Văn học trong nước

Bình Kiều, Vịnh Kiều, Bói Kiều

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Phạm Đan Quế

Download sách Bình Kiều, Vịnh Kiều, Bói Kiều ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : VĂN HỌC

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download Ebook         

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


 

Khi một tác phẩm văn học đã vào sâu trong lòng người, nó sống một cuộc sống riêng ngoài ý muốn tác giả. Nó có thể đạt đến cái mức cao nhất là tạo nên những hoạt động thuộc văn hoá, phong tục, nghi lễ cực kỳ đa dạng, thu hút một số người đông đảo bất chấp ngôn ngữ, quốc gia, tôn giáo hay tín ngưỡng. Ramayana đối với Đông Nam Á lục địa, Mahabharata đối với Đông Nam Á hải đảo là những tác phẩm như vậy. Con người có một say mê, nó thèm vươn tới cái tận thiện, tận mỹ. Khi nó không tìm thấy cái tận thiện, tận mỹ trong thế giới thực tế, thì nó tìm trong thế giới biểu tượng, đặc biệt trong thi ca là hình thức nghệ thuật chỉ dựa vào trí nhớ không cần đến một sự tập dượt nào, một phương tiện nào nữa. Nỗi say mê ấy làm vinh dự cho con người và vinh quang lớn nhất mà một tác phẩm thơ đạt được là nó sống một cuộc sống độc lập, đi chu du trong cõi đời qua bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu lớp người dưới vô vàn hình thức. Dù xã hội có dựng lên những hàng rào tôn ty, giai cấp, quyền lợi, thành kiến thì mọi thứ chia cắt kia chẳng cách nào chặn được nỗi khao khát của kiếp người là nhìn thấy hạnh phúc, đau khổ, vui buồn, mong nhớ của mình chắp đôi cánh của thi ca.

Việt Nam có một tác phẩm như vậy: Nó chỉ có 3.254 câu thơ nhưng lại là quyển bách khoa toàn thư của một vạn tâm hồn mang hình thức diễn đạt tới hạn. Từ khi ra đời, chung quanh tác phẩm diễn ra những hoạt động văn hoá đặc sắc lôi cuốn tất cả mọi người từ những ông vua nổi tiếng khe khắt, say mê Khổng giáo như Minh Mệnh, Tự Đức đến các quan, các nhà nho, lớp tân học, dân thường. Thực tế trong lịch sử văn học một nước ít có tác phẩm lôi cuốn mọi người đến thế. Con người là con người trước khi là vua chúa hay dân đen. Nhưng khả năng anh ta nhỏ bé. Con mắt anh ta nhìn sự vật rất hời hợt. Tâm hồn anh ta lẩn tránh anh ta, anh ta không hiểu được chính mình. Chính nhờ Truyện Kiều mà ta hiểu được chính mình. Ta bắt gặp tình yêu, mong nhớ, vui sướng, đau khổ và vô vàn cảm xúc của mình. Ta ngạc nhiên thấy mắt mình tinh vi, tai mình tế nhị, tim mình bồng bột đến thế. Ta sung sướng thấy mình có một kho tàng vô giá, toàn loại ngọc bích liên thành[1]. Nó là của riêng ta đến mức trở thành một thứ ám ảnh lấn át mọi tác phẩm, mọi câu thơ khác.

Đó là nguyên nhân của những hoạt động văn hoá liên tục sôi nổi, tự nguyện lôi cuốn mọi người từ khi tác phẩm ra đời đến nay. Không thể kể hết các bài nghiên cứu về Truyện Kiều . Hầu như người nào nghiên cứu văn học Việt Nam cũng có một bài, một công trình về Kiều đã công bố hay chưa công bố, thuộc loại đắc ý nhất của đời mình. Lại còn kịch, cải lương, tuồng, hoạ, thơ… Hình như mỗi người Việt Nam đều có một duyên nợ với tác phẩm.

Ông Phạm Đan Quế là một giáo viên toán, nhưng cũng như tôi lại là một “Kim Vân Kiều nhân”. Ông sưu tập các biểu hiện văn hoá chung quanh các tác phẩm quen thuộc “Lẩy Kiều, Đố, Câu đối, Tập Kiều, Vịnh Kiều, Phú Kiều, Bình Kiều…” Vì số trang có hạn, ông chỉ có thể giới thiệu một số bài tiêu biểu nhất. Nhân có một cơ sở toán học, ông cố gắng tìm hiểu cách bói Kiều, các vần trong Kiều để cung cấp một cái nhìn khách quan. Công trình này là bổ ích cho bất cứ ai nghiên cứu Kiều không những như một hiện tượng văn học mà còn như một hiện tượng văn hoá, xã hội học, tâm lí học và phong tục học. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi tình hình nghiên cứu các khoa học nhân văn có bước đổi mới, chấp nhận cách nhìn đa ngành và liên ngành không đơn thuần lấy giáo dục tư tưởng làm mục tiêu, một tài liệu như thế này tự nó có một giá trị riêng đối với những người của nó.

Tôi chỉ là một trong vô số người tìm ở Kiều một “hồng nhan tri kỉ”. Tôi nghiên cứu Truyện Kiều với một tham vọng nhỏ bé: Tìm hiểu chính mình và lo xây dựng một phong cách cấu trúc có khả năng lý giải một phần các mỹ cảm trước hết là của tôi, sau đó là của mọi người. Tôi xuất phát từ tiêu đề: Con người về nguyên tắc là như nhau, nó say mê cái tận thiện, tận mỹ. Tôi có nghiên cứu một vài tác giả cụ thể, chẳng qua chỉ nhằm mục đích xây dựng một lý thuyết chung cho phép lý giải cái nhất trí ấy. Tôi rất sung sướng mặc dầu những công trình tôi viết có nhiều điểm “khó nghe”, chính nhờ uy tín của Nguyễn Du mà một số điểm khó nghe ấy không gây phản ứng bất lợi trong hoàn cảnh chưa có điều kiện công bố một phong cách học cấu trúc. Ông Phạm Đan Quế, do cơ sở đào tạo là một nhà toán học, cố đi tìm những bằng chứng khách quan của cái tận thiện, tận mỹ, có nhờ tôi giới thiệu công trình này. Tôi không dám tự xem mình là nhà Nguyễn Du học . Tôi hy vọng bạn đọc thấy ở đây những bằng chứng khách quan có ích cho việc tìm hiểu cái đẹp, trước hết là cái đẹp trong tâm hồn chúng ta. Mỗi người Việt Nam đều có một kho tàng vô giá. Đường đi đến kho tàng rất vất vả, nhưng thực tế Nguyễn Du đã bước vào kho tàng và con đường để bước vào kho tàng Nguyễn Du đã tìm được. Đây là bằng chứng cho phép chúng ta yên tâm, không phải lo ngại gì về nhân dân, chỉ nên lo ngại làm sao cho xứng với nhân dân mà thôi.

Tôi xin kết thúc bằng vài câu thơ bộ lộc cảm nghĩ của mình khi đọc quyển sách:

Lúc sống chỉ mong người sẽ khóc,

Bây giờ bốn biển rạng uy danh,

Chỉ nên lo nỗi mình vô dụng,

Đừng ngại nhân dân thiếu nhiệt tình!

Hà Nội ngày 10 tháng 4 năm 1991

Giáo sư Phan Ngọc

[1] Liên Thành bích. Chữ này đã được Chu Mạnh Trinh dùng trong Bài Tựa Truyện Kiều nổi tiếng trong đó có câu: Ngọc kia không vết, giá liên thành khôn xiết so bì, nước đã trôi xuôi, hồn cựu mộng vẫn còn vơ vẩn.

Lấy ở tích: Vua Huệ Văn Vương nước Triệu ngày xưa mua được viên ngọc bích của họ Hoà người nước Sở. Viên ngọc ấy có đặc điểm là trong lúc đêm tối phóng ra tia sáng soi thấu năm cỗ xe đi sau. Vì thế vua Chiêu Vương nước Tần nghe tiếng sai sứ sang nói với vua Triệu xin đổi lấy 15 thành liền. Viên ngọc được gọi là ngọc bích liên thành là vì thế.

ĐỌC THỬ

Phần thứ nhấtBÌNH KIỀU

Chương IBÌNH KIỀU QUA CÁC THỜI KỲ

***

I. BÌNH KIỀU

Truyện Kiều là quyển sách của muôn vàn tâm trạng. Thực vậy, trong Truyện Kiều, ngoài cảnh “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”, cuộc đời của Thuý Kiều tài sắc đã trải qua biết bao đau khổ: hai lần đi trốn, ba lần định tự tử, ba lần đi tu, bốn lần bị đòn, sáu lần lấy chồng và mấy lần bị Hoạn Thư hành hạ…

Trên hai chục biến cố ấy đã được Nguyễn Du mô tả một cách tài tình sống động. Mà đâu chỉ có thế, ông còn vẽ ra trước mắt ta biết bao cảnh ngộ của đời Kiều: ba lần chia tay với người tình, ba lần mơ thấy Đạm Tiên, ba lần gặp Giác Duyên, ba lần tâm sự thúc giục Thúc Sinh giải quyết cho êm đẹp chuyện gia đình, năm lần Kiều nhớ nhà, năm lần đánh đàn, hai mươi mốt lần tả tâm sự của Kiều trước hoặc sau mỗi biến cố của cuộc đời…

Tất cả đều được Nguyễn Du trình bày chỉ trong khoảng một trăm trang sách đầy ắp sự kiện. Mà tất cả đều được vẽ ra một cách sống động, hoàn hảo tuyệt vời.

Nếu đem so với các đôi tình nhân trong các bộ tiểu thuyết lớn trên thế giới: Cô dét – Mariuýt, Anna Karênina – Vrônski, Scáclét – Rết Bấtlơ… thì hai nhân vật chính của Nguyễn Du có đặc sắc riêng của mình: Đó là một tình yêu đã trở thành lý tưởng “gương trong chẳng chút bụi trần”. Kim Trọng – Thuý Kiều đã là người yêu đầu tiên của nhau và ở tuổi ngoài ba mươi, họ đã trở thành vợ chồng để chung sống với nhau đến trọn đời, vậy mà mãi mãi không một lần chung đụng trong khi nàng Kiều đã qua tay biết bao người trong hai lần ở lầu xanh.

Vich-To Huy-Gô khi viết xong bộ “Những người khốn khổ” một nghìn năm trăm trang đã phải thốt lên: “Quả thực đây là một trái núi”, thì với một trăm trang Truyện Kiều, chúng ta cũng không khỏi tự hào: “Đây cũng là một hòn núi nhỏ bằng kim cương”. Có lẽ trước và sau Nguyễn Du khó tìm được một tác phẩm văn học nào khiêm nhường mà lại vĩ đại như Truyện Kiều.

Chính vì vậy, từ khi ra đời, tác phẩm đã được nhân dân yêu chuộng và đã thu hút biết bao tâm huyết, trí tuệ của các bậc văn nhân, thức giả. Biết bao nhiêu suy tư cảm xúc, bao nhiêu lời phẩm bình, bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau đi sâu mong tiếp cận với thế giới tiềm ẩn trong tác phẩm để tìm ra vì sao Truyện Kiều lại có sức sống mãnh liệt và sức hấp dẫn đến kỳ lạ như vậy. Trước hết xin được nói về hiện tượng bình Kiều.

Ngày xưa bình thơ có nghĩa là đọc bài thơ với giọng trầm bổng ngân nga có âm điệu, rồi bao gồm cả đọc nghệ thuật và nhận xét, những lời nhận xét có khi khái quát mà nêu được cái thần của bài thơ ấy là những lời bình. Truyền thống phê văn bình thơ được lưu lại trong di sản quý giá của ông cha ta là: những lời đề tựa, đề từ, đề bút, những đoạn điểm bình trên các tập sách đã đọc đến thư từ, những cuộc xướng hoạ, bình văn… Lối phê bình nặng về cảm thụ, chỉ dừng ở chỗ thưởng thức mang tính cảm hứng, ngâm vịnh. Tuy ít tính khoa học của lý luận nghiên cứu phê bình văn học nhưng quan niệm của các cụ về văn chương lại rất rõ: Văn dĩ tải đạo, văn chương là để giúp đời.

Nay phê bình đã phát triển và có nhiều dạng có thể là: bình luận, bình giảng, bình nghị, bình chú, bình giải… khi kết hợp việc bình với một nội dung nữa mà cái chính là bình. Nhưng khi bình chỉ là phụ thì ta lại để bình ở sau mà có: luận bình, giảng bình, phẩm bình… rồi lạm bình, phê bình… Bình thơ theo Hoài Thanh là “từ chỗ mình cảm thấy hay, làm thế nào cho người khác cũng cảm thấy hay”. Nhưng trước hết là mình phải cảm thấy hay rồi cái chính của bình thơ lại là ở ý thứ hai: làm cho người khác cũng cảm thấy hay.

Trước một khối tài liệu dồi dào với mấy ngàn bài bình Kiều, vịnh Kiều, tập Kiều… có trong kho sách báo từ thế kỷ 19 đến nay, chúng tôi xin cố gắng lựa chọn, giới thiệu với bạn đọc một cái nhìn khái quát với một số bài cụ thể về sự hiện diện của Truyện Kiều trong đời sống tinh thần của các giai tầng xã hội nước ta.

II. BÌNH LUẬN CỦA CÁC VỊ ĐỒNG THỜI VỚI NGUYỄN DU

Chúng tôi xin bắt đầu bằng việc giới thiệu vấn đề bình Kiều và xin nêu những nhận định, đánh giá của những vị sống cùng thời với Nguyễn Du.

Bình Kiều đã có một lịch sử lâu dài. Có tài liệu nói rằng khi viết xong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã đưa bản thảo cho Phạm Quý Thích xem để viết bài tựa đề cho bản khắc in đầu tiên của quyển: Kim Vân Kiều tân truyện.

Ngay từ khi ra đời, tác phẩm đã được mọi người yêu thích. Và chắc chắn bạn bè tác giả đã có trao đổi, bình luận mà có thể những độc giả đầu tiên thuộc hai họ Nguyễn ở Tiên Điền và ở Tràng Lưu (Nguyễn Huy). Những đoạn bình Kiều theo lối bình điểm đầu tiên còn lại đến nay là của anh rể Nguyễn Du là Vũ Trinh, người Bắc Ninh và Nguyễn Lượng (con thứ 9 của Nguyễn Nghiễm), em khác mẹ của Nguyễn Du và là tri phủ Thiên Trường.

Rồi từ đó Truyện Kiều được truyền đến các nhà nho mà đến với mọi người. Đến khi Phạm Quí Thích đưa khắc ván để in ở phố Hàng Gai, Hà Nội thì Truyện Kiều nhanh chóng chuyển đến khắp nước và mới được phổ biến sâu rộng.

* Đọc đến hai câu viết về Hoạn Thư:

1533. Ở ăn thì nết cũng hay

Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.

Vũ Trinh phê:

Chân chính nhật vị đương gia mệnh phụ. Ngã dữ quân, sinh bất đồng thời, cư bất đồng địa, chí kim độc chi, do giác bất hàn nhi lật.

Thật đúng là một vị mệnh phụ đảm đương việc nhà. Ta với nàng sinh không cùng thời, ở không cùng chỗ mà nay đọc đến hai câu này như cảm thấy không rét mà run.

* Đến câu tả Kiều đánh đàn hầu rượu Hồ Tôn Hiến:

2569. Một cung gió thảm mưa sầu

Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.

Nguyễn Lượng phê:

Chỉ thử nhất cú vô hạn thương cảm, tưởng đương nhật Thuý Kiều ngũ chỉ thượng huyết thanh đô tùng tác giả nhất chi bút đầu tâm huyết trung xuất lai.

Chỉ một câu thơ này mà lòng thương cảm vô hạn, tưởng như ngày ấy những tiếng đàn đẫm máu trên năm đầu ngón tay của Thuý Kiều đều do từ tâm huyết của tác giả mà trào ra đầu ngọn bút.

Đây là những đoạn bình Kiều mang tính chất điểm xuyết, đọc đến đâu thấy cái hay ghi ngay ra lề trang giấy hoặc những chỗ còn trắng và để phân biệt người ghi bằng mực đen (gọi là mặc bình như của Vũ Trinh), người ghi bằng mực đỏ (gọi là chu bình như của Nguyễn Lượng). Lối phê này khá tự do và linh hoạt không phải viết thành bài nên nhiều khi gặp những ý hay là ghi ra không cần mở bài hay kết luận dài dòng mà cũng không câu nệ về mặt nào dù chính trị, đạo đức hay văn chương. Những lời bình điểm như thế này nhiều nhà văn vẫn làm nhưng không đưa ra công luận. Theo tài liệu hiện còn, trong bản Kiều mà Đào Nguyên Phổ giao cho Kiều Oánh Mậu có 48 đoạn bình điểm. Trong bản Đoạn Trường Tân Thanh -1902, Kiều Oánh Mậu chỉ chọn 15 chỗ với 17 lời bình (trong đó 6 chỗ của Nguyễn Lượng). Ngoài ra trên Văn hoá nguyệt san, số tháng 10-11 năm 1965 có nêu thêm 34 lời bình nữa của Vũ Trinh do cụ Ưng Gia chép tặng Viện khảo cổ với lời dịch của Bửu Cầm và Tạ Quang Phát – trong đó có ba chỗ đã nêu trong bản Kiều Oánh Mậu. Như vậy đến nay ta có 48 lời bình cho 45 đoạn Kiều (trong đó có 6 lời bình của Nguyễn lượng còn 42 lời bình của Vũ Trinh) mà trong quyển Truyện Kiều và các nhà Nho thế kỷ XIX chúng tôi đã giới thiệu 42 đoạn với 43 lời bình. Trong lần tái bản này, chúng tôi cho in thêm những lời bình còn lại. Những lời bình của Vũ Trinh, Nguyễn Lượng đều khá tinh tế sắc sảo nên ngày nay đã được mọi người xác nhận và trích dẫn.

* Cùng một đoạn Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều nhưng sau đoạn:

1515. Thương nhau xin nhớ lời nhau,

Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy.

1517. Chén đưa nhớ bữa hôm nay,

Chén mừng xin đợi ngày này năm sau!

Vũ Trinh phê:

Sổ bôi biệt tửu, sổ cú biệt tình, tổng thị biệt lệ nhiễm thành, biệt trường tả xuất, nhất thiên biệt phú, nhất bức biệt đồ, bất khả phân biện

– Mấy chén rượu biệt ly, mấy câu tình biệt ly, đều là những giọt lệ biệt ly nhuộm thành, những khúc ruột biệt ly tả nên một thiên phú biệt ly, một bức hoạ biệt ly, không thể nào chia ra mà xét được.

Và ngay hai câu thơ tiếp:

1525. Vừng trăng ai xẻ làm đôi?

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường!

Ông lại phê: Khả để nhất thiên biệt phú

– Ngang giá với một thiên phú biệt ly.

* Với câu 723: Thuý Vân chợt tỉnh giấc xuân, cả hai người cùng bình.

Nguyễn phê: Phụ tù, tỷ mại, chỉ quản hôn thuỵ. Thuý Vân nhị kiến thân phận tự biệt

– Cha bị tù, chị phải bán mình mà vẫn cứ ngủ say. Đến đây Thuý Vân hai lần xuất hiện mà xem thân phận của nàng đã khác với Thuý Kiều rồi!

Vũ phê: Thuý Vân tam kiến câu tự nhất khối ngoan thạch. Đoạn trường hội thượng na đắc hữu thử xuẩn hoá? Đạm Tiên kỳ nại tha hà? Chỉ hợp tuỳ phú quý tố mệnh phụ nhĩ

– Thuý Vân xuất hiện ba lần mà lần nào cũng trơ lỳ như hòn đá. Trong hội Đoạn trường làm gì có người ngu xuẩn như vậy được? Nàng Đạm Tiên còn làm gì được cô ấy nữa! Cô chỉ hợp với cảnh giàu sang để làm mệnh phụ phu nhân là phải…

Ngay khi sinh thời tác giả, nghệ thuật của Nguyễn Du trong việc sử dụng ngôn ngữ và mô tả nhân vật trong Truyện Kiều đã được đánh giá rất cao. Bài Tựa Truyện Kiều của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân viết cho bản Kiều năm 1820 là bài bình Kiều hoàn chỉnh đầu tiên còn lại đến nay, trong đó có đoạn:

“Trong một tập thuỷ chung lấy bốn chữ “tạo vật đố tài” tóm cả một đời Thuý Kiều: khi lai láng tình thơ, người tựa án khen tài châu ngọc, khi nỉ non tiếng nguyệt, khách dưới đèn đắm khúc tiêu tao; khi duyên ưa kim cải, non bể thề bồi; khi đất nổi ba đào, cửa nhà tan tác, khi lầu xanh, khi rừng tía, cõi đi về nghĩ cũng chồn chân, khi kinh kệ, khi can qua, mùi từng trải nghĩ mà tê lưỡi. Vui, buồn, tan, hợp, mười mấy năm trời, trong cuốn văn tả ra như hệt, không khác gì một bức tranh vậy. Xem đến chỗ giấc mộng Đoạn trường tỉnh dậy mà căn duyên vẫn gỡ chưa rồi; khúc đàn Bạc mệnh gảy xong, mà oán hận vẫn còn chưa hả, thì dẫu đời xa người khuất, không được mục kích tận nơi nhưng lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên là Đoạn Trường Tân Thanh cũng phải.

“Ta lúc nhàn đọc hết cả một lượt, mới lấy làm lạ rằng: Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy. Bèn vui mà viết Bài Tựa này…”

(Theo bản dịch của Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim)

Và càng ngày Truyện Kiều càng chinh phục được trái tim của mọi người.

III. THẾ KỶ 19 SAU KHI NGUYỄN DU QUA ĐỜI

Tháng hai năm Mậu Tý, niên hiệu Minh Mệnh (1828), tại Cẩm Đàm Trang Thứ, Phong tuyết chủ nhân Thập thanh thị trong Bài Tựa viết cho Truyện Kiều có nêu:

“… Kiều ngẫu nhiên mà sinh ra, mà có sắc đẹp, mà lại đa tình, cho đến khi đi Thanh minh, khi gặp Kim Trọng, khi bán mình chuộc cha, đều là ngẫu nhiên cả; cả đến lúc bị hãm ở thanh lâu, lúc đối chất ở phủ đường, lúc đã đâm đầu xuống Tiền Đường, lúc lại đoàn viên với Kim Trọng, cũng đều là ngẫu nhiên cả. Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm ly, vừa uỷ mị, vừa đốn toả, vừa giải thư, vẽ hệt ra một người tài mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái lịch duyệt của người ấy có lâm ly, uỷ mị, đốn toả, giải thư, thì mới có cái văn tả hệt ra như vậy. Thế thì Thuý Kiều không cần phải có người thực mới có truyện song cũng phải có như thế mới có truyện vậy.”

(Theo bản dịch của Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim)

Đợt bình Kiều có quy mô lớn đầu tiên là do vua Minh Mệnh (thông minh hiếu học, tinh thông Nho học và sùng đạo Khổng, yêu thích văn chương và say mê Truyện Kiều, trị vì từ năm 1820 đến 1840) đứng ra chủ trì là vào năm 1830, mở văn đàn ngâm vịnh và sai các quan ở Hàn Lâm Viện chép lại để cho đời sau. Nhà vua viết bài Tổng Thuyết bằng chữ Hán với nhan đề:

THÁNH TÔNG NHÂN HOÀNG ĐẾ NGỰ CHẾ TỔNG THUYẾT

Đây là một bài bình Kiều quan trọng cho ta thấy cách đánh giá của nhà vua đối với cuốn truyện. Sau đó các quan thừa chỉ ở Viện Hàn lâm đã được lệnh chép lại thành một tập thơ văn vào trung tuần tháng 8 năm Canh Thìn (1830). Đó là một tài liệu rất quý cho chúng ta và còn được chép lại trong tập Thanh Tâm Tài Tử cổ kim minh lương đề tập biên (Bản chép những bài của các vua hiền tôi giỏi xưa nay đề vịnh Truyện Kiều)

Đầu quyển là bài Tổng Thuyết của nhà vua. Đó là một bài văn chữ Hán làm theo thể phú cho ta biết cách nhìn nhận của nhà vua đối với Truyện Kiều. Mở đầu có đoạn:

Nếu không một phen bình phẩm, khóc cổ nhân mà tặng hậu nhân;

Thì sao rõ được ánh sáng bổ khuyết sử mà thành tín sử…

… Nên chi:

Khách bút nghiên hồi ấy; bạn tao đàn đời sau.

Thương chí nàng cho là hiếu trung; xét lòng nàng cho là trinh tiết…

Trong tập văn thơ này còn có các bài vịnh Kiều của Hà Tôn Quyền và một số bài khác nữa. Để độc giả có tư liệu tham khảo, chúng tôi xin giới thiệu bài Tổng Thuyết này với bản dịch của Võ Khắc Triển và Lê Thước.

Cũng như Minh Mệnh, Tự Đức thường triệu tập các nhà khoa bảng trong triều để bình vịnh Kiều. Vào đầu năm Tân Mùi (1871), nhà vua đã mở một văn đàn tại Phú Văn Lâu[1] (Lầu Phú Văn trên tả ngạn sông Hương trước kỳ đài ở Huế).

Tại đây nhà vua đã ngự đề bài Tổng Từ nhan đề:

DỰC TÔNG ANH HOÀNG ĐẾ NGỰ CHẾ TỔNG TỪ

Đây là một bài vịnh Kiều gồm 140 câu thơ thất ngôn cổ phong bằng chữ Hán do nhà vua làm ra. Bài thơ độc đáo ở chỗ chỉ dùng một vần bằng là: yên, uyên. Như thế rất khó làm vì phải dùng tới 71 chữ Hán có nghĩa khác nhau có cùng một vần như trên là vần bằng: yên, uyên.

Nhà Vua cũng sắc cho các quan Viện Hàn Lâm toà Nội các chép lại bài Tổng Từ cùng với các bài bình, vịnh Truyện Kiều vào thành một văn tập tên là: Thanh Tâm Tài Tử cổ kim minh lương đề tập biên. Một trong các bản chép lại sau này còn lưu ở Thư Viện Quốc gia, Hà Nội có ký hiệu VNV 240.

Trong bài tựa viết cho truyện Hoa Tiên, Cao Bá Quát cũng đánh giá: Kim Vân Kiều đạt thế ngữ (Truyện Kiều là tiếng nói hiểu đời). Năm 1898, trong Bài tựa Đoạn Trường Tân Thanh (tức Truyện Kiều) viết cho Kiều Oánh Mậu – sách xuất bản vào năm 1902 – Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ có nhận xét:

“Lời lẽ xinh xắn mà văn hoa, âm điệu ngân vang mà tròn trịa, tài liệu chọn rất rộng, sự việc kể rất tường, lượm lặt những diễm khúc tình từ của cổ nhân; lại góp đến cả phương ngôn ngạn ngữ nước nhà, mặn mà vụn vặt không sót, quê mùa tao nhã đều thu. Nói tình thì vẽ được hình trạng hợp ly cam khổ, mà tình không rời cảnh, tả cảnh thì bày hết thú vị tuyết nguyệt phong hoa, mà cảnh tự vướng tình, mực muốn múa mà bút muốn bay, chữ hay phô mà câu hay nói, khiến người cười, khiến người khóc, khiến người vui, khiến người buồn, khiến người giở đi giở lại ngàn lần, càng đọc thuộc lại càng không biết chán, thật là một khúc Nam âm tuyệt xướng, một điệu tình phổ bực đầu vậy…”

(Theo bản dịch của Trần Lê Nhân)

Năm 1905, để thưởng xuân Ất Tỵ, Tổng đốc Hưng Yên Lê Hoan đã có cái cao hứng triệu tập một số những danh sĩ đương thời tới họp cùng dự hội Tao Đàn, thi văn chương về Truyện Kiều. Nhà thơ Chu Mạnh Trinh được mời vào Tao Đàn ấy cùng với các ông Nguyễn Tấn Cảnh, Nguyễn Chí Đạo, Chu Thấp Hi, Nguyễn Kỳ Nam, tú tài Phan Thạch Sơ… Hai nhà thơ lão thành là Vân Đình Dương Lâm và Yên Đổ Nguyễn Khuyến sung vào ban duyệt khảo.

Kết quả được bảy, tám quyển trúng cách, trong số đó quyển của Chu Mạnh Trinh được nhất về thơ Nôm và quyển của Chu Thấp Hi được nhất về thơ chữ Hán. Ngoài 21 bài vịnh Kiều, Chu Mạnh Trinh còn có bài bình Kiều nổi tiếng:

THANH TÂM TÀI NHÂN THI TẬP TỰ

Bài tựa này đã có tới 7 bản dịch khác nhau (2 bản bằng văn xuôi, 5 bản theo thể phú). Bản dịch của Đoàn Tư Thuật kết thúc như sau:

Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu

Cái kiếp hoa không lẩm cẩm, con hồn xuân mộng bâng khuâng

Đã toan đúc sẵn nhà vàng, chờ người quốc sắc;

Lại muốn mượn chùm phương thảo, hú vía thuyền quyên

Sẵn bút nghiên chia vịnh từng hồi; đem sự tích tóm làm một tựa.

Bây giờ kể lại còn dài chưa hết, hạt ba tiêu như thánh thót mưa thu.

Hỡi ôi! Hồn có biết chăng?

Bóng hoàn bội tưởng ra vào Lạc phố!

Và như vậy ở thế kỷ 19, Truyện Kiều đã được nhân dân ta yêu chuộng đến mức nhiều người đã mê Kiều mà Chu Mạnh Trinh có thể được nêu như điển hình của một trang văn nhân tài tử say mê Truyện Kiều. Những bài bình Kiều, vịnh Kiều thế kỷ XIX chứng tỏ hai xu hướng tiếp nhận Truyện Kiều: cách đọc ký thác với tầm đón nhận cũ (hoặc khen hoặc chê) – xem tác phẩm như nơi gửi gấm tư tưởng, tình cảm của mình – và cách đọc tri âm với tầm đón nhận mới thể hiện mối đồng cảm sâu sắc với Nguyễn Du về số phận con người tài sắc bị vùi dập. Nhưng tất cả đều muốn được gửi gắm tâm sự của mình trong việc cảm nhận và thưởng thức Truyện Kiều.

IV. ĐẦU THẾ KỶ 20

Sang đầu thế kỷ thứ 20 khi chữ Quốc Ngữ dần dần chiếm lĩnh vị trí độc tôn trên văn đàn Việt Nam thì việc phê bình Truyện Kiều đã có cơ hội mở rộng đi sâu vào quần chúng. Cách thức phê bình cũng có sự thay đổi về chất. Cùng với việc thu nhập sách báo, đặc biệt là các bài dịch thuật về văn chương của phương Tây, các bài thuyết lý phê bình theo lối mới cũng phát huy tác dụng. Tiếp thu quan điểm mới này, phương pháp phân tích phê bình đã được mở rộng ra nhiều khía cạnh khác nhau phong phú, đa dạng.

Phan Kế Bính (Trong Việt Hán Văn Khảo) đã phân tích cái hay của văn chương Truyện Kiều trong tả người, tả cảnh đến cách dùng từ…

Tháng 12-1919, Phạm Quỳnh, chủ bút Tạp chí Nam Phong cho ra mắt một bài dài nhan đề “Khảo luận Truyện Kiều” với bút danh Thượng Chi mở đầu cho việc đánh giá tác phẩm theo lối phê bình phương Tây.

Tạp chí Nam Phong vào những năm này đã đăng một loạt bài nghiên cứu ca ngợi Truyện Kiều về nhiều khía cạnh, ta có thể kể những bài hay được nhắc đến như:

Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục: Văn chương và nhân vật trong Truyện Thuý Kiều –NP (Số 58, tháng 4-1922)

Vũ Đình Long: Nhân vật Truyện Kiều – NP (Số 68,69,70- 1923) – Triết lý và luân lý Truyện Kiều – NP (Số 71- 1924) – Văn chương Truyện Kiều – NP (Số 81,83,87 – 1924)

Nguyễn Tường Tam: Mấy lời bình luận về văn chương Truyện Kiều – NP (số 79, tháng 1-1924)

Trần Trọng Kim: Bài diễn thuyết về lịch sử cụ Nguyễn Du và văn chương Truyện Kiều – đọc trong lễ kỷ niệm Nguyễn Du – NP (Số 86-1924)…

Trong Bài diễn thuyết bằng quốc văn đọc tại Lễ kỷ niệm Nguyễn Du, được đăng trên Tạp chí Nam Phong, số 86, tháng 8-1924, Phạm Quỳnh đề cao Truyện Kiều đến hết mức:

“Văn chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì. Văn chương mình chỉ độc có một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc, ví lại khuyết nốt thì dân tộc ấy đến thế nào?

Than ôi! Mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng sốt, rụng rời, tưởng như hòn ngọc ở trên tay bỗng rơi xuống vỡ tan tành vậy. Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ dịp rung đùi, lên giọng cao ngâm:

Lơ thơ tơ liễu buông mành,

Con oanh học nói trên cành mỉa mai.

hay là: Phong trần mài một lưỡi gươm,

Những phường giá áo túi cơm sá gì!

bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhảy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!…

Có nghĩ cho xa xôi, cho thấm thía, mới hiểu rằng Truyện Kiều đối với vận mệnh nước ta có một cái quý giá vô ngần.

Một nước không thể không có quốc hoa, Truyện Kiều là quốc hoa của ta; một nước không thể không có quốc tuý, Truyện Kiều là quốc tuý của ta, một nước không thể không có quốc hồn, Truyện Kiều là quốc hồn của ta. Truyện Kiều là cái văn tự của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này. Trong mấy nghìn năm ta chôn rau cắt rốn, gửi thịt gửi xương ở cõi đất này, mà ta vẫn hình như một giống ăn trọ ở nhờ, đối với đất nước non sông vẫn chưa từng có một cái văn tự văn khế phân minh, chứng nhận cho ta có cái quyền sở hữu chính đáng. Mãi đến thế kỷ mới rồi mới có một đấng quốc sĩ, vì nòi giống, vì đồng bào, vì tổ tiên, vì hậu thế, rỏ máu làm mực, “tá tả” một thiên văn khế tuyệt bút, khiến cho giống An Nam được công nhiên, nghiễm nhiên, rõ ràng, đích đáng làm chủ nhân một cõi sơn hà gấm vóc…”.

Dịch giả người Pháp René Crayssac khi dịch Truyện Kiều ra thơ Pháp 12 chân (en alexandrins) đã viết một bài nghiên cứu dài tới 86 trang tiếng Pháp mà Phạm Quỳnh có trích dịch một phần trên Tạp chí Nam Phong số 111-112, năm

1926 với nhan đề Truyện Kiều và xã hội Á Đông.

Nêu giá trị của quyển Đoạn Trường Tân Thanh, René Crayssac đã viết: Le Chef d’oeuvre de Nguyễn Du peut subir, sans désavantage, la comparaison avec ceux de n’importe quel temps, de n’importe quel lieu (Kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh, một cách xứng đáng với kiệt tác của bất kỳ nước nào, trong bất kỳ thời đại nào).

Il n’y a pas dans toute notre littérature, une oeuvre qui soit aussi répandue, qui ait trouvé dans le peuple un accueil d’une telle ferveur (Trong tất cả nền văn chương của Pháp không có một tác phẩm nào được phổ thông, được toàn dân sùng kính và yêu chuộng bằng quyển truyện này ở Việt Nam).

Heureux l’écrivain qui a pu atteint dans un seul poème, faire vibrer et chanter toute l’âme de sa race (Và sung sướng thay bậc thi sĩ với một tác phẩm độc nhất vô nhị đã làm rung động và ca vang tất cả tâm hồn của một dân tộc)…

Vào rằm tháng hai năm Kỷ Tỵ (1929), Hội Khai Trí Tiến Đức lại tổ chức và dựng bia kỷ niệm Nguyễn Du. Phạm Quỳnh qua Tạp chí Nam Phong đã đề cao Truyện Kiều phải chăng có dụng ý nên mới nổ ra cuộc bút chiến quanh Truyện Kiều và cụ Huỳnh Thúc Kháng đã phải công kích lại để chiêu tuyết cho cụ Ngô Đức Kế như sẽ nói ở sau.

Dịp kỷ niệm ngày huý Nguyễn Du, mồng 10 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (19/9/1942), Hội Quảng Trị – Huế cho xuất bản TẬP VĂN HOẠ KỶ NIỆM NGUYỄN DU. Trên sách báo cũng xuất hiện rất nhiều bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Năm 1943, học giả Đào Duy Anh cho ra mắt quyển Khảo luận về Kim Vân Kiều đánh dấu chặng đường đầu nghiên cứu Truyện Kiều của các nhà tân học. Ông đã viết một chương để nói đến những ý kiến bình luận Truyện Kiều và khẳng định vị trí của tác phẩm trong văn học sử nước nhà và trong lòng người đọc: Địa vị sách Đoạn Trường Tân Thanh trong tư tưởng và văn học Việt Nam. Với cách phê bình khoa học, ông đã so sánh Truyện Kiều với nguyên gốc của Trung Hoa để đi đến kết luận:

“Nguyễn Du đã hoán cốt đoạt thai Kim Vân Kiều Truyện mà tạo thành một tác phẩm hoàn toàn mới.”

Năm 1958, sách được chỉnh lý và tái bản với nhan đề “Khảo luận về Truyện Kiều” và những ý kiến bình luận của các tác giả trước được nêu thành: Truyện Kiều được tất cả các tầng lớp xã hội Việt Nam thưởng thức và hâm mộ.

Cùng với bình Kiều là việc kết hợp chú giải và bình luận Truyện Kiều. Ngay khi cho xuất bản quyển Đoạn Trường Tân Thanh đầu thế kỷ 20, Kiều Oánh Mậu đã giới thiệu những lời bình Kiều của Vũ Trinh – Nguyễn Lượng kết hợp với những nhận xét bình luận của ông. Sau đó là Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim, Bùi Khánh Diễn, Hồ Đắc Hàm… Những quyển kết hợp chú giải và bình luận tương đối rõ nét là của Tản Đà và Lê Văn Hòe. Các vị nhận xét những cái hay của từng từ ngữ, nghĩa lý của từng câu thơ và trên cơ sở đó về sau các nhà biên khảo có thể cân nhắc lựa chọn.

V. NHỮNG CUỘC BÚT CHIẾN ĐẦU THẾ KỶ 20

1. Do Phạm Quỳnh đã đề cao Truyện Kiều một cách có dụng ý nên cụ Ngô Đức Kế phải viết bài Luận về chánh học cùng tà thuyết đăng trên tạp chí Hữu Thanh ngày 21-9-1924 để phản bác. Cụ mỉa mai Phạm Quỳnh: “Cứ như ý họ thì nước ta ở thế kỷ này mà muốn chế cái tễ thuốc thập toàn đại bổ cho dân cho nước thì không chi bằng quyển sách Trăm năm trong cõi người ta”. Cụ mạnh mẽ tố cáo động cơ của Phạm Quỳnh đến nỗi Phạm Quỳnh phải im hơi lặng tiếng và Tạp chí Nam Phong phải một thời gian sau mới đăng mấy bài và cũng không còn quá say sưa tán dương Truyện Kiều như trước nữa. Đến khi nhà chí sĩ họ Ngô qua đời, nhân trả lời bài Cảnh cáo các nhà học phiệt của Phan Khôi, Phạm Quỳnh lại đánh lạc hướng cuộc đấu tranh nhằm hạ uy tín người đã khuất. Không thể đừng được, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã công kích lại để chiêu tuyết cho cụ Ngô. Việc đề cao Truyện Kiều có quan hệ đến vận mệnh dân tộc mà đối với hai cụ thì “Chánh học” là vấn đề hàng đầu nên không thể nhượng bộ. Đồng thời cụ Huỳnh cũng tranh biện với Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Võ Liêm Sơn về Truyện Kiều qua các bài đăng trong báo Tiếng Dân trong đó phải kể đến các bài:

– Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không (17- 9 – 1930).

– Lại vấn đề Chánh học cùng tà thuyết (18-10-1930)

– Mê người trong tiểu thuyết cùng mê người trong tuồng hát (24-10-1943)

Thái độ của cụ Huỳnh cũng có phần gay gắt khi cụ ví Truyện Kiều như một chiếc hộp sơn son thiếp vàng “về mặt mỹ thuật rõ là cực tốt mà ở trong đựng những vật có chất độc”, cụ gọi Thuý Kiều là “con đĩ Kiều” rồi “cái giống độc con đĩ Kiều”… nhưng đều là xuất phát từ lòng yêu nước sâu sắc và thái độ dũng cảm của các cụ trong đấu tranh.

Tuy nhiên, nếu về mặt nội dung có nhiều vấn đề bàn cãi thì riêng về mặt nghệ thuật, mọi người dù đồng tình hay không về mặt này, mặt khác của Truyện Kiều, tất cả đều khẳng định giá trị nghệ thuật của tác phẩm, đóng góp vô cùng to lớn của Nguyễn Du vào kho tàng ngôn ngữ cũng như kho tàng văn học Việt Nam. Ai cũng thấy thực là khó mà khám phá hết cái hay, cái đẹp trong Truyện Kiều, một kho báu gần như vô tận khai thác mãi không cạn.

2. Vào khoảng 1939-1945, cuộc tranh luận nghệ thuật vị nghệ thuật – nghệ thuật vị nhân sinh bắt đầu với những bài viết về quan niệm văn học. Hoài Thanh như đại diện cho phái vị nghệ thuật đã hết lời ca ngợi vẻ đẹp hình thức: “Văn chương Truyện Kiều chính là nội dung Truyện Kiều vì nó là phần cốt yếu và vĩnh viễn. Thiếu phần ấy đi Truyện Kiều sẽ chỉ là một cái xác chết…”. Ông cho rằng cái đẹp của Truyện Kiều là không thể phân tích được: “Cứ phân tích, cứ giảng giải nó sẽ tan đi…”

Xuất phát từ quan điểm giai cấp tiến bộ, phái nhân sinh cho rằng văn chương là một mặt trận và lý tưởng xã hội mới là tiêu chuẩn hàng đầu. Truyện Kiều là một áng văn chương đẹp nhưng là “cái đẹp buồn bã, êm thấm, yếu ớt, suy đồi” (Cao Văn Chánh), Truyện Kiều “có một sự cổ động có hại cho quần chúng”, “Truyện Kiều làm cho ta tin ở số mệnh… ” (Khương Hữu Tài), nên “sẽ có ảnh hưởng xấu đến người đọc” (Cao Văn Chánh)… Hải Triều cho rằng: “Cụ Nguyễn Du trong khi khóc thân thế Kiều ở bên Trung Quốc, chẳng qua là để giải tỏ cái thân phận éo le của mình cùng bao nỗi đắng cay về thời đại Hậu Lê…” Tuy thiếu cái nhìn lịch sử cụ thể và có phần cực đoan nhưng các vị đã nêu bật được những điểm hạn chế trong Truyện Kiều.

3. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Bách Khoa lại áp dụng thuyết phân tâm học của Freud vào việc nghiên cứu Truyện Kiều với hai quyển Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942) và Văn chương Truyện Kiều (1944) đều in trên tờ Văn mới. Nguyễn Bách Khoa xem Truyện Kiều biểu hiện cá tính và đẳng cấp của Nguyễn Du, ông cho rằng Nguyễn Du là người “cơ thể ốm yếu và thần kinh hoảng hốt” rồi ” trong cơn khủng hoảng thần kinh, thi sĩ Nguyễn Du chỉ còn là một khí cụ ngoan ngoãn trong tay khiếu ảo giác…” Ông miêu tả Thuý Kiều là một con bệnh thần kinh với một tâm hồn ốm yếu bi sầu còn Truyện Kiều “chỉ là một thứ văn chương đã ở một vị trí phản tiến hoá lúc đương thời của Nguyễn Du… Cái đẹp của Truyện Kiều ngày nay chỉ những tâm hồn muốn thụt lùi mới có thể thưởng ngoạn được”. Qua hai quyển sách, ông tiếp cận Truyện Kiều dưới góc độ xã hội học dung tục mang tính khoa học máy móc và gây chấn động dư luận bởi những nhận định kỳ quặc. Đinh Gia Trinh, Nguyễn Văn Tố, Hoài Thanh đều phê phán những luận giải sai lạc đó trong các bài:

Hoài Thanh: Một vài ý kiến về quyển Nguyễn Du và Truyện Kiều của ông Nguyễn Bách Khoa (Vì chúa nguyệt san, 1943)

Đinh Gia Trinh: Nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều (Nhân đọc một cuốn sách mới của Nguyễn Bách Khoa), đăng trong 7 số liên tiếp của Tạp chí Thanh Nghị, 1944.

Phê bình quyển Nguyễn Du và Truyện Kiều, nhà văn Hoài Thanh viết: “Cái đẹp của Đoạn Trường Tân Thanh, cái chất thơ bàng bạc trong cả quyển truyện cũng cần phải được cảm thấy một cách hồn nhiên. Cứ phân tích, cứ giảng giải, nó sẽ tan đi. Đến đây phải im hơi, phải nhẹ nhàng mới hòng nhận thấy cái đẹp khi dịu dàng, thuỳ mị, khi tráng lệ huy hoàng…”

Thế là khi phê phán cái máy móc dung tục trong quyển sách, nhưng thuộc phái nghệ thuật vị nghệ thuật nên Hoài Thanh lại rơi vào cái chủ quan, siêu thực trong đánh giá Truyện Kiều.

VI. TRUYỆN KIỀU TRONG CHIẾN TRANH 1945-1975

Nhà phê bình Hoài Thanh trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đã viết một tác phẩm nhìn nhận Truyện Kiều dưới một góc độ mới và cho ra mắt vào năm 1949: “Quyền sống con người trong Truyện Kiều”. Ông cũng điểm lại cách luận bình của các lớp độc giả đối với Truyện Kiều qua từng thời kỳ.

Truyện Kiều được đưa vào sách giáo khoa trung học đầu tiên do giáo sư Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu (1941). Đến thập niên 50-70 là các sách giáo khoa trung học, ở miền Nam là Hà Như Chi, Phạm Văn Diêu, Phạm Thế Ngũ…

Năm 1955, kỷ niệm 135 ngày Nguyễn Du từ trần, báo Nhân dân có đăng bài Xã luận: Bảo vệ giá trị chân chính của Truyện Kiều mở đầu cho việc nghiên cứu kiệt tác sau ngày hoà bình lập lại. Tập trung vào nội dung xã hội của tác phẩm là:

Đặng Thai Mai: Đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung Truyện Kiều- Tập san Đại học Sư phạm số 3, Tháng 8,9,10-1955

Hoàng Xuân Nhị: Căn bản của chủ nghĩa nhân đạo chống phong kiến trong Truyện Thuý Kiều – Tập san ĐHSP (số 3, tháng 8,9,10-1955)

Đặng Thai Mai: Vấn đề hiện thực của Truyện Kiều – Tập san ĐHSP (số 3, tháng 8,9,10-1955)

Đào Duy Anh: Truyện Kiều – tác phẩm cổ điển tiêu biểu của văn học Việt Nam – Tập san ĐHSP (Số 1,1955)

Hoài Thanh: Sức cảm thông lạ lùng của nhà thi hào dân tộc – Báo Nhân Dân 9-9-1957

Các tác giả Hoài Thanh, Lê Trí Viễn, Hoàng Hữu Yên… trong những sách Văn học sử đều có những chương riêng viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều theo quan điểm mới.

Trong giai đoạn này cũng có một số tác giả viết về Truyện Kiều theo một cái nhìn máy móc như Trần Đức Thảo, Minh Tranh trong một số bài báo rồi Trương Tửu trong quyển: Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du – Hà Nội 1956 (NXB Xây dựng).

Đặc biệt năm 1965 theo quyết định của Hội Đồng Hoà Bình thế giới kỷ niệm Nguyễn Du, Uỷ Ban Khoa Học Xã hội và Viện Văn học đã tổ chức tiến hành những đợt nghiên cứu, hội thảo để làm sáng tỏ nhiều vấn đề trên quan điểm mới. Tập kỷ yếu KỶ NIỆM 200 NĂM NĂM SINH NGUYỄN DU ra đời năm 1966 đã tổng hợp nhiều bài viết quan trọng trong dịp này gồm:

– Các văn kiện và tài liệu

– Các tiểu luận nghiên cứu về Nguyễn Du

– Các diễn văn, tiểu luận nghiên cứu về Nguyễn Du ở nước ngoài.

Đây là một tài liệu quý giúp chúng ta một số nhận định mới về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Những bài quan trọng là:

Hoài Thanh: Nguyễn Du, một trái tim lớn, một nghệ sĩ lớn – VH (Số 11-65)

Trường Chinh: Nói về Nguyễn Du và Truyện Kiều –VH (Số 11-65)

Nguyễn Lộc: Về ngôn ngữ nhân vật trong Truyện Kiều –VH (Số 11-65)

Xuân Diệu: Bản cáo trạng cuối cùng trong Truyện Kiều – VN (Số 135,26-11-1965)

Nguyễn Khánh Toàn: Nguyễn Du, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam –VH (Số 12-65)…

Trong thời gian này, Xuân Diệu, Lê Đình Kỵ, Đào Duy Anh đi sâu vào nghiên cứu với các tác phẩm:

Thi hào dân tộc Nguyễn Du – Xuân Diệu – NXB Văn học – Hà Nội 1966.

Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du – Lê Đình Kỵ – NXB Khoa học xã hội – Hà Nội 1970.

Và đặc biệt năm 1974, học giả Đào Duy Anh đã cho ra mắt quyển Từ điển Truyện Kiều – Nhà xuất bản Khoa học xã hội – Hà Nội 1974 – đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc nghiên cứu Truyện Kiều. Cho đến nay đây là quyển từ điển về một tác phẩm được nhiều người sử dụng nhất ở nước ta đã được tái bản đến bốn lần. Trên thế giới, ở các nước có nền văn học vĩ đại như Trung Quốc, Nga, Pháp… theo tìm hiểu của chúng tôi hiện cũng chưa biết được có quyển từ điển nào về một tác phẩm được sử dụng và in lại nhiều như vậy mà nếu có cũng thường là những cuốn từ điển về nhiều tác phẩm hay từ điển về một tác giả.

Ở Sài Gòn có Chân dung Nguyễn Du – do Nam Sơn xuất bản, 1960 – tập hợp những bài viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều và sau đó là mấy số Đặc san kỷ niệm Nguyễn Du vào năm 1965.

Cũng trong dịp này có một số sách viết về Truyện Kiều được ra mắt như:

Thư mục về Nguyễn Du – Lê Ngọc Trụ và Bửu Cầm Sài Gòn. 1965 (Viện khảo cổ -Bộ Giáo dục).

Ý niệm bạc mệnh trong đời Thuý Kiều – Đàm Quang Thiện – Sài Gòn 1965 (Nam Chi tùng thư).

Đọc lại Truyện Kiều – Vũ Hạnh- Sài Gòn 1966 (Cảo Thơm, TB: Nghĩa Bình 1987).

Thế giới thơ ca Nguyễn Du – Nguyễn Đăng Thục – Sài gòn – Kinh thi xuất bản, 1971…

Nhà văn Vũ Hạnh đã góp thêm những bài bình luận độc đáo và cho ta thấy rõ thêm giá trị đặc sắc của Truyện Kiều. Nguyễn Văn Trung muốn nêu lại bằng bài “Đặt lại vấn đề Truyện Kiều hay phê bình phê bình văn học”, trong đó ông phủ nhận hướng phê bình luân lý Truyện Kiều với những đánh giá được ghi nhận là tiến bộ.

Bên cạnh đó là những nhận định khá kỳ quặc của Nguyên Sa Trần Bích Lan và Thanh Lãng. Trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (1967), Thanh Lãng tổng kết đời sống của Truyện Kiều theo 7 số phận mà ông đặt tên là: Kiều hài nhi – Kiều, con bé ranh mãnh hỗn xược – Kiều, con bé tội nghiệp đáng thương – Kiều thần tượng, Kiều minh tinh – Kiều bà già hết duyên – Kiều bị đấu tố, bị hoả táng – Kiều đầu thai. Với thi hào Nguyễn Du, ông cũng đưa ra 12 tiêu đề đầy ý vị hiện sinh cũng kỳ quặc như: Nguyễn Du một hiện hữu quái gở – Nguyễn Du, thi sĩ kiêu hùng trong bi đát – Nguyễn Du, thi sĩ của mồ mả, tha ma, nghĩa địa – Nguyễn Du, thi sĩ của tan rữa, điêu tàn, huỷ diệt…

VII. TRUYỆN KIỀU TỪ SAU 1975

Trong gần hai thế kỷ qua, việc bình Kiều đã thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trước hết phải nói đến văn chương Truyện Kiều . Người ta đã bàn nhiều về ngôn ngữ, cách sử dụng vốn từ, văn miêu tả, tự sự, tả cảnh ngụ tình… cùng với các bài viết về văn chương Truyện Kiều . Trong khi các nhà cựu học được đào luyện theo lối học khoa cử theo con đường từ chương cổ Trung Hoa, suy nghĩ nghiền ngẫm từng chữ, từng câu thì về sau người ta bàn đến cách xây dựng nhân vật, cách miêu tả tâm lý, văn đối thoại, cách chuyển đoạn, chuyển ý trong Truyện Kiều .

Về nội dung tư tưởng cũng biết bao vấn đề được đặt ra: Luân lý trong Truyện Kiều , đạo đức các nhân vật, tính cách, lối ứng xử. Những vấn đề triết lý: tư tưởng Khổng giáo, tư tưởng Phật giáo… Từ 1975 đến nay, các nhà nghiên cứu Truyện Kiều đi sâu vào mấy hướng tiếp cận sau đây:

1. Dưới góc độ phương pháp sáng tác, năm 1970, Lê Đình Kỵ đã có một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc: Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du. Trong đó tác giả bằng những phân tích sắc sảo đã có những phát hiện mới có sức thuyết phục về lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Du, về triết lý cũng như về các nhân vật trong Truyện Kiều . Tuy nhiên ông cũng dè dặt đề cập đến chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du khi ông viết: “Chủ nghĩa hiện thực của Truyện Kiều là chủ nghĩa hiện thực trong hình thức phát triển của nó” . Vì vậy đến năm 1986, ông cho ra mắt Hiểu đúng đắn Truyện Kiều (Hội Văn nghệ Đồng Tháp). Năm 1992, ông lại viết gọn quyển sách của mình với nhan đề Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực. Tác phẩm của Lê Đình Kỵ mở ra một hướng nghiên cứu mới. Năm 1989, trong quyển Về chủ nghĩa hiện thực thời đại Nguyễn Du (NXB Văn học), Đỗ Đức Dục viết: “Có thể xem Nguyễn Du như người mở đầu cho chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam……Cho nên có thể gọi đó là chủ nghĩa hiện thực trữ tình tạo nên cái âm hưởng cho cả nền văn học đương thời.”…

2. Nghiên cứu thể loại của tác phẩm: Năm 1979, Đặng Thanh Lê đi vào thể loại với Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm (Nhà xuất bản Khoa học xã hội). Tác giả cho rằng Nguyễn Du chưa thể hoàn toàn vượt mới trên những điều kiện xã hội và văn học thời ấy để mô tả một cách “hiện thực” trong tác phẩm của mình. Nghiên cứu Truyện Kiều như một cột mốc trên con đường phát triển của thể loại truyện Nôm, quyển sách đã góp phần nêu bật được giá trị của tác phẩm và giải thích được những thành tựu mang tính chủng loại trong tương quan giữa Nguyễn Du và các tác giả cùng thời cũng như giữa Truyện Kiều và các truyện Nôm khác.

3. Nghiên cứu phong cách tác giả: Năm 1985, Phan Ngọc cho ra mắt quyển Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (Nhà xuất bản Khoa học xã hội). Tác giả đã cố gắng vân dụng phong cách học để tìm những cống hiến riêng tạo thành phong cách Nguyễn Du. Tác giả đã tiếp cận Truyện Kiều bằng “thao tác luận” với cách nhìn mới và những kiến giải đặc sắc. Ông đối lập Truyện Kiều với Kim Vân Kiều Truyện để chứng minh rằng “Nguyễn Du đã áp dụng những thao tác kỹ thuật rất công phu để biến câu chuyện nhất thời thành câu chuyện muôn đời, đã nâng câu chuyện tạo vật đố tài lên thành mức thang nhân loại”. Tác giả còn chú ý đến tính hiện đại của Nguyễn Du trong việc “xây dựng được một loại hình tiểu thuyết thực sự mới mẻ: loại hình tiểu thuyết phân tích tâm lý”. Lần đầu tiên, nhiều vấn đề mới được trình bầy cặn kẽ và hấp dẫn như: phương pháp tự sự của Nguyễn Du, Truyện Kiều – tiểu thuyết phân tích tâm lý, cách bố cục Truyện Kiều theo yêu cầu của kịch rồi câu thơ, ngôn ngữ, ngữ pháp trong Truyện Kiều…

4. Nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều trong quyển Những thế giới nghệ thuật thơ (NXB Giáo dục,1995), Trần Đình Sử đã bước đầu đề cập đến trong phần thứ tư: Mấy khía cạnh thi pháp Truyện Kiều của Nguyễn Du. Rồi năm 2002 hoàn chỉnh thành một tác phẩm riêng Thi pháp Truyện Kiều (NXB Giáo dục). Tác giả đã trình bày những chặng đường nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều – Quan hệ giữa Truyện Kiều với văn hoá, văn học Trung Quốc rồi với văn hoá, văn học Việt Nam. Trong chương Truyện Kiều – thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du, ông nêu rõ điều sáng tạo mới mẻ của Nguyễn Du là biến nhân vật chính từ con người đạo lý thành con người tâm lý. Từ những chữ lòng, chữ thân, chữ ai… được Nguyễn Du lặp lại nhiều lần có dụng ý trong Truyện Kiều, ông cho rằng: Tài mệnh là trường hợp riêng của thân mệnh (nghiệp) muốn vượt lên con người chỉ có thể dựa vào chữ tâm và ta có thể nói chủ đề cơ bản của Truyện Kiều là “thân mệnh tương đố “… Để chứng minh Nguyễn Du là nghệ sĩ của ngôn từ, Trần Đình Sử viết: “…Nguyễn Du đã “đập vỡ” cấu trúc ngôn ngữ hàng ngày để tạo thành ngôn từ nghệ thuật… Ông cũng đã “đập vỡ” cú pháp thông thường để tạo ra những câu thơ “trốn” chủ từ như nhiều người nhận xét và làm cho ý nghĩa của câu thơ trở nên mơ hồ mênh mang…”

5. Hướng văn học so sánh: Phạm Đan Quế với Truyện Kiều đối chiếu – NXB Hà Nội, 1991 – giới thiệu một cách nhìn đối chiếu giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều Truyện “để người đọc tự đánh giá, tự mình xác định những điểm giống nhau và khác nhau giữa hai tác phẩm nhằm quy định xem phần nào là của Nguyễn Du, phần nào là của Thanh Tâm Tài Tử để thanh toán quan điểm cho rằng Truyện Kiều chẳng qua chỉ là sách dịch”. Đến năm 2000, qua quyển “Truyện Kiều và Kim Vân Kiều Truyện” (NXB Văn học), Phạm Đan Quế còn tiến thêm một bước bằng cách đối chiếu từng 10 câu Kiều một với nội dung trong Kim Vân Kiều Truyện để cung cấp cho độc giả một cái nhìn cụ thể hơn về sự sáng tạo của Nguyễn Du khi từ một quyển tiểu thuyết chỉ có cốt truyện hay để “hoán thai đoạt cốt” biến thành một truyện thơ tuyệt diệu đến mức độ vô song, một “Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ”. Qua sự đối chiếu khá cụ thể đến từng chi tiết, người đọc thấy rõ Truyện Kiều đã được Nguyễn Du kể lại bằng một nghệ thuật kể chuyện đặc sắc, từ cách kể mới mẻ đầy sáng tạo, đến giọng điệu có hồn và lời kể gọn gàng, cụ thể đậm đà chất trữ tình và chất nặng chất dân gian, nên đã đến được với mọi giai tầng trong xã hội ta và trở thành “cuốn bách khoa của hàng vạn tâm hồn” người Việt.

Ngoài ra còn có một số sách như:

Chữ nghĩa Truyện Kiều – Nguyễn Quảng Tuân – Hà Nội. 1990 (KHXH).

Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều – Đỗ Minh Tuấn – Hà Nội, 1995 (VHTT).

Nhật Ký đọc Kiều – Lưu Trọng Lư – Hà Nội, 1995 (Hội Nhà văn).

Giảng văn Truyện Kiều – Đặng Thanh Lê – Hà Nội, 1999 (Giáo dục).

Có những tác giả còn đi sâu nghiên cứu Truyện Kiều về ngôn ngữ (Lê Xuân Lít), về văn bản học (Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Bảo, Thế Anh, Đào Thái Tôn…). Chưa kể mấy chục bản Kiều của nhiều nhà biên soạn khác nhau được in ra cả chữ Nôm và chữ Quốc ngữ lẫn các bản dịch ra Pháp, Anh, Hán văn được in lại và dịch lại trong đó có những đoạn bình Kiều.

6. Về văn bản Truyện Kiều các loại tới năm 1965 đã có tới 23 lần xuất bản bằng chữ Nôm và 71 lần xuất bản bằng chữ Quốc ngữ với các bản Kiều có chú thích, dẫn giải của các học giả như Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Khánh Diễn, Bùi Kỷ – Trần Trọng Kim, Tản Đà đến Lê Văn Hòe, Đào Duy Anh… Từ năm 1965 đến nay đặc biệt là những năm cuối thế kỷ 20 thì số bản in Truyện Kiều của các nhà xuất bản khác khó mà thống kê nổi, nhiều bản Kiều nôm cũ cũng như mới tìm thấy đã được in lại.

Các bản dịch Truyện Kiều ra tiếng nước ngoài cũng nhiều nhưng bản dịch ra tiếng Pháp là phong phú hơn cả. Hiện đã có tới 10 bản dịch khác nhau ra tiếng Pháp, dịch toàn bộ 3.254 câu Kiều ra văn xuôi hoặc thơ – thơ tự do (En vers libres) hoặc thơ 12 chân (En alexandrins).

Nhưng ngoài các văn bản Truyện Kiều (chữ nôm, chữ quốc ngữ và các bản dịch ra ngoại ngữ) kể trên, sách quốc ngữ trong thế kỷ 20 viết riêng về Nguyễn Du và Truyện Kiều đã có trên một trăm cuốn và sang đầu thế kỷ 20 chỉ trong 4 năm đã có thêm 18 quyển nữa được xuất bản. Như vậy chúng ta thấy quả là trên văn đàn Việt Nam thế kỷ 20, Truyện Kiều có một vị trí cực kỳ đặc biệt: Thì treo giải nhất chỉ nhường cho ai!

Trong phần tư liệu, chúng tôi không chỉ giới hạn ở các bài bình Kiều của các nhà cựu học. Ở lần tái bản này, trong mong muốn đưa đến quý vị độc giả một cái nhìn tương đối toàn diện về việc bình Kiều, chúng tôi xin trích thêm một số ý kiến của các nhà phê bình nửa sau thế kỷ 20.

[1] Theo lệ thường nhà vua chỉ ngự lên Phú Văn Lâu để ban bố những văn kiện có tính chất quốc gia đại sự như Chiếu lên ngôi, Dụ chiêu an… Nhà vua ban bố bài Tổng Từ ở đây là muốn nói lên tầm quan trọng của nó đối với Triều đình.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button