Văn học trong nước

Cẩm Chướng Đỏ

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Bùi Đặng Quốc Thiều

Download sách Cẩm Chướng Đỏ ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC TRONG NƯỚC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.


Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


Trúc Anh là một phần rất quan trọng trong cuộc đời Thuyên. Vừa là bạn, Trúc Anh vừa là người anh lo lắng cho Thuyên đủ điều. Không bao giờ Trúc Anh để Thuyên buồn hay bị ai ăn hiếp. Có lẽ cũng bởi vậy mà Thuyên càng ngày càng thêm yêu lạ lùng những bông cẩm chướng đỏ. Gần như bữa nào tới Thuyên chơi, Trúc Anh cũng thấy nơi bàn học của Thuyên có sẵn một lọ cẩm chướng đỏ lung linh…

ĐỌC THỬ

Chương 1

– Mẹ ơi, con gái yêu của mẹ đi học về rồi nè!

Thuyên vừa nói vừa đặt chiếc cặp to đùng xuống chiếc bàn chung của cả nhà, mỉm cười với cô nữ sinh lớp 12 tóc dài óng có đôi mắt ướt trong gương. Ý nghĩ: “Mình cũng… xinh đó chứ!”, khiến Thuyên thoáng đỏ mặt…

– Đói bụng chưa con?

Thuyên giật mình quay lại, nũng nịu:

– Mẹ làm con giật cả mình. Ba chưa về hả mẹ?

– Ừa, bữa nay chắc ba con ăn trưa ở chỗ làm. Mà sao con lại giật mình? – Mẹ vuốt tóc Thuyên – Chà, con gái mẹ biết soi gương làm điệu rồi phải không?

– Mẹ này… – Thuyên lại đỏ bừng mặt.

Mẹ mỉm cười dợm bước vào bếp dọn cơm, chợt dừng lại như nhớ ra điều gì, nhìn Thuyên, nói:

– À, con có thư gởi từ Nha Trang đó. Coi của ai.

Thuyên nghĩ ngay đến người anh họ tên Sang, trong mười ngày Thuyên nghỉ hè ở Nha Trang đã rất thân thiết với Thuyên. Thuyên mừng rỡ xé bì thư. Không phải là anh Sang rồi, chữ của anh Sang, Thuyên biết mà. Vậy thì ai? Thuyên vội vã lật hết lá thư để xem chỗ ký tên. Cái tên đập vào mắt khiến Thuyên không kềm được, ồ lên ngạc nhiên: Huỳnh Thanh Dũng! Trong đầu Thuyên hiện lên gương mặt hơi rám nắng, cương nghị, còn mái tóc thì lại đầy chất lãng tử của người bạn thường đi chung với anh Sang. Một con người hơi có vẻ pha trộn! “Sao anh ta lại gởi thư cho mình?”. Thuyên chưa hết thắc mắc thì mẹ đã gọi vào ăn cơm. Cô nhét lá thư vào trong cặp và đặt vào ngăn tủ.

Trong bữa cơm, mẹ hỏi Thuyên về lá thư, Thuyên không biết trả lời sao, đành nói dối là của anh Sang. Thật ra, Thuyên đang rất hồi hộp. Một người chưa trò chuyện lần nào thì có gì để viết trong thư nhỉ? Thuyên ăn nhanh bữa cơm, giúp mẹ rửa chén rồi chạy vào phòng riêng giở lá thư ra đọc.
Càng đọc, Thuyên càng thấy bồi hồi bởi những lời lẽ của Dũng viết, giọng điệu nghe sao ngọt ngào và êm dịu quá! Những “nhớ nhung”, “lưu luyến” Dũng viết trong thư và hai chữ “love” ở cuối thư đã làm Quỳnh Thuyên muốn vỡ cả lồng ngực. “Chao ôi, anh ta ngỏ ý… thích mình!”. Trái tim bé nhỏ của Thuyên đập vội vã. Cô run rẩy nhét lá thư sâu vào trong cặp như sợ nó sẽ lao ra mà cắp cô bay đi thật xa. Mười ngày, không là ít, cũng chẳng là nhiều, nhưng chưa đủ để cho hai người xa lạ hiểu nhau. Vậy thì tại sao “hắn ta” lại dám…? “Hắn ta” là người thế nào, Thuyên không rõ. Mỗi lần đi chơi với anh Sang và bác Tường đều có “hắn” đi theo, chẳng biết xưng hô thế nào, Thuyên gọi đại là “cậu Dũng”. Anh Sang và bác Tường chỉ cười mà không nói gì. Ra biển ngắm sao, vào quán karaoke với những dãy bàn ngập người hay ngồi trò chuyện trong nhà, Thuyên nhớ trước sau “hắn” chỉ im lặng nhìn Thuyên cười cười. Thuyên cứ vô tư nói chuyện, vô tư đối đáp với anh Sang. Một hôm, nghe mọi người nói tiếp viên nữ bán các quán nước ở đây nếu là người miền Nam sẽ được trả lương rất cao, người ta bảo con gái miền Nam nói tiếng dễ thương! Thuyên nghe mà cứ thấy mắc cười hoài. Bất ngờ, “hắn” nói:

– Đúng rồi, đến giờ Dũng mới biết con gái miền Nam nói chuyện dễ thương nhất đó.

Anh Sang và bác Tường lại nháy nhau cười, Quỳnh Thuyên chẳng để ý là “hắn” có ý nói đến mình. Bây giờ nghĩ lại thật tức cành hông, nhưng có điều cũng… vui vui. Tệ nhất là lần anh Sang chọc, hỏi: “Người yêu của Thuyên sau này phải thế nào?”. Thuyên không đắn đo:

– Người yêu của em hả, đương nhiên là phải hơn em một cái đầu. Nhưng nói trước, nếu yêu thiệt thì phải chờ em tới… 30 tuổi, tới lúc đó em mới lấy chồng à nghen!

Nói rồi lại le lưỡi ra mà cười. Chao ơi, 18 tuổi mà bảo người ta chờ… mười hai năm, chẳng ra làm sao cả! Lúc đó, Thuyên chỉ nghĩ là “người trong nhà” cả nên đùa một chút cho vui. Còn bây giờ, Thuyên tự trách mình thật khờ.
Dũng! Dũng! Dũng! “Hắn” đã khiến Thuyên mất nhiều thời gian suy nghĩ bâng quơ quá rồi. Bực mình, Thuyên mở cửa phòng bước ra ngoài, gặp ngay lúc Trúc Anh vừa đến…

– Dì ơi, có Quỳnh Thuyên ở nhà không dì? – Trúc Anh hỏi mẹ Thuyên.

– Nó ở trong phòng đó con. Không biết sao mà từ trưa đến giờ cứ nằm mãi ở trỏng[1] – Thấy Thuyên vừa bước ra, mẹ quay trở vào bếp – Trúc Anh ở chơi nghe con!

Trúc Anh dạ ran như con nít rồi phồng má lên với Thuyên. Thuyên cười:

– Trúc Anh ngoan quá ta!

– Còn phải nói. Trúc Anh mà!

Vừa nói, tên bạn trai thân thiết từ hồi chập chững biết đi của Thuyên vừa ngồi xuống ghế với lấy trái mận ăn ngon lành. Trúc Anh bây giờ đã lớn phổng, rắn chắc hơn và không còn giống… con gái nữa. Hất mái tóc mỏng ra sau một cách nhẹ nhàng, Trúc Anh hỏi:

– Thuyên làm bài tập toán hết chưa? Có cần học chiều nay không?

– Thuyên chưa làm, nhưng thấy cũng dễ mà. Có gì sao mà Trúc Anh hỏi vậy?

– Chiều nay Trúc Anh đi coi ca nhạc – Trúc Anh rút trong túi ra hai tấm vé – Cho “công nương” một vé, đi hén!

Quỳnh Thuyên vỗ hai tay vào nhau, reo lên:

– Thì ra hồi trưa Trúc Anh về trễ là vì đi mua vé đó hả? Thích há! Chiều nay Thuyên sẽ khao Trúc Anh ăn bắp rang bơ, chịu không?

– Ừa. Nhưng nhớ học bài cho xong đó nghe!

– Biết rồi,”nhũ mẫu” à!

Nghe giọng điệu trêu chọc của cô bạn, Trúc Anh xoay nắm tay ra vẻ như muốn cho Quỳnh Thuyên một trận. Thuyên ngoéo hai ngón tay vào tay áo của Trúc Anh. Hai đứa cùng cười rộ lên. Đó là giao ước hòa bình mà chúng đã cùng “thiết lập” với nhau từ hồi học lớp một.

Thời thơ ấu của mỗi người đều là khoảng thời gian không thể nào quên. Hạnh phúc biết bao khi ta có một người bạn luôn ở bên cạnh ta, cùng chia sẻ buồn vui, cùng nhìn nhau trưởng thành. Trúc Anh là một phần rất quan trọng trong cuộc đời Thuyên. Không phải ruột thịt nhưng tình cảm Trúc Anh dành cho Thuyên còn hơn cả anh em. Vừa là bạn, Trúc Anh vừa là người anh lo lắng cho Thuyên đủ điều. Không bao giờ Trúc Anh để Thuyên buồn hay bị ai ăn hiếp. Thuyên biết mình chịu ơn trời phật vì điều đó. Có lẽ cũng bởi vậy mà Thuyên càng ngày càng thêm yêu lạ lùng những bông cẩm chướng đỏ[2]. Gần như bữa nào tới Thuyên chơi, Trúc Anh cũng thấy nơi bàn học của Thuyên có sẵn một lọ cẩm chướng đỏ lung linh…

Chương 2

Lớp 12 vào học sớm hơn nửa tháng trước ngày khai giảng. Mấy ngày này, mải mê ôn tập cho kỳ thi kiểm tra chất lượng đầu năm nên mọi người dường như quên hẳn chuyện đùa nghịch. Ngôi trường vì thế vẫn im ắng trong tiếng ve sầu.

Sáng nay, thầy hiệu trưởng cho gọi tất cả học sinh giỏi của các môn tập trung để dặn dò việc bắt đầu học lớp bồi dưỡng lại cho kỳ thi học sinh giỏi tỉnh vào tháng 11 tới. Thuyên thấy phấn chấn quá. Buổi chiều, Thuyên đến lớp thật sớm – cùng với năm bạn nữa – đợi cô giáo đến. Tiết học đầu tiên của lớp Văn 12!

Cạnh phòng Thuyên học là phòng Trúc Anh đang học môn toán. Cho tới lúc này, Thuyên và Trúc Anh là hai học sinh sáng giá nhất trong đội tuyển của trường. Áp lực cũng khá nặng nề cho cả hai đứa.

Đầu tiết học, cô giáo tóm lại các giai đoạn văn học từ trung đại đến 1930-1945. Bất chợt:

– Dạ thưa cô, em… mới vô ạ!

Cô giáo quay ra. Cả lớp cũng ngước lên xem chủ nhân giọng nói lảnh lót ấy là ai. Một cô bạn với gương mặt sáng sủa, đôi mắt một mí nhưng khá dễ thương đang đứng trước cửa lớp. Thuyên nghe tiếng xì xào:

– A, hình như nhỏ này mới chuyển trường, học lớp 12A3. Sao lại vô đây vậy cà?

Cô giáo mỉm cười dịu dàng với cô học sinh mới:

– Em vào đi! Lần sau nhớ đến đúng giờ.

– Dạ!

Cô bạn dạ xong là mở miệng cười toe. Một chiếc răng khểnh lấp lóa. Thuyên há hốc miệng. Thuyên cũng có một chiếc răng khểnh giống như vậy! Cả lớp lại được dịp liến thoắng.

– Im lặng nào! Cô giới thiệu bạn mới: Phan Trang Như, học lớp 12A3. Bạn sẽ cùng học lớp bồi dưỡng văn với chúng ta năm nay. Thành tích môn văn của Như ở trường cũ rất tốt.

Sáu đứa con gái, bây giờ lại thêm một đứa con gái nữa thì cũng chẳng có gì… đáng bàn luận. Nhưng đứa con gái thứ bảy này lại kéo bàn cái sột, để viết xuống đánh bộp, rồi lại ngước lên cười với cô giáo thì thật là không thể không bàn luận được. Một chốc sau, cả lớp không còn xôn xao nữa khi cô giáo chép đề văn lên bảng. Đề bài kiểm tra đầu khóa học chỉ vẻn vẹn bốn chữ: “Cảm xúc mùa hè”. Thuyên cắm cúi viết sau vài phút suy nghĩ. Cảm xúc đến với Thuyên rất nhanh: này là bờ biển dài cát trắng, này là rặng phi lao rì rào… Trong một lúc suy nghĩ tìm ý, Thuyên ngẩng đầu lên, ghé mắt trông người mới tới. Cô bạn đó cũng đang rất tập trung, gương mặt nghiêm túc hẳn, không hề giống chút nào với vẻ nhí nhố lúc đầu. Thuyên bắt được mạch cảm xúc, bắt đầu viết một hơi cho đến hết giờ, không ngước lên lần nào nữa.

– Đoản văn của Quỳnh Thuyên về một mùa hè ở biển rất giàu hình ảnh, pha chút lãng mạn và lời lẽ mạch lạc. Rất tốt! Còn đây, bạn Như đã làm một bài thơ với cảm xúc chân thật. Một mùa hè sum họp của gia đình thật xúc động…

Cô giáo đang sửa bài kiểm tra sau 30 phút ra chơi. Đề chỉ yêu cầu “Cảm xúc mùa hè” nên các em có thể sử dụng bất cứ hình thức nào để thể hiện mình. Cô đánh giá cao cả hai bài làm của Thuyên và Như. Hai em đều có sức viết tốt, hành văn mượt mà hơn các bạn trong lớp!

Cô giáo tiếp tục nhận xét bài làm của các bạn khác nhưng Thuyên không còn chú ý lắng nghe nữa. Thuyên bị bất ngờ vì nhận xét lúc nãy của cô giáo. Một người mới đến lại có điểm ngang với Thuyên! Thuyên bỗng thấy khó chịu. Cảm giác mình là “nhất” bị tước mất. “Nhưng đây chỉ mới là bài viết đầu tiên. Mình sẽ không để chuyện này lặp lại”. Thuyên thầm nghĩ mà mắt thì lại ngó trân trân Trang Như. Không ngờ, Như quay lại nhìn Thuyên, miệng hỏi: “Có gì không?”. Lại còn cong môi lên nữa. Ghét, một con nhỏ đanh đá quá! Thuyên quay đầu nhìn ra… cửa sổ.

Tan buổi học, Trúc Anh từ phòng bên chạy sang đợi Thuyên cùng về. Thuyên chậm rãi bước ra, vẻ không vui:

– Bị cô la hả? – Trúc Anh hỏi.

Thuyên lắc đầu:

– Không có…

Rồi kéo Trúc Anh lại, Thuyên chỉ Như đang chạy nhanh xuống cầu thang, Thuyên nói:

– Người mới đó! Vậy mà bài kiểm tra bằng điểm Thuyên luôn.

– Thiệt hả? Mà ở lớp toán của Trúc Anh, mấy bạn bằng điểm Trúc Anh hoài, có… sao đâu?

– Trúc Anh không hiểu đâu!

Nhìn vẻ bực dọc của Thuyên, Trúc Anh cười. Cậu le lưỡi, véo mũi làm trò để chọc Thuyên. Trúc Anh rất giỏi “vụ” này. Thuyên không nói gì nhưng đã bớt giận dỗi, cô bước đi nhẹ nhàng hơn. Trúc Anh an ủi:

– Thôi, đừng buồn, mới bài đầu tiên mà. Với lại, đòi giỏi hơn người ta hoài là sắp… kiêu ngạo rồi đó nghe!

– Ừa…, Thuyên lại xấu tính rồi… – Thuyên cười hiền, thú nhận.

Trúc Anh nói chẳng sai. Có lẽ Thuyên giận như thế là không đúng! Thuyên nhíu mày băn khoăn. Trúc Anh liền vỗ vỗ hai tay vào nhau, nói lớn:

– Suy nghĩ hoài! Trúc Anh không nói tin này cho Thuyên nghe bây giờ.

– Tin gì vậy? – Thuyên hỏi lại.

– Văn nghệ trường đón mừng khai giảng! Các lớp sẽ thi với nhau sau khai giảng một tuần. Tức là tụi mình còn hai tuần để chuẩn bị. Sao, thích rồi phải không?

Thuyên cười khoe răng khểnh. Đương nhiên là Thuyên rất thích. Văn nghệ là sở trường của Thuyên mà. Thuyên có thể soạn kịch, lại có giọng hát hay nên không có phong trào văn nghệ nào của trường mà Thuyên lại bỏ qua. Thuyên nói nhanh:

– Đóng kịch hoặc chỉ hát thôi sẽ hay hơn hả Trúc Anh?

– Mỗi lớp chỉ có 15 phút thôi, làm ngắn mà lại hay mới ổn được. Để ngày mai đến lớp tụi mình bàn với các bạn xem sao.

– Vậy đi há!

Thuyên nói dứt câu thì cả hai đã đến nhà gởi xe.

Chầm chậm, Thuyên và Trúc Anh đạp xe trên đường, con đường đầy lá bàng rụng và cỏ khô. Mùa thu, những góc phố quen thuộc bỗng trở nên đẹp và thơ mộng hơn đôi chút. Ai bảo miền Nam không có bốn mùa, Thuyên thì cảm thấy mỗi mùa đều trải ra những nét khác nhau rõ rệt. Trúc Anh đạp xe bên cạnh Thuyên, thầm đoán xem cô bạn đã mơ mộng đến tận nơi nào trong buổi chiều thu êm ả này.

– Trúc Anh, đi mua hoa… cúc đi! – Thuyên chợt đề nghị:

– Nhưng… chiều rồi. Mà sao bữa nay lại là hoa cúc, không phải cẩm chướng đỏ nữa sao?

– Tự dưng Thuyên muốn cắm một lọ hoa cúc ở bàn học vào đầu thu quá! Vào tiệm hoa đi… – Thuyên nài.

– Được rồi. Sợ cô “tiểu thư” này quá!

Trúc Anh nhấn pê-đan, quẹo sang góc đường bên trái. Nhìn Thuyên tươi tắn bên những bông hoa cúc, Trúc Anh thấy là lạ. Vậy là cả hai đứa đã 18 rồi ư? Năm tháng có giữ mãi được những phút giây vô tư này?

Đêm văn nghệ trường thật sôi động, nhất là với tụi “nhóc” lớp 10, tuy mới vào trường nhưng chúng chẳng chịu thua ai, các tiết mục đều rất đặc sắc. Thuyên xem mà thấy mê. Cuối cùng, thời điểm dành cho khối 12 đã đến. Thuyên nhẹ nhàng bước lên sân khấu trong bộ áo dài trắng, làm người dẫn chuyện cho một vở kịch ngắn do chính Thuyên viết mang tên “Cẩm chướng đỏ”. Vở kịch với nhiều tình tiết ngợi ca tình bạn trong sáng, cảm động do Trúc Anh, Thiện và Lan diễn. Trong vở kịch có xen đôi chỗ hài làm cho khán giả vừa vui, vừa cảm thấy xốn xang. Kết thúc vở kịch, Thuyên nói: “Tình bạn không phải là một viên kẹo lúc nào cũng ngọt. Tình bạn lại càng không phải là lá xanh chỉ xanh theo mùa. Tình bạn là một hạt muối chia nhau, ngậm vào thấy ngọt, đó là sự sẻ chia, thông cảm đẹp nhất của cuộc đời này”. Những tiếng vỗ tay vang dội sau lời kết của Thuyên làm chính Thuyên xúc động muốn… rơi nước mắt. Nhìn qua, thấy Trúc Anh cũng khịt khịt mũi theo thói quen khi xúc động hoặc ngại ngùng, Thuyên nhoẻn cười. Còn gì phải nói, Thuyên viết về tình bạn của chính mình, trong đó dĩ nhiên có hình ảnh của Trúc Anh, một người bạn tuyệt vời.

Vừa xuống sân khấu, Thuyên đi rửa mặt ngay không quen với lớp phấn kem. Nó làm Thuyên thấy khó chịu và… ngứa không thể tả. Lúc Thuyên trở ra thì màn múa của lớp 12A2 đã xong. Đột nhiên, Thuyên nghe tim mình đánh thót một cái khi một bóng người quen thuộc bước lên sân khấu. Nhỏ Trang Như! Dù đã học chung hai tuần nhưng cả hai vẫn chưa nói chuyện với nhau. Những bạn khác thì đã rất quen với Như, Như hoạt bát và khá dí dỏm. Thuyên không thích con gái nghịch quá, Như lại là chúa nghịch! Bây giờ Như đang rụt rè bước đi trên sân khấu trong bộ đồng phục, với chiếc cặp trên tay, dáng vẻ của một học sinh mới vào trường, trông thật tội, lại có vẻ dễ thương. Và ngay sau đó, Như cất tiếng hát bài Tháng năm học trò thật hay. Qua ba bài hát cùng với sự diễn xuất của các bạn lớp 12A3 trên sân khấu, cả quãng thời gian học cấp III như hiện ra trước mặt mọi người. Cuối cùng, cũng là Trang Như, người học trò lúc đầu bây giờ đang chậm rãi bước trong bộ áo dài công sở và giọng hát trong trẻo của Như lại khiến tất cả im lặng trong bài hát buồn Sân trường kỷ niệm. Một vở nhạc – kịch! Thuyên giật mình, sao Thuyên lại chẳng nghĩ ra? Lớp 12A3 của Trang Như đã biết kết hợp cả giọng hát và sự diễn xuất tạo nên một tiết mục hấp dẫn. Thuyên dần cảm thấy mất tự tin. Những tràng pháo tay lúc nãy dành cho Thuyên không sao so sánh được với lần này.

Thầy Tần đại diện cho Ban giám khảo lên trao giải cho ba lớp đạt giải I, II, III. Bên cạnh Thuyên là cô bé lớp 10, nhưng trước Thuyên lại là Trang Như. Thuyên thua rồi… Giải II trên tay sao nặng quá thế này! Như là ai, ôi, con bé “đanh đá” ấy ở đâu đến “cướp” hết vinh quang của Thuyên. Thuyên giận mình, giận nó!

Tiếng vỗ tay của các bạn đã làm Thuyên sực tỉnh. Thuyên buồn buồn đem quà xuống với lớp. Các bạn trong lớp reo hò, tranh nhau mở quà. Mải vui, mọi người không để ý vẻ trầm tư đột ngột của Thuyên nhưng Trúc Anh nhìn qua là biết ngay. Cậu kéo cô bạn ra băng đá:

– “Cô gái xinh đẹp”, sao cô lại u sầu?

Vừa nói, Trúc Anh lại vừa làm trò. Thuyên phớt tay lên người Trúc Anh một cái, buồn bã:

– Lớp của Như đó, giỏi quá hen! Thuyên dở quá trời. Mà sao Thuyên cứ “bị” nhỏ đó hoài hà – Thuyên sắp khóc – Trúc Anh hổng biết chứ, mấy hôm nay đi học bồi dưỡng, Thuyên thấy chán lắm. Thuyên thấy mình như bị bỏ rơi, các bạn cứ vây lấy Như. Còn bài làm thì chẳng khi nào Thuyên vượt hơn Như được cả.

Trúc Anh nhìn thấy nỗi buồn thật sự của cô bạn thân. Từ trước đến nay, Thuyên đã quen với thành công, Thuyên không nghĩ đến vẫn còn rất nhiều người hơn mình. Nhưng quan trọng vẫn là bản thân mình có biết vươn lên hay không. Trúc Anh hắng giọng:

– Muốn khóc rồi phải không? Thôi, muốn khóc thì khóc… lẹ lên rồi vô liên hoan với lớp, để buồn trong lòng không tốt đâu. Nhưng Trúc Anh, nói nghe nè, tiết mục của mình cũng hay lắm rồi, chỉ là không sinh động bằng của bạn thôi. Quan trọng là Thuyên đã thể hiện được tất cả những gì mình muốn nói. Không phải như thế là quá tuyệt rồi sao? Hơn nữa – Trúc Anh dừng lại một chút rồi dõng dạc – “người ta” có nhỉnh hơn mình lần này thì cũng chẳng ai như Thuyên có được một người bạn “tuyệt vời” là… Trúc Anh đây, đúng không?

Nói rồi, Trúc Anh lại huơ tay, chống nạnh như mình là một tài tử. Thuyên cười méo xệch. Đúng là Thuyên quên rằng mình luôn có Trúc Anh bên cạnh. Ừ, làm sao Như có được một người bạn như thế này? Không đâu, khoản này thì Thuyên hơn Như là cái chắc! Thuyên ngoéo hai ngón tay vào tay áo của Trúc Anh. Nhưng quả thật, Thuyên vẫn còn thấy buồn buồn. Trúc Anh giơ những ngón tay lên, đan lại, mở ra đủ thứ hình rồi hỏi Thuyên “con gì?” hoài khiến Thuyên tít mù, không còn rảnh để nghĩ đến điều khác nữa. Những tiếng cười lại vang lên.

Trong lúc đó, ở góc cầu thang của lớp học, Như vô tình trông thấy dáng vẻ kỳ quặc của Trúc Anh trước mặt Thuyên, cô bạn hiền nhất lớp văn. Như đứng từ xa, một nơi khuất ánh đèn để nhìn họ. “Một cậu bạn lý thú đấy chứ – Như nghĩ – Thuyên sướng thật!”. Rồi Như quay trở vào với lớp mình để bắt đầu cuộc liên hoan. Hôm nay là ngày vui của Như và của cả lớp, mọi người đều vui vẻ. Nhưng, ai biết được trong lòng Như cảm thấy bơ vơ…

Chương 3

Như về đến nhà thì đã hơn 11 giờ khuya, cánh cổng im ỉm đóng. Như không dám bấm chuông, sợ làm ba thức giấc. Nhưng khi Như vừa dựa lưng vào tường thì cánh cổng xịch mở. Như giật mình:

– Mẹ! Mẹ chờ con ở ngoài này hả mẹ?

Mẹ dạo này hốc hác quá. Bà đứng trước mặt Như trong chiếc áo ấm cũ tách biệt với ngôi nhà sang trọng, làm Như cảm thấy thật xót xa.

– Vô đi con! Chắc con lạnh lắm rồi. Đi khẽ thôi, kẻo ba con thức đó!

Bàn tay mẹ khẽ chạm vào Như. Tay mẹ lạnh quá!

– Thôi, mai mốt con chẳng đi thế này nữa đâu. Văn nghệ trường cũng mặc kệ. Để mẹ chờ, con xấu thiệt! Mẹ vô ngủ đi, con khép cổng cho.

Như đẩy mẹ vào nhà, quay ra khép cổng để giấu vội dòng nước mắt sắp trào ra. Mẹ Như lúc nào cũng có dáng vẻ chịu đựng như vậy. Bà yêu chồng, thương con hết mực. Mà ba thì… Như vô tư, mạnh mẽ trước mặt mọi người nhưng mỗi lần nhìn mẹ, Như lại cảm thấy nao lòng.

Mẹ Như đứng nhìn con gái rảo chân bước vào phòng rồi mới nhẹ nhàng nằm xuống chiếc giường nệm đang run lên từng nhịp vì tiếng ngáy và nhịp thở của ba. Bà cảm thấy sợ chiếc giường mới này, cả ngôi nhà sang trọng này nữa. Những thứ này dường như đang kéo vợ chồng bà ra xa nhau hơn. Trằn trọc một lát, bà mệt mỏi ngủ thiếp đi.

Như đã thay quần áo xong, đứng lặng bên cửa sổ ngắm những vì sao tỏa sáng trên bầu trời. Nhà mới, trường mới, bạn mới, không phải tất cả đều tốt đẹp. Như nhớ con sông ở quê, nhớ hàng dâm bụt trước nhà, nhớ cả những đứa bạn lúc nào cũng nguýt dài với Như. Đến đây từ mùa hè nhưng cho tới giờ, Như vẫn chưa quen được với căn nhà này, những bức tường lạnh giá… Như dễ thích nghi với cuộc sống mới vì bản tính hoạt bát, nhưng trong tâm hồn lại thấy lạc lõng, trống trải. Tất cả cũng chỉ bởi vì những thay đổi của ba. Ba xoay xở thật tài và trở nên giàu có rất nhanh tại đây. Nhưng điều đó làm Như có cảm giác sợ sệt khi đứng trước ba. Như cũng thấy được điều đó trên gương mặt mẹ. Không nói gì, cả hai mẹ con nhìn nhau cùng ao ước ba sẽ trở về như ba trước đây, không phải lúc nào cũng trong bộ complê cứng đờ, nói năng bằng những câu ra lệnh, lại lạnh lùng khi mẹ nấu món ngon. Trước đây ở quê, hai cha con lúc nào cũng đùa nghịch vui vẻ, các trò nghịch ngợm của Như bây giờ cũng là do ba đã bày ra cho Như. Ba cũng hay giúp mẹ làm cơm, rồi xuýt xoa khen ngon dù bát canh đó chỉ có mớ rau tập tàng. Ba lúc đó mới là ba: bình dị, chân thật. Còn bây giờ… Như uể oải buông rèm cửa sổ xuống, Như không muốn nghĩ ngợi nữa. Ngày mai rồi sẽ tươi sáng hơn, khi bình minh lên. Như tin tưởng như vậy và nằm xuống giường, nhắm mắt lại…

Mùa đông dần đến cũng là lúc kỳ thi học sinh giỏi sắp đến. Thuyên đang ôn luyện ráo riết. Lần này Thuyên quyết phải hơn Như.

Trường của Thuyên là trường điểm trong tỉnh nên số học sinh tham gia thi cũng đông nhưng ít khi loại nổi học sinh ở trường chuyên. Đương nhiên rồi. Tuy vậy, cố gắng bao nhiêu thì hy vọng bấy nhiêu. Năm rồi Thuyên được giải tư đồng hạng nên cứ buồn mãi đến bây giờ. Thuyên quyết tâm phải được vào đội tuyển đi thi toàn quốc. Ba mẹ cũng đang trông đợi ở cô con gái yêu văn chương của hai người.

Trong lúc đó, tình cảm của Thuyên cũng dần khác lạ. Thuyên không biết hồi âm lá thư đầu của Dũng như thế nào, nên im lặng đã gần một tháng. Nhưng không hiểu sao, càng nghĩ, Thuyên càng thấy nhớ đến Dũng nhiều. Dũng cũng là một người có vẻ gì đó khá đặc biệt. Một con người trầm tĩnh, luôn nghĩ ngợi, cũng hay hay. “Nếu mình nhận lời anh ta thì sao?”. Ý nghĩ đó thỉnh thoảng xuất hiện trong đầu Thuyên. Những rung động đầu đời đã đến với Thuyên khiến cho Thuyên cảm thấy hơi sợ khi đối diện với nó. Nhưng quả thật, Thuyên càng ngày càng muốn gặp lại Dũng, muốn xem anh dạo này ra sao. Liệu có khi nào chờ thư của Thuyên lâu quá rồi anh đâm ra buồn bực, chán nản không? Anh có giận Thuyên không?

Dường như hiểu được những điều Thuyên đang nghĩ, vài ngày sau đó, Thuyên lại nhận được thư và cả quà của Dũng. Anh gởi cho Thuyên một quyển sách văn tham khảo dành cho học sinh giỏi với lời động viên thật chân thành. Thì ra anh quan tâm đến Thuyên nhiều như vậy! Thuyên cảm thấy choáng ngợp trong niềm hạnh phúc. Dũng viết rằng lá thư trước có lẽ đã bị thất lạc nên Dũng viết tiếp lá thư này cho Thuyên, lại nhắc đến những câu mà Thuyên đã thuộc lòng. Còn có cả vài dòng nhạc của Trịnh Công Sơn: Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về… Dũng thật là… khôn quá! Lại còn hỏi: “Em có tạo cơ hội cho anh không?”. Thuyên không chần chừ, viết ngay lá thư hồi âm cho Dũng. Chẳng trả lời có, cũng chẳng bảo không, chỉ viết thư một lá thư bình thường. Thuyên nghĩ như thế là tốt hơn cả.

Từ đây, trong cuộc đời Thuyên có thêm một người để quan tâm, là Dũng. Thuyên vừa thích, vừa thấy lo lo. Nhưng vui hơn cả là Thuyên biết Dũng thật sự quan tâm đến mình. Thuyên cũng đang trưởng thành, Thuyên rung động thật lòng. Không biết rồi mọi chuyện sẽ đi đến đâu, Thuyên không muốn nghĩ ngợi chi nhiều, chỉ cảm thấy thật hạnh phúc, thật lạ lùng…

Gặp Trúc Anh ở lớp, Thuyên cứ thấy mắc cỡ và cười hoài. Thuyên muốn có người chia sẻ những cảm xúc lạ lẫm này, nhưng những cô bạn gái thì Thuyên không tin tưởng lắm, còn người Thuyên tin tưởng lại là… con trai! Nếu nói cho Trúc Anh nghe, không biết Trúc Anh có cười Thuyên không nữa. Từ trước đến giờ Thuyên chẳng bao giờ giấu Trúc Anh điều gì, ngay cả chuyện cậu bạn lớp kế bên tặng Thuyên bao nhiêu bông hồng hay anh chàng hàng xóm cứ lẽo đẽo theo Thuyên cho tới cổng nhà chỉ để hỏi mỗi câu “Em mới đi học về hả?”. Nhưng chuyện này khác với những chuyện kia. Thuyên cứ băn khoăn, đôi lúc muốn kéo Trúc Anh ra ngoài để nói, cuối cùng rồi lại thôi… Giá Trúc Anh đừng dời nhà qua tận phường 8 thì sướng quá, như hồi trước hai nhà ở kế bên thì lúc nào muốn nói gì là chạy qua nhà gặp ngay. Còn bây giờ ở lớp, Thuyên thấy ngài ngại.

Sáng nay, Trúc Anh đem đến lớp một mô hình hình không gian mới mà cậu đã làm suốt một tuần nay. Nó bao gồm tất cả các loại hình: chóp, lăng trụ, nón cụt…, mỗi chiều xoay là hiện ra một hình mới. Cả lớp bu quanh nên Trúc Anh cũng chẳng có thời gian để ý đến vẻ thấp thỏm của Thuyên. Gì chứ mô hình này Trúc Anh đã cho Thuyên xem trước rồi, Thuyên lẳng lặng bước ra hành lang. Thuyên nghe tiếng Trúc Anh giỡn ầm ĩ trong lớp. Lúc nào cũng thế, Trúc Anh là cây hài của lớp mà! Chẳng thế mà cậu ta cũng có nhiều người hâm mộ lắm, Thuyên biết hết. Nhưng không bao giờ Trúc Anh kể, Thuyên cũng chẳng trêu. Vừa học giỏi, xinh trai, lại vui tính thì ai mà chẳng thích! Ngay cả Thuyên đôi lúc còn bất ngờ thích thú trước vẻ lém lỉnh, thông minh của Trúc Anh nữa là… Thuyên nhớ, mọi người có lần trêu chọc hai đứa, bảo xứng đôi. Hai đứa lại thường đi chung với nhau, là dịp để các bạn chòng ghẹo. Nhưng rồi mọi chuyện cũng quen dần vì tình bạn của Thuyên và Trúc Anh đâu phải chỉ mới 1 – 2 năm. Hiểu chuyện, nhiều bạn tin, nhiều bạn ngờ vực. Cả hai đứa chỉ cười, mặc ai nghĩ gì thì nghĩ. Hơn nữa, dường như chúng cũng ngầm tự hào về nhau nên chẳng thèm phân bua chi cho mệt.

Tiếng trống bắt đầu giờ học kéo Thuyên quay vào lớp. Thuyên thấy Trúc Anh đang vội vã xếp lại mô hình, trán đầy mồ hôi. Thế mà chỉ vào học được một lát là Trúc Anh chuyền ngay một tờ giấy xuống cho Thuyên. “Có chuyện muốn nói với Trúc Anh phải không? Chiều, 4 giờ ở công viên sông Tiền nhé!” Thuyên bật cười, Trúc Anh vẫn là Trúc Anh, rất hiểu bạn!

4 giờ, Thuyên ra công viên đã gặp Trúc Anh ngồi ở băng đá cạnh kè sông. Thuyên bỗng cảm thấy hết sức ngượng ngùng. Chẳng lẽ Trúc Anh ra đây để chỉ nghe Thuyên nói chuyện đó? Hai đứa ngồi bệt xuống nền xi-măng cạnh bờ sông. Gió thổi lồng lộng. Trúc Anh hát vài câu hòa trong tiếng gió rồi chợt hỏi:

– Thuyên có gì khó nói lắm sao? Thường ngày Thuyên không như vậy.

– Đâu có… – Thuyên giả tảng.

– Thôi, nói đại đi! Bạn bè “cắn chung hạt muối” mà, phải không?

Hai đứa bật cười, nhớ đến lời kết của Thuyên trong vở kịch hôm trước. Thật ra, trong lòng Trúc Anh cũng đang rất băn khoăn. Có điều gì mà Quỳnh Thuyên lại ngại với Trúc Anh chứ? Thuyên ngập ngừng:

– Có người… có người bảo thương Thuyên đó, Trúc Anh. Thuyên thấy lạ lắm, Trúc Anh đừng cười nghe!

Trúc Anh cảm thấy thật buồn trước những lời lẽ đầy khách sáo của cô bạn thân. Trúc Anh nhanh chóng nhận ra mọi chuyện, cậu cười:

– Có gì đâu. Kể cho Trúc Anh nghe đi! Anh ta… tốt chứ?

Thuyên chậm rãi kể cho Trúc Anh nghe về lần đầu tiên gặp Dũng, về lá thư, món quà. Đôi chỗ, Thuyên đỏ mặt lên vì ngượng. Nhưng rồi thói quen kể mọi chuyện với Trúc Anh đã làm Thuyên thoải mái hơn. Trúc Anh im lặng lắng nghe, không ngắt lời, cũng không hỏi gì thêm. Cho đến khi Thuyên dừng lại, Trúc Anh ném một hòn sỏi xuống nước…

Hai đứa im lặng chìm trong suy nghĩ. Trúc Anh không biết nên nói gì với Thuyên, Thuyên lại không biết Trúc Anh đang nghĩ gì, có bực bội không. Nhưng có lý nào Trúc Anh lại thế? Trúc Anh lúc nào cũng thích lắng nghe Thuyên cả.

– Thuyên… cũng thích người ta hả? – Trúc Anh hỏi.

– Thuyên không biết…

Thuyên ngượng nghịu vò vò hai vạt áo. Trúc Anh ném một hòn sỏi nữa.

– Chuyện này… tùy cảm nhận của Thuyên thôi. Nhưng, hãy để tự nhiên sẽ tốt hơn. Và nhớ, điều gì là quan trọng hơn đối với mình thì hãy chọn!

Thuyên ngước lên nhìn Trúc Anh, cảm giác thật lạ. Dường như Trúc Anh đang bị tổn thương. Thuyên véo vào tay áo Trúc Anh, nhìn cậu như muốn nói: “Không đâu! Dù có chuyện gì, Thuyên lúc nào cũng là Thuyên thôi”. Trúc Anh mỉm cười đáp lại. Cậu hiểu, nhưng mọi chuyện đâu đơn giản như ta nghĩ. Những chuyện như thế này sẽ đến, bình thường thôi. Nhưng sao cậu vẫn thấy hụt hẫng…

Ánh đèn công viên bừng sáng. Tối mùa đông yên bình với muôn ngàn vì sao lấp lánh. Có người bảo, mỗi vì sao đại diện cho một linh hồn của con người trên trái đất. Không biết trong giây phút này có bao nhiêu vì sao lụi tàn, bao nhiêu vì sao tỏa sáng. Nhưng đối với Thuyên, những vì sao là những đôi mắt của thiên thần trên bầu trời nhìn xuống thế gian. Nếu chứng kiến được tình cảm đẹp của con người, sao sẽ nhấp nháy. Mới biết tại sao, mỗi lần cùng Trúc Anh ngắm sao, cả hai đứa đều thấy sao đang… nhấp nháy. Thuyên ngước nhìn lên bầu trời:

– Trúc Anh, sao nhấp nháy kìa!

– Ờ…

– Trúc Anh không nói gì cả vậy?

– Nói gì bây giờ? – Trúc Anh chợt thấy mình “vô duyên” quá, liền nói thêm – À, hay là mình thi ném đá đi!

Thuyên reo lên thích thú:

– Được đó!

Đá trong công viên dường như chẳng còn được bao nhiêu sau “trận đấu” giữa Trúc Anh và Thuyên. Những hòn đá lướt hai, ba lần trên sóng rồi mới chịu chìm xuống đáy sông. Thuyên thích lắm vì lần nào Thuyên cũng thắng Trúc Anh ở viên đá cuối cùng. Thuyên biết Trúc Anh nhường mình nhưng vẫn thấy vui bởi dù sao cũng hơn là thấy Trúc Anh ngồi im lặng suy tư. Thuyên không quen nhìn Trúc Anh như vậy. Thuyên cảm thấy hơi hối tiếc khi quyết định kể chuyện Dũng cho Trúc Anh nghe. Thuyên đã sai? Sao Trúc Anh lại thế? Nếu mình là Trúc Anh, mình có buồn không? Chắc có lẽ Thuyên cũng sẽ thấy buồn buồn như Trúc Anh, nhưng rồi cũng quen thôi! Vả lại, Thuyên chỉ nói người ta thích Thuyên thôi, chứ Thuyên cũng còn phân vân lắm…

Trúc Anh bỗng khều tay Thuyên:

– Nè, nghĩ gì vậy cô nhóc? Đi ăn kem không, hôm nay “anh hai” khao.

Vừa nói, Trúc Anh vừa nheo mắt, vỗ tay vô túi áo như bảo: có mang tiền đây! Thuyên tức cười quá, trông bộ dạng thế này mới đúng là Trúc Anh ngày thường. Thuyên “trả đũa” ngay, cô vỗ tay lên vai Trúc Anh, nói:

– Này, “cậu em trai”, “chị” rất sẵn lòng. Đi thôi!

Những tiếng cười vang lên xóa tan đi bao suy nghĩ nặng nề trong lòng hai đứa. Dù thế nào thì những người bạn thân cũng cần nói thật với nhau…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button