Chứng khoán

Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường

co phieu thuong loi nhuan phi thuong1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Philip A.Fisher

Download sách Cổ Phiếu Thường Lợi Nhuận Phi Thường ebook PDF/PRC/EPUB/MOBI. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục : SÁCH CHỨNG KHOÁN

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ? Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

 

Lời giới thiệu


KIẾM LỢI NHUẬN PHI THƯỜNG TỪ CỔ PHIẾU THƯỜNG

Được toàn thế giới ca ngợi và ngưỡng mộ, Philip Fisher là một trong số những nhà đầu tư có ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Triết lý và những bí quyết đầu tư thành công trong suốt sự nghiệp của Fisher đã được ông đúc rút trong Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường. Ngay từ khi xuất bản năm 1958, cuốn sách đã được đánh giá rất cao và được xếp trong danh sách các cuốn sách về đầu tư bán chạy nhất. Và trong hơn 40 năm qua, các thế hệ nhà đầu tư hiện đại vẫn không ngừng nghiên cứu, áp dụng cuốn sách và coi đó là cẩm nang chỉ đường không thể thiếu. Ngay cả tỷ phú Warren Buffett cũng từng viết: “Tôi là một độc giả luôn háo hức chờ đợi được đọc những gì mà Phil viết và tôi xin giới thiệu ông cho các bạn”.

Là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực đầu tư tăng trưởng, quan niệm đầu tư của Fisher, như con trai ông Kenneth Fisher đã tổng kết là: “Cha tôi muốn đầu tư vào một công ty có thể tăng trưởng, tăng trưởng không ngừng, và thích những cổ phiếu có thể mua vào với mức giá hợp lý và không bao giờ phải bán ra.” Khoản đầu tư nổi tiếng nhất của ông là những cổ phiếu của Motorola mà ông mua vào năm 1955 khi nó mới chỉ là nhà sản suất rađiô và nắm giữ cho tới tận khi qua đời chính là một minh chứng sống động cho thành công của quan niệm đầu tư tăng trưởng của ông.

Trọng tâm cuốn sách đặt vào hai vấn đề phương pháp “lời đồn đại” và cách chọn cổ phiếu. Với phương pháp “lời đồn đại”, Fisher đã chỉ ra cho các nhà đầu tư cách thức tìm nguồn thông tin xác thực để đầu tư với rủi ro thấp nhất nhưng thu lợi nhuận cao nhất. Nguồn thông tin đó không nằm trên Phố Wall nơi chứa đựng vô số những cơn đồng bóng, những mốt nhất thời khiến chúng ta không thể xác định nổi đâu là giá trị thực của một cổ phiếu. Không chạy theo đám đông, thay vào đó tìm nguồn thông tin từ các đối tác, đối thủ cạnh tranh, ngân hàng cho vay, khách hàng… của công ty mục tiêu, đó mới là nơi cho bạn nguồn thông tin cần thiết giúp đưa ra nhận định chính xác. Kết hợp phương pháp “lời đồn đại” với 15 tiêu chí chọn cổ phiếu, bạn sẽ tìm được cổ phiếu lý tưởng, nắm giữ trong thời gian dài, và thu lợi nhuận tối đa.

Ngoài ra, Cổ phiếu thường, lợi nhuận phi thường còn đề cập đến những vấn đề quan trọng như cách chọn cổ phiếu tăng trưởng, thời điểm nên mua và nên bán, một số điều cần tránh, các thành tố của một khoản đầu tư an toàn…

Trong lần tái bản năm 1960, cuốn sách tiếp tục được bổ sung nhiều thông tin. Và trong các lần tái bản tiếp theo, tác giả đã ghép thêm hai cuốn sách viết sau của ông là Conservative Investors Sleep Well (Giấc ngủ ngon cho các nhà đầu tư cẩn trọng) và Developing an Investment Philosophy (Hình thành một triết lý đầu tư).

Hiện nay, các nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro, nhưng đồng thời họ cũng có nhiều cơ hội và tiềm năng để trở nên giàu có, thành công ngoài sức tưởng tượng. Triết lý đầu tư của Philip sẽ chỉ ra một hướng đầu tư vững chắc nhất để đi tới thành công, đó là đầu tư vào các cổ phiếu tăng trưởng, cũng như giúp các nhà đầu tư giữ vững niềm tin và lập trường đầu tư trong một thị trường chứng khoán tuy non trẻ và đầy biến động nhưng rất tiềm năng như Việt Nam.

Cùng với nhiều cuốn sách về chứng khoán do Alpha Books đã xuất bản, chúng tôi tin rằng cuốn sách này sẽ giúp các nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam có thêm kiến thức và lời khuyên từ một trong những thiên tài chứng khoán để đầu tư lâu dài và gặt hái những thành công vượt xa hiện tại.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

ĐỌC THỬ

Phần I:CỔ PHIẾU THƯỜNG, LỢI NHUẬN PHI THƯỜNG

Lời mở đầu

Việc xuất bản một cuốn sách mới về lĩnh vực đầu tư có thể cần đến vài lời giải thích của tác giả. Bởi vậy, những bình luận sau đây phải riêng tư một chút để có thể lý giải thỏa đáng cho sự mạo hiểm của tôi khi đưa thêm một cuốn sách khác về chủ đề này tới giới đầu tư.

Sau một năm học tại trường Stanford, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh, tháng 5 năm 1928, tôi gia nhập thế giới kinh doanh. Tôi làm tại phòng thống kê của một trong những đơn vị hợp thành của Ngân hàng quốc gia Crocker-Anglo ở San Francisco và 20 tháng sau, được bổ nhiệm làm trưởng phòng. Theo cách nói ngày nay, thì tôi là một nhà phân tích chứng khoán.

Tại đây, tôi đã chứng kiến tận mắt cơn lốc chứng khoán cuồng nhiệt ngoài sức tưởng tượng, lên tới đỉnh điểm vào mùa thu năm 1929, cũng như giai đoạn khủng hoảng sau đó. Từ những gì quan sát được, tôi tin rằng đó là một cơ hội tuyệt vời trên Bờ biển phía tây cho một công ty tư vấn đầu tư có hình ảnh đối lập trực tiếp với sự mô tả kinh điển nhưng không mấy hay ho về một số nhà môi giới chứng khoán nào đó − những người biết giá cả của mọi thứ nhưng lại không hề biết giá trị của bất cứ thứ gì.

Tháng 3 năm 1931, tôi sáng lập công ty Fisher & Co., một doanh nghiệp tư vấn đầu tư phục vụ cộng đồng chung nhưng tập trung chủ yếu vào một vài công ty tăng trưởng. Hoạt động của công ty đã rất phát đạt. Sau đó, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra. Trong ba năm rưỡi làm công việc văn phòng cho Không lực Hoa kỳ, tôi dành tất cả thời gian rỗi để ôn lại những hoạt động đầu tư thành công và đặc biệt là những hoạt động thất bại mà tôi đã thực hiện, cũng như các hoạt động đầu tư tôi chứng kiến trong suốt mười năm trước đó. Từ sự hồi tưởng này, tôi bắt đầu nhận ra một số nguyên lý đầu tư khác xa với một vài nguyên lý chung được thừa nhận như chân lý trong giới tài chính.

Khi giải ngũ, tôi quyết định thực hành các nguyên lý đó trong một môi trường kinh doanh ít chịu tác động bên ngoài nhất có thể. Thay vì phục vụ mọi đối tượng, hơn 11 năm, Fisher & Co., chưa bao giờ phục vụ nhiều hơn 12 khách hàng một lúc, và hầu hết các khách hàng này đã trở thành khách hàng trung thành. Tất cả hoạt động của Fisher & Co. tập trung vào một mục tiêu duy nhất là gia tăng giá trị của vốn đầu tư lớn. Tôi đã nhận ra rằng 11 năm đó là giai đoạn giá lên nói chung của thị trường chứng khoán mà bất cứ ai tham gia đầu tư cũng đều thu được lợi nhuận. Tuy nhiên, trên cơ sở bước tiến vững chắc các quỹ này đạt được trong các chỉ số đã được thừa nhận chung của toàn bộ thị trường, tôi nhận thấy trong thời kỳ hậu chiến, việc tuân theo các nguyên tắc này còn chứng minh tác dụng rõ rệt hơn cả trong mười năm trước chiến tranh. Quan trọng hơn, tác dụng của các nguyên tắc này còn không hề giảm đi trong suốt những năm khi thị trường chung ổn định, hoặc sụt giảm so với khi tăng giá mạnh mẽ.

Khi nghiên cứu về kết quả đầu tư của tôi và những người khác, có hai vấn đề ảnh hưởng đáng kể khiến tôi viết cuốn sách này. Thứ nhất là cần có lòng kiên trì nếu muốn kiếm được lợi nhuận đầu tư lớn. Nói cách khác, việc dự đoán điều gì sẽ xảy ra với giá của một cổ phiếu thường dễ dàng hơn là dự đoán bao lâu thì sự kiện đó sẽ xảy ra. Thứ hai là những trò lừa bịp vốn có của thị trường chứng khoán. Làm những việc a dua theo người khác và những việc bạn bị xúi giục thường dẫn đến sai lầm.

Vì những lý do này mà trong nhiều năm qua, tôi đã giải thích rất cụ thể cho các cổ đông góp vốn vào quỹ của tôi về những nguyên tắc đằng sau các hành động tôi đã thực hiện. Chỉ bằng cách đó, họ mới hiểu rõ tại sao tôi lại đưa vào danh mục đầu tư một vài cổ phiếu hoàn toàn vô danh và nhất quyết không bán chúng trước khi chúng có đủ thời gian để khẳng định mình trên thị trường.

Dần dần, tôi nảy sinh mong muốn biên soạn và xuất bản những nguyên tắc đầu tư này đến mọi người. Vì thế, tôi bắt đầu dò dẫm bắt tay vào phác thảo cuốn sách. Sau đó tôi bắt đầu nghĩ đến rất nhiều người mà hầu hết có số vốn đầu tư nhỏ hơn rất nhiều các nhà đầu tư cá nhân là khách hàng của tôi. Trong suốt nhiều năm, họ đã đến gặp và hỏi tôi rằng những nhà đầu tư nhỏ như họ nên bắt đầu như thế nào để có thể thu về lợi nhuận.

Tôi nghĩ có lẽ những khó khăn đối với các nhà đầu tư nhỏ − những người một cách vô thức, thu nhận mọi ý tưởng và quan điểm mà có thể khiến họ phải trả giá đắt trong nhiều năm − là bởi vì họ chưa bao giờ được đặt vào thách thức của những quan niệm căn bản hơn. Cuối cùng, tôi nghĩ về rất nhiều cuộc thảo luận của tôi với một nhóm nhà đầu tư khác cũng rất quan tâm đến các vấn đề này, mặc dù là từ một lập trường khác. Họ là các chủ tịch hội đồng quản trị, các phó chủ tịch tài chính và kế toán trưởng các công ty đại chúng, rất nhiều người trong số họ thật sự mong muốn hiểu được càng rõ càng tốt về các vấn đề này.

Vì thế, tôi nghĩ cuốn sách của tôi là rất cần thiết và mong muốn mọi độc giả đều có thể dễ dàng lĩnh hội nó. Tôi cũng huy động rất nhiều ví dụ thực tiễn, cách diễn đạt và sự suy luận giống với cách tôi sử dụng khi truyền đạt những khái niệm tương tự tới cổ đông của các quỹ tôi từng quản lý. Hy vọng rằng, vì giá trị của những ý tưởng tôi đưa ra, các bạn có thể bỏ quá những khiếm khuyết cuốn sách mắc phải.

PHILIP A. FISHER

San Mateo, California

Tháng 9 năm 1957

1:NHỮNG MANH MỐI TỪ QUÁ KHỨ

Bạn có một khoản tiền trong ngân hàng. Bạn quyết định đầu tư mua vài cổ phiếu thường. Bạn đi đến quyết định trên vì bạn mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn so với khi đầu tư khoản tiền này vào lĩnh vực khác. Vì bạn muốn thành công trên nước Mỹ. Có thể bạn nghĩ đến những năm đầu khi Henry Ford sáng lập Ford Motor Company, hay Andrew Mellon xây dựng Aluminum Company of America, và băn khoăn liệu mình có tìm được những doanh nghiệp trẻ tiềm năng giúp tạo nền tảng cho vận may tương lai cho bạn? Cũng có thể chỉ vì dường như bạn thấy lo lắng, vì thế bạn muốn tìm một chốn an toàn phòng cơn mưa bão. Do vậy, sau khi nghe ngày càng nhiều về lạm phát, bạn ao ước có một điều gì đó an toàn và bảo vệ bạn khi sức mua của đồng đô-la đang giảm sút mạnh.

Có thể, động cơ thật sự của bạn là sự tổng hợp của một số động cơ nói trên. Cũng có thể do bạn nghe nói hàng xóm kiếm được nhiều tiền từ chứng khoán hoặc nhận được một tài liệu giải thích tại sao cổ phiếu của Midwestern Pumpernickel giờ đây là một món hời. Tuy nhiên, đằng sau tất cả điều này chỉ có một động cơ căn bản duy nhất. Dù vì bất kỳ lý do nào, và bằng bất cứ cách nào, bạn mua cổ phiếu thường là để kiếm tiền.

Vì thế, dường như thật logic nếu trước khi bạn nghĩ đến việc mua một loại cổ phiếu thường nào đó thì bước đầu tiên là xem xét kinh nghiệm của những người kiếm được nhiều tiền nhất. Nếu quan tâm đến lịch sử thị trường chứng khoán Mỹ, bạn sẽ biết được hai phương pháp kiếm tiền khác nhau. Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhiều người kiếm được những tài sản lớn và nhỏ bằng cách đặt cược vào các chu kỳ kinh doanh. Trong thời kỳ hệ thống ngân hàng không ổn định do bùng nổ và phá sản theo chu kỳ, việc mua cổ phiếu của các công ty tại thời điểm xấu và bán ra tại thời điểm tốt thu được kết quả khả quan. Điều này đặc biệt đúng đối với những người hiểu biết sâu sắc về tài chính, những người biết thông tin về thời điểm hệ thống ngân hàng gặp khó khăn trước người khác.

Tuy nhiên, có một thực tế quan trọng cần phải ghi nhận, đó là ngay cả trong giai đoạn thị trường chứng khoán mà khởi đầu với sự ra đời của Cục dự trữ liên bang (FED) năm 1913, và kết thúc khi luật chứng khoán và hối đoái được thông qua vào buổi đầu của chính quyền Franklin D. Roosevelt , thì những người sử dụng phương pháp khác cũng đã kiếm được nhiều tiền hơn và chịu ít rủi ro hơn. Tìm ra các công ty thật sự đáng chú ý và giữ cổ phiếu của chúng qua giai đoạn biến động của thị trường đã mang lại cho nhiều nhà đầu tư khoản lợi nhuận hơn hẳn những người cố gắng mua cổ phiếu khi giá rẻ và bán khi giá đắt.

Nếu kết luận này gây ngạc nhiên, thì lời khuyên rút ra từ nó còn gây ngạc nhiên hơn. Đây là chiếc chìa khóa đầu tiên mở cánh cửa giúp đầu tư thành công. Trong danh sách các cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ ngày nay, rất nhiều cổ phiếu của các công ty mà nếu cách đây 25 đến 50 năm bạn bỏ 10.000 đô-la đầu tư vào chúng, thì giờ đây khoản đầu tư đó có giá trị phổ biến là 250.000 đô-la hoặc gấp vài lần. Nói cách khác, trong suốt cuộc đời, hầu hết các nhà đầu tư đều có vô số cơ hội đầu tư để gây dựng nền tảng cho tương lai vững chắc của chính họ hay cho con cái họ. Những cơ hội ấy không đòi hỏi phải tiến hành giao dịch vào đúng thời điểm thị trường tụt xuống đáy. Trong nhiều năm, cổ phiếu của các công ty này luôn sẵn có tại nhiều mức giá có thể đem lại lợi nhuận. Việc bạn cần làm là phải lọc ra một số ít những công ty có triển vọng đầu tư xán lạn từ rất nhiều công ty mà tương lai biến động khôn lường.

Ngày nay, liệu có còn những cơ hội đầu tư có thể mang lại tỷ lệ lợi nhuận cao trong tương lai hay không? Nếu câu trả lời là có, thì cách tạo ra lợi nhuận từ việc đầu tư vào cổ phiếu thường bỗng trở nên rõ ràng. Thật may mắn, có nhiều bằng chứng cho thấy ngày nay những cơ hội còn tuyệt vời hơn rất nhiều so với 25 năm đầu thế kỷ XX.

Nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt này là do những thay đổi căn bản về bộ máy quản lý, và cách giải quyết công việc kinh doanh. Trong thế hệ trước, lãnh đạo các tập đoàn lớn thường là thành viên trong gia đình. Họ coi tập đoàn như sở hữu cá nhân và hầu như không chú ý đến lợi ích của các cổ đông khác. Vấn đề là ở chỗ thông thường chỉ có con trai hoặc cháu trai được đào tạo để tiếp quản công việc khi những người đi trước không còn phù hợp. Nói chung, việc tuyển chọn các tài năng xuất sắc nhất để bảo vệ khoản đầu tư của các cổ đông hiếm khi được nhà quản lý coi trọng. Dưới sự quản lý tập quyền, các nhà quản lý kinh nghiệm lâu năm có xu hướng chống đối cải cách, đổi mới, và thường xuyên từ chối lắng nghe những đề nghị hay góp ý, phê bình. Điều này khác xa với môi trường cạnh tranh ngày càng cao cùng với việc nỗ lực tìm kiếm mọi cách để trở nên hoàn thiện hơn như hiện nay. Giờ đây, cách quản lý hàng đầu là không ngừng tự phân tích, tìm kiếm sự đổi mới, thường xuyên đi khảo sát bằng cách tham khảo ý kiến của các chuyên gia để thu được những lời khuyên tốt.

Trước đây, luôn có một nguy cơ là những tập đoàn hấp dẫn nhất sẽ không tiếp tục dẫn đầu trong lĩnh vực đó, hoặc nếu có thì các thành viên trong công ty cũng sẽ chiếm đoạt tất cả lợi ích cho bản thân họ. Ngày nay, các nguy cơ trong đầu tư như thế chưa biến mất hoàn toàn, nhưng khó có thể trở thành hiểm họa đối với nhà đầu tư cẩn trọng.

Khía cạnh thay đổi đáng chú ý trong quản lý doanh nghiệp đó là nếu sự phát triển của nghiên cứu doanh nghiệp được tiến hành song song với thử nghiệm công nghệ mới, thì doanh nghiệp sẽ đem lại lợi nhuận lớn cho cổ đông. Như vậy, việc nghiên cứu sản phẩm công nghệ mới sẽ đem lại kết quả tuyệt vời với lợi nhuận không ngừng tăng cho cổ đông. Ngay cả hiện nay, cũng chỉ có rất ít nhà đầu tư hình dung được sự phát triển này diễn ra nhanh như thế nào, và liệu nó sẽ tiến xa đến đâu cũng như tác động của nó đối với chính sách đầu tư cơ bản.

Thực tế, ngay cả vào cuối những năm 1920, chỉ có khoảng một nửa tá tập đoàn công nghiệp thành lập các tổ chức nghiên cứu đúng nghĩa. Theo tiêu chuẩn ngày nay, quy mô của chúng là nhỏ. Phải cho đến khi vì lo sợ Adolf Hitler, kiểu hoạt động này mới được thúc đẩy vì mục đích quân sự, nhờ đó nghiên cứu công nghiệp mới thật sự bắt đầu phát triển.

Từ đó, các nghiên cứu liên tục phát triển. Một cuộc khảo sát năm 1956, đăng trên tờ Business Week và một loạt ấn phẩm thương mại khác của McGraw-Hill chỉ ra rằng, trong năm 1953, chi phí nghiên cứu và phát triển trung bình của các tập đoàn là 3,7 tỷ đô-la. Năm 1956, chi phí này lên tới 5,5 tỷ đô-la và theo kế hoạch phát triển hiện tại, thì con số này có thể lên tới 6,3 tỷ đô-la vào năm 1959. Đáng ngạc nhiên không kém, cuộc khảo sát này chỉ ra rằng vào năm 1959, nhiều ngành công nghiệp đang dẫn đầu của Mỹ kỳ vọng đạt được từ 15% đến hơn 20% trong tổng doanh thu từ những sản phẩm chưa được thương mại hóa của năm 1956.

Mùa xuân năm 1957, họ tiến hành một cuộc khảo sát tương tự. Nếu kết quả năm 1956 gây bất ngờ, thì số liệu thu được trong lần khảo sát này hẳn gây một cú sốc lớn. Chi phí nghiên cứu đã tăng 20% so với tổng chi phí năm trước, lên tới 7,3 tỷ đô-la. Điều đó cho thấy chi phí đầu tư cho nghiên cứu phát triển đã tăng 100% trong vòng bốn năm. Cũng có nghĩa chi phí nghiên cứu tăng lên thực tế trong 12 tháng là 1 tỷ đô-la, mặc dù chỉ hơn một năm trước thôi, con số này là khoản chi phí người ta dự định sử dụng cho 36 tháng tiếp theo. Chi phí nghiên cứu dự tính của năm 1960 lên tới 9 tỷ đô-la. Hơn thế nữa, tất cả các ngành công nghiệp sản xuất, chứ không chỉ một số ít ngành công nghiệp được lựa chọn để khảo sát trong lần đầu, kỳ vọng 10% doanh thu năm 1960 là từ những sản phẩm mới mà ba năm trước chưa được thương mại hóa. Trong một số ngành công nghiệp cụ thể, sản lượng bán ra cao gấp nhiều lần, đơn thuần là nhờ thay đổi về mẫu mã và phong cách.

Tác động của nghiên cứu trong đầu tư không phải là phóng đại. Chi phí của loại nghiên cứu này lớn đến nỗi một tập đoàn thất bại trong nghiên cứu, theo quan điểm kinh doanh có khả năng sẽ lao đao trước gánh nặng vận hành dự án. Hơn nữa, đối với cả nhà quản lý lẫn nhà đầu tư không có tiêu chuẩn dễ dàng và nhanh chóng nào để đo lường khả năng sinh lợi của nghiên cứu. Vì thế, rất nhiều dự án nghiên cứu không chắc đem lại lợi ích gì. Hơn nữa, hoàn toàn ngẫu nhiên, hàng loạt những dự án phi lợi nhuận như vậy lại bỗng dưng tụ họp lại trong một khoảng thời gian đặc thù tại ngay cả những phòng thí nghiệm kinh doanh hoạt động hiệu quả. Cuối cùng, tính từ thời điểm một dự án bắt đầu được thai nghén cho đến khi đạt được hiệu quả để mang lại lợi nhuận thì thường phải mất từ bảy đến mười một năm. Vì thế, chắc chắn ngay cả những dự án nghiên cứu sinh lợi cũng phải ngốn khoản chi phí lớn trước khi thu về lợi nhuận cho cổ đông.

Tuy nhiên, nếu một nghiên cứu sơ sài sẽ phải trả giá cao, thì việc hầu như không nghiên cứu sẽ còn phải trả giá đắt hơn. Sau vài năm, sự xuất hiện của những nguyên liệu và máy móc mới với nhiều chủng loại sẽ thu hẹp thị trường tiêu thụ của hàng nghìn công ty, thậm chí là của tất cả các ngành công nghiệp không theo kịp thời đại. Những thay đổi căn bản trong cách thức làm việc đã diễn ra cùng với việc đưa máy tính vào sử dụng để lưu trữ dữ liệu và dùng bức xạ trong quy trình chế biến công nghiệp. Nhiều công ty tỉnh táo nhận ra những xu hướng mới, ý thức được việc tận dụng công nghệ để đạt được doanh thu bán hàng khổng lồ. Những công ty này vẫn duy trì phương thức quản lý vừa đảm bảo được hiệu quả cao nhất trong hoạt động hàng ngày, đồng thời phải đi đầu trong các lĩnh vực và vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn trong tương lai. Chắc chắn, những cổ đông may mắn của các công ty này sẽ “lời to”.

Ngoài những ảnh hưởng do thay đổi tầm nhìn trong quản lý và xu hướng nghiên cứu tăng nhanh, còn một nhân tố thứ ba mang lại cho các nhà đầu tư ngày nay nhiều cơ hội hơn so với những thập kỷ trước. Ở phần tiếp theo của cuốn sách đề cập đến thời điểm nên mua hay bán cổ phiếu, chúng ta sẽ thảo luận kỹ hơn những yếu tố ảnh hưởng đến chu kỳ kinh doanh mà đáng lẽ các chính sách đầu tư nên đưa vào. Còn trong phần này, tôi muốn đề cập một chút về những ảnh hưởng của nhân tố thứ ba, đó là sự thay đổi chính sách căn bản trong cơ cấu của chính phủ liên bang đã đem lại khoản cổ tức lớn hơn cho những người sở hữu một số loại cổ phiếu thường năm 1932.

Trước và sau năm đó, cho dù không có mấy công lao trong thay đổi đó, cả hai đảng chủ chốt vẫn luôn được hưởng công trạng về bất cứ sự thịnh vượng của nền kinh tế trong giai đoạn họ cầm quyền. Ngược lại, khi cổ phiếu đột ngột sụt giá, họ cũng dễ dàng bị phe đối lập và công chúng buộc tội. Tuy nhiên, trước năm 1932, ban lãnh đạo của cả hai đảng đều cần được nhìn nhận nghiêm túc về việc liệu có chút đạo đức hay khôn ngoan chính trị nào không khi chủ động tạo ra thâm hụt ngân sách khổng lồ vì mục đích chống đỡ cho một số ngành kinh doanh yếu kém? Dù cho đảng nào cầm quyền thì nó cũng đã không xem xét nghiêm túc việc nó đã ngăn chặn tình trạng thất nghiệp bằng những phương thức hết sức tốn kém.

Từ sau năm 1932, mọi thứ đều đảo ngược. Không chắc là Đảng Dân chủ có ít công trạng hơn Đảng Cộng hòa trong việc cân bằng ngân sách liên bang. Tuy nhiên, ngoại trừ Cựu Bộ trưởng Tài chính Humphrey , từ tổng thống Eisenhower trở xuống, ban lãnh đạo có thẩm quyền của Đảng Cộng hòa nhiều lần nhắc đi, nhắc lại rằng nếu tình hình kinh doanh đi xuống họ sẽ không do dự giảm thuế và sử dụng bất kỳ biện pháp nào nhằm giảm thâm hụt ngân sách để duy trì sự thịnh vượng của nền kinh tế và khắc phục tình trạng thất nghiệp. Điều này hoàn toàn khác xa so với những học thuyết phổ biến trước khi cuộc Đại suy thoái xảy ra.

Ngay cả nếu thay đổi trong chính sách trên không được đông đảo mọi người chấp thuận, thì một số thay đổi khác xuất hiện cũng mang lại những kết quả tương tự, dù không ngay lập tức. Thuế thu nhập chỉ có hiệu lực dưới thời Wilson. Trước những năm 1930, nó không có ảnh hưởng gì lớn tới toàn bộ nền kinh tế. Những năm trước đó, hầu như thu nhập của liên bang là từ thuế hải quan, hay thuế đánh vào hàng nội địa. Các khoản thu này khá khiêm tốn, nhưng xét về tổng thể lại tương đối ổn định. Trái lại, ngày nay, khoảng 80% nguồn ngân sách liên bang thu được là từ thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thuế thu nhập cá nhân. Điều này có nghĩa là bất cứ một sự tụt giảm đột ngột nào trong giới doanh nghiệp nói chung cũng sẽ dẫn đến sự sụt giảm tương đương trong thu nhập của liên bang.

Trong khi đó, nhiều chính sách khác nhau như trợ giá nông sản, hay trợ cấp thất nghiệp đã được đưa vào các bộ luật của Mỹ. Chính vào thời điểm mà sự thua lỗ của một doanh nghiệp có thể làm sụt giảm mạnh nguồn thu của chính phủ liên bang, thì các khoản chi kiểu này đã khiến chi tiêu chính phủ tăng lên đáng kể. Thêm vào đó, quyết tâm đảo ngược bất cứ xu hướng kinh doanh bất lợi nào bằng cách cắt giảm thuế, xây dựng thêm các công trình phúc lợi công cộng, và cho các doanh nghiệp đang phải chịu sức ép lớn vay tiền, đã khiến cho một nguy cơ ngày càng rõ ràng là nếu có một cuộc suy thoái thật sự sắp xảy ra, thâm hụt liên bang có thể dễ dàng lên đến mức 25 tỷ đô-la đến 30 tỷ đô-la một năm. Các đợt thâm hụt kiểu này sẽ làm lạm phát trầm trọng hơn, cũng giống như đợt thâm hụt do chiến phí gây ra đã dẫn đến tình trạng giá cả leo thang thời hậu chiến.

Điều này có nghĩa là nếu một cuộc suy thoái xảy ra, thì nó có xu hướng kết thúc sớm hơn so với một số cuộc đại suy thoái từng xảy ra trước đó. Hiện tượng lạm phát gia tăng khiến giá cả hàng hóa tăng vọt, điều mà trước đây từng giúp một số ngành công nghiệp nhưng cũng khiến một số khác điêu đứng. Trong hoàn cảnh kinh tế đó, chu kỳ kinh doanh cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cổ đông của các công ty yếu kém về tài chính hay lợi thế cạnh tranh. Nhưng đối với các cổ đông trong các công ty có đủ sức mạnh tài chính để chống đỡ hoặc có khả năng vay vốn để chèo chống công ty từ một đến hai năm trong giai đoạn khó khăn, thì sự đi xuống của các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế như hiện nay chỉ là sự chững lại tạm thời của thị giá cổ phiếu của công ty đó, chứ không phải là mối đe dọa căn bản đến sự sinh tồn của bản thân khoản đầu tư từng có nguy cơ phải đối mặt trước năm 1932.

Một xu thế tài chính căn bản khác sinh ra từ khuynh hướng gây lạm phát ngày càng trở nên in sâu trong các bộ luật của Mỹ và các quan điểm về trách nhiệm kinh tế của chính phủ. Trái phiếu đã trở thành những khoản đầu tư dài hạn không mong đợi đối với các nhà đầu tư trung bình. Mùa thu năm 1956, tỷ lệ lãi suất tăng kéo dài trong vài năm trước đó đã tạo ra một lực đẩy lớn. Khi các trái phiếu được xếp hạng cao liên tục được bán ra với giá rẻ nhất trong vòng 25 năm, rất nhiều chuyên gia tài chính đã khuyến khích chuyển đầu tư từ các loại cổ phiếu giá cao sang các loại chứng khoán thu nhập cố định. Lợi nhuận cao bất thường của trái phiếu vượt mức lợi nhuận từ cổ tức của các cổ phiếu dường như đã củng cố mạnh mẽ cho sự hoàn hảo của chính sách này. Trong ngắn hạn, sớm hay muộn thì chính sách này cũng sẽ cho thấy lợi ích. Do đó, nó có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư ngắn và trung hạn, và các thương gia nhạy bén về thời điểm quyết định tiến hành giao dịch. Bất kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng nào gần như tất yếu sẽ khiến lãi suất tiền gửi sụt giảm và giá trái phiếu tăng lên tại thời điểm giá cổ phiếu khó có thể tăng. Tóm lại những trái phiếu được xếp hạng cao chỉ tốt cho những kẻ đầu cơ nhưng lại không tốt đối với các nhà đầu tư dài hạn. Điều này dường như trái với những suy nghĩ thông thường về ảnh hưởng của lạm phát. Tuy nhiên, bất cứ hiểu biết thật sự nào về ảnh hưởng của lạm phát cũng cho thấy tại sao điều này dường như là chân lý.

Báo cáo tháng 12 năm 1956 của The First National City Bank, chi nhánh New York đã đưa ra một bảng biểu diễn sức mua của đồng tiền giảm sút như thế nào trên toàn thế giới trong 10 năm, kể từ năm 1946 đến 1956. Bảng này bao gồm 16 quốc gia giàu có. Bất cứ một quốc gia nào trong số đó đều có giá trị đồng tiền giảm đáng kể. Thụy Sỹ có giá trị đồng tiền giảm xuống ít nhất. Thời kỳ cuối của giai đoạn 10 năm này, sức mua của đồng tiền Thụy Sỹ chỉ còn 85% so với 10 năm trước đó trong khi đó đồng tiền Chi Lê bị mất tới 95% so với giá trị ban đầu. Ở Mỹ và Canada, sự giảm sút này lần lượt là 29% và 35%. Điều này có nghĩa là tại Mỹ, tỷ lệ sụt giá hàng năm của đồng tiền trong suốt thời kỳ đó lên tới 3,4% và Canada là 4,2%. Ngược lại, số lượng trái phiếu mà Chính phủ Mỹ phát hành đã được mua ngay trong thời gian đầu của giai đoạn 10 năm với tỷ lệ lãi suất khá thấp, chỉ khoảng 2,19%. Rõ ràng là, một cổ đông sở hữu các loại chứng khoán có thu nhập cố định hoặc được xếp hạng cao chỉ thu được lãi suất thực tế lớn hơn âm 1%.

Tuy nhiên, giả sử thay vì thu được trái phiếu có tỷ lệ lãi suất tương đối thấp chiếm ưu thế trong giai đoạn đầu thì nhà đầu tư có thể mua chúng ở mức lãi suất tương đối cao nhưng chiếm ưu thế trong 10 năm sau. Báo cáo trên cũng cung cấp một vài số liệu về vấn đề này. Theo ước tính lãi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ cuối giai đoạn 10 năm là 3,27%, các nhà đầu tư vẫn bị lỗ nhẹ. Tuy nhiên, sáu tháng sau khi bản báo cáo đó được hoàn thành, thì tỷ lệ lãi suất lại tăng lên đáng kể, trên 3,5%. Vậy các nhà đầu tư phải làm thế nào nếu ngay từ đầu anh ta có cơ hội đầu tư với lợi nhuận ước tính cao nhất trong hơn 25 năm qua? Thực tế là, trong đa số trường hợp, anh ta khó thu được vốn đầu tư, thậm chí bị lỗ bởi hầu hết những người mua trái phiếu đều phải trả ít nhất là 20% thuế thu nhập tính trên phần lãi thu được. Nhiều ví dụ cho thấy thuế mà những người nắm giữ trái phiếu phải trả quá cao, 20% ngay từ 2000 đô-la đến 4000 đô-la tiền lãi ban đầu. Tương tự, nếu một nhà đầu tư mua các trái phiếu đô thị miễn thuế vào thời điểm “nóng” này, tỷ lệ lãi suất thấp của các chứng khoán miễn thuế này cũng không mang lại cho các nhà đầu tư lợi nhuận thật sự.

Tất nhiên, những con số trên chỉ là kết luận cho giai đoạn 10 năm này. Tuy nhiên, chúng còn dự đoán các tình hình này là phổ biến trên phạm vi thế giới, và vì thế các xu hướng chính trị ở bất kỳ nước nào cũng khó có thể xoay chuyển được tình thế. Điều thật sự quan trọng để trái phiếu có thể trở thành khoản đầu tư dài hạn hấp dẫn là liệu có một xu hướng tương tự diễn ra trong thời gian tới hay không. Tôi cho rằng nếu toàn bộ cơ chế lạm phát được nghiên cứu kỹ thì chúng ta sẽ thấy rõ là lạm phát gia tăng kích thích tăng trưởng tín dụng − hệ quả của thâm hụt ngân sách của Chính phủ đã nới rộng cơ sở tiền gửi của hệ thống tín dụng. Thâm hụt lớn sau Chiến tranh thế giới thứ hai cũng để lại hậu quả như vậy, những nhà đầu tư trái phiếu trước chiến tranh vẫn duy trì được mức thu nhập ổn định từ các chứng khoán có thu nhập cố định nhưng thực tế họ đã mất hơn một nửa giá trị thực của các khoản đầu tư này.

Có hai khả năng có thể xảy ra. Hoặc là các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đứng vững, cổ phiếu của chúng sẽ tiếp tục chiếm ưu thế hơn so với trái phiếu. Hoặc ngược lại, suy thoái xuất hiện, tạm thời các trái phiếu sẽ hấp dẫn hơn cả cổ phiếu hàng đầu. Tuy nhiên, hàng loạt các biện pháp nhằm giảm thâm hụt ngân sách được thực thi sẽ làm giảm đáng kể sức mua trái phiếu. Tất nhiên, suy thoái sẽ dẫn đến lạm phát gia tăng. Khó khăn ở đây là quyết định khi nào nên bán trong giai đoạn giá trái phiếu có xu hướng giảm. Trong nền kinh tế biến động phức tạp như hiện nay, các chứng khoán loại này (trái phiếu) về cơ bản phù hợp với ngân hàng, công ty bảo hiểm, và nhà cá nhân có mục đích đầu tư ngắn hạn, vì chúng không cung cấp cho nhà đầu tư dài hạn khoản lãi tương xứng để bù lại khi sức mua giảm sút.

Trước khi tìm hiểu và bàn luận sâu hơn, chúng ta nên tóm tắt ngắn gọn những dẫn chứng rất phong phú về đầu tư trong một nghiên cứu về quá khứ, từ việc so sánh những khác biệt căn bản trong quan điểm đầu tư giữa quá khứ và hiện tại. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, phần thưởng lớn nhất luôn dành cho nhà đầu tư hoặc nhờ khả năng phán đoán tuyệt vời, hoặc nhờ may mắn, tìm được cơ hội đầu tư vào các công ty có khả năng tăng trưởng lớn mạnh về doanh thu lẫn lợi nhuận trong nhiều năm. Đồng thời, nếu biết chắc rằng đã tìm được một công ty như vậy thì chúng ta nên quyết tâm gắn bó lâu dài với nó. Những công ty này không nhất thiết phải là những công ty nhỏ và mới thành lập. Quy mô công ty không quan trọng, mà quan trọng là ban lãnh đạo công ty không những phải quyết tâm tiếp tục đạt được tăng trưởng mạnh mẽ hơn, mà còn có khả năng hoàn thành các kế hoạch của mình. Lịch sử cho thấy, sự tăng trưởng này thường gắn liền với hiểu biết về cách thức tổ chức nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau của các ngành khoa học tự nhiên nhằm ứng dụng hiệu quả vào việc phát triển thị trường cũng như cho ra đời những dòng sản phẩm mới. Rõ ràng, đặc tính chung của các công ty kiểu này là bộ máy quản lý không cho phép những dự tính cho kế hoạch dài hạn cản trở họ thực hiện hiệu quả công việc kinh doanh hàng ngày. Cuối cùng, nó củng cố một niềm tin là cho dù nhiều cơ hội đầu tư tuyệt vời đã xuất hiện từ cách đây 25 hay 50 năm, thì ngày nay, chắc chắn còn có nhiều cơ hội hơn thế.

2:SỨC MẠNH CỦA PHƯƠNG PHÁP “LỜI ĐỒN ĐẠI”

Chương này sẽ miêu tả tổng quát các mục tiêu nhà đầu tư cần hướng đến. Nó là sự phác họa kiểu đầu tư đáng mơ ước, và làm thế nào các nhà đầu tư có thể tìm đúng cổ phiếu của những công ty có thể tăng giá mạnh trong tương lai?

Có một phương pháp rất hợp lý mà chúng ta có thể nghĩ ngay đến nhưng không thực tế. Đó là tìm các nhà quản lý cao cấp ở nhiều lĩnh vực khác nhau để đánh giá khả năng của các bộ phận trong một công ty, điều tra chi tiết ban quản trị nhân sự, khả năng sản xuất, cách thức tổ chức marketing bán hàng, hoạt động nghiên cứu, và các chức năng chính khác, để đưa ra đánh giá cuối cùng xem công ty đó có tiềm năng tăng trưởng và phát triển nổi trội không.

Phương pháp này nghe có vẻ đơn giản nhưng không may, có vài lý do khiến nó không phù hợp với các nhà đầu tư vừa và nhỏ. Thứ nhất, chỉ có rất ít người có những kỹ năng quản lý cần thiết để phân tích theo cách đó. Hầu hết họ đều giữ chức vụ cao và có công việc với mức thù lao tương xứng nên sẽ không có thời gian để làm những việc kiểu này. Hơn thế nữa, cho dù họ đồng ý làm thì cũng khó có khả năng các công ty làm ăn phát đạt cung cấp cho người ngoài mọi dữ liệu cần thiết để có thể đưa ra một quyết định chính xác. Một số thông tin thu được từ phương pháp này có thể quá giá trị hay mang lại lợi thế cạnh tranh quá cao để có thể cung cấp cho một người không hề có trách nhiệm gì với công ty.

Thật may mắn, có một phương pháp khác mà nhà đầu tư có thể áp dụng – phương pháp “lời đồn đại”. Nếu thực hiện đúng, phương pháp thứ hai này sẽ giúp chúng ta có cơ sở cần thiết để đưa ra các quyết định đầu tư chính xác.

Khi tìm hiểu phương pháp “lời đồn đại” được miêu tả chi tiết trong những trang tiếp theo, hẳn các nhà đầu tư vừa và nhỏ sẽ có một phản ứng dễ nhận thấy. Đó là cho dù phương pháp này có mang lại bao nhiêu lợi ích cho người khác, chưa chắc nó đã giúp gì cho anh ta, bởi anh ta không có nhiều cơ hội áp dụng nó. Tôi hiểu là phần lớn các nhà đầu tư không có điều kiện làm được nhiều việc cần thiết để có thể đầu tư hiệu quả nhất. Tuy nhiên, tôi cho rằng họ chỉ cần hiểu sơ qua là cần cái gì và tại sao cần là đủ. Chỉ bằng cách này thì họ mới thể lựa chọn được kiểu nhà tư vấn chuyên nghiệp có khả năng hỗ trợ tốt nhất. Và chỉ theo cách này, họ mới có thể đánh giá chính xác nhất kết quả tư vấn. Hơn nữa, khi họ hiểu rằng không chỉ cần chú ý đến kết quả mà còn phải xem xét đến cách thức thực hiện, các nhà đầu tư sẽ rất ngạc nhiên bởi hết lần này đến lần khác các chuyên gia tư vấn giúp họ giàu lên và thu được nhiều lợi nhuận hơn.

“Tin vịt” trong kinh doanh là một thứ hết sức đặc biệt. Thật đáng ngạc nhiên trước bức tranh chân thực về điểm mạnh, điểm yếu của từng công ty trong ngành mà chúng ta rút ra được từ các đánh giá tiêu biểu của những người có liên quan đến công ty đó. Hầu hết mọi người, đặc biệt là những người cảm thấy chắc chắn rằng những điều mình nói vô thưởng vô phạt, sẽ rất thích nói về những việc họ đang làm và thoải mái đề cập tới các đối thủ cạnh tranh. Thử khảo sát năm công ty trong một ngành nào đó, hỏi một công ty các câu hỏi thông minh về những điểm mạnh và điểm yếu của bốn công ty còn lại, và bạn sẽ thu được rất nhiều thông tin chi tiết và xác thực đến mức ngạc nhiên về cả năm công ty này.

Tuy nhiên, ý kiến của các đối thủ cạnh tranh chỉ là một nguồn cung cấp thông tin chứ chưa hẳn là nguồn tốt nhất. Bạn sẽ ngạc nhiên không kém trước số thông tin về tình hình thực chất bạn thu được từ những người bán hàng và các khách hàng của công ty đó. Các nhà khoa học nghiên cứu tại các trường đại học, trong chính phủ, trong các công ty cạnh tranh, và hiệp hội thương mại cũng là những nguồn cung cấp thông tin vô cùng hữu ích.

Đặc biệt trong trường hợp các nhà điều hành các hiệp hội thương mại, cũng như của các tổ chức khác, thì có hai điều nhà đầu tư cần hiểu. Thứ nhất, nhà đầu tư phải biết rằng nguồn cung cấp thông tin của anh ta sẽ không bao giờ được tiết lộ. Vì vậy, nhà đầu tư phải thích nghi với điều đó. Mặt khác, mức độ nguy hiểm của việc dễ dàng vướng vào rắc rối rõ ràng đến mức người cung cấp tin sẽ không dám đưa ra các thông tin bất lợi.

Vẫn còn một nhóm khác có thể giúp các nhà đầu tư tìm kiếm các công ty tiềm năng. Tuy nhiên, nhóm này có thể sẽ có tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực nếu nhà đầu tư không có khả năng đánh giá hiệu quả và không tham khảo các ý kiến khác để kiểm chứng thông tin nhận được. Nhóm này bao gồm các cựu nhân viên có cái nhìn của người trong cuộc về những điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp mà họ từng làm việc, hơn nữa họ có thể nói về những điều này rất thoải mái. Tuy nhiên cần phải tìm hiểu kỹ, bởi một số nhân viên, dù đúng hay sai, cảm thấy họ bị sa thải không có lý do chính đáng hoặc họ bỏ việc do phàn nàn. Liệu cái nhìn của họ có quá thành kiến không? Nên xem xét những điều nhân viên cũ nhận xét.

Kể cả khi tập hợp được đầy đủ các nguồn thông tin khác nhau về một công ty nào đó, cũng không nhất định các thông tin này phải thống nhất với nhau. Thực ra điều đó là không cần thiết. Trong trường hợp các công ty thật sự nổi tiếng, thông tin về sự vượt trội của họ quá rõ ràng đến mức thậm chí một nhà đầu tư không giàu kinh nghiệm lắm cũng biết công ty nào phù hợp với mục tiêu và lợi ích của anh ta. Bước tiếp theo anh ta cần thực hiện là liên lạc với nhân viên công ty để tìm hiểu thêm thông tin để bổ sung vào những phần còn thiếu trong bức tranh tổng thể về các doanh nghiệp mà nhà đầu tư quan tâm.


 

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button