Văn học nước ngoài

Một Mùa Thơ Dại

Mot mua tho dai - Higuchi Ichiyo1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Higuchi Ichiyo

Download sách Một Mùa Thơ Dại ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

TỦ SÁCH TINH HOA VĂN HỌC

Tinh hoa văn học của nhân loại nào cũng cần được khám phá và tái khám phá. Mỗi tác phẩm lớn là một xứ sở kỳ diệu và mỗi lần ta tìm đến là thực hiện một cuộc phiêu lưu hoan lạc.

Dịch thuật, giới thiệu và biên khảo về những tác phẩm tinh hoa sẽ mở ra các lối cổng dẫn vào những cảnh tượng văn chương khác nhau, qua những không gian và thời gian vừa hiện thực vừa kỳ ảo.

Khát vọng hiểu biết và vui thú trong đời là bản tính của con người ở mọi nơi và mọi thời. Các tác phẩm văn chương thật sự vĩ đại đều mang lại hai điều đó: vui thú và hiểu biết. Nhưng hiểu biết là niềm vui hiếm khi tự đến một cách dễ dãi. Cần đón đợi và hồi đáp.

Mọi tác phẩm tinh hoa cần được đón đợi và hồi đáp trong niềm hân hoan có tên là “ĐỌC”.

ĐỌC. Cầm sách lên và đọc. Trong sách có bạn hiền, có người đẹp, có mọi thứ. Do vậy, chúng tôi chủ trương TỦ SÁCH TINH HOA VĂN HỌC, xem đó như cửa ngõ của hiểu biết và niềm vui.

Ichiyo – thiên tài của tuổi xuân vĩnh cửu

Ichiyo và 24 mùa xuân

24 mùa xuân đó là toàn bộ cuộc đời của cô gái thơ Higuchi Ichiyo! Nàng sinh giữa mùa xuân 1872 và mất vào mùa thu năm 1896.

Một tài năng ngoại hạng đã đưa cuộc đời phù du đó lên đài cao văn học hiện đại Nhật Bản thời khai sáng.

Cha nàng đã đưa gia đình đến Edo (Tokyo ngày nay) sinh sống và ông đã mua được tước vị Samurai vào năm 1867 sau bao nhiêu năm ước mơ. Và thực là công cốc, bởi cuộc Duy Tân sau đó đã hủy bỏ hệ thống giai cấp.

Ichiyo mất cha năm nàng 17 tuổi và bắt đầu biết thế nào là cuộc sống khốn cùng, thế nào là lăn lộn kiếm sống: viết văn đối với nàng có mục đích trước mắt là kiếm tiền nuôi thân và nuôi gia đình. Trừ phi kiếm được nhiều tiền bằng văn chương nếu không nàng sẽ không thoát khỏi cảnh may thuê, giặt mướn hay bán kẹo bánh cho người dân nghèo.

Tuy thế, bút hiệu mà nàng bắt đầu ký từ năm 1891 là Ichiyo (nàng tên thật là Natsuko) lại rất ý nghĩa. Ichiyo (Nhất Diệp) có nghĩa là “một lá” ám chỉ cọng lau đơn độc mà Bồ Đề Đạt Ma dùng vượt sông Dương Tử. Với bút danh đó, có lẽ Ichiyo khao khát một cuộc vượt sóng, đến được “bờ bên kia” nào đó. Nàng muốn tìm kiếm được chính bản thân mình ngay trong lúc phải ra sức kiếm tiền.

Nàng viết cả thơ và truyện với một lối văn hầu như là cổ điển, không có dấu vết gì của ảnh hưởng Tây phương. Nhưng các nhân vật nữ của nàng đã bắt đầu rất mới trong ý thức và cả trong tâm lý. Hirata Tokuboku nhận xét:  “Nàng chưa bao giờ vượt qua sự giáo dục mà nàng nhận được ở truyện Genji, ở Saikaku và các tác phẩm Nhật Bản cổ điển khác, thế mà nàng vẫn hiểu rõ chúng ta vô cùng, mặc chúng ta là những kẻ dấn mình hoàn toàn vào thơ văn phương Tây, và nàng cứ thản nhiên tiến bước đồng bộ với ta – Đó mới thật là sự lỗi lạc!”.

Lần lượt, những tiểu thuyết nhỏ nhắn nhưng tuyệt đẹp của nàng xuất hiện:

–  Ngày cuối năm  (Otsugomori, 1894)

–  Khe nước đục  (Nigorie, 1895)

–  Đêm mười ba  (Jusanya, 1895)

–  Một mùa thơ dại  (Takekurabe, 1895)

–  Những ngả đường cách biệt  (Wakaremichi, 1896).

Khoảng 20 truyện ngắn, chừng 4.000 bài thơ và vài tiểu luận cùng một bộ nhật ký nổi tiếng – đó là những gì Ichiyo kịp tạo dựng trong cuộc đời mệnh yểu của mình. Nàng chết vì bệnh lao.

Trước khi mất, Ichiyo đã nổi tiếng lẫy lừng. Những nhà văn lớn nhất thời ấy đều đến nhà nàng như Koda Rohan, Mori Ogai… Còn Izumi Kyoka thì chẳng ngại ngùng “tự phong” làm đồ đệ của nàng.

Và sự ngưỡng mộ, sau cái chết của nàng lại càng dâng cao. Các truyện ngắn lừng danh của Ichiyo lần lượt được dựng thành những bộ phim nghệ thuật vào giữa những năm 1970, ở Tokyo mỗi sớm mai, đài phát thanh lật những trang nhật ký của Ichiyo ra và đọc với giọng truyền cảm ngân vang khắp xứ sở, làm sống dậy một linh hồn u uẩn, người con gái cuối cùng của Phù Tang xưa và người con gái đầu tiên của Nhật Bản mới.

Tiểu thuyết   Một mùa thơ dại  –  Kiệt tác của trò chơi làm người

Một mùa thơ dại (Takekurabe)  vừa xuất hiện đã ngay lập tức tỏa sáng. Hầu như các nhà phê bình đồng loạt nhìn nhận nó là kiệt tác mà không chút do dự sau khi nó được ấn hành đầy đủ vào tháng 4/1896.

Chính vì tác phẩm này mà Mori Ogai phải thốt lên: “  Cho dù bị chế nhạo là kẻ thờ phụng Ichiyo thế nào đi nữa, tôi cũng không ngần ngại gọi nàng là thi nhân thượng thặng”.

Nhan đề  Takekurabe  (  Một mùa thơ dại  ) có nghĩa đen là “So sánh chiều cao” bắt nguồn từ một tình tiết trong tác phẩm cổ điển  Truyện Ise,  trong đó đôi trai gái hồi tưởng về thời niên thiếu và những ngày tháng lớn lên bên nhau trên bờ dốc trưởng thành, cùng nhớ lại trò chơi đánh dấu chiều cao trên thành giếng nước.

Như vậy,  Takekurabe  có thể được hiểu là trò chơi thơ dại, tâm hồn thơ dại, là thế giới của những đứa trẻ đang dần lớn khôn, đang ở trên bờ dốc có nhiều biến chuyển thể lực và tâm lý, sự biến chuyển mà  Truyện Ise  đã biểu hiện tài tình qua bài thơ của chàng trai gửi cho bạn gái:

Khắc dấu chiều cao

bên thành giếng nước

vượt xa lúc nào

kể từ ngày cuối

nhìn em nao nao

Một mùa thơ dại  ra đời từ tinh thần của bài thơ ấy, nhưng nó không diễn ra bên bờ giếng nước ở thôn quê như  Truyện Ise  của đầu thế kỷ 10 mà Ichiyo cho nó một địa điểm khác hẳn, đó là khu phố ăn chơi Yoshiwara ở Edo (Tokyo).

Vào năm 1893, Ichiyo mở một hiệu bánh kẹo nhỏ bé gần Yoshiwara. Tuy chuyện làm ăn này không thành công, nhưng nhờ đấy mà nàng có sự hiểu biết về đời sống Yoshiwara: con người, khung cảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị…

Từ đó, Yoshiwara được tái hiện tuyệt vời trong nhiều tác phẩm của nàng như Ogai nhận xét: “  Điều lỗi lạc nhất là các nhân vật qua lại khu phố này không hề là những dã thú đội lốt người như các bản sao xây dựng nhân vật theo kiểu tác phẩm của Emile Zola, Ibsen, của những kẻ theo đuôi cái gọi là trường phái tự nhiên – mà họ là những con người rất thật, cùng với họ chúng ta có thể khóc cười…”  .

Thật vậy,  Một mùa thơ dại  đầy ắp những chân dung rất sống động, khó mà quên, cả người lớn hay trẻ thơ nhưng chủ đề của nó là tình yêu thơ dại. Thế giới của cô bé Midori xinh đẹp, là em gái một kỹ nữ nổi tiếng và cậu bé Nobu hiền lành lặng lẽ, con trai của một nhà sư phàm tục.

Thế giới đó còn có những đứa trẻ khác như Shota ở cửa hiệu cầm đồ, Sangoro con trai người phu kéo xe, như Chokichi con trai đội trưởng cứu hỏa… Đám trẻ này, như mọi đứa trẻ ở những nơi khác, lớn lên bên nhau qua những trò chơi, học tập, lễ hội, cãi vã, đánh nhau… Chúng cũng làm những việc người lớn sai bảo như Shota đi thâu tiền lãi, Sangoro đi kéo xe…

Đúng hơn, chủ đề của tác phẩm không phải là “niềm thơ dại” mà chính là “niềm thơ dại bị đánh mất”. Chúng lần lượt đánh mất tuổi thơ của mình, leo lên bờ dốc của sự trưởng thành mà chấp nhận định mệnh, chấp nhận những vai trò mà người lớn giao cho chúng. Chúng không chọn lựa và không có quyền chọn lựa. Và đã đến cái ngày Midori vấn cao mái tóc theo phong cách Shimada của một thiếu nữ. Nàng biết mình sẽ phải đi theo con đường của người chị, làm một kỹ nữ.

Nhìn cô bạn gái bỗng lộng lẫy ra, Shota kinh ngạc. Trước đây, cậu từng nói đùa rằng cậu sẽ “mua” nàng khi nàng lớn lên. Bây giờ thì cậu sắp làm một ông chủ của cửa hiệu cầm đồ, liệu lời đùa “vô tội” xưa kia có ý nghĩa gì? Không hề đùa cợt, cậu sẽ mua một đêm của Midori, cô bạn nhỏ ngày xưa chứ gì? Dường như bài hát cuối cùng mà cậu hát là:

Ngày còn thơ

cùng hoa với bướm

mải mê chơi đùa

Mười sáu bây giờ

biết bao buồn khổ

tan tành cơn mơ

Đúng là sau đó, khi mà Midori ẩn mình vào phòng riêng, Shota đi quanh khu phố lặng lẽ, miễn cưỡng làm công việc của mình, không thiết hát ca gì:

“Hiếm khi người ta nghe Shota lại cất lên tiếng hát. Đêm đêm cậu ấy cầm đèn lồng đi quanh khu phố thâu tiền lãi. Bóng cậu đi dọc theo bờ mương nước trông lạnh lẽo quá”.

Nhưng Nobu mới thật là một nhân vật cô đơn. Nobu cô đơn và xa lạ ngay giữa gia đình của mình, giữa khu phố, giữa thời đại. Một phần do những hoàn cảnh ấy không cần có anh, một phần do bản chất quá mẫn cảm quá thanh khiết của anh.

Trước hết là gia đình. Cha anh là một nhà sư phàm ăn tục uống, tham lam và ích kỷ. Ông ta có một vợ hai con. Ngoài Nobu còn có đứa con gái Ohana. Ohana có nhan sắc, ông ta mở cho nàng một quán trà để nàng có thể bán cái duyên sắc ấy kẻo nó phí hoài đi. Ông ta bảo vợ đi bán kẹp tóc cho khách thập phương những ngày lễ chùa. Ông ta thích ăn thịt lươn và thường sai con trai đi mua, một công việc mà Nobu thấy nhục vì anh căm ghét mọi thứ tanh tưởi. Tại sao một người như thế lại là nhà sư cho được? Và mẹ anh, và chị anh – tất cả những gì họ làm đều khiến cho Nobu sợ hãi, hổ nhục.

Cạnh đó là cái khu phố Yoshiwara đầy náo động, đầy bạo lực và trụy lạc. Nó vây bọc tuổi thơ của Nobu. Nobu bị ném vào nó. Nó tồn tại cũng như thế giới của người lớn đang tồn tại mà không cần Nobu có chấp nhận hay không. Và thời đại, một thời đại quá nhiều hứa hẹn, khát vọng, giấc mơ… ở những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19. Vào thời đại đó, những người phụ nữ được gì ở Yoshiwara và những đứa trẻ thơ được gì ở Yoshiwara?

Chính vì vậy, sự mất mát niềm thơ dại trong tác phẩm  Một mùa thơ dại  mang tính tượng trưng. Những Nobu, Midori, Shota không chỉ là những đứa trẻ của khu phố không có đêm. Họ còn là cả một thế hệ. Đó là “Một bi ca về sự tan biến của một thời đại ngây thơ trong xã hội Nhật Bản” (nhà phê bình John Lewell).

Hay nói rõ hơn như Robert Danly: “Một cách gián tiếp  Một mùa thơ dại  là bi ca về những vận hội mất mát, thể hiện niềm hối tiếc của thế hệ của thời đại mà Ichiyo sống, về một thời thơ dại và lạc quan đã bị tước đoạt quá phũ phàng”.

Tác phẩm kết thúc vào lúc Nobu, trước ngày khoác áo tu, để lại một đóa hoa thủy tiên vàng bằng giấy nơi thềm nhà Midori như một tình yêu bị tước đoạt.

“Một buổi mai mờ sương, ai đó đã để lại một đóa thủy tiên giấy trên thềm nhà nàng. Không có lời nhắn nào trong hoa, nhưng Midori vẫn đem đặt nó vào bình, ngắm nhìn trìu mến, nàng thấy nó không hoàn hảo chút nào tuy phảng phất buồn, trong dáng vẻ khô lạnh và cô đơn. Và rồi không biết từ đâu nàng nghe rằng sau ngày đó Nobu vào một tự viện, mặc lấy chiếc áo đen”.

Chính trong  Một mùa thơ dại,  Ichiyo trẻ trung và thầm lặng bước lên đài cao thiên tài.

Một thiên tài với tuổi xuân vĩnh cửu.

ĐỌC THỬ

Anh đào đêm

Chỉ có một  hàng rào tre ngăn cách hai nhà Nakamura và Sonoda. Họ dùng chung một giếng nước sâu trong vườn. Nước giếng trong văn vắt không một chút gợn như mối thân tình của hai nhà. Cành mai nở tỏa hương dưới mái nhà này như đem cả mùa xuân sang nhà kia.

Ông chủ nhà Sonoda đã mất cách đây hai năm, chỉ còn lại cậu con trai hai mươi hai tuổi, đang học Đại học, tên Ryonosuke. Nhà Nakamura cũng có con trai nhưng không may mất sớm, chỉ còn lại mỗi một cô con gái mà họ quý hơn vàng bạc, châu báu. Nhà Nakamura đặt tên con là Chiyo với ước mong con gái sẽ sống lâu như chim hạc trong truyền thuyết. Chiyo được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, đến một ngọn gió cũng không được phép làm phiền bông hoa cài duyên trên đầu cô bé.

Ngay từ nhỏ, dung nhan xinh đẹp của Chiyo đã sớm khiến người ta không ngừng bàn tán, dự đoán tương lai xa gần. Vẻ đẹp mơn mởn đang tuổi xuân thì như tươi thắm hơn cả nụ anh đào trên cánh rừng dưới làn mưa xuân. Vẻ đẹp khiến người ta muốn ngắm nhìn hơn cả ánh trăng rằm xuyên qua tán lá thông.

Năm Chiyo mười sáu tuổi với vẻ đẹp làm say đắm lòng người, nàng được bới tóc kiểu Takashimada, cài nơ lụa. Như bông hoa đẹp nhất vườn, Chiyo khiến bao nhiêu người phải dừng bước thốt lên lời khen ngợi, gây xôn xao cả vùng đến mức chính bản thân nàng cũng cảm thấy làm người đẹp thật phiền toái. Khi nàng thả diều,cơn gió Bắc trên cao cũng như chiều lòng người đẹp.

Bây giờ Chiyo đã lớn. Nếu lúc xưa, khi Ryonosuke nhìn thẳng vào mắt Chiyo rủ chơi búp bê, chẳng buồn quan tâm đến vẻ ngoài thay đổi của Chiyo thì nàng cũng không lấy làm phiền lòng. Họ gọi nhau bằng tên thân mật từ tấm bé“anh Ryo” và “bé Chii”. Vừa thân nhau đó, họ có thể giận hờn, không thèm nhìn mặt nhau ngay.

– Anh đừng bao giờ đến đây nữa!

– Nói gì vậy? Đừng hòng tôi đến nữa nhe!

Nhưng sau đó hai ngày, Chiyo lại xin lỗi:

– Ryonosuke, em xin lỗi! Em thật là quá quắt, nói những lời không hay. Anh tha thứ cho em nhé!

– Ồ không, thật ra anh mới quá quắt.

Thế là họ lại làm lành, như băng tuyết mùa đông dần tan dưới nắng ấm mùa xuân. Đôi bạn trẻ lại tươi cười thân thiết như xưa, Chiyo nắm tay áo Ryonosuke nói:

– Anh Ryo à, đêm qua em mơ một giấc mơ tuyệt lắm! Em thấy anh Ryo tốt nghiệp, hình như làm quan gì đó lớn lắm nên đội mũ chóp cao, đi xe ngựa sơn đen bóng loáng, sau đó bước vào một tòa nhà kiểu Tây dương vô cùng lộng lẫy nữa.

– Nằm mơ vậy là phải hiểu ngược lại, không chừng anh sắp bị xe ngựa tông cho một phát thì có!

Ryonosuke cười vang nhưng Chiyo nhíu đôi chân mày xinh đẹp nói:

– Anh không nên nói gở như vậy. Tóm lại, hôm nay anh đừng đi đâu ra ngoài chơi là được.

Chiyo thành thật nói với tâm trạng lo lắng, đầy mê tín, thật không giống một cô gái được tiếp thu nền giáo dục hiện đại.

Đôi bạn trẻ lớn lên với tình bạn không khoảng cách, không chút khách sáo như thế. Cả hai chẳng bao giờ biết đến nỗi buồn, giữa họ chỉ có tiếng cười nói rộn ràng thân thiết.

Một ngày giữa tháng Hai, khi mùa xuân chưa kịp đến, cơn gió lạnh vẫn còn lượn lờ đâu đó, đôi bạn trẻ rủ nhauđi chùa thờ nữ thần Marushiten ngắm hoa mai. Chiyo khoác tay Ryonosuke nói:

– Anh Ryo à, anh không quên lời hứa đó chứ? Anh mà quên là không được đâu đó!

– Ờ, yên tâm đi. Anh không quên gì cả. Ủa mà… là chuyện gì ta?

– Là chuyện đó đó, vậy mà em cứ tưởng chúng ta đang đi đến đó chứ?

– À à, anh nhớ ra rồi. Chiyo có nói là muốn đi ngắm hội đèn lồng về Oshichi, con gái nhà bán hoa quả phải không?

– A a, anh thật biết nói xạo!

– Không phải? Vậy chắc là đi xem người ta diễn cảnh bắt gấu ở Tamba hả?

– Sao cũng được, em đi về đây!

– Chà chà, nãy giờ anh đùa thôi mà, làm sao để tiểu thư nhà Nakamura hết giận đây?Ryonosuke nàycứ nghĩ là nhớ những gì tiểu thư muốn chứ, vậy mà…

– Không cần gì cả, anh muốn làm gì thì làm!

– Chà chà, giận vậy thì phiền lắm. Đi chơi mà cãi nhau vậy người ta cười cho đó!

– Cũng tại anh toàn nói năng linh tinh.

– Cho nên anh đã xin lỗi rồi mà.

Họ nói qua nói lại rồi đi ngang hiệu tạp hóa tự lúc nào.

– Bây giờ chúng ta đi đâu đây?

– Làm sao anh biết? Vừa mới lúc nãy ai nói không cần gì cả nhỉ?

– Anh quá đáng lắm! Gây sự cũng anh mà xin lỗi cũnganh!

Cả hai rẽ qua góc phố có nhiều cây mai đang nở rộ. Đâu đó vang tiếng guốc. Sau đó là tiếng đàn koto. Người phụ nữ mù chơi một bản nhạc đang thịnh về hoa Asagao. Có tiếng mời gọi ngọt ngào, đưa đẩy:

– A… i kẹo hạt dẻ ngọt khô… ng?

Cạnh đó là hiệu bánh muối nướng giòn thơm phức.

– Bé Chii à, nhìn kìa. Cái cây thứ hai bên phải á!

– A a, cây màu hồng đậm đó đẹp quá!

Chiyo đang vô tư ngắm mai thì giật mình bởi có ai đó vỗ vai gọi:

– Nakamura!

Quay lại nhìn thì ra đó là nhóm bạn nữ sinh tóc cột kiểu Tây, đang nói cười rộn rã, miệng tươi như hoa.

– Ai nói đây?

– Hai người thân thiết quá ta!

Nói rồi cả đám bỏ chạy, cũng bất ngờ như khi họ kéo đến, chỉ để lại làn gió chiều và đôi bạn trẻ.

– Bé Chii, ai vậy? Bạn học của em à? Họ cũng nghịch dữ vậy à?

Ryonosuke hơi chút bực mình, còn Chiyo cúi đầu, mặt đỏ bừng.

Tâm trạng của Chiyo bắt đầu thay đổi từ lúc nào? Mối tình cảm ngày một lớn này đến từ đâu? Đến hôm qua nàng còn không để ý đến nó kia mà? Tiếng cười của Ryonosuke như xâm chiếm toàn bộ cảm xúc trong nàng. Chiyo cảm thấy lúng túng, xấu hổ, sợ hãi trước sự thay đổi của trái tim mình. Không biết người ta có nhận ra không, có cười mình không? Nàng run rẩy trước tình yêu đến mức không thể đáp lời chàng dù chỉ là một câu hỏi đơn giản, vu vơ. Chiyo thấy ngượng ngùng, tim đập liên hồi. Nàng thu mình lại như thể đang có cả một núi tâm sự đè nặng trên vai. Nàng xấu hổ với chính những thay đổi trong lòng mình đến mức không thể gọi nổi tên Ryonosuke. Trái tim yêu thương như đang bị đốt cháy mà có lẽ chỉ có nước mắt mới làm nguội được nó.

Chiyo không ngủ được nhưng đến khi chợp mắt, nàng lại mơ thấy Ryonosuke. Bàn tay ấm áp của Ryonosuke vỗ lưng nàng nhẹ nhàng,  “Em đang nghĩ gì đó?”  , vậy mà nàng cũng lặp lại hành động như ban ngày, chỉ cúi gằm mặt, không dám nói rằng  “Em đang nghĩ về anh”.  Dù nàng biết nếu che giấu tình cảm trong lòng sẽ tạo ra hàng rào ngăn cách giữa hai người. Ryonosuke khẽ liếc nàng, chẳng mảy may nghi ngờ mớ tình cảm hỗn độn trong lòng Chiyo, anh hỏi  “Là anh chàng nào may mắn vậy? Mà cho dù là ai thì anh cũng thấy ghen tỵ với anh ta hết!”. “Sao anh lại nghĩ em có tình cảm với ai xa lạ chứ? Sao anh không thử nhìn xem em ốm o thế nào?”  . Ryonosuke dịu dàng nắm tay Chiyo rồi hỏi tới  “Vậy tóm lại là ai?”.

Chiyo gần như đã trả lời  “là anh”  thì chợt nghe tiếng chuông chùa đã báo hiệu ngày mới vang đến tận bên tai. Thì ra chỉ là giấc mơ. Nàng nhớ lại một bài thơ cổ và cảm giác tiếng gà gáy sớm thật đáng ghét làm sao trong những câu chuyện tình. Trời đã sáng mà Chiyo vẫn chưa muốn rời khỏi giấc mơ đêm qua. Nàng thấy thật uể oải. Mẹ nàng hỏi:

– Con không khỏe à? Sắc mặt con trông xấu quá!

Đương nhiên mẹ nàng không thể nào biết được giấc mơ đó nhưng Chiyo đỏ bừng mặt, lòng dạ rối bời. Cả ngày Chiyo không thể nào tập trung vào việc may vá, thêu thùa. Nàng có cảm giác phải đè nén tình cảm trong lòng. Liệu đây có phải là tình yêu thật sự khi nàng chỉ mới nghĩ về Ryonosuke gần đây? Nếu nàng thổ lộ tình cảm của mình, liệu anh có hắt hủi, khinh thường nàng? Nàng không nên gặp anh nữa chăng? Nàng đã và đang như người em gái nhỏbên anh lâu nay, nhờ vậy giữa họ không có hàng rào ngăn cách. Nhưng nếu là người yêu, liệu nàng có trở thành người nâng khăn sửa túi trọn đời cho anh được không? Anh sẽ chọn cô gái như thế nào làm vợ? Anh có đủ lý do để tìm một người vợ đẹp nhất thế gian, một người vợ cầm kỳ thi họa, biết chơi đàn koto, biết làm thơ. Dung mạo thì nàng có nhưng nàng không thể bù lại khoản văn thơ. Nàng có nên bộc lộ tình cảm của mình không? Nói ra rồi liệu tình bạn từ thuở ấu thơ đến nay sẽ ra sao? Nếu nói ra mà đánh mất nó thì còn gì buồn hơn? Hay thôi, nàng cứ xem Ryonosuke như một người anh mà không tơ tưởng gì đến thứ tình cảm nào khác nữa?

Lòng đã quyết quên đi mối tình cảm ngây thơ nhưng nước mắt cứ trào ra, như cuộn chỉ càng gỡ càng rối. Nàng thấy ghét sự tử tế của anh. Phải chi anh vô tình, lạnh lùng thì đâu đến nỗi nàng phải trăn trở thế này. Là nàng có lỗi khi không thể quên anh hay là anh có tội khi khiến nàng ra nông nỗi này? Chiyo không muốn nghe giọng nói của anh nữa, không muốn thấy bóng dáng anh nữa. Giọng nói ấy, bóng hình ấy chỉ làm ngọn lửa trong tim nàng bùng cháy mà thôi.

Nếu anh không qua nhà nàng nữa thì ngược lại nàng cũng sẽ không bước chân qua nhà anh.Tuy rất tiếc nhưng chỉ có cách này mới có thể làm mối quan hệ của họ xấu đi, làm cho họ trở thành như nước với lửa, lúc đó nàng mới thấy nhẹ nhàng. Kể từ hôm nay, nàng sẽ không gặp mặt anh nữa. Nếu anh có tức giận mà gây sự thì đó là điều nàng mong muốn lúc này. Vừa lúc Chiyo dặn lòng cứng rắn như vậy thì nàng nghe tiếng nói của Ryonosuke. Thế là bao nhiêu quyết tâm như tan đi đâu hết. Nàng đã nghĩ gì vậy chứ? Nàng muốn gặp anh biết bao. Ngoài nàng ra, anh đâu có người bạn nào khác để mở lòng tâm tình. Ánh mắt Ryonosuke trong sáng, không một chút gợn màu sắc của tình yêu. Anh xem nàng như cô em gái nhỏ đáng yêu. Nàng sẽ nói gì khi đối mặt với người thanh niên lôi cuốn và đầy khác biệt như Ryonosuke? Nàng mong chờ điều gì trong tương lai? Nàng tìm gì khi mùa xuân đang đến gần? Ngọn cỏ non báo hiệu mùa xuân mới nhưng người con gái trẻ không thể bày tỏ tình yêu trong tim.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button