Văn học nước ngoài

Mùa Hè Tươi Đẹp

Mua he tuoi dep - Cesare Pavese1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Cesare Pavese

Download sách Mùa Hè Tươi Đẹp ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

TỦ SÁCH TINH HOA VĂN HỌC

Tinh hoa văn học của nhân loại nào cũng cần được khám phá và tái khám phá. Mỗi tác phẩm lớn là một xứ sở kỳ diệu và mỗi lần ta tìm đến là thực hiện một cuộc phiêu lưu hoan lạc.

Dịch thuật, giới thiệu và biên khảo về những tác phẩm tinh hoa sẽ mở ra các lối cổng dẫn vào những cảnh tượng văn chương khác nhau, qua những không gian và thời gian vừa hiện thực vừa kỳ ảo.

Khát vọng hiểu biết và vui thú trong đời là bản tính của con người ở mọi nơi và mọi thời. Các tác phẩm văn chương thật sự vĩ đại đều mang lại hai điều đó: vui thú và hiểu biết. Nhưng hiểu biết là niềm vui hiếm khi tự đến một cách dễ dãi. Cần đón đợi và hồi đáp.

Mọi tác phẩm tinh hoa cần được đón đợi và hồi đáp trong niềm hân hoan có tên là “ĐỌC”.

ĐỌC. Cầm sách lên và đọc. Trong sách có bạn hiền, có người đẹp, có mọi thứ. Do vậy, chúng tôi chủ trương TỦ SÁCH TINH HOA VĂN HỌC, xem đó như cửa ngõ của hiểu biết và niềm vui.

LỜI GIỚI THIỆU

Cesare Pavese – cuộc đời và tác phẩm

Chọn tiểu thuyết “Mùa hè tươi đẹp” của tác giả Cesare Pavese để dịch sang tiếng Việt trước hết do giá trị văn học    [1]    của tác phẩm và sau đó là tầm quan trọng của tác giả trong nền văn học Ý trong thế kỷ XX.

Viết từ năm 1949, bối cảnh là lối sống của lớp trẻ tại miền Bắc Ý sau thế chiến II, nhưng tính đương thời (contemporaneita) của tiểu thuyết vẫn còn đậm nét. Thấp thoáng đâu đây một cuộc sống gần với hoàn cảnh xã hội Việt Nam trong thời hội nhập: Cùng với tăng trưởng kinh tế là lối sống buông thả, khởi đầu cho sự đánh mất những giá trị đạo đức. Tính hiện thực và khả năng khai thác tâm lý nhân vật cũng được tác giả thể hiện qua cách viết và sử dụng ngôn ngữ khác lạ, đến nay vẫn còn giữ nguyên phong cách hiện đại.

Đến với các tác phẩm của Cesare Pavese chúng ta sẽ liên tục khám phá: Ngoài tiểu thuyết người đọc còn gặp nhiều bản dịch của các tác giả Anh, Mỹ và trong cùng thể loại cũng luôn có rất nhiều sự khác biệt. Sự khác biệt này đã được tác giả tái tạo, bắt đầu từ văn phong đa dạng, lối xếp đặt các bối cảnh liên quan đến cách sử dụng ngôn ngữ phong phú… để người đọc khỏi nhàm chán rồi dẫn họ nhận thức về những quan điểm khác bằng sự tế nhị và nhạy cảm của mình. Ngoài ra, có lẽ không phải là một sự tình cờ mà một trong những tác phẩm cuối cùng của ông lại là một tập thơ mang tựa đề “Cái chết sẽ đến, nó có đôi mắt của em”, như một dự báo cho việc tự sát, một thông điệp mà cũng là lời từ biệt… đã làm tác giả lừng danh, và trở thành một trong những tác giả Ý được đọc nhiều nhất trong thế kỷ XX.

Trong những trang viết cũng như qua thư từ, rất nhiều lần Pavese nói về ước muốn được nổi tiếng, không chỉ riêng mình mà còn cho nơi ông ra đời, một ngôi làng chỉ có những túp nhà nho nhỏ và sình lầy.

Ông đã viết như thế này:

“  Quê tôi chỉ có những túp nhà nho nhỏ và bùn lầy, nhưng nó nằm kề con đường liên tỉnh mà khi còn bé tôi hay chơi đùa. Xin nhắc lại, tôi là một kẻ có nhiều tham vọng, tôi muốn đi khắp thế giới, đặt chân đến những miền đất thật xa rồi quay lưng và nói với người hiện diện: “Các bạn chưa bao giờ nghe nói đến một ngôi làng chỉ có bốn mái nhà phải không? Đây, tôi đã đến đây từ đó  ”.

Ngôi làng nhỏ đó có tên là Santo Stefano Belbo, thuộc vùng Langhe của tỉnh Cuneo, nơi Pavese đã chào đời vào ngày 9/9/1908. Nhưng ông đã sớm rời gia đình để sinh sống ở thành phố Torino, và trong lòng chưa bao giờ khuây khỏa nỗi nhớ quê xưa.

Cha chết khi ông còn rất nhỏ và sự mất mát này đã ảnh hưởng rất nhiều đến tính cách của cậu bé, vốn nhút nhát nhưng cộc cằn và khép kín, tuy yêu sách vở và thiên nhiên nhưng luôn tìm cách cô lập mình với người khác. Sau khi chồng mất, với bản tính lạnh lùng và cẩn trọng, mẹ ông đã giáo dục con như một người cha khô khan và nghiêm khắc chứ không như một người mẹ ngọt ngào và trìu mến.

Khi sống và tiếp cận với thực tại điên cuồng của một thành phố kỹ nghệ lớn và đầy sương mù như Torino, Pavese càng biểu hiện tất cả những bất an sâu sắc về sự hiện sinh, những ám ảnh tâm lý và bắt đầu đi tìm kiếm sự chân thực.

Như tất cả những chàng trai trẻ, Pavese cũng mang trong lòng đầy mâu thuẫn và nhiều xung đột, với một sự nhạy cảm thái quá. Do vậy ông hành động theo ý nghĩa tiêu cực và tự làm hao mòn những xác tín mà cuộc đời mình đã gánh chịu. Trong các bức thư của mình, ông thường nhắc đến một thói tật vô lý, muốn tự sát, báo trước cho số phận bi thảm của mình. Có lẽ chính vì nỗi bất an đó mà ông phải đi tìm một biện pháp khắc phục bằng cách thực hiện các thành tựu nghệ thuật, nhất là qua các tác phẩm văn học, giống như kẻ “Đi tìm thời gian đánh mất” của Marcel Proust.

Thiếu khả năng đối phó với cuộc sống, ông đã gặp vô vàn khó khăn trong quan hệ giữa người và người: Sống, đối với Pavese đã trở thành một “nghề” cần phải học trong đau đớn và trong tình huống đó, nghệ thuật với ông đã trở thành một sự cần thiết nhằm thay thế sự sống. “Tôi đã học viết nhưng chưa học sống” nên viết lách đã trở thành biện pháp duy nhất, khả năng duy nhất để ông biết mình đang sống và cảm thấy mình hạnh phúc dù chỉ trong chốc lát. Pavese viết: “Chỉ khi viết tôi mới là người bình thường, quân bình và bình an”. Đối với văn học trong thế kỷ XX tính xác thực của thi ca được xác định bởi tầm nhìn phiền muộn của con người, được nuôi dưỡng trong số phận đầy âu lo. Tính xác thực và cái chết với ông như đã trở thành đồng nghĩa, vì sống là “Chuẩn bị cho cái chết”.

Cùng với nhu cầu tuyệt vọng về tình yêu, khởi nguồn từ sự cô đơn và ý muốn vượt thoát sự cô độc, tự mâu thuẫn giữa những lời tuyên bố đầy kiêu hãnh về mình và ý thức về sự thiếu khả năng vui sống, Pavese đã chọn văn học như một giải pháp nhằm giải quyết các xung đột nội tâm.

Tuy vậy trong các tác phẩm của ông cũng có vài lần ghi lại hạnh phúc trong đời mình, đó là các buổi thảo luận trong các quán ăn với công nhân, với những người bán hàng rong, những con người vô danh và tầm thường, nhưng về sau tất cả đều trở thành nhân vật trong tiểu thuyết của ông. Ông luôn có cảm giác là mình còn trẻ, được tái sinh và trong những năm cuối cùng của đại học, bởi trong đời tư của ông có sự tham gia của một người mà sau này trở thành trung tâm của linh hồn ông: “người đàn bà có giọng khàn khàn”. Cesare Pavese như bị biến đổi hoàn toàn: Trong suốt thời gian đó lúc nào ông cũng có cảm giác là người đàn bà ấy ở bên cạnh mình, ông bỗng trở nên tử tế, nhân bản, trìu mến, cởi mở với mọi người. Người đàn bà đó đã mang đến cho ông sự say đắm của tuổi thơ, khuôn mặt của nàng “như một đám mây”, nhưng đó là một áng mây ngọt ngào bay giữa trời xanh lơ lửng trên những ngọn đồi của quê ông.

Năm 1930, lúc chỉ vừa 22 tuổi, ông tốt nghiệp đại học với luận án về sự lý giải thi ca của Walt Whitman và bắt đầu cộng tác với tạp chí “Văn hóa”. Ông dạy học vào buổi tối ở các trường tư thục, nhưng đồng thời cũng dịch rất nhiều tác phẩm văn học của Anh và Mỹ và nổi danh rất sớm. Dường như những năm tháng trung và đại học đã giúp cho chàng trai cô độc tìm được những gắn bó bạn bè: điều này giúp anh hiền hơn trong các cuộc bút chiến và phẫn nộ trong văn học.

Năm 1931, chỉ vài tháng sau khi tốt nghiệp thì mẹ mất: vì chưa có dịp tỏ bày lòng ngưỡng mộ và chứng minh tình thương cùng sự trìu mến của mình với mẹ, niềm ân hận đó đã tạo nên một đường rãnh sâu sắc và cay đắng trong tâm hồn tác giả. Còn lại một mình, ông chuyển về sống với cô em Maria, và ở lại bên cô cho đến lúc chết.

Cũng trong năm 1931 bản dịch đầu tiên của ông “Ngài Wrenn của chúng ta” của tác giả Sinclair Lewis được in ở thành phố Frenze. Việc dịch thuật có một tầm quan trọng không chỉ với cuộc đời tác giả mà còn cho nền văn học Ý nữa, vì nó đã mở ra một cánh cửa cho một thời kỳ mới của tiểu thuyết Ý. Với những bản dịch của mình, ông đã giúp người đọc biết được các chiều kích vô cùng lớn lao của lòng khao khát tự do, cùng với ý nghĩa bi thảm, xem cuộc đời là vô ích và đến cả động tác cuối cùng của cuộc đời, tự tử.

Năm 1933, khi nhà xuất bản Einaudi được thành lập và vì tình bạn với Giulio Einaudi, Pavese tham gia các dự án của nhà xuất bản với sự nồng nhiệt: có lẽ đây là những năm tháng tốt đẹp nhất của tác giả cùng với một “người đàn bà có giọng nói khàn khàn”, một trí thức tốt nghiệp ngành toán và tham gia tích cực trong phong trào chống phát xít. Vì liên can đến người đàn bà này, ngày 15 tháng 5 năm 1935 ông bị bắt vì tình nghi chống phát xít, bị xử tù 3 năm và giam giữ ở Brancaleone Calabro thuộc miền Nam nước Ý. Ba năm nhưng về sau được giảm xuống ít hơn một năm nhờ đơn ân xá, ông được thả vào tháng 3 năm 1936, nhưng sự trả tự do này oái ăm thay lại trùng hợp với sự thất vọng cay đắng của đời ông: Người đàn bà mà ông hết lòng bảo vệ đến nỗi bị tù đày vì không chịu khai danh tánh đã bỏ ông để lập gia đình với một người đàn ông khác. Kinh nghiệm tù đày đớn đau (sau là chủ đề của một quyển tiểu thuyết đầu tay của ông, “Nhà tù”) cùng với sự thất vọng về tình yêu đã quất ông những ngọn roi tàn nhẫn và đẩy ông ngã vào một cơn khủng hoảng trầm kha, mãi nhiều năm về sau vẫn còn ràng buộc vào cám dỗ đau đớn và luôn xuất hiện ý muốn tự sát. Ông tự khép mình vào sự cô độc, có lẽ còn tồi tệ hơn cả quãng đời thơ ấu.

Sau khi chiến tranh thế giới lần II chấm dứt, ông ghi danh vào đảng cộng sản Ý nhưng sự tham gia của ông chỉ thuần văn học: Ông viết những bài báo và tiểu luận chủ yếu về đạo đức – dân sự, ông tiếp nối công việc ấn loát, tổ chức lại nhà xuất bản Einaudi, ông quan tâm đến truyền thuyết và nhân chủng học, thiết lập những lý thuyết về huyền thoại, và hoàn thành tác phẩm “Đối thoại với Leucò”.

Về sau, khi chuyển đến La Mã làm việc ông có quen với một nữ diễn viên trẻ, Constance Dowling, khởi đầu cho một tình yêu mới. Có lẽ cô diễn viên trẻ đẹp và “khuôn mặt có nhiều đốm tàn nhang” này mới đầu đã thực sự yêu người đàn ông nổi tiếng, thông minh nhưng cũng dễ xúc cảm, quan hệ này đã hâm nóng tình yêu cho tác giả, nhưng về sau cô cũng bỏ ông để trở về Mỹ. Trong đau đớn tột cùng, Pavese đã sáng tác và in thành một tập thơ nhan đề: “Cái chết sẽ đến, nó có đôi mắt của em…”

Sau lần thất tình này, cộng thêm sự khủng hoảng chính trị và tôn giáo đã làm Cesare Pavese thất vọng và hoảng hốt, nó xâm chiếm tâm hồn ông mặc dù lúc này ông đạt đỉnh thành công văn học (1938 tác phẩm “Người bạn” đoạt giải Salento, 1949 “Mùa hè tươi đẹp” đoạt giải Strega, tập truyện “Ánh trăng và đống lửa” được đánh giá là tác phẩm rất hay) đến nỗi sự cô đơn và cảm giác trống rỗng làm ông không biết phản ứng ra sao. Mệt nhọc, hao mòn, dù vẫn cực kỳ minh mẫn, ông đã uống cả một tuýp thuốc ngủ để tự vẫn trong một căn phòng khách sạn Roma tại thành phố Torino. Đó là ngày 27 tháng 5 năm 1950, để lại vỏn vẹn chỉ vài hàng ngắn ngủi trên trang nhất của tập sách “Đối thoại với Leucò” đặt trên bàn đọc sách ban đêm: “Tôi tha tội cho tất cả và xin tất cả tha thứ cho tôi. Nhưng xin các bạn đừng ngồi lê đôi mách và tán chuyện nhiều”. Năm ấy ông chỉ vừa 42 tuổi.

Tác Phẩm   “Mùa Hè Tươi Đẹp”

Tác phẩm “Mùa Hè Tươi Đẹp” nằm trong dòng văn học biểu tượng.

Mùa hè diễn tả ở đây là một khoảng thời gian đầy màu sắc, được đồng nhất với ảo tưởng là sẽ có một cuộc đời khác đầy những điều mới mẻ, tình yêu, đam mê, cùng với những mặt tích cực mà nó tượng trưng. Nhưng sau đó là mùa thu rồi mùa đông, là cái chết của niềm hy vọng và sự đầu hàng của nhân vật chính trước sự thật phũ phàng nhưng không thể tránh khỏi của mình.

Câu chuyện kể về Ginia, một cô gái mồ côi chỉ vừa 16 tuổi, từ miền quê chuyển về sinh sống trong thành phố Torino cùng với anh là Severino. Ginia là một cô gái ngọt ngào nhưng không may mắn. Sự thơ ngây và trong sáng của cô hoàn toàn không đáng nhận một số phận bi đát và một sự sỉ nhục tồi tệ trong thành phố Torino xám xịt. Mới đầu cô bị thành phố làm cho lóa mắt vì nhịp sống của nó hoàn toàn khác với miền quê mà cô từng biết. Cô mong muốn yêu và được yêu.

Rất nhiều cô gái vào tuổi dậy thì, trong các thành phố có màu sắc hiện đại, đến với tình yêu thật phiến diện, được thúc đẩy bởi tò mò nhiều hơn là tình yêu. Họ đánh mất tiết trinh rất dễ dàng và mãi về sau họ mới nhận ra giá trị những gì mà mình đã mất. Và như thế tác phẩm “Mùa Hè Tươi Đẹp” không chỉ là một câu chuyện kể đơn giản mà còn là một cảnh báo cho các cô gái trẻ, ngây thơ và dễ dãi. Ngay chính Pavese cũng đã định nghĩa rằng tác phẩm “Mùa Hè Tươi Đẹp” là chuyện kể về sự bảo vệ tiết trinh.

Tựa đề ban đầu của tác phẩm chính là “Chiếc màn”, nhắc lại cảnh Ginia nhận ra mình bị lừa dối, bị gạt gẫm và chế nhạo… vì khi chiếc màn dùng để chia xưởng vẽ làm hai, mở ra, Ginia mở mắt và bỗng hiểu ra tất cả. Ê chề và tuyệt vọng, nhưng Ginia hoàn toàn không có khả năng thích ứng với trò chơi tàn ác của cuộc đời, trong đoạn kết Ginia đã nói với bạn: “Thôi mày hãy dẫn tao đi”.

Tiểu thuyết “Mùa Hè Tươi Đẹp” tuy có cốt truyện gắn liền với cuộc sống rất đời thường nhưng chứa đựng nội dung sâu sắc: Nó tượng trưng cho xung đột giữa sự ngây thơ (Ginia) và sự hư hỏng, thoái hóa (Guido và Amelia). Đánh mất sự hồn nhiên của một cô gái chính là bước chuyển biến từ trạng thái hạnh phúc, rất tự nhiên của tuổi dậy thì đến một trạng thái khác, sự trưởng thành. Amelia là một nhân vật tiêu cực nhưng rất cần thiết để hoàn thành bước ngoặc này. Qua cô, Pavese đã tượng trưng cho cái chết như ông đã nhìn thấy: Tham vọng, độc ác, nhưng đồng thời cũng rất cám dỗ và mời mọc, đến nỗi nó được ủy thác để dìu dắt một cuộc đời hồn nhiên và chẳng có chút liên quan nào. Amelia, tàn ác mà quyến rũ, cuối cùng đã lôi cô vào một thế giới chưa từng quen biết.

Văn phong

Thời gian kể truyện ngắn hơn câu chuyện, bởi vì tác giả tóm tắt nhiều ngày trong một câu ngắn, với một nhịp điệu vừa – nhanh.

Tác phẩm này được giới phê bình xem như thuộc trường phái “tự nhiên” của Cesare Pavese, nó liên hệ đến ảnh hưởng của môi trường và hiện thực lên đời sống nhân vật.

Trong tác phẩm của Pavese văn phong hòa lẫn với tình huống thông qua sự xếp đặt con chữ, thả trôi theo nhịp điệu cảm xúc sống động trong tâm cảnh. Nhân vật phản ảnh tất cả những gì mình nghĩ, chuyển tải lên trang giấy bằng một cú pháp thiết yếu cấu tạo bởi những câu nói rất bình dân được nhặt nhạnh từ đời sống thường nhật, từ những lối ngắt câu trong các đoạn và từ cách dùng câu đẳng lập    [2]    . Cách viết của Pavese trong tác phẩm “Mùa Hè Tươi Đẹp” có thể bị ngộ nhận là nghèo nàn, nhưng đó là sự nghèo nàn biểu kiến. Bởi nó tương xứng với trình độ văn hóa của nhân vật và ngôn ngữ đời thường của họ. Chính nhân vật đã kể lại câu chuyện và đó mới thực là văn phong của tác phẩm.

 

ĐỌC THỬ

Vào thời đó luôn luôn có lễ hội. Chỉ cần bước ra khỏi nhà, băng qua đường là có thể vui như điên. Tất cả mọi chuyện đều đẹp, nhất là về đêm, dù nhiều khi trở về nhà mệt phờ cả người thế mà người ta vẫn hy vọng sẽ có thêm một biến cố động trời gì nữa, chẳng hạn một đám cháy, trong nhà có đứa bé mới chào đời, hay bỗng nhiên đêm hóa sáng để mọi người lại đổ xô ra đường, tiếp tục đi, đi nữa, đi đến tận những bãi cỏ nằm phía sau đồi.

– Các cô còn trẻ, khỏe mạnh… – Nhiều người nói – Trông là biết… các cô chẳng có gì để phải bận tâm…

Tina, một người trong bọn họ, vừa xuất viện, chân đi cà nhắc, trong nhà không còn gì để ăn, thế mà vẫn cười vì những chuyện không đâu. Một buổi tối, vì cố chạy theo các bạn… cô đã phải đứng lại rồi bật khóc, bởi về ngủ ở nhà là điều ngu xuẩn, là đánh mất cả thời gian vui chơi.

Với Ginia, nếu một cơn khủng hoảng tinh thần như vậy xảy ra, cô sẽ không để lộ cho ai thấy mà sẽ về nhà với một cô bạn nào đó, nói liên tu bất tận cho đến khi không còn gì để nói. Rồi, sau khi đi với nhau một quãng đường dài, Ginia sẽ chia tay bạn và tỉnh bơ về nhà, chẳng thèm tiếc nuối vì đã không đi chung với nhóm.

Dĩ nhiên buổi tối vui và đẹp nhất là tối thứ bảy, họ có thể đi khiêu vũ đến tận khuya mà sáng hôm sau vẫn có thể ngủ nướng. Nhưng nhiều lúc cũng chả cần phải ngủ nhiều đến thế, chỉ cần đi làm buổi sáng là Ginia có thể hạnh phúc suốt quãng đường đang chờ đợi mình. Còn các cô khác lại nói: “Về trễ, buồn ngủ muốn chết mà còn bị ông bà già la mắng”. Nhưng Ginia chẳng bao giờ thấy mệt, anh trai cô đi làm ca đêm chỉ gặp cô vào bữa cơm chiều, ban ngày anh ta phải ngủ bù.

Vào giữa trưa, khi Ginia về nhà, Severino còn nằm trên giường. Cô dọn cơm, ngồi ăn lai rai, lắng nghe những tiếng động trong nhà. Thời gian trôi qua chậm rãi như trong các căn nhà bỏ trống. Ginia có thừa thời gian để rửa chồng chén bát bỏ trong bồn, quét dọn nhà cửa, rồi thả người trên ghế sô pha gần cửa sổ, nằm nghe tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ báo thức đặt ở phòng bên, rồi ngủ thiếp đi. Đôi khi cô còn buông màn để căn phòng tối lại và thấy mình cô độc. Tuy vậy cô biết là khoảng ba giờ chiều thế nào con Rosa cũng xuống cầu thang, dừng trước cửa và cào nhẹ, để khỏi làm Severino thức giấc, cho đến khi nghe Ginia trả lời là mình còn thức. Sau đó họ cùng bước ra khỏi nhà và từ giã nhau ở bến xe điện.

Ginia và Rosa không có gì chung ngoài quãng đường đó và cái trâm hình ngôi sao có gắn hạt cài trên mái tóc. Nhưng một lần đi ngang cửa kiếng của một tiệm bán hàng, Rosa buột miệng: “Chúng mình giống hai chị em quá”. Ngay sau đó Ginia nhận ra là cái trâm đó quá tầm thường nên khi ra đường cần phải đội mũ để mọi người khỏi biết mình là công nhân. Còn Rosa, nó vẫn còn sống chung với ba mẹ nên chẳng biết lúc nào mới dành dụm đủ tiền để mua được một cái mũ.

Khi đến đánh thức Ginia, nếu chưa muộn, có khi Rosa cũng bước vào nhà và Ginia nhờ bạn giúp mình dọn dẹp nhà cửa, cười thầm Severino, vì cũng như bao người đàn ông khác, không biết sắp xếp thế nào để cho căn nhà ngăn nắp. Rosa gọi đùa đó là “ông xã mày”. Nhưng không ít lần Ginia sụ mặt than thở là phải làm đủ mọi chuyện lặt vặt này mà vẫn chưa có một người đàn ông cho riêng mình thì buồn thật! Ginia nói vậy thôi, chứ cô cũng rất thích là giờ ấy còn được nằm một mình như một bà chủ, nhưng lâu lâu cũng cần nói thế để con Rosa biết là cô không còn trẻ con nữa.

Còn Rosa thì, ngay những lúc ở ngoài đường cũng chẳng biết giữ kẽ, cứ hò hét, cười cợt nên nhiều khi Ginia muốn quay lại cú vào đầu bạn. Tuy vậy khi đi khiêu vũ thì sự có mặt của Rosa lại là điều không thể thiếu, gặp ai cô ta cũng huyên thuyên mày tao mi tớ… Kiểu cách ồn ào tưng tửng của Rosa làm Ginia nổi bật như một cô gái lịch thiệp. Những năm tươi đẹp đó, Ginia sớm nhận ra sự khác biệt giữa mình với các bạn gái khác là được sống độc lập, sống một mình trong nhà, coi như ông anh Severino không có trong nhà, và tuy mới 16 tuổi, cô đã sống như một người đàn bà. Có lẽ vì thế mà, khi còn cài trâm ngôi sao trên tóc, cô vẫn đi với Rosa, vì nó làm cô vui. Trong khắp cái khu phố này đâu có đứa con gái nào ngốc như nó. Nó có thể làm “quê độ” bất kỳ ai, vừa cười vừa nhìn trời, suốt buổi tối nó chỉ chuyên làm trò hay nói những điều ngớ ngẩn để chọc cười mọi người. Khi nóng máy, nó có thể cãi nhau như con gà trống.

– Có chuyện gì vậy, Rosa? – Có thằng bạn nào đó hỏi khi chờ dàn nhạc bắt đầu.

– Tao sợ! – Mắt cô ta mở lớn như thể lòi con ngươi ra ngoài – Lão già đứng đằng kia đang nhìn tao chăm chăm. Không chừng lát nữa lão chờ tao bên ngoài. Tao sợ lắm!

– Chắc ông nội mày đó! – Thằng bạn có vẻ không tin và châm chọc.

– Đồ ngốc!

– Thôi, mình nhảy đi!

– Không! Tao sợ!

Nhảy được nửa bản, Ginia nghe anh chàng la lớn:

– Mày là đứa mất dạy. Con phù thủy! Biến đi! Đi vào xưởng máy đi!

Mọi người nghe Rosa cười to làm những kẻ khác cười theo. Chỉ có Ginia là vẫn tiếp tục nhảy và cô nghĩ rằng chính xưởng máy đã tạo ra những cô gái như vậy. Bọn công nhân vẫn thường đùa như vậy để làm quen.

Nếu trong bọn họ có một chàng trai thể nào buổi tối đó cũng có cô nổi giận, hay ngốc hơn thì bật khóc. Họ sẽ chòng ghẹo như Rosa thường làm, lòng vòng chỉ muốn đưa mấy em đến bãi cỏ. Với những ông mãnh này, các cô không chỉ biết chuyện trò mà còn phải biết tự vệ. Tuy nhiên khi họ cùng hát thì rất vui, có chàng hát rất hay, nhất là khi có Ferruccio, một anh chàng cao ráo, tóc vàng, luôn thất nghiệp, những ngón tay đen đủi vì bị than cào xước, nhưng chơi guitar rất ác. Thật khó tin là đôi tay tài hoa như vậy lại mang những ngón to ụ và thô tháp. Có lần cả bọn từ ngọn đồi trở về nhà, Ginia đã bị những ngón tay đó chạm dưới nách mình. Ginia cố không nhìn những ngón tay ấy lúc anh ta chơi đàn. Rosa đã nói với cô, Ferruccio đã hỏi thông tin về cô hai ba lần và Ginia trả lời: Nói hắn cắt móng tay trước đã! Sau lần đó cô tưởng là Ferruccio sẽ cười, nhưng anh ta không thèm nhìn cô nữa.

Rồi một ngày khi Ginia bước ra khỏi tiệm may, đang sửa lại cái mũ bằng hai tay chợt thấy Rosa đang bước về phía mình:

– Chuyện gì vậy?

– Tao trốn khỏi xưởng máy!

Cả hai cùng đi đến trạm xe điện nhưng Rosa không nói gì. Ginia hơi bực vì cô cũng không biết phải nói gì với bạn. Chỉ khi bước xuống xe ở trạm gần nhà, Rosa mới nói nhỏ là cô sợ mình có thai. Ginia nói “đồ ngu” rồi hai người cãi nhau ở góc đường. Mọi chuyện rồi cũng qua, bởi vì Rosa đang rơi vào tâm trạng căng thẳng vì sợ hãi, nhưng thực ra chính Ginia mới bị chấn động hơn, cô cảm thấy mình bị bạn qua mặt và bị bỏ rơi như một đứa bé gái trong khi các cô khác mặc sức vui chơi và hưởng thụ, ngay cả cái con Rosa này là con bé ngu ngốc và chẳng có chút tham vọng gì. “Mình có giá hơn nó nhiều, cô nghĩ, mười sáu tuổi mà có thai là quá sớm. Mặc xác nó nếu nó muốn tự phá nát cuộc đời”. Tuy nói vậy nhưng cô không thể nào không cảm thấy bị sỉ nhục vì những đứa bạn khác, tuy chẳng ai nói với ai mà con nào cũng lén trốn ra bãi cỏ. Trong khi cô đang sống tự do, thế mà chỉ một cái chạm tay của người đàn ông đã run như cầy sấy. Ý tưởng này làm cô ta buồn tủi đến nghẹt thở.

– Tại sao bữa đó mày kể cho tao chuyện ấy? – Ginia hỏi Rosa trong một buổi chiều họ đi cùng nhau.

– Không nói với mày thì tao nói với ai?

– Vậy sao trước đó mày không kể gì cho tao biết vậy?

Rosa bây giờ đã bình tĩnh hơn, bật cười. Cô thay đổi nhịp bước:

– Không nói gì thì hay hơn chứ. He… he… Nói trước xui lắm!

Ginia nghĩ thầm: “Con này ngu thật. Bây giờ cười mà trước đó lại muốn tự tử. Nó chưa thành đàn bà đâu. Còn lâu!” Và khi đi một mình ngoài đường, Ginia nghĩ rằng tất cả bọn họ đều còn trẻ, chắc phải đến năm 20 tuổi mới biết cách ứng xử với mọi tình huống.

Suốt buổi tối hôm đó Ginia chăm chú nhìn Pino, bạn trai của Rosa. Y có cái mũi meo méo, nhỏ con, chỉ biết chơi bi da và không biết làm gì khác, nói chuyện thì lí nha lí nhí. Ginia không hiểu sao Rosa vẫn đi xem phim với hắn cho dù biết hắn ta là một thằng hèn. Cô không thể nào loại khỏi đầu mình cái ngày chủ nhật đó, khi tất cả đều ngồi trên thuyền và nhìn thấy lưng hắn đầy tàn nhang, trông như bị rỉ sét. Bây giờ cô nhớ hôm đó Rosa và anh ta đã lên bờ rồi lẩn vào các lùm cây. Ngu quá, sao hôm đó mình không hiểu nhỉ. Nhưng con Rosa còn ngu hơn, cô cũng đã nói điều đó một lần nữa với Rosa khi họ đến ngưỡng cửa rạp chiếu phim.

Họ đã cùng đi thuyền với nhau nhiều lần, cười đùa và cặp đôi để trêu chọc nhau. Ginia thường để ý đến các cặp khác nên hoàn toàn không biết gì về chuyện của Rosa và Pino. Trong cái nóng của buổi trưa hôm đó chỉ có cô và con Tina cà nhắc là còn ở lại trên thuyền. Những người khác, kể cả Rosa, đều lên bờ và cô có nghe tiếng nói của họ. Hôm đó Tina chỉ mặc một chiếc sơ mi mỏng, váy ngắn, nhìn quanh và nói: Nếu không có ai thì tao sẽ cởi quần áo để phơi nắng. Ginia nói để tao canh chừng cho rồi ngồi lắng tai nghe những tiếng động và sự yên lặng trên bờ. Thời gian trôi qua, trên mặt nước tất cả đều tĩnh lặng. Tina nằm phơi nắng, trên hông chỉ phủ một chiếc khăn lông nhỏ. Lúc đó Ginia mới nhảy lên bờ, chân trần đi vài bước trên bãi cỏ. Cô không còn nghe tiếng của Amelia, có lẽ nó trốn sau mấy cô gái khác. Ginia, ngu thật, cô cứ tưởng là họ đang chơi cút bắt nên không đi tìm mà quay trở lại thuyền.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button