Review

Sức Khỏe Trong Tay Bạn

Thể loại Sách Y Học
Tác giả Trần Bích Hà
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 214
Ngày tái bản 03-2017
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Một cuốn sách với rất nhiều phương pháp chăm sóc sức khỏe, phòng chữa bệnh theo cách tự nhiên, mà tác giả cuốn sách đã tự mình tìm tòi, trải nghiệm, áp dụng cho bản thân, gia đình, bạn bè trong suốt hơn 15 năm qua.

“Nhưng thông điệp quan trọng nhất của cuốn sách này có lẽ không phải là những công thức hay phương pháp cụ thể, bởi mỗi phương pháp có thể có tác dụng tốt với một số người, nhưng chưa chắc đã phù hợp với người khác. Điều thu nhận quý giá từ những trang sách của tác giả là niềm tin vào khả năng của mỗi con người làm chủ sức khỏe của mình. Nếu ta có lòng tin và quyết tâm tìm tòi thì những bệnh mãn tính sẽ được chế ngự ở mức độ này hay mức độ khác. Ưu điểm tuyệt đối của những biện pháp tự nhiên là nếu không lạm dụng thì chúng không gây hại thêm cho cơ thể bạn. Nếu muốn cải thiện tình trạng sức khỏe của mình, bạn hãy lên đường thử nghiệm y học thay thế. Cuốn sách sẽ khơi gợi ý tưởng và tạo động lực, hãy dùng nó như hướng dẫn khởi hành. Nhưng để đến đích hay không hoàn toàn phụ thuộc vào độ kiên trì của ý chí và sức dẻo dai của đôi chân bạn. Và như tôi vẫn thường làm – nếu băn khoăn hay thắc mắc, hãy hỏi tác giả Trần Bích Hà.” (trích lời anh Nguyễn Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch TransViet).

[taq_review]

Review

Nguyễn Minh Nguyệt

Tôi mới đọc nửa quyển nhưng cũng có cảm giác hơi sợ thật ^-^. Nhất là màn tẩy sỏi gan. Mấy đoạn sỏi tắc chưa ra hết, tác giả vẫn bình tĩnh tra google trong lúc đang bị đau bụng, hic, tôi cam đoan chắc ít ai dám làm vậy, cách nhanh nhất là phi vào bệnh viện hic.

Tuy nhiên mở đầu sách tôi rất ấn tượng về cách tác giả chữa cho chị gái và đạt hiệu quả thời gian đầu nên càng đọc tôi càng cảm thấy tuy có hơi mạo hiểm nhưng tác giả đã viết bằng tất cả cái tâm của mình nên nó vẫn lôi cuốn và có lẽ nếu ai đã từng thực hiện cách như tác giả nói là người tin quyển sách này có thực sự cần cho bạn hay ko. So với mấy quyển sách nhiều lý thuyết thì quyển này khá gần gũi do tác giả tự làm ” chuột bạch”.

Ai tin vào khoa học, tin vào Tây y thì ko nên đọc, kẻo lại thất vọng vì sách phản khoa học. Còn ai muốn tìm hiểu để thỏa sức tò mò và muốn khám phá, tôi nghĩ đây là quyển sách hay nên đọc.

Phương Thảo

Cuốn sách là hành trình tìm kiếm các phương pháp tự nhiên để chữa bệnh cho bản thân của tác giả. Thông qua cuốn sách người đọc không chỉ có thêm những kiến thức về dinh dưỡng mà còn biết thêm các cách thức giữ gìn sức khỏe bằng phương pháp tự nhiên. Tuy không thể áp dụng cho tất cả mọi người vì cơ thể của mỗi người là khác nhau nhưng rất đáng cho độc giả tham khảo để nâng cao nhận thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Trích đoạn

MỘT SỐ LỰA CHỌN VÀ CHẾ BIẾN THỰC PHẨM TỐT CHO SỨC KHỎE

1. Cách chọn thực phẩm có tính kiềm tốt cho sức khỏe

Độ pH lý tưởng của cơ thể con người là 7,365 hơi có tính kiềm. Vì thế, cơ thể con người có rất nhiều cơ chế bên trong luôn hoạt động liên tục để duy trì độ pH trong khoảng từ 7,35 – 7,45 cần thiết để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể xảy ra. Độ pH cơ thể càng gần với giá trị lý tưởng, thì sức khỏe càng dễ được duy trì trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhiều loại thực phẩm có tính axit cao buộc cơ thể phải hoạt động quá tải để trung hòa axit và giữ cho độ pH trong máu ổn định. Nếu máu của chúng ta trở nên dư thừa axit, đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ dễ bị bệnh tật tấn công.

Một chế độ ăn uống lành mạnh lý tưởng nhất nên bao gồm 80% thực phẩm có tính kiềm và 20% thực phẩm có tính axit. Một chế độ ăn uống tiêu thụ số lượng lớn các loại thực phẩm tính kiềm sẽ làm giảm gánh nặng của cơ thể trong việc trung hòa axit và giúp hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thực phẩm dễ dàng hơn.

Nhưng để phân biệt loại thực phẩm nào có tính kiềm và loại thực phẩm nào có tính axit thì quả thật lại không dễ chút nào. Những loại thực phẩm chúng ta nghĩ có tính axit lại không hề hình thành axit một khi được cơ thể chuyển hóa. Ví dụ như giấm táo và nước cốt chanh. Chúng có tính axit trên lưỡi nhưng lại có tính kiềm bên trong cơ thể.

2. Thực phẩm nào có tính axit?

Thực phẩm có tính axit có thể gây khó khăn cho cơ thể trong việc tiêu hóa và cũng khiến thận làm việc nhiều hơn.

Thực phẩm có tính axit được chia thành các nhóm:

Thịt gia súc, gia cầm

Trứng

Bơ sữa (đặc biệt là bơ và pho mát)

Ngũ cốc

Thực phẩm tinh chế (đường, gạo trắng và bột mì)

Bạn không cần phải loại bỏ hoàn toàn những loại thực phẩm này khỏi chế độ ăn uống mà chỉ cần duy trì chúng khoảng 20% lượng thực phẩm bạn tiêu thụ mỗi ngày.

Thực phẩm nào có tính kiềm?

Trái cây và rau quả tạo môi trường kiềm cho cơ thể nên chiếm phần lớn trong chế độ ăn uống của bạn. Mục đích là giúp giảm tải cho thận và cơ thể khi bạn ăn ít đi các loại thực phẩm có tính axit. Còn có một nguyên nhân khác là các loại thực phẩm có tính kiềm sẽ dễ tiêu hóa hơn, vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng cũng dễ dàng được cơ thể hấp thụ hơn.

Có thể bạn sẽ không ngạc nhiên, nhưng thực phẩm có tính kiềm là một trong những loại thực phẩm lành mạnh nhất.

Dưới đây là 5 nhóm thực phẩm có tính kiềm dễ dàng thêm vào bữa ăn trong ngày của bạn:

Thực phẩm có màu xanh đậm

Dưa chuột và cần tây có rất nhiều kiềm do hàm lượng nước dồi dào của chúng. Rau lá xanh (cải xoăn, cải xanh collard, rau bina, cải cầu vồng), cỏ lúa mì non (wheat grasses), rau mầm (sprouts) và rau mini (micro–greens) cũng rất tốt do chúng giúp tăng lượng oxy mà máu có thể hấp thụ.

Trái cây họ cam quýt

Các loại trái cây họ cam quýt (chanh, bưởi, quýt) là những loại trái cây có tính kiềm nhiều nhất mà chúng ta ăn hiện nay. Axit citric có trong trái cây họ cam quýt khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành nước và các chất kiềm khác, vì vậy bạn nên thêm chanh vào khẩu phần nước mỗi ngày.

Rau họ cải

Một trong số các loại rau có tính kiềm cao nhất là rau họ cải như bông cải xanh, súp lơ, bắp cải và bắp cải con (brussels spout). Rau họ cải có chứa isothiocyanate, một phân tử giúp chống lại sự phát triển của tế bào ung thư bên trong cơ thể con người. Vì thế bạn hãy ăn nhiều rau họ cải để tăng độ kiềm cho cơ thể và chống lại ung thư.

Quả mọng

Đừng bỏ qua những loại quả mọng nước! Những loại quả mọng nước có lượng đường thấp như dưa hấu, đu đủ và dứa đều sáng giá trong danh sách những trái cây có tính kiềm.

Nho khô, quả hạch + các loại hạt

Nho khô và chà là có tính kiềm cao, vì thế đừng quên mang theo một ít cùng với quả hạch và các loại hạt khi bạn đi bên ngoài. Nho khô giúp cơ thể giữ nitơ, cần thiết để máu kiềm tái tạo cơ bắp. Và hạnh nhân rất giàu canxi và magiê, giúp ích cho quá trình kiềm hóa cơ thể.

Những sự lựa chọn khác:

Quả bơ

Rau củ (củ cải đường, cà rốt, khoai lang)

Atisô

Dưa chuột

Măng tây

Ớt chuông

Các loại thảo mộc và gia vị (rau mùi tây, gừng, ớt bột, bột nghệ)

Tóm lại, mục đích ăn các loại thực phẩm có tính kiềm là để cân bằng với các loại thực phẩm có tính axit. Ví dụ, ăn một phần rau với trứng vào buổi sáng. Ăn salad trộn rau xanh cùng một chút pho mát vào buổi trưa hoặc tối. Một vài điều chỉnh cần thiết sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng và ít bị bệnh tật ghé thăm!

3. Gạo lứt chứa asen?

Lại là sự lựa chọn thôi, chẳng có cái gì là tuyệt đối. Trong gạo lứt có chứa asen, nhưng nó cũng chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và dầu, chỉ số GI (lượng đường) của nó chỉ ở mức 50 – 55.

Nếu không ăn gạo lứt, bạn sẽ phải ăn gạo trắng (thực ra chỉ còn là bột gạo và sẽ chuyển hóa thành đường rất nhanh khi ăn), sau khi đã xát hết lớp cám chứa nhiều dưỡng chất, với chỉ số GI ở mức 72. Chỉ số GI cao, tức là khi bạn ăn xong, đường huyết sẽ tăng cao ngay lập tức. Ăn gạo lứt, ngoài việc cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và dầu cho cơ thể, thì còn giảm 16% khả năng bị tiểu đường. Nếu cơ thể được cung cấp đủ dinh dưỡng hơn, nó sẽ có đủ khả năng giúp bạn chống ung thư.

Còn nếu ăn gạo trắng, cơ thể thiếu chất, cũng là mối nguy cơ cho ung thư tấn công.

Chẳng có cái gì là tuyệt đối. Bất cứ loại đồ ăn nào cũng có mặt hại và mặt lợi. Vì vậy hãy đọc kỹ thông tin từ nhiều nguồn, rồi so sánh, và chọn cho mình phương án phù hợp nhất, các bạn nhé.

Mẹ tôi ăn gạo lứt từ năm 50 tuổi, nay cụ đã 93, vẫn tiếp tục “trệu trạo” nhai gạo nếp lức ngày 2 bữa.

Ví dụ trong trường hợp chọn gạo ăn, tôi vẫn chọn gạo lứt, vì với các thông tin tôi thu thập được – thì ăn gạo lứt là phương án ít xấu nhất trong hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam. Còn nếu tốt nhất là ăn lúa yến mạch (oats) hoặc quinoa, hay lúa mạch – mà dân ta gọi là hạt bo bo (bailey) cơ, mà hai loại đó Việt Nam không có.

4. Đừng sợ chất béo

Hãy làm bạn với nguồn chất béo lành mạnh trong các loại hạt, quả bơ và dầu oliu, dầu dừa lạnh. Chất béo giúp cơ thể duy trì hoạt động và nội tiết tố cơ thể ở mức ổn định.

Ai muốn có thân hình cân đối, không bị bụng mỡ, hãy ăn nhiều những loại thực phẩm chứa chất béo sau đây:

Trứng tươi (ăn nguyên quả).

Các loại hạt (Nuts và Seeds): hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt hướng dương, hạt lanh – nhớ là ăn sống nhé.

Quả bơ.

Dầu olive (nhớ là loại extra virgin).

Các loại cá chứa nhiều chất béo tốt như: cá thu, cá hồi, cá tuyết.

Dầu dừa tươi lạnh.

Khẩu phần ăn hàng ngày của tôi hiện nay như sau:

Trứng gà tươi: cứ cách một ngày tôi ăn 1 quả luộc lòng đào.

Các loại hạt: mỗi ngày 2 thìa canh bột hạt lanh (flaxseed) pha với nước và 2 thìa các loại hạt hỗn hợp khác ăn cùng với yogurt không đường.

Quả bơ: khó tìm mua được bơ tươi ngon, nhưng cứ mua được thì mỗi ngày 1 quả.

Dầu olive extra virgin: 30 – 40 ml/ngày – trộn salat, cho vào canh sau khi đã bắc ra khỏi bếp

Dầu dừa tươi lạnh nguyên chất: khoảng 45 – 60 ml/ngày (cả để trộn salat và nấu).

5. Muối biển

Nhiều bạn hỏi tôi muối biển là gì, nó khác muối thường mình hay ăn ra sao? Để dễ hiểu, tôi xin đưa một ví dụ so sánh đường trắng tinh chế và một khúc mía vừa được cắt.

Muối chúng ta hay ăn là muối tinh chế (table salt), cũng có thể có nguồn gốc từ nước biển hoặc từ muối mỏ, nhưng được đưa vào nhà máy, trải qua các quá trình dùng hóa chất để tinh lọc, nên thành phần chủ yếu của nó chỉ còn là sodium chloride – về bản chất là một dạng hóa chất, ăn rất có hại cho sức khỏe.

Còn muối biển là muối nguyên chất thu được từ nước biển, bằng cách phơi nước biển dưới mặt trời, làm nước bốc hơi đi, muối đọng lại. Vì vậy, muối biển còn chứa hơn 80 loại khoáng chất (potassium, magnesium, calcium, sodium…) và chất điện phân, rất cần thiết cho cơ thể con người. Các chất này giữ vai trò đặc biệt quan trọng cho việc sản xuất các enzyme cần thiết của cơ thể, cũng như hoạt động của hệ thống miễn dịch, tuyến giáp và tuyến thượng thận.

Vì vậy khi thải độc, các bạn nhớ là LUÔN PHẢI SỬ DỤNG MUỐI BIỂN. Nếu các bạn quan tâm đến sức khỏe, hãy bỏ thói quen ăn muối tinh, mà đổi sang dùng muối biển.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button