Văn học nước ngoài

Axit Sunfuric

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Amelie Nothomb

Download sách Axit Sunfuric ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

PHẦN MỘT

Đến một lúc sự đau khổ của người khác vẫn chưa đủ với họ; họ muốn nhìn thấy cảnh tượng ấy.

Người ta có thể bị bắt mà không cần đến một lý do nào cả. Những cuộc vây ráp diễn ra ở bất cứ đâu: tất cả mọi người bị hốt đi, không ai được chống lại. Miễn sao là con người.

Buổi sáng hôm đó, Pannonique đi dạo trong Công viên Bách thảo(1). Những nhà tổ chức chương trình đến và càn quét cả công viên, không để sót một mục tiêu nào. Cô gái trẻ bị đưa lên một chiếc xe tải.

Chuyện này diễn ra trước khi chương trình đầu tiên được phát sóng: mọi người còn chưa biết điều gì sẽ xảy đến với mình. Họ giận dữ. Tại nhà ga, họ bị lèn chặt vào một toa chở súc vật. Pannonique phát hiện thấy cô và mọi người đang bị quay phim: rất nhiều máy quay dõi theo họ, không một biểu hiện lo âu vụn vặt nào trên gương mặt họ bị bỏ qua..

Cô hiểu rằng việc chống cự chẳng những không giúp ích được gì, mà còn trở thành tiêu điểm hấp dẫn cho truyền hình. Vì thế trong suốt chuyến đi, cô im lặng không để lộ một cảm xúc nào. Xung quanh cô bọn trẻ gào khóc, người lớn la mắng, người già uất ức đến nghẹt thở.

Họ bị lùa xuống một cái trại giống như những cái trại tập trung vốn chưa cổ xưa gì của phát xít Đức, chỉ có một chi tiết khác biệt duy nhất đập ngay vào mắt: những chiếc máy quay giám sát được gắn ở khắp nơi.

Để trở thành nhà tổ chức, không cần bất cứ điều kiện nào. Những người chủ xướng chương trình cho các thí sinh lần lượt đi qua và chọn ra những “gương mặt độc nhất”. Sau đó, những thí sinh này phải hoàn thành bảng trắc nghiệm hành vi.

Zdena đã được chọn, đó là kẻ cả đời chưa bao giờ vượt qua nổi một cuộc thi. Ả lấy thế làm hãnh diện lắm. Từ nay, ả có thể khoe rằng ả làm ở đài truyền hình. Ở tuổi hai mươi, không một tấm bằng, có được công việc đầu tiên: rốt cuộc thì những người xung quanh sẽ phải ngưng chế nhạo ả.

Người ta giải thích với ả các nguyên tắc của chương trình. Những người phụ trách hỏi ả có cảm thấy sốc không.

– Không. Mạnh đấy, ả trả lời.

Vẻ đăm chiêu, vị phụ trách nhân sự nói với ả rằng chính xác là như vậy.

– Đó là những gì mọi người muốn, ông ta nói thêm. Những kiểu trình diễn giả tạo, màu mè đã hết thời rồi.

Ả vượt qua những cuộc kiểm tra khác một cách xuất sắc, cho thấy mình có khả năng gây ấn tượng với người lạ, gào thét những lời lăng mạ vô cớ, chứng tỏ quyền lực của mình, không mủi lòng trước những lời kêu than.

– Điều quan trọng, là phải tôn trọng khán giả, một người phụ trách nói. Không một khán giả nào đáng để bị coi thường.

Zdena đồng tình.

Ả được giao vị trí kapo(2).

– Chúng tôi sẽ gọi cô là kapo Zdena, người ta nói với ả như vậy.

Thuật ngữ quân sự này khiến ả thích thú.

– Trông mày oách lắm, kapo Zdena ạ, ả tự nói với mình trong gương.

Ả đã không còn để ý đến những chiếc máy quay phim đang thu hình ả nữa.

Báo chí chỉ nhắc đến sự kiện này. Các bài xã luận bùng nổ, những người có lương tâm la ó.

Ngay sau buổi phát sóng đầu tiên, khán giả yêu cầu được xem tiếp. Với tên gọi ngắn gọn “Trại tập trung”, chương trình đã thu hút được lượng khán giả kỷ lục. Chưa bao giờ người ta gây được ảnh hưởng trực tiếp đến vậy lên tội ác.

“Có điều gì đó đang xảy ra,” thiên hạ kháo nhau.

Máy quay phim thỏa sức ghi hình. Nó hướng vô số các con mắt của mình đến mọi lán trại nơi nhốt các tù nhân: những cái nhà tiêu, với tiện nghi duy nhất là các chồng đệm rơm. Bình luận viên chương trình cố gắng miêu tả mùi nước tiểu và cái lạnh ẩm thấp mà, tiếc thay, truyền hình không có khả năng chuyển tải.

Mỗi kapo có vài phút để tự giới thiệu mình.

Zdena không khỏi bất ngờ trước đặc quyền này. Trong vòng hơn năm trăm giây, chiếc máy quay sẽ chỉ hướng mắt về phía ả. Và cái con mắt nhân tạo ấy sẽ kết nối với hàng triệu con mắt bằng xương bằng thịt.

– Đừng bỏ lỡ dịp tỏ ra thân thiện, một người tổ chức chương trình nói với các kapo. Khán giả nhìn các bạn như những kẻ độc ác, thô lỗ: hãy chứng tỏ cho họ thấy các bạn là con người.

– Và cũng đừng quên rằng truyền hình có thể là một diễn đàn dành cho những ai trong số các bạn có ý tưởng, có lý tưởng, một người khác gợi ý với nụ cười nham nhở khiến người ta liên tưởng ngay đến những điều ghê tởm mà hắn hy vọng được nghe thấy các kapo tuôn ra.

Zdena tự hỏi ả có ý tưởng nào không nhỉ. Mớ âm thanh ồn ào trong đầu ả mà ả vẫn trịnh trọng gọi là suy nghĩ không làm cho ả mụ mẫm đến mức kết luận là ả có. Tuy nhiên, ả nghĩ rằng ả sẽ tạo được cảm tình không chút khó khăn.

Sự ngây ngô ấy cũng thường thôi: người ta không hề biết truyền hình khiến họ trở nên xấu xí đến mức nào. Zdena chuẩn bị bài diễn văn huênh hoang của mình trước gương mà không nhận ra rằng chiếc máy quay sẽ không rộng lượng như tấm gương đang phản chiếu hình ảnh ả.

Khán giả truyền hình nóng lòng chờ đợi buổi giới thiệu của các kapo: họ biết rằng họ có thể sẽ căm ghét những kẻ này, và rằng những kẻ này sẽ tìm mọi cách để được như thế, rằng thậm chí những kẻ này còn cung cấp thêm lý lẽ cho việc mình bị ghê tởm.

Họ đã không phải thất vọng. Nói về chuyện tầm thường, đê tiện, thì những lời tuyên bố của các kapo vượt xa những gì họ chờ đợi.

Đặc biệt họ phải nhăn mặt trước bài diễn thuyết của một phụ nữ trẻ với gương mặt thiếu cân đối có tên là Zdena.

– Tôi hai mươi tuổi, tôi cố gắng tích lũy kinh nghiệm cho mình, ả nói. Quý vị không nên có định kiến về “Trại tập trung”. Hơn nữa, tôi thì tôi cho rằng đừng bao giờ phán xét, bởi chúng ta là ai mà có quyền phán xét? Khi tôi diễn xong vai của mình, sau một năm nữa, việc đưa ra nhận xét này nọ mới có ý nghĩa. Ngay bây giờ thì không. Tôi biết sẽ có người nói rằng cách hành xử với con người ở đây là không bình thường. Thế thì tôi xin đặt câu hỏi này: khái niệm bình thường là gì? Cái tốt, cái xấu là gì? Đây là vấn đề văn hóa?

– Nhưng, kapo Zdena, nhà tổ chức chương trình lên tiếng, cô có thích thú nếu phải chịu đựng những gì các tù nhân đang chịu đựng không?

– Đúng là một câu hỏi ăn gian. Trước hết, ta không biết các tù nhân nghĩ gì, bởi vì những người làm chương trình có hỏi họ đâu. Mà có lẽ họ chẳng nghĩ gì cả.

– Khi chúng ta chặt một con cá còn sống, nó không kêu gì hết. Từ đó cô có thể kết luận rằng nó không đau đớn sao, kapo Zdena?

– Câu hỏi hay đấy, tôi sẽ ghi nhận câu này, ả vừa nói vừa phá lên cười để tìm kiếm sự đồng tình. Anh biết không, tôi nghĩ đâu phải vô cớ mà họ ngồi tù. Ai nói gì thì nói, tôi cho rằng không phải tình cờ mà số phận này được dành cho những kẻ yếu. Điều mà tôi nhận thấy, đó là tôi đây, tôi không phải loại đàn bà õng ẹo, tôi thuộc về phía những kẻ mạnh. Hồi còn đi học, tôi đã như vậy. Trong sân trường bao giờ cũng có một đám những đứa con gái ẻo lả và những thằng con trai chải chuốt: tôi không bao giờ ở trong số bọn chúng, tôi đứng trong đám những đứa lì lợm. Tôi á, tôi chưa bao giờ tìm cách khiến người ta thương hại mình.

– Cô có nghĩ rằng các tù nhân tìm cách khiến người ta thương hại họ không?

– Rõ quá đi rồi. Họ đóng loại vai cao thượng mà.

– Tốt lắm, kapo Zdena. Xin cảm ơn vì cô đã rất thành thật.

Ả rời khỏi tầm ngắm của chiếc máy quay, trong lòng cảm thấy bất ngờ bởi chính những gì ả vừa nói. Ả không nghĩ mình lại suy nghĩ nhiều điều đến vậy. Ả khoái chí với ấn tượng tuyệt vời mà ả sẽ tạo ra.

Báo chí tràn ngập những lời chửi rủa thái độ vô liêm sỉ quá đà của các kapo mà đặc biệt là của ả kapo Zdena, những lời lên mặt dạy đời của ả khiến người ta không khỏi rụng rời. Cánh viết xã luận nhắc rất nhiều đến sự kiện trọng đại này, sự kiện mà theo đó tù nhân được đóng một thứ vai cao thượng; thư từ của độc giả thì phản ánh sự ngu dốt tự đắc và sự nghèo nàn của con người.

Zdena không hiểu tại sao làn sóng khinh bỉ kia lại trút xuống đầu ả. Chẳng bao giờ ả nghĩ mình đã diễn đạt không chính xác. Ả chỉ đơn thuần rút ra kết luận rằng khán giả và bọn nhà báo là một lũ tư sản, chúng trách cứ cái sự ít học của ả; ả cho rằng chúng phản ứng như thế là vì chúng thù hận tầng lớp vô sản lưu manh. “Thế mà ta lại đi tôn trọng lũ người ấy cơ đấy!” ả tự nhủ.

Vả lại, cũng chỉ ít lâu sau, ả đã không còn chút tôn trọng nào dành cho khán giả nữa. Bây giờ, đối tượng duy nhất trên đời này mà ả tôn trọng là những nhà tổ chức chương trình. “Chí ít mấy người đó cũng không phán xét ta. Bằng chứng là họ trả công cho ta. Và trả công rất cao.” Mỗi câu nói của ả là một sai lầm: các ông chủ khinh bỉ Zdena. Họ cười nhạo ả. Và họ trả cho ả một cái giá rẻ mạt.

Ngược lại, nếu có một cơ hội dù là ít ỏi nhất để một tù nhân có thể sống sót ra khỏi trại, điều mà dĩ nhiên ở đây là không thể, người ấy sẽ được chào đón như một anh hùng. Khán giả ngưỡng mộ các nạn nhân. Sự khôn khéo của chương trình này nằm ở chỗ nó biết cách thể hiện họ bằng hình ảnh cao đẹp nhất.

Tù nhân không biết ai trong số họ đang bị ghi hình, cũng không biết khán giả đang nhìn thấy gì. Đó là một phần của nhục hình mà họ phải chịu. Những tù nhân yếu đuối sợ bị lên hình khủng khiếp: thêm vào nỗi đau đớn trong cơn khủng hoảng tinh thần là nỗi nhục nhã khi trở thành vật thu hút sự chú ý. Và quả thật, chiếc máy quay không bao giờ bỏ qua những khoảnh khắc hoảng loạn.

Nhưng nó cũng chẳng ưu ái gì những khoảnh khắc ấy. Nó biết rằng mối quan tâm của “Trại tập trung” là chỉ ra hết mức vẻ đẹp của những con người đang bị tra tấn này. Vì thế mà nó đã nhanh chóng chọn ra Pannonique.

Pannonique không hề biết. Điều đó đã cứu cô. Nếu biết được mình là đích ngắm chính của chiếc máy quay, hẳn cô đã không chịu đựng nổi. Cô đinh ninh rằng một chương trình đáng ghê tởm như thế này chỉ quan tâm đến điều duy nhất là sự đau khổ.

Vì vậy, cô quyết tâm không để lộ bất cứ một sự đau đớn nào.

Mỗi buổi sáng, khi đám quản trại dò xét từng đoàn người để tìm ra những người không còn đủ khả năng làm việc và đem họ đi hành quyết, Pannonique giấu nỗi lo lắng và cảm giác ghê tởm của mình đằng sau một cái mặt nạ kiêu hãnh. Sau đó, trong suốt một ngày quét dọn những đống đất đá dưới cái đường hầm vô tích sự mà họ phải xây dưới làn mưa roi của những tên kapo, cô không biểu lộ gì. Và cuối cùng, khi người ta dọn ra cho những người tù nhân đói khát bữa tối với món xúp nhơ nhớp, cô thản nhiên húp cạn.

Pannonique hai mươi tuổi và gương mặt cô là gương mặt khả ái nhất mà tạo hóa có thể làm ra. Trước khi bị bắt, cô là sinh viên ngành cổ sinh vật học. Niềm đam mê nghiên cứu loài khủng long diplodocus hóa thạch khiến cô chẳng còn mấy thời gian ngắm mình trong gương hay dành trọn tuổi trẻ rạng ngời nhường ấy cho tình yêu. Sự thông minh khiến vẻ đẹp lộng lẫy của cô càng trở nên ấn tượng.

Những người tổ chức chương trình không mất nhiều thời gian để phát hiện ra cô, và xem cô như một trong những lợi thế quan trọng của “Trại tập trung”, và họ đã không lầm. Việc một cô gái vô cùng xinh đẹp và duyên dáng phải chịu đựng cái chết được báo trước mà người ta có thể trực tiếp chứng kiến tạo ra bầu không khí căng thẳng ngoài sức chịu đựng và không thể cưỡng nổi.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button