và suy nghĩ về bạn;
  • Khơi dậy những nhận thức có ý nghĩa về các giá trị, phẩm chất bạn đại diện;
  • Sử dụng thương hiệu cá nhân để truyền đạt dịch vụ độc đáo của bạn, đem đến nhận thức về giá trị cho các khách hàng mục tiêu, ước mơ, mục đích sống, giá trị đạo đức, niềm đam mê, khả năng, sự độc đáo, trình độ chuyên môn, đặc tính và công việc bạn ưa thích;
  • Giữ vững lập trường trong quan hệ với các đối thủ cạnh tranh, xây dựng danh tiếng tốt và phát triển hiệu quả hình ảnh bản thân – điều bạn muốn ghi dấu ấn trong mọi công việc bạn làm;
  • Truyền đạt độc đáo và khác biệt với những người trong cùng lĩnh vực của bạn thứ mà bạn đại diện và gây được ấn tượng trong lòng mọi người;
  • Tiếp tục mang các giá trị đến cho người khác, tạo ra khả năng nhìn nhận vấn đề, xây dựng lòng tin, tăng cường tính chính trực, trung thực, thành thật, rõ ràng, trong sáng và sức hút cá nhân;
  • Xây dựng hình ảnh đáng tin cậy cho bản thân, dựa trên nền móng của các giá trị, niềm tin, mơ ước và tài năng của bạn;
  • Tạo nên sự khác biệt trong các mối quan hệ xuyên suốt cuộc đời bạn, thổi bùng lên niềm đam mê, khiến bạn khác biệt với những người khác, giúp bạn đạt được hạnh phúc và thành công;
  • Phân biệt bản thân với những người xung quanh, trở nên đích thực và tạo ra dấu ấn riêng, dễ dàng khiến mọi người nhớ tới;
  • Làm tăng tính hợp lý và sự nhận thức về thương hiệu của bạn;
  • Trở thành một chuyên viên đặc biệt;
  • Loại bỏ mọi đối thủ, khiến bạn trở nên độc đáo và tốt đẹp hơn các đối thủ khác trên thương trường;
  • Quản lý bản thân cũng như công việc kinh doanh hiệu quả, phát triển lòng tự trọng, khai thác tiềm năng và làm phong phú thêm các mối quan hệ;
  • Nâng cao hiệu quả cá nhân và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
  • Gắn kết thương hiệu cá nhân với thương hiệu công ty, phát triển một lực lượng lao động đầy hứa hẹn và xây dựng một tổ chức học tập thật sự;
  • Gia tăng tính cạnh tranh của công ty bạn.

Cuốn sách này bao gồm hai phần. Phần I tập trung vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân đích thực. Phần này dành cho bất cứ ai muốn xây dựng, duy trì và hoàn thiện một thương hiệu cá nhân mạnh, đích thực, khiến họ khác biệt với số đông và đạt được những thành tích xuất sắc. Phần II mô tả việc xây dựng thương hiệu công ty và gắn kết thương hiệu cá nhân với thương hiệu công ty. Phần này dành cho các doanh nghiệp muốn xây dựng, duy trì, hoàn thiện thương hiệu công ty đích thực, hiệu quả và gia tăng tính cạnh tranh của công ty họ. Hai phần này hoàn toàn độc lập với nhau.

Trong Chương 2, tôi sẽ giới thiệu mô hình xây dựng thương hiệu cá nhân có hệ thống, mang tính triết lý và đáng tin cậy, giúp bạn gợi mở tiềm năng và xây dựng được hình ảnh thật sự như bạn mong muốn thể hiện trong mọi công việc bạn làm. Chương 3 sẽ giúp bạn xác định và cụ thể hóa tham vọng cá nhân, đòi hỏi ở bạn tầm nhìn, sứ mệnh và vai trò chính của cá nhân. Nếu không có tham vọng cá nhân, thương hiệu cá nhân của bạn sẽ không có tính cá thể và không đích thực. Tôi sẽ giới thiệu một bài tập giúp bạn cụ thể hóa và tiến hành xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn thật hiệu quả, phản ánh sâu sắc bản thân. Chương này cũng giải thích sự liên kết của luật thu hút trong cuốn sách The Secret (Điều bí mật). Trong Chương 4, tôi sẽ thảo luận kỹ hơn việc xác định và cụ thể hóa thương hiệu cá nhân. Bạn sẽ có cơ hội để hoàn thành việc xây dựng thương hiệu cá nhân nhiều gấp hai lần nếu bạn viết nó ra giấy.

Việc cụ thể hóa thẻ điểm cân bằng cá nhân (TĐCBCN) được đặc biệt chú ý trong Chương 5. TĐCBCN bao gồm các nhân tố thành công chính, mục tiêu, tiêu chuẩn đánh giá thành tích, mục đích và hoạt động tự hoàn thiện. Chương 6 mô tả việc thực hiện và hoàn thiện tham vọng cá nhân, thương hiệu cá nhân, TĐCBCN theo chu trình Hoạch định – Triển khai – Hành động – Thử thách (HĐ-TK-HĐ-TT). Điều này tạo nên kết quả từng phần trong việc nâng cao niềm hạnh phúc, sự thích thú, học hỏi và tiếp thị thành công. Cách gắn kết cuộc sống với TĐCBCN và chu trình HĐ-TK-HĐ-TT mang lại kết quả thông qua những thử thách mới và tiếp tục phát triển các kỹ năng khác. Do đó, bạn sẽ thấy yêu công việc của mình hơn và sử dụng thời gian rảnh rỗi hiệu quả hơn. Thương hiệu cá nhân nên phản ánh con người thật của bạn, gắn với quy tắc ứng xử và đạo đức bằng tham vọng cá nhân. Trong Chương 7, tôi thảo luận về sự cân bằng giữa tham vọng cá nhân/ thương hiệu cá nhân với những hành động và cách ứng xử của bạn (sự liên kết với chính bạn). Hai yếu tố này rất cần thiết cho việc phát triển sự thanh thản, sức hấp dẫn cá nhân và hoàn thiện tính chính trực, lòng tin cậy, cách cư xử có đạo đức.

Phần II của cuốn sách bắt đầu từ Chương 8. Trong chương này, tôi sẽ giới thiệu mô hình xây dựng thương hiệu công ty có tính hệ thống, triết lý và đáng tin cậy, tương tự như mô hình xây dựng thương hiệu cá nhân đích thực. Chương 9 tập trung vào việc xác định và cụ thể hóa tham vọng công ty, đòi hỏi tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị cốt lõi của công ty. Trong Chương 10, tôi sẽ thảo luận về việc xác định và cụ thể hóa thương hiệu công ty đích thực. Thẻ điểm cân bằng công ty (TĐCBCT) được đặc biệt lưu ý trong Chương 11. TĐCBCT bao gồm các nhân tố thành công chính, mục đích, tiêu chuẩn đánh giá thành tích, mục tiêu và các hoạt động hoàn thiện, được chia thành bốn khía cạnh. Chương 12 mô tả cách thực hiện, hoàn thiện tham vọng công ty, thương hiệu công ty và thẻ cân bằng điểm theo chu trình Hoạch định – Triển khai – Hành động – Thử thách. Chương 13 bàn về sự cân bằng giữa tham vọng cá nhân/thương hiệu cá nhân với tham vọng công ty/thương hiệu công ty. Gắn kết thương hiệu cá nhân với thương hiệu công ty là việc cần làm nhằm đạt tới đỉnh cao của sự hòa hợp về mục đích giữa cá nhân và tổ chức để cùng gia tăng giá trị. Để giúp bạn tìm ra “sự phù hợp nhất” giữa nhân viên và tổ chức, tôi đề nghị một cuộc gặp gỡ trao đổi về tham vọng giữa giám đốc và nhân viên. Việc này giúp các công ty quản lý và sử dụng hiệu quả nhân tài trong công ty. Sự cân bằng giữa tham vọng cá nhân/ thương hiệu cá nhân với tham vọng công ty/thương hiệu công ty khuyến khích sự hứa hẹn, cam kết, tận tâm, trung thực, niềm vui và động lực của nhân viên. Cuối cùng, một tổ chức tồn tại được chính là nhờ những thành viên của nó. Mọi người đều phải được đối xử bình đẳng.

Phụ lục I bao gồm tham vọng cá nhân, thương hiệu cá nhân và các mẫu TĐCBCN cần thiết. Trong Phụ lục II, tôi trình bày mô hình đào tạo thương hiệu cá nhân và các chương trình cấp chứng chỉ có liên quan, hữu ích cho việc đào tạo bản thân và người khác để,bổ sung phát triển thương hiệu cá nhân đích thực và bền vững. Phụ lục III trình bày về phần mềm xây dựng thương hiệu cá nhân, một chương trình tương tác trực tuyến, giúp bạn cụ thể hóa, xây dựng và hoàn thiện thương hiệu cá nhân. Bạn có khả năng xây dựng hiệu quả một thương hiệu cá nhân bền vững, mạnh mẽ, đích thực, thích hợp, dễ nhớ đồng thời tự quản lý và hướng dẫn mình cách thực hiện.

Chương 2. Mô hình xây dựng thương hiệu cá nhân đích thực

Tôi tin tưởng rằng mỗi chúng ta đều có một dấu ấn cá nhân, nó độc đáo không khác gì dấu vân tay – và cách tốt nhất để đạt được thành công là khám phá ra điều bạn yêu thích và tìm cách bày tỏ với người khác bằng sự giúp đỡ, tinh thần làm việc chăm chỉ và cũng để cho năng lượng vũ trụ dẫn dắt bạn”.

— Oprah Winfrey

Chương này tập trung giới thiệu mô hình xây dựng thương hiệu cá nhân có hệ thống, toàn diện và đích thực. Bạn sẽ biết được cách thức xây dựng, thực hiện, duy trì và hoàn thiện thương hiệu cá nhân đích thực, khác biệt, thống nhất, kiên định, cô đọng, ý nghĩa, rõ ràng và dễ nhớ. Thương hiệu là sự hòa hợp của mơ ước, mục đích sống, các giá trị, niềm đam mê, năng lực, nét độc đáo, tài năng thiên bẩm, chuyên môn, đặc điểm và sở thích của bạn. Quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân đích thực là hành trình hướng tới một cuộc sống hạnh phúc và thành công hơn. Vì vậy, trong cuộc kiếm tìm dấu ấn riêng và ý nghĩa của cuộc sống, thương hiệu cá nhân sẽ thể hiện rõ nét hơn trong mong muốn của bạn, ghi sâu trong tâm trí bạn. Bạn hãy truyền cho thương hiệu cá nhân nguồn năng lượng tích cực. Hãy làm những công việc bạn yêu thích và không ngừng phát triển bản thân. Thương hiệu cá nhân luôn phản ánh con người thật của bạn. Bạn nên xây dựng nó dựa trên các giá trị, thế mạnh, nét độc đáo và tài năng thiên bẩm của mình. Nếu bạn xây dựng thương hiệu có hệ thống, đích thực và toàn diện thì nó sẽ lớn mạnh, rõ ràng, hoàn thiện và có giá trị đối với người khác. Bạn cũng sẽ tạo cho mình một cuộc sống hoàn hảo và sẽ thu hút mọi người cùng các cơ hội tốt nhất về phía mình. Nếu bạn không xây dựng thương hiệu theo cách này, nếu bạn không thực hiện cam kết thương hiệu và chỉ tập trung vào công việc kinh doanh và thăng tiến bản thân, bạn sẽ bị người khác nhìn nhận như một kẻ luôn tự coi mình là trung tâm, ích kỷ và là ngốc nghếch nhất. Việc xây dựng thương hiệu khi đó sẽ biến thành một thương vụ xấu xa và giả tạo. Hãy ghi nhớ:

Không tầm nhìn + không hiểu biết bản thân + không tự học hỏi + không động não + không thay đổi tư duy + không chính trực + không hạnh phúc + không đam mê + không chia sẻ + không tin tưởng + không tình yêu = không xây dựng được thương hiệu cá nhân đích thực

Tình yêu là một yếu tố quan trọng trong công thức xây dựng thương hiệu cá nhân này. Đó chính là tình yêu bản thân, người khác và những việc mình làm. Tình yêu bạn dành cho bản thân ít nhất phải bằng tình yêu bạn dành cho những người khác hoặc các thứ khác. Nhiều tôn giáo cũng dạy chúng ta: Hãy yêu người khác như yêu bản thân. Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow có câu nói đáng nhớ khác: “Chúng ta chỉ có thể tôn trọng người khác khi tôn trọng chính mình. Chúng ta chỉ có thể cho người khác khi biết cho chính mình. Chúng ta chỉ yêu được người khác khi biết yêu bản thân”. Yêu thương bản thân, yêu thương người khác và những việc mình làm có liên quan tới tham vọng cá nhân và thương hiệu cá nhân của bạn. Nếu không biết rõ mình là ai (hiểu biết bản thân – một phần trong tham vọng cá nhân của bạn), bạn sẽ rất khó yêu thương mình và người khác. Trước tiên, bạn cần tạo nên một mối liên hệ cảm xúc tích cực với bản thân và khám phá ra rằng mình thật thú vị. Mặt khác, nếu bạn không tạo ra mối liên hệ cảm xúc tích cực với bản thân, không nhận ra sự thú vị của chính mình thì người khác sẽ không tạo ra được mối liên hệ cảm xúc với bạn và không nhận thấy bạn thú vị. Do vậy, bạn nên bắt đầu từ tham vọng cá nhân rồi mới đến thương hiệu cá nhân.

Xây dựng thương hiệu cá nhân vững chắc, đích thực, nhất quán và dễ nhớ có liên quan đến các tiêu chuẩn quan trọng tôi đề cập dưới đây.

Các tiêu chuẩn xây dựng thương hiệu cá nhân đích thực

  1. Tính xác thực: là thương hiệu của chính bạn. Bạn là CEO của chính bạn. Bạn nên xây dựng thương hiệu dựa trên nhân cách của mình. Thương hiệu đó nên phản ánh tính cách, hành vi, giá trị, tầm nhìn của bạn. Vì vậy, nó phải được gắn kết với tham vọng cá nhân của bạn;
  2. Tính chính trực: Bạn nên tuân theo những quy tắc ứng xử và đạo đức do tham vọng cá nhân của bạn đánh giá;
  3. Tính nhất quán: Bạn cần nhất quán trong hành vi ứng xử của mình. Việc này đòi hỏi lòng can đảm. Liệu những người khác có thể luôn phụ thuộc và trông chờ vào bạn không? Liệu những việc bạn đang làm có phù hợp trong tương lai không?;
  4. Chuyên môn: Tập trung vào một lĩnh vực chuyên môn. Bạn nên nghiêm túc tập trung vào một khả năng chính hoặc một kỹ năng độc đáo. Nếu không có các kỹ năng chuyên môn, tài năng, trí thông minh thì bạn sẽ không trở nên độc đáo, đặc biệt và khác biệt;
  5. Uy tín: Được nhận biết như một chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể, là người tài giỏi, có kinh nghiệm và nhà lãnh đạo làm việc có hiệu quả;
  6. Nét đặc biệt: Phân biệt bản thân với những người khác nhờ thương hiệu của bạn. Nó phải được thể hiện theo cách độc đáo và khác biệt với mọi đối thủ và gia tăng giá trị cho người khác, được xác định rõ ràng để khách hàng hiểu được bạn đại diện cho cái gì;
  7. Sự phù hợp: Bạn phải gắn kết những thứ bạn đại diện với các nhu cầu quan trọng của khách hàng;
  8. Tầm nhìn: Tầm nhìn của bạn phải luôn được quảng cáo rộng rãi, nhất quán và liên tục trong một thời gian dài cho đến khi in sâu trong tâm trí khách hàng;
  9. Tính kiên trì: Bạn cần có thời gian để phát triển thương hiệu của mình một cách hệ thống và phải luôn gắn liền với nó. Đừng bao giờ bỏ cuộc, nên tin tưởng vào bản thân và cần phải kiên trì. Những thương hiệu cá nhân mạnh như Tiger Woods, Oprah Winfrey phải cần rất nhiều năm làm việc cần mẫn với sự cống hiến, lòng can đảm, có kế hoạch cùng tính kiên trì, mới có thể đứng vững;
  10. Thiện chí: Hầu hết mọi người đều muốn giao dịch với những người họ có cảm tình. Thương hiệu cá nhân của bạn sẽ tạo ra những kết quả tốt đẹp và tồn tại lâu dài hơn nếu bạn được đánh giá đúng đắn. Bạn nên gắn kết bản thân với những giá trị tích cực, đáng giá. Thương hiệu của Bill Gates mang thiện chí mong muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn thông qua quỹ Bill và Melinda Gates, (hiện là một tổ chức từ thiện lớn nhất thế giới);
  11. Sự thực hiện: đây là yếu tố quan trọng nhất sau khi thương hiệu của bạn xuất hiện. Nếu bạn không thực hiện đúng những điều bạn cam kết và không tiếp tục hoàn thiện bản thân, thương hiệu cá nhân của bạn sẽ là sự giả tạo. Vì vậy, thương hiệu cá nhân của bạn nên được chuyển thành thẻ điểm cân bằng cá nhân.

Khi bạn xây dựng được một thương hiệu cá nhân theo những tiêu chí trên và bạn hành động đúng theo những điều đã cam kết thì thương hiệu của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ, bạn sẽ khác biệt với mọi người và khách hàng mục tiêu sẽ hiểu hơn về thương hiệu của bạn. Xây dựng thương hiệu cá nhân đích thực là một hành trình có hệ thống và là một cuộc cách mạng. Bạn nên bắt đầu bằng việc xác định bạn là ai dựa trên ước mơ, tầm nhìn, sứ mệnh, triết lý sống, các giá trị, vai trò chính, dấu ấn riêng, hiểu biết về bản thân, tự nhận thức, hơn là tạo ra một thương hiệu cá nhân không phản ánh đúng con người thật của mình. Với một thương hiệu cá nhân đích thực cùng những phẩm chất, đặc điểm và giá trị tốt đẹp nhất, bạn sẽ nổi bật giữa đám đông. Nếu không có những phẩm chất trên, bạn sẽ giống những người khác.

Dưới đây, tôi đề cập đến bản kế hoạch và bản đồ hướng dẫn bạn cụ thể hóa và xây dựng một thương hiệu cá nhân đích thực mang dấu ấn riêng. Mô hình có hệ thống này bao gồm bốn giai đoạn (xem Hình 2.1). Đó là những viên gạch giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân đích thực.

  1. Xác định và cụ thể hóa tham vọng cá nhân. Giai đoạn này nói về việc xác định và cụ thể hóa tham vọng cá nhân của bạn một cách thú vị, đầy thuyết phục, khiến nó càng trở lên rõ ràng. Tham vọng cá nhân của bạn chính là linh hồn, điểm khởi đầu, ý tưởng cốt lõi và những nguyên lý cơ bản dẫn đường cho thương hiệu cá nhân. Nó là động cơ cho thương hiệu của bạn, bao gồm tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò chính của cá nhân bạn gắn bó chặt chẽ với bốn khía cạnh: nội tại, khách quan, kiến thức và học hỏi, tài chính. Bốn khía cạnh này nên cân bằng với nhau (xem Hình 2.2), tạo ra sự cân bằng trong thương hiệu và trong cuộc sống của bạn. Bạn cần nhận biết bản thân, tìm hiểu ước mơ của bạn là gì, bạn là ai, bạn đại diện cho cái gì, điều gì khiến bạn độc đáo, đặc biệt, khác biệt so với những người khác, đâu là các giá trị của bạn. Bạn cũng phải nhận biết tài năng, kết hợp chặt chẽ bài tập thở và giữ im lặng. Bạn có thể nhân đôi cơ hội hoàn thiện thương hiệu của bạn bằng cách viết nó ra giấy. Cụ thể hóa là yếu tố quyết định giúp bạn có thể xây dựng thành công một thương hiệu mạnh. Hãy dành thời gian để suy nghĩ về cuộc sống của bạn và viết ra bản tuyên bố về tham vọng cá nhân của mình. Tôi sẽ giới thiệu bài tập thở và giữ im lặng trong Chương 3, giúp bạn suy nghĩ một cách sâu sắc trong suốt quá trình tìm kiếm linh hồn, khám khá tài năng, các giá trị và nét độc đáo của bản thân. Nó sẽ cung cấp cho bạn năng lượng sống để biến tham vọng cá nhân thành hành động thực tiễn. Tham vọng cá nhân sẽ tạo nên thương hiệu cá nhân và gắn với các giá trị của bạn.
  1. Xác định và cụ thể hóa thương hiệu cá nhân: Giai đoạn này bao gồm việc xác định và cụ thể hóa lời cam kết thương hiệu cá nhân đích thực, đặc biệt, phù hợp, nhất quán, cô đọng, ý nghĩa, thú vị, gây cảm hứng, bền vững, rõ ràng, đầy tham vọng, thuyết phục và dễ nhớ. Bạn nên dùng lời cam kết này làm tâm điểm trong cách ứng xử và các hành động của mình. Bạn nên dành thời gian viết ra lời tuyên bố về thương hiệu cá nhân. Lời tuyên bố này phải hòa hợp với tham vọng cá nhân, tạo ra một câu chuyện có liên quan về thương hiệu cá nhân đầy thuyết phục để phát triển thương hiệu “chính bạn”. Trước hết, hoàn thành bản phân tích Điểm mạnh, Điểm yếu, Cơ hội, Thách thức (ĐM, ĐY, CH, TT) của cá nhân, tăng giá trị bản thân sau khi thực hiện bài tập thở và giữ im lặng của tôi. Kết quả của bản phân tích xác định phong cách sống của bạn, liên quan tới tham vọng cá nhân và mục đích của thương hiệu. Mục đích thương hiệu đòi hỏi mong muốn của bạn để thực hiện thương hiệu cá nhân. Mong muốn của bạn nên liên kết với bốn khía cạnh là: nội tại, khách quan, kiến thức và học hỏi, tài chính (xem Hình 2.2). Bạn cũng cần phải quyết định lĩnh vực chuyên môn của mình và tập trung vào một khả năng chính, xác định cụ thể nhiệm vụ chính, đặc điểm chính, nổi bật và mạnh mẽ nhất của bạn. Cuối cùng, bạn nên tìm hiểu khách hàng mục tiêu của bạn là ai và nhu cầu lớn nhất của họ là gì. Tuyên bố thương hiệu cá nhân của bạn phải là sự kết hợp của tham vọng cá nhân, mục đích của thương hiệu, chuyên môn, đặc điểm nổi bật, lĩnh vực bạn theo đuổi và lời tuyên bố về giá trị độc đáo của bạn. Bước tiếp theo trong giai đoạn này là nghĩ ra một câu chuyện về thương hiệu cá nhân của bạn (Lời rao thang máy ). Đây cũng chính là bản chất của những điều bạn muốn nói về thương hiệu cá nhân của mình nhằm tạo ra phản hồi tích cực. Cuối cùng, bạn nên thiết kế logo cho thương hiệu, đơn giản và sinh động, tượng trưng cho thương hiệu cá nhân của mình.
  2. Thẻ điểm cân bằng cá nhân (TĐCBCN): Tham vọng cá nhân và thương hiệu cá nhân sẽ không có giá trị nếu bạn không biến chúng thành hiện thực. Vì vậy, trong giai đoạn này, bạn cần phải tập trung phát triển một kế hoạch hành động thống nhất dựa trên tham vọng cá nhân và thương hiệu cá nhân nhằm đạt được mục tiêu thương hiệu, loại trừ những yếu tố tiêu cực. Đó chính là việc chuyển tải tham vọng cá nhân và thương hiệu cá nhân của bạn vào TĐCBCN (hành động). Bạn nên nhớ rằng, có tầm nhìn mà không hành động thì chỉ là ảo tưởng, còn nếu không tiếp tục hoàn thiện thương hiệu cá nhân trên cơ sở TĐCBCN thì thương hiệu cá nhân của bạn chỉ là sự phù phiếm, bạn sẽ không phát triển bền vững tiềm năng của mình và tiếp thị thành công. TĐCBCN đòi hỏi các yếu tố thành công chính liên quan đến tham vọng cá nhân và thương hiệu cá nhân của bạn, phù hợp với các yếu tố khách quan, tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả, mục tiêu và các hành động tự hoàn thiện (xem Hình 2.2) và được chia thành bốn khía cạnh: nội tại, khách quan, kiến thức và học hỏi, tài chính. TĐCBCN biến tham vọng cá nhân và thương hiệu cá nhân của bạn các mục tiêu cá nhân hợp lý và quản lý được, thành những giai đoạn quan trọng, những hành động tự hoàn thiện. Bạn nên không ngừng tự hoàn thiện và quản lý TĐCBCN của mình dựa vào tham vọng cá nhân và thương hiệu cá nhân. Bạn cần sử dụng nó để tự hoàn thiện, thực hiện các mục tiêu của mình, giữ vững đường lối phát triển, ghi nhận những thông tin chính về thương hiệu, khảo sát kỹ càng cuộc sống và thương hiệu của bạn, xác định các hướng đi mới, xây dựng mạng lưới giao tiếp, xác định số lượng, báo cáo những việc đã hoàn thành chính, v.v… Bạn phải luôn ghi nhớ tham vọng cá nhân, thương hiệu cá nhân trong tâm trí (bán cầu não phải của bạn) và, TĐCBCN trong bán cầu não trái. Bán cầu não trái có chức năng phân tích, suy luận logic định lượng hoạt động của bạn. Bán cầu não phải thiên về trực giác, cảm xúc, tinh thần và lý trí. Một trong các kết quả đạt được qua việc ứng dụng mô hình xây dựng thương hiệu cá nhân đích thực là tạo nên sự cân bằng giữa hai bán cầu não cũng như giữa con tim với khối óc bạn.
  3. Thực hiện và hoàn thiện tham vọng cá nhân, thương hiệu cá nhân và TĐCBCN; Tham vọng cá nhân, thương hiệu cá nhân và TĐCBCN sẽ không có giá trị nếu bạn không biến chúng thành hiện thực. Vì vậy, bước tiếp theo bạn cần làm là thực hiện, duy trì và hoàn thiện tham vọng, thương hiệu và TĐCBCN của mình thật hiệu quả. Bạn cần gắn kết thương hiệu cá nhân với tình yêu và lòng đam mê, chấp nhận sự thay đổi, hoàn thiện những giá trị của bạn trên thị trường và không ngừng hoàn thiện bản thân. Thêm vào đó, bạn hãy cố gắng xây dựng uy tín và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Bạn hãy truyền đạt các thông điệp qua các phương tiện thông tin đại chúng, làm những công việc yêu thích, nhất quán với thương hiệu cá nhân và các giá trị của mình, thu thập thêm kinh nghiệm, trau dồi bản thân, thường xuyên, kiên trì quảng bá thương hiệu, lựa chọn kỹ lưỡng những người để kết giao, xây dựng mạng lưới vững mạnh, đưa ra và thực hiện đúng lời cam kết về thương hiệu. Để hướng dẫn bạn trình này, tôi giới thiệu một chu trình học tập rất độc đáo có tên gọi là Hoạch định – Triển khai – Hành động – Thử thách (chu trình HĐ-TK-HĐ-TT). Bạn nên liên tục làm theo chu trình này để  tăng những nhận thức về thương hiệu của bạn. Để hài hòa tham vọng cá nhân, thương hiệu cá nhân và TĐCBCN, bạn phải áp dụng chu trình HĐ-TK-HĐ-TT trong cuộc hành trình hướng tới sự tự nhận thức, niềm vui, lòng tự trọng và hạnh phúc. Lòng tự trọng chính là cách bạn nhìn nhận bản thân còn xây dựng thương hiệu cá nhân chính là cách mọi người đánh giá bạn. Một khi thực hiện thương hiệu cá nhân, bạn nhớ phải duy trì nó. Bạn cần thực hiện chọn lọc lời cam kết thương hiệu cá nhân, tính toán những việc làm được và không làm được, điều chỉnh nếu thấy cần thiết. Bạn nên tiếp tục hoàn thiện lời cam kết bằng việc thấu hiểu bản chất sự vật, thách thức mới và kinh nghiệm mới. Luôn có nhiều thương hiệu cạnh tranh sẵn sàng lấp những khoảng trống bạn bỏ qua. Bạn càng tăng cường sức mạnh, duy trì, bảo vệ và hoàn thiện thương hiệu của mình thì thành công càng nhanh chóng đến với bạn. Bạn cần thường xuyên cập nhật thông tin để biết được những thử thách mới mà bạn phải đương đầu, các kinh nghiệm bạn đã trải qua cùng sự phát triển của bản thân và của thương hiệu cá nhân. Bạn phải liên tục lặp lại chu trình HĐ-TK-HĐ-TT. Nếu xây dựng được một thương hiệu cá nhân tốt theo phương pháp đáng tin cậy này, bạn sẽ thu hút được những con người và cơ hội phù hợp nhất đến với bạn, đồng thời sẽ thực hiện được mục đích thương hiệu và mục đích sống của mình.

Sự kết hợp hiệu quả bốn công cụ và giai đoạn giúp bạn tạo dựng được một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ, vững chắc và thật sự đích thực. Mô hình xây dựng thương hiệu cá nhân mới này là sự kết hợp chặt chẽ của các yếu tố tạo thành một thể thống nhất. Bạn cần ghi nhớ:

  • Tham vọng cá nhân là linh hồn, điểm khởi đầu, mục đích chính và các nguyên tắc hướng dẫn của thương hiệu cá nhân.
  • Có thương hiệu cá nhân mà không có tham vọng cá nhân thì thương hiệu đó sẽ không có tính cá thể và không đích thực.
  • Có thương hiệu cá nhân và tham vọng cá nhân mà không có thẻ điểm cân bằng cá nhân thì chỉ là ảo tưởng.
  • Có thương hiệu cá nhân, tham vọng cá nhân, thẻ điểm cân bằng cá nhân mà không làm theo chu trình HĐ-TK-HĐ-TT thì chỉ là một việc không trong sáng
  • Tham vọng cá nhân, thương hiệu cá nhân, thẻ điểm cân bằng cá nhân và việc thực hiện chu trình HĐ-TK-HĐ-TT chính là tuyên bố thương hiệu cá nhân.

Trong Hình 2.1, mô hình xây dựng thương hiệu cá nhân gồm bốn bánh xe tương quan với nhau. Bạn phải sắp xếp chúng đúng trật tự để có được một bánh xe xây dựng thương hiệu cá nhân lớn và chuyển động đúng hướng. Mô hình giúp bạn hiểu được cách phát triển hiệu quả chu trình xây dựng thương hiệu cá nhân đích thực và sự gắn kết chặt chẽ giữa các khía cạnh của nó. Sau khi hoàn tất công đoạn cuối cùng, chu trình lại tiếp tục, nhằm tạo ra sự hòa hợp liên tục giữa tham vọng cá nhân, thương hiệu cá nhân và TĐCBCN với môi trường xung quanh. Bạn sẽ luôn cải thiện được thương hiệu cá nhân cũng như thành tích của mình. Nhờ thế, bạn sẽ luôn cảm thấy thỏa mãn và làm người khác hài lòng. Bằng phương pháp này, khách hàng, bạn bè, đồng nghiệp, gia đình và những người xung quanh bạn sẽ liên tục hài lòng. Trong các chương sau tôi sẽ thảo luận sâu hơn về tất cả phương diện trong mô hình xây dựng thương hiệu cá nhân.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button