Review

Sống Mòn

Thể loại Văn Học Việt Nam
Tác giả Nam Cao
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Minh Long
Số trang 304
Ngày tái bản 07-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

“Cuối năm 1944, Nam Cao viết xong Sống mòn. Tập tiểu thuyết ấy quăng đi, ném lại, không lọt qua được lưới kiểm duyệt để xuất bản, tuy rằng soi từng chữ không có chỗ nào bắt bẻ được. Sống mòn tả cuộc sống thiểu não, quẩn quanh, nhỏ nhen của mấy người trí thức tiểu tư sản nghèo, một cuộc sống mù xám cứ “mốc lên, rỉ đi, mòn ra, mục ra”, không có lối thoát. Rộng hơn là vận mệnh mấy con người ấy, ta thấy đặt ra một cách ám ảnh vấn đề vận mệnh chung của cả một xã hội chua xót, đau đớn, buồn thảm, tủi nhục, trong đó, đời sống không còn ý nghĩa, quay về phía nào cũng thấy dựng lên những bức tường bế tắc.”

(Nguyễn Đình Thi)

[taq_review]

Review

Cọp Xieru

Mình không phải dân chuyên văn, cũng không phải là người đam mê lắm đối với các thể loại văn học trung đại như vậy, nhưng mình thực sự thích Nam Cao và các tác phẩm của ông, đặc biệt là Sống Mòn. Nói sao được nhỉ… Sống Mòn nói về cuộc sống của một tiểu tư sản trí thức trong xã hội cũ, ban đầu luôn mơ ước và hướng đến cái đẹp, nhưng dần dà bị cuộc sống khốn khó làm cho ý nghĩ về những điều tốt đẹp kia thay đổi… Đọc Sống Mòn như thấy lại toàn bộ những bất công trong xã hội cũ. Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Nam Cao

Ngô Thanh Phương

Vốn có nhiều kinh nghiệm viết về người nông dân và trí thức cũ, Nam Cao tiếp tục in đạm dấu ấn trong mắt bạn đọc với tác phẩm “SỐNG MÒN”. Nghe đề có vẻ lạ nhỉ, nhưng nó thật hay đấy bạn à! những người trẻ như chúng ta cần-và-nên đọc những cuốn sách như thế này để hiểu rõ và cảm thông cho thế hệ ông bà đi trước. Cuộc sống dưới thời kì phong kiến, họ-những con người khốn khổ luôn bị chèn ép, đè nén, mất tự do. Truyện toát lên hiện thực một cuộc sống đói nghèo, nguy nan, không lối thoát. Những trang viết đầy xúc động, hiện thực cùng lối miêu tả các nhân vật tinh tế và chu đáo đã bóc trần cả bản chất xã hội cũ và lòng thương cảm thầm kín của tác giả cho kiếp sống con người. Một cuốn sách hay phải đủ cả hiện thực và nhân đạo. Cuốn sách này đúng là như vậy. Bạn tự đọc và cảm nhận xem sao nhé!

Kiên

Câu chuyện hay, trong đó miêu tả nội tâm nhân vật vẫn là thế mạnh của Nam Cao. chuyện xoay quanh những cái đời thường, nhưng làm con người ta ray rứt về cuộc đời, về những số phận của những năm tháng khó khăn của đất nước. Con người ta chỉ xoay quanh đồng tiền, bỏ qua những giá trị khác. Ở đó có ông giáo Thứ, đang có nhiều trăn trở, những giá trị do ông tự đặt ra cứ bị xoay quanh, bị xê dịch bởi cuộc sống và thời cuộc. Giai đoạn trước kháng chiến, con người bị phụ thuộc nhiều vào thời cuộc nên tác giả chưa đưa ra được một giải pháp hay chân lý mới tươi sáng hơn.

Trích đoạn

Thứ và San cho việc ép Mô xếp chỗ ăn, chỗ ở cho họ chỉ là chuyện đùa. Không ngờ Mô lại để ý nhiều. Cố nhiên không phải chỉ vì muốn tận tâm với hai cậu mà thôi. Còn vì lợi ích riêng của nó. Nó hỏi họ rất kỹ càng về việc tiền nong…

– Thưa hai cậu, hai cậu định tìm người thổi cơm tháng cho hai cậu thế thì mỗi tháng hai cậu định cho như thế nào?
Thứ nhường việc tính toán ấy cho San. San đã chẳng làm nội trợ mãi rồi đấy ư? Y tất nhiên phải hiểu rõ hơn Thứ, mỗi tháng hai người sẽ tiêu thụ hết mấy đồng bạc gạo, mấy đồng bạc thức ăn, mấy đồng bạc mắm muối, nước non, củi lửa… Y cười bảo:

– Tính thì biết thế nào mà tính? Chúng mình có đi chợ đâu mà biết? Cái ấy thì cứ để thằng Mô nó hỏi bà cụ nhà nó cho.

– Không, hai cậu định cho như thế nào thì cứ bảo, để con còn phải tính…

Mô bảo thế. Và nó nói trắng ra như thế này:

– Chẳng giấu gì hai cậu… Bà con cũng già rồi. Đi xe cát thì kể cũng kiếm ăn được, nhưng vất vả. Giá nhận thổi cơm cho hai cậu được thì con bảo bà con ở nhà cho nhàn thân một chút. Rồi bà con cũng buôn vài thức quà bánh, hoa quả, ra cột đèn ngồi, để kiếm thêm mỗi tháng vài đồng. Miễn sao đủ cho một mình bà con ăn, không phải ăn tiền nhà con đi làm…

Thế nghĩa là bà cụ nhà nó sẽ làm một việc buôn bán đặc. Có lợi thì làm, không có lợi thì cụ đi xe cát. San biết thế thì sẽ xót ruột cho mình lắm, mà rút lại thì không tiện, nên hỏi Thứ:

– Anh nghĩ thế nào?

Thứ nhún vai

– Tùy anh… Tôi biết gì?

Y có vẻ bực mình. Hình như y muốn bảo: “Anh khỏe bới chuyện ta thì bây giờ anh liệu lấy!”… Liệu, tức là từ chối hay trả rẻ, để cho thằng Mô khinh và cười thầm mình trong bụng. Hay là trả thật đắt, cho vừa lòng nó, rồi có buốt ruột thì cố cắn răng lại mà chịu vậy, chẳng còn trách ai được nữa. San làm thì y chịu, Thứ không dự gì vào đấy! Không những thế, Thứ còn có quyền oán San…
San cười nhạt, bảo Mô:

– Tao tưởng bà cụ nhà mày có thể vẫn đi làm cũng chẳng phiền gì.

– Thưa cậu, thế thì ai thổi cơm cho?

– Lúc trưa về… Khi nào nghỉ làm, hãy thổi cơm.

– Nhưng thường thường trưa bà cụ nhà con lại không về, thổi cơm ăn ngay ở bờ sông. Xa thế mà những đi cùng về thì hết ngày chứ còn gì?

– Thế vợ mày?

– Nhà con thì nó về đấy, nhưng về muộn lắm. Vả lại, đi chợ vào lúc nào được? Mà không đi chợ thì lấy đâu ra thức ăn? Mà ngay có gửi được thức ăn cũng không có thì giờ mà nấu nướng.

– Thức ăn thì cần gì? Miễn là có cơm thì được. Chúng tao không đòi thức ăn đâu mà sợ.

– Thưa cậu, cậu thì cậu nghĩ thế, chứ chúng con thì lại phải nghĩ khác. Đã nhận cơm nước cho hai cậu thì phải dọn cho ra hồn một mâm cơm.

– Không ra hồn cũng được. Chúng tao bằng lòng chỉ ăn cơm không thôi kia mà!

– Thưa cậu, thế thì hai cậu cần gì phải đi đâu cho tốn tiền? Hai cậu cứ ở đây. Ở đây cũng có cơm rau chứ gì!

Mô cười, nhưng cái cười chẳng được tươi cho lắm. Khi nói câu vừa rồi, cái cổ nó gân lên. Nó có vẻ nhiếc thầm San:

” Muốn ăn ngon nhưng lại không muốn mất tiền.” San đỏ mặt, hất tay một cái, nói như người giận dỗi.

– Thôi, thế này này… Chẳng nói lôi thôi gì nữa… Lương tao mỗi tháng chỉ có mười hai đồng bạc đấy thôi. Tao đến tiêu hết cả mười hai đồng là cùng thôi, chứ gì?

Mô chẳng nói sao, San ngừng một lúc rồi lại bảo:

– Mỗi tháng mỗi người chúng tao đưa chục bạc. Hai người hai chục bạc.

Mô ngây mặt ra, như nhẩm tính:

– Hai mươi đồng thì tiền nhà đã mất độ bốn đồng rồi… San tiếp thật nhanh:

– Với vài đồng tiêu lặt vặt, nghĩa là còn độ mười bốn đồng tiền ăn cho hai người.

Mô ngẫm nghĩ một lát rồi chợt hỏi:

– Hai cậu định cho mười bốn đồng nguyên tiền ăn có phải không?

– Phải rồi.

– Vâng, biết vậy. Thế thì thế này này. Con nhận thổi cơm thôi, còn mọi thứ nhà cửa, giặt dịa, dầu đèn… mặc hai cậu cả.

– Được rồi, mày cứ lấy mỗi tháng mười bốn đồng còn mặc chúng tao. Nhưng phải tìm cho chúng tao cái nhà.

– Vâng, nhưng ấy là con mới nhận tạm thế thôi, chứ chưa dám nói chắc với hai cậu. Để con còn hỏi lại bà con đã…

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button