Văn học nước ngoài

Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Luis Sepulveda

Download sách Chuyện Con Ốc Sên Muốn Biết Tại Sao Nó Chậm Chạp ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Về câu chuyện này…

Vài năm trước, trong lúc chúng tôi đang ở ngoài vườn nhà, cháu trai Daniel của tôi cứ chăm chú quan sát một con ốc sên. Bỗng cu cậu nhìn tôi rồi hỏi một câu thật khó: tại sao ốc sên lại chậm đến vậy?

Tôi đã đáp là tôi chẳng thể trả lời ngay lúc ấy và tôi hứa sẽ giải đáp cho cu cậu, chưa biết khi nào, nhưng tôi sẽ giải đáp.

Tôi vốn luôn giữ lời, vì vậy câu chuyện này sẽ thử đưa ra lời giải cho câu hỏi ấy.

Và đương nhiên, tôi tặng câu chuyện này cho các cháu của tôi Daniel, Gabriel, Camila, Aurora, Valentina, đồng thời cũng tặng cho hết thảy ốc sên sống trong vườn.

1

Trên một cánh đồng gần nhà bạn và nhà tôi có một đàn ốc sên đang sinh sống, chắc mẩm là đã được ở nơi tốt nhất trần đời. Chẳng có con nào bò tới tận bìa đồng cỏ, lại càng không bò đến tận con đường nhựa bắt đầu chính tại nơi mọc lên những nhánh cỏ cuối cùng.

Vì chúng chưa bao giờ đi đây đi đó nên chẳng thể so sánh, do đó không hay biết rằng đối với loài sóc thì ngọn cây dẻ gai là chỗ trú ngụ tuyệt vời nhất, hoặc với loài ong thì không có nơi nào dễ chịu hơn những cái tổ bằng gỗ đặt thành hàng ở đầu bên kia đồng cỏ. Chúng không biết so sánh, việc đó cũng chẳng quan trọng gì, bởi với chúng, cánh đồng đẫm nước mưa này, nơi ngập tràn cây răng-sư-tử, hay còn gọi là bồ công anh, chính là nơi tuyệt vời nhất để sinh sống.

Khi những ngày đầu tiên của mùa xuân tới, và khi mặt trời nhả những tia ấm áp nhẹ nhàng ve vuốt, chúng thức dậy sau kỳ ngủ đông, chỉ cần cố gắng dãn cơ chút xíu là có thể nâng cái vỏ đủ để thò đầu ra ngoài rồi giương cao hai cái tua đỡ hai con mắt. Thế rồi chúng thích thú khám phá cánh đồng giờ đã ngập tràn cỏ cùng những bông hoa dại nhỏ và nhất là hoa bồ công anh ngon nghẻ.

Mấy cụ sên lão làng nhất gọi cánh đồng ấy là “Xứ sở Bồ Công Anh”, chúng cũng gọi cây ô rô rậm rạp, vẫn thường đâm chồi nảy lộc trỗi dậy tươi mới mỗi độ xuân sang từ những mảnh lá còn sót lại sau cơn tàn phá của băng giá mùa đông, là “Nhà”. Phần lớn thời gian, chúng sống dưới tán lá ô rô này, để trốn ánh mắt hau háu của lũ chim.

Giữa đồng loại với nhau, chúng gọi nhau đơn giản là “sên”, chuyện đó khiến đôi lần xảy ra vài vụ nhầm lẫn mà sau này việc hóa giải diễn ra rất chậm chạp. Chẳng hạn, nếu có con nào đó muốn nói chuyện với một con khác, nó sẽ thì thầm: “Sên ơi, tôi muốn kể cho anh nghe chuyện này”, thế là tất cả những con khác đều ngoái đầu nhìn. Những con ở bên phải quay sang trái, những con ở bên trái thì quay sang phải, những con ở đằng trước ngoái đầu ra sau, còn những con ở đằng sau thì rướn cái đầu bé tí của chúng ra thì thầm: “Cậu muốn kể chuyện gì cho tôi à?”

Khi tình huống này xảy ra, con ốc sên muốn kể chuyện chầm chậm bò, đầu tiên là sang trái, sau là sang phải, tiếp nữa là về phía trước hoặc phía sau mà lặp đi lặp lại: “Xin lỗi, không phải tôi muốn kể chuyện với anh đâu”, cho đến khi nó tới được chỗ con ốc sên mà thật ra nó muốn kể chuyện, thông thường chuyện ở đây là một sự kiện liên quan đến cuộc sống nơi đồng cỏ.

Chúng vốn biết rõ mình chậm chạp và lặng lẽ, rất chậm chạp và rất lặng lẽ, chúng cũng biết sự chậm chạp và lặng lẽ ấy khiến chúng mong manh, mong manh hơn rất nhiều so với các động vật khác có khả năng di chuyển nhanh nhẹn và biết kêu báo động. Để khỏi phải sợ sự chậm chạp và lặng lẽ, chúng tránh nói đến vấn đề này và chấp nhận sống như chúng vốn thế với vẻ cam chịu.

Những cụ sên già vẫn thường thì thầm thế này:

– Sóc kêu to và chuyền nhanh từ cành này sang cành khác. Kim oanh và khướu, con thì líu lo, con thì khẹc khẹc, cũng bay nhanh. Chó và mèo, con sủa gâu gâu, con kêu meo meo, thì chạy lẹ. Nhưng còn chúng ta, chúng ta chậm chạp và lặng lẽ, đời vốn thế chẳng việc gì phải khác đi.

Tuy nhiên trong số chúng có một con ốc sên, dù đã chấp nhận cuộc sống chậm chạp và lặng lẽ, vẫn muốn tìm hiểu nguyên nhân của sự chậm chạp ấy.

2

Con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp rất thắc mắc chuyện nó cũng như những con khác trong đàn không có tên. Với nó, không có tên là điều bất công, và khi một trong số các cụ sên già hỏi nó tại sao lại muốn có một cái tên, nó thì thầm, vẫn không lên giọng:

– Vì cây ô rô có tên là “ô rô” và chẳng hạn, mỗi lúc trời mưa, chúng ta vẫn nói với nhau là ta sẽ trú dưới tán cây ô rô. Cây bồ công anh ngon tuyệt tên là bồ công anh hoặc là răng-sư-tử, và chính nhờ thế mà khi chúng ta nói sẽ ăn lá bồ công anh thì không thể ăn nhầm sang cây tầm ma được.

Nhưng những lập luận của con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp chẳng khiến những con khác quan tâm. Chúng thì thầm với nhau rằng như thế thì mọi thứ vẫn tốt, rằng biết được tên của ô rô, bồ công anh, sóc, khướu, đồng cỏ mà chúng gọi là Xứ sở Bồ Công Anh cũng đủ lắm rồi và chúng nhận thấy chẳng cần gì hơn để được hạnh phúc như chúng xưa nay vẫn thế, những con ốc sên chậm chạp và lặng lẽ, chỉ cần lo giữ ẩm cơ thể và tự vỗ béo để chống chọi với mùa đông dài dằng dặc.

Một ngày kia, con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp nghe thấy tiếng nói chuyện rì rầm của hai cụ sên già nhất hội. Họ nhắc đến con cú sống trên cành dẻ gai cổ thụ nhất và cao nhất trong số ba cây dẻ gai mọc dọc một bên đồng cỏ. Họ kể rằng chim cú biết rất nhiều chuyện, và vào những đêm trăng tròn, cú ngân nga bài ca về nhiều loài cây, những cây tên là hồ đào, dẻ, sồi xanh, sồi trắng, những cây mà loài ốc sên chưa từng thấy và cũng chẳng thể hình dung nổi.

Nó quyết định hỏi bác cú về nguyên nhân vì sao nó chậm chạp, rồi chậm, thật chậm, nó tiến về phía cây dẻ gai cổ thụ nhất. Nó đi khỏi gia trang ô rô khi hừng đông chiếu những tia nắng sớm đầu tiên tỏa rạng đồng cỏ, và đến được chỗ cây dẻ gai đúng vào lúc bóng tối bao trùm như một chiếc áo choàng tĩnh lặng.

– Bác cú ơi, cháu hỏi bác một câu được không? nó rướn thân mình lên cao và thì thầm cất giọng.

– Cháu là ai thế? Cháu đang ở chỗ nào? cú hỏi.

– Cháu là ốc sên và cháu đang đứng dưới gốc cây ạ, ốc sên đáp.

– Vậy thì tốt nhất cháu nên leo lên tận cành của bác thì hơn, giọng cháu nhỏ cứ như tiếng cỏ mọc vậy. Cháu lên đây nào, cú mời mọc, và ốc sên lại bắt đầu một hành trình nữa, chậm, thật chậm.

ĐỌC THỬ

Trong lúc leo lên ngọn cây dẻ gai vừa được những tia sáng yếu ớt của các ngôi sao lọt qua tán lá chiếu rọi, nó đi ngang qua một cô sóc đang ôm bầy con ngủ, lên cao hơn thì phải tránh đường cho công trường lao động nặng nhọc của một anh nhện đang chăng tơ giữa các cành nhánh, và khi cảm thấy mệt nhoài vì phải bò lên cao thì cũng vừa lúc nó đến được cành cây nơi bác cú đang đậu, và ban mai ngày mới đã chiếu rọi cây dẻ gai dưới đủ mọi sắc màu.

– Cháu lên rồi đây ạ, ốc sên thì thầm.

– Bác biết rồi, cú đáp.

– Bác không mở mắt nhìn cháu sao? ốc sên thì thầm.

– Bác mở mắt vào ban đêm và trông thấy mọi thứ đang hiện hữu, còn ban ngày bác nhắm mắt và nhìn thấy những gì đã chứng kiến. Cháu muốn hỏi gì? cú hỏi.

– Cháu muốn biết tại sao cháu lại chậm chạp đến thế, ốc sên thì thầm.

Thế là cú mở cặp mắt tròn to vô cùng chăm chú nhìn ốc sên. Rồi nó lại nhắm mắt.

– Cháu chậm vì cháu phải vác nặng, cú giải thích.

Ốc sên thấy câu trả lời ấy không xác đáng, bản thân nó có bao giờ thấy cái vỏ ốc nặng nề đâu, nó không mệt vì phải vác cái vỏ và cũng chưa hề nghe con ốc sên nào than vãn về cái khối nặng ấy cả. Nó nói với bác cú như vậy và chờ cho đầu cú xoay xong một vòng.

– Như bác đây, bác có thể bay được nhưng bác không bay. Ngày trước, rất lâu trước cả khi nhà ốc sên các cháu đến ở đồng cỏ này, nơi đây có nhiều cây cối hơn các cháu thấy bây giờ rất nhiều. Nào là dẻ gai, dẻ, sồi, hồ đào. Tất cả những cây ấy đều là nhà của bác, bác thường bay từ cành này sang cành khác, rồi nỗi nhớ những cái cây không còn nữa kia đè nặng lên bác đến mức bác không thể bay được nữa. Cháu là một chàng ốc sên trẻ tuổi và tất cả những gì cháu đã thấy, tất cả những gì cháu đã nếm trải, cay đắng và ngọt bùi, mưa gió và nắng cháy, giá lạnh và bóng đêm, tất cả những điều ấy theo cháu, tất cả những điều ấy đè nặng, và vì cháu quá bé nhỏ nên khối nặng ấy khiến cháu chậm chạp.

– Vậy chậm chạp như thế có ích gì cho cháu không? ốc sên thì thầm.

– Câu này thì bác chẳng trả lời được. Cháu sẽ phải tự mình tìm hiểu thôi, cú đáp rồi lặng thinh, tỏ ý không muốn nghe thêm câu hỏi nào nữa.

3

Sau khi gặp bác cú, con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp lại chậm, thật chậm quay về gốc cây ô rô và gặp lại những con ốc sên khác đang làm cái việc mà chúng gọi là “tập quán”.

Một ngày kia, chẳng ai nhớ nổi là khi nào, gió đã thổi đến tận đồng cỏ những tấm lá đầy màu sắc có hình dạng cân đối và các cạnh phẳng phiu chưa từng thấy trên các loài cây và giống cỏ mà chúng đã biết. Những tấm lá khẽ lướt đi, uốn lượn trong không trung cho tới khi đậu xuống mặt cỏ ẩm ướt. Trên những tấm lá ấy có nhiều ký hiệu màu đen kỳ lạ và cả hình những con người lặng im, nhỏ bé, và dửng dưng với mối nguy hiểm mà họ gây ra cho cư dân đồng cỏ đến nỗi cả bầy ốc sên đều sửng sốt.

Chậm, thật chậm, chúng xem từng tấm lá rơi, chăm chú nhìn những con người đang xếp hàng dài trước một bãi rộng đầy đồ ăn trông có vẻ ngon lành, vì nhìn góc dưới tấm lá, chúng thấy khuôn mặt mãn nguyện của họ và những bàn tay bưng đầy đồ ăn.

– Ai đó, tôi chẳng nhớ nổi là ai nữa, từng nói với tôi rằng con người sống cả đời chỉ để làm đi làm lại nhiều việc, nhiều chuyển động và cách hành xử, và bọn họ gọi đó là “tập quán”, một cụ sên già lên tiếng.

– Cái tập quán ăn cùng nhau kia trông cũng không đến nỗi tệ nhỉ, một con ốc sên nói, và tất cả những con khác cùng rung rinh đôi tua nhỏ tỏ vẻ đồng tình, cái tập quán ăn tập thể ấy xem ra rất lạ thường với chúng.

Kể từ lúc đó, chúng từ bỏ thói quen ăn uống riêng lẻ bất kể giờ giấc, miễn là thấy đói, và quyết định cùng nhau ăn vào lúc mặt trời lặn, dưới những tán ô rô rợp bóng. Để tập quán diễn ra thoải mái hơn, chúng trò chuyện với nhau trong tiếng thì thầm người hỏi qua kẻ đáp lại.

– Bữa nay có món gì vậy? một con hỏi.

– Bồ công anh, món lá bồ công anh tuyệt hảo, một con khác đáp.

– Tôi muốn ăn món gì đó thật ngon.

– Vậy tôi khuyên cậu nên ăn món bồ công anh, một con khác trả lời.

Nhờ có “tập quán” ấy, tối tối dưới những tán lá ô rô, lũ ốc sên tụ tập ăn những chiếc lá bồ công anh nhỏ và thì thầm về sự lao động không biết mệt mỏi của bầy kiến, về tính kẻ cả của lũ châu chấu thường bật nhảy xa khắp đồng cỏ mà chẳng thèm dừng lại chào hỏi bất kỳ ai, và cả về những hiểm nguy luôn rình rập chúng. Chúng đặc biệt sợ lũ sâu, những kẻ có thể làm suy yếu lực bám mà chúng vốn dùng để đeo bám trên lá cây ô rô, và sợ loài bọ hung có bộ hàm khỏe có thể cắn vỡ được cả vỏ ốc. Thế nhưng chúng vẫn sợ loài người nhất. Khi có một con ốc sên thì thầm “coi chừng!” và một con khác, rồi lại một con khác nữa, tất cả đều lặp đi lặp lại lời báo động thì thầm ấy thì cả nhà ốc đều biết sở dĩ có nhiều ốc sên không đến dự tập quán thú vị lúc mặt trời lặn được là bởi con người đang thản nhiên sải những bước chân vừa to vừa nặng khắp mọi nơi.

Mỗi ngày, con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp đều tham dự tập quán ăn tối dưới tán cây ô rô rồi thì thầm về những sự việc diễn ra trong ngày, và không thôi thắc mắc tại sao loài ốc sên lại chậm chạp như vậy và tại sao chúng chẳng có tên họ gì.

Một tối nọ, một trong số những cụ sên già nhất, mệt mỏi vì các câu hỏi ấy, đã trả lời nó:

– Nào, chúng ta chậm chạp là vì chúng ta không biết nhảy như bọn châu chấu, cũng không bay được như bươm bướm. Về chuyện tên riêng, cậu phải hiểu là chỉ có loài người mới có khả năng gọi tên sự vật và sinh vật trong đồng cỏ. Những câu hỏi ngớ ngẩn như thế là đủ rồi đấy, nếu cậu còn tiếp tục hỏi thì bọn ta sẽ đuổi cậu đi khỏi đồng cỏ này.

Con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp và muốn có một cái tên cảm thấy bị tổn thương trước lời đe dọa ấy. Nó cũng thấy tổn thương vì chẳng có ốc sên nào khác ủng hộ hay bênh vực nó. Và nó càng bị tổn thương nhiều hơn khi có vài con thì thầm: “Ừ, đúng đấy, cậu ta cứ đi quách đi, chúng ta muốn sống bình yên.”

Thế là, nó rướn cái cổ của mình cao hết cỡ, đảo đi đảo lại hai cái tua mắt nhìn từng con ốc sên một, rồi cố gắng cất giọng thì thầm ở mức to nhất mà cái miệng nhỏ xíu cho phép, nó tuyên bố:

– Thôi được, tôi sẽ ra đi, và tôi sẽ chỉ quay về khi đã rõ tại sao chúng ta chậm chạp và khi tôi đã có một cái tên.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button