Review

Nghệ Nhân Và Margarita

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Mikhali Bulgacov
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 591
Ngày xuất bản 04-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

“M.Bulgakov – Bản thảo không bị cháy

Từng chương, từng trang sách, đều ẩn chứa trong đó những hàm ý triết học được “phổ” vào ngay cả những sự kiện xoàng xĩnh, khôi hài đến thảm hại của một hiện thực rã nát trong thế giới văn nhân. Và toàn thể tiểu thuyết là một tuyên ngôn nghệ thuật mà cho đến ngày nay các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục khám phá không ngưng nghỉ.

Nghệ Nhân là nhà văn vừa hoàn thành tiểu thuyết, viết về hai nhân vật Lesua và Ponti Pilat: Một là nhà triết học lang thang và một là quan tổng trấn quyền uy. Lesua đã bị gài bẫy, bị bắt và bị hành hình vì những rao giảng của mình. Cái chết của Lesua đã trở thành nỗi ám ảnh kéo dài suốt hai nghìn năm, không để cho Ponti Pilat được yên, bởi quan tổng trấn đã không thể “cứu” được Lesua khỏi án chết, như ước muốn bí mật chỉ riêng ông biết.

Số phận của Nghệ Nhân cũng không hề may mắn hơn: Tác phẩm của anh bị nguyền rủa và khai tử bởi các đồng nghiệp ngay từ lúc chưa công bố, dẫn đến việc anh bế tắc, tuyệt vọng, tự đốt bản thảo và tìm đến nhà thương điên, trốn chạy cả tình yêu định mệnh của Margarita…

Chỉ có quỷ sứ mới cứu nổi nhà văn. Và quả thật quỷ sứ đã xuất hiện.

Phần lớn số trang của tiểu thuyết đã dành để mô tả những gì mà chúa quỷ Voland và đoàn tùy tùng đã “quậy tưng” thành phố Moscow lên theo cách nào. Bằng những phép thuật được sử dụng như thuốc thử, Voland đã buộc giới văn nhân tự lộn trái mình ra, bộc lộ những phẩm chất tồi tệ: Bất tài, dối trá, ăn bám và hám lợi.

Quả thật, Bulgacov với “Tài năng của nhà văn trào phúng, tài năng của nhà văn giả tưởng và tài năng của nhà văn hiện thực” đã nén đến tối đa những vấn nạn văn chương – tư tưởng, nhằm khẳng định khát vọng của nhà văn. Nó ở trong lời đáp của Voland khi Nghệ Nhân lên tiếng hỏi mình có nên chạy theo Ponti Pilat không: “Không, chạy theo dấu vết của cái đã kết thúc để làm gì?…Chẳng lẽ anh không muốn giống như Faust, ngồi bên chiếc bình cổ cong với niềm hy vọng mình sẽ tạo ra được một giống Homuncul mới?”.

Nếu Nghệ Nhân – nhà văn trong tiểu thuyết khá mềm yếu và thụ động thì Bulgacov – nhà văn ngoài đời thực hoàn toàn ngược lại. Mạnh mẽ, quyết liệt, Bulgacov đã gửi một bức thư dài đến chính phủ Liên Xô: “Và tự tay tôi, tôi đã ném vào lò sưởi một tập bản thảo cuốn tiểu thuyết viết về quỷ sứ, một tập bản thảo hài kịch và phần đầu cuốn tiểu thuyết thứ hai của tôi – tiểu thuyết Sân khấu…Tôi xin lưu ý rằng, không được viết đối với tôi cũng có nghĩa là bị chôn sống… Nếu không được làm đạo diễn, tôi xin làm diễn viên đóng vai phụ. Nếu làm diễn viên phụ cũng không được, tôi xin làm công nhân sân khấu. Nếu cả điều đó cũng không thể được, tôi xin chính phủ Xô viết xử trí tôi như chính phủ thấy cần thiết…”. Bức thư đã được gửi đi vào trước thời điểm mà Maiakovski đã dùng súng tự bắn vào đầu.

Sự quyết liệt ấy đã thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết, ở những đối thoại giữa giữa Lesua – Pilat. Iesua đã trả lời Pilat, nhắc lại những gì mà vì nó, nhà triết học phải bước lên đoạn đầu đài: “Tôi nói rằng ngôi đền của lòng tin cũ sẽ sụp đổ, và ngôi đền mới của chân lý sẽ được dựng lên… Bất kể thứ quyền lực nào cũng là bạo lực đối với con người, và sẽ đến một lúc sẽ không còn quyền lực của các hoàng đế lẫn bất kỳ thứ quyền lực nào khác. Con người sẽ đến được vương quốc của sự thật và công lý, nơi nói chung sẽ không cần một quyền lực nào cả…”.

Có lẽ sự quyết liệt ấy đã giúp cho “bản thảo không bị cháy”, cho dù Nghệ Nhân, cho dù chính Bulgacov đã đốt nó”.

[taq_review]

Trích dẫn

„Lạy Chúa, cậu làm tớ hết hồn!»

Ðúng thế, sự xuất hiện bất ngờ đó có thể làm hết hồn bất kỳ người nào, dầu vậy trong lúc này nó đồng thời cũng là một niềm vui lớn đối với Rimski. ít ra thì cũng thòi ra được một đầu mối trong cái chuyện cực kỳ rối rắm này.

„Nào, nói nhanh lên! Nào! Nào!„ Rimski rít lên, cố bám lấy cái đầu mối vừa thòi ra này. „Tất cả những chuyện này nghĩa là thế nào?»

„Xin lỗi anh“, Varênukha bước hẳn vào, đóng cửa lại, đáp bằng một giọng khàn khàn, «tôi nghĩ rằng anh đã đi về nhà rồi.»

Nói xong, không cởi mũ, Varenukha đi đến phía bên kia bàn, ngồi xuống chiếc ghế bành đối diện.

Cần phải nói rằng, trong câu trả lời của Varenukha có một vài điểm kỳ quặc mà phó giám đốc tài chính, người có độ thính nhạy đủ sức so sánh với bất kỳ trạm đo địa chấn nào của thế giới, lập tức cảm thấy ngay. Tại sao lại như thế? Varenukha đến phòng làm việc của phó giám đốc tài chính làm gì, nếu như đã biết rằng Rimski không còn ở đây nữa? Varenukha cũng có phòng làm việc riêng của mình kia mà? Ðó là một điểm. Ðiểm thứ hai: dù cho Varenukha có vào nhà theo bất cứ lối cửa nào, anh ta nhất thiết cũng phải gặp một trong số những người gác đêm, mà tất cả bọn họ đều đã được thông báo rằng hôm nay Grigori Danilovich Rimski sẽ ở nán lại trong phòng làm việc của mình một lúc.

Nhưng phó giám đốc tài chính lần này đã không để tâm suy nghĩ nhiều về những điều lạ lùng đó. Không phải lúc.

„Tại sao cậu không gọi điện về? Toàn bộ cái trò vớ vẩn với Ialta kia nghĩa là gì?»

„Thì đấy, chính là cái tôi đã nói với anh rồi mà“, trưởng phòng quản trị chắt lưỡi như bị đau răng, đáp, «đã tìm thấy lão ta trong một quán rượu ở thị trấn Puskino.»

„Sao lại ở Puskino? Ðó là ngoại ô Moskva ấy à? Còn những bức điện gửi đi từ Ialta?»

„Ialta quái quỷ nào ở đây? Lão ta chuốc say tay điện báo viên ở Puskino, rồi cả hai bắt đầu bày trò, kể cả việc gửi điện mạo địa chỉ gốc “Ialta”.

„À ra thế, ra thế… Thôi được rồi, được rồi…„ Rimski, không phải nói nữa, mà ngâm nga như hát. Ðôi mắt ông ta phát ra những tia sáng vàng vàng. Trong đầu hiện lên một viễn cảnh khả quan của việc cách chức Likhodeev… Một sự giải phóng! Một sự giải phóng mà phó giám đốc tài chính mong đợi từ lâu, giải phóng khỏi cái tai họa mà Likhodeev là hiện thân! Biết đâu Stepan Bogdanovich sẽ được hưởng một cái gì đó còn tồi tệ hơn là cách chức… „Kể lại tỉ mỉ nào!„ Ðập cái bàn thấm xuống mặt bàn viết, Rimski ra lệnh cho Varenukha.

Và Varenukha bắt đầu kể lại tỉ mỉ. Vừa có mặt ở cái nơi được phó giám đốc tài chính phái đến, anh ta lập tức được đón tiếp và lắng nghe cực kỳ chăm chú. Không một ai, tất nhiên, nghĩ đến chuyện Stepan hiện giờ đang ở Ialta. Tất cả ngay tức khắc đều đồng ý với Varenukha rằng Likhodeev, tất nhiên, đang ở quán rượu “Ialta” ở Puskinô.

„Thế anh ta giờ ở đâu?„ phó giám đốc tài chính hồi hộp hỏi cắt ngang lời trưởng phòng quản trị.

„Thì lão ta còn ở đâu được nữa“, trưởng phòng quản trị cười nhạt, đáp, «hiển nhiên là ở phòng “hồi tỉnh” rồi!»

„À, thế! Ôi, cảm ơn!»

Varenukha lại tiếp tục câu chuyện của mình. Và anh ta càng kể, trước mắt phó giám đốc tài chính càng hiện lên rõ ràng hơn một chuỗi tột cùng dài những hành động sai trái và trắng trợn của giám đốc nhà hát Tạp Kỹ, và mỗi một móc xích tiếp theo sau trong cái chuỗi dài những hành động đó càng một thêm tồi tệ hơn. Cái giá nào sẽ phải trả cho điệu nhảy say mềm với người nhân viên điện báo giữa bãi cỏ trước nhà bưu điện thị trấn Puskino trong tiếng đệm đàn gió của một tay vô công rồi nghề nào đó! Rồi cuộc rượt đuổi theo những bà, những cô vừa chạy, vừa la hét vì kinh hoàng! Rồi vụ gây gổ với nhân viên bán hàng ở ngay quán ăn “Ialta”! Rồi những nắm hành ném tung tóe ra khắp sàn nhà của chính cái quán “Ialta” ấy. Rồi tám chai vang trắng “Ai-Danil” bị đập vỡ. Rồi chiếc máy tính tiền bị hư nặng trong chiếc xe taxi của người tài xế không muốn chở Stepan. Rồi sự đe dọa bắt bỏ tù tất cả những ai định ngăn cản hành động làm loạn của ông ta. Tóm lại, một mớ khủng khiếp!

Stepan là một kẻ nổi danh trong giới nhà hát Moskva, và tất cả mọi người đều biết rằng ông ta đâu phải hạng hiền lành. Nhưng dù sao thì những gì trưởng phòng quản trị kể về ông ta cũng có vẻ quá đáng, quá đáng ngay cả đối với Stepan. Vâng, quá đáng. Thậm chí rất quá đáng nữa là đằng khác…

Ðôi mắt sắc nhọn như gai của Rimski cắm chặt vào bộ mặt của trưởng phòng quản trị ngồi ở bên kia bàn, và Varenukha càng nói bao nhiêu thì đôi mắt đó càng tối sầm lại bấy nhiêu. Những chi tiết xấu xa mà trưởng phòng quản trị tô điểm cho câu chuyện của mình càng sinh động và nhiều màu sắc bao nhiêu… thì phó giám đốc tài chính càng ít tin người kể chuyện bấy nhiêu. Khi Varenukha thông báo rằng Stepan trở nên táo tợn đến mức dám chống lại những người đến để bắt ông ta trở về Moskva thì Rimski đã biết một cách chắc chắn rằng tất cả những gì mà tay trưởng phòng quản trị trở về nhà hát vào lúc nửa đêm này kể cho ông ta nghe đều là dối trá! Dối trá từ đầu đến cuối!

Varenukha không hề đến Puskino, và cả Stepan cũng không có mặt ở Puskino. Không có cả người nhân viên điện báo say mèm, không có những chiếc chai vỡ ở quán ăn, Stepan không bị trói bằng dây thừng… không có gì hết…

Phó giám đốc tài chính vừa mới khẳng định trong ý nghĩ rằng trưởng phòng quản trị nói dối mình, thì một nỗi sợ hãi bỗng bò dọc thân thể ông ta, bắt đầu từ chân, và đã hai lần phó giám đốc tài chính cảm thấy có mùi bùn mục ẩm bốc lên từ sàn nhà. Không một giây nào rời mắt khỏi tay trưởng phòng quản trị – Varenukha không hiểu sao cứ vặn vẹo người một cách kỳ quặc trên chiếc ghế bành, luôn luôn tìm cách ẩn mình trong bóng tối xanh thẫm của ngọn đèn bàn và dùng tờ báo cố che mặt như thể bị ánh sáng của ngọn đèn làm khó chịu – phó giám đốc tài chính chỉ ngẫm đi nghĩ lại mỗi một điều: tất cả những cái này nghĩa là gì? Tại sao tay trưởng phòng quản trị trở về gặp ông ta muộn màng như thế này, lại nói dối một cách trắng trợn như vậy trong ngôi nhà vắng vẻ và im lặng như tờ này? Rồi linh cảm về một mối nguy hiểm, một mối nguy hiểm chưa rõ ràng nhưng đáng sợ, bắt đầu len vào ngực phó giám đốc tài chính. Làm ra bộ không nhận thấy những câu lươn lẹo cùng cái trò ảo thuật với tờ báo của trưởng phòng quản trị, Rimski chăm chú nhìn kỹ mặt anh ta, gần như không nghe Varenukha nói liến láu những gì nữa. Có một cái gì đó phó giám đốc tài chính cảm thấy còn khó giải thích hơn là câu chuyện bịa đặt ra không hiểu để làm gì về những trò phiêu lưu ở Puskino, và “cái gì đó” chính là những thay đổi ở vẻ ngoài và trong cử chỉ, nói năng của tay trưởng phòng quản trị.

Dù Varenukha có cố kéo chiếc mũ lưỡi trai sụp xuống để che tối bộ mặt mình, dù cho anh ta có xoay tờ báo như thế nào đi nữa, phó giám đốc tài chính vẫn nhìn thấy được trên mặt anh ta một vết tím bầm to tướng ở bên má phải ngay cạnh mũi. Ngoài ra, tay trưởng phòng quản trị vốn thường ngày hồng hào, nay bỗng trở nên tái nhợt một màu phấn trắng bệnh tật, và vào cái đêm oi bức này trên cổ anh ta lại quấn một tấm khăn quàng cũ kẻ sọc không hiểu để làm gì. Rồi nếu như cộng thêm vào đó cái thói xấu chép miệng chắt lưỡi vừa mới xuất hiện ở anh ta trong thời gian vắng mặt vừa qua, sự thay đổi đột ngột của giọng nói trở nên khàn khàn và thô kệch, vẻ lén lút, sợ sệt trong đôi mắt – thì có thể mạnh dạn mà nói rằng Ivan Savelievich Varenukha đã biến đổi đến mức không thể nào nhận ra được.

Còn thêm một cái gì đó làm phó giám đốc tài chính lo sợ, nhưng cụ thể là cái gì thì Rimski không hiểu được, dù cho ông ta có căng bộ não đã bốc lửa lên đến mấy và dù cho có nhìn kỹ vào bộ mặt của Varenukha đến mấy. Ông ta chỉ có thể khẳng định một điều, là có một cái gì đó chưa từng thấy, trái tự nhiên trong sự kết hợp giữa tay trưởng phòng quản trị với chiếc ghế bành quá quen thuộc kia.

„Thế rồi cuối cùng mọi người cũng trói được lão ta, cho lên xe“, Varenukha kể tiếp, mắt nhìn ra từ sau tờ báo và lấy bàn tay che chỗ bầm trên má.

Rimski bỗng chìa tay ra và làm như vô tình, những ngón tay vẫn gõ gõ trên mặt bàn, dùng lòng bàn tay ấn vào chiếc nút chuông điện, và ông ta sững người lại.

Ðáng lẽ ra trong ngôi nhà vắng lặng này phải đột ngột réo lên tiếng chuông gay gắt. Nhưng không hề có tiếng chuông nào réo lên cả, và chiếc nút mềm nhũn tụt sâu xuống mặt bàn. Chiếc nút chết. Hệ thống chuông hỏng.

Cái mưu mẹo của phó giám đốc tài chính không lọt qua nổi con mắt Varenukha. Anh ta hơi co giật đôi má, trong mắt ánh lên một tia lửa giận dữ:

„Anh ấn chuông làm gì thế?»

„Vô tình lỡ tay ấy mà“, phó giám đốc tài chính khàn giọng đáp và rụt tay lại; rồi đến lượt mình, ông ta hỏi bằng giọng yếu ớt: „Mà cái gì ở trên mặt cậu thế?»

„Khi xe giật mạnh, tôi bị đập mặt vào cánh cửa“, Varenukha nhìn đi nơi khác, đáp.

“Nói láo!” – phó giám đốc tài chính thầm thốt lên. Vào cái khoảng khắc đó cặp mắt của Rimski chợt trợn tròn lên và trở nên hoàn toàn mất trí, ông ta nhìn trừng trừng vào lưng ghế.

Phía sau chiếc ghế bành, trên sàn nhà, có hai chiếc bóng nằm chéo nhau, một bóng đậm và đen hơn, còn bóng kia nhạt hơn và có màu xám. Trên sàn nhà trông rõ bóng lưng tựa của ghế bành và hai cặp chân nhọn phía dưới của nó, nhưng phía trên lưng ghế không trông thấy bóng đầu của Varenukha, cũng như phía dưới chân ghế không có bóng chân của tay trưởng phòng quản trị này.

“Hắn ta không có bóng!” [1] – Rimski kinh hoàng thầm thốt lên trong đầu. Toàn thân phó giám đốc tài chính run bắn lên.

Varenukha lấm lét nhìn ra phía sau lưng ghế, theo hướng cái nhìn mất trí của Rimski, và hiểu rằng mình đã bị lộ tẩy.

Trưởng phòng quản trị đứng bật dậy khỏi ghế bành (và phó giám đốc tài chính cũng làm đúng như vậy, lùi khỏi bàn một bước, tay ôm chặt chiếc cặp).

„Ðã đoán ra rồi, đồ thổ tả! Bao giờ cũng khôn ngoan“, Varenukha nói nhanh, cười nhạo một cách độc địa thẳng vào mặt phó giám đốc tài chính, rồi bất ngờ nhảy từ ghế bành đến bên cửa ra vào, nhanh nhẹn kéo chốt ổ khóa Anh xuống phía dưới, khóa trái cửa lại. Phó giám đốc tài chính tuyệt vọng nhìn quanh, lùi về phía cửa sổ mở ra vườn; và trong ô cửa sổ tràn đầy ánh trăng đó, ông ta trông thấy bộ mặt áp chặt vào tấm kính cửa của một cô gái trần truồng, cánh tay của cô ta thò qua ô nhỏ thông gió ở phía trên cố tìm cách mở cái chốt dưới của cánh cửa. Chốt trên đã bị mở từ trước.

Rimski cảm thấy ánh sáng của ngọn đèn bàn chợt mờ đi và mặt bàn viết nghiêng xuống. Ông ta như bị một làn sóng lạnh băng bao trùm lấy, nhưng thật may mắn cho phó giám đốc tài chính, ông ta đã gắng hết sức bình sinh để không ngã xuống. Phần sức lực còn lại của Rimski chỉ đủ để thều thào, chứ không kêu lên thành tiếng được nữa:

„Cứu tôi với…»

Varenukha, đứng giữa lối ra vào, nhảy choi choi cạnh cánh cửa, người lơ lửng, lắc lư rất lâu trong không khí, vung những ngón tay co quắp về phía Rimski, chép mồm, chắt lưỡi, nháy mắt với cô gái trần truồng ngoài cửa sổ.

Cô ta vội vã thò đầu qua lỗ thông hơi, vươn dài cánh tay, dùng những móng tay nhọn cào cấu thanh chốt dưới và lắc mạnh khung cửa sổ. Cánh tay cô ta bắt đầu duỗi dài ra như bằng cao su, phủ một lớp màu xanh xám ngoét như ở xác chết. Cuối cùng thì những ngón tay xanh xám của tử thi đó đã túm được đầu chốt cửa, quay ngang, và khung cửa bắt đầu mở ra. Rimski rú lên một tiếng yếu ớt, dựa lưng vào tường và giơ chiếc cặp ra phía trước như tấm lá chắn. Ông ta hiểu rằng cái chết của mình đang đến.

Bạn đọc cảm nhận

Đoàn Tử Huyến

Bulgakov viết NNVM trong 12 năm (1928-1940) với cái tên dự định là Tiểu thuyết về quỉ sứ, từng bị xé, bị đốt, viết đi viết lại bảy lần! Một cuốn sách không dễ đọc nhưng có sức cuốn hút và ám ảnh kỳ lạ.

Không dễ đọc, trước hết vì độ dày của nó (gần 800 trang khổ lớn), vì hệ thống nhân vật đông đảo (506 nhân vật), nhưng chủ yếu vì nó không tầm thường, không chỉ là kiểu “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” (“2 trong 1”) mà nhân vật, sự kiện của hai tiểu thuyết cách nhau đến…1.900 năm, lại thực – hư lẫn lộn…

Tuy vậy, nó vẫn cuốn hút vì cách viết mới lạ, vì độc giả như được sống, được bay lượn trong một thế giới khác – với cách phù phép của nhà hắc ảo thuật Voland từ nước ngoài đến, các nhân vật có thể tàng hình, hóa thân, bay khắp nơi, trò chuyện với người đã chết…

Điều thú vị là nhờ sống trong “thế giới khác”, chúng ta có cơ hội được thấy rõ chân tướng của cuộc sống thật hôm nay (trong sách là hiện thực xã hội ở thành phố Matxcơva những năm 1920-1930, khi Liên Xô thực hiện chính sách “kinh tế mới”).

Cuộc sống sau bao năm tù hãm vừa được “giải phóng” đã bị bóc trần với đủ trò lố lăng bi – hài. Ví như cảnh cả đoàn người xếp hàng để xin căn hộ của Berlioz – chủ tịch Hội Nhà văn Matxcơva – khi nghe tin ông vừa bị xe điện chẹt chết; rồi các vị chức sắc ăn hối lộ, hám đôla, ngoại tình vụng trộm… dần lộ mặt…

Tiểu thuyết NNVM hấp dẫn, giàu tính trí tuệ còn vì đề tài mà Nghệ nhân (nhân vật chính của NNVM và là “cái tôi thứ hai” của tác giả) chọn để viết cuốn tiểu thuyết chính là câu chuyện đã xảy ra 1.900 năm trước với hai nhân vật chính là quan tổng trấn Pontius Pilate và Jesus Christ.

Đã có nhiều tác phẩm văn học dựa vào các sự kiện trong Kinh Thánh, nhưng Bulgakov chỉ tập trung xoay quanh tâm trạng của Pilate trước và sau khi chàng trai quê ở Nazareth bị hành hình trên núi Trọc.

Quan tổng trấn tuy có thiện cảm với “nhà triết học lang thang rách rưới”, từng muốn cứu chàng khỏi tội chết (bằng cách gợi ý cho chàng chối bỏ việc tên Judas tố cáo chàng đã nói những lời xúc phạm đến hoàng đế…), nhưng rồi vẫn tuyên án tử hình và sau đó thì ân hận.

Nhân vật Pilate hèn nhát không dám từ bỏ danh vọng, bổng lộc để thực hiện thiện chí cứu người vô tội vì dù sao y cũng là vị quan của hoàng đế để rồi lương tâm cắn rứt cho mãi… 1.900 năm sau (cảnh gặp lại Chúa Jesus ở cuối tiểu thuyết) cũng như hình ảnh kẻ tử tù không thể nói dối để giữ mạng sống (đã đáp lại “gợi ý” của quan tổng trấn: “Nói sự thật dễ dàng và dễ chịu hơn…”), và việc chàng nhường những giọt nước lúc sắp chết khát cho tên tội phạm bên cạnh trên núi Trọc có ý nghĩa đến muôn đời vì nó tiêu biểu cho cuộc đấu tranh giữa thiện và ác của nhân loại…

Chính vì thế, một nhà văn nổi tiếng người Gruzia đánh giá Bulgakov “đã là người đương thời của cha ông chúng ta, đang là người đương thời với chúng ta và sẽ là người đương thời của con cháu chúng ta”.

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button