Review

Quảng Trường Ngôi Sao

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Patrick Modiano
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 181
Ngày xuất bản 08-2017
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách


Câu chuyện là về một kẻ hoang tưởng: Raphaël Schlemilovitch, một thanh niên Do Thái theo chủ nghĩa bài Do Thái, nhân vật chính của Quảng trường Ngôi Sao. Qua lời kể của Raphaël, bao thân phận có thể là chàng hiện ra rồi trở đi trở lại, bao số phận trái ngược nhau cuốn chàng đi trong cơn cuồng lời, nơi chàng Do Thái khi thì là vua khi lại là kẻ tử vì đạo, nơi bi kịch đau đớn nhất được che giấu dưới những lời lẽ hài hước.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Patrick Modiano như một lời báo trước về hành trình đi tìm căn cước chưa có hồi kết của nhà văn. Với Quảng trường Ngôi Sao, chủ nhân của giải Nobel văn chương 2014, khi ấy mới ngoài hai mươi đã được nhận giải Roger-Nimier và giải Fénéon – những giải thưởng danh giá dành cho cây bút trẻ.

[taq_review]

Trích dẫn


Cha tôi mặc bộ vét bằng vải alpaga màu xanh Nil, sơ mi kẻ sọc xanh lá cây, thắt cà vạt đỏ, đi giầy da cừu non. Tôi vừa làm quen với ông trong phòng tiếp khách kiểu Thổ Nhĩ Kì của khách sạn Continental. Sau khi ký rất nhiều giấy tờ để chuyển quyền sở hữu một phần tài sản của tôi cho ông, tôi nói:

– Vậy là việc làm ăn của cha bên New York đang sa sút? Cha có ý định làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty hữu hạn Kính Vạn Hoa phải không? Chắc hẳn cha đã nhìn thấy là thị trường kính vạn hoa mỗi ngày một kém rồi chứ? Trẻ con bây giờ thích tên lửa, đồ điện tử, số học kia! Ngày nay không ai bỏ tiền ra để mơ mộng nữa. Với lại con thấy cần nói thẳng với cha : cha là người Do Thái, có nghĩa cha không có năng khiếu về buôn bán cũng như kinh doanh. Cha hãy nhường ưu thế đó cho người Pháp. Nếu cha biết đọc, con sẽ cho cha thấy cách con dựng lên mối so sánh song hành giữa hai ông chủ Peugeot với Citroen: một bên là tay nhà quê ở Montbéliard, dè sẻn từng xu, kín đáo và giàu lên dần. Còn bên kia, André Citroen, một người Do Thái liều lĩnh và bi thảm, cháy túi trong các sòng bạc. Vậy đấy, cha không có chất của một nhà chỉ huy kinh doanh. Cha chỉ là một người diễn trò leo dây! Thôi, con xin cha đừng ra vẻ này nọ nữa. Đừng vây vo gọi điện tới tấp hết đến Madagascar, lại đến Liechtenstein, đến Đất Lửa! Số kính vạn hoa tồn kho kia không bao giờ cha giải tỏa được hết đâu.

Cha tôi muốn trở lại Paris, nơi ông đã sống thời trai trẻ. Hai cha con đi uống vài ly gin fizz, ở Relais Plaza, ở nhà hàng Maurice, ở khách sạn Saint James và Albany, khách sạn Elisée Park, Grorge V, Lancaster. Trong con mắt của ông, đấy là những nhà hàng tỉnh lẻ. Trong lúc nhìn ông hút điếu xì gà Partagas, tôi nghĩ đến vùng Touraine và rừng Brocéliande. Tôi sẽ chọn nơi nào để ẩn dật đây? Tours? Nevera? Poitiers? Aurillac? Pezenas? Vùng Souterraine? Tôi biết rõ miền thôn quê nước Pháp qua cuốn sách hướng dẫn du lịch của Michelin và qua một số tác giả như Francois Muriac. Một cuốn của nhà văn vùng Landes này khiến tôi xúc động thật sự: cuốn Bordeaux hay tuổi thiếu niên. Tôi nhớ nỗi ngạc nhiên của ông khi tôi sôi nỗi đọc thuộc lòng đoạn văn xuôi tuyệt đẹp của ông: “Thành phố đó, nơi chúng tôi chào đời, nới chúng tôi đã từng là đứa trẻ thơ, một cậu thiếu niên, là thành phố duy nhất chúng tôi kiên quyết tránh không bình phẩm. Thành phố đó hòa vào con người tôi, nó chính là tôi. Lịch sử Bordeaux là lịch sử của thể xác và tâm hồn tôi”. Người bạn già của tôi liệu có hiểu rằng tôi ghen với tuổi niên thiếu của ông, học việc Sainte-Marie, quảng trường Quin-conces với mùi hương của cỏ thạch thảo nóng hổi, của cát ấm và của nhựa thông? Tôi làm gì có tuổi niên thiếu nào để có thể nói tới, tôi, Schlemilovitch, nếu không là cái tuổi niên thiếu của một thằng bé Do Thái cùng khổ, tha hương? Tôi sẽ không thể là Gerard de Nerval, cũng không thể là Francois Muriac, thậm chí không thể là Marcel Proust. Không có đất Valois để sưởi ấm trái tim tôi, cũng không có vùng Guyenne, đất Combray. Tôi làm gì có bà cô Léonie nào. Số phận buộc tôi phải lang thang ở quán hàng Fouquet, ở Relais Plaza, ở Elysée Park uống những thứ rượu mùi thảm hại của dân Anglo Saxon cũng với một ông già cao lớn người New York nhưng gốc Do Thái: cha tôi. Chất men đẩy ông đến chỗ thổ lộ niềm tâm sự, giống như Maurice Sachs, ngay ngày đầu tiên hai cha con chúng tôi gặp nhau, chỉ khác nhau một chút: Sachs đọc trước tác của Saint-Simon, cha tôi thì đọc sách của Maurice Dekobra. Sinh tại Caracas trong một gia đình Do Thái lưu lạc sang ven biển Địa Trung Hải, cha tôi vội vã rời khỏi châu Mỹ để trốn bọn cảnh sát của tên độc tài ở các hòn đảo Galapagos, bởi ông đã quyến rũ được con gái của hắn. Tại Pháp ông đã trở thành thư ký của Stavisky. Vào thời đó cha tôi ăn mặc rất sang: theo kiểu giữa Valentino và Novaro, kèm theo chút xíu của Douglas Fairbanks, do đấy ông đã làm xao xuyến trái tim bao cô gái Aryen. Mười năm sau, bức ảnh ông được bầy trong cuộc triển lãm chống Do Thái ở cung Berlitz, có kèm chú thích như sau: “Tên Do Thái nham hiểm. Hắn có thể giả làm người Nam Mĩ.”

Cha tôi không thiếu cảm giác hài hước: một buổi chiếu ông đến cung Berlitz, đề nghị vài nhân viên cảnh sát dẫn đường cho ông. Khi ông và chúng xem đến chỗ treo bức ảnh ông, ông kêu lên với chúng: “Ôi con khỉ, chính là tôi đây mà”. Loại chuyện giai thoại về người Do Thái, “Anh có nhìn thấy tôi bao giờ chưa?” thì kể mãi không bao giờ hết. Phải nói thêm rằng  cha tôi cũng có đôi chút cảm tình với người Đức, bởi họ đã chọn những nơi ăn uống thật sự có giá trị: các khách sạn Continental, Majestic, Maurice. Cha tôi không bỏ lỡ một cơ hội nào để cùng ngồi bên họ trong các nhà hàng Maxim’s, Phillippe, Gaffner, Lola Tosch và trong tất cả các hộp đêm, nhờ giấy tờ giả mang tên Jean Cassis de Coudray-Macouard.

Cha tôi bấy giờ sống trong một phòng dành cho đầy tớ, phố Saussaies, trước mặt Sở Gestapo. Ông đọc đến tận khuya cuốn Những chuyện vặt vãnh cho một cuộc tàn sát và thấy sách rất nực cười. Tôi rất ngạc nhiên thấy ông thuộc lòng nhiều trang liền trong cuốn sách đó và đọc cho tôi nghe. Ông mua nó vì nhìn tên sách, ông tưởng đó là một cuốn truyện hình sự.

Tháng Bảy 1944, cha tôi bán được khu rừng Foutainebleau cho bọn Đức nhờ một Bá tước vùng biển Baltique làm môi giới. Vụ bán tế nhị đó đem lại cho ông một khoản tiền, ông bèn di cư sang Hoa Kỳ, thành lập một công ty vô danh: công ty hữu hạn Kính Vạn Hoa.

– Còn anh? – Cha tôi hỏi tôi và phà một làn khói thuốc Partagas vào mặt tôi, – anh kể cho tôi nghe xem anh sống ra sao?

– Cha không đọc báo ạ? – Tôi đáp, giọng mệt mỏi. – Con nhớ hình như báo Confidential ở New York có dành một số đặc biệt nói về con. Nói tóm tắt thì thế này, con đã quyết định bỏ kiểu sống giao du rộng rãi, giả tạo, lúc nào cũng phải đóng kịch này. Con định về sống ẩn dật ở địa phương. Vùng tỉnh lẻ nước Pháp giống như thôn quê. Con đã chọn Bordeaux, Guyenne để ổn định lại thần kinh. Và đó cũng là một cách để tỏ lòng cảm mến người bạn già Francois Mauriac. Cha chưa nghe nói đến ông này bao giờ, đúng vậy không?

Chúng tôi lấy thêm một li cuối cùng trong quầy rượu của khách sạn Ritz.

– Tôi muốn đi cùng anh đến cái thành phố anh vừa nói, được không? – đột nhiên cha tôi hỏi. – Anh là con tôi, ít ra chúng ta cũng đi cùng một chuyến với nhau! Thêm nữa, nhờ anh tôi đã thành người giàu thứ tư Hoa Kỳ!

– Ôi, xin mời cha cùng đi. Sau đấy cha sẽ trở về New York.

Cha tôi hôn lên trán tôi và tôi cảm thấy mắt tôi rưng rưng. Người đàn ông cao lớn kia, trong bộ y phục lố lăng, đúng là đáng thương.

Hai cha con khoác tay nhau đi ngang qua quảng trường Vendôme. Cha tôi ngâm những đoạn trong bản trường ca “Những chuyện vặt vãnh cho một một cuộc tàn sát” bằng một giọng nam trầm rất ấm. Tôi nhớ lại những thứ tồi tệ tôi đã đọc thời nhỏ. Đặc biệt là bộ sách “Làm cách nào để giết cha” của André Breton và của Jean-Paul Sartre (Trong tủ sách “Hãy đọc sách xanh này”). Breton khuyên thanh thiếu niên nắm chắc khẩu súng ngắn, nấp dưới của sổ nhà họ, đại lộ Foch, bắn người bộ hành đầu tiên nào xuất hiện. Người đó tất yếu phải là cha mình, một cảnh sát trưởng hoặc một chủ xưởng dệt. Sartre đã tạm rời khỏi những khu phố sang trọng một thời gian để sang sống tại vùng ngoại ô đỏ: ông ta la cà gặp gỡ những người thợ bắp thịt cuồn cuộn, nhận lỗi mình đã được cha mẹ chiều chuộng, rồi dẫn họ quay về đại lộ Foch để họ đập vỡ những đồ bằng men xứ Sèvré và giết cha họ. Sau đó chàng trai Sartre lễ phép đề nghị họ hiếp ông. Phương pháp thứ hai này tỏ ra là một hành động đồi bại còn lớn hơn nữa, hiếp sau khi giết, nhưng lại vĩ đại hơn: người ta kêu gọi vô sản tất cả các nước hãy chấm dứt mối xung đột gia đình. Các độc giả trẻ tuổi được người ta khuyên trước khi giết cha, hãy chửi rủa cha thâm tệ đã. Một số nổi tiếng trong văn đàn đã sử dụng những câu văn rất đẹp. Chẳng hạn: “Hỡi các gia đình, ta căm hờn bọn mi” (lời con trai một mục sư Pháp). “Đến cuộc chiến tranh sau, ta sẽ chiến đấu trong bộ quân phục Đức. Tôi ỉa vào quân đội Pháp” (lời của con một cảnh sát trưởng Pháp). “Ông là một thằng ĐỂU” (lời của con trai một sĩ quan hải quân Pháp). Tôi kẹp mạnh vào cánh tay cha tôi. Vậy là hai cha con không khác nhau gì hết, đúng vậy không, ông bố cao lớn của con? Làm sao con có thể giết chết cha được? Tôi yêu ông vô cùng.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button