Chuyên ngành

Hành Trang Du Học

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Chu Đình Tới

Download sách Hành Trang Du Học ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : CHUYÊN NGÀNH

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

LỜI NÓI ĐẦU

Chúng ta đang sống trong thời kỳ hội nhập toàn cầu, với nhiều cơ hội và thách thức, để tồn tại và phát triển, bản thân mỗi cá nhân phải luôn có ý thức học hỏi, nâng cao trình độ và rèn luyện đạo đức. Việc ra nước ngoài học tập là lựa chọn của nhiều bạn trẻ và gia đình, để chuẩn bị cho mình, con em mình một nền tảng vững chắc trước khi bước ra cuộc sống. Tuy nhiên, du học không phải là hình thức duy nhất và tối ưu cho mọi đối tượng để có một tương lai tốt. Du học ở đâu, như thế nào và bằng hình thức gì chịu sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố và quyết định đến sự thành công của việc du học.

Trên cơ sở trải nghiệm và những hiểu biết cá nhân, các tác giả của cuốn sách mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm về du học, học bổng cho các bạn trẻ có nguyện vọng ra nước ngoài học tập tham khảo, từ đó đưa ra những quyết định và phương thức du học đúng đắn, phù hợp và thành công.

Để hoàn thành cuốn sách này, chúng tôi có sự giúp đỡ, đóng góp ý kiến của rất nhiều thành viên trong Page Hội du học sinh Việt Nam, nhất là gần 100 thành viên chủ chốt, những người đã và đang du học ở hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chúng tôi chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu của các bạn, đặc biệt anh Nguyễn Quốc Tuấn, chị Quách Phương Giang, chị Nguyễn Thị Chúc, anh Phạm Thế Anh, anh Phạm Ngọc Duấn, chị Nguyễn Thị Kim Duyên và anh Trần Trọng Kiên, đã chia sẻ những câu chuyện du học rất ý nghĩa và bổ ích của mình.

Trong lần xuất bản đầu tiên, chắc chắn cuốn sách vẫn còn những thiếu sót, các tác giả rất mong muốn nhận được những nhận xét, phản hồi của độc giả, để cuốn sách hoàn thiện hơn, mang đến một thông điệp tốt hơn và hiệu quả hơn cho các thế hệ tương lai của đất nước chuẩn bị bước chân ra nước ngoài du học.

ĐỌC THỬ

Chương 1 MỤC ĐÍCH – THỜI ĐIỂM – CÁC HÌNH THỨC VÀ ĐỊA ĐIỂM DU HỌC

Các bạn thân mến, đi du học cũng giống như làm bất cứ việc gì, để thành công, trước tiên, chúng ta phải xác định được mục đích, mục tiêu cụ thể mà mình muốn làm, xác định được thời điểm, cách thức và địa điểm sẽ làm việc đó. Trong phần này, chúng tôi sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi sau:

  1. Tại sao chúng ta đi du học?
  2. Nên đi du học khi nào?
  3. Mình sẽ đi du học như thế nào?
  4. Mình sẽ đi du học ở đâu?
  5. Mục đích chúng ta đi du học là gì?

Việc xác định được rõ mục đích của việc du học rất quan trọng, nó sẽ giúp bạn có định hướng tốt hơn, từ đó dẫn đến thành công của cả quá trình. Bạn phải xác định rằng, đi du học là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại, tương lai và cả cuộc đời bạn. Do đó, trước khi đi đến quyết định sẽ đi du học, mỗi chúng ta cần xác định rõ ràng mục đích, mục tiêu cụ thể mà mình muốn đạt được trong quá trình du học.

Mỗi người lại có những mục đích khác nhau khi có ý định đi du học như lĩnh hội kiến thức, học ngoại ngữ, trải nghiệm cuộc sống… Chúng tôi tạm phân loại các mục đích du học thành các mục như sau:

  1. Nâng cao trình độ, tích lũy kiến thức, tiếp cận và học hỏi kỹ thuật tiên tiến, khẳng định bản thân

Đây là mục đích cơ bản nhất, mà phần lớn các du học sinh đặt ra cho mình trước khi đi du học. Người học thường chọn đến những nơi có nền giáo dục tốt, khoa học công nghệ phát triển để đạt mục tiêu tĩch lũy, nâng cao trình độ bản thân và được tiếp cận, học hỏi những kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại… mà ở trong nước chưa có hoặc còn hạn chế.

Sau một thời gian phấn đấu, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, với sự phấn đấu không ngừng, nhiều du học sinh đã đạt được những thành công trong học tập, nghiên cứu và sự nghiệp. Nhiều người chọn quê hương là nơi cống hiến, cũng có người tiếp tục sống, công tác ở nước ngoài. Nhưng dù ở đâu, nhờ những kiến thức, kỹ thuật lĩnh hội được trong quá trình du học, họ đều có những đóng góp nhất định cho xã hội, được xã hội công nhận và khẳng định được giá trị bản thân mình.

Trong cộng đồng du học sinh Việt Nam, một tấm gương rất lớn mà mỗi du học sinh luôn ngưỡng mộ và học tập đó là Giáo sư Ngô Bảo Châu, một cựu du học sinh Pháp, người đã rất thành công trong quá trình du học và nghiên cứu ở nước ngoài, trở thành nhà toán học nổi tiếng thế giới với giải thưởng Fields danh giá. Qua đó ông không chỉ khẳng định được tài năng của mình, mà còn nâng tầm vị thế khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

Một ví dụ nổi bật nữa đó là GS.TSKH Nguyễn Ngọc Thành – một cựu du học sinh Ba Lan. Ông là lưỡng quốc giáo sư, là người Việt Nam đầu tiên được Tổng thống Ba Lan phong học hàm Giáo sư cấp nhà nước năm 2009 và là người Việt Nam sống ở nước ngoài thứ hai được Hội đồng chức danh nhà nước ta đặc cách phong học hàm Giáo sư tại Đại học Quốc gia TP. HCM năm 2011. Do những thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin/trí tuệ nhân tạo, Giáo sư Thành đã được cộng đồng khoa học chuyên ngành trên thế giới đánh giá rất cao, được tín nhiệm và đề cử giữ nhiều trọng trách lớn.

  1. Cải thiện ngoại ngữ

Học và cải thiện ngoại ngữ cũng là một mục tiêu quan trọng của nhiều du học sinh. Với một số người, đây lại là mục tiêu quan trọng nhất, chẳng hạn như các bạn học về ngôn ngữ học, văn hóa, văn học… Nếu có một thời gian du học ở nước nói ngôn ngữ bạn đang học, đang nghiên cứu thì trình độ ngoại ngữ của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.

Với những người học các chuyên ngành khác như khoa học tự nhiên, kinh tế, y học… mặc dù mục tiêu chính để ra nước ngoài là học kiến thức, kỹ thuật, công nghệ, nhưng ngoại ngữ lại là công cụ không thể thiếu để học tập, nghiên cứu và sinh sống ở nước sở tại. Sau một thời gian được và phải học tập, nghiên cứu, giao tiếp bằng ngoại ngữ, vốn ngoại ngữ của bạn sẽ tăng lên rõ rệt, khả năng nói, viết, nghe, do đó cũng tốt hơn.

Bên cạnh đó, biết thêm một ngôn ngữ là mở thêm một cánh cửa tâm hồn để hiểu và hòa nhập với những nền văn hóa mới, cho mình thêm một cơ hội để bước ra thế giới và có một tương lai tốt đẹp hơn. Vì vậy, dù ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới là tiếng Anh, dù phần lớn các bạn du học sinh đều dùng tiếng Anh trong học tập và nghiên cứu, nhưng nhiều bạn vẫn tranh thủ học tiếng nước sở tại, điều này là rất tốt.

  1. Mở rộng hợp tác, tìm kiếm cơ hội

Đi du học, tức là bạn sẽ sống, học tập, nghiên cứu ở một đất nước khác, nơi bạn sẽ có những mối quan hệ mới, với những người đang nghiên cứu lĩnh vực mà bạn quan tâm. Những mối quan hệ này không chỉ tốt cho việc học tập nghiên cứu hiện tại của bạn, mà còn rất có ý nghĩa cho công việc của bạn trong tương lai.

Ngoài ra, khi học tập ở nước ngoài, bạn có thể biết được nhiều thông tin hơn về học tập, nghiên cứu, học bổng cũng như công việc sau khi tốt nghiệp. Qua đó, bạn có cơ hội để tìm cho mình những học bổng, vị trí nghiên cứu hay vị trí làm việc tốt.

  1. Rèn luyện bản bản thân, tự lập và trưởng thành hơn

Có thể khi đi du học, bạn không tự đặt ra cho mình mục tiêu này, nhưng nó sẽ đến với bạn một cách rất tự nhiên. Bạn buộc phải thực hiện, có như vậy quá trình du học của bạn mới thành công được.

Bạn phải hiểu rằng, khi đi du học, tức là mình sẽ rời xa sự đùm bọc của gia đình, người thân. Bạn sẽ phải tự lập ở một môi trường hoàn toàn mới, với những con người mới, văn hóa, phong tục tập quán, thức ăn và khí hậu mới. Nhưng bạn vẫn phải tồn tại và phấn đấu học tập. Nếu bạn không tự rèn luyện bản thân mình, không tự lập thì đương nhiên bạn sẽ bị đào thải. Trải qua một quá trình sống, học tập ở nước ngoài với sự từng trải, phấn đấu và cố gắng, bạn sẽ thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.

  1. Trải nghiệm cuộc sống – “phượt”

Với nhiều bạn trẻ, khi đi du học, bên cạnh các mục tiêu trên, họ còn đặt cho mình mục tiêu đi du lịch bao nhiêu nước, bao nhiêu nơi, tìm hiểu những giá trị văn hóa gì, ở đâu… để nâng cao sự hiểu biết và làm phong phú tâm hồn, trải nghiệm cuộc sống. Được đi du học là cơ hội tuyệt vời để bạn trải nghiệm cuộc sống. Bạn được sống trong một “thế giới mới”, khác xa với những gì ở quê hương bạn, bạn được “du lịch trải nghiệm” đúng nghĩa, vì thời gian học tập ở nước sở tại đủ lâu sẽ giúp bạn hiểu và thực sự sống với những nền văn hóa đó. Bạn cũng có thời gian để đi thăm những danh lam thắng cảnh ở nước sở tại hoặc các nước lân cận.

Với các bạn đi du học bằng học bổng, nhất là các học bổng trao đổi văn hóa hoặc học bổng ngoài mục đích khoa học – giáo dục còn mang ý nghĩa quảng bá văn hóa như Eurasmus của Liên minh châu Âu, thì cơ hội được du lịch, trải nghiệm cuộc sống ở các nền văn hóa khác nhau là rất lớn. Với những bạn Nghiên cứu sinh (NCS), Thạc sĩ, bên cạnh việc nghiên cứu học tập, họ thường xuyên được tài trợ tham gia các hội thảo khoa học ở các địa danh khác nhau, và đó cũng là cơ hội để họ làm phong phú vốn hiểu biết về văn hóa, lịnh sử, địa danh… của nhiều quốc gia.

  1. Nên đi du học vào thời điểm nào?

Thực tế, không có một tiêu chuẩn hay một câu trả lời chung cho mọi trường hợp, vì thời điểm du học thích hợp phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Du học là một bước ngoặt lớn trong đời nếu bạn từng một lần trải qua. Để du học có kết quả tốt, bạn cần chuẩn bị một hành trang thật tốt như về nền tảng kiến thức, ngoại ngữ, kinh nghiệm sống. Những yếu tố đó sẽ quyết định thời điểm “chín muồi” để bạn đi du học. Với những bạn xuất sắc, ngoại ngữ tốt, từng trải sớm, dễ thích nghi, có thể thực hiện thành công giấc mơ du học của mình từ bậc phổ thông trung học. Nhiều người, vì nhiều lý do, đã chọn du học ở các thời điểm sau đại học.

Kiến thức cơ bản đóng vai trò quan trọng trong việc học tập của bạn ở xứ người. Tôi muốn nói đến cả lý thuyết và thực hành (đối với các chuyên ngành liên quan đến thí nghiệm). Nếu thiếu kiến thức cơ bản, bạn sẽ rất vất vả để có thể theo kịp và hoàn thành khóa học của mình ở nước ngoài. Thử tưởng tượng, khi đi du học, bạn bị hổng kiến thức cơ bản và không hiểu được những nội dung mình đang học hoặc không có các kỹ năng thí nghiệm cơ bản nhất của chuyên ngành mình đang học, cộng với nhiều vấn đề khác như cuộc sống mới, ngoại ngữ ban đầu còn hạn chế… thì kết quả học tập sẽ ra sao? Việc có được kết quả học tập tốt trên lớp, không chỉ giúp bạn có một hồ sơ xin học bổng đẹp mà còn quyết định tới sự thành công trong học tập của bạn khi đi du học. Do đó, thời điểm bạn cảm thấy kiến thức cơ bản của mình ổn nhất là lúc bạn có thể tính đến việc đi du học.

Ngoại ngữ là một công cụ không thể thiếu để đi du học. Ai cũng biết rằng để du học được thì trước tiên phải hiểu được giáo viên nói gì, đọc được tài liệu bằng ngôn ngữ mà mình sẽ học… Do vậy, việc đi du học vào lúc nào còn phụ thuộc vào thời điểm vốn ngoại ngữ của bạn “đủ dùng”. Vốn ngoại ngữ “đủ dùng” không giống nhau với từng chuyên ngành mà bạn định theo học. Các khối kinh tế, ngôn ngữ học, văn hóa… thường có yêu cầu ngoại ngữ cao hơn và toàn diện hơn (nghe, nói, đọc, viết) so với các khối ngành kỹ thuật. Ví dụ như để lượng hóa vốn tiếng Anh đủ dùng trong học tập và đời sống, học bổng Chevening của Chính phủ Anh yêu cầu các ứng cử viên phải có IELTS 6,5 hoặc TOEFL iBT 79 trở lên. Các trường đại học/viện nghiên cứu ở Hàn Quốc như trường Đại học Ulsan cũng yêu cầu ứng viên Thạc sĩ, Tiến sĩ đáp ứng điều kiện tiếng Anh như trên, nhưng nếu qua phỏng vấn/liên lạc trực tiếp với giáo sư, giáo sư thấy khả năng tiếng Anh của ứng cử viên tốt thì người học không nhất thiết phải có ngay chứng chỉ tiếng Anh và có thể trả sau trước khi tốt nghiệp. Cũng có người có năng khiếu học ngoại ngữ lại được học từ nhỏ nên đã có đủ điều kiện về ngoại ngữ để đi du học từ khi còn ít tuổi. Tuy nhiên, với nhiều người việc chuẩn bị ngoại ngữ phải mất một thời gian không ngắn và rất cần sự kiên trì.

Kinh nghiệm sống là một yếu tố đôi khi chúng ta không quan tâm đến khi quyết định đi du học. Tuy nhiên, nó lại rất quan trọng với sự thành công của bạn khi học ở xứ người. Do vậy, nó cũng tham gia vào việc quyết định thời điểm nào bạn đã sẵn sàng để đi du học. Bạn phải biết rằng, khi đi du học là bạn phải tự lập, tự lo cho cuộc sống của mình, không người thân, thời gian đầu không có hoặc ít bạn bè, thậm chí, trong một số trường hợp còn không có một người Việt Nam hay người châu Á nào học cùng hoặc ở nơi bạn học. Bạn đã chuẩn bị tốt tinh thần cho một cuộc sống như vậy chưa? Bạn có thể tự chăm sóc bản thân khi sống một mình như vậy không? Bạn có dễ thích nghi với cuộc sống mới, con người mới, đồ ăn mới… không? Nếu câu trả lời là “Có”, tức là bạn đã sẵn sàng đi du học. Nhiều bạn đã trải qua cuộc sống học tập xa nhà như học nội trú, học đại học xa nhà, sẽ hiểu một phần của cuộc sống mà bạn sẽ gặp phải khi đi du học. Sở dĩ tôi chỉ nói một phần là vì dù sao, học nội trú hoặc đại học xa nhà bạn vẫn được học trong môi trường toàn người Việt.

Bên cạnh những yếu tố trên, với các bạn có ý định đi du học bằng con đường học bổng, thì thời điểm du học còn phụ thuộc vào cơ hội xin học bổng. Các học bổng dành cho các bậc sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) thường nhiều và cao hơn so với bậc đại học, đương nhiên nhiều hơn so với bậc phổ thông. Do đó, đi du học bằng con đường học bổng có thể sẽ thích hợp hơn tại thời điểm sau đại học. Khi đó bạn không chỉ có kiến thức cơ bản khá vững được tích lũy từ các bậc học trước, mà còn có thời gian dài học ngoại ngữ, kinh nghiệm sống dồi dào và nhiều cơ hội xin học bổng hơn.

Nói tóm lại, thời điểm “chín muồi” để đi du học thành công là lúc bạn có đủ vốn kiến thức cơ bản, vốn ngoại ngữ và có thể sống một cách độc lập.

Cũng có trường hợp ngoại lệ, với các bạn đi du học theo diện trao đổi văn hóa hoặc sang học tiếng, thì thời điểm nên đi du học lại liên quan nhiều đến cơ hội, điều kiện kinh tế và mong muốn của bản thân. Những trường hợp đi du học mà ngôn ngữ sử dụng sẽ là ngôn ngữ nước đến học, và bạn mới học tiếng được khoảng 1 năm như du học đại học tại Nhật, Hàn… hoặc du học từ bậc đại học đến Tiến sĩ theo học bổng hiệp định, trao đổi ở Ba Lan, Nga, Hungary… thì yếu tố ngoại ngữ sẽ không quyết định nhiều tới thời điểm du học của bạn.

III. Nên lựa chọn hình thức du học nào?

Để du học thành công, không bị “gãy gánh” giữa đường, việc lựa chọn hình thức du học phù hợp với năng lực, mong muốn của bản thân và hoàn cảnh gia đình cũng rất quan trọng. Trên cơ sở những hiểu biết của mình, tôi tạm phân loại các hình thức du học kèm theo đặc điểm của từng loại để bạn có thể lựa chọn cho mình một con đường phù hợp và an toàn nhất.

  1. Du học tự túc

Trong trường hợp này, bạn chỉ cần có học lực khá hoặc trung bình, điều kiện kinh tế gia đình có thể chu cấp cho bạn trong cả quá trình học, cộng với vốn ngoại ngữ ổn, có khả năng sống tự lập là bạn có thể du học.

Tại sao lại thế? Đơn giản là bạn đem tiền đi học. Các nước phát triển, các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước ngoài luôn chào đón sinh viên ở nhiều quốc gia khác đến học để có nguồn thu và quảng bá văn hóa, nên chỉ cần bạn đáp ứng được yêu cầu đầu vào tối thiểu nhất của họ và có đủ năng lực tài chính, bạn có thể học.

Yêu cầu đầu vào của mỗi trường lại có một quy định riêng. Bạn cần vào website chính thức của trường để tìm hiểu. Ngày càng có nhiều bạn trẻ Việt Nam thuộc các gia đình có điều kiện đi học theo con đường tự túc ở các nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Singapore… và điều kiện tài chính của các trường/viện ở các nước này thường rất cao. Đại học Cambridge của Anh thông báo mức học phí cho bậc học từ Thạc sĩ đến Tiến sĩ vào khoảng 17.000 – 27.000 bảng (khoảng 600 – 900 triệu VNĐ)/năm đối với các sinh viên đến từ các nước ngoài châu Âu (nguồn http://www.graduate.study.cam.ac.uk/finance/fees); hay Đại học Tokyo danh tiếng của Nhật có mức học phí 520.800 – 535.800 yên (khoảng 100 triệu VNĐ)/năm và phí nhập học là 282.000 yên (khoảng 50 triệu VNĐ) cho các bạn học từ Đại học đến Tiến sĩ (nguồn: http://www.u-tokyo.ac.jp/stu04/e03_e.html)…

Ưu điểm: Đi học theo con đường này bạn thường không phải chờ đợi lâu để chuẩn bị, tìm kiếm và ứng cử học bổng, được thoải mái lựa chọn trường và chương trình học theo khả năng của mình.

Nhược điểm: Rất tốn kém. Nhiều trường thực chất là các cơ sở kinh doanh giáo dục, chất lượng đào tạo không thật tốt. Khi đi du học tự túc, bạn thường gặp phải các trường như vậy vì cơ hội học ở đó nhiều hơn. Theo đó, cơ hội việc làm sau này của bạn cũng không cao. Bên cạnh đó, nhiều bạn gia đình có điều kiện nhưng do chưa có ý thức vững vàng, ra nước ngoài du học không có sự quản lý của gia đình, nhiều cám dỗ, nên dễ sa ngã, dính vào tệ nạn xã hội.

Ngoại lệ, có rất nhiều bạn rất giỏi, nhưng không muốn chờ đợi kiếm học bổng, gia đình có điều kiện kinh tế, nên các bạn chọn hình thức du học tự túc để tiết kiệm thời gian. Do có năng lực tốt nên các bạn này sẽ chọn học ở những trường tốp trên, theo đó, cũng có cơ hội học cao lên và kiếm việc làm tốt hơn.

  1. Vừa học vừa làm

Đây là hình thức được nhiều bạn có học lực khá, ngoại ngữ tốt, có bản lĩnh, kinh nghiệm sống, khả năng tự lập và hòa nhập cao lựa chọn để đi du học. Tuy nhiên, với hình thức này, ban đầu, bạn vẫn cần sự hỗ trợ kinh tế của gia đình, sau một thời gian, khi đã ổn định cuộc sống, bạn có thể tự lo cho mình.

Vừa học vừa làm không phải là chuyện dễ. Chỉ học ở một nơi hoàn toàn xa lạ và bằng một ngôn ngữ khác đã khó, khi chọn du học theo hình thức này, ngoài học, bạn còn phải tự kiếm sống và trang trải cho các chi phí học tập nên càng vất vả và khó khăn hơn. Do đó, bạn phải có lực học tương đối, khả năng tiếp thu tốt để không bị “đuối” trên lớp, đồng thời vốn ngoại ngữ của bạn phải tốt, ít nhất là đủ để bạn kiếm việc làm thêm và làm được việc.

Hình thức này thường được những bạn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng rất nghị lực và có lực học tốt lựa chọn. Hiện nay có rất nhiều du học sinh người Việt ở Nhật, ở Phần Lan… đang theo học hình thức này. Ngoài thời gian học tập trên trường, các bạn còn đi làm thêm bất cứ việc gì kiếm ra tiền một cách chân chính như bồi bàn, nấu ăn, dọn dẹp, bán sách…

Nhược điểm của hình thức này là người học rất vất vả, vì phải vừa học vừa làm, nên nếu không cố gắng và có năng lực thì dễ dẫn đến kết quả kém trong học tập, nghiên cứu. Đã có không ít bạn không tốt nghiệp được, phải bỏ học hoặc xuống khóa. Ngoài ra, nếu bạn không có sức khỏe tốt, không tự chăm sóc bản thân được thì cũng không nên chọn con đường này, vì thời gian ngủ mỗi ngày của bạn có khi chỉ được 4 giờ… Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn thành công và trưởng thành lên rất nhiều khi chọn con đường này.

  1. Học bổng

Có thể nói đây là hình thức du học tối ưu nhất, nhưng cũng đòi hỏi cao nhất. Để được học bổng, bạn phải thật xuất sắc cả về năng lực (kết quả học tập, nghiên cứu), ngoại ngữ tốt và có kinh nghiệm sống. Tuy nhiên, hình thức du học này không quá khó và hiếm. Ngày càng có nhiều du học sinh Việt Nam ra nước ngoài bằng con đường học bổng.

Bạn phải hiểu rằng, không tự nhiên mà một nước, một tổ chức hay một trường nào đó lại đài thọ cho bạn ra nước ngoài học, có thể đài thọ toàn phần (cả học phí, sinh hoạt phí và các chi phí khác) hoặc một phần. Thường thì số lượng học bổng có hạn nên tính cạnh tranh rất cao, học bổng chỉ dành cho những ứng viên xuất sắc nhất. Một số học bổng nổi tiếng mà nhiều du học sinh Việt Nam nhận được như Erasmus của Liên minh châu Âu, VEF của Mỹ, MEXT của Nhật Bản… thường có chế độ chu cấp toàn bộ.

Về chương trình đào tạo, thường các học bổng được các nước và các tổ chức cấp gắn với một chương trình đào tạo tốt, thậm chí là rất tốt. Bạn được tạo điều kiện học tập, nghiên cứu ở những trường, cơ sở đào tạo và nghiên cứu tốt nhất.

Về kinh tế, nếu bạn đi du học bằng con đường này và nhất là được nhận học bổng toàn phần, gia đình bạn sẽ không phải lo lắng về tài chính, vì bạn đã được cấp học phí, mỗi tháng lại được một khoản tiền nhất định cho sinh hoạt, và có thể bạn sẽ được cả vé máy bay khứ hồi (một lần sang và một lần về sau khi kết thúc khóa học), chi phí sách vở, máy tính… Tùy theo mỗi loại học bổng và quốc gia theo học, nhiều du học sinh sau khi đi du học bằng học bổng về đều có một khoản tiền tiết kiệm kha khá.

Nhiều chương trình học bổng, ngoài mục đích giáo dục, nghiên cứu khoa học, tổ chức cấp học bổng còn có mong muốn quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa nơi đó, nên người học được tạo điều kiện đi thăm quan, tham gia hội thảo, được đi đến các nước khác… Được học bổng, bạn còn có cơ hội được đi “du lịch chất lượng cao” miễn phí và bổ ích. Các bạn được học bổng, do không phải lo nghĩ về kinh tế, chỉ việc học và nghiên cứu, lại có khoản tiền dư dả, nên họ có điều kiện để đi du lịch khám phá nhiều hơn các hình thức du học khác.

Khi nhắc đến hình thức du học này, nhiều bạn nghĩ rằng để có học bổng phải công tác trong các cơ quan nhà nước, đang là cán bộ… nhưng thực tế thì không phải vậy. Thứ nhất, học bổng nhà nước như 911 (trước đây là 322) cũng có phần cho cả những thí sinh tự do “có nguyện vọng và cam kết đi học để về làm giảng viên đại học, cao đẳng”, mới tốt nghiệp đại học hoặc cao học. Thứ hai, phần lớn các học bổng trên thế giới không phụ thuộc vào nơi bạn công tác, tất cả mọi người đủ điều kiện đều có thể ứng cử tự do, và những học bổng này lại thường có giá trị cao. Ngoài ra, học bổng của nhà nước như 911 và các học bổng Hiệp định khác… thường có giá trị không cao và không phải là sự lựa chọn tối ưu cho các bạn có ý định đi học bằng học bổng. Thực tế là, ngày càng nhiều du học sinh Việt Nam đi du học bằng học bổng của các nước, các tổ chức, các trường quốc tế, điều này rất đáng khuyến khích vì các bạn đã tiết kiệm cho nhà nước một khoản không nhỏ, mà các bạn lại thoải mái hơn về kinh tế vì giá trị học bổng cao hơn.

  1. Lựa chọn địa điểm du học dựa trên các tiêu chí nào?

Trước khi đi du học, các bạn cần suy nghĩ kỹ nơi nào mình sẽ đến. Vì nếu bạn chọn một địa điểm không thuận lợi thì không những những mục tiêu bạn đặt ra trong quá trình du học không đạt được, mà bạn còn có thể gặp phải những rắc rối không nhỏ. Bạn cần nhớ rằng, khi đi du học, bạn phải tự mình giải quyết phần lớn các vấn đề gặp phải, nên hạn chế và lường trước những khó khăn là điều không thừa.

Để xác định địa điểm du học phù hợp, chúng ta có thể căn cứ vào các tiêu chí sau:

– Sự phù hợp và phát triển về ngành học/lĩnh vực nghiên cứu

Tiêu chí này nên được quan tâm hàng đầu khi bạn lựa chọn nơi học, vì nó thỏa mãn mục tiêu quan trọng nhất của phần lớn du học sinh là để nâng cao trình độ, mở mang kiến thức, tiếp cận và học hỏi khoa học, kỹ thuật mới, tiên tiến.

Chẳng hạn nếu bạn muốn học về công nghệ thông tin thì Mỹ, Nhật, Hàn nên là điểm lựa chọn. Nếu bạn muốn học về y học thì Pháp, Mỹ là sự lựa chọn tốt. Bạn muốn học về ngôn ngữ học thì nên đến những nước sử dụng ngôn ngữ đó là quốc ngữ thứ nhất…

Căn cứ vào tiêu chí này thì không phải các nước thật phát triển, những siêu cường kinh tế trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật… mới là lựa chọn tốt nhất. Có những ngành hẹp lại rất phát triển ở những nước nhỏ, kinh tế không thuộc tốp đầu. Ví dụ, công nghệ sinh học rất tốt ở Hàn và Singapore; ngành du lịch khách sạn, sinh y rất phát triển ở Thụy Sĩ; Na Uy cũng có ngành sinh y rất mạnh và được đầu tư nhiều trên thế giới; y học ở Ba Lan cũng được đánh giá tốt nên ngày càng nhiều các nước Ả rập, Bắc Âu gửi sinh viên đến Ba Lan học ngành này…

Cũng dựa theo tiêu chí này, những bậc học cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ càng cần phải xét đến lĩnh vực nghiên cứu khi chọn địa điểm du học. Đôi khi nước lớn, trường tốp chưa chắc đã có phòng thí nghiệm tốt, điều kiện nghiên cứu và thầy hướng dẫn tốt cho ngành của mình. Với các bậc học này, giáo sư giỏi, điều kiện nghiên cứu, phòng thí nghiệm tiên tiến, nhóm nghiên cứu mạnh là điều quan trọng trong việc chọn nơi đến để học tập.

– Sự phù hợp về ngôn ngữ

Tiêu chí này đặc biệt quan trọng với bậc học đại học và dưới đại học, vì phần lớn các bậc học này, người học phải sử dụng ngôn ngữ bản địa. Do đó, nếu bạn có ý định đi du học ở các bậc học từ đại học trở xuống cần xét đến vốn ngoại ngữ của mình khi sang nước đó học, xem mình đã đủ dùng chưa, có thể học và sống bằng tiếng bản địa không. Ví dụ, khi bạn sang Nhật học đại học, chủ yếu bạn phải học bằng tiếng Nhật, sang Trung Quốc học đại học bạn cũng phải dùng tiếng Trung Quốc là chủ yếu.

Với các bậc học sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) hầu hết các nước đều có chương trình học và nghiên cứu bằng tiếng Anh cho nghiên cứu sinh nước ngoài, nhất là các ngành khoa học – kỹ thuật, sinh y. Tuy nhiên với những ngành đặc thù như văn hóa, ngôn ngữ, văn học… thì bạn vẫn phải học và nghiên cứu bằng tiếng bản địa, nên cần xét đến sự phù hợp về ngôn ngữ khi chọn nước đến du học. Ví dụ, hầu hết nghiên cứu sinh Thạc sĩ và Tiến sĩ Việt Nam đang học và nghiên cứu bằng tiếng Anh ở Hàn, Nhật, Đức…

– Sự phù hợp về ẩm thực, văn hóa và phong tục tập quán

Đã bao giờ bạn tưởng tượng ra cảnh cả một tuần liền bạn không ăn cơm chưa? Cả năm không ăn canh hoặc rau xào? Và tìm khắp nơi không có một thực phẩm Việt Nam nào? Nồi cơm điện là cái gì đó rất “lạ” với người dân?

Điều đó có thể xảy ra, nếu như bạn sang học ở một số nước châu Âu và nhất là ở một số thành phố nhỏ, xa thủ đô, ít người nước ngoài sinh sống và cực hiếm hàng châu Á, do người dân ở đó không có thói quen dùng.

Hoặc, bạn có bao giờ tưởng tượng rằng, mọi thứ mình ăn đều có ớt, ớt nhiều đến đỏ cả nước canh, và khi ăn bạn có cảm giác như cháy trong cổ, và liên tục chảy nước mắt, nước mũi nếu không quen?

Điều này chắc chắn bạn sẽ gặp phải nếu sang du học ở Hàn và ăn cơm ký túc xá.

Do đó, việc tìm hiểu, lựa chọn được những nước có văn hóa, phong tục, tập quán phù hợp với mình hoặc ít nhất mình có thể tồn tại và thích nghi được, là điều nên làm trước khi chọn nơi đến học.

Mỗi nước có một nền văn hóa, ẩm thực và phong tục tập quán riêng. Chẳng hạn trong ẩm thực, người Nhật thích ăn “gỏi”, họ có món sushi và rượu sake nổi tiếng, người Mỹ lại có văn hóa thức ăn nhanh mọi nơi, người Ba Lan thường dùng khoai tây hoặc bánh mì thay vì ăn cơm như chúng ta, người Ấn Độ thường đãi bạn bè món cà ri và họ thường ăn bốc bằng tay, người Hàn luôn tự hào với hàng trăm loại kim chi…; trong văn hóa, người Hàn rất có tôn ti – người nhỏ luôn tôn trọng và nghe lời người lớn, giáo sư là người rất có uy tín, người Ai Cập phần lớn theo đạo Hồi và họ không thích nghe những lời nói tục…


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button