Review

Nghệ thuật đối nhân xử thế

Thể loại Kỹ năng – Cuộc sống
Tác giả Romeo Rodriguez Jr
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành 1980 Books
Số trang 280
Ngày xuất bản 05-2017
Giá bánXem giá bán

Làm thế nào để khiến những người cứng đầu nghe theo ý của mình? Phải làm sao để xoa dịu một người đang nóng giận mất kiểm soát? Có cách nào khéo léo để từ chối những lời mời dai dẳng không? Hoặc… phải làm sao để làm hòa sau khi cãi nhau với người yêu? Đã sống thì không thể tránh khỏi việc gặp những trở ngại trong các mối quan hệ giữa người với người như thế. Nhưng liệu bạn có chấp nhận mãi mãi vướng vào các rắc rối đó không?

Thông qua việc hiểu rõ tâm lý phức tạp của con người, ta có thể hiểu được đối phương đang nghĩ gì, qua đó có thể khiến họ hành động theo ý của ta để mọi chuyện trở nên tốt đẹp. Không phải sẽ rất tuyệt vời nếu bạn thành thạo kỹ năng này hay sao? Và bạn hoàn toàn có thể làm được, nếu tìm đọc những kỹ thuật xử trí mối quan hệ được giới thiệu trong cuốn “Nghệ thuật đối nhân xử thế” của tác giả Romeo Rodriguez Jr.

Những kỹ thuật tâm lý trong cuốn sách đều được diễn giải dễ hiểu. Rất nhiều tình huống thường gặp trong cuộc sống được đưa vào sách để làm ví dụ cụ thể. Qua đó, độc giả có thể nhanh chóng áp dụng những kỹ thuật tâm lý có trong sách vào từng hoàn cảnh nhất định.

Tuy nhiên, những kỹ thuật này giống như con dao hai lưỡi – có thể được sử dụng với những mong muốn tốt đẹp nhưng cũng có thể trở nên nguy hiểm nếu người sử dụng có ý đồ xấu. Đừng bao giờ quên sử dụng những kỹ thuật tâm lý trên cơ sở thiện lương. Bởi chắc chắn, “Nghệ thuật đối nhân xử thế” khi được dùng đúng mục đích sẽ làm cho bản thân bạn và những người xung quanh luôn luôn hạnh phúc.

[taq_review]

Trích dẫn

Chương 1

MA THUẬT TÂM LÝ KHÉO LÉO TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI KHÔNG HỢP TÍNH

Cách làm cho đối phương im lặng (Phê bình thói quen)

Khi làm việc trong một công ty thì chắc hẳn sẽ có một số người bạn không thích.

Trong những trường hợp như thế này, tôi khuyên các bạn hãy dùng nghệ thuật tâm lý “Phê bình thói quen” để có thể tạo ra được một môi trường sinh hoạt dễ chịu cho bản thân.

Ví dụ trong buổi họp, có một người bạn không ưa lắm, tên là A phát biểu. Tuy nhiên bạn phát hiện ra anh ta có thói quen luôn vừa phát biểu vừa đung đưa tay một cách vô thức. Khi đó bạn có thể nói với A theo kiểu góp ý rằng:

“Anh A, bài phát biểu của anh rất tuyệt vời, nhưng tay anh có vẻ đung đưa hơi quá. Anh mà không đung đưa tay thì bài phát biểu của anh còn ấn tượng hơn nữa.”

Lời góp ý này khi vừa thoáng nghe qua, tưởng chừng là một lời góp ý chân thành đầy thiện ý, nhưng thực ra nó lại có tác dụng làm cho A cảm thấy mất hứng tiu nghỉu.

Tất cả các động tác đung đưa tay, rung đùi rung chân, hay các lời nói chèn thêm “à thì là mà” đều chỉ là phản xạ nhằm che giấu sự hồi hộp, căng thẳng, giúp người ta có thể giữ nguyên được phong thái của mình.

Những cử chỉ được thực hiện một cách vô thức này thường là các thói quen khó sửa. Nếu lời góp ý bạn vừa nói khiến cho đối phương nghĩ rằng “Thật sự là như vậy sao. Vậy thì ta sẽ không đung đưa tay nữa” thì có thể nói rằng bạn đã đạt được mục đích của mình. Vì khi đối phương ý thức tới những hành động rung hay đung đưa một bộ phận nào đó trên cơ thể, muốn điều đó không xảy ra nữa thì nó đã vô tình làm phá vỡ nhịp điệu tự nhiên của bản thân, làm cho điều đang muốn diễn đạt trở nên không rõ ràng mạch lạc.

“Phê bình thói quen” là một phương pháp rất hay được dùng trong thể thao.

Ví dụ bạn là người chơi golf. Trong buổi chơi này, bạn đã rất thuận lợi trong việc ghi được điểm số cao, đây là lúc bạn đang có những cú đánh golf ổn định hiệu quả.

Tuy nhiên, tới lúc này có một chuyên gia đánh golf khác khuyên bạn rằng “Nếu anh thay đổi cách cầm gậy đánh golf giống như thế này thì tôi nghĩ điểm mà anh ghi được còn cao hơn nhiều”. Nếu nhận được lời khuyên như vậy, chắc hẳn bạn sẽ chú ý và thử đổi cách cầm gậy đánh golf của mình. Nếu bạn làm như vậy, chắc hẳn bạn sẽ không những không giữ được phong độ giống những lần đánh trước mà còn có kết quả kém đến mức khó tin.

Việc phá hỏng các thói quen khiến người ta làm rối loạn đi khả năng thực hiện tốt các hành động bình thường, thậm chí làm tăng cao khả năng tự hủy hoại bản thân.

Nếu có những người bạn không ưa trong công ty, việc dùng phương pháp này sẽ khiến họ khó có thể phát triển tốt, phải chuyển đi một nơi nào đó khác.

Cách khiến cho đồng nghiệp phải tránh xa (Phương pháp thể hiện cơ thể)

Khi đã trực thuộc một tổ chức nào đó, bao giờ cũng tồn tại những người ghen ăn tức ở với những người có thực lực, luôn tìm cách chọc gậy bánh xe để phá quấy ngăn cản. Đặc biệt khi những người cùng khóa trở nên thành đạt, được thăng chức, để che đậy đi sự vô dụng của mình, nhiều người luôn tìm cách làm cản trở đồng nghiệp.

Nếu bạn sắp bị một ai đó thọc gậy bánh xe, hãy dùng “Phương pháp thể hiện cơ thể” để dẹp đi những cản trở này.

Phương pháp thể hiện cơ thể là phương pháp biểu hiện làm sao cho đối phương thấy bạn có ưu điểm trong ngoại hình hơn họ.

Cơ thể nghĩa là ngoại hình. Với những người to cao hơn, có ngoại hình tốt thì sẽ dễ gây cho đối phương cảm giác ngưỡng mộ. Người ta thường cho rằng những người có cơ thể to cao thường có “năng lực làm việc cao” một cách vô điều kiện.

Mẹo này hết sức đơn giản nhưng nó lại có hiệu quả rất cao.

Có một cuộc thử nghiệm tâm lý được diễn ra tại Mỹ. Nội dung của cuộc thử nghiệm này là đoán chiều cao của từng người một. Người ta thay đổi nghề nghiệp của từng thành viên rồi xếp họ vào 3 nhóm, với ba ngành nghề là sinh viên, bác sĩ và giáo viên và truyền đạt lại như vậy cho những người tham gia thử nghiệm để họ đoán xem các thành viên trong ba nhóm có chiều cao như thế nào.

Kết quả như thế nào đây.

Với nhóm có nghề nghiệp là bác sĩ hay giáo viên, chiều cao dự đoán thường cao hơn chiều cao thực tế so với nhóm còn lại.

Theo như cuộc thí nghiệm này, một quan niệm trong xã hội đã được chứng minh. Đó là quan niệm người ta thường cảm thấy những người có địa vị cao trong xã hội thường cũng sẽ là những người có một chiều cao nhất định. Những người cao thì thông thường cũng sẽ được cho là người có năng lực cao.

Một điều khá thú vị rằng khi so sánh một người cao và một người có chiều cao khiêm tốn hơn, người ta thường cảm thấy rằng người cao sẽ có thu nhập cao hơn.

Theo kết quả nghiên cứu của một trường đại học quốc lập Úc, người nào có chiều cao cao hơn chiều cao trung bình 5cm trở lên sẽ có thu nhập một năm cao hơn bình thường 10 vạn yên.

Điều này có nghĩa là muốn để đồng nghiệp thấy được “Mình không thể vượt hơn người này” thì bạn chỉ cần làm sao cho mình có cảm giác nhìn cao hơn.

Nếu bạn chỉnh lại tư thế đúng, thẳng lưng lên, thậm chí đi cả những đôi giày bí mật làm tăng chiều cao, luôn chú ý sao cho dáng đi được cao thì có lẽ bạn sẽ không còn phải phiền muộn với việc bị người khác thọc gậy bánh xe nữa.

Cách xử lý sếp luôn lấy thành quả của nhân viên làm thành quả của bản thân (Tiếp xúc cơ thể)

Nếu từ trước tới nay có lúc nào bạn bị sếp lấy ngang thành quả của mình, thì tôi chắc rằng hoặc bạn không được sếp tin tưởng, hoặc bạn bị sếp ghét.

Vì hành động cướp ngang thành quả này đã thể hiện rằng sếp bạn không hề có chút “cắn rứt” lương tâm nào đối với bạn. Nếu thực sự điều này xảy đến với bạn, thì cũng có thể một phần vấn đề nằm ở chính bạn nữa. Nhưng dù gì đi chăng nữa đây cũng không phải là một tình trạng tốt. Tôi sẽ bày cho bạn một phương pháp đơn giản để giải quyết vấn đề này.

Có một thí nghiệm điều tra dựa trên phỏng vấn hè phố. Có hai nhóm, một nhóm người tham gia phỏng vấn được người phỏng vấn vừa chạm nhẹ vào vai vừa nói chuyện và một nhóm người hoàn toàn không có động tác tiếp xúc nào khi thực hiện cuộc phỏng vấn. Sau khi phỏng vấn, người phỏng vấn cố tình làm rơi phiếu điều tra xuống đường.

Kết quả là số người nhặt tờ phiếu lên ở nhóm người có tiếp xúc cơ thể cao hơn nhóm người hoàn toàn không tiếp xúc cơ thể.

Tiếp xúc cơ thể (skinship).

Điều này thường nhắc ta tới cảm giác được mẹ vuốt ve khi còn bé. Khi được vuốt ve, sẽ giúp ta có cảm giác an tâm, làm mất đi cảnh giác.

Nếu bạn bị đồng nghiệp hẫng tay trên trong công việc, bị phá nhiễu thì bạn hãy chủ động bắt tay hay chạm vai họ khi có thể. Hãy tạo ra những cơ hội có thể tiếp xúc về mặt cơ thể. Có thể có người cảm thấy “Xấu hổ lắm, không làm được” nhưng với phương pháp đơn giản này, bạn có thể làm cho đối phương cảm thấy “Có thể người này là một người tốt cũng nên” khi nghĩ về bạn và từ đó giảm bớt việc làm những hành động ngăn cản bạn.

Nếu bạn nghi ngờ “Liệu phương pháp này có hiệu quả không?” thì bạn hãy nhớ đến chuyện ngày xưa. Những người mà cãi đánh nhau với bạn, người nào càng cãi nhau dữ dội lại càng trở thành người mà bạn có thể chia sẻ và thấu hiểu bạn nhất? Có lẽ việc cãi đánh nhau nhiều khi là một thái cực tột đỉnh của việc tiếp xúc cơ thể.

Cách khiến cho những người cứng đầu phải nghe theo (Can thiệp cái tôi)

Khi ở trong một tổ chức, nhiều khi có chuyện nhân viên cao tuổi hơn sếp.

Có lẽ cũng có khá nhiều người băn khoăn với việc phải đối xử ra sao với những nhân viên cứng đầu nhiều tuổi này?

Thông thường người ta thường vừa bày tỏ sự tôn trọng vừa yêu cầu làm việc, nhưng thực ra “Hãy nhờ vả họ những việc hơi phức tạp một chút thì mọi việc sẽ trôi chảy hơn”.

Có một thử nghiệm được diễn ra tại Mỹ như sau.

Ra một cuộc thi với những câu đố khá dễ, và đề ra mức thưởng tới 50 đô la. Họ chia những người tham gia cuộc thi vào 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là nhóm mà nhà tổ chức tự đứng ra giải thích với người tham gia rằng, kinh phí dành cho nghiên cứu bị thiếu và yêu cầu những người tham gia trả lại tiền thưởng. Nhóm thứ hai là nhóm mà nhà tổ chức không trực tiếp đứng ra, họ để cho các nhân viên khác đứng ra yêu cầu trả lại tiền thưởng. Và nhóm cuối cùng, là nhóm người chỉ nhận tiền thưởng và đi về.

Sau buổi thử nghiệm này, họ tiến hành một cuộc điều tra về sự hài lòng của những người đã tham gia cộng tác về nhà tổ chức. Kết quả thu được rất thú vị.

Thông thường mà nói, nhóm nhận tiền thưởng và đi về sẽ là nhóm đáng lý ra có mức độ hài lòng nhất đối với ban tổ chức. Tuy nhiên kết quả lại là nhóm “được trực tiếp nhà tổ chức đứng ra giải thích và yêu cầu trả lại tiền thưởng” có mức độ hài lòng cao nhất. Qua điều tra này ta có thể thấy một điều hết sức thú vị, trái ngược với các lý luận kinh tế từ trước đến nay. Điều thú vị đó là dù người tham gia không được lợi, thậm chí còn bị thiệt hại nhưng họ lại có sự hài lòng cao.

Điều này xảy ra vì có sự liên quan tới trạng thái tâm lý “can thiệp cái tôi”, một trạng thái liên quan tới thời gian và mật độ suy nghĩ tới đối phương. Trong kinh doanh, việc giao công việc và nhờ vả nhân viên nhiều sẽ làm tăng sự quý mến đối với sếp, hơn là việc sếp cứ cố gắng hoàn thành mọi việc một mình.

Cách làm này lại càng phát huy tác dụng trong trường hợp nhân viên nhiều tuổi hơn sếp. Khi được sếp ít tuổi nhờ vả, họ sẽ cảm thấy “Mình là người đáng tin cậy đấy chứ” và họ sẽ rất hợp tác trong công việc, thậm chí nhiều hơn cả những gì mà trước nay họ đã làm.

Cách thân với sếp không hợp tính (Tháo bỏ định kiến)

Dù trong bất kỳ tổ chức nào thì cũng sẽ có những người sếp không hợp tính với bạn. Bạn không thể tránh khỏi việc gặp sếp hàng ngày, và điều này càng làm bạn trở nên chán nản.

Bạn cảm thấy không hợp một ai vì trong bạn thường tồn tại “định kiến” với họ. “Định kiến” là việc bạn ghi nhận một việc nào đó thành ký ức, và sẽ tác động đến bạn làm phát sinh các phản xạ có điều kiện.

Có những người mà bạn chẳng biết vì sao bạn không ưa họ, nguyên nhân có thể là bởi những việc từ rất lâu trong quá khứ. Hầu hết con người được nuôi dưỡng và hình thành các quan niệm cơ bản cho đến khi họ được 8 tuổi. Bộ mặt của những người làm bạn cảm thấy sợ hãi, hay những người đối xử với bạn một cách vô lý, hay những lời nói mang tính phủ định của bố mẹ đều trở thành những “định kiến” trong bạn.

Những điều đó cứ ăn sâu vào trong bạn một cách vô thức, khiến ngay cả khi bạn đã trưởng thành, nếu bạn gặp một ai đó có nét mặt hơi giống người ấy, hay nghe phải những lời nói giống như những lời nói kia, bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu.

Khi bạn phải trải qua những ký ức xấu gây định kiến không tốt đẹp, bạn sẽ có những cảm giác khó chịu khi phải trải qua điều này nhiều lần.

Khi có những người sếp mà bạn cảm thấy không hợp lắm, bạn hãy vứt bỏ đi những định kiến vì điều này sẽ giúp bạn xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp hơn, giúp công việc trở nên suôn sẻ hơn.

Vậy thì, ta cần làm gì?

Hãy cố gắng tiếp cận sếp nhiều như những gì mình có thể.

Hãy hỏi các thông tin riêng cuộc sống cá nhân của sếp như gia đình, vợ con hay nhà cửa.

Lý do mang lại hiệu quả cho phương pháp này là nếu bạn luôn giữ định kiến với ai, thì khi tiếp xúc với họ bạn sẽ chỉ có thể nhìn thấy vẻ bề ngoài hay chỉ thấy được cách nói chuyện mà thôi.

Khi bạn quan tâm tới cuộc sống riêng tư của họ, bạn sẽ có thể nhận ra rằng những định kiến mà bạn dành cho họ đôi khi là sai lầm.

Khi đó những định kiến sẽ dần được nới lỏng và không còn ảnh hưởng nhiều tới mối quan hệ nữa. Đây là một kỹ thuật hay được sử dụng trong Neuro Linguistic Programming (một kỹ năng giao tiếp dựa trên nền tảng của môn tâm lý học). Bạn hãy thử sử dụng nó xem.

Cách để không nịnh nọt mà vẫn điều khiển được sếp theo ý mình (Nghệ thuật giao tiếp tái phủ định)

Tôi không phủ nhận có những người rất khéo nịnh. Tuy nhiên việc những người này có hoàn toàn được sếp tin tưởng hay không lại là một điều khác.

Khi ở với những người biết cách khen nịnh, thì ta có thể cảm thấy thỏa mãn vì lúc nào cũng được tâng bốc. Tuy nhiên khi đã quen, thì sẽ cảm thấy hoài nghi “Lời nói của người này thật chẳng đáng tin…”.

Có một cách rất khôn khéo để không làm mất lòng tin của sếp mà vẫn điều khiển được sếp.

Khiêm tốn là một đức tính được coi trọng trong đạo đức. Khi được khen ngợi hay tâng bốc, hầu hết mọi người thường trả lời lại rằng “Không phải thế đâu. Không có chuyện đó đâu. Tôi còn kém lắm”. Ở châu Âu người ta thường đón nhận lời khen đó bằng cách đáp lại một cách chân tình như “Xin cảm ơn”. Thế nhưng ở châu Á chúng ta thì hầu như ít ai như vậy.

Mặc dù miệng thì từ chối như vậy, nhưng trong thâm tâm ta lại vui thầm.

Hãy thử đặt địa vị mình vào đó xem. Khi được ai đó khen ngợi, từ đáy lòng ta có cảm thấy thực sự phủ nhận điều đó không. Nếu nghĩ như vậy bạn sẽ dễ dàng lý giải được điều này.

Sếp khi được cấp dưới khen ngợi chắc chắn sẽ rất thích.

Tuy nhiên sếp sẽ phủ định những gì được khen.

Nếu tại đây ta dùng “nghệ thuật giao tiếp tái phủ định” thì chắc chắn sếp sẽ còn thích hơn gấp nhiều lần.

“Tái phủ định” nghĩa là sẽ phủ định lại một lần nữa những gì đối phương vừa trả lời phủ định.

Ví dụ bạn có thể khen sếp như “Sếp siêu quá! Sếp chỉ làm một chút mà thành tích của kỳ này của chúng ta đã tăng gấp đôi rồi”.

Khi đó sếp tất nhiên sẽ từ chối “Tôi có làm gì đâu. Đấy là do mọi người đồng tâm đồng lòng cố gắng mà nên thôi”. Dù miệng thì từ chối nhưng trong thâm tâm thì nghĩ rằng có được thành quả như hôm nay là do sự chỉ đạo giỏi của bản thân. Tới lúc này bạn có thể phủ định lại một lần nữa lời của sếp như “Sếp cứ khiêm tốn quá. Mà tính khiêm tốn ấy cũng là lý do để tụi em tin và đi theo sếp đấy!”. Nếu bạn thực hiện được điều này thì chắc hẳn sếp sẽ thực sự thích thú với những gì vừa được nhân viên khen.

Những lúc sếp đang vui vẻ thực sự như thế này mà bạn nộp các đề án thì nhiều khi các đề án này sẽ ngay lập tức được thông qua.

Nếu bạn biết dùng “tái phủ định” thì bạn có thể dễ dàng làm cho sếp vui vẻ, có thể biết được sếp đang cần điều gì. Khi bạn quen thì bạn sẽ có thể dùng nó một cách rất dễ dàng. Tuy nhiên có một chú ý là không được lạm dụng nó quá nhé.

Cách để lại ấn tượng tốt sau khi bị mắng (Lý tưởng hóa)

Theo thử nghiệm của trường đại học của bang Ohio, những cặp nam nữ sau khi gặp nhau lần đầu với những ấn tượng tốt, và không gặp nhau thường xuyên sẽ có tỷ lệ tự làm tăng những điểm đẹp trong nhau cao hơn 20% so với các cặp khác. Vì trong quá trình không gặp nhau, cả hai bên đều tự lý tưởng hóa đối phương.

Ngược lại, những cặp hẹn hò nhau ngay sau lần đầu tiên sẽ có xác suất chia tay cao hơn bình thường là 30%.

Thông qua thử nghiệm này ta có thể thấy rằng, với những người có ấn tượng đầu tiên tốt, nếu càng ít gặp thì ta càng có khuynh hướng lý tưởng hóa người đó lên.

Việc không gặp gỡ sẽ giúp cho ta có thể tự lý tưởng hóa đối phương.

Vì vậy ta không thể không dùng kỹ thuật này khi bị sếp mắng.

Nếu bạn thất bại trong chuyện gì đó và bị sếp mắng, hãy thành khẩn xin lỗi, xin lỗi một cách nhiệt tình như không còn lời nào hơn để nói. Vì sếp cũng không phải là muốn mắng bạn, nên sẽ cảm nhận được sự thành khẩn chân thành trong lời xin lỗi của bạn.

Sau đó bạn cố gắng giữ khoảng cách để không phải tiếp xúc với sếp.

Như vậy chắc hẳn trong sếp sẽ dần dần sinh ra “cảm giác tội lỗi”, trái ngược với lý tưởng hóa, tự hỏi bản thân “Liệu mình có mắng hơi quá lời không!”. Khi thời gian bạn không tiếp xúc tăng lên, sếp sẽ có khi rủ cả bạn đi uống nữa “Gần đây anh thấy chú rất cố gắng. Thế nào, hôm nay anh em mình cùng đi làm một cốc chứ hả”.

Tuy nhiên nhiều khi việc tạo ra môi trường không cần gặp sếp cũng không phải dễ. Lúc đó bạn có thể chú ý tạo khoảng cách vừa phải với sếp.

Cách khiến cho cấp dưới ít năng lực tự thân vận động (Hiệu ứng Pygmalion)

Có một thử nghiệm rất thú vị được tiến hành bởi một cơ quan giáo dục Mỹ.

Một buổi kiểm tra IQ được diễn ra tại một trường tiểu học nọ. Tuy nhiên đây chỉ là một buổi kiểm tra giả vờ, và các bài thi không được chấm điểm.

Kết quả IQ được cho một cách bất kỳ và được thông báo tới các thầy cô chủ nhiệm với lời nhắn “Những học sinh có tên trong danh sách này là những học sinh có thành tích tiến bộ”.

Theo đó các thầy giáo chủ nhiệm sẽ rất kỳ vọng vào các học sinh có tên trong danh sách, dồn hết tâm sức để dạy dỗ các em và đúng như những gì thầy giáo mong đợi, những học sinh này đã có kết quả học tập tiến bộ hơn.

Hiện tượng này được gọi là “Hiệu ứng Pygmalion”. Đây là một trong những phương pháp rất hay được các vận động viên thể thao chuyên nghiệp sử dụng.

Trong kinh doanh, có tồn tại một kiểu nhân viên “ngồi đợi lệnh từ sếp”. Những người này thực ra không phải thực sự họ muốn đợi lệnh của sếp, chẳng qua họ sợ vì mình không được đặt kỳ vọng, vì thế thà họ chọn cách ngồi và đợi lệnh của sếp để tiến hành công việc.

Nếu bạn có những nhân viên “ngồi đợi lệnh từ sếp” như vậy, thì việc bạn cần làm là hãy nói cho họ biết bạn đang kỳ vọng vào họ.

Tuy nhiên không phải việc gì cũng có thể kỳ vọng được. Bạn cần tìm ra ưu điểm của họ, và hãy kỳ vọng tới mức cao nhất vào những ưu điểm này. Ví dụ:

“Tôi muốn anh tham gia vào project mới này vì tôi thấy anh có khả năng phân tích sự việc sắc sảo. Tôi mong anh có thể phát huy thêm kỹ năng lên kế hoạch nữa.”

Nếu bạn nói như vậy, chắc hẳn nhân viên của bạn sẽ cảm thấy “Sếp tin vào năng lực phân tích của mình đấy…” và tự tin hơn, đồng thời cũng nảy sinh suy nghĩ “Nếu mình có thêm kỹ năng lập kế hoạch thì có lẽ sếp sẽ giao cho mình công việc quan trọng hơn”. Từ đó chủ động trau dồi kỹ năng lập kế hoạch cho mọi việc.

Nếu lúc nào cũng ý thức sử dụng các “câu từ mang tính kỳ vọng” thì ngay cả những nhân viên từ trước tới nay luôn chỉ ngồi đợi lệnh sếp giao cũng sẽ tự mình suy nghĩ tìm ra việc để làm.

Cách xoa dịu ngay lập tức người đang cáu giận (Tự thân đồng nhất hóa)

Không có gì khó khăn hơn việc phải xử lý với những người đang tức giận. Tuy nhiên có một cách rất đơn giản để làm dập tắt đi cơn giận dữ này.

Có một cuộc thử nghiệm tại Cơ quan Tình báo Mỹ CIA, họ thử nghiệm xem sẽ phải mất bao nhiêu thời gian để làm dịu đi cơn giận dữ của những người tham gia với rất nhiều phương pháp khác nhau.

Có 3 người tham gia vào thử nghiệm. Người thứ nhất, họ để các chuyên viên chỉ dùng lời nói để khuyên bảo dỗ dành. Người thứ hai họ để một cái gương để người tham gia có thể thấy được dung mạo đang giận dữ của mình. Người thứ ba họ dàn dựng cảnh chuyên viên còn nổi giận hơn cả người tham gia.

Kết quả là người mà cứ dùng lời lẽ để khuyên giải thì khá mất thời gian, người dùng gương thì mất vài phút còn người bị chuyên viên cáu thì ngay lập tức hết giận.

Theo như thí nghiệm này, nếu thể hiện sự cáu giận cao hơn mức người đang giận thì người đó ngay lập tức sẽ quên đi việc mình đang giận.

Đây được gọi là trạng thái tâm lý “Tự thân đồng nhất hóa”. Đó là trạng thái tâm lý làm ngộ nhận những thành quả hay năng lực mà đối phương đang có là thành quả và năng lực của bản thân. Ví dụ như mỗi khi xem xong phim “Rocky” ta lại có cảm giác tưởng như mình trở nên mạnh mẽ hơn. Còn ví dụ ở trên là ứng dụng ngược lại của “tự thân đồng nhất hóa”.

Khi nhìn thấy một người nổi cáu hơn cả bản thân, ta sẽ cảm nhận ngược lại rằng “Có lẽ mình cũng sẽ bị mọi người nhìn như thế này khi nổi giận đây” và trở nên lý tính hơn. Người thứ hai dùng gương để làm tan cơn giận cũng có chung hiệu ứng như trên. Khi có ai giận dữ ta chỉ cần cho họ thấy ta đang giận dữ hơn họ. Tuy nhiên nếu không khéo léo, nổi giận một cách nửa chừng thì có khi làm cho sự giận dữ tăng cao hơn, giống như đổ thêm dầu vào lửa vậy.

 

 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button