Marketing

Phong Cách PR Chuyên Nghiệp

phong cach pr chuyen nghiep sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Hoàng Xuân Phương – Nguyễn Thị Ngọc Châu

Download sách Phong Cách PR Chuyên Nghiệp ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH MARKETING

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                      

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI TỰA

Có lẽ cụm từ “Public Relations” hay còn gọi là “PR” không còn xa lạ với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ – những người năng động, nhiệt huyết và sáng tạo. Thế hệ trẻ ngày nay có nhiều cơ hội để thành công trong sự nghiệp, cũng như có nhiều cơ hội được học tập ngành nghề mình yêu thích. Ngành PR ra đời và nhanh chóng phát triển là một tất yếu khách quan, tạo ra môi trường rộng lớn đầy thách thức cho các bạn trẻ thỏa sức sáng tạo và đóng góp tài năng cho xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế ở nước ta hiện nay, chưa có nhiều trường lớp chính quy đào tạo chuyên ngành PR một cách bài bản. Đa số các chuyên viên PR đang hoạt động trong lĩnh vực này đều đi lên và thành công từ những trải nghiệm, những bài học kinh nghiệm thu lượm được trong công việc. Điều đó cũng gây không ít hoang mang, bối rối cho những bạn trẻ mới vào nghề hoặc những người đã đi làm một thời gian nhưng vẫn cảm thấy mình chưa hiểu thật đầy đủ về PR. Cuốn sách Phong cách PR chuyên nghiệp sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức thực tế bổ ích, vì đây là đúc kết kinh nghiệm của những người tâm huyết và nhiều trải nghiệm trong lĩnh vực PR.

Sự cạnh tranh trong kinh doanh ngày càng trở nên khốc liệt, nên để đứng vững, sống sót và phát triển, thành công trên thị trường, các doanh nghiệp cần sáng tạo và thừa nhận tầm quan trọng của truyền thông. Thật vậy, nếu một doanh nghiệp hoạt động tách rời hay không cần, không sử dụng đến truyền thông thì doanh nghiệp đó không thể tồn tại, phát triển bền vững được. Và một trong những công cụ đưa thông tin tiếp cận công chúng, khắc sâu vào tâm trí công chúng và để lại những tình cảm tốt đẹp là PR. Chính vì lý do đó, nên hiện nay các công ty rất chú trọng đầu tư cho PR – một hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.

Ở Việt Nam, có một số cuốn sách đã xuất bản viết về PR, tuy nhiên chúng mới chỉ dừng lại ở việc đề cập đến vấn đề mang tính lý thuyết, lập kế hoạch, chân dung người làm PR cùng những tố chất, nghệ thuật PR. Khác với những cuốn sách ấy, Phong cách PR chuyên nghiệp đi sâu vào quy trình làm việc của một chuyên viên PR trong môi trường kinh doanh thực tế. Cung cấp cho độc giả những phương pháp, những hướng dẫn cụ thể, nên đọc xong cuốn sách này ít nhiều khi đặt bút xuống viết một thông cáo báo chí, bạn sẽ biết bắt đầu từ đâu. Khi muốn tiếp xúc với một phóng viên, bạn sẽ biết mình nên làm gì đầu tiên. Mỗi một quy trình, mỗi một kỹ năng được đề cập trong cuốn sách đều xuất phát từ những kinh nghiệm thực tế mà chúng tôi tích lũy được trong quá trình làm việc cho các công ty truyền thông, các doanh nghiệp và giảng dạy tại các trường đại học cũng như huấn luyện cho các doanh nghiệp. Đó chính là điểm đặc biệt giúp cuốn sách được nhiều người đánh giá là có tính thực tiễn cao.

Đọc Phong cách PR chuyên nghiệp, bạn như mang cả lớp học PR tiền triệu về nhà.

LỜI MỞ ĐẦU

ĐỐI TƯỢNG BẠN ĐỌC

Cuốn sách Phong cách PR chuyên nghiệp được viết dành cho các nhân viên PR, marketing, nhân viên phòng đối ngoại, những người làm việc trong các công ty truyền thông, những bạn trẻ yêu thích ngành truyền thông nói chung, PR nói riêng và các bạn sinh viên đang theo học ngành quản trị kinh doanh, marketing, PR và quảng cáo, báo chí cùng những chuyên ngành khác nhưng muốn tìm hiểu về công việc của người làm PR. Cuốn sách rất hữu ích cho những ai mới bước chân vào lĩnh vực PR và cảm thấy mọi thứ còn khá mới mẻ, lạ lẫm, đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu và dành cho những ai muốn nâng cao hiệu suất công việc, vốn hiểu biết của mình. Mục tiêu của chúng tôi khi viết cuốn sách là cung cấp những chỉ dẫn cơ bản nhất, những phương pháp thường sử dụng nhất cho một nhân viên PR. Chúng tôi ví cuốn sách này như là một cẩm nang “nghệ thuật nấu ăn”, hướng dẫn cho bạn tường tận từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu đến chế biến thành phẩm như thế nào. Bạn sẽ được trang bị các phương pháp để viết một thông cáo báo chí hiệu quả, quy trình cơ bản nhất để tổ chức một buổi họp báo, cung cấp các kỹ năng để bạn tạo dựng quan hệ với nhà báo, cũng như cách làm việc hiệu quả với Agency và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bạn còn được tiếp cận với những ví dụ cụ thể và phụ lục để có thể nhanh chóng ứng dụng vào thực tế cho công việc hiện tại hoặc tương lai.

NỘI DUNG CUỐN SÁCH

Cuốn sách gồm bốn phần, đề cập những điều cơ bản nhất của một người làm PR – những công việc mà các nhân viên PR phải đối mặt và làm hàng ngày.

Cuốn sách mở đầu với phương pháp viết thông cáo báo chí (TCBC). Là nhân viên PR, dù bạn làm trong doanh nghiệp hay trong Agency thì thông cáo báo chí là điều cơ bản, đầu tiên mà một người làm PR cần nắm rõ, bạn không thể trở thành một chuyên viên PR giỏi mà không biết viết TCBC. Trong phần này chúng tôi sẽ giới thiệu với bạn một bố cục chuẩn của TCBC và phương pháp dễ dàng nhất để bạn dù không phải là nhà báo, không tốt nghiệp từ khoa văn, không giỏi ngôn ngữ cũng có thể viết được một TCBC thành công. Với những ví dụ cụ thể và phần phụ lục các mẫu TCBC rất hữu ích cho bạn khi viết TCBC.

Phần II tập trung vào những vấn đề mà bạn cần lưu ý khi làm việc với giới truyền thông, bản chất của PR là tạo sự kiện, và để cho báo chí nói về mình. Làm sao để tin tức của công ty bạn thường xuyên được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, làm sao để phóng viên trực tiếp gọi điện đến phòng PR nhờ sắp xếp một cuộc phỏng vấn hay để lấy thông tin cho bài viết của mình. Tất cả những điều đó chính là cơ hội để quảng bá hình ảnh công ty với công chúng. Dĩ nhiên, với số lượng doanh nghiệp khổng lồ như hiện nay thì phóng viên không thể nhớ hết tên các công ty cũng như nhân viên PR. Chỉ những nhân viên PR, những công ty nào tạo dựng được mối quan hệ tốt với họ thì họ mới tìm đến khi cần lấy thông tin viết bài. Phần này đưa ra những lời khuyên cơ bản và thiết thực nhất, những điều bạn nên làm và không nên làm khi tiếp xúc với nhà báo cũng như các kỹ năng duy trì mối quan hệ, những điều tưởng chừng như rất đơn giản nhưng nhiều người lại thường bỏ qua.

Phần III trang bị cho bạn những kỹ năng cần thiết để tổ chức một buổi họp báo hiệu quả. Công việc của nhân viên PR là thường xuyên tổ chức những buổi họp báo để cung cấp thông tin cho phóng viên và để phóng viên có những trải nghiệm với công ty. Tuy nhiên, nếu không có phương pháp, kỹ năng thì quả thật đây không phải là công việc dễ dàng vì có rất nhiều tiểu tiết bạn có thể bỏ qua. Bạn được cung cấp một quy trình tổ chức họp báo với đầy đủ công việc và được phân chia rõ ràng, cụ thể cho các bộ phận. Với quy trình này, mỗi khi tổ chức họp báo bạn sẽ không phải lo lắng xem mình nên bắt đầu từ đâu nữa.

Phần IV viết về kỹ năng làm việc với Agency. Cho dù một doanh nghiệp lớn đến đâu chăng nữa thì có nhiều công việc họ cũng phải thuê các Agency bên ngoài để hỗ trợ. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và Agency không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Và không phải sự kết hợp nào cũng tạo ra những kết quả ngọt ngào. Phần này sẽ giúp các bạn dù làm việc cho doanh nghiệp hay Agency cũng biết cách phối hợp với nhau hiệu quả. Từ việc lựa chọn Agency đến những khó khăn, thuận lợi khi trở thành đối tác. Tất cả những điều này có thể bạn đã biết vì nó quá hiển nhiên, nhưng trong cuốn sách này chúng tôi giúp các bạn hệ thống lại và có những hướng dẫn cụ thể cho công việc của mình.

ĐỌC THỬ

1. VAI TRÒ CỦA THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Công việc chính của một nhân viên PR là làm sao để giới truyền thông chuyển tải thông tin của công ty/ doanh nghiệp mình đến với các đối tượng công chúng khác nhau. Có rất nhiều công cụ để nhân viên PR thực hiện việc chuyển thông tin đến với nhà báo và thông cáo báo chí (TCBC) là một trong những công cụ đó. TCBC còn được gọi là Press Release, là bài viết mang thông tin chính thức của một doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội, cá nhân… gửi đến các cơ quan thông tấn báo chí. Nhờ đó các cơ quan truyền thông này giúp công ty, tổ chức… đưa tin về một sự kiện, chính sách, hoạt động hay kết quả nào đó mà công ty muốn công chúng biết.

TCBC thường gắn với các sự kiện (khai trương, động thổ, tiệc mừng, giải thưởng, cuộc thi, v.v…) hoặc vấn đề xảy ra (khủng hoảng doanh nghiệp, thay đổi chính sách, hoạt động doanh nghiệp, v.v…).

Bên cạnh đó, TCBC còn được xem là cầu nối giữa PR với giới truyền thông và công chúng. Nhờ có TCBC mà ba bên này hiểu được công việc của nhau, công ty có thể chuyển tải đến công chúng những điều mình muốn nói, công chúng biết được công ty đang hoạt động như thế nào, có chương trình gì… Còn nhà báo sẽ có thông tin cho những bài viết của mình. Điều quan trọng nhất của TCBC là sẽ cung cấp thông tin cho giới truyền thông. Mỗi mẫu tin đưa ra từ bản thông cáo báo chí sẽ được các báo khai thác ở những khía cạnh khác nhau. Ví dụ như với thông tin “Piaggio sẽ sản xuất xe máy tại Việt Nam vào năm 2009”, báo Đầu tư sẽ khai thác khía cạnh nhà máy sản xuất xe Piaggio Việt Nam, số vốn đầu tư, công suất và giấy phép đầu tư; còn tạp chí Ôtô & Xe máy sẽ viết chi tiết về “Vespa LX Việt Nam”. Ngoài ra, TCBC còn giúp công ty giải đáp câu hỏi của dư luận, đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng hoặc giải đáp những thắc mắc của khách hàng khi có sự cố.

Để viết TCBC hiệu quả, trước tiên chúng ta cần tìm hiểu mô hình truyền thông hai bước do E. Katx và Lazarsfed1 đề xuất, trong đó thông tin được tiếp nhận bởi những “người gác cửa” chủ chốt (thường là những thủ lĩnh tư tưởng), sau đó họ sẽ tiếp tục diễn giải cho giới công chúng.

Theo mô hình này, nếu người làm PR tung ra một thông cáo báo chí, thì những nhà báo được mời tham gia chiến dịch sẽ đóng vai trò thủ lĩnh tư tưởng và diễn giải thông tin cho độc giả. Chính vì vậy, cùng nhận một TCBC như nhau nhưng các nhà báo sẽ có những cách diễn giải, cách tiếp cận khác nhau tùy vào phong cách, ngôn ngữ của từng phóng viên cũng như phụ thuộc vào tôn chỉ, mục tiêu và kiểu tin tức của các báo.

Ví dụ: Cùng một TCBC của IPC, phóng viên ở các báo khác nhau sẽ đăng tải những tin tức khác nhau.

Tin tức đi trên báo về Lễ kỷ niệm 20 năm của Công ty Phát triển Công nghiệp Tân thuận được đưa ra như sau.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

IPC TIẾN RA BIỂN ĐÔNG – CHẶNG ĐƯỜNG 20 NĂM

TPHCM, ngày 24 tháng 10 năm 2009 – Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) tổ chức “Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì” do Thủ tướng Chính Phủ trao tặng, buổi lễ diễn ra tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh. Và cũng nhân dịp này, IPC trao tặng 200 triệu đồng cho “Quỹ chung một tấm lòng của Đài truyền hình TP.HCM nhằm cứu trợ đồng bào miền Trung trong mùa bão lũ, và để khuyến khích gương hiếu học thuộc hai xã Hiệp Phước và Long Thới – huyện Nhà Bè, Công ty IPC đưa ra chương trình “IPC – Tiếp sức đến trường”.

Hai mươi năm qua, những dự án liên doanh liên kết của IPC như: khu chế xuất Tân Thuận, Đại lộ Nguyễn Văn Linh và cụm đô thị mới Phú Mỹ Hưng… đã làm thay đổi hẳn diện mạo huyện Nhà Bè xưa, thúc đẩy hình thành quận 7 ngày nay. Hiện nay, IPC đang tiếp tục triển khai mở rộng trục Đại lộ Bắc – Nam giai đoạn 3 lên 10 làn xe và nạo vét luồng Soài Rạp đến độ sâu – 12m cho tàu trên 50.000 tấn ra vào khu cảng thành phố, dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu cảng, Khu logistics và Khu đô thị Hiệp Phước,… Những dự án trên đã đưa IPC trở thành đơn vị chủ lực để phát triển Thành phố tiến ra Biển Đông, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược kinh tế biển của Thành phố.

Những nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo và nhân viên trong suốt thời gian qua đã mang lại cho IPC nhiều thành tích khen thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ Giao thông Vận tải, Cờ truyền thống của UBND Thành phố, Cờ thi đua xuất sắc của UBND Thành phố, Danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, v.v…

Là một doanh nghiệp nhà nước, IPC ra đời từ chủ trương đổi mới của đất nước, nhằm thu hút mọi nguồn lực trong nước kể cả đầu tư nước ngoài để phát triển khu vực phía Nam thành phố; thực hiện mục tiêu chiến lược thúc đẩy phát triển thành phố tiến ra biển Đông. Trong tương lai, với những dự án Đất Cảng, IPC hứa hẹn mang đến cho phía Nam thành phố nhiều sự đổi mới tích cực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

Thông tin về Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC)

Quyết định hoạt động với mô hình công ty mẹ – công ty con, IPC đã vươn xa cùng 9 (8) công ty thành viên mang lại dáng dấp mới cho phía Nam thành phố: hiện đại, năng động và kiểu mẫu. Đảng bộ cơ sở Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận là đơn vị trong sạch vững mạnh nhiều năm liền của Đảng bộ Khu chế xuất và Khu công nghiệp Thành phố. Đảng ủy công ty đã biết phát huy sức mạnh đoàn kết, năng động và sáng tạo để lãnh đạo, cán bộ – công nhân viên trong toàn hệ thống thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị Thành Ủy và Ủy ban Nhân dân Thành phố giao phó.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Nguyễn Thị Ngọc Châu – PR Manager

Công ty…………………………………

Địa chỉ: …………………………………

Điện thoại: …………………………….

Mobile: …………………………………

Email: ………………………………….

Ra đời trong bối cảnh Việt Nam chuyển mình thực hiện chủ trương đổi mới, mở cửa nền kinh tế, sau 20 năm thành lập, Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) đã nỗ lực thu hút mọi nguồn lực, nhất là đầu tư nước ngoài để phát triển khu vực phía Nam Thành phố Hồ Chí Minh. Bằng các dự án liên doanh liên kết đầu tư. IPC trở thành đơn vị chủ lực để phát triển thành phố tiến ra biển Đông, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chiến lược kinh tế biển của thành phố.

Thực tế đã cho thấy, khi mới ra đời (1989), với mục đích là đầu tư hình thành Khu chế xuất Tân Thuận và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng – là những công trình đầu tiên của cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, các dự án này của IPC cùng với dự án Khu đô thị cảng Hiệp Phước đang triển khai đều có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển thành phố về phía Nam. IPC đã trở thành một công cụ đắc lực của Nhà nước, của Thành phố trong việc xây dựng các mô hình kinh tế – xã hội mới chưa có tiền lệ, các dự án mang tính đột phá ở các vùng còn nhiều khó khăn, tạo nên môi trường đầu tư hấp dẫn cho các đơn vị kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư và cùng phát triển bền vững. Hàng loạt các dự án đầu tư – xây dựng cơ sở hạ tầng này đã tạo điều kiện hình thành ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp năng lượng và các ngành công nghiệp hỗ trợ… trên địa bàn, đã góp phần tạo ra nền tảng ban đầu cho sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế khác tại khu Nam thành phố như đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa, giáo dục, giải trí trên địa bàn. Cơ cấu kinh tế Nhà Bè, Quận 7 theo đó đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hình thành một môi trường thu hút đầu tư bền vững và hiệu quả.

Kinh nghiệm lớn nhất của IPC là đã xây dựng thành công mô hình Doanh nghiệp Nhà nước mang tính chất chủ đạo cho phát triển kinh tế – xã hội, là loại hình công ty quốc doanh, luôn chủ động tham mưu, đề xuất cơ chế mới, có khả năng làm đầu tàu cho các dự án đầu tư phát triển theo quy hoạch của Nhà nước, lôi kéo theo các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh khác với số vốn đầu tư gấp nhiều lần công ty quốc doanh đó bỏ ra ban đầu. Kinh nghiệm của IPC còn là tính chiến lược và liên hoàn của các dự án đầu tư; dự án Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận tiến đến dự án Đại lộ Nguyễn Văn Linh và Khu đô thị Nam Thành phố, rồi đến cụm dự án Hiệp Phước bao gồm Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, nạo vét luồng Soài Rạp, cụm Cảng nước sâu, Đô thị Hiệp Phước… đều liên hoàn, hỗ trợ nhau xuyên suốt trong một chương trình phát triển đưa thành phố hướng ra biển Đông.

Ông Phan Hồng Quân, Tổng giám đốc IPC cho biết: Trong nghiên cứu và phát triển dự án, IPC luôn đặt mục tiêu lợi ích kinh tế – xã hội lên hàng đầu, bảo đảm hiệu quả đồng vốn để tái đầu tư. Công ty luôn quan tâm xây dựng đội ngũ lao động theo tiêu chí: Có tâm, có tầm, có năng lực, dám nghĩ, dám làm, luôn trung thực và không vụ lợi cá nhân. Chính nhờ vậy kết quả kinh doanh của công ty ngày càng đạt hiệu quả cao. Riêng trong năm 2008 toàn hệ thống IPC đã đạt tổng doanh thu 4.572 tỷ đồng, nộp ngân sách 800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.871 tỷ đồng, tổng tài sản gần 13.000 tỷ đồng…

Đánh giá cao hoạt động có hiệu quả của IPC, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: Hoạt động của IPC đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, doanh thu tăng, lợi nhuận lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước, đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, từ thiện. Ông nhấn mạnh: Các dự án của IPC là những dự án tiên phong, góp phần vào việc tạo ra những cơ chế, chính sách mới, những mô hình mới cho sự phát triển kinh tế, phát triển đô thị, góp phần chuyển hóa một vùng đất đầm lầy, hoang hóa có giá trị kinh tế thấp thành các KCN, KCX, khu dân cư hiện đại với cơ sở hạ tầng đồng bộ và hoàn chỉnh, xây dựng khu Nam thành phố trở thành khu đô thị giàu bản sắc dân tộc, hiện đại, văn minh của thành phố.

Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược thúc đẩy phát triển thành phố tiến ra biển Đông. IPC nỗ lực phát huy vai trò chủ đạo và tính chủ động của mình trong việc mở ra các hình thức hợp tác đầu tư mới phù hợp với điều kiện hội nhập, liên kết với các vùng xung quanh. Công ty đang đẩy mạnh tiến độ thực hiện, hoàn thiện các đề án đã đầu tư đang triển khai như dự án KCN Hiệp Phước 900 ha, Cảng Contennơ trung tâm Sài Gòn, KCX Tân Thuận, Khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng, đại lộ Nguyễn Văn Linh, KCN Long Hậu. Công ty tập trung xây dựng và triển khai các dự án mới, chú trọng dự án Khu hậu cần công nghiệp cảng Hiệp Phước rộng 400 ha, cụm cảng hạ lưu Hiệp Phước rộng 340 ha với công suất 180 triệu tấn/năm, mở rộng KCN Long Hậu lên 1.000 ha, sớm hoàn thành đường trục Bắc – Nam. Nạo vét sông Soài Rạp đạt độ sâu – 12 mét vào năm 2015, đảm bảo cho tàu có trọng tải trên 500.000 DWT cập cảng Hiệp Phước an toàn… Ông Phan Hồng Quân, Tổng giám đốc IPC nêu rõ: Công ty đang tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, mong muốn góp sức đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố lớn ven biển Việt Nam, có điều kiện cạnh tranh với các thành phố ven biển khác của Châu Á – Thái Bình Dương.

– Hà Huy Hiệp


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button