Review

Cân Bằng Mong Manh

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Rohinton Mistry
NXB NXB Trẻ
Công ty phát hành NXB Trẻ
Số trang 1056
Ngày xuất bản 10-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Cân bằng mong manh là tác phẩm về một Ấn Độ trong thời kỳ biến động mạnh mẽ thập niên 70, bao quát toàn bộ những sự tàn bạo và thối nát, phẩm giá và anh hùng tính của một trong những cái nôi văn minh nhân loại này. Địa điểm là một thành phố không tên bên bờ biển. Chính phủ vừa tuyên bố Tình trạng khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, bốn con người hoàn toàn xa lạ – một quả phụ cứng cỏi, một cậu sinh viên trẻ bị dứt khỏi vùng đồi núi thanh bình đã sinh ra mình, và hai người thợ may phải trốn chạy khỏi tình trạng bạo lực đẳng cấp nơi quê nhà – bị dòng đời xô đẩy đến với nhau, bị buộc phải cùng chia sẻ một căn hộ chật chội và một tương lai bất ổn.

Đẳng cấp, định kiến, trọng nam khinh nữ, sự bành trướng của các tập đoàn nước ngoài, chính phủ hỗn loạn, sự bất an đè lên những người dân bình thường không có gì “chống lưng”… là vũng bùn sâu mà mỗi nhân vật đều vùng vẫy thoát ra. Đã có lúc họ tưởng như đã đứng vững, vươn cao khỏi bùn lầy, nhưng thế đứng của họ là sự “cân bằng mong manh”, có thể đổ sụp bất kỳ lúc nào.Tác phẩm xúc động, kịch tính, gợi nhiều cảm nghĩ sâu sắc về thăng trầm và nỗ lực trong đời người.

[taq_review]

Trích dẫn

Amy Elliott Dunne

15 tháng 9 năm 2010
-Nhật ký-

TÔI ĐANG NGỒI VIẾT NHỮNG DÒNG NÀY ở một nơi nào đó tại Pennsylvania. Phía Tây Nam. Một nhà nghỉ bên đường cao tốc. Phòng của chúng tôi nhìn ra bãi đậu xe, và nếu tôi nhìn ra phía sau tấm rèm cửa dày màu be này, sẽ thấy rất nhiều người đang túm tụm bên dưới ánh đèn huỳnh quang. Một nơi để người ta tha thẩn như thế. Tôi lại thấy ức chế cảm xúc. Quá nhiều việc đã xảy ra, và xảy ra quá nhanh, giờ tôi đang ở đây, phía Tây Nam bang Pennsylvania, còn chồng tôi thì đang tận hưởng giấc ngủ ngang tàng giữa những gói khoai tây chiên và kẹo mà anh ấy đã mua ở máy bán hàng tự động dưới sảnh. Đó chính là bữa tối. Anh ấy giận vì tôi không tỏ ra tử tế, độ lượng. Tôi nghĩ mình đã thể hiện một bộ mặt khá thuyết phục – tuyệt vời, một cuộc phiêu lưu mới! – nhưng hình như không phải vậy.

Cách đây hai tuần, chúng tôi vẫn trong tình trạng thất nghiệp: ăn mặc tuềnh toàng, ngán ngẩm kinh khủng, sẵn lòng ăn một bữa sáng im lặng, và ngồi đọc báo cho tới khi đọc hết toàn bộ các tin. Giờ chúng tôi thậm chí còn đọc luôn cả phần phụ lục xe hơi nữa.

Mười giờ sáng, điện thoại di động của Nick đổ chuông, và nghe giọng Nick thì tôi có thể nhận ra đó là Go. Giọng anh ấy nghe sôi nổi và trẻ con, giọng điệu mà anh ấy vẫn thường thể hiện khi nói chuyện với Go. Giọng điệu mà trước đây anh ấy vẫn thường thể hiện khi nói chuyện với tôi.

Anh ấy đi vào phòng ngủ rồi đóng cửa lại, bỏ mặc tôi ở đó với hai tay là hai phần trứng Benedict mới làm vẫn còn rung rinh nóng hổi trên đĩa. Tôi đặt đĩa của anh ấy lên bàn và ngồi vào chỗ đối diện, băn khoăn không biết có nên đợi anh ấy cùng ăn hay không. Nếu là mình, tôi nghĩ, hẳn là tôi đã quay trở ra và bảo anh ấy cứ ăn đi, hoặc tôi sẽ giơ một ngón tay lên ra hiệu: Chỉ một phút thôi. Tôi sẽ quan tâm đến người kia, đến chồng tôi, người đang bị bỏ lại trong bếp với mấy đĩa trứng này. Tôi thấy mình thật tệ khi suy nghĩ như vậy. Bởi chỉ một lúc sau tôi có thể nghe thấy từ phía sau cánh cửa phát ra những tiếng thì thào lo lắng, tiếng kêu la khổ sở rồi lại dịu dàng vỗ về, và tôi bắt đầu băn khoăn có khi nào Go lại đang gặp rắc rối ở nhà với anh chàng nào đó. Go có nhiều cuộc tình tan vỡ. Ngay cả những lần mà cô ấy là người chủ động chia tay thì cô ấy vẫn cần rất nhiều sự quan tâm và an ủi từ Nick.
Vậy nên khi Nick trở ra, tôi đã thể hiện bộ mặt quen thuộc kiểu Tội nghiệp Go, lúc đó những quả trứng đã nguội cứng lại trên đĩa. Tôi nhìn Nick và hiểu rằng đó không chỉ đơn thuần là rắc rối của Go.

“Mẹ anh.” Anh ấy mở lời và ngồi xuống. “Chết tiệt. Mẹ anh bị ung thư. Giai đoạn bốn rồi, đã di căn đến gan và xương. Như vậy là rất tệ, như vậy là…”

Hai tay anh ấy ôm lấy mặt mình, và tôi đi tới vòng tay ôm lấy anh ấy. Khi anh ấy ngước nhìn lên, đôi mắt không hề vương lệ. Mà điềm tĩnh. Tôi chưa bao giờ thấy chồng mình khóc cả.

“Thế này thì thực là quá sức Go, khi phải chăm lo cả căn bệnh Alzheimer của bố anh nữa.”

“Alzheimer ư? Alzheimer? Từ bao giờ vậy?”

“Ừ thì, cũng một thời gian rồi. Lúc đầu người ta nghĩ đó là một dạng thức mất trí nhớ giai đoạn đầu. Nhưng thực tình thì tệ hơn thế, nghiêm trọng hơn thế.”

Ngay tức thì, tôi cảm thấy có gì đó không ổn giữa hai chúng tôi, điều gì đó có lẽ không thể hàn gắn được, khi mà chồng tôi đã không hề nghĩ đến việc cho tôi biết về chuyện này. Đôi khi tôi có cảm giác như đây là trò chơi cá nhân của riêng anh ấy, rằng anh ấy đang tham gia vào một thứ đại loại như cuộc thi ngấm ngầm về khả năng không thể bị thấu hiểu của mình. “Sao anh không nói gì với em?”

“Anh không thích nói nhiều đến mức ấy về một người như bố anh.”

“Nhưng dù sao…”

“Amy, làm ơn đi.” Anh ấy nhìn tôi như thể tôi đang tỏ ra thật vô lý đến mức chính tôi phải tự hỏi hay là tôi vô lý thật.

“Nhưng hiện giờ, Go nói trường hợp của mẹ anh phải cần đến hóa trị… bà sẽ trở nên ốm yếu, thực sự ốm yếu. Sẽ cần có người để chăm bà.”

“Chúng ta có nên thử tìm dịch vụ chăm sóc tại nhà cho mẹ không? Một y tá chẳng hạn?”

“Mẹ anh không có bảo hiểm dành cho loại dịch vụ đó.”

Anh ấy khoanh tay nhìn tôi chằm chằm, và tôi hiểu anh ấy đang thách thức mình, thách tôi dám đề nghị chi trả cho dịch vụ đó. Nhưng chúng tôi không thể, vì tôi đã đưa số tiền tôi có cho bố mẹ tôi rồi.

“Thôi được rồi, anh yêu.” Tôi nói. “Vậy anh định sẽ làm gì?”

Chúng tôi đứng đối diện nhau, một cuộc đối đầu, như thể chúng tôi đang ở trong một trận chiến mà tôi không hề được báo trước. Tôi với tay để chạm vào tay anh ấy, còn anh ấy chỉ nhìn bàn tay của tôi.

“Chúng ta phải chuyển về đó thôi.” Anh ấy mở to mắt nhìn tôi trừng trừng. Anh ấy xòe những ngón tay của mình ra như thể đang cố gắng thoát khỏi một cái gì đó nhớp nháp. “Chúng ta sẽ có một năm và chúng ta sẽ làm điều nên làm. Cả hai vợ chồng đều không có việc làm, không tiền bạc, chẳng có gì níu kéo chúng ta ở đây cả. Thậm chí em sẽ phải chấp nhận điều đó.”

“Thậm chí em sẽ phải chấp nhận ư?” Anh ấy nói như thể tôi đã phản đối vậy. Tôi cảm thấy tức giận nhưng cố kìm nén.

“Chúng ta sẽ làm vậy. Chúng ta sẽ làm những việc đúng đắn. Chí ít là một lần, chúng ta sẽ giúp đỡ bố mẹ của anh.”

Tất nhiên đó là việc chúng tôi phải làm, và tất nhiên, nếu anh ấy đừng có đặt vấn đề với tôi như thể tôi là kẻ thù vậy, thì chính tôi đã là người nói ra những điều đó. Nhưng anh ấy bước ra từ sau cánh cửa và đối xử với tôi như thể tôi mới là một vấn đề cần phải giải quyết. Tôi là thế lực gay gắt cần phải bị đè bẹp.

Chồng tôi là người đàn ông chung thủy nhất trên thế gian này, cho tới khi anh ấy không như vậy nữa. Tôi đã chứng kiến ánh mắt anh ấy, đúng nghĩa là tối sầm lại khi cảm thấy bị bạn mình, một người bạn thân lâu năm phản bội. Và kể từ đó, người bạn ấy không bao giờ còn được nhắc đến nữa. Lúc này anh ấy nhìn tôi như thể tôi chỉ là một vật thể sẽ bị vứt bỏ nếu cần thiết. Cái nhìn ấy, thực sự khiến tôi ớn lạnh.

Vậy là mọi chuyện đã nhanh chóng được quyết định mà chỉ với bấy nhiêu đó sự bàn bạc: Chúng tôi sẽ rời New York. Chúng tôi sẽ đến Missouri. Chúng tôi sẽ tới sống trong một ngôi nhà bên bờ sông ở Missouri. Điều này thật không tưởng, mà tôi thì chẳng phải người hay lạm dụng từ không tưởng.

Tôi biết mọi chuyện rồi sẽ ổn. Chỉ là nó quá xa so với những gì tôi mường tượng, khi tôi hình dung về cuộc đời mình. Tôi không nói thế là tồi tệ, chỉ là… Ngay cả khi tôi có thể đoán một triệu lần về những ngã rẽ của cuộc đời mình, tôi cũng không thể đoán được chuyện sẽ thế này. Điều đó khiến tôi cảm thấy hoang mang.

Việc đóng gói đồ đạc của hãng vận chuyển U-Haul đúng là một bi kịch nho nhỏ: Nick, với vẻ quả quyết cùng mặc cảm tội lỗi đã nín thinh, không nói một lời nào. Anh ấy bắt tay vào việc mà không buồn nhìn đến tôi. Xe của U-Haul đã đỗ lại hàng giờ liền, làm tắc nghẽn cả con phố nhỏ, liên tục nhấp nháy đèn hiệu cảnh báo – nguy hiểm, nguy hiểm, nguy hiểm – trong khi Nick thực hiện dây chuyền lắp ráp một thành viên, hết đi lên lại đi xuống cầu thang, vác theo những hộp đựng sách, đựng dụng cụ nhà bếp, những chiếc ghế, bàn kê tường. Chúng tôi mang theo chiếc trường kỷ cổ điển – một chiếc trường kỷ rộng và cũ kỹ mà bố tôi gọi là thú kiểng, chúng tôi cưng nó hết mực. Đó là thứ cuối cùng mà chúng tôi đóng gói, một nhiệm vụ vụng về và đẫm mồ hôi dành cho hai người. Việc đưa thứ đồ sộ đó xuống cầu thang quả là một bài rèn luyện đòi hỏi rất nhiều tinh thần hợp tác làm việc nhóm (Từ từ đã, em cần nghỉ. Nhấc sang bên phải. Từ từ thôi, anh đi nhanh quá. Cẩn thận, mấy ngón tay của em, mấy ngón tay của em!) Sau khi chuyển xong chiếc trường kỷ, chúng tôi mua đồ ăn trưa tại một nhà hàng ở góc phố, món bánh kẹp vòng, rồi ăn ngay trên đường cùng với soda lạnh.

Nick để tôi mang theo chiếc trường kỷ, nhưng những thứ đồ đạc cồng kềnh khác sẽ phải để lại New York. Một người trong đám bạn Nick sẽ thừa hưởng chiếc giường; anh ta sẽ qua lấy chiếc giường sau, căn nhà trống của chúng tôi khi đó sẽ chẳng còn gì ngoài đám bụi và những sợi dây thừng xoắn. Rồi anh ta sẽ sống cuộc sống New York của mình trên chiếc giường New York của chúng tôi, ăn món Trung Hoa vào lúc hai giờ sáng và làm tình không bao cao su với những cô nàng làm nghề PR, lúc nào cũng say ngà ngà và ăn nói trâng tráo. (Ngôi nhà của chúng tôi sẽ bị tiếp quản bởi một cặp đôi ồn ào, một cặp vợ chồng luật sư với vẻ sung sướng một cách trơ trẽn và vô liêm sỉ khi vớ được thỏa thuận có hời này. Tôi ghét bọn họ.)

Bạn đọc cảm nhận

Lương Ninh Huy

Số phận con người Ấn Độ trong thời kì thập niên 70 đầy biến động chính trị đã hiện lên rõ nét dưới ngòi bút của nhà văn Rohinton Mistry, và tất nhiên nhờ bản dịch tuyệt với của dịch giả Nguyễn Kim Ngọc. Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết li kì hay vụ án, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến bạn không thể rời mắt và muốn lật tiếp những trang tiếp theo để xem số phận trêu đùa các nhân vật như thế nào. Đó là cô Dina, một người phụ nữ góa chồng phải sống phụ thuộc vào anh trai. Đó là Maneck, cậu sinh viên lên thành phố học tập và dần nhận ra những sự thật trần trụi về cuộc sống mà trước đây cậu chưa hề biết tới. Đó là hai bác cháu Ishvar và Om, những nạn nhân của sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội, đã bị số phận đưa đẩy và phải chịu những sự bất công và đau khổ vì mất phẩm giá. Đó còn là cuộc sống của những người ăn xin, người diễn xiếc, những đứa trẻ,… Tất cả đã tạo nên một bức tranh về đất nước Ấn Độ với bất công, loạn lạc, nghèo đói, tệ nạn,… Cân bằng mong manh quả thật là một cuốn sách tuyệt vời và chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.

Nguyễn Thị Vy

Sự đồ sộ của tác phẩm này không phải là vấn đề, vì ngay từ những chương đầu mình đã bị thu hút hoàn toàn vào câu chuyện tuyệt vời này của Rohinton Mistry, và đọc xong chỉ trong vài ngày. Đây thực sự là một kiệt tác, khắc họa sâu sắc một tấn bị kịch của đời người, bi kịch của cả một đất nước Ấn Độ rộng lớn. Nó là một cuốn tiểu thuyết, nhưng những chi tiết được kể ra lại quá chân thực đến mức xóa nhòa khoảng cách của đời sống và hư cấu, biến nó trở thành một kiểu phim tài liệu, phóng sự bắt trọn mọi hình ảnh. Ở đó có những người lao động nghèo hèn phải vật lộn với công cuộc mưu sinh, có những người ăn mày lang thang trên đường phố để xin của bố thí sống qua ngày, có những khu ổ chuột xập xệ với cảnh sống bẩn thỉu, khốn cùng. Ở đó cũng có hình ảnh về một vùng đất đa dạng về văn hóa nhưng quá sức hỗn loạn, đôi khi là tàn nhẫn, có sự quan liêu, giả dối của một chính phủ lúc nào cũng kêu gào dân chủ và hòa bình. Nhưng sau những mảng tối u ám ấy, tình người, tình yêu thương nảy sinh từ những điều bình dị nhất vẫn hiện hữu, vẫn tỏa sáng như một ánh lửa nhỏ nhoi mà ấm áp. Từ bốn nhân vật chính trong một căn nhà nhỏ, tác giả đã phóng chiếu tầm mắt của mình ra toàn thể cái xã hội ấy, để vẽ nên một bức tranh đa chiều về cuộc sống, về đời người. Một câu chuyện đau lòng, ngay cả cái kết của nó cũng quá sức bi đát, nhưng đọng lại trong lòng người đọc không chỉ là những tiếng gào thét, than khóc đau đớn, mà còn là một khoảng tĩnh lặng bình yên đến lạ lùng, để ở đó hy vọng và những giá trị nhân bản tốt đẹp vẫn luôn còn mãi.

Ngôn ngữ kể chuyện cuốn hút, nghệ thuật khắc họa nhân vật xuất sắc, những triết lý được đan cài một cách nhẹ nhàng mà thấm thía. Nó đem đến quá nhiều cảm xúc: buồn bã, cảm động, xót thương cho nhân vật, đôi khi là nỗi bực tức, ấm ức, sự căm ghét với những bất công. “Cân bằng mong manh” thực sự gây choáng ngợp.

Cuốn này làm mình liên tưởng rất nhiều đến “Triệu phú khu ổ chuột” của Vikas Swarup

Tranthi Nhung

Khi tôi đọc đến hơn ½ quyển sách này, tôi vẫn nói với cô bạn đã đưa nó cho tôi rằng tôi chưa hiểu vì sao quyển sách lại có tựa đề Cân Bằng Mong Manh và hơn nữa tôi vẫn chưa biết nên “liệt” quyển sách này vào loại gì: Hay, chán, rất hay, rất chán”. Và khi đọc đến dòng cuối cùng của quyển sách, cô bạn kia lại hỏi tôi câu hỏi tôi đã hiểu được ý nghĩa cái tựa chưa. Rằng cô ấy thật sự có nên đọc cái quyển sách mà để hiểu cái tựa đề người ta cần phải đọc đến trang cuối cùng, sau đó mất thêm 3 ngày ở trạng thái lơ lửng mới hiểu nổi?

Ám ảnh, bạo liệt, đau đớn, dữ dội là những tính từ để tôi có thể miêu tả về cảm xúc của tôi dành cho Cân Bằng Mong Manh. Quyển sách này thật sự không dành cho tôi, cho những người vốn dĩ đã là nạn nhân hay chứng kiến quá nhiều bi kịch về bất công, về sự tàn nhẫn, về sự độc ác hay từng treo ngược chính mình khi bị cuộc đời dồn ép và quấn quanh cổ mình sợi dây trách nhiệm, tình & lý, đúng & sai.

Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ mình nên viết giới thiệu cho quyển sách này. Bởi nó xứng đáng được nhiều người đọc, bởi nó cũng đúng với thực trạng xã hội chính trị thối nát, kịch cỡm, tham nhũng, dối trá, bởi hơn hết nó giúp bạn luôn biết dừng lại 1 giây trước khi phán xét bất cứ ai, dù thậm chí đó là một gã chuyên cho vay nặng lãi hay ăn mày, bởi bạn biết gì về cuộc đời người ta mà cao giọng chê bai trách cứ.

Bởi Cân Bằng Mong Manh được Ronhinton Mistry viết rất tự nhiên, rất đời thường, rất tỉ mỉ, rất hài hước nhưng lại khiến bạn không thể khóc cũng chẳng thể cười dù ông miêu tả cái ác, cái thiện, cái hợm hĩnh và cả cái tận cùng của khổ đau. Tôi nghĩ tác gỉa Rohinton Mistryvà dịch gỉa Nguyễn Kim Ngọc đã vô cùng tài tình vì bằng tài năng của mình với con chữ, họ như thôi miên chúng ta, giúp người đọc đạt trạng thái “ Cân Bằng Mong Manh” trong cuộc phiêu lưu từ trang 1 đến trang 1053.
3 Lý Do bạn nên đọc Cân Bằng Mong Manh
1. Cân Bằng Mong Manh giúp bạn thấy những đau khổ, cay đắng mà bạn đã & đang trải qua thật ra chỉ là một mảnh vải ghép trong một tấm chăn ghép được đặt tên bạn. Nên niềm vui niềm hạnh phúc cũng vậy, chúng sẽ là những mảnh vải ghép tạo nên sự thú vị của tấm chăn. Nếu chúng ta cắt hết những mảnh xấu đi, tỉa hết những đêm đáng sợ và chỉ may những mảnh đẹp lại với nhau thì kéo sẽ cùn, tấm chăn chỉ còn lại tí vải. Và chúng ta sẽ chỉ có một cuộc đời quá ngắn ngủi.
Nói theo cách của Maneck thì : “ Cuộc đời có nhiều thứ phức tạp lắm, khó mà lấy kéo chia được. Tốt xấu đan xen thế này. Như những ngọn núi của tớ chẳng hạn. Chúng đẹp lắm, nhưng cũng có thể gây lở tuyết”.

Thế nên quy tắc cần ghi nhớ về cuộc sống qua triết lý tấm chăn vải ghép đó là cả tấm chăn quan trọng hơn rất nhiều so với bất kì ô vải đơn lẻ buồn tẻ xám xịt nào.
2. Cân Bằng Mong Manh giúp bạn mở lòng mình ra, ngồi xuống bên cạnh một người nào đó đủ kiên nhẫn, đủ thời gian, đủ tình yêu để nghe bạn kể lại thật chi tiết, thật rõ ràng, thật trung thực về cuộc đời của chính bạn. Điều này theo Valmik- người sửa bản in- là cực kỳ quan trọng đối với sự tồn tại của mỗi con người. Vì khi kể lại tường tận cuộc đời bạn cho một ai đó chịu lắng nghe, bạn sẽ tự nhắc mình nhớ bạn là ai để bạn không tự đánh mất chính mình, bạn giữ được màu sắc tươi sáng trong tâm hồn bạn dù đối diện với bất cứ nghịch cảnh nào .
Luôn luôn hi vọng- hi vọng để đối trọng lại nỗi tuyệt vọng của chúng ta. Nếu không, chúng ta sẽ lạc lối. Cuộc đời của chúng ta chỉ là một chuỗi những tai nạn- một sợi xích leng keng kết từ những sự kiện tình cờ. Dù vô tình hay hữu ý, chúng nối dài mãi thành một tai hoạ lớn mà chúng ta gọi tên là cuộc đời.

3. Cân Bằng Mong Manh giúp bạn điều tiết lại những suy nghĩ hợm hĩnh đề cao bản thân bạn , những ý nghĩ ban ơn dành cho người thấp hơn bạn hay những câu nói chia sẻ cực kỳ sáo rỗng dành để chia buồn với ai đó.
Vì có những nỗi buồn, sự đau đớn mà người khác chỉ cần sự im lặng của bạn, giọt nước mắt lặng lẽ của bạn , sự có mặt của bạn bên cạnh họ là đủ. Vì mọi lời chia sẻ đều sẽ là sáo rỗng, là thổi bùng ngọn lửa thiêu rịu chính họ khi họ đang cố gắng vượt qua nó. Như nỗi đau của Om, của Ishvar.

Vì có những người chỉ cần bạn cùng chia đôi miếng bánh đang ăn dở của bạn, chia đôi cốc nước cùng uống với họ là đủ để họ biết ơn bạn. Đủ để họ hiểu bạn yêu quý họ, bạn tin tưởng họ và bạn xem họ như một gia đình. Người ta không cần nói quá nhiều lời yêu thương khi mà hành động lại vô cùng xa cách, dè chừng, nghi ngại.

Vì chúng ta, tất cả chúng ta đều là quái thai- chúng ta là thế- tất cả lũ chúng ta. – Theo cách nghĩ của nhân vật Ông Trùm. Nên đừng bao giờ để “quái thai” bên trong bạn suy nghĩ và hành động, đừng đặt mình cao hơn người khác, đừng cho rằng mình xứng đáng được ăn trong một cái chén sạch không xứt mẻ, còn người khác thì không.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button