Review

Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ

Thể loại Nghệ thuật sống đẹp
Tác giả Steven K. Scott
NXB NXB Phụ Nữ
Công ty phát hành TGM Books
Số trang 338
Ngày xuất bản 07-2014
Giá bánXem giá bán

Nếu bạn có trong tay cây đèn thần của Aladin và thần đèn có thể biến tất cả mơ ước của bạn thành hiện thực thì bạn sẽ mong ước điều gì? Một cuộc sống giàu có và sung túc? Một cuộc hôn nhân hoàn hảo? Một sự nghiệp thành công vượt trội? Một thân hình lý tưởng?

Cho dù bạn mong ước điều gì, thì chắc chắn rằng đó đều là những ước mơ cao đẹp mà bạn hằng mong mỏi.

Mặc dù vị thần đèn của Aladin chỉ có trong trí tưởng tượng, tin vui cho bạn là một số người thành công tột bậc đã hiện thực hóa được những ước mơ không tưởng của mình không phải do may mắn mà do việc nắm vững những phương pháp và chiến lược hiệu quả. Nếu bạn có được những phương pháp này, bạn cũng sẽ làm được như họ!

Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ của Steven K. Scott chính là quyển sách chứa đựng những bí quyết mà bạn cần để biến ước mơ của mình thành hiện thực đã được minh chứng qua thời gian bởi chính tác giả và những người thành công nhất thế giới như: Bill Gates, Steven Spielberg, Oprah Winfrey…

Cho dù bạn là ai, một sinh viên mới ra trường hay một giám đốc công ty đa quốc gia, bạn cũng dễ dàng áp dụng được Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ mà Steven K. Scott chia sẻ một cách cụ thể và rõ ràng trong quyển sách này, để đạt được những mức độ thành công mà bạn chưa bao giờ mơ tới.

Thực tế và cực kỳ gần gũi với đời sống thường ngày của chúng ta, những hướng dẫn trong quyển sách Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ sẽ giúp bạn biến ước mơ của mình thành hiện thực!

Nếu bạn muốn nhìn thấy điều kỳ diệu nào xảy ra trong cuộc sống này, hãy trở thành điều kỳ diệu đó!

[taq_review]

Trích dẫn


Phần 1 BẠN CÓ TIỀM NĂNG MẠNH MẼ… NHƯNG BỊ KẸT LẠI Ở BỆ PHÓNG!

CHƯƠNG 1 “GIẤC MƠ LÀ SỰ MONG MỎI TỰ ĐÁY LÒNG”

Nghệ Thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ có thể biến mơ ước thành hiện thực trong bất cứ lĩnh vực nào trong cuộc sống.
Ai có thể quên được câu dạo đầu của bản nhạc trong phim Lọ Lem (Cinderella) – “Giấc mơ là sự mong mỏi tự đáy lòng”. Mặc dù nàng Lọ Lem cất tiếng hát về những cơn mộng đến trong giấc ngủ, lời miêu tả chân thật của nàng cũng đúng với những giấc mơ mà ta theo đuổi trên từng chặng đường đời.

Khi còn bé, tôi mơ mình trở thành phi công, chàng cao bồi miền Viễn Tây, lính cứu hỏa, cảnh sát, quân nhân và lính thủy. Vào đại học, tôi mơ về một mối tình lãng mạn, một cuộc hôn nhân hạnh phúc và một sự nghiệp thành công vang dội. Bây giờ ở tuổi trung niên, tôi ước có nhiều thời gian ở bên cạnh gia đình hơn; đạt được thành tựu lớn hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cả về mặt cá nhân lẫn sự nghiệp, và tôi muốn gần gũi với Thượng đế hơn.

Có lẽ bạn cũng chẳng khác tôi là mấy. Những ước mơ của chúng ta có thể khác nhau về chi tiết, nhưng con người nhìn chung giống nhau ở một điểm: bất kể chúng ta đã đạt được điều gì trong đời, chúng ta vẫn có những ước mơ nằm ngoài tầm tay.

DÙ VẬY, ƯỚC MƠ VẪN TRỞ THÀNH HIỆN THỰC… VỚI MỘT SỐ ÍT NGƯỜI ĐẶC BIỆT

Ước mơ vẫn trở thành hiện thực với những người như Steven Spielberg, Lee Iacocca, Kathie Lee Gifford, Jane Fonda và nhiều người thành công khác, những người mà tôi vinh dự được biết đến trong 48 năm sống trên hành tinh này. Tuy vậy, số người đạt được ước mơ của mình rất ít… có lẽ chỉ một trong số một triệu người, hoặc thậm chí một trong số 10 triệu người. Trong khi đó, đại đa số người đời không những không đạt được điều mình mơ ước mà họ còn thôi không mơ ước nữa. Tại sao lại có chuyện như vậy? Sao chỉ có một số ít người đạt được mong ước cháy bỏng của mình, bất kể chúng nghe có vẻ hoang đường đến mức nào, trong khi gần như cả thiên hạ không bao giờ chạm tới được ước mơ của họ? Vấn đề có phải nằm ở sự may mắn? Chắc chắn là không. Hay do chỉ số thông minh, trình độ học vấn, tiền bạc và kinh nghiệm? Tất cả những điều này đều KHÔNG ĐÚNG. Vậy thì vì cái gì?

BẠN ĐÃ SẴN SÀNG CHO NHỮNG TIN TỐT LÀNH CHƯA?

Câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra ở đây là: làm thế nào mà những người ấy lại thực hiện được ước mơ của mình? Thật may, điều này không phải là một bí mật cao siêu thần bí gì mà là một nghệ thuật mà hầu như ai cũng có thể học được. Tại sao đó lại là một tin tốt lành đối với tất cả chúng ta? Bởi vì điều đó có nghĩa là bạn, dù đang trong độ tuổi nào, kinh nghiệm ra sao, chỉ số thông minh cao hay thấp, trình độ học vấn hoặc tình hình tài chính thế nào, cũng có thể đạt được ước mơ của mình. Những ước mơ cao vời nhất… vĩ đại nhất! Từ giờ phút này, bạn có thể mơ những điều lớn lao mà bạn chưa bao giờ dám nghĩ đến và chứng kiến chúng biến thành sự thật. Tất cả những điều mà bạn cần làm là học hỏi và áp dụng những kỹ năng của những người đã đạt được ước mơ của mình.

Tôi gọi những kỹ năng này là Nghệ Thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ. Gọi nó là nghệ thuật bởi vì đó là những kỹ năng cho phép người ta biến những khái niệm mới mẻ, những tầm nhìn cao rộng hoặc những ước mơ tưởng chừng như viển vông thành hiện thực.

Một số nghệ sĩ được sinh ra với tài năng thiên bẩm còn Nghệ Thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ là một tập hợp những kỹ năng có thể học được (bao gồm các chiến lược và kỹ thuật) mà bất cứ ai cũng có thể luyện tập để đạt đến độ tinh thông.

Với một nhóm nhỏ người, việc khám phá và sử dụng những kỹ năng này diễn ra một cách tự nhiên ngay từ buổi đầu đời. Nhưng với đại đa số chúng ta thì những phương pháp này còn khá mới mẻ và hiếm khi được dùng đến. Trừ phi… trừ phi họ được truyền đạt bởi những người không chỉ khám phá ra những kỹ năng ấy mà quan trọng hơn, còn thường xuyên sử dụng chúng để đạt được những kết quả kỳ diệu. Bản thân tôi chỉ phát hiện ra những kỹ năng này sau khi đã tốt nghiệp đại học được sáu năm. Mặc dù sáu năm đầu của tôi đầy rẫy những thất bại và chán chường, những năm tiếp theo, trái lại, là quãng thời gian của những thành công rực rỡ vượt lên trên cả những giấc mơ hoang đường nhất của tôi, nhờ vào việc tôi áp dụng những kỹ năng Hiện Thực Hóa Ước Mơ.

Lưu ý Sự Khác Biệt

Trong suốt quyển sách này, tôi sẽ dùng những từ như Nghệ Thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ hay Hiện Thực Hóa Ước Mơ và Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ. Khi tôi dùng từ Hiện Thực Hóa Ước Mơ hay Nghệ Thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ, tôi muốn nói đến tất cả những chiến lược và kỹ thuật chứa đựng trong quyển sách này. Khi tôi dùng từ Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ, tôi muốn đề cập đến một phương pháp hay kỹ thuật đơn lẻ để đạt được một ước mơ bao gồm việc viết ra định nghĩa rõ ràng về nó rồi lập ra kế hoạch cụ thể ví như một tấm bản đồ chính xác đến từng chi tiết đưa bạn đến đích cuối cùng. Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ sẽ được giải thích cặn kẽ ở Chương 10.

MỘT CHỮ NẾU RẤT TO… VÀ HAI LỜI HỨA

Lần đầu nghe chuyện của tôi và những ước mơ không tưởng mà tôi thực hiện được, nhiều người buông lời hoài nghi, “Đó là anh… nhưng còn tôi thì…” Họ nghĩ, “Anh thì biết gì về xuất phát điểm của tôi chứ” hay “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, chẳng ai giống ai…” hoặc “Không có phương pháp nào có tác dụng đối với tôi đâu”.

Và bây giờ, nếu tôi nhìn thẳng vào mắt bạn và nói, “Ước mơ vĩ đại nhất của bạn có thể thành hiện thực” thì ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong tâm trí bạn là gì? Bạn hãy ngừng đọc và cho tôi biết câu trả lời đầu tiên của bạn. Xin hãy nói to lên.

Bạn sẽ nói, “Thế thì tuyệt quá, tôi mong đến ngày ước mơ của mình thành sự thật? Hay là bạn đưa ra một câu trả lời hoài nghi, dè dặt? Có câu nào dưới đây giông giống với câu trả lời của bạn không?

“Xin lỗi, tôi không tin!”

“Tha cho tôi đi!”

“Ước mơ gì cơ?”

“Tôi còn không lo nổi ngày hai bữa nữa là mơ với chả ước!”

“Ông không biết chồng tôi là người thế nào đâu!”

“Ông không thể tưởng tượng nổi vợ tôi ra sao đâu!”

“Tôi cô độc như thế nào ông có biết không?”

“Hoàn cảnh của tôi thì chỉ có mình tôi biết rõ nhất.”

“Tôi già quá rồi còn mơ ước gì nữa.”

“Quá trễ rồi!”

“Tôi mệt mỏi lắm rồi.”

“Tôi làm gì có thời gian mà mộng mơ!”

“Tôi chẳng còn ý chí vươn lên nữa đâu.”

Dù câu trả lời của bạn có tương tự một trong những câu nói trên, hay khác hẳn, thì tôi cũng xin hứa với bạn hai điều.

Lời hứa thứ nhất: Nếu bạn đọc quyển sách này và để cho những chiêu thức mà tôi nêu ra nằm nguyên vẹn trong sách và không bao giờ lôi ra áp dụng vào cuộc sống… thì dù bạn có đạt được điều gì, nó cũng chỉ là một phần nhỏ của những gì mà bạn có khả năng đạt được.

Lời hứa thứ hai: Nếu bạn đọc hết quyển sách này, học những kỹ thuật mà tôi giới thiệu và áp dụng chúng vào cuộc sống hàng ngày… tôi đoan chắc rằng bạn sẽ bắt đầu nuôi những ước mơ cao đẹp hơn và biến chúng thành hiện thực.

Thế là lựa chọn thuộc về bạn… Để cho những kỹ thuật này mốc meo trong những trang sách và tiếp tục đạt được những mẩu vụn vặt của những gì bạn xứng đáng đạt được, hay là làm sống dậy những phương pháp trong sách bằng cách đem nó vào cuộc sống của mình và thực hiện những mong ước mà bạn chưa từng dám nghĩ tới.

CHƯƠNG 2 NẾU ƯỚC MƠ CỦA STEVEN TÔI THÀNH SỰ THẬT THÌ AI CŨNG CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC NHƯ THẾ!

Làm thế nào một công ty đang ngắc ngoải giãy chết có thể đạt doanh thu hàng triệu đô? Làm thế nào một sinh viên trung học không có tiền trả học phí lái máy bay lại trở thành phi công có bằng lái mà không mất một xu? Làm thế nào một người không biết gì về âm nhạc lại có thể lập ra một ban nhạc thành công, thậm chí còn chỉ huy dàn nhạc giao hưởng? Và bằng cách nào một người chồng vô tâm, ích kỷ lại có thể có được một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và trọn vẹn?

Những điều đó nghe thật khó tin, thậm chí còn có vẻ hoang tưởng nữa. Ấy vậy mà những điều lạ lùng đó đã trở thành hiện thực, kết quả của việc vận dụng Nghệ Thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ. Giấc mơ thời trung học của tôi là lấy được bằng lái máy bay đã biến thành sự thật mặc dù tôi không có tiền để trả cho những giờ học lái. Vào thời ấy, một giờ học lái máy bay đáng giá 40 đô mà tôi thì không có lấy một xu. Chính những kỹ năng Hiện Thực Hóa Ước Mơ đã chắp cánh cho tôi, giúp tôi ngồi vào buồng lái bay vút lên trên những tầng mây.

Ước mơ thời sinh viên của tôi là thành lập hai ban nhạc thành công, rồi cũng có ngày tôi làm được điều đó, bất chấp một sự thật là tôi không có chút kiến thức gì về âm nhạc. Tôi cũng đã thực hiện được mong muốn đứng ra chỉ huy dàn nhạc chơi bản giao hưởng “William Tell” vào năm 1994, dẫu rằng lúc ấy tôi vẫn mù tịt về âm nhạc. Tôi đã thành công trong kinh doanh, kiếm được hàng triệu đô mặc dù tôi thất bại trong chín công việc sau khi tốt nghiệp đại học. Quan trọng hơn cả, ước mơ về một mái ấm gia đình tràn đầy tình yêu thương và hạnh phúc của tôi cũng thành hiện thực, mặc dù tôi từng là một anh chồng vô tâm, hoàn toàn vô dụng trong việc đáp ứng những nhu cầu tình cảm sâu kín của người bạn đời.

“Phải, nhưng đó là anh, chứ không phải tôi… Chúng ta khác nhau một trời một vực” có thể là phản ứng đầu tiên của bạn. Đúng, chúng ta rất khác nhau, nhưng rất có thể bạn đang đứng ở vị trí có lợi hơn vị trí của tôi cách đây vài năm trên chuyến hành trình đạt đến ước mơ của mình. Có thể bạn nghĩ những người đạt được ước mơ không tưởng thuộc về một nhóm người hoàn toàn khác với bạn. Điều đó hoàn toàn không đúng. Trong đời mình, tôi có dịp quen biết và làm việc với nhiều tỷ phú, các diễn viên đoạt giải Academy, những người đạt nhiều kỳ tích và tôi có thể khẳng định với bạn rằng, những người ấy không hề thông minh hơn bạn, không có trình độ học vấn và lai lịch tốt hơn bạn. Họ chỉ đơn giản học và áp dụng những kỹ thuật cụ thể giúp họ mơ những “giấc mơ lớn” và đạt được chúng. Thay vì là một “người thích mộng mơ”, họ trở thành “người thực hiện ước mơ”. Ai trên đời cũng có thể là một trong ba dạng người sau: người mơ mộng, người thực hiện ước mơ hoặc người chà đạp lên ước mơ của chính mình. Tôi cho rằng có đến 30% là những kẻ thích mơ mộng, 69,9% là những người bóp chết giấc mơ của mình từ trong trứng và chỉ có 0,1% còn lại là những người dám sống vì ước mơ của mình. Thế bạn muốn mình thuộc dạng nào? Trong các thời kỳ khác nhau, tôi từng thuộc vào cả ba loại trên, thế nên tôi có cơ sở để nói với bạn rằng, trở thành người đạt được ước mơ của mình thật sự là điều tuyệt vời nhất.

Khi viết quyển sách này, tôi có hai mục tiêu trong đầu. Một là chứng minh cho bạn thấy rằng bạn cũng có thể đạt được những mong ước cháy bỏng nhất của mình và giúp đỡ những người xung quanh thực hiện ước mơ của họ. Hai là trang bị cho bạn tất cả những kỹ năng và phương pháp cụ thể mà bạn cần để trở thành người tạo dựng ước mơ.

Nhưng trước hết tôi cần chứng minh với bạn rằng bạn có thể đạt được những điều bạn khao khát nhất, bởi lẽ nếu bạn không tin là mình làm được điều đó, bạn sẽ không dành thời gian học hỏi và thực hành những kỹ năng và phương pháp vốn là công cụ quan trọng nhằm biến ước mơ của bạn thành hiện thực.

TRONG MỘT ĐÊM, CUỘC ĐỜI TÔI THAY ĐỔI NGAY LẬP TỨC

Đúng 1 giờ kém 20 phút rạng sáng ngày 22 tháng 12 năm 1971, cuộc đời tôi lật sang một trang mới. Vào giờ phút ấy, tôi bỗng cảm nhận được một thứ tình yêu mà tôi chưa từng biết đến bao giờ; nó không bao la hơn tình yêu mà tôi dành cho người vợ thân yêu hay cha mẹ tôi mà nó là một thứ tình cảm hoàn toàn khác. Bạn biết không, đó là thời khắc tôi nhìn vào đôi mắt xanh tuyệt đẹp của đứa con gái đầu lòng mới chào đời. Khi tôi nhìn vào đôi mắt ấy, và đôi mắt ấy nhìn lại tôi, trong tôi tràn ngập một tình yêu thương không giống với bất cứ cảm xúc nào mà tôi từng cảm nhận trước đây. Tôi chỉ muốn nói với sinh linh bé bỏng rằng, cha yêu con biết nhường nào, cha sẽ luôn luôn chăm sóc con và cho con bất cứ thứ gì con muốn.

Nhưng cũng trong đêm ấy, khi tôi lái xe suốt ba tiếng đồng hồ từ bệnh viện về nhà thì thực tế quay lại với tôi. Làm sao tôi có thể đáp ứng nhu cầu vật chất của con gái mình. Tôi mới chỉ ra trường được hơn một năm mà đã phải chuyển việc tới ba lần. Thật ra, tôi vừa bị mất công việc thứ hai bốn ngày trước khi con gái tôi mở mắt chào đời. Vào lúc ấy, thu nhập của tôi chưa bằng một nửa thu nhập bình quân đầu người ở Mỹ. Với tấm bằng cử nhân tiếp thị trong tay, tôi thất bại trong chính lĩnh vực mình đã chọn.

Khoảng 9 tháng sau, một hôm, tôi lái xe từ căn hộ bé xíu của mình đến chỗ làm. Khi tôi chạy ngang qua một khu nhà nhỏ nhỏ xinh xinh và nhìn thấy những chiếc xích đu đung đưa trong nắng mới cùng những bao cát tập đấm bốc ở sân sau, tự dưng lệ dâng lên trong mắt tôi cay xè và cổ họng tôi như nghẹn lại. Tôi nhận ra rằng đứa con gái bé bỏng của tôi sẽ không bao giờ được chạy nhảy trên khoảnh sân riêng với chiếc xích đu của riêng mình. Tôi biết rằng tuổi thơ của con tôi sẽ trôi qua trên khoảng sân chung chật hẹp, bởi vì cha nó dù làm lụng vất vả đến mấy cũng chẳng “khá lên nổi”. Bao giờ chúng tôi cũng sống trong cảnh thiếu trước hụt sau và chẳng hiểu làm sao tôi không thể trụ lại được với công việc nào quá dăm tháng.

Sáng hôm ấy tôi lê bước vào văn phòng, chán nản hơn bao giờ hết. Thật không may, mọi việc càng trở nên tồi tệ vào ngày hôm đó. Sau bữa trưa, sếp gọi tôi vào phòng làm việc của mình. Ông nắm giữ cương vị phó chủ tịch và là người quan trọng thứ hai trong công ty. Phòng làm việc của ông rất đẹp và bởi vì ông cũng đứng đầu bộ phận tiếp thị nên tôi rất kính trọng ông.

Khi tôi bước vào phòng, ông ngẩng đầu lên nhìn tôi với vẻ mặt nghiêm trọng, thế là tôi hiểu ngay rằng mình gặp rắc rối. “Steven, anh là nỗi thất vọng lớn nhất trong suốt quãng đời làm việc của tôi”, ông gằn giọng nói. “Anh chẳng làm được tích sự gì trong công tác tiếp thị, vì thế tôi quyết định để anh ra đi. Anh có 20 phút để dọn bàn của mình”.

Trở về bàn làm việc, tôi thấy các đồng nghiệp vờ như không chú ý đến tôi. Chẳc hẳn là sếp tôi đã thông báo cho họ biết là sẽ sa thải tôi sau bữa trưa. Trong lúc dọn dẹp đồ đạc trên bàn, nước mắt tôi cứ ứa ra không sao ngăn lại được. Mọi người liếc nhìn tôi nhưng chẳng ai nói gì. Vật cuối cùng trên bàn là thứ giáng cho tôi một đòn đau nhất. Đó là tấm ảnh của đứa con gái yêu quý của tôi, đôi mắt xanh biếc tròn xoe của bé đang mở to nhìn tôi. Cha nó lại thất bại lần nữa, phụ lòng đồng nghiệp, phụ lòng chính bản thân mình và phụ lòng trông đợi của đứa con gái bé bỏng.

Lúc ấy tôi còn chưa biết rằng tôi sẽ mất thêm 6 chỗ làm nữa trong vòng 4 năm tới. Tôi là bậc thầy trong nghệ thuật thất bại, một thứ nghệ thuật mà chẳng ai muốn bước chân vào chứ đừng nói gì đến việc trở nên thuần thục. Sau mỗi lần “vấp ngã” như thế tôi lại trải qua một cơn chấn động tinh thần, mặc dù mãi sau này tôi mới biết những thất bại ê chề đó đã xây nền đắp móng cho những thành công to lớn của tôi sau này. Như bạn sẽ thấy, câu chuyện của tôi không phải bao giờ cũng nản lòng như vậy. Năm 1996, Simon & Schuster ra mắt quyển sách đầu tay của tôi nhan đề “Sổ tay triệu phú” (A Millionaire’s Notebook) và họ sẽ không xuất bản quyển sách này nếu như con gái tôi suốt đời phải chơi đùa trên mảnh sân chung.

Chính tựa đề phụ, “Làm thế nào những người bình thường có thể đạt được những thành công phi thường”, đã làm rõ nội dung quyển sách. Tựa đề này thách thức lại một trong những cách nghĩ thông thường dựa trên một niềm tin sai lầm phổ biến trong xã hội ngày nay rằng, những người đạt đến những thành công vượt trội là một “giống” người khác hoặc thuộc về một “đẳng cấp” khác hẳn với những người còn lại. Điều này hoàn toàn sai lạc. Trong thực tế, nhiều người đã vươn lên từ trong nghịch cảnh, hay trong những điều kiện kém xa số đông bình thường. Cho phép tôi nêu ra ba ví dụ điển hình.

CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI TÊN GENE

Gene Orowitz lớn lên ở Collingswood, bang New Jersey. Bởi vì cậu vẫn tè dầm cho đến tuổi vị thành niên nên mẹ cậu thường làm bẽ mặt con trai bằng cách phơi những tấm ga trải giường ướt nước tiểu ngoài cửa sổ phòng ngủ của cậu, để cho tất cả bạn bè cậu đều biết. Bà bảo với cậu rằng cậu sẽ không làm nên trò trống gì và kết quả học hành tệ hại của cậu năm cấp 3 dường như đã chứng minh lời tiên đoán của người mẹ là đúng – cậu xếp hạng 299 trong số 301 học sinh. Sau này, Gene nói với tôi rằng hai người đứng chót gần như không biết đọc biết viết.

Mọi việc cũng chẳng khấm khá gì hơn với Gene sau khi ông học hết phổ thông. Được cái Gene chạy đua rất cừ nên anh giành được học bổng vào trường đại học University of Southern California, nhưng anh để mất học bổng ngay trong năm thứ nhất vì thành tích đáng thất vọng trong mùa thi đấu năm ấy. Không có tiền để về nhà, Gene đành vạ vật nằm ngủ trên những chiếc ghế ngoài công viên ở Santa Monica, bang California. Công việc đầu tiên của anh là vác chăn đi gõ cửa từng nhà để bán. Ấy vậy mà nói về mức độ thành công, con người tưởng chừng như kém cỏi nhất hạng ấy lại trở thành người thành công nhất trong vai trò tác giả, đạo diễn và nhà sản xuất trong lịch sử truyền hình Mỹ. Tôi nói vậy là vì 100% show truyền hình mà ông tạo ra đều thành công. Theo tôi biết thì không một nhà sản xuất nào trong lịch sử Hollywood có thể tuyên bố mức độ thành công cao như thế. Tôi biết ông với tư cách là một người bạn chân thành và tuyệt vời nhất, còn bạn thì biết ông dưới cái tên Michael Landon.

HAI ANH CHÀNG TÊN STEVEN

Là thành viên trong đội cầm cờ của trường trung học, tôi có được đặc quyền kéo lá cờ tổ quốc trong tất cả những trận đá bóng của đội nhà. Phần thưởng của nhiệm vụ này là tấm vé mời trong mỗi trận đấu và một ghế trong ban nhạc diễu hành của trường. Gần như lần nào tôi cũng ngồi cạnh cậu bạn thổi kèn clarinet, một người có nhiều điểm giống tôi. Tôi không biết cậu ta họ gì, chỉ biết là cũng tên Steven. Anh bạn này gầy gò, nhút nhát và hoàn toàn xa lạ với tôi và với đa số những học sinh khác trong trường.

Vào những năm 60 thế kỷ trước, vị trí cuối cùng mà bạn mong muốn trong một trận đá bóng là ở ban nhạc hay tổ cầm cờ. Nhưng với cân nặng khoảng 55 kg, cả tôi và anh bạn Steven kia đều không có cơ hội được kết nạp vào đội bóng. (Kể cả khi to khỏe nặng cân hơn thì chúng tôi cũng chẳng có “cửa”, bởi vì không có năng khiếu thể thao.) Giống như tôi, Steven kia cũng chẳng hẹn hò được cô gái nào trong trường và chúng tôi cũng không phải là học sinh khá giỏi hay có điểm nổi bật gì. Trong thực tế, thành tích học kỳ tốt nhất của anh chàng Steven kia là ngoi lên được hạng trung bình. Dĩ nhiên trong trường, từ giáo viên đến học sinh chẳng mấy ai biết đến anh bạn Steven này, tuy vậy bạn thì biết đấy, vì tên tuổi của anh sau này xuất hiện ở 5 trong 10 bộ phim có doanh thu cao nhất trong mọi thời đại. Thực tế ở Mỹ, hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới, hỏi có bao nhiêu người không biết đến cái tên Steven Spielberg?

20 năm sau khi tôi tốt nghiệp, một hôm mẹ gọi điện cho tôi và bảo rằng Steven Spielberg là một trong những bạn học của tôi ở trường Trung học Arcadia. Tôi đáp lại là không thể có chuyện như vậy, tôi biết hầu hết học sinh ở trường Arcadia vào thời đi học và không có lý nào tôi lại không biết Steven Spielberg. Thế là mẹ tôi bảo tôi hãy xem lại danh sách cựu học sinh ở trường. Khi nhìn thấy tên Steven Spielberg cùng với bức ảnh chân dung của anh thì tôi “té ngửa”, chính là anh chàng Steven lặng lẽ ngày nào vẫn ngồi cạnh tôi trong mỗi trận đá banh. Mấy tháng sau, khi chúng tôi tình cờ gặp nhau, tôi nói, “Steven, giá như tôi biết trước!” và anh trả lời, “Steven, giá như tôi biết trước!”.

Về phần mình, tôi tốt nghiệp phổ thông với thành tích làng nhàng trên trung bình một chút. Suốt trong những năm trung học, tôi chẳng có gì nổi bật cả. Sáu năm đầu sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1970, tôi còn trượt dài với 9 công việc khác nhau nữa. Nếu tôi đặt bút viết tiểu sử nghề nghiệp của mình vào tháng 4 năm 1976 thì nó sẽ như thế này:

Tốt nghiệp đại học năm 1970

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button