Review

Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Haruki Murakami
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 620
Ngày xuất bản 08-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Một tác phẩm khoa học giả tưởng, truyện trinh thám và bản tuyên ngôn của chủ nghĩa hậu hiện đại kết hợp trong cuốn tiểu thuyết dung lượng đồ sộ. Murakami đã hợp nhất Đông – Tây, bi – hài, sự thờ ơ và lòng trắc ẩn, ngôn ngữ lóng thông tục và các tư tưởng triết học siêu hình trong câu chuyện đặc sắc về toán sư 35 tuổi ly hôn trong hành trình đi xuống thế giới ngầm mang màu sắc Kafka dưới lòng Tokyo hiện đại. Kết quả là Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới với những tưởng tượng sáng tạo phóng túng và một trạng thái lắng đọng sâu xa của tâm thức, góp phần tạo nên thành công lớn làm gia tăng đáng kể lượng độc giả của Haruki Murakami trên toàn thế giới.

Tiểu thuyết Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới được trao Giải thưởng Văn học Tanizaki uy tín của Nhật Bản năm 1985.

“Một tiểu thuyết gia xuất sắc… ông nắm bắt được nỗi đau chung trong tâm hồn và trí óc của con người đương đại.” – Jay Mclnerney

“Tồn tại khái niệm kỳ bí mang tên Hiệu ứng Murakami: đọc sách của ông người ta trở nên trầm lặng, vì bắt buộc phải chìm đắm vào một trạng thái thiền.” – Frankfurter Allgemeine Zeitung

“Haruki Murakami thành công trong nỗ lực kết hợp Stephen King, Franz Kafka và Thomas Pynchon ở tác phẩm của mình. Ông là một trong những cây bút đương đại bậc thầy.” – Der Tagesspiegel

“Khi viết cuốn sách này, một hình mẫu quan trọng của tôi là huyền thoại về Orpheus xuống địa phủ tìm người vợ yêu đã khuất. Xưa kia con người từng quan niệm dưới bề mặt này còn một thực tại khác nữa. Giờ đây tôi vẫn tin như vậy, dĩ nhiên là hiểu theo nghĩa ẩn dụ. Có thể hình dung thế giới chúng ta đang sống là một ngôi nhà. Có tầng trệt, tầng lầu và tầng hầm. Tôi tin bên dưới tầng hầm vẫn còn tầng hầm nữa. Nếu thực sự muốn, chúng ta sẽ tìm được đường đi xuống. Cuốn tiểu thuyết này dẫn dụ ta theo hướng đó.” – Haruki Murakami, 2003

[taq_review]

Trích dẫn


3.750 yên?

Sai rồi.

Tôi đã phạm sai lầm ở một đoạn nào đó. Trong ba năm tôi chưa hề tính sai tiền trong túi lần nào. Không một lần nào. Rõ ràng đây là điềm gở. Trước khi nó hiện nguyên hình là một tai họa thì tôi phải chiếm lại được cứ điểm đã mất.

Tôi nhắm mắt và cọ sạch hai bán cầu não, tựa như lau kính mắt vậy. Sau đó tôi rút cánh tay khỏi túi quần và xòe ra cho ráo mồ hôi. Công việc chuẩn bị này tôi làm nhanh và thành thạo như Henry Fonda trước khi bước vào cảnh đấu súng trong phim Warlock. Không liên quan gì đến lúc này, nhưng tôi khoái phim ấy.

Sau khi chắc chắn là hai tay đã khô hẳn, tôi lại cho tay vào túi quần và bắt đầu tính lần thứ ba. Nếu kết quả lần này trùng với một trong hai kết quả ban nãy thì vấn đề đã xong. Ai cũng có khi mắc lỗi. Tôi bị bối rối trong một tình cảnh đặc biệt và thú thực là cũng vì hơi tự cao tự đại một chút. Đó là lý do cho sai phạm tài tử này. Giờ thì phải xác định con số chính xác – nó sẽ là cứu tinh của tôi. Song cứu tinh chưa xuất hiện thì cửa thang máy đã mở. Không một dấu hiệu báo trước, cánh cửa im lìm trượt qua hai bên.

Vì đang mải tập trung tinh thần vào chỗ tiền xu trong túi quần, thoạt tiên tôi không nhận thấy cửa đã mở. Nghĩa là, để diễn tả cho đúng hơn: thị giác của tôi nhận thấy cửa mở ra, nhưng một lát sau vẫn không hiểu được ý nghĩa cụ thể của chuyển động ấy. Tất nhiên điều này có nghĩa là sự tái lập tính liên tục của hai không gian bị chia cắt bởi tấm cửa cho đến thời điểm đó. Đồng thời cũng có nghĩa là chiếc thang máy chở tôi đã đến đích.

Tôi chấm dứt trò chơi với ngón tay trong túi và ngó ra ngoài. Bên ngoài là một hành lang, và ở đầu hành lang có một cô gái. Cô ta béo, trẻ, vận bộ đồ màu hồng và đi giày cao gót hồng. Bộ đồ cắt rất khéo bằng vải láng, và khuôn mặt cô cũng nhẵn nhụi như vậy. Cô nhìn tôi một lát như để chắc tin, rồi gật đầu với tôi. Rõ ràng đó là dấu hiệu: “Xin mời”. Tôi bỏ trò đếm tiền xu, rút tay khỏi túi quần và bước ra. Tôi vừa ra ngoài thì tựa như chỉ đợi dịp ấy, cửa thang máy cũng đóng lại sau lưng.

Ra đến hành lang, tôi nhìn quanh quất thật kỹ nhưng không phát hiện ra điều gì khả dĩ làm sáng tỏ hơn tình cảnh của mình. Đây là hành lang một tòa nhà, rõ rồi, nhưng điều ấy thì đến thằng bé lớp Một cũng nhận ra.

Tựu trung đây là một tòa nhà với nội thất tẻ nhạt đến mức khó hiểu. Như trong chiếc thang máy trở tôi lên đây, các vật liệu được sử dụng toàn là loại thượng hạng, nhưng không có điểm nào để dừng mắt. Nền nhà bằng cẩm thạch đánh bóng sáng choang, tường sơn vàng như màu bánh mì mà tôi vẫn hay ăn sáng. Dọc hai bên hành lang là hàng loạt cửa gỗ nặng trịch, trên mỗi cửa một tấm biển kim loại ghi số phòng; tuy nhiên số phòng được đánh thất thường đến mức ngớ ngẩn. Sau số 936 là đến 1213, tiếp theo là 26. Chẳng đâu có cách đánh dấu phòng vớ vẩn như vậy. Ở đây có gì đó không ổn.

Cô gái hầu như không hé miệng. Tuy cô có nói với tôi “Mời ông đi đường này!” nhưng đó chỉ là cặp môi cô động đậy, không có tiếng nói. Trước khi làm công việc hiện tại, tôi đã theo một lớp học đọc cử động môi, nhờ vậy tôi hiểu sơ sơ ý cô. Thoạt tiên tôi tưởng tai mình có vấn đề. Lúc nãy là thang máy lặng ngắt, rồi tiếng đằng hắng và huýt sáo không ra hơi, khiến đầu óc tôi rối tung lên vì chuyện âm thanh.

Tôi thử hắng giọng. Nghe vẫn còn đùng đục nhưng đã khá hơn hẳn so với tiếng trong thang máy. Tôi nhẹ người và lấy lại được tự tin về thính giác của mình. Tai tôi thế là ổn. Có nghĩa vấn đề là ở miệng cô gái.

Tôi đi theo sau cô. Trong hành lang trống trải, tiếng gót giày nhọn của cô vang lách cách như trong một mỏ đá ngay sau giờ nghỉ trưa. Nền cẩm thạch phản chiếu bắp chân đi tất của cô.

Cô gái béo. Trẻ và xinh, nhưng dù vậy vẫn béo. Phụ nữ béo có điều gì đó đáng chú ý, nhất là lại còn trẻ và xinh. Trong lúc theo sau lưng cô, tôi ngắm gáy, tay và chân cô. Thân hình cô mũm mĩm, tựa như đêm qua có một trận mưa tuyết đã dịu dàng phủ lên vậy.

Khi ở cạnh các cô gái trẻ, xinh và béo, lúc nào tôi cũng cực kỳ lúng túng. Chính tôi cũng không rõ tại sao. Rất có thể vì tôi bất giác buộc phải mường tượng ra thói quen ăn uống của những cô gái ấy. Nhìn thấy một cô gái béo là tự khắc đầu tôi tán loạn những hình ảnh, như cảnh cô ta say sưa chén chỗ cải xoong trang trí nằm sót lại trên đĩa hay âu yếm dùng mẩu bánh mì quẹt nốt giọt nước xốt bơ cuối cùng. Tôi không làm khác được. Như a xít gặm thủng kim loại, đầu tôi chật cứng những hình ảnh ở bàn ăn đến nỗi không nghĩ được gì khác.

Nếu họ chỉ béo thôi thì không sao. Phụ nữ béo cũng giống mây trên trời, chúng bập bềnh trên đó và chẳng đụng chạm gì tới ta. Song nếu họ béo và trẻ và đẹp thì lại khác. Những người như thế buộc tôi phải tỏ một thái độ nhất định khi đứng trước mặt họ. Nghĩa là biết đâu ta sẽ ngủ với họ. Lên giường với một cô gái trong khi đầu óc mông lung là chuyện không đơn giản.

Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là tôi ghét phụ nữ béo. Lúng túng và ghét không phải là hai từ đồng nghĩa. Tôi đã ngủ với một loạt cô béo, trẻ và đẹp, và nhìn chung những trải nghiệm ấy thực sự không dở. Lái được sự lúng túng sang một hướng thích hợp thì có thể có kết quả tốt đẹp, một kết quả mà đằng thằng ra thì ta không được dây phần. Tất nhiên không phải lúc nào cũng trôi chảy. Tình dục là một công việc rất tinh tế, khác hẳn chuyện ta vào siêu thị ngày Chủ nhật để mua cái phích đựng nước. Phụ nữ có thể vừa béo, vừa trẻ đẹp, nhưng dưới cái vỏ mũm mĩm ấy họ vẫn khác nhau. Tôi có thể lái một dạng mũm mĩm nào đó vào hướng thích hợp, ngược lại thì một dạng khác lại đẩy tôi vào thế lúng túng ghê gớm.

Xét về mặt ấy thì lên giường với phụ nữ béo là một thử thách đối với tôi. Béo cũng có nhiều kiểu và các kiểu ấy khác nhau như các kiểu chết vậy.

Đại để đó là những ý nghĩ của tôi trong khi đi dọc hành lang sau lưng một cô gái trẻ đẹp và béo. Cô quấn một khăn trắng quanh chiếc cổ áo của bộ đồ màu hồng rất thời trang. Bông tai vàng hình vuông lủng lẳng dưới dái tai dày dặn dễ coi của cô chớp lên cùng mỗi bước đi như đèn xi nhan ô tô. Nhìn chung, trong vẻ mũm mĩm ấy, cô vẫn là người nhẹ nhàng và thanh thoát. Tất nhiên có thể cô dùng áo nịt hay gì đó tương tự để bó người, nhưng động tác lắc hông của cô – nếu ta lôi thêm vào để bình phẩm – mang vẻ rắn rỏi dễ chịu. Tôi thấy ưa cô. Kiểu béo của cô là đúng kiểu tôi thích.

Chẳng phải tôi định thanh minh, nhưng không phải bạ cô gái nào tôi cũng thấy thích. Thậm chí ngược lại mới đúng. Vậy nên một khi thấy thích là tôi muốn kiểm tra cảm giác đó ngay, tôi muốn thử theo cách riêng của mình, liệu cảm giác ấy có thật không và nếu thật thì tiếp theo sẽ ra sao.

Vậy là tôi tiến lên ngang hàng cô ta và xin lỗi vì đã đến chậm mất tám, chín phút so với lịch hẹn.

“Tôi không ngờ thủ tục ở cửa mất thời gian đến vậy”, tôi nói. “Mà thang máy lại chậm thế. Đúng mười phút trước giờ hẹn tôi đã có mặt trước cửa rồi.”

“Tôi biết”, cô ra hiệu, thoáng gật đầu. Gáy cô tỏa hương Eau de Cologne. Một mùi hương khiến ta tưởng như đang được đứng trên một cánh đồng dưa bở vào một sớm mùa hạ. Không rõ vì sao mùi hương làm tôi chững lại, một cảm giác hi hữu, nghịch cảnh nhưng cũng buồn bã, tựa như hai hoài niệm khác kiểu nhau được chập lại tại một nơi tôi không quen. Tôi hay sa vào những tâm trạng như thế. Và chúng hầu như luôn được gợi ra bởi một thứ mùi hương đặc biệt. Vì sao ư, chính tôi cũng không lý giải nổi.

Bạn đọc cảm nhận


Vũ Vũ

Điều làm tôi đồng cảm sâu sắc nhất với cuốn sách này chính là chốn “Tận cùng Thế giới” mà Haruki Murakami đã xây dựng nên. Tôi đã loanh quanh tự hỏi cuộc sống có ý nghĩa gì. Tôi đã từng mơ tới một thế giới như cõi Niết Bàn của Nhà Phật. Nơi không ham muốn, không băn khoăn, không nghi ngờ, không đau khổ, không tranh giành, không bị ràng buộc bởi cái chết. Nơi tiền bạc không có giá trị, con người ta sống bình thản, một cuộc sống đủ, và tất cả mọi việc làm chỉ vì chính nó chứ không có mục đích gì khác. Đi từ cảm hứng xây dựng thế giới đó mà mạch truyện đã đan xen thêm rất nhiều vấn đề triết học, tư tưởng, cách sống như về bản chất của nghiên cứu khoa học, hệ thống chính trị và hạnh phúc của con người,..

Đây là cuốn sách rất sâu sắc, tinh tế, đi sâu vào bao quát cái toàn cảnh cũng như không bỏ qua những góc khuất nhỏ, những biểu hiện của một bản ngã nhạy cảm. Có lẽ nhiều năm sau khi đã trải nghiệm nhiều hơn tôi sẽ hiểu được một số chi tiết trong tiểu thuyết đến giờ vẫn là điều bí ẩn với tôi. Mỗi lần đọc lại là mỗi lần tôi khám phá thêm một điều mới, là mỗi lần tôi hiểu sâu thêm cảm xúc của chính mình và quan trọng tôi cảm thấy không còn đơn độc vì Haruki Murakami đã đồng cảm với tôi.

Phương Thùy

Không thể tưởng tượng được rằng lại có một ngòi bút vô cùng xuất sắc để tạo nên một câu chuyện như ảo như Xứ Sở Diệu Kỳ Tàn Bạo Và Chốn Tận Cùng Thế Giới. Haruki Murakami đã tạo nên được một tác phẩm khoa học giả tưởng kết hợp trinh thám và hơi thở của thời hiện đại vào cuốn tiểu thuyết có dung lượng đồ sộ. Mình không thể đọc một mạch như các tiểu thuyết khác mà phải dừng lại suy ngẫm rất nhiều trong các tình tiết và cả lời thoại của nhân vật. Mỗi thứ đó đều chứa đựng những nhân sinh quan sâu sắc và giá trị, hợp nhất giữ Đông – Tây, bi – hài, sự thờ ơ và lòng trắc ẩn cùng các tư tưởng triết học siêu hình khá bí hiểm.

Trần Quốc Huy

Khi Murakami ngồi vào bàn viết tiểu thuyết, trí óc và ngòi bút ông dường như có sẵn công thức hoàn hảo để hấp dẫn mọi đối tượng độc giả, cảm giác như mình được bao bọc trong một cái lưới nhung êm ái, không dứt ra được mặc dù biết là mình đang bị vào tròng. Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới cũng không là ngoại lệ. Với những ảnh hưởng tư tưởng Kafka, cộng thêm ý tưởng về chuyện chàng Orpheus xuống địa phủ tìm người vợ yêu Eurydice, Murakami tiếp tục mê hoặc người đọc theo cách thức quen thuộc của ông (chiếc đầu kỳ lân gợi nhớ Cuộc săn cừu hoang, thủ pháp lồng ghép lịch sử chiến tranh sau này xuất hiện trong Biên niên ký chim vặn dây cót .. ), nhưng lạ ở chỗ chẳng ai thấy nhàm chán. Vẫn là thực tại đan xen với siêu thực, những mẩu đối thoại nửa hài hước nửa triết lý, và dĩ nhiên không thiếu chút gia vị tính dục, tôi bắt đầu đọc sách là mê mẩn không rời. ** Cuốn sách được in ấn tuyệt vời, bìa ấn tượng, giấy trắng ngà thẳng thớm phẳng phiu nhìn phát mê.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button