Văn học trong nước

Sưu Và Tầm

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Lệ Tân Sitek

Download sách Sưu Và Tầm ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TÁC GIẢ

Những chuyện nhỏ được chọn lọc trong tập Sưu và Tầm này là những sự việc đã xảy ra và đã in sâu vào trí nhớ của tôi.

Viết lên thành chuyện trước hết do sự cần thiết của bản thân mình. Dần dần thấy nên chia sẻ với những người thân thương, và sau một thời gian nữa lại thấy có thể đưa đến bạn đọc mà tôi có cảm giác là không ít người sẽ tìm thấy chính mình vì những quan điểm đối với Đời, với Người, với Cuộc sống cũng như với Nghệ thuật. Đây là điều tôi hy vọng.

Vốn là một người luôn mang sự cần thiết sưu tầm, tìm tòi, tích trữ những cái lạ, cái đẹp, cái khó hiểu không nhất thiết chỉ trong nghệ thuật, cho nên thời gian đã đưa đến cho tôi nhiều trải nghiệm – vui và buồn, chính vì thế nên cuộc sống đã mang nhiều mùi vị. Cũng không ít khi tôi phải chấp nhận những mất mát khác vì ham thích của tôi, nhưng chưa bị mất đi cái giá trị nhất của Con người, đó là mất chính bản thân mình.

Sưu và Tầm được Nhà xuất bản Mỹ Thuật ấn hành năm 2003 nhân kỷ niệm mười năm sưu tầm tranh của họa sĩ Bùi Nguyên Trường tại Gallery Nam Sơn, Hà Nội do vợ chồng tôi tổ chức.

Tái bản lần này do Công ty Sách Phương Nam và NXB Văn hóa – Văn Nghệ chịu trách nhiệm, có in thêm ba bài và hai đề mục được thay tên và một số bổ sung khác. Ngoài ra, được kèm theo những bức ảnh liên quan đến mỗi một ký sự, nguồn gốc từ sưu tập của gia đình tôi, tác phẩm được in ấn của một số nghệ sĩ có tên tuổi và tài liệu được lưu trữ.

Những câu chuyện nhỏ trong Sưu và Tầm mang nhiều thực và ít hư cấu, được thêm bớt, chải chuốt để nó thành chuyện. Những nhân vật là có thực, nhưng một số tên tuổi và những địa danh khác đã được thay đổi.

Đây là những câu chuyện riêng tư mà vẫn mong nhận được sự đồng cảm.

ĐỌC THỬ

CÁI SANH ĐỒNG

Những năm tôi sống ở nước ngoài, mỗi lần nói đến Quê hương, thường không phải là Việt Nam tôi nghĩ đến trước hết mà là làng Phổ Đông, Lam Giang, bãi dâu, khung dệt vải, dệt lụa, mùa nuôi tằm, những đêm phải đi học xa thời bom đạn. Nhớ ngôi nhà ngang, nhà dọc, nhà thờ của Ông Bà Tổ Tiên, nhớ những dãy gỗ lim dài hàng trăm thước của gia đình nằm ngang dọc bờ sông, nhớ sân, nhớ vườn, nhớ những cây cau vươn mình như ngó nhìn những người thân thương ở đâu đó.

Khi nghĩ đến những món ăn ngon – thì không phải những bữa ăn ngày Tết, ngày Tiệc, ngày Cúng giỗ, mà là những bữa cơm sau những đêm đông đi học khuya về lạnh lùng, mệt mỏi của thời gian trước khi Điện Biên Phủ tổng phản công, khi tất cả phục vụ cho chiến trường. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn cảm thấy mùi vị khi nhớ đến Niêu cơm còn nóng chờ trên bàn với chiếc Sanh đồng to bằng bàn tay của Bà Nội – ở đó hoặc là rau trộn với vài miếng thịt, hoặc ít tôm hay tép kho mặn, có khi còn được vài ba viên chả rán. Hồi đó, tuy tôi còn nhỏ nhưng tôi biết mọi người trong nhà đã nhịn một ít phần cơm của mình cho tôi để tôi đi học đêm về khỏi đói.

Những lần về thăm Việt Nam, trước hết là Hà Nội, nơi mà hiện nay gần hết mọi người trong đại gia đình tôi ở đó. Lần nào về, tôi cũng muốn thăm Phổ Đông, nhưng một thời gian lâu sau mới thực hiện được. Mong muốn nhìn lại những con đường mòn, những hàng tre lặng bên bờ sông, thăm cây đa, đình làng, thăm ngôi nhà thờ còn lại sau bom đạn, nơi ngày xưa thờ cúng Cha Chú Tổ Tiên của gia đình.

Đường về Quê, khó mô tả nổi qua những dòng ngắn ngủi này. Sau ba mươi năm quay lại một xứ sở, tuy không phải là nơi chôn rau cắt rốn mà là nơi tôi sống gần mười năm hồi kháng chiến chống Pháp, hồi tản cư – một thời kỳ gian khổ nhất, day dứt nhất, giá trị nhất – nơi đã luyện trái tim của mình, nơi mà tôi yêu hơn tất cả những nơi tôi đã đến. Bao nhiêu lời thơ, bài ca, bao nhiêu nhớ nhung ước vọng đã để lại, đã gửi đến chốn này:

… Tôi chẳng mơ thiên đường ngọc hoa là lượt

Tôi mơ Quê hương, Xứ sở, Cuộc đời…

Đối với sông của vùng mình, tôi nhắn lại:

… Yêu Ta nhé, Lam Giang hiền lặng lẽ

Nhớ Ta luôn, và trung hậu muôn đời

Mang những gì là ký ức xa xôi,

Đưa kể lại cho những người mà Ta yêu nhất…

Có lúc nhớ những ngày thơ ấu, tôi mong thời gian đi ngược lại:

Ơi trưa Đất Mẹ mênh mông

Ôm con cho chặt vào lòng Mẹ ơi!

Cho con sống lại những ngày

Bao nhiêu năm trước của thời ấu thơ…

Lần về Quê này mang theo nhiều cảm động tái tê, buồn nhiều hơn vui…

… Đình làng ở đâu rồi? Miếu làng không còn nữa! Cây đa, bến cũ sao không thấy? Chân bước trên đường tìm về nhà cảm thấy run run, mọi thứ xung quanh đều thấy xa lạ: Vườn của Ông Bà như thấp xuống gần đường, những bậc thang lên thềm mất đi đâu cả? Sân gạch trở thành sân đất, mái ngói biến thành mái rạ… Tất cả như bé nhỏ lại, điêu tàn đi… hay vì con mắt nhìn của mình hôm nay đã khác trước? Hoặc trí nhớ không còn minh mẫn nữa? Hay đối với những người đi xa thời gian dừng lại! Tôi bắt đầu hiểu vì sao mấy lần về nước trước, hai ông chú ruột của tôi tìm mọi lý do để tôi không về làng.

Ba mươi năm qua rồi – thiên nhiên, xã hội, chiến tranh… Thời gian đâu có dừng lại!

Tôi dần dần đi quanh vườn – không tìm thấy những cây cam, cây quýt ngày xưa nữa, cây đào, cây mận biến đi đâu? Cây khế cũ bên góc vườn trước kia xanh rậm bây giờ gần như không còn lá, tàu cau vàng sắp ngã rớt bên sân… Sau nhà ngang xưa, vẫn còn bể xi măng chứa nước, bên cạnh ngổn ngang chậu bát đựng thức ăn cho vịt, cho gà, dọc dãy lá hẹ một cái Sanh nhỏ đen thủi nằm lăn lóc… Đang chìm sâu với bao ý nghĩ, đột nhiên cảm thấy mình như tỉnh lại, tôi ngồi xuống nhặt cái Sanh lên – ký ức ngày xưa hiện lại trong trí nhớ…, méo mó bọc một lớp bùn, lớp đất đã cứng lại. Cầm Sanh trong tay như cầm một Quá khứ, lòng cảm thấy xúc động, nước mắt cứ thế chảy ra. Tôi quay đầu nhìn tứ phía, hy vọng sẽ thấy cái Niêu đồng ở đâu đó. Tôi đi quanh quẩn trong vườn mấy lần, vào nhà, vào bếp, bắt mọi người đi tìm, nhưng không tìm thấy, ai cũng ngạc nhiên nhưng không ai hỏi. Khi kể lại với hai chú lý lịch của những dụng cụ này, các chú hứa sẽ bảo người nhà tìm cho được. Từ hôm đó đến nay đã năm năm qua rồi mà chưa tìm thấy. Một mảnh của Ngày Xưa nằm đâu đó ở Quê nhà, một mảnh nữa được treo trên tường ở một chân trời khác.s

Khi rời Quê, tôi tưởng sẽ không bao giờ muốn quay trở lại, nhưng khi nỗi buồn đã lắng đọng xuống, tôi lại muốn về để tìm kiếm, nhặt lại, để làm quen, để nhìn, để va chạm với những gì hôm nay là thực.

NGƯỜI THIẾU NỮ THỔI SÁO

Năm 1979, sau hai mươi năm không về Việt Nam, tôi đến Hà Nội vào mùa thu. Sau năm ngày ngồi ở nhà với gia đình, tôi dè dặt bước chân ra phố. Mấy ngày đầu được em út, các chú đèo xe đạp đi chơi, những ngày sau dù gia đình không ưng ý, tôi xin được phép đi một mình. Vốn là người quen và thích được tự do, thoải mái, nhưng cũng sợ cái thói quen trong giao thiệp, ăn nói của mình, tôi tự hứa là sẽ không trò chuyện với ai về một số đề mục để khỏi vô tình làm mất lòng ai đó và tránh những phức tạp khi mình ra khỏi nước về Oslo, về nhà.

Tôi có một ý định mang cùng theo chuyến về này, đó là tìm hiểu thêm về những đồ cổ, đồ sứ của châu Á. Ảnh hưởng nghệ thuật của châu Âu đối với tôi rất nặng, chồng tôi là người thầy đầu tiên của tôi, ngoài ra tôi được thấy nhiều về những mục đề này, nhưng nghệ thuật của châu Á thì biết rất ít hay chỉ qua sách vở. Tôi không có một chương trình nên tìm hiểu từ đâu, như thế nào, qua ai? Nhưng khi được chú ruột tôi cho biết ông Đinh Mã là người sưu tập, người am hiểu về môn này. Tôi tìm cách gặp và ghé vào một hàng bán đồ cổ gần hồ Hoàn Kiếm, nơi có thể liên lạc với ông.

Vừa bước vào cửa hàng, chưa kịp hỏi người bán thì thấy một anh mặc dân phục đến sau tôi. Không tự giới thiệu, không thanh minh, đưa đón, anh này hỏi thẳng tôi vào đây để làm gì? “Người trinh sát, công an” – tôi nghĩ. Ngạc nhiên vì sự có mặt của anh này một cách đột ngột, lại càng ngạc nhiên hơn khi tôi chưa kịp trả lời thì thấy chú tôi đứng trước cửa. Chú đỡ lời tôi:

“Cháu nó đi cùng tôi, chỉ muốn xem có cái đồ sứ nào mua làm kỷ niệm”.

Tôi nhìn chú, bảo:

“Con không định mua gì đâu, chỉ muốn hỏi xem ông Đinh Mã có nhã ý dạy cho con một bài học về đồ cổ”.

Nhìn nét mặt chú, tôi đoán ra mình đã nói cái gì mà đáng ra không nên nói. Tôi nhìn anh công an hỏi:

“Tôi từ nước ngoài về, muốn tìm hiểu về nghệ thuật, đồ sứ, đồ sành của Việt Nam, vậy tôi có quyền vào hàng nào mà không bị anh cấm?”.

Anh công an chắc thấy cái vô tư của tôi, hay vì tôi cũng hỏi thẳng như anh hỏi tôi, nên giọng anh dịu lại:

“Chị vào hàng nào cũng được. Đây, trên phố này có nhiều phòng tranh, phòng triển lãm, đồ sơn mài, đồ sứ, đồ sành…, đủ cả”.

Sau vụ này, tôi không ghé vào bất cứ một phòng nào có đồ cổ. Riêng ông Đinh Mã, tôi cũng không tìm gặp ông lần đó nữa.

Vì lý do trên, vô tình không định trước, hai chú cháu tôi ghé vào một Gallery bên cạnh, đúng cuộc triển lãm tranh lụa với nhiều tác phẩm. Tranh lụa nhẹ, nên tôi có ý định sẽ mua một ít. Đề nghị Gallery tìm thêm một số nữa của những họa sĩ tôi được nghe tên để tôi chọn lọc. Vài ngày sau, giữa hơn tám mươi bản, tôi lấy gần ba mươi, trong đó có mấy bức của Nguyễn Đức Toàn – một nhạc sĩ mà hồi nhỏ tôi thường hát bài của ông, bây giờ là họa sĩ. Những bức tranh này mang máng Art Nouveau, tôi thích nhất bức Người thiếu nữ thổi sáo. Những bức này đưa về Oslo, tôi tổ chức triển lãm ở sáu tỉnh, giới thiệu lần đầu tiên về nghệ thuật của Việt Nam – một nước mà ngoài chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, họ chẳng biết gì hơn về nước này. Riêng bức Người thiếu nữ thổi sáo, chồng tôi mang về Ba Lan, đặt một bức thảm dệt bằng len màu, cỡ 1,85mx1,35m do một nghệ sĩ nổi tiếng dệt thảm của Ba Lan hoàn thành – chị Teresa Putowska. Bức thảm đó khi mang về Oslo, được một người giữ quyền trang trí nhà hát mới xây xong muốn mua với một giá rất cao, nhưng chúng tôi từ chối.

Người thiếu nữ thổi sáo là một trong những tài sản của nhà này mà những thế hệ sau phải giữ lại ở trong gia đình.

Oslo, 1998

Thăm Hà Nội mùa thu năm 1979

Thảm nghệ thuật bằng len Người thiếu nữ thổi sáo

Tác giả: Terasa Putowska

Dựa theo tranh lụa của Nguyễn Đức Toàn

 

 

 

NGƯỜI THẦY Ở QUY NHƠN

Sau lần tìm gặp ông Đinh Mã, nhà sưu tập lớn của Hà Nội gặp trắc trở, tôi đã bỏ qua ý định liên lạc với ông để tìm hiểu về đồ cổ, nhưng ý muốn thì vẫn còn. Hai năm sau (1981), đi theo đoàn du lịch của Ba Lan sang Việt Nam, trong đó có cả chồng và đứa con trai thứ hai, tôi muốn tranh thủ thực hiện ý định đó trong dịp này. Chương trình tham quan từ Bắc vào Nam trong thời gian ba tuần. Khi dừng lại ở Quy Nhơn hai đêm và một ngày, tôi hẹn với nhà tôi là sẽ không đi với đoàn mà ở lại Quy Nhơn làm việc của mình.

Ra phố sáng hôm đó, đi hết đường này qua đường kia, có ý định tìm một phòng triển lãm, hay một nhà bán đồ sứ, đồ cổ rồi từ đó chắc sẽ tìm ra người Thầy. Hơn hai tiếng đồng hồ đi qua, đi lại, chẳng thấy một hàng nào đáng chú ý.

Bước vào quán nước, có vườn sau, ngồi bên bàn dưới gốc cây đầy bóng râm mát, tôi cúi đầu chào một ông cụ ngồi bàn bên cạnh. Ông đang hút ống điếu, thoáng nhìn tôi thấy đây là loại ống điếu quý, đẹp, làm bằng gỗ đen và sừng voi. Nghe tôi chào, cụ cũng mỉm cười chào lại. Tôi gọi một bình chè xanh, tự nói với mình: “Chờ một tí nữa, sẽ hỏi cụ xem, có thể cụ biết ở đây ai là người thông thạo chuyện này”.

Đang định hỏi sau hai chén chè thì nghe cụ hỏi:

“Cô từ đâu đến?”.

“Thưa bác, cháu từ Hà Nội”.

“Tôi muốn hỏi cô từ nước nào về?”.

Tôi cười:

“Giá như cháu không nói gì, thì bộ quần đen, áo bà ba này, chắc bác sẽ không nhận ra là cháu sống xa Việt Nam lâu rồi?”.

Cụ cười hà hà:

“Không, cô không nói gì tôi cũng nhận ra ngay, chỉ cần nhìn cái nhẫn bạc trên ngón tay cô là đủ…”.

Thấy tôi ngạc nhiên, cụ nói tiếp:

“Người phụ nữ Việt Nam trong nước, đã không có đồ trang sức thì thôi, nhưng đã có thì hoặc là vàng mà vàng ta, hoặc là ngọc”.

Tôi nhìn cái nhẫn hình quả táo mà một nghệ sĩ đương đại kim hoàn Ba Lan, Jerzy Zaremski, làm riêng cho tôi, tôi kéo luôn cái dây chuyền cũng hình quả táo từ dưới áo ra khoe với cụ:

“Cháu chỉ thích đồ trang sức bằng bạc, đây là bộ cháu thích nhất, nhà cháu trước đây thỉnh thoảng mua quà bằng vàng tặng, cháu không đeo, bây giờ không mua cho nữa”.

Tôi mời cụ sang uống nước cùng, câu chuyện của chúng tôi không khác gì giữa những người quen biết nhau từ trước. Đây là một lão thành có rất nhiều hiểu biết, lịch sự, vừa dè dặt, vừa cởi mở. Tôi tiết lộ ý muốn của mình. Cụ nghe, trầm ngâm một lúc rồi nói:

“Quy Nhơn trước đây cũng có một số hàng bán đồ cổ, bây giờ thì không còn, lý do thứ nhất là vì tình hình vẫn còn không yên ổn, lý do thứ hai là ít người du lịch hôm nay có tiền, toàn người từ những nước Đông Âu đến, ít ai mua, cho nên trưng bày ra cũng chẳng được gì, bây giờ chỉ có những loại souvenir vớ vẩn mà thôi”.

Tôi kể cho cụ nghe chuyện tìm Đinh Mã bên bờ Hồ Hoàn Kiếm hai năm trước. Cụ bảo:

“Đinh Mã là một trong những người sưu tập lớn của Việt Nam, thông thạo về môn này, ngoài ra Hà Nội còn có một số cụ, với rất nhiều đồ cổ quý giá. Những người này có một thế giới riêng biệt. Khi Con người đã say mê những thứ này, họ không thiết biết thế giới bên ngoài như thế nào, chỉ cần ngồi trong phòng, giữa những thẩm mỹ, tận hưởng cái đẹp của những thứ đó. Cháu biết không? Có một cụ ở Hà Nội, nay đã hơn tám mươi, bây giờ nghèo xác nghèo xơ mà đồ của ông thì khó ai bằng, kể cả Đinh Mã, hình như cụ có cả một bộ Gallé hiếm có nhưng không chịu bán đi một thứ gì. Có nhiều loại người sưu tập, loại như cụ này cũng không thiếu ở nước mình”.

“Giá như cháu được vào một phòng như thế, nhìn tận mắt, sờ tận tay, lại được giới thiệu giảng dạy cho thì tuyệt quá…”.

Hai bác cháu im lặng một hồi lâu. Tôi thì đang mơ có một ngày được vào một phòng như vậy, chắc sẽ một trăm lần thú vị, ích lợi hơn là vào xem ở những viện bảo tàng. Đang nửa mơ, nửa tỉnh, tôi nghe cụ nói:

“Đến giờ ăn cơm trưa rồi, nếu cháu không có chương trình khác thì cùng bác về nhà ăn luôn thể”.

Tôi cám ơn, và hai bác cháu đi về nhà cụ, cũng trên con đường này. Bác gái trông trẻ hơn bác trai nhiều, trước đây chắc là một người có sắc đẹp lộng lẫy, sắc đẹp đó vẫn còn, có khi đượm đà hơn. Vào nhà, cụ vui vẻ nói với vợ:

“Có khách đến ăn cơm, má có món gì thì cho ăn món đó, tôi vừa làm quen với một cô gái Việt Nam ở nước ngoài về du lịch. Má xem, cô ấy chẳng khác gì người làng mình, ăn xong, tôi đưa cô về quê”.

Nói xong, cụ quay lại bảo với tôi:

“Có khi quen một người suốt đời, mà không hiểu được người đó, bác chỉ biết cháu qua hai tiếng đồng hồ, nhưng rất muốn đáp ứng được một phần nào ý muốn của cháu về đồ cổ, vậy ăn xong, bác cháu mình về quê, không xa lắm, sẽ có người đèo xe đạp đi, hơn nửa tiếng là đến nơi”.

Tối hôm đó, hơn chín giờ tôi mới về đến khách sạn, gặp ngay chồng con, bà đoàn trưởng, người phụ trách của hãng Du lịch Việt Nam, đang cuống lên vì không biết tôi ở đâu. Khi thấy tôi, người thì vui, người thì giận, con tôi vui nhất, nhà tôi giận nhất, tôi phải xin lỗi mọi người vì về chậm. Riêng nhà tôi, tôi hứa là sẽ không bao giờ đi một mình nữa. Cả một ngày sau, anh ấy không nói năng, hỏi han gì tôi cả.

Tôi nghĩ bụng: “Dù có bị giận một tuần, một tháng, cũng đáng làm việc này”.

Trên con đường làng về quê trưa hôm đó, tôi nhớ đến phong cảnh của Phổ Đông, quê tôi ở Nghệ. Quần đen, áo bà ba nâu, đội nón, nhẫn bạc trên ngón tay được cất đi, chả ai nghi ngờ tôi không phải là người bản xứ. Năm tiếng đồng hồ liền, mắt thấy, tai nghe, vuốt ve, sờ mó những chai lọ, bát đĩa, đồ sứ của đời Minh, đời Tống, đời Đường…, bốn chữ, sáu chữ, dấu nọ, triện kia, cách nhận ra đồ thực bằng thính giác, bằng thị giác, bằng cảm giác. Thầy tôi không tiếc một hiểu biết nào để truyền lại, không giữ một bí mật gì mà không tiết lộ về đồ cổ, còn dạy tôi về Celadon, in hình hoa, hình lá, hình hải sản…, âm thanh của tiếng vang, tiếng kêu, chân, viền của đĩa, của bát, của lọ, màu sắc, trơn, mứt, dày mỏng v.v… Celadon của Tàu, của Việt, của Triều Tiên. Chính ra phải ngồi đây hàng tuần, hàng tháng thì may ra học được một phần nào. Cả hai bác cháu từ chối ăn cơm tối để khỏi mất thì giờ.

Chưa bao giờ tôi có một người Thầy dạy tận tình như vậy, cũng chưa hề thấy một thầy nào khi giảng bài mà bị kích thích say mê như thế.

Trăng đầu thu chênh chếch giữa bầu trời, in hình của hai chiếc xe đạp trên nẻo đường quê. Gió mát hòa theo niềm hạnh phúc hiếm có, không ngờ của mình, trái tim đầy lòng biết ơn của sự Vô tình hay Định mệnh?

Hình ảnh đó in sâu vào ký ức của một ngày đến Quy Nhơn lần đầu tiên mười mấy năm về trước.

Oslo, 1998

Thăm Quy Nhơn mùa thu năm 1981


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button