Review

Sao Chiếu Mệnh

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Sidney Sheldon
NXB NXB Công An Nhân Dân
Công ty phát hành Huy Hoang Bookstore
Số trang 502
Ngày xuất bản 07-2011
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


“…Năm mười bảy tuổi, cô thiếu nữ gầy còm ấy đã biến đổi như thành một người khác hẳn. Gương mặt Lara đã mang đầy đủ nét của tổ tiên Scotland nàng. Làn da mịn màng, lông mày cong và nhỏ, cặp mắt to sáng, làn tóc đen nhánh chảy dài. Thêm vào tất cả những nét đó là một vẻ buồn man mác lúc nào cũng phủ lên khuôn mặt xinh đẹp kia, như thể những tấn bi kịch của dân tộc Scotland đã in dấu ấn lên đó. Lara Cameron có một sắc đẹp quyến rũ, khiến ai thấy cô cũng không thể không nán lại nhìn. Khách trọ hầu hết là nam giới. Họ thiếu thốn phụ nữ và một số đành kiếm cách giải toả bằng các ả gái điếm ở nhà chứa của mụ Kirstie hoặc vài nhà chứa khác. Vì vậy một cô gái đẹp ắt phải là mục tiêu của họ. Một khách thấy nàng một mình dưới bếp bèn mò vào định dở trò. Một khách khác thấy nàng đang lau sàn cũng định tán tỉnh…”

“…Từ hôm đó Lara nhìn thị trấn Glace Bay bằng cặp mắt khác. Nàng ngắm những chỗ đất trống và hình dung ra ở đó những toà nhà dành cho dân chúng đến ở và cho các công sở dùng làm văn phòng. Nàng mơ ước xây lên những toà nhà đó, nhưng nàng đành chỉ mơ ước bởi không có vốn để thực hiện. Hôm ông già Bill Rogers rời đi, ông nói với Lara Cháu ghi nhớ cho kỹ: tiền người khác? Chúc cháu gặp nhiều may mắn!

*** Một tuần sau, Charles Cohn vào trọ ở đây. Đó là một ông già ngoài sáu mươi tuổi, nhỏ thó, ăn mặc đẹp sạch sẽ, lịch sự. Ông cũng ngồi ăn với các khách trọ khác nhưng rất ít nói. Dường như ông nấp kín trong ổ kén của thế giới riêng mình. Ông hay ngắm cô gái Lara làm lụng trong nhà trọ và nhận thấy lúc nào nàng cũng tươi cười, không hề phàn nàn than vãn gì…”

[taq_review]

Trích dẫn


Howard Keller và Lara Cameron đang ngồi ăn tối.

– Ta sẽ bắt đầu công việc như thế nào? – Lara hỏi.

– Trước tiên ta tìm một công ty xây dựng tốt nhất, dù đắt bao nhiêu cũng cố. Sau đấy ta thuê một luật sư chuyên về bất động sản để thảo bản hợp đồng với hai anh em nhà Diamond. Tiếp đó ta tìm một kiến trúc sư loại giỏi nhất. Tôi có biết một người như thế.

– Tôi đã phác tính rồi. Giá rẻ nhất cũng phải ba trăm ngàn đôla một phòng khách sạn. Nếu tôi tính toán đúng thì mọi việc sẽ trôi chảy.

Kiến trúc sư tên là Ted Tuttle. Khi nghe Lara trình bầy ý đồ xong, ông nhe răng cười, vui vẻ nói:

– Tuyệt vời. Tôi đã mơ ước từ lâu là gặp được ai đó có ý đồ lý thú kiểu thế này để tôi đi theo.

Mười ngày sau, ông đưa nàng bản vẽ. Có tất cả những điều Lara mong muốn.

– Hiện nay khách sạn có một trăm hai mươi lăm phòng, – ông kiến trúc sư nói. – Như cô thấy đây, tôi tạo lại thành bẩy mươi lăm dẫy phòng khép kín, tức là chỉ còn bẩy mươi lăm chìa khoá, đúng như cô yêu cầu.

Trong bản vẽ có năm chục dẫy phòng khép kín và hai mươi lăm phòng loại thượng hạng.

– Tuyệt vời, – Lara nói.

Nàng đưa Howard Keller xem bản vẽ, anh cũng rất mừng.

– Bây giờ ta đến gặp người thầu. Tên ông ta là Steve Rice.

Steve Rice là thầu khoán xây dựng lớn nhất của thành phố Chicago. Lara thấy mến ông ta ngay. Đó là con người thực dụng, tác phong thô thiển.

– Howard Keller nói với tôi ông là nhà thầu xây dựng số một của thành phố.

– Đúng thế, – Rice nói. – Khẩu hiệu của chúng tôi là “Xây cất cho thế hệ tương lai”.

– Đấy là một khẩu hiệu rất hay.

Rice nhe răng cười.

– Tôi đang thực hiện cái khẩu hiệu đó.

***

Bước đầu tiên là biến bản vẽ toàn bộ toà nhà thành những bản vẽ chi tiết từng bộ phận. Những bản vẽ này được giao cho các kỹ sư xây dựng phụ trách từng đội, các chuyên gia về gạch, về trang bị, về điện, nước. Tất cả có sáu chục kỹ sư được huy động vào công trình này.

Ngày khởi công đã đến, Howard Keller mời Lara một bữa trưa để ăn mừng.

– Nhà băng có phiền về chuyện thời gian này anh ít đến đó không? – Lara hỏi.

– Không, – Howard nói dối. – Đấy chỉ là một phần công việc của tôi.

Thật ra thời gian này anh thấy sung sướng hơn bất cứ quãng thời gian nào trước đây trong cuộc đời anh. Howard thích ở bên Lara, thích trò chuyện với nàng, nhìn vào nàng. Anh băn khoăn không biết nàng có nghĩ gì đến chuyện tình yêu, chuyện hôn nhân không?

Lara nói:

– Tôi đọc báo sáng nay thấy đăng tin Toà cao ốc Sear sắp hoàn tất, có một trăm mười tầng. Toà cao ốc cao nhất thế giới.

– Đúng thế, – Howard nói.

Lara nghiêm mặt nói: “Sẽ có ngày tôi xây một cao ốc cao hơn thế, anh Howard ạ”.

Howard tin nàng.

Họ ngồi ăn với Steve Rice tại một nhà hàng Whitehall.

– Ông cho biết sắp tới sẽ là gì? – Lara hỏi.

– Được – Rice đáp. – Việc đầu tiên, chúng tôi dọn sạch toàn bộ bên trong toà nhà. Chúng tôi vẫn giữ nguyên phần lát đá cẩm thạch. Rồi chúng tôi gỡ tất cả các cửa sổ và làm các buồng tắm. Chúng tôi đã giao cho đội thợ điện lắp hệ thống dây dẫn và đội ống nước làm phần việc của họ. Khi phần dỡ bỏ đã xong, chúng tôi mới bắt tay vào xây.

– Tất cả có bao nhiêu người làm việc trên công trường này?

Rice bật cười:

– Khó nói lắm, cô Cameron. Rất nhiều tổ. Tổ làm cửa sổ, tổ làm buồng tắm, tổ làm hành lang. Mỗi tầng đều có đủ những tổ như thế và chúng ta có tám tầng tất cả. Theo bản vẽ, khách sạn sẽ có hai phòng ăn lớn và một văn phòng điều hành.

– Bao lâu thì hoàn thành?

– Nếu tính cả trang bị và trang trí nội thất thì phải mười tám tháng.

– Tôi sẽ thưởng ông một khoản, nếu ông hoàn thành trong vòng một năm, – Lara nói.

– Được thôi, khách sạn Congressional sẽ…

– Tôi định đổi tên là khách sạn Cameron Palace, – khi nói câu này, nàng thấy trong lòng trào lên một niềm xúc động lạ kỳ, niềm xúc động giống như một nỗi thèm khát tình dục. Vậy là tên nàng sẽ được trưng ra cho mọi người nhìn thấy.

Vào sáu giờ sáng một ngày mưa, công trường cải tạo khách sạn được khởi công. Lara hớn hở bước đến, ngắm những người thợ tập trung trong phòng khách và bắt đầu phân công việc.

Nàng sửng sốt thấy Howard Keller cũng đến.

– Anh cũng dậy sớm thế à? – Lara nói.

Đêm qua tôi không ngủ được, – Howard cười. – Tôi có cảm giác là hôm nay, một cái gì mới mẻ bắt đầu xuất hiện.

° ° °

Mười hai tháng sau, khách sạn Cameron Palace làm lễ khánh thành với sự có mặt của một số ít ỏi nhà báo và nhà kinh doanh.

Phóng viên về mục kiến trúc của tờ Chicago Tribune viết: “Cuối cùng thành phố Chicago đã có một khách sạn được xây cất theo phương châm: “Đây là nhà của quý khách khi phải xa gia đình. Lara Cameron là một người quan tâm đến…”.

Không đầy một tháng, khách sạn đã kín khách và số khách đăng ký trước đã đầy cả một bảng danh sách dài.

Howard Kelìer rất phấn khởi:

– Cứ đà này, – anh nói, – khách sạn sẽ hoàn lại vốn trong vòng mười hai năm. Thật là tuyệt diệu, cô Lara ạ. Chúng ta…

– Chưa đủ đâu, – Lara ngắt lời anh. – Tôi sẽ tăng giá phòng, – nàng thấy Howard lộ vẻ băn khoăn.

– Anh không lo. Họ sẽ trả thôi. Khách sạn nào có đầy đủ tiện nghi như ở đây? Lò sưởi đốt lửa, phòng tắm hơi, đàn piano?

° ° °

Hai tuần sau khi khách sạn Cameron Palace mở cửa đón khách, Lara có một cuộc họp với Bob Vance và Howard Keller.

– Tôi lại tìm thấy một địa điểm khác rất đẹp để xây khách sạn, – nàng nói, – Giống như Cameron Palace nhưng to hơn và đẹp hơn.

Howard cười:

– Cho tôi đến xem.

– Khoảnh đất tuyệt đẹp, nhưng gặp khó khăn.

– Quý cô đến chậm mất rồi, – người môi giới bất động sản nói với nàng. – Một nhà kinh doanh bất động sản tên là Steve Murchison sáng nay đã đến đây hỏi tậu. Ông ta sẽ mua.

– Ông ta trả giá bao nhiêu?

– Ba triệu.

– Tôi trả ông bốn triệu. Ông làm giấy tờ đi.

Người môi giới chỉ hơi do dự một chút.

– Vâng, được.

Chiều hôm sau Lara nhận được một cú điện thoại.

– Lara Cameron?

– Vâng, tôi đây.

– Tôi là Steve Murchison. Lần này ta để yên cho mi, bởi ta chưa biết mi định làm cái trò gì. Nhưng lần sau thì hãy cẩn thận: đừng có ngáng đường ta, mi sẽ phải ân hận đấy.

Và liền sau đấy y bỏ máy.

° ° °

Đó là năm 1974. Trên thế giới xẩy ra một loạt sự kiện quan trọng và dồn dập. Tổng thống Nixon từ chức để tránh khỏi phải ra toà. Geral Ford bước vào Nhà Trắng. OPEC chấm dứt phong toả dầu lửa và Isabel Peron trở thành tổng thống Achentina.

Tại thành phố Chicago, Lara đã bắt đầu xây cất toà nhà khách sạn thứ hai của nàng: khách sạn Chicago Cameron Plaza. Mười tám tháng sau, việc xây cất được hoàn tất, còn thành công hơn cả khách sạn Cameron Palace. Sau đó Lara không ngừng lại nữa.

Như báo Forbes sau này viết: “Lara Cameron là một hiện tượng. Những cách tân của bà làm thay đôỉ quan niệm xuả nay về khách sạn. Bà Cameron đã phá vỡ định kiên, coi kinh doanh bất động sản là lĩnh vực của nam giới và bà chứng tỏ rằng phụ nữ có thể làm tốt hơn”.

Lara nhận được một cú điện thoại của Charles Cohn.

– Chúc mừng cô, cô Lara! – ông nói. – Tôi rất tự hào về cô. Trước đây tôi chưa có học trò nào thành đạt đến như cô.

– Trước đây cháu cũng chưa có người thầy nào giỏi và tận tình như chú, chú Charles kính yêu. Không có chú giúp đỡ khuyên bảo, tất cả những gì cháu đạt được đều không thể có.

Bạn đọc cảm nhận


Nguyễn Thị Hương Nguyên

Nếu đánh giá cho đúng, cuốn Sao chiếu mệnh này không hay như những cuốn khác của Sidney Sheldon. Tuy vậy, sự hấp dẫn, kịch tính và sự thông minh sắc sảo thì vẫn không hề thua kém bất cứ tiểu thuyết nào.

Câu chuyện giống như gói lại cuộc đời Lara Cameron vậy. Mình không hề nghĩ rằng cái việc xây nhà xây cửa, bất động sản khô khốc kia lại có thể trở thành đề tài hấp dẫn cho một cuốn tiểu thuyết. Mình có đôi chút không thích tính cách của Lara Cameron. Cô ấy lúc thế này, lúc thế kia, lúc thì rất thủ đoạn, lúc lại vô cùng nhân hậu, như người đa nhân cách vậy. Tuy thế mình lại rất khâm phục nghị lực và trí tuệ của Lara. Cả tình yêu của cô với Philip cũng vậy.

Về phần Philip, anh rất tuyệt vời. Anh là một nhạc công điển trai, thành đạt. Tính cách của anh không được mô tả nhiều… Nhưng Philip cũng rất yêu Lara, yêu say đắm – mình cảm nhận được điều đó.

Câu chuyện đem lại cho mình nhiều bất ngờ, mà bất ngờ lớn nhất chính là kết truyện.

Rất tuyệt, rất hấp dẫn. Đã đọc rồi là không thể nào dứt ra nổi.

Nguyễn Đỗ Sơn Trà

Tôi đã đọc qua nhiều tác phẩm của Sidney Sheldon, truyện của ông luôn có nét cuốn hút riêng đối với người đọc. Hình tượng nhân vật đa dạng, có cá tính, đặc biệt là tuyến nhân vật nữ – đây là một điểm mà tôi rất thích ở các tác phẩm của Sidney Sheldon cũng như trong “Sao chiếu mệnh”.

Lara một cô gái xinh đẹp, thông minh, không cam chịu số phận nghèo khó, từ hai bàn tay trắng cô đã tạo dựng một sự nghiệp kinh doanh đồ sộ. Một điểm đáng buồn là để vươn lên được vị trí mà ai cũng mơ ước và ngưỡng mộ ấy, cô chấp nhận đánh đổi bản thân mình, sử dụng mọi thủ đoạn để đạt được lợi ích, dù vậy trong cô vẫn tồn tại những đức tính tốt đẹp: nhân hậu và sống tình nghĩa. Tác giả đã xây dựng nên một hình tượng nhân vật rất chân thật, rất gần gũi với hình ảnh con người trong một xã hội kim tiền, đầy mưu toan và lừa lọc. Nếu không thủ đoạn, không giả dối chắc chắn Lara sẽ không thể tồn tại được trong một xã hội như vậy

Mặc dù cốt truyện hay nhưng “Sao chiếu mệnh” lại không cuốn hút, ly kỳ, hồi hộp bằng những tác phẩm khác, yếu tố trinh thám có phần mờ nhạt hơn. Song đây vẫn là một tác phẩm hay đáng đọc và suy ngẫm.

Nguyễn Thảo Linh

Đối với một nhà văn trinh thám ưu ái các nhân vật nữ làm nhân vật chính của mình, tôi nghĩ Sidney Sheldon đã khắc họa Lara như là nhân vật nữ đẹp nhất của ông (mặc dù trong lòng tôi, không kiều nữ nào có thể qua mặt được Tracy Whitney). Câu chuyện của Lara là tấm gương cho sự cương quyết vươn lên khỏi nghèo khó, bất chấp mọi thủ đoạn và mọi sự đánh đổi. Dù chưa rõ đây là gương sáng hay gương tối, tôi vẫn nghĩ đây là một câu chuyện đáng để đọc.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button