Văn học trong nước

Chú Đất Nung

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Nguyễn Kiên

Download sách Chú Đất Nung ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Cuốn sách tập hợp 12 truyện đồng thoại của nhà văn Nguyễn Kiên kèm nét vẽ minh họa sinh động và hóm hỉnh của họa sĩ Lê Minh Hải. Những câu chuyện Nguyễn Kiên viết cho trẻ em vốn đã rất nổi tiếng từ vài chục năm trước như: Chú đất nung, được làm mới lại với hình thức truyện kèm tranh minh họa màu chắc chắn sẽ mang lại niềm thích thú cho các bạn đọc nhỏ tuổi.

Đằng sau những câu chuyện về đồ vật, loài vật của Nguyễn Kiên luôn có bóng dáng chuyện của chính các em nhỏ chúng ta, nhắc các em biết yêu thương mọi người, biết đoàn kết, vị tha… Đúng như nhà văn Nguyễn Kiên tâm sự:”Thế giới của loài vật và đồ vật vốn rất quen thuộc với trẻ em và cả những ai ưa thích tưởng tượng. Mong sao mỗi câu chuyện của tôi kể trong tập sách này khêu gợi được một chút gì vẫn còn nằm yên trong lòng bạn đọc, rồi bạn đọc sẽ tưởng tượng ra những câu chuyện khác, cho riêng mình.”

Nhân đọc “Chú Đất Nung”

Tôi nhớ truyện Chú Đất Nung được in lần đầu tiên vào khoảng năm 1958 hoặc 1959, trên tuần báo Thống Nhất, trong mục nhỏ dành cho thiếu nhi, đặt ở góc cuối trang cuối cùng của tờ báo. Một lần gặp tác giả, tôi hỏi anh: “Vì sao anh viết Chú Đất Nung?” Anh lắc đầu, trả lời tôi: “Thật khó nói cho rõ ràng vì sao tôi lại nghĩ ra câu chuyện như thế. Chỉ có điều chắc chắn là tôi đã bắt đầu từ một kỷ niệm thời thơ ấu của tôi, từ cái trò chơi trẻ con nặn đất thành… một chú bé đất!” Tôi tin lời anh. Nhưng chú bé đất của anh không phải được nặn ra chỉ để chơi trong chốc lát, chú ta đã bước đi trên con đường dài, qua nắng mưa, sương gió và qua lửa để trở thành Chú Đất Nung. Chuyện đó rất có thể là kỷ niệm sâu xa hơn của một thời niên thiếu của chính tác giả chăng?

Nguyễn Kiên sinh ra và lớn lên ở một làng quê. Ngay năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lúc này anh mới mười hai tuổi, anh đã gia nhập đội Tuyên truyền xung phong, đi công tác lưu động suốt trong nhiều năm, từ các tỉnh đồng bằng sông Hồng lên những vùng rừng núi xa xôi thuộc, chiến khu Việt Bắc. Sau nay, anh còn trải qua nhiều công tác khác trước khi trở thành nhà văn, và cho đến nay cùng với hoạt động văn học, anh vẫn hăng hái tham gia các công tác xã hội. Anh hiện là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Nguyễn Kiên viết nhiều và cho in khá đều đặn. Những tập truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết của anh, phần lớn tập trung vào một đề tài quen thuộc là cuộc sống nông thôn chiến đấu và xây dựng. Anh từng gắn bó và yêu cuộc sống này nên đã ghi lại được trên trang sách những cảnh sống hằng ngày, bình thường mà ý nghĩa của một vùng quê vừa xưa cũ vừa luôn luôn mới mẻ đối với chúng ta. Nguyễn Kiên cũng viết nhiều cho thiếu nhi. Anh trò chuyện với các bạn đọc nhỏ tuổi, bằng một giọng tâm tình ấm áp, câu chuyện cảm động về một em bé gái nghèo đã nuôi giấu chú cán bộ dưới hầm bí mật đào ngay trong nhà mình, bất chấp sự rình mò của kẻ địch ra sao (Con gái người bán chim). Hoặc là anh thay lời một đội viên thiếu niên du kích kể lại một chặng đường chiến đầu em đã trải qua, với biết bao căm giận và yêu thương như thế nào (Năm tôi mười ba tuổi).

Tôi biết Nguyễn Kiên từ lâu, có nhiều dịp cùng anh trao đổi công tác và kinh nghiệm nghề nghiệp; tôi có cảm tưởng anh đã gửi gắm không ít suy nghĩ và tình cảm của anh vào những truyện đồng thoại góp thành tập Chú Đất Nung này. Những truyện đồng thoại này được Nhà xuất bản Kim Đồng in lại lần thứ hai và hầu hết đã được dựng thành phim hoạt hình. Những đồng thoại thật ngắn, chẳng có vẻ gì là thực cả, chúng chỉ xảy ra trong trò chơi tưởng tượng của tuổi thơ mà các bạn đọc nhỏ tuổi chắc cũng có lần tưởng tượng ra như thế: nặn một chú bé đất rồi kết bạn với chú ta; thám hiểm vào xứ sử của con ong, cái kiến; theo những bước đường phiêu lưu tai hại của chú ếch con, chú này vì rơi xuống giếng nên nhất định cho rằng trời chỉ bằng cái vung (đúng như câu tục ngữ cha ông ta đã nói) và chú ta đã phải trả giá cho sự ngu dại của mình như thế nào. Những con vật trong truyện vừa sống như trong tự nhiên chúng vẫn sống, ví như trứng bướm nở ra sâu, con gián thường nhấm góc tờ tranh dán hồ, cua sợ ếch, v.v… lại vừa sống cuộc sống giống như của con người. Tôi hy vọng là các em nhỏ có thể tìm thấy ở đây hình ảnh cuộc sống thực, hình ảnh của chính các em, với những điều tốt cũng như chưa tốt và tìm thấy một lời khuyên của tác giả, rằng các em cần phải sống, học tập và rèn luyện như thế nào để ngày càng tiến bộ. Nhưng hơn cả lời khuyên (và điều tôi nói sau đây có thể khiến chúng ta tha thứ, nếu như ngòi bút của tác giả còn chỗ nào vụng về) ấy là tấm lòng tác giả yêu mến bạn đọc nhỏ của mình, hy vọng và tin tưởng các em sẽ tiếp nối và vượt lên hơn cả lớp cha anh. Nào, các em hãy sang trang, làm quen với những nhân vật mà Nguyễn Kiên mong chúng được kết bạn cùng các em.

ĐỌC THỬ

Buổi sáng trước sân nhà

Buổi sáng. Một căn nhà xinh xắn. Trên tường, dán bức tranh một chú bé, nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ con. Một em bé gái ngủ trên giường. Một em bé trai đang chuẩn bị sách bút đi học, khẩu súng cao su thò ra ngoài túi quần.

Ngoài đường, các chú bộ đội hành quân. Em bé trai chạy ra cửa nhìn. Các chú bộ đội đã đi xa, chỉ còn lại dấu chân hằn trên đường.

Em bé trai lần theo dấu chân các chú bộ đội. Em đang tưởng tượng mình cũng đội mũ gắn sao, vai đeo súng, rập rờn vòng lá ngụy trang, hệt như các chú bộ đội… Bỗng đâu đó, có tiếng con chim gì vỗ cánh và tiếng gà con kêu. Em bé dừng lại: một con diều hâu từ trong lùm cây bay lên, dưới chân nó cắp một chú gà con.

Em bé đuổi theo, băng qua những quãng đường lầy, những bụi gai rậm… Con diều hâu lượn vòng lên cao, sà xuống thấp, rồi lại vòng lên cao. Tiếng gà con vọng xuống… Em bé nấp vào một chỗ kín, khẩu súng cao su trong tay, môi mím chặt, vẻ chờ đợi căng thẳng. Rồi em bắn… Con diều hâu trúng đạn kêu một tiếng lớn. Chú gà con rơi xuống.

Chú gà con rơi xuống ao cạnh nhà. Đàn gà chạy ra. Gà sống “cục tác”, gà mái “cục tác”, gà con nhớn nhác.

Em bé gái đang ngủ trên giường, nghe tiếng gà, thức dậy. Em chạy ra cửa, nhìn. Không thấy bé Anh đâu, chỉ thấy những dấu chân nhỏ nhắn của bé Anh hằn trên mặt sân đất nện trước nhà. Bé gái Em lần theo dấu chân của bé Anh ra tới bờ ao thì gặp đàn gà nhớn nhác và trông thấy chú gà sắp chìm dưới mặt nước ao.

Phải can đảm lắm em bé gái mới lần ra được đầu cầu ao ghép bằng mấy đoạn tre mỏng mảnh. Nhưng em không với tới chỗ chú gà con bị nạn.

Em bé gái trở lên bờ tìm một cây sào dựng ở rặng rào. Bằng cây sào đó, em cố với ra xa, kều chú gà con lại gần bờ.

Đàn gà đứng xúm cả trên bờ, hồi hộp theo dõi. Em bé gái cứu được chú gà con bị nạn, liền bị đàn gà quây tròn lấy ngay trên vạt cỏ bờ ao. Em bé gái ngồi ấp chú gà con bị nạn trong lòng hai bàn tay, hà hơi cho chú ấm lại. Đàn gà xúm quanh. Chú gà con bị nạn khẽ run rẩy đôi cánh, vươn cổ ra, mắt hé mở. Các chú gà con khác vui tíu tít, gà mái “cục tác”, gà sống nhảy lên cọc rào gáy một hơi dài.

Em bé trong tranh nghe tiếng gà gáy, liền cử động và nhảy xuống nền nhà, như một chú bé thực. Ô, mới sáng tinh mơ, sao cửa nhà vắng vẻ? Bố mẹ chắc đã đi làm. Nhưng còn bé Anh và bé Em, chưa đến giờ đi học, hai bé đi đâu? Bé Anh và bé Em vốn là tác giả bức tranh dán trên tường. Bé Em vẽ, bé Anh tô màu, thành ra bé trong tranh vừa có khuôn mặt ngộ nghĩnh vừa có bộ áo quần màu sắc thật tươi. Bé trong tranh muốn tìm bé Anh và bé Em, rụt rè đi ra cửa. Nhưng phía sau lưng bé, trên tường, một đàn gián từ trong các kệ vách đã bò ra. Chúng thấy bức tranh bỏ trống, liền xúm vào nhấm hồ ở các góc giấy. Nghe tiếng sột soạt, bé trong tranh quay lại. Bé nhảy vội vào tranh. Đàn gián sợ, biến mất. Bé nhảy ra khỏi tranh. Đàn gián lại xuất hiện. Mắt bé chớp chớp, rồi mở tròn xoe, nhìn lũ gián. A lũ gián khốn kiếp, tao sẽ không tha chúng mày! Bé bóc đường kẻ mực đóng khung bức tranh, tuốt thành một cây gậy dài. Bé đánh lũ gián. Những con gián bị vụt trúng, văng ra tận ngoài sân.

Trước sân, gà mái mổ gián, nhường cho đàn gà con. Gà con nhường cho chú gà bị nạn… Chú gà con bị nạn được bữa no, đã khỏe hẳn, vỗ cánh chạy vào giữa đàn.

Bây giờ, bé Anh và bé Em dắt tay nhau vào nhà. Bé Anh giơ xác con diều hâu lên, nói: “Anh đem biếu thầy giáo, để thầy giáo nhồi rơm, làm đồ dùng dạy học!” Bé Em cũng nói: “Còn em, em sẽ kể lại với cô giáo, đàn gà biết thương nhau thế nào… Ô kìa anh xem, lạ lùng chưa, con gà con bị diều hâu quắp, lại bị rơi xuống ao, sao nó chóng khỏe thế nhỉ? Nó đã lẫn giữa đàn gà…” Chỉ có bé trong tranh là không nói. Bởi vì, bé đứng ở trong tranh, bé nói làm sao!

Đọc truyện này, các em đừng quên nhé: khi các em vẽ một chú bé, chú bé ấy sẽ nhìn và biết bắt chước các em…

Con bướm, con ong và con kiến

Ở nhà kia có một chú bé lười. Mặt trời đã nhòm qua cửa sổ, chú bé vẫn ngủ say. Gà trống đậu trên nóc đống rơm, vỗ cánh gáy:

– Ò ó o…

Chú bé nặng nhọc cựa mình.

Gà trống nhảy xuống, đậu trên hàng rào, vỗ cánh gáy:

– Ò ó o… dậy mau!

Chú bé giụi mắt, hai con mắt lờ đờ ngái ngủ.

Gà trống đậu trên thành cửa sổ, thò hẳn cổ vào trong nhà, vỗ cánh gáy:

– Ò ó o… dậy mau, dậy tưới rau!

Chú bé miễn cưỡng ngồi dậy.

Ngoài sân, nắng chan hòa. Trời xanh. Vườn rau xanh. Chú bé đi qua vườn rau, tay xách thùng tưới. Chú xuống cầu ao vục thùng nước đầy. Nhưng vừa lên khỏi bậc cầu ao, chú đã uể oải đặt thùng nước xuống. Đàn ong bay qua. Ong quay vù vù quanh chú bé và hát:

Đời con ong

say mê

tìm hoa thơm làm mật ngon.

Chú bé nhăn mặt, xua đàn ong.

Đàn bướm bay qua. Bướm diện bảnh, cánh vỗ lửng lơ, giọng hát cũng lửng lơ:

Đời con bướm

rong chơi

Đi theo bướm, chú mình ơi!

Chú bé lười, mê thích tiếng hát của bướm hơn của đàn ong.

Chú bé: Làm cách nào đi theo bướm được?

Bướm: Dễ lắm. Nhắm mắt lại, chạy quanh thùng nước ba vòng. Nào…

Chú bé làm theo lời bướm. Bướm lượn trên đầu chú bé, đếm: “Một, hai, ba… mở mắt ra!” Chú bé mở mắt, thấy mình đã biến thành một chú bé tí hon từ bao giờ.

Bướm cõng chú bé tí hon đi xa, rõ xa… rong chơi thỏa thích. Đến một bụi cây ven đồi, bướm đỗ xuống…

Bướm: Đây là giang sơn của loài bướm. Bướm đẻ ra sâu. Sâu lại nở thành bướm, sắp có lứa bướm non, chú mình tha hồ nhiều bạn, tha hồ vui chơi!

Eo ôi, bao nhiêu là sâu! Sâu bò nhung nhúc trên lá non, sâu bủa vây chú bé, ngóc đầu nhìn chú, vẻ lạ lùng.

Chú bé: Tôi không chơi với sâu!

Sâu: Đời sâu thú lắm chứ, sẵn lá non, sâu chỉ việc ăn, sâu không phải làm!

Chú bé chạy quanh đám lá, không đâu thoát khỏi lũ sâu.

Chợt một chú chim sâu bay đến. Chim sâu xinh xinh, lông vàng óng, đôi mắt chỉ nhỏ như hai hạt cải mà rất tinh. Chim sâu chuyền trên cành cây, cái đầu nghiêng nghiêng, cái đuôi vẫy ngoắt; chim kêu “chách chách, chách chách…” – theo tiếng nói của loài chim, có nghĩa là “lũ sâu phải chết! phải chết!”.

Lũ sâu chạy rối loạn. Chim sâu thoăn thoắt mổ từng con, từng con… Chú bé nấp sau kẽ lá, cũng không che được mắt chim. Chim mổ “bốp!” – nguy rồi, chú bé vo tròn thành một cục, rơi tuốt xuống gốc cây.

May sao, dưới gốc cây có thảm lá khô. Chú bé khốn khổ của chúng ta nằm chết ngất trên thảm lá. Đàn kiến đi tha mồi trong thảm lá trông thấy chú.

Kiến: Con sâu gì to quá, ta khiêng về tổ đi! Nào, dô ta…

Chú bé nghe tiếng hò, hồi tỉnh, hé mắt nhìn, nhưng chú sợ quá, không dám nhúc nhích. Kiến xúm lại, tha chú đi. Kiến cắn chú đau quá. Không chịu nổi, chú liền vùng dậy.

Chú bé: Tôi không phải sâu. Tôi là một chú bé.

Kiến: Sâu lười, sâu ăn hại. Còn các chú bé biết giúp cha mẹ. Này chú bé, chú biết làm gì?

Chú bé thực ra chưa biết làm gì nhưng chú sợ mình biến thành sâu bị kiến cắn, kiến tha đi, liền nói: “Tôi… tôi biết làm như kiến!”

Kiến: Thế thì tuyệt. Kiến bận rộn. suốt ngày kiến lam làm, đời kiến vui… Nào, hãy cùng làm với kiến xem chú thực là chú bé hay là con sâu.

Đàn kiến tản ra, tiếp tục công việc của chúng: khuân đất, nhặt lá khô, tha mồi… Kiến bé tí tẹo nhưng rất khỏe và hăng say. Kiến khuân vác, kiến lôi, kiến đẩy, kiến nhấc bổng lên được những vật nặng khổng lồ. Kiến chạy tíu tít, gặp nhau, đụng đầu chào, rồi lại vội vàng tíu tít. Kiến đụng đầu chào chú bé. Chú bé cùng kiến làm mọi việc: khuân đất, nhặt lá khô, xén cỏ dại… Lúc đầu chưa quen, đầu choáng mắt hoa, chân tay mỏi rã rời. Dần dần quen đi, càng làm càng dẻo.

Mặt trời lên cao, nắng rực rỡ lưng đồi. Bụi cây đơm hoa. Đàn ong bay đến, quay vù vù và hát:

Đời con ong

say mê

tìm hoa thơm làm mật ngon.

 

Chú bé: Hay quá, ong đây rồi! Ong ơi!

Ong bay trên cành cao, quay vù vù mải miết, ong không nghe tiếng chú bé gọi. Ngọn gió thổi rạp một nhành hoa xuống trước chú bé.

Hoa: Ong yêu hoa, thế nào ong cũng đến tìm hoa làm mật. Hoa yêu chú bé biết chăm làm, hoa sẽ giúp chú…

Chú bé bíu vào nhành hoa.

Nhành hoa đưa chú bé lên cao, gặp ong.

Chú bé: Ong ơi, ong có nhận ra tôi không?

Ong: Hình như chú là chú bé lười…

Chú bé: Không. Bây giờ tôi biết mê tiếng hát của ong. Nhờ ong đưa tôi về nhà.

Đầu cầu ao nhà, thùng nước tưới rau của chú bé vẫn còn đó. Ong từ trên cao hạ cánh, hệt như máy bay trực thăng hạ cánh. Chú bé nhảy xuống.

Ong: Rong chơi thế đã thỏa chí chưa chú mình? Nào, bây giờ chú mình lại nhắm mắt lại, chạy quanh thùng nước ba vòng…

Chú bé tí hon làm theo lời ong. Khi chú mở mắt ra, chú đã trở lại thành chú bé bình thường.

Gà trống đậu trên hàng rào, ngạc nhiên nhìn chú.

Gà trống: Oác, chú vừa đi đâu?

Chú bé: Chẳng đi đâu!… Đi tưới rau!

Chú bé ngượng, không dám nhìn gà trống; chú xách thùng nước, vội vã đi vào vườn.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button