Vui Chơi Để Kiếm Sống
Nội dung
Hạnh phúc là dám sống với niềm đam mê, thành công là biến đam mê thành thu nhập bền vững’.
Đây chính là thông điệp mà tác giả – diễn giả Huỳnh Minh Thuận muốn truyền tải tới độc giả thông qua cuốn sách “Vui chơi để kiếm sống”. Lập nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng với niềm đam mê và những nỗ lực hết mình để vươn lên, Huỳnh Minh Thuận – chàng sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Marketing của Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh ngày nào nay đã trở thành một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực truyền thông và sự kiện. Đồng thời, anh cũng là một diễn giả – một chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu cá nhân.
Cuốn sách nhỏ chứa đựng bài học lớn, “Vui chơi để kiếm sống” là một tác phẩm ý nghĩa dành cho các độc giả trẻ, đặc biệt là những ai đang trăn trở với cuộc sống, những người đang mất phương hướng, đang gặp nhiều áp lực trong công việc và không tìm thấy niềm đam mê của chính mình.
Chỉ với vẻn vẹn hơn 150 trang sách nhưng tác giả Huỳnh Minh Thuận đã gửi gắm vào đó tất cả những câu chuyện có thật, những suy nghĩ và cũng là những trải nghiệm của bản thân anh từng gặp trên con đường nỗ lực bước về phía thành công.
Đó có thể là câu chuyện khi đi phỏng vấn, hoặc cách khắc phục những điểm yếu của bản thân, phát huy thế mạnh mà bạn đang có hay đơn giản chỉ là một định nghĩ của chính tác giả về niềm đam mê. “Vui chơi để kiếm sống” tập hợp tất cả những câu chuyện nhỏ để mang đến cho bạn đọc một bài học lớn về cách sống và sự phát triển của bản thân theo những gì bạn đam mê.
Thể loại | Sách kỹ năng sống |
Tác giả | Huỳnh Minh Thuận |
NXB | Văn Học |
Số trang | 157 |
Năm | 2015 |
Review
Trích đoạn
HÃY CHỨNG THỰC
Trò: Em chào thầy, thầy siêu nhơn.
Thầy: À, em đang tưởng tượng tui mặc bộ bikini đỏ, mang đôi cánh thiên thần phải không?
Trò: Hì hì, đúng đúng. Mà em đang có chuyện này muốn khoe với thầy.
Thầy: Chuyện gì?
Trò: Số là em chuẩn bị đăng ký thi đại học. Nhưng em phải đăng ký theo ý của mẹ, mẹ chỉ muốn em ổn định nên bắt phải thi vào trường Đại học Kinh tế, ngành kế toán. Mà em thì không thích. Em chỉ thích hát nên em muốn thi vô nhạc viện. Em ghét mấy con số kinh khủng khiếp. Mà mẹ em thì nhất quyết không cho. Mẹ bảo hát hò chơi thôi chứ khó kiếm ra tiền lắm, con gái phải học cái gì có nghề nghiệp ổn định.
Thầy: Thì em giải thích cho mẹ hiểu, học là học cho em, nên em phải là người quyết định chứ.
Trò: Thì em cũng giải thích, nhưng giải thích mãi mẹ cũng không nghe. Nhưng mà rất may thầy ạ, hôm bữa em nghe thầy giảng về năm chiến lược nói để chinh phục, em áp dụng liền. Ghê chưa…
Thầy: Áp dụng sao, kể tui nghe?
Trò: Em không thèm thuyết phục giải thích gì nữa mà áp dụng chiến lược số năm của thầy chỉ, đó là: kể chuyện. Mà em không giỏi kể chuyện nên em đã copy mấy câu chuyện của thầy đăng trên facebook, rồi mỗi câu chuyện em in trên một tờ giấy A4. Cứ hễ khi nào thấy mẹ em vui vui thì em lôi ra một tờ đưa cho mẹ rồi bảo mẹ ơi, con vừa đọc được cái này hay quá, mẹ xem thử đi.
Thầy: Sáng tạo quá hen, rồi mẹ có đọc không? Trò: Hì, lúc đầu mẹ nhìn em nghi ngờ lắm. Nhưng sau đó thì cũng tò mò xem thử, rồi mẹ đọc một hơi xong lăn ra cười khanh khách. Đó là lần đầu, đến lần thứ ba, vừa đọc xong câu chuyện Hãy sống theo cách của bạn, mẹ em có vẻ thay đổi hẳn. Mẹ nhìn em mặt hơi căng bảo: “Con nè, đến giờ thì mẹ hiểu tại sao con cho mẹ đọc những câu chuyện này rồi. Thôi con cứ làm gì con thích nhé! Thầy Thuận nói đúng đó, ai cũng chỉ sống một lần, chỉ có một đời, hãy làm gì mình thích.” Thầy không biết em vui mừng như thế nào đâu. Cả đêm qua em không ngủ được chỉ mong trời sáng để kể thầy nghe đó.
Thầy: Hì, thầy chúc mừng em, hy vọng em sẽ hạnh phúc khi được sống với niềm đam mê của mình.
Trò: Nhưng em muốn làm gì đó để cảm ơn thầy, mà không biết làm gì?
Thầy: À, không cần đâu, em kể thầy nghe câu chuyện của em là thầy vui rồi.
Trò: Nhưng em muốn gặp thầy để cảm ơn được không? Thầy: Không cần, thật sự không cần đâu. À, có một cách này, em chỉ cần chia sẻ câu chuyện của mình trên Facebook, hoặc viết vài dòng cảm ơn thầy vậy là ok rồi. Cách này người ta gọi là “Lời Chứng Thực”. Ở nước ngoài lời chứng thực rất được coi trọng. Khi một người học trò học được điều gì hay từ một người thầy và áp dụng hiệu quả cho cuộc sống của mình, người học trò ấy thường sẽ viết vài dòng cảm ơn, hoặc kể lại câu chuyện mình trên blog, Facebook, hay twitter, có thể kèm hình ảnh người thầy đó. Một người thầy, một diễn giả có uy tín sẽ nhận được rất nhiều những lời chứng thực như vậy. Nó không chỉ là tình cảm, là lời động viên của học trò dành cho người thầy mà còn giúp tăng uy tín của thầy để những gì thầy chia sẻ đến được với nhiều người hơn, giúp ích cho nhiều người hơn.
Trò: Dạ, vậy thầy chứng thực trước cho em, em sẽ chứng thực cho thầy nha.
Bó tay con nhỏ.