Văn học nước ngoài

Lời Nguyền Truyền Kiếp

Loi nguyen truyen kiep - Paula Morris1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Paula Morris

Download sách Lời Nguyền Truyền Kiếp ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng EPUB               Download

Định dạng PDF                  Download

Định dạng MOBI               Download

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH 

Giới thiệu

“Lời nguyền truyền kiếp” là nỗi ám ảnh của con người về những hồn ma lang thang hàng trăm năm trong các nghĩa địa đổ nát, âm u và gần như bị thế giới hiện đại lãng quên. Đó là những hồn ma với những câu chuyện kỳ bí, những cái chết bi thảm, những lời nguyền rùng rợn đeo bám con người.

Cuốn sách được viết bằng một câu mở đầu rất thú vị “Chào mừng bạn đến New Orleans, thành phố của QUYẾN RŨ và PHÉP THUẬT, của CUỒNG PHONG BÃO LỐC và NHỮNG HỒN MA”.

Cha đi công tác, Rebecca phải đến sống với dì ở New Orleans. Vào học viện Temple Mead, cô lạc lõng giữa môi trường của giới thượng lưu xa hoa, phù phiếm và hợm hĩnh.

Vào một đêm, trong nghĩa trang Lafayett, Rebecca đã kết bạn với Lisette, một cô bạn bí ẩn, một hồn ma. Từ đây, những bí mật về lời nguyền truyền kiếp hơn trăm năm bao phủ lên một dòng họ cũng như thân thế cô dần hé lộ.

Trích đoạn

Dịch sốt vàng da đang tàn phá thành phố cảng náo nhiệt. Từng hồi chuông đổ dồn nguyện hồn cho người chết. Tàu thuyền trên sông Mississippi bị cách ly, hàng hóa bị bỏ mặc chờ hư hỏng, bệnh dịch đã đốn ngã tất cả các thủy thủ đoàn. Trước khi mùa hè này kết thúc, có thể tám nghìn người sẽ không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Ở thành phố này, bệnh sốt vàng da được coi là Căn bệnh của những kẻ lạ mặt. Những người nhập cư – người Ý, người Hy Lạp, người Đức, người Ba Lan, hay những người mới đến từ các thành phố lớn như New York và Boston – đều không có sự đề kháng nào với bệnh dịch. Những người Ireland lánh tới New Orleans để tránh nạn đói dữ dội nơi quê nhà cũng sớm trở thành nạn nhân, bị cướp đi sinh mạng chỉ trong vòng một tuần kể từ khi nạn dịch kinh hoàng đầu tiên bùng phát.
Ban ngày, đường phố vắng tanh không một bóng người. Ban đêm, việc chôn cất đồng loạt diễn ra khắp nơi trong thành phố. Các nghĩa trang thì chật kín; xác người thối rữa chất thành đống, nằm trương lên dưới nắng hè. Người ta phải lót rượu cho những tay đào huyệt để họ lờ đi mùi xác thối mà đào những cái hố nông đáy cốt để chôn cất thi thể cho dân nghèo. Những cư dân da đen của New Orleans – những nô lệ và người da đen tự do – phần lớn có vẻ miễn dịch với căn bệnh, thì cũng chỉ cầm cự được đến tháng Tám năm 1853. Những dòng tộc vốn giàu có – như người Creole và người Mỹ – cũng phải gánh chịu nặng nề như dân nhập cư nghèo khổ.
Trong những khu nghĩa trang kín cổng cao tường, hay còn được xưng tụng là Những thành phố nổi tiếng của người chết ở New Orleans này, các ngôi mộ đẹp đẽ kia là dành cho cả bố, cả mẹ, cả con gái và con trai. Tại nghĩa trang Lafayette, một góc đặc trưng Mỹ và mới mẻ của thành phố, các xác chết hàng đêm đều bị vứt bỏ ngay trước lối vào. Không còn chỗ để chôn cất những thi hài vô danh này nữa, rất nhiều trong số đó đã phải hỏa thiêu.
Tuần cuối cùng của tháng Tám, trong màn đêm chết chóc đó, một nhóm người đàn ông đã mở khóa cánh cổng nằm trên Đường số 6 dẫn vào nghĩa trang Lafayette. Dưới ánh đuốc, họ tiến về phía một khu mộ gia đình trông lộng lẫy khác thường. Hai chiếc quan tài dành cho hai nạn nhân của dịch bệnh, đều là thành viên của gia đình này, đã được đặt trong hầm mộ vào buổi chiều hôm đó, mỗi chiếc nằm trên một giá đỡ hẹp dài của hầm mộ. Theo phong tục địa phương, sau khi đã hạ huyệt, phần hầm mộ phải được xây kín lại bằng gạch trong vòng một năm lẻ một ngày.
Nhưng hầm mộ đặt hai chiếc quan tài này vẫn chưa hề được bịt kín. Những người đàn ông đó vừa di chuyển phiến đá cẩm thạch vừa lấy tay che miệng vì mùi xác chết thối rữa bốc lên đến nghẹt thở trong tiết trời nóng nực. Họ đẩy một cái xác đã được quấn vải liệm lên mặt trên chiếc quan tài rồi nhanh chóng đặt phiến đá trở lại vị trí cũ.
Sang ngày hôm sau, ngôi mộ được bịt kín. Một năm sau đó, những người đàn ông kia quay trở lại, phá dỡ lớp gạch đã được xây. Hai chiếc quan tài được khai quật và vứt bỏ, hài cốt của người chết được vùi trong lớp đất của một lòng hố nhỏ dưới đáy huyệt sâu.
Danh tính của hai tử thi đầu tiên được chôn cất trong hầm mộ vào cái tháng Tám khủng khiếp đó đã được khắc trên bia, như một sự ghi nhận về cái chết của họ. Nhưng cái xác thứ ba thì không.
Chỉ có những người đàn ông đã chôn cất các xác ấy trong khu mộ này mới biết đến sự tồn tại của nó.

ĐỌC THỬ

1

Mưa đang hối hả trút xuống vào buổi chiều Rebecca Brown đến New Orleans. Khi máy bay hạ thấp độ cao bay qua tầng mây xám, cô chỉ thoáng nhìn thấy một đàn thiên nga đông đúc ở phía tây thành phố. Hàng cây bách xé toạc màn mưa dày đặc, một nửa đã bị nhấn chìm trong cơn mưa đang quất nước ào ạt, thấp thoáng trong mưa bóng một vài con diệc tuyết. Thành phố bốn bề bị nước vây kín: những con thiên nga và đầm lầy; hồ nước lợ Pontchartrain, nơi những con bồ nông đang sà mình trên mặt nước; chiếc cầu phao hẹp, là chiếc cầu dài nhất thế giới, nối liền thành phố và Bờ Bắc xa xôi; và tất nhiên, cả khúc quanh của dòng sông Mississippi đã bị ngăn lại bởi những con đê xanh mướt cỏ.

Như nhiều người New York khác, Rebecca biết rất ít về New Orleans. Cô còn hầu như chẳng nghe mấy về nơi này cho đến khi cơn bão Katrina ập đến, và hàng tối nó đều xuất hiện trên bản tin – loại tin tức chẳng hề khiến người ta muốn chuyển tới thành phố này chút nào. Nước lũ đã quét đi một phần mười thành phố, ngập tràn nơi đây như một bát nước đầy sau khi hệ thống đê của những con kênh đào bị phá vỡ. Ba năm sau, New Orleans dường như vẫn chỉ là một thành phố của những đống đổ nát. Hàng nghìn người dân của thành phố này đang phải sinh sống tản mát khắp nơi trên đất nước. Nhiều ngôi nhà vẫn đang chờ để được phá bỏ và xây dựng lại, số khác thì đã bị xóa sổ hoàn toàn. Một số ngôi nhà vẫn còn kẹt với đống đồ đạc úng nước dưới mái nhà bị sập, rất nguy hiểm nếu bước vào trong, và vẫn đang đợi chờ chủ nhân của chúng hay những người thuê nhà, những người sẽ không bao giờ quay trở lại.

Có người cho rằng thành phố này, một trong những thành phố cổ nhất nước Mỹ, sau cơn bão và trận lũ đó sẽ chẳng thể nào phục hồi. Chính vì vậy, nên bỏ hoang thành phố và để mặc cho nó trở thành một bãi lầy, hay một đồng bằng ngập nước của dòng sông Mississippi hùng vĩ.

“Chưa bao giờ bố nghe thấy điều gì vớ vẩn đến thế,” bố Rebecca nói, tỏ thái độ bất bình gần như tức giận, cho dù kiểu ý kiến thế này được đưa trên một kênh truyền hình hẳn hoi. “Đó là một trong những thành phố tuyệt vời của nước Mỹ. Sao không thấy ai nói về việc bỏ hoang Florida, trong khi thành phố đó lúc nào cũng gặp bão nhỉ?”

“Đây mới chính là thành phố duy nhất tuyệt vời của nước Mỹ bố ạ,” Rebecca nói với bố. Bố cô có thể đảo mắt ngao ngán, nhưng sẽ không tranh cãi với cô, vì chẳng có gì để mà tranh cãi cả. Đối với Rebecca, New York dường như là trung tâm của vũ trụ này.

Nhưng lúc này đây chính cô lại đang bay tới New Orleans khi chỉ còn một tháng nữa là tới Lễ Phục sinh. Rebecca chưa từng đặt chân tới thành phố này, mặc dù bố cô có một người bạn cũ sống ở đây, một cô Claudia Vernier nào đấy có một người con gái tên là Aurelia. Rebecca mới chỉ gặp họ đúng một lần tại phòng nghỉ của họ trong một khách sạn ở Midtown. Và giờ đây, cô đã được nghỉ học sớm năm tuần trước khi kết thúc học kỳ và đang được gửi tới một nơi cách nhà tới hàng trăm dặm.

Đây không phải là một kỳ nghỉ ngẫu hứng, mà vì Rebecca sẽ phải sống ở đó, trong sáu tháng liền.

Máy bay xóc mạnh lên khi bay qua vùng mây thưa thớt. Rebecca cau có với chính cái bóng lờ mờ của mình hiện lên trên cửa sổ. Nước da màu ô-liu của cô trông tái nhợt dưới ánh sáng kỳ dị này, mái tóc rối ôm lấy khuôn mặt nhỏ nhắn và chiếc cằm mà bố cô vẫn hay mô tả bằng một từ “cương quyết”. Mùa thu ở New York đẹp lạ lùng: Từ cửa sổ phòng mình, Rebecca có thể nhìn thấy Công viên Trung tâm như rực lửa, bừng cháy lên với những thảm lá vàng rực rỡ. Còn ở đây, mọi thứ trên mặt đất đều nhớp nháp, ảm đạm và xanh xám.

Rebecca không cố tỏ ra bất hợp tác. Cô hiểu rằng cần có ai đó ở bên để chăm sóc cho cô. Bố cô, một cố vấn kỹ thuật cao cấp, sẽ phải đi công tác Trung Quốc nhiều tháng liền, mà Rebecca mới chỉ mười lăm tuổi, còn quá nhỏ để sống một mình trong căn hộ ở Đại lộ phía Tây Công viên Trung tâm đó. Thường thì khi bố Rebecca đi công tác xa, bà Horowitz vẫn đến ở cùng cô. Bà cụ rất tốt bụng, hay thích xem kênh tin tức II trên TV với âm lượng mở lớn, và thường lo lắng thái quá về việc Rebecca hay ăn hoa quả vào buổi tối cũng như việc cô thích tắm vòi hoa sen thay vì tắm bồn.

Nhưng lần này sẽ không như vậy nữa. Bố Rebecca nói rằng thời gian như thế là quá lâu để bà Horowitz có thể ở cùng. Vì vậy ông đã gửi cô tới New Orleans, một thành phố trông như vẫn còn là một vùng chiến sự. Ba năm về trước, họ đã thấy trên TV hình ảnh những chiếc xe bọc thép của Lực lượng Phòng vệ Quốc gia ở quanh vùng. Trong khi đó, một số vùng lân cận đã bị lũ quét sạch trơn.

“Cơn bão đã qua lâu rồi con à, với lại con sẽ sống ở Hạt Garden cơ mà,” bố Rebecca nói. Cả hai đang ngồi trong phòng của Rebecca, ông không nhìn vào mắt cô mà chỉ đưa tay nắm lấy mép tấm chăn màu kem của cô. “Mọi thứ ở đó đều ổn cả, không hề có nước lũ. Đấy vẫn là một thành phố cổ xinh đẹp.”

“Nhưng thậm chí con còn không quen biết dì Claudia!” Rebecca cự nự. “Thậm chí dì ấy còn không phải là dì thực sự của con nữa!”

“Dì ấy là một người bạn thân thiết của gia đình mình,” bố Rebecca nghiêm giọng. “Bố biết đã lâu con không gặp dì Claudia, nhưng con sẽ nhanh chóng hòa nhập với dì và Aurelia thôi.”

Tất cả những gì Rebecca có thể nhớ được về dì Claudia là những chiếc vòng tay phát ra mớ âm thanh chói tai và đôi mắt màu xanh biếc của dì. Dì cũng có phần thân thiện, nhưng ngay sau đó vài phút Rebecca đã bị xua đi chỗ khác chơi để người lớn nói chuyện. Rebecca cùng Aurelia, lúc đó mới chỉ là một bé gái bảy tuổi và rất dễ thương, đã dành hết phần thời gian còn lại của chuyến viếng thăm để chơi búp bê của Aurelia trong phòng ngủ ở khách sạn.

Vậy là Rebecca sẽ phải sống cùng những người này – những người xa lạ này – trong suốt sáu tháng hay sao?

“Con cũng biết dì Claudia là người gần gũi nhất mà bố coi như người nhà. Mọi việc đã xong xuôi cả rồi. Chấm dứt việc bàn luận ở đây.”

“Nhưng chúng ta đã bắt đầu bàn luận gì đâu!” Rebecca kêu lên. Mẹ mất hồi Rebecca còn nhỏ, cô không có ông bà hay bất cứ họ hàng thân thích nào, chỉ có hai bố con cô luôn là một đội gắn bó – như người ta vẫn thường trêu đùa: Nhà Brown – Một đội hai người. Bỗng dưng tại sao, ngay lúc này đây, bố lại xử sự với một thái độ chuyên quyền như thế chứ? “Bố chẳng bao giờ thèm hỏi xem con nghĩ gì cả. Bố chỉ biết gửi con đến một nơi… một nơi nguy hiểm. Bố đã nghe nói về tội phạm ở New Orleans chưa? Và cả việc, đại loại như, năm nay sẽ có hai cơn bão khác ở đó nữa!”

“Ôi, Rebecca,” bố cô nói với đôi mắt u buồn ngấn lệ. Người ông chùng xuống như thể Rebecca vừa nhào vào lòng mình. Tay ôm con, ông kéo con lại gần hơn. Tiếng ông dịu dàng: “Mùa mưa bão đã qua rồi, con yêu. Bố hứa rằng sẽ không để bất cứ điều gì làm hại đến con đâu. Dù là bây giờ hay là về sau đi nữa!”

“Ôi, bố,” lời Rebecca nói ấm áp bên vai bố. Cô không nhớ được là bố đã bao giờ xử sự như thế này chưa. Có nhiều lần ông trở nên lặng lẽ và ủ rũ, ông chỉ ngồi ở nhà và lặng lẽ nhìn những tấm hình của mẹ cô, nhưng cô không nghĩ là ông đã từng khóc. “Không hẳn là con lo lắng về những chuyện không hay có thể xảy ra. Chỉ là… con không muốn rời xa nơi này, xa các bạn, trường học và tất cả mọi thứ chỉ để tới một nơi hỗn độn và kỳ quặc như thế. Ở đó hẳn là chán ngắt!”

“Có lẽ cả hai chúng ta sẽ cùng có một quãng thời gian dài chán ngắt,” bố cô nói. Ông buông con gái ra và khẽ mỉm cười mệt mỏi. “Nhưng nghe bố đi, buồn tẻ đôi khi lại là tốt đấy.”

Buồn tẻ chính xác là ấn tượng đầu tiên của Rebecca về sân bay Louis Amstrong gần như vắng ngắt. Cô băn khoăn không hiểu mình có thể nhận ra dì Claudia và Aurelia hay không nữa. Nhưng khi vừa bước ra khỏi cửa, vừa lắng nghe tiếng nhạc jazz êm dịu tràn ngập gian phòng đón khách của sân bay, Rebecca đã ngay lập tức nhận ra họ. Thật khó mà lạc họ được, cô nghĩ, và thấy lòng nôn nao. Dì Claudia khoác trên người một bộ váy kiểu gypsy cùng với chiếc khăn trùm đầu sáng màu và đôi khuyên tai bằng bạc khổng lồ. Màu da của dì sẫm hơn so với những gì Rebecca còn nhớ được, và đôi mắt xanh biếc thì sâu thẳm một cách lạ kỳ với cái nhìn mải miết ra xung quanh như con chim đang kiếm mồi.

Aurelia đã lớn hơn – năm nay cô bé đã mười hai tuổi – với khuôn mặt tròn ngây thơ, còn những lọn tóc quăn rối được buộc túm lên kiểu đuôi ngựa. Trang phục của cô bé có phần trang trọng hơn mẹ: chiếc váy kẻ ô vuông đen, áo khoác học sinh màu đen có gắn phù hiệu mạ vàng, đôi tất trắng cao ngang gối và dưới chân là đôi giày buộc dây xinh xắn. Chắc hẳn đây là đồng phục của Trường tư thục Temple Mead, cũng là ngôi trường mới sắp tới của Rebecca. Bộ đồng phục trông tệ hơn Rebecca tưởng. Bạn bè cô ở trường Trung học Stuyvesant sẽ cười chết ngất nếu họ trông thấy thứ đồng phục cứng nhắc như thế này, đấy là chưa kể đến trang phục mang phong cách gypsy theo kiểu Halloween của dì Claudia nữa. Nếu đây đúng là những gì mà người dân ở vùng này vẫn mặc hàng ngày, thì không biết trông họ sẽ còn thế nào khi tham dự lễ hội Mardi Gras nhỉ?

Rebecca bước chậm chạp hết mức có thể qua cửa kiểm soát an ninh rồi đưa tay vẫy rất khẽ khàng về phía dì Claudia. Khuôn mặt dì bừng sáng.

“Cô bé đây rồi!” Dì Claudia lên tiếng, dang hai cánh tay lỉnh kỉnh vòng nhẫn nhiệt thành ôm lấy Rebecca. Từ người dì tỏa ra mùi thơm của hoa oải hương, mùi gì đó nữa giống như mùi khói, và mùi của phương Đông, gần với mùi nhang, hoặc có lẽ là mùi của những xiên thịt nướng bằng than củi. “Bé yêu, nhìn con này! Con cao lớn quá!”

“Vâng, thưa dì.” Rebecca nói, bỗng nhiên cảm thấy ngượng ngùng. Nỗi nhớ nhà cồn cào dâng lên – cô sẽ phải sống trong một ngôi nhà xa lạ mấy tháng liền, cùng một bà dì hơi kỳ quặc mà cô hầu như không thân không biết. Ở New York, không ai còn gọi cô là “bé yêu” cả.

“Nhà em có ô-tô rồi đấy!” Aurelia lên tiếng, chẳng hề bận tâm chờ đến phần giới thiệu hay chào hỏi. Cô bé nhún nhảy đầy phấn khích.

“Hay quá.” Rebecca không chắc đó có phải một lời đáp thích hợp hay không, nhưng Aurelia tươi cười với cô. “Trước đây nhà em chưa bao giờ có ô-tô cả, thật đấy!” Cô bé giải thích. Dì Claudia nắm tay Rebecca và kéo cô về phía thang cuốn, còn Aurelia chạy vụt xuống dưới phía trước họ.

“Tiền của FEMA đấy,” giọng dì Claudia nửa như thì thầm. Rebecca cố nhớ xem FEMA có nghĩa là gì – hình như là thứ gì đó liên quan đến chính phủ thì phải. “Dì cần có xe để làm việc, trước khi tàu điện hoạt động trở lại trên Đại lộ St. Charles.”

“Dì làm việc ở Khu phố Pháp đúng không ạ?” Rebecca hỏi. Bố đã cho cô biết một vài thông tin cơ bản trong trạng thái bấn loạn như mọi khi. Ông đã hoàn toàn rối trí trong suốt hai tuần qua kể từ khi ông thông báo việc Rebecca sẽ nghỉ học và sẽ được gửi tới phương Nam xa xôi trong vài tháng.

“Ở Quảng trường Jackson con ạ.” Dì Claudia gật đầu, thở hổn hển vì phải cố len tới băng tải hành lý đang bị đám đông hành khách vây kín. “Dì bói bài ta-rô. Mùa hè này vắng khách quá, nhưng mọi việc đang bắt đầu vào guồng trở lại. Du khách, hội nghị và tất cả mọi thứ.”

“Ồ,” Rebecca nói. Bỗng dưng cô nhận ra cách phục trang của dì Claudia là có lý do của nó: hóa ra đây là trang phục dành cho công việc. Thế nhưng việc một người chẳng hề mê tín chút nào như bố mà lại cho rằng dì Claudia sẽ là một người bảo trợ lý tưởng thì còn khó hiểu hơn gấp bội.

“Bố con đã gọi cho dì từ Atlanta.” Dì Claudia nói trong lúc Rebecca kéo mạnh chiếc túi màu đen nặng trịch của mình khỏi băng chuyền, chớp mắt liên tục để ngăn không cho nước mắt trào ra. Còn quá sớm để nhớ nhà và nhớ bố, nhưng cô không thể nào kìm lòng được. Hai bố con đã cùng nhau bay tới Atlanta vì bố cô phải làm một số thủ tục với văn phòng chính ở đó trước khi sang Trung Quốc. Giây phút chia tay thật buồn thảm, bố cô thậm chí còn khóc nức nở như một đứa trẻ lớn xác vậy.

Rebecca phải tự dằn lòng để khỏi nghĩ đến việc mình nhớ bố biết nhường nào còn ông thì vụng về ra sao khi không có cô bên cạnh. Cô không biết tại sao bố lại đồng ý với việc phân công công tác ngớ ngẩn này nữa. Ông chưa bao giờ đi vắng lâu hơn một tuần. Có năm Rebecca đi trại hè ở Maine hai tuần, và khi về nhà cô thấy bố mình như phát điên, lo lắng đến mức loạn trí.

“Thứ ba bố cháu sẽ đi Trung Quốc.” Rebecca cố gắng mở lời. Tiếng xe cộ qua lại rít lên bên ngoài cửa kính, tiếng sấm đì đùng hòa cùng tiếng mưa trên con đường nằm giữa khu đỗ taxi và bãi đỗ xe. Aurelia giúp Rebecca nâng chiếc túi thứ hai đặt lên xe đẩy hành lý, rồi cả hai cùng bước ra ngoài. Rebecca nhận thấy dù đang mưa nhưng trời không lạnh chút nào. Sau khi cởi bỏ chiếc áo liền mũ có in chữ NYU – trường Đại học New York, trường mà bố hứa sẽ cho cô theo học – Rebecca nhìn quanh.

Vậy ra đây là New Orleans – bé nhỏ, ẩm ướt và nóng nực. Những chiếc taxi đều có màu đen trắng, trông thật cũ kỹ. Bố có lần nói với cô rằng tất cả mọi sân bay đều giống nhau, nhưng trước cảnh tượng thế này, Rebecca có thể khẳng định rằng cô không còn ở New York nữa.

“Mẹ à, bọn con đợi mẹ ở đây được không?” Aurelia vừa hỏi vừa nhún nhảy như những giọt nước mưa đang tinh nghịch rơi xuống. Dì Claudia ngẫm nghĩ trong giây lát rồi chợt tá hỏa.

“Không, không được! Mẹ không muốn để các con ở lại đây một mình. Sẽ chỉ hơi… ướt một chút thôi mà.”

Tiếng sấm nổ rền báo hiệu một cơn mưa còn dữ dội hơn nữa sắp sửa trút xuống. Rebecca chỉ có thể lờ mờ trông thấy bức tường bê-tông kiên cố của bãi đỗ xe nằm chắn ngang phía bên kia con đường. Khi họ tìm được chỗ trú mưa trong bãi đỗ, dì Claudia trông rũ rượi như một con búp-bê được chắp vá từ một đống vải vụn vậy.

“Đi cùng nhau vẫn là tốt nhất.” Dì Claudia lặng lẽ nói, gần như thì thầm với chính mình. Rồi dì nở nụ cười rạng rỡ với Rebecca. “Sát cánh bên nhau là tốt hơn cả con ạ. Cứ coi như một cơn mưa nhỏ thôi mà. Còn bây giờ thì, Aurelia, ô-tô nhà mình trông thế nào hả con? Nó màu xanh lam hay là màu đen ấy nhỉ?”

Trên suốt chặng đường từ sân bay về nhà, thành phố trông chẳng lấy gì làm hứa hẹn cho lắm. Một con kênh cạn nước trơ đáy cát chạy dọc theo đường cao tốc suốt một quãng dài, những tấm biển quảng cáo khổng lồ – một tấm quảng cáo về hải sản của bang Lousiana, một tấm quảng cáo cho câu lạc bộ thoát y ở Khu phố Pháp – trông rất đặc trưng địa phương, mặc dù hơi rẻ tiền. Tuy nhiên, hầu hết mọi thứ cũng na ná như những thành phố khác của Mỹ: dọc đường cao tốc là vô số biển chỉ dẫn về các cửa hàng đồ ăn nhanh, chi chít những tấm biển báo về đường cao tốc nối liền giữa các tiểu bang, cùng những tòa nhà kính cao tầng trong các khu thương mại. Xa xa, tòa nhà Superdome với mái vòm màu trắng trông như một bóng đèn tỏa sáng trong màn mưa đêm nhạt nhòa. Thật khó mà hình dung rằng đây chính là nơi hàng nghìn người từng bị kẹt lại với số thức ăn và đồ uống ít ỏi cùng với niềm hy vọng mong manh suốt một tuần liền sau cơn bão.

Nhưng khi họ rời khỏi đường cao tốc và những con phố chính nhộn nhịp, Rebecca nhận thấy điều gì đó về nơi này mà bố đã kể cho cô nghe. Đúng là Hạt Garden đẹp như ông miêu tả. Những con phố nhỏ rợp bóng hàng sồi đại thụ, những ngôi nhà nguyên sơ đẹp như tranh. Rất nhiều ngôi nhà có cột trụ được sơn trắng, cửa chớp được sơn màu, còn cổng và hàng rào sắt được sơn đen. Một vài trong số đó còn có hiên nhà – hay hè nhà, như cách gọi của dì Claudia – trải dài ở tầng thượng và tầng trệt, mở rộng sang cả một bên sườn nhà.

“Còn con phố chúng ta đang đi đây có tên là Prytania,” dì Claudia giới thiệu.

“Britannia?”

“Chữ P con à – lấy theo tên cũ là rue du Prytanée. Tên đó có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ Prytaneum, là nơi vinh danh nữ thần Hestia, vị thần bếp lửa. Ngọn lửa thiêng được giữ gìn ở một nơi gọi là Prytaneum. Nó là trung tâm của đời sống làng xã xưa kia.”

“Con đường này cũng chính là con đường chúng ta sẽ đi bộ đến trường.” Aurelia nói thêm. Cô bé gõ nhẹ vào vai Rebecca, rồi chỉ cho cô thấy một khu biệt thự tráng lệ sơn màu cà-phê nằm lùi xa khỏi con đường, ẩn hiện sau những cánh cổng cao lớn bằng sắt có họa tiết trang trí cầu kỳ. “Trường học đấy.”

Học viện Temple Mead quả là rộng lớn, Rebecca nghĩ trong khi căng mắt để có được góc nhìn trọn vẹn khu vực tòa nhà tọa lạc. Tuy chỉ có ba tầng, nhưng dường như nó sừng sững đứng đó, trầm lặng và uy nghi, với một vẻ kiêu kỳ ngó xuống những ngôi nhà bên cạnh. Ngôi trường hẳn là rất đẹp, cổ kính và còn hơn thế nữa, nhưng Rebecca không cảm thấy đặc biệt háo hức khi nghĩ đến ngày đầu tiên của mình ở ngôi trường đó chút nào.

Lúc này họ đang đi ngang qua một khu nghĩa trang nhỏ có vẻ lâu đời. Mái vòm của những ngôi mộ thấp thoáng sau những bức tường sơn trắng rêu phong đổ nát. Ở New Orleans, người chết được mai táng trong những phần mộ được xây cao hơn mặt đất như thế này, bố đã kể với cô như vậy, vì người New Orleans thì thuộc kiểu thích khoa trương sự giàu có của mình. Bố cũng nói rằng thành phố này có mực nước ngầm khá cao, nếu người chết được chôn trực tiếp xuống đất thì chỉ cần sau một trận mưa lớn họ có thể sẽ nổi bập bềnh trên mặt đất. Rebecca rùng mình khi nghĩ đến những xác chết trồi lên như những con giun đất tọc mạch đùn lên trên nền đất.

Chiếc xe giật mạnh rồi đột ngột dừng lại trên Đường số 6, phía trước một ngôi nhà vô cùng nhỏ bé và cũ kỹ so với nhà cửa xung quanh.

“Nhà mình đây rồi.” Dì Claudia thông báo trong khi loay hoay với những cái nút điều chỉnh trên cánh cửa. Có vẻ như dì không biết làm thế nào để có thể mở nó ra nữa. “Ít nhất thì trời cũng đã tạnh mưa.”

Rebecca ra khỏi xe và đứng nán lại một lúc trên hè phố ẩm ướt. Ngôi nhà gỗ của gia đình Vernier không chỉ bé nhỏ mà còn nghiêng hẳn sang một bên trông rất nguy hiểm và có lẽ là không hợp pháp, gần như chạm vào ngôi nhà bên cạnh. Nó được sơn màu vàng nhạt, cửa chớp và cửa chính sơn màu xanh lam. Phía trên cửa trước của ngôi nhà là một tấm biển được quét sơn bằng tay sặc sỡ đề chữ VERNIER màu hồng treo lủng lẳng. Khoảng sân trước bé cỏn con um tùm cây bụi, lác đác vài bông hoa trắng; ngả mình bên hiên nhà nhỏ xíu là một cây chuối với những giọt nước mưa còn đọng lại trên tàu lá xanh mỡ màng.

“Khu vườn thôn quê của nhà ta đấy.” Dì Claudia ra hiệu về phía khoảng sân làm những chiếc vòng tay leng keng rung lắc. Rebecca bước lên những bậc tam cấp ọp ẹp dẫn lên hiên nhà, rồi đi qua đó tới hàng ghế xích đu nối liền với hàng rào chắn bằng gỗ. Cô không hề biết đây là cái được gọi là “khu vườn thôn quê” – trông nó như một bãi hoang ngập đầy cây cỏ dại vậy. Từ khu vườn nhìn sang bên kia đường là khu nghĩa trang – hay nói đúng hơn là những bức tường cao loang lổ bẩn bao quanh nó. Xuôi xuống con đường là lối vào với hai cánh cổng cao vút. Dì Claudia lục lọi chiếc túi đan móc của mình để tìm chùm chìa khóa vừa mới cầm trên tay chưa đầy một phút trước, trong khi ánh mắt vẫn dõi theo cái nhìn chăm chú của Rebecca.

“Nghĩa trang Lafayette không phải là một nơi an toàn đâu con.” Dì nói. “Tiếc là vậy. Đó là nơi con nên tránh xa.”

“Vì sao ạ?” Rebecca đột nhiên mường tượng đến hình ảnh hàng trăm xác chết với tay ra túm lấy mình, những ngón tay cứng khỏe của chúng đen sì đất cáu bẩn.

“Bọn du côn và những kẻ lang thang.” Dì Claudia vừa nói vừa mở cửa. “Bọn chúng chỉ đợi những du khách đi dạo trong nghĩa trang là cướp của họ. Đã có trường hợp thương tâm bị bắn chết ở đây ngay trước thời điểm xảy ra cơn bão. Trừ phi con đi cùng một đoàn khách du lịch có người hướng dẫn, bằng không đấy không phải là nơi tốt lành chút nào đâu. Thế nên cứ đến chiều là cổng vào nghĩa trang luôn được khóa lại. Con phải hứa với dì là sẽ không bao giờ vào đó nhé.”

Rebecca phải cố kìm mình không đảo mắt ngao ngán. Dì Claudia cũng giống y như bố cô, quá ư là thận trọng. Dì không biết rằng Rebecca vẫn thường nhảy tàu điện ở New York, đi bộ qua Công viên Trung tâm, rồi lang thang với bạn bè khắp khu thương mại của thành phố hay sao?

Dì Claudia đứng trên bậu cửa, cánh cửa đã hé mở nhưng chìa khóa vẫn nằm trong ổ. Có vẻ như dì đang chờ đợi một lời hứa chính thức của Rebecca trước khi cùng mọi người bước vào nhà.

“Marilyn đây rồi!” Aurelia reo lên. Một con mèo đen trắng lông dài nhỏ xinh nhảy phốc qua khung cửa, chui tọt qua vòng tay đang rộng mở của Aurelia rồi chạy xuống lối mòn. Như thể nó vừa nghe được cuộc trò chuyện giữa hai dì cháu, liền chạy nháo nhào xuống phố nhằm thẳng hướng cổng vào nghĩa trang. Chẳng một chút chần chừ, con mèo ép mình dưới thanh ngang thấp nhất của cánh cổng rồi mất hút trong bóng tối. Rebecca không thể nín được cười.

“Con mèo đó đã bêu gương thật xấu.” Dì Claudia thở dài rồi lắc đầu. Dường như dì đã quên mất việc bắt Rebecca phải hứa một điều gì đó, điều mà Rebecca hy vọng sẽ sớm có lúc nào đó theo chân con Marilyn. Nói cho cùng, cô đến từ New York cơ mà! Một cái nghĩa trang nhỏ xíu trong cái thành phố bé tí ti này chẳng thể dọa nạt gì cô được.

 


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button