Truyện - bút ký

Thế Giới Mạng Và Tôi

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Thị Hậu

Download sách Thế Giới Mạng Và Tôi ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : Truyện – bút ký

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Trong lòng bàn tay có ba con đường

Đây là câu mở đầu cho một bài viết có tên “Số phận” trong tập tản văn mới của Nguyễn Thị Hậu, Thế giới mạng và tôi, lý giải cẩn thận như một nhà coi bói chỉ tay về các con đường trên bàn tay, và dẫn hết cả những lời đã nghe từ bé mà các ông bà thày bói coi tay nói với mình, xong rồi chị kết luận: “Thế à… Ừ thì cứ tin như thế đi, như đã… không nghi ngờ những lời tiên đoán trước đây… Thật ra là cũng đã quên mất những lời của các ông thầy bà thầy bói. Cứ đúng tính cách mình mà sống, đã sống như thế, đang sống như thế, và nếu còn sống đến lúc nào thì vẫn sẽ như thế…”

Đọc xong không khỏi mỉm cười!

Mỉm cười, bởi đọc Thế giới mạng và tôi đúng là như thế. Hệt như mở một lòng bàn tay, thấy có đến ít nhất là ba con người với những phân định dễ nhận: một nhà văn hóa, một nhà báo, và một phụ nữ viết văn, giống như ba con đường khác nhau. Có những lúc Nguyễn Thị Hậu khách quan và tỉnh táo để bàn về những mất mát của đời sống tinh thần trong sự biến thiên của đô thị hiện đại, hoặc đưa ra những lời bàn rõ ràng rành mạch về sách vở như một nhà nghiên cứu văn hóa đúng nghĩa và có tầm, như là trong “Tản mạn về người Sài Gòn”; “Tiếc nuối Thủ Thiêm”; “Mùa lễ hội”… Có lúc thông minh và nhiều phát hiện, đầy ắp chi tiết như một nhà báo tự do quen lang thang và độc lập quan sát ở những “Sapa không còn lặng lẽ”, “Tản mạn về đường thành phố”, “Nước Mỹ xa và gần”; “Vụn vặt đời thường”… Nguyễn Thị Hậu đi nhiều, viết nhiều, và những bài du ký ở tập này không hiểu sao mang dáng dấp chính luận nhiều thế, có thể do đặt hàng từ những tờ báo mà chị cộng tác, và cũng có thể, những cuộc đi, rất nhiều, của chị thường là đơn độc và vội vã. Nhưng chúng hấp dẫn và đôi khi, lắng tận đáy lòng bởi đôi ba từ ngữ lạc vào từ trái tim người đàn bà viết văn:

Dọc những con đường trải dài tôi qua ở nước Mỹ, bất cứ nơi đâu cũng có thể bắt gặp ngay bên đường, hoặc thấp thoáng trong cánh rừng thưa, hay trong một thị trấn nho nhỏ nào đấy… những ngôi nhà có hàng hiên rộng, vài chậu hoa xinh xắn trên bệ cửa sổ rèm buông lay nhẹ, bãi cỏ xanh nho nhỏ và bên ngoài là hàng rào thấp sơn màu trắng.

Không hiểu sao khi nhìn thấy những ngôi nhà như thế, trái tim chợt lỡ nhịp, một tình cảm dịu dàng tràn ngập như khi gặp lại mối tình không trọn vẹn… (Nước Mỹ xa và gần)

Cái phần người đàn bà viết văn, với tôi, là cái đọc được nhiều nhất trong tập Thế giới mạng và tôi này. Nó làm cho ba con đường riêng rẽ trên một bàn tay hòa nhập với nhau, không phải chỉ là như Nguyễn Thị Hậu viết “Tính cách tạo nên số phận. Số phận mình nằm trong lòng bàn tay mình đấy thôi…”, mà nó khiến cái bàn tay ấy trở nên mềm mại, dịu dàng. Bởi dù có nói về một điều gì đó to tát, cái phần văn chương đầy nữ tính của Nguyễn Thị Hậu rốt cuộc cũng làm cho câu chuyện trở nên có chút gì đó như thoáng chút ngậm ngùi.

Về miền Tây thương ngôi chợ nhỏ đầu làng, sương sớm còn mờ đã lao xao mua bán, đến nửa buổi thì nhà lồng chỉ còn vài hàng cây trái. Thương chợ ngã năm ngã bảy trên sông ghe xuồng san sát, những chiếc sào cột các loại trái cây rau cải lơ lửng trên cao, ghe tạp hóa xanh đỏ đồ dùng, ghe than ghe chiếu giờ đã ít người mua kẻ bán… Thương phố chợ nhỏ mà cột antena san sát như đàn chuồn chuồn báo hiệu trời mưa, nhà cao tầng ngói đỏ ngói xanh, tiệm uốn tóc, tiệm vàng, tiệm thời trang… chẳng khác gì thành phố (Về miền Tây, thương…).

Có một điều, với tập sách này, với một người đọc đã quen, dường như không chủ định, cái phần văn chương của Nguyễn Thị Hậu nhiều lên và hoàn toàn tự nhiên. Chị không có ý định viết văn như trong tập truyện ngắn mini 100 chữ, cũng không định triết lý, dù vẫn hóm hỉnh và thông minh thế, nhưng trong rất nhiều tản văn, có chút mằn mặn của nước mắt “Yêu như đã sống”; “Phục Sinh, vâng hy vọng thế!”; “Tháng Bảy đã qua”. Chẳng có lời nào bàn đến mấy chữ cô đơn, nhưng cứ như ngay cả từ một sự đùa cợt, một luận bàn nghiêm túc, nỗi cô đơn nhè nhẹ cứ từ đâu đó lẩn khuất và bất chợt xuất hiện.

Có lẽ, bởi tên tập sách là Thế giới mạng và tôi. Thế giới mạng luôn là nơi cô đơn với một phụ nữ. Cũng như biết trên bàn tay có ba con đường, nhưng con đường nào ngoài cuộc sống cũng là do mình chọn. Biết “Thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống, chỉ có điều cần lưu ý, nó là tấm gương phóng đại nhiều lần những tốt đẹp hay xấu xa của mỗi con người, của một xã hội” nhưng Nguyễn Thị Hậu vẫn viết “Tôi vẫn lướt mạng mỗi ngày, bởi vì mạng cho tôi một cuộc sống phong phú đa dạng, luôn đặt tôi trước thử thách khi đối diện tấm gương phóng đại ấy: tỉnh táo để biết nhìn ra chân giá trị của mình, của người”.

Như thế, còn có cả một người đàn bà độc lập và bướng bỉnh nữa, con đường thứ tư trên một bàn tay, trong tập sách này!

Phạm Thanh Hà

ĐỌC THỬ

Thế giới mạng và tôi

Mỗi ngày lướt mạng ta có thể nhận ra muôn mặt của cuộc sống, và có khi, bất ngờ nhận ra khả năng “biến hóa” của chính mình.

Trên thế giới mạng ảo mà thật (lúc này lúc khác) bạn sẽ thể hiện sự kiêu ngạo/ yếu đuối/ hài hước/ lãng mạn/ nghiêm trang/ nhạt nhẽo/ thú vị/ độc đoán… Có thể bạn sẽ như một con người khác: nhà khoa học/ nhà thơ, nhà văn/ nhà phê bình thoải mái bình luận về văn hóa nghệ thuật/ nhân vật/ sự kiện… Ở đó bạn có thể trở về thế hệ tuổi teen khi bày tỏ cảm xúc “sến như con hến” về mùa thu về mưa về nắng… có thể bạn sẽ tự tin thể hiện mình giỏi giang/ duyên dáng/ đẹp trai/ xinh gái/… Ở đó bạn bình đẳng với tất cả khi được tự do tỏ bày/ bộc lộ/ bức xúc/ tán thưởng/ phản đối/ tranh luận/ đồng tình…

Có khi sau những lúc lang thang trên mạng như thế, bạn thấy nỗi cô đơn nén chặt trong mình dường như được loãng ra, nhạt đi và nhẹ đi…

Ở trên mạng bạn có thể nhảy từ “nhà” này sang “nhà” khác, ngó nghiêng nhìn ngắm các chủ nhà và những mối quan hệ của họ. Có khi bạn làm quen với người này người khác, cũng có khi bạn “cắt đứt” không thương tiếc với một ai đó… Có khi bạn tham gia vào câu chuyện của nhà này nhà kia, có khi đi qua không để lại dấu vết gì nhưng cũng như ngoài đời, những gì nhận được từ thế giới mạng có thể sẽ để lại trong bạn một ấn tượng khó phai.

Có khi sau những lúc lang thang như thế, dường như bạn càng thấy “cô đơn trên mạng” nhiều hơn…

Ở trên mạng bạn có thể nói/ viết bằng thứ ngôn ngữ do bạn lựa chọn, không quan tâm có phải/ có đúng là tiếng Việt “chính thống” hay là thứ ngôn ngữ “làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”, chỉ cần được là chính mình trong/ tại thời điểm đó. Dù viết gì và viết thế nào, những gì bạn viết trên mạng chắc chắn là một phần con người bạn. Và cũng như trong cuộc sống, những status và comment, những note và entry của bạn cũng phải chịu sự va đập của thế giới mạng. Bạn “ném” ra cái gì thì thế giới mạng sẽ trả lại bạn cái đó. Thật đấy! Thế giới mạng rất “tinh tướng”, không phải cứ đạo mạo lên mặt dạy đời chê bai tất cả thì “mạng” sẽ vì nể, hay bỗ bã tếu táo thậm chí ‘chửi” như hát hay thì “mạng” sẽ coi thường xa lánh. Và cũng như trong đời sống, cái gì cũng có giới hạn của nó. Để nhận ra được cái giới hạn này, ở trên mạng hay ngoài đời, đều không dễ. Quá đi một chút, từ bỗ bã tếu táo trở nên đanh đá hỗn hào, từ nhận xét khen chê sẽ thành tâng bốc hay mạt sát… Sự tương tác tức thời và “không biên giới” của thế giới mạng có sức quyến rũ mê hoặc ghê gớm đồng thời là một sức mạnh có thể “hủy diệt” một cá nhân chỉ trong chốc lát. Thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống, chỉ có điều cần lưu ý, nó là tấm gương phóng đại nhiều lần những tốt đẹp hay xấu xa của mỗi con người, của một xã hội.

Nhưng cái làm cho con người cần đến “mạng” chính là khả năng chia sẻ và cộng hưởng nhiều lần, từ những mối quan hệ “ảo” ở trên mạng ta có thể sẽ tìm thấy những người bạn thật sự. Tình bạn trên mạng cũng phải chịu sự thử thách va đập, có khi còn hơn ở ngoài đời. Vì vậy đừng ngạc nhiên khi qua một thời gian, có người bạn “thật” lại trở thành “ảo”, mối quan hệ tưởng bền chặt bỗng hóa như mưa bóng mây…

Biết vậy nhưng tôi vẫn lướt mạng mỗi ngày, bởi vì mạng cho tôi một cuộc sống phong phú đa dạng, luôn đặt tôi trước thử thách khi đối diện tấm gương phóng đại ấy: tỉnh táo để biết nhìn ra chân giá trị của mình, của người.

Sài Gòn 5/10/2012

Tản mạn về người Sài Gòn

Trong những lúc “trà dư tửu hậu” hay “ngồi đồng” ở quán cà phê vỉa hè Sài Gòn, chúng tôi nói đủ chuyện: từ chuyện lịch sử tới tin tức xã hội, từ văn hóa tới kinh tế… Nói gì thì cuối cùng vẫn quay về chuyện CON NGƯỜI – cái gốc của mọi chuyện. Bởi vì xã hội nào tạo nên con người ấy, con người nào phản ánh xã hội ấy.

Những người bạn của tôi, và cả tôi nữa, hầu hết đã sống ở Sài Gòn trên dưới 40 năm, từ nhiều vùng miền nhiều tỉnh thành, do những hoàn cảnh khác nhau mà đến/ vào/ về Sài Gòn sinh sống. Có thể coi chúng tôi là “người nhập cư” vì cha mẹ không sinh sống ở Sài Gòn và chúng tôi không sinh ra tại đây, nhưng cũng có thể coi là “người Sài Gòn” bởi vì chúng tôi đã trưởng thành, lập gia đình, làm việc cho đến lúc nghỉ hưu, thậm chí có lẽ “nhắm mắt xuôi tay” cũng ở đây. Nhưng thế hệ con cái chúng tôi được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, mặc dù quê quán ghi trên Chứng minh nhân dân ở đâu thì chúng vẫn tự nhận là “người Sài Gòn chánh hiệu”. Tất nhiên, nếu coi hộ khẩu là điều kiện tiên quyết thì chúng tôi phải được coi là người Sài Gòn “xịn”.

Ở Sài Gòn, khái niệm “người nhập cư” thường được sử dụng trong cơ quan công quyền để phân biệt người có hộ khẩu và người không/ chưa có hộ khẩu ở Sài Gòn, nhằm mục đích “quản lý hành chánh”. Giới nghiên cứu hay gắn khái niệm này với loại hình “kinh tế phi chính thức” trong việc nghiên cứu hoạt động kinh tế của đô thị Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn trong đời sống hàng ngày hầu như người Sài Gòn ít sử dụng cách nói “người nhập cư” hay “dân nhà quê”, “dân tỉnh” mặc dù ở miền Tây Nam Bộ hay gọi người Sài Gòn là “người thành phố”, đi Sài Gòn là “lên thành phố”. Vậy thì tôi, vừa với tư cách là “người nhập cư” vừa là “người Sài Gòn” có thể biết gì, hiểu gì về Người Sài Gòn? Có thể bắt đầu từ vài nhận biết có phần rời rạc sau đây chăng?

Đầu tiên, “người Sài Gòn” là sự hòa nhập về văn hóa (tính cách, lối sống, ngôn ngữ, tín ngưỡng, ẩm thực, trang phục…) của người Việt, người Hoa và những tộc người “bản địa”. Người ta cứ quen nói rằng “Sài Gòn 300 năm” nhưng đó chỉ là nói về thời kỳ thiết lập nền hành chính của Chúa Nguyễn từ 1698 mà quên mất/ chưa biết Sài Gòn còn có quá khứ hơn 3.000 năm của văn minh Đồng Nai – Cửu Long. Văn minh ấy do những tộc người khác “Việt” dựng nên. Rồi từ thế kỷ XVI – XVII, người Việt, người Hoa đã dấn bước vào vùng đất này, từ đó Sài Gòn, Nam Bộ có thêm lớp chủ nhân mới. Cùng với người Khmer, người Mạ, người Chăm… sự hòa nhập truyền thống, văn hóa của tất cả những chủ nhân đã tạo nên Sài Gòn và người Sài Gòn mới mẻ, năng động và chân tình.

Khi nói đến người Việt người ta hay nói đến truyền thống lịch sử lâu đời và hào hùng, bốn ngàn năm văn hiến, văn minh sông Hồng, con rồng cháu tiên, những triều đại nổi tiếng chiến thắng ngoại xâm… Còn khi nói đến người Việt (ở) Nam Bộ thì đầu tiên là kể về điều kiện tự nhiên thuận lợi của đồng bằng sông Cửu Long: vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, đất rộng người thưa, ít bị thiên tai như bão lụt hạn hán… Sau mới nói về nguồn gốc “lưu dân” và 300 năm hình thành. Nghiên cứu gia phả nhiều dòng họ, gia đình ở Nam Bộ phần lớn được ghi nhận “thời ông cố ông sơ” từ miền Trung đi ghe theo biển vô Nam, đầu tiên định cư trên những giồng đất vùng cửa sông… rồi từ đó ngược các nhánh Cửu Long vào sâu vùng ngập trũng, khai phá đồng bằng và khai thác tự nhiên. Công cuộc khai phá này chẳng hề dễ dàng thuận lợi chút nào! Do đó tính thực tiễn được đặt lên hàng đầu: tất cả hướng đến thực tế, không lý thuyết suông, không giáo điều, lấy hiệu quả lao động làm mục đích chính. Không hay than vãn, người Nam Bộ bình thản”làm chơi ăn thiệt”. Đây chỉ là một cách nói đơn giản hóa, “coi vậy mà hổng phải vậy”, coi khó khăn đã qua như một việc chơi chơi, còn kết quả thực sự mới là quan trọng, là đã “có ăn”.

Người Sài Gòn/ Nam Bộ di chuyển càng xa cái “gốc” đồng bằng sông Hồng thì sợi dây truyền thống càng dãn ra. Những tính chất của không gian “nông thôn làng xã” khép kín biến đổi theo thời gian, bị/ được đứt gãy do phải thích ứng với không gian địa – xã hội khác. Thay vào đó là sự tự lập và tính linh hoạt ứng phó với hoàn cảnh điều kiện mới và từ đó tạo ra truyền thống mới, dám thay đổi cho phù hợp hoàn cảnh, thích nghi nhanh, chịu đổi mới “làm đại nghen? Ừa, làm đại đi” là phong cách làm ăn Sài Gòn/ Nam Bộ. Làm đi, có sai cũng không sao, làm lại/ sửa sai mấy hồi! Quan trọng là không mặc cảm sợ sai và sửa sai nhanh.

Ở Sài Gòn/ Nam Bộ “dư luận xã hội” không nặng nề khe khắt với những điều khác lạ, cái mới. Là bởi người Việt trên bước đường lưu chuyển vào đây đã trải nghiệm qua những vùng đất toàn những điều mới lạ. Cùng với sự nhạt đi của tính chất phong kiến gia trưởng, việc tiếp xúc sớm với các giá trị dân chủ, bình đẳng của văn minh phương Tây làm cho người Sài Gòn khá cởi mở trong các mối quan hệ xã hội và trong gia đình. Tính chất dân chủ trong xã hội phát triển nhanh, biểu hiện ở chỗ cá nhân ít lệ thuộc, phụ thuộc vào cộng đồng và vì thế vai trò và trách nhiệm cá nhân cao “dám làm dám chịu”.

Có thể nói tính cách người Sài Gòn gắn liền với chữ “LÀM”; “làm ăn”, “làm chơi ăn thiệt”, “làm đại”, “dám làm dám chịu”… sự liên kết gắn bó, hòa trộn ba đặc điểm trên tạo nên người Sài Gòn/ Nam Bộ. “Ba trong một” từ ứng xử đến làm ăn, trong sinh hoạt… không tách rời một đặc điểm nào, hình thành tính cách và làm nên hiệu quả của “công chuyện làm ăn” của người Sài Gòn.

Nói về Nam Bộ thì không có hay ít có sự phân biệt văn hóa và người Nam Bộ nói chung với văn hóa và người Sài Gòn nói riêng (có chăng có thể phân biệt chút ít giữa Đông và Tây Nam Bộ). Nếu không quá khắt khe có thể coi người/ văn hóa Sài Gòn là đại diện cho người/ văn hóa Nam Bộ, từ giọng nói, ngôn ngữ, ẩm thực, tính cách, làm ăn… Có lẽ vì vậy mà ở Sài Gòn khi cần thì hỏi nhau “quê đâu” mà không hề có ý phân biệt người “nhà quê” hay “thành phố”. Giai đoạn đương đại, quá trình dân cư của Sài Gòn cũng khác với nhiều đô thị khác: thời kỳ chiến tranh Sài Gòn là nơi có nhiều người từ các tỉnh miền Trung đổ vào, từ miền Tây Nam Bộ lên, nhất là khi chiến sự ác liệt. Sau năm 1975 Sài Gòn cũng là nơi có tình trạng thay thế dân cư lớn nhất và kéo dài cho đến nay: Người (thị dân) Sài Gòn ra đi bằng nhiều con đường, lúc ồ ạt khi chẳng mấy ồn ào; người các tỉnh lại liên tục đổ vào Sài Gòn tới nay chưa hề giảm bớt. Còn Hà Nội trong chiến tranh dân cư rời bỏ thành phố đi về (tản cư, sơ tán) nông thôn, sau chiến tranh mới trở lại thành phố. Tuy nhiên Hà Nội và Sài Gòn cũng có một số điểm giống nhau: 1/ Sau khi chiến tranh chấm dứt khá nhiều người Hà Nội “gốc” và Sài Gòn “xịn” đã rời thành phố đi nơi khác sinh sống, tạo ra khoảng trống trong cơ cấu dân cư là tầng lớp thị dân lâu đời; 2/ Chính quyền thiết lập sau chiến tranh (Hà Nội 1954 và Sài Gòn 1975) đều do (hầu hết) những người (kháng chiến) ở nông thôn, rừng núi trở về lãnh đạo, tổ chức chính quyền chưa kịp thích nghi với những đô thị lớn nhất nước và 3/ Hiện nay hai thành phố này có số lượng người nhập cư nhiều nhất. Những đặc điểm này để lại cho Hà Nội và Sài Gòn nhiều khó khăn trong việc xây dựng đô thị văn minh hiện đại.

Nhưng, ai đã vô Sài Gòn làm ăn sinh sống, chắc chắn trở thành “người Sài Gòn”, bởi Sài Gòn phóng khoáng và rộng rãi mang lại cơ hội cho mọi người, bởi Sài Gòn không tự coi mình là đặc biệt khi đang sống bằng nguồn lực của chính mình và của những người đến từ mọi miền, đồng thời Sài Gòn cũng luôn chia sẻ, đóng góp những gì mình có cho cả nước.

Là kẻ hậu sinh trong việc nghiên cứu về văn hóa Sài Gòn/Nam Bộ; lại chưa được coi là “người Sài Gòn chánh hiệu”, vậy mà dám “tản mạn” về Sài Gòn và người Sài Gòn, âu cũng do cái tính “làm đại” của người Sài Gòn/Nam Bộ đã nhiễm vào người. Kính mong các bậc trưởng thượng về “Sài Gòn học, Nam Bộ học” lượng thứ.

Sài Gòn, Xuân 2013


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button