Văn học trong nước

Hát

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Trần Nhã Thụy

Download sách Hát ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Taxi đang mở bài hát mới của một nam ca sĩ trẻ, tiết mục xen kẽ giữa những thông tin về giao thông trên sóng VOV.

Vào giờ này chỗ nào đang kẹt xe, chỗ nào đang xảy ra tai nạn; một chị đang lưu thông trên đường số 38 gọi về tổng đài báo cáo ở ngã tư vừa có chiếc ôtô cắp đồng chí bồ câu trên nắp capô lao như tên về đường số 49; một cụ ông đang ngồi nhấp chè chén ở đường Hoa Sữa gọi về tổng đài cung cấp thông tin về vụ một bà chủ hàng phở tạt nước rửa bát lên đầu ông tổ trưởng dân phòng trong lúc ông ấy vừa ngoạn cảnh vừa rít thuốc lào, thế là gây ẩu đả và kẹt xe nghiêm trọng ở đây.

Vân vân và vân vân.

Kỷ bảo gã tài xế tắt radio đi. Gã tắt ngay mà không thắc mắc gì.

Taxi đã ra ngoại thành và hướng vào đường cao tốc. Lúc này, Kỷ lại nghĩ đến bài hát mà nam ca sĩ nọ vừa trình bày trên sóng radio. Thực ra, Kỷ đang nghĩ đến việc hát thì đúng hơn. Theo một tài liệu cũ mà Kỷ đọc được ở đâu đó thì người có kích thước cơ thể nhỏ thường hát giọng cao, còn người có kích thước cơ thể to lớn thì hát giọng trầm. Kích thước cơ thể hay nói đúng hơn là kích thước quai hàm quyết định giọng hát. Vì thế mà ngày nay rất khan hiếm giọng alto nam, bởi cơ thể con người càng ngày càng to lớn. Kỷ không hoàn toàn thích một nam ca sĩ hát giọng nữ, nhưng thấy có nhiều anh chàng cố tạo gió cho giọng hát, mà thất bại thảm hại. Kỷ mỉm cười bâng quơ. Một câu hát đang khởi lên trong đầu.

Chả ai biết Kỷ hát gì đâu.

Kỷ cũng không biết mình đang hát gì.

Taxi đi vào con đường đất. Tiếng bánh xe nghiến trên lớp đá dăm lạo rạo lào xạo. Kỷ khẽ ngã lưng ra ghế rồi chuồi người xuống, hai bàn tay đan vào, đặt dưới cái vòng bụng lùm lùm trìu trĩu. Kỷ nhắm mắt, gà gật.

Ngoài taxi, hai bên, sau lưng và trước mặt là cánh đồng lúa xanh mởn. Chốc chốc từ khoảng trời hất xuống một đám mưa xuân. Mưa tháng giêng. Đang cuối giêng. Kỷ rơi vào một giấc mơ ngắn. Kỷ thấy mình đang trần truồng đứng trước một hồ nước tràn đầy. Kỷ co ro, hai tay bụm hạ bộ và mắt nhìn đăm đăm xuống mặt hồ. Có một cái gì đó từ giữa lòng hồ đang lan tới. Kỷ thấy những sợi lông chân, lông ngực của mình đang phất cong lên như những cọng cỏ trước gió. Có cái gì đó đang tràn lên, tốc độ cực nhanh, thật sắc lạnh. Kỷ chợt giật mình tỉnh giấc. Hình như gã lái taxi cũng vừa ngủ gật và vừa choàng tỉnh, đạp kịch chân thắng.

Làng hiện ra. Vài mái nhà. Có một căn nhà thấp nhỏ, dây leo bò gần như kín mít, nhưng ngoài sân thì trống trơn, không có một cái cây hay chậu hoa. Chủ nhân có thể là một người mơ mộng, nhưng cũng có thể là một kẻ biếng nhác. Kỷ lan man nghĩ và bâng quơ ngó. Một hàng cột điện bê tông chạy dọc theo con đường. Rồi, hiện ra một cái ao chuôm. Phía cuối ao có một người đàn ông cao lênh khênh, đầu đội mũ cối đang đứng nhấp câu cá lóc. Chiếc xe gắn máy dựng gần đó, trên yên xe đã buộc một bao cỏ. Cỏ ống dài thò cả ra ngoài miệng bao. Cổng đình làng hiện ra. Mái đình cong dài.

Một hàng cây si ken dày và cao mút rung trong gió.

Kỷ kêu taxi dừng lại. Gã taxi, vâng, rồi tấp rột vào lề. Trong khi Kỷ đưa tiền, gã taxi đưa cho anh cái card visit, bảo khi nào bác cần về Hà Nội cứ gọi em đến đón, em không đón được thì sẽ có mấy thằng đệ em nó đón, bác nhớ gọi em nhá, không gọi thì bác nhắn tin hoặc nhá máy em sẽ gọi lại. Em cảm ơn bác. Em kính chúc bác công tác vui vẻ, kết quả mỹ mãn.

Kỷ bỏ danh thiếp của gã taxi vào túi áo, khoác ba lô lên một bên vai, rồi men theo hàng cây si đi ra phía sau đình.

Kỷ không vào đình, mà đi tắt qua đình để vào làng. Kỷ đi trên bờ ruộng, cảm thấy bụng hơi đói. Kỷ cũng hơi lo là không biết có gặp được bà Huệ và cô bé Xuân Nương hay không, bởi Kỷ đã nhiều lần gọi vào điện thoại di động mà không liên lạc được, nên Kỷ cứ đón taxi mà về tận nhà. Có thể là điện thoại hết pin hay sao đó, chứ cách đây một ngày anh còn gọi được. Dù lo, nhưng Kỷ vẫn tin là bà Huệ cùng Xuân Nương đang ở nhà. Họ thường ở đây cho tới cuối tuần mới lên Hà Nội. Nếu không vì mấy suất ca trù ở câu lạc bộ thì có lẽ họ sẽ ở đây mãi mãi.

Kỷ vẫn nhớ lần đầu tiên gặp họ trên vỉa hè phố cổ. Hai mẹ con đang hát cho một đám khách Tây nghe. Xuân Nương lúc đó khoảng mười ba tuổi, đôi má ửng hồng, mắt tròn lóng lánh ngó quanh. Còn bà Huệ năm đó chừng suýt soát năm mươi. Trên tấm chiếu, dáng bà ngồi hơi chênh vênh, mắt chăm chắm phía trước, như hút vào khoảng không vô định, như có cái gì muốn đoạt dẫn. Kỷ bị mê hoặc bởi cách hát hơi trong của bà Huệ. Cái nguyên âm “Ư” làm nền của ca trù, như những cái búng vào óc Kỷ, khiến anh thấy hư hao, chao đảo. Kỳ lạ, Kỷ chẳng nghe rõ lời hát, nhưng cứ bị cái “ư… ư… ư…” choáng chiếm, xô dụi, giũ phất, dẫn độ. Trong tích tắc, Kỷ quyết định sẽ gặp riêng bà Huệ để xin học ca trù. Sau đêm hát, Kỷ mời mẹ con bà Huệ đi nhà hàng ăn tối và thưa chuyện. Ban đầu, bà Huệ nhẹ nhàng chối từ, bà bảo chỉ hát kiếm chút tiền nuôi con chứ không dám chỉ dạy ai. Bà khuyên Kỷ nên gặp người này người nọ. Kỷ giải thích thêm rằng, anh chỉ học vài chiêu hát chơi vui thôi chứ không cần quá bài bản, với lại anh thấy như có duyên với mẹ con bà. Bà Huệ vẫn không nhận lời, nhưng bà mời anh về làng chơi. Lúc đó Kỷ mới biết là mẹ con bà Huệ không ở Hà Nội mà ở làng, quê ngoại.

Năm Xuân Nương năm tuổi, bố theo cô nhân tình, bỏ làng đi. Hai mẹ con về nhà ngoại ở. Năm Xuân Hương mười tuổi thì ông bà ngoại đều qua đời. Từ đó hai mẹ con ở luôn trong ngôi nhà của ngoại.

Việc Kỷ bỗng dưng thích thú theo học vài câu ca trù, mấy chiêu đàn đáy, thể thức cầm chầu, thực ra là một việc lạ lùng mà chính Kỷ cũng không hiểu nỗi. Kỷ cũng giấu nhẹm bạn bè chuyện này. Không phải vì Kỷ xấu hổ mà anh thấy nó riêng tư đến mức không thể chia sẻ được với ai.

Có cả bà Huệ và Xuân Nương ở nhà. Hai mẹ con đang ngồi trước cửa như chờ đón Kỷ. Thì ra Xuân Nương đã thay một cái sim khuyến mại khiến Kỷ gọi mãi không được. Thấy Kỷ tới, hai mẹ con cùng ngồi bật dậy cười vui vẻ. Chỉ nửa năm không gặp mà Kỷ thấy Xuân Nương trổ giò cao nhồng, mái tóc dài cột gọn trông thanh thoát, hai hàng chân mày đậm kéo dài làm cho gương mặt thêm đẹp. Trong khi đi vào sân, Kỷ liếc nhìn lu nước thấy tràn đầy.

Xuân Nương nhìn Kỷ tủm tỉm.

“Đúng ý chú rồi phải không?”

Bà Huệ cũng nhìn lu nước, rồi nhìn Kỷ cười.

“Nó vừa xách nước đổ đầy lu đấy. Nó nhắc mới nhớ, chú Kỷ rất thích nhìn mặt nước tràn đầy, nhỉ!”

Kỷ gãi đầu, vẻ bối rối.

“Cảm ơn cháu. Mà, cháu nhớ dai ghê!”

“Cháu cũng thích thế cơ mà. Mặt nước tràn đầy, rắc trên đó vài cánh hoa đỏ nữa thì tuyệt đẹp”- Xuân Nương nói.

Kỷ thường nghĩ đến những cánh hoa hồng đỏ mỗi khi nghĩ đến Xuân Nương. Môi cô bé lúc nào cũng đỏ tươi như cánh hoa hồng. Đóa hồng tuổi mười sáu.

Cả ba bước vào nhà. Trên bàn đã chuẩn bị sẵn mâm cơm. Bà Huệ lấy chiếc ba lô của Kỷ đặt vào một góc, nói: “Cũng đã trưa rồi, chú đi rửa ráy cho mát mẻ rồi dùng cơm”. Kỷ khẽ gật đầu. Anh đã quá quen thuộc với căn nhà này. Mỗi lần trở lại, luôn có cảm giác trở về nhà một người ruột thịt. Kỷ mỉm cười khi thấy thau nước rửa mặt phía sau nhà cũng được đổ tràn đầy. Kỷ thích những mặt nước tràn đầy. Mặt nước đầy là nước sống, còn mặt nước hao hụt là nước chết. Trong nhà anh, những chậu nước luôn tràn đầy, bồn tắm luôn tràn đầy. Có khi ở nhà, anh mở cho nước tràn liên tục ra sàn nhà tắm. Có tháng, nhân viên nhà máy nước đến thu tiền hỏi: “Nhà ông bị bể ống nước hả?” Kỷ chỉ cười. Nếu nói ra, chắc chắn tay nhân viên kia sẽ bảo Kỷ khùng, hoặc chí ít là hắn sẽ chửi thầm đồ khùng trong bụng. Thực ra thì Kỷ cũng chưa bao giờ nói với ai về sở thích kỳ quặc này, nhưng nó không qua được đôi mắt tinh quái và tấm lòng chu đáo của cô bé Xuân Nương. Sau nhiều đợt Kỷ về đây để học hát ca trù, Xuân Nương đã phát hiện ra sở thích có vẻ kỳ khôi của Kỷ. Nước sống.

Bữa cơm có một chai rượu trắng dành riêng Kỷ. Kỷ thích nhấm rượu, nhưng không uống được nhiều. Thịt heo luộc rất tươi. Cơm trắng dẻo bốc khói. Canh cua rau đay ngọt thơm. Kỷ ăn uống thoải mái. Nhưng khi nhìn xuống cái bụng to dềnh của mình, anh cảm thấy hơi cụt hứng. Kỷ nhấm thêm chút rượu.

“Tối nay chú đàn cho cháu hát nhé!”- Xuân Nương nói. Kỷ gật đầu.

“Ừ. Chú cũng rất mong nghe cháu hát. Chú rất tiếc là không thu xếp ra được vào ngày cháu dự Lễ mở xiêm áo.”[1]

“Dạ. Hôm đó cháu được khen và thưởng nhiều lắm. Tối nay chú nghe hay thì phải thưởng cho cháu đấy nhé”- Xuân Nương lém lỉnh.

“Chuyện nhỏ” – Kỷ vui vẻ.

Bà Huệ có vẻ buồn buồn.

“Hát với chú tối nay. Chiều mai, cháu nó vào Sài Gòn rồi.”

[1] Các đào nương sau một thời gian học hỏi, sẽ trải qua một buổi ra mắt, gọi là Lễ mở xiêm áo. Buổi lễ này do chính gia đình đào nương tổ chức, tương tự như một buổi tiệc, có sự tham dự, thẩm định của các bậc lão làng trong làng ca trù. Đây cũng có thể xem là kỳ thi để đào nương chính thức được “mặc áo nhà nghề” hay “cấp bằng hành nghề” ca trù.

ĐỌC THỬ

Kỷ rời làng về lại Hà Nội.

Đêm qua, Kỷ đã cầm chầu cho Xuân Nương hát. Chỉ là chát tom. Hát mộc. Không đàn. Bà Huệ, ngồi cạnh, không tham gia vào bất cứ thứ gì, kể cả một khoảnh khắc ngẫu hứng “ư… ư… ư…” thầm trong miệng. Kỷ không có tật vặn hỏi nỗi lòng của người khác. Nhưng anh cảm nhận sự bất an và mệt mỏi nơi bà Huệ, dù rằng theo lời bà nói thì chuyến đi vào Sài Gòn lần này chỉ là để hát phục vụ một sếp lớn nào đó. Bà không muốn đi, nhưng đích thân một ông chính quyền xuống tận câu lạc bộ “chỉ thị” cho mẹ con bà đi. Ông chủ nhiệm câu lạc bộ bảo hãy đi để mang tiếng thơm về. Xuân Nương rất háo hức muốn đi, vì cô bé thích Sài Gòn, chưa một lần đặt chân tới đất Sài Gòn.

Nhưng bà Huệ không muốn đi, từ nhỏ bà đã không muốn đi đâu ra khỏi làng, đầu óc bà luôn quay quay như cái chong chóng trong gió trước mỗi chuyến đi, chỉ là từ làng lên Hà Nội mà bà cũng không muốn đi, lần nào đi tim cũng đập loạn.

Xuân Nương đi Sài Gòn, nghĩa là phải xin nghỉ học mấy ngày. Năm nay cô bé đang học lớp mười một, thành tích không có gì nổi bật ngoài gương mặt thanh tú và giọng hát hay. Xuân Nương thích hát hơn là học. Cô bé thuộc lời bài hát dễ dàng hơn bất kỳ bài học thú vị nào.

“Cũng liều nhắm mắt đưa chân”- đó là lời một câu hát mà đêm qua, có lẽ bà Huệ đã nghĩ tới. Xuân Nương thì hát liên tục những bài Cái tình là cái cái chi chi, Thúy Kiều, Mối tơ tình, Gặp xuân, Gió mát trăng thanh, Hỏi gió, Mẹ Mốc, Duyên nợ phù sinh…

Xuân Nương còn trẻ mà lãnh hội lối hát nói gần như điêu luyện, cách vào Mưỡu[1] rất ngọt.

Kỷ cố tình uống rượu cho say để hát bài Chơi cho thỏa thích.

Từ một đến mười lăm còn trẻ nít

Bốn mươi nhăm cút kít đã về già

Tính trong vòng gắn bó với trăng hoa

Phỏng độ ba mươi nhăm năm là sắp kiệt.

Thế mà còn:

Đi học, đi hiệc, đi thi đi thiếc, khi đỗ khi điệc, khi làm quan làm kiếc

Cuộc đời vấn vít mấy khi ngơi!

Trời đã sinh ra kiếp làm người

Chẳng chơi nữa người cười là chú vích

Được ngày nào ta chơi cho thích

Cho phong lưu thanh lịch mới là trai.

Thấy ai ai ta cũng ai ai

Có cái ấy, ai ai ta cũng ấy

Xin chớ quở chữ dâm là chữ bậy,

Nếu không dâm sao có nẩy ra hiền?

Nhủ em, em cứ giữ gìn![2]

Lời thơ nghe khinh khoái. Nhưng Kỷ thấy mình hát chẳng ra gì. Hát ra đây thì được ích gì, ngoài việc điểm lại số tuổi đời mình. Bốn mươi nhăm cút kít đã về già. Và, có một sự trùng hợp hơi kỳ lạ, tác giả bài thơ này cũng tên Kỷ. Nhưng Kỷ ấy là người như thế nào thì Kỷ này không biết. Chỉ là một cái tên, không một dòng ghi chú tiểu sử trong sách. Công cụ tìm kiếm hữu hiệu nhất thế giới là Google cũng chỉ là một cái tên với bài thơ đính kèm. Kỷ mơ hồ đoán đây là một tay chơi. Một tay chơi thắm tình.

Nhủ em, em cứ giữ gìn.

Kỷ thấy một nỗi trống vắng, tàn rụi.

Xuân Nương kết buổi hát bằng bài Hồng hồng tuyết tuyết.

Kỷ muốn vào Sài Gòn cùng với mẹ con bà Huệ, nhưng anh còn vài việc ngoài này. Kỷ kêu taxi chở anh về một khách sạn ở phố Cầu Gỗ. Một chỗ quen thuộc. Từ chỗ này, Kỷ có thể đi bộ ra Hồ Gươm, hay cà phê phố Hàng Hành. Nhưng thú thật là nhiều năm gần đây, Kỷ hầu như chẳng lang thang đâu, cứ từ Hà Nội về làng, rồi từ làng về là chui tọt, nằm lỳ ở khách sạn. Những cuộc hẹn cũng mặc định ở những địa chỉ quen thuộc, những nơi cũ kỹ tới mức, Kỷ nghĩ đến kiếp sau nó vẫn y vậy. Kỷ không thích cái cảm giác dây dưa nhàm cũ, nhưng cũng rất sợ khám phá cái mới ở đây. Mỗi cái mới thường đi kèm với sự khó chịu, thất vọng, đó là kinh nghiệm của Kỷ mỗi khi ra Hà Nội.

Bây giờ thì Kỷ nằm một mình trong phòng. Căn lầu ba, có cửa sổ mở ra phố, như một sự ưu tiên của nhân viên khách sạn dành cho khách quen. Khách miền Nam thường thích ngắm phố cổ Hà Nội. Nhưng căn phòng này, cánh cửa gỗ bị vênh, không thể khép kín vào những lúc khách cần sự yên tĩnh. Kỷ nằm nghe những thanh âm từ dưới phố vọng lên, chốc chốc tiếng xe gắn máy rú ga nẹt pô xẹt qua gầm lên, khiến giật mình. Kỷ muốn nằm ngủ cả ngày, thậm chí ngủ liên miên từ ngày này sang ngày khác, anh không có nhu cầu gì, ngoài thời gian trôi qua. Chỉ có một cái hẹn, nhưng không mấy quan trọng, khi nào phía kia rảnh, họ sẽ gọi cho Kỷ, còn không thì anh cứ vô Sài Gòn. Gặp ở đây hay không gặp thì cũng không ảnh hưởng gì, vì công việc cơ bản đã được giải quyết từ trước, qua thư điện tử. Những tập tin vẫn còn lưu giữ trong máy tính, những đoạn quan trọng đã được gạch chân làm đậm hoặc phóng to bôi màu.

Kỷ nhắm mắt cố ngủ.

Kỷ thức dậy khoảng ba giờ chiều. Sau khi rửa mặt Kỷ kiểm tra điện thoại. Anh thấy ba cuộc gọi nhỡ. Hai cuộc Sài Gòn, một cuộc Hà Nội. Cuộc ở Hà Nội gọi từ số điện thoại bàn. Kỷ không biết là từ đâu. Anh không có thói quen kiểm tra số điện thoại bàn và cũng không muốn gọi lại vì sẽ không biết hỏi thế nào. Có lần anh thấy có đến năm cuộc gọi nhỡ liên tục, nên gọi lại, hỏi có ai vừa gọi cho tôi không. Bên kia một giọng nữ nhát gừng cảu nhảu, ông là ai, sao lại gọi đến nhà tui rồi hỏi có ai gọi cho ông không. Kỷ bình tĩnh, dạ, tại vì tôi thấy số máy này gọi vào di động của tôi rất nhiều lần, nên tôi gọi lại. Làm gì có, tui có biết ông là ai đâu mà gọi, mà có biết tui cũng không dám gọi, vì thằng chồng tui nó ghen tuông bịnh hoạn lắm ông biết không. Thằng chồng tui đó, ông có biết không? Sau đó là tiếng dập điện thoại dện một cái rầm tống một bầm vào màng nhĩ Kỷ. Lần đó, Kỷ tưởng đâu mình đã bị điếc.

Cuộc gọi nhỡ từ số điện thoại bàn ở Hà Nội, có thể là của bên khách hàng. Nhưng Kỷ không gọi lại. Anh mở nước chuẩn bị tắm. Nước chảy rất yếu ớt. Kỷ ngồi luôn trong buồng tắm, chờ đợi. Giờ này, mẹ con bà Huệ đang trên máy bay. Chiều tối nay họ sẽ có mặt ở Sài Gòn. Kỷ đã đưa chìa khóa căn hộ chung cư của mình ở Phú Nhuận cho bà Huệ, nhưng bà ấy nói phía câu lạc bộ đã lo khách sạn, với lại bà cũng cần đi với họ cho yên tâm. Kỷ dặn Xuân Nương khi nào vào đến nơi thì nhắn tin cho chú, có cần gì thì cứ gọi cho chú, chú có thể “chỉ đạo” từ xa được. Kỷ nói chữ “chỉ đạo” với giọng nhấn nhá cố ý. Xuân Nương cười bảo vâng, chú lo mà vào sớm để còn đưa cháu đi chơi, nhé. Kỷ cũng muốn vào Sài Gòn ngay. Ngày mai anh sẽ bay.

Kỷ tắm xong, thay quần áo chuẩn bị xuống phố. Anh tính đi dạo một vòng, sẵn tiện ghé vô một hàng quán ăn món gì đó. Trong khi đi xuống cầu thang, Kỷ kiểm tra điện thoại thấy có một tin nhắn. Trà, người của công ty đối tác mời Kỷ đi ăn tối, địa chỉ và giờ giấc tùy anh quyết định. Kỷ nhắn lại: “Ok, anh sẽ gọi cho em sau”, xong anh đút điện thoại vào túi quần, rời khách sạn.

Kỷ thả bộ quanh bờ hồ.

Sau đợt vây bắt để chữa bệnh cho cụ rùa vừa rồi vẫn còn thấy một cái lều bạt xanh với mấy cái phao lều bều chỗ tháp rùa. Bởi giai thoại, huyễn tượng từng được dệt nên ở đây, nên việc cứu chữa cho một con rùa cũng nhuốm màu bi tráng, trọng đại. Nếu Kỷ nhớ không nhầm thì mọi người gọi đây là một cuộc giải cứu, với rất đông lực lượng và đội ngũ những chuyên gia hàng đầu. Cùng với sự tham gia của tất cả giới truyền thông, thậm chí có cả hãng thông tấn AP – Mỹ cũng vào cuộc. Cuối cùng, như thường lệ, sau những diễn biến xung quanh một vụ lùm xùm, rồi thì đám đông chia thành hai phe choảng nhau chí mạng trên mạng. Ở vụ này thì xung đột nổ ra khi có một kẻ cũng tương đối có danh, trót nhỡ mồm gọi “cụ” rùa bằng “con” rùa. “Cụ” hay “con”? Phe “cụ” có vẻ đông đúc hơn phe “con”. Nhưng phe “con” lại có vẻ điêu ngoa hơn phe “cụ”. Cuối cùng, như thường lệ, Kỷ cảm thấy mình lùng bùng khi dõi theo mấy vụ tranh luận như thế này. Kỷ giải quyết tình trạng này bằng cách ngắt internet hoàn toàn trong một tuần, và khi trở lại thế giới mạng, anh phớt lờ câu chuyện rùa riếc con cụ kia đi. Thi thoảng, từ đâu bỗng lạc tới một chữ rùa hay một hình rùa, lập tức Kỷ thoát ra ngay. Như một kẻ yếu bóng vía, chạy trốn một bóng ma.

Còn bây giờ thì Kỷ đi bộ quanh bờ hồ, thả tâm trí trọn vẹn về chuyện rùa, nhưng chẳng thấy một cái mai nào nổi trên mặt nước. Kỷ đang thơ thẩn thì điện thoại đổ chuông. Người gọi đến là Trà, nhân viên của công ty đối tác. “Dạ, em Trà đây anh ạ! Xin lỗi anh, lúc nãy em đang họp nên nhắn tin trước cho anh. Giờ thì em rỗi rồi ạ! Anh đã chọn được chỗ nào chưa? Mấy giờ ạ? Thế hả anh. Vâng. Thế thì em mời anh đến nhà hàng Huệ Tây ở phố Lý Thường Kiệt nhé? Vâng. Đến đó luôn anh nhé!”

Kỷ vẫy một chiếc taxi. Nhà hàng Huệ Tây trên phố Lý Thường Kiệt khá yên tĩnh, bài trí đơn sơ, thoáng đãng. Trong mỗi góc phòng có bày một bình hoa huệ tây rất đẹp. Kỷ lên lầu, chọn một bàn ngoài trời. Trà cũng vừa đến, cô đi một mình, vừa đi vừa gọi điện thoại, khi đến chỗ bàn Kỷ, cô vẫn cầm điện thoại. Kỷ tưởng là cô đang gọi cho mình để hỏi ngồi đâu, anh hơi nhổm lên đưa tay vẫy. Nhưng hóa ra Trà đang nghe điện thoại chứ không phải gọi. Hai người nhìn nhau cười. Kỷ khoát tay mời Trà ngồi. Trà gật đầu, mỉm cười, vâng vâng vâng, thế a thế a, rồi cười hi hi hi trong điện thoại. Khoảng hai phút sau thì cuộc điện thoại kết thúc. Trà chính thức kéo ghế ngồi.

“Em xin lỗi, chuyện buồn cười quá anh ạ. Sáng sớm nay em vào phây, thấy con bạn em viết nào gì là tớ không muốn xa rời cậu, nhưng vì cậu cứ làm tớ đau buốt, nóng sốt, mất ăn mất ngủ… tớ đã cố chịu đựng, cố dỗ dành, cố làm mát cậu, nhưng cậu ác lắm, cậu vẫn làm tớ đau… vậy thì thôi nhé, từ hôm nay tớ quyết định nhổ bỏ cậu ra khỏi cuộc đời của tớ… vĩnh biệt cậu… giờ thì tớ đi đây…”

Kỷ mỉm cười, có ý lắng nghe câu chuyện. Trà nói tiếp.

“Đọc status của nó em hoảng quá, em cứ nghĩ nó thất tình, chuẩn bị đi trầm mình ở sông Hồng anh ạ. Vả là có lần hai đứa đi chơi sông Hồng, nó nói sau này nếu có chuyện gì tuyệt vọng nó sẽ ra đây ngồi nhìn hoa cải rồi trầm mình xuống dòng nước. Nhớ chuyện cũ, em hoảng quá. Em gọi ngay cho nó, nhưng, bố khỉ, nó không nhấc máy anh ạ. Em vào còm nó cũng không trả lời. Nhưng mà, anh có biết nó bị gì không? Em đố anh đấy!”

“Nếu chính anh đọc văn bản nội dung đó, anh có thể đoán được, còn nghe kể lại thì anh chịu. Cũng có thể là cô ấy đang thất tình.” – Kỷ nói.

“Đấy. Chính anh cũng nghĩ là nó thất tình phải không ạ. Nhưng chẳng phải thế. Nó bị đau răng, phải đi nhổ răng. Anh thấy có chết cười không?”- Trà vừa nói vừa bật cười. Kỷ cũng cười, rồi nói.

“Vui thật. Cái này gọi là chém gió trên facebook phải không?”

“Vâng. Chém rất ác. Ác vô biên.”- Trà vừa nói vừa nhăn mũi cười. Kỷ thấy những sợi lông mũi nâu nâu. Trông cô đầy sức sống. Kỷ thoáng thấy như thiếu không khí, anh làm một cử chỉ như quạt một làn gió trước mặt.

“Thôi, em gọi món đi.”

“Vâng. Để em đi chợ giúp anh nhé.”

Trà lật lật cuốn thực đơn. Kỷ thoáng nhìn Trà. Một cô gái da nâu, gương mặt sáng, bộ ngực nở nang, dáng khỏe khoắn. Một kiểu nhân viên chuyên tiếp khách mà Kỷ từng gặp. Trà sẽ nói chuyện rất vui vẻ, sẽ uống rượu rất nhiệt tình, sẽ sẵn sàng đi mua quà nếu khách nhờ, và sẽ còn nhiều điều thú vị bất ngờ nữa, tùy vào khách là ai.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button