Review

Lá Thư Hè

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Alphonse Daudet
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 167
Ngày xuất bản 01-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Đây là những câu chuyện đươc mơ tưởng, được viết ra trong một máy xay gió già nua, tác giả đã ngông mà mua về. Trong giai phẩm con con này, người ta tìm được đặc tính, vừa của miền Nam nước Pháp, vừa của cả nước Pháp, tác phẩm vừa có tính cách địa phương, vừa đại đồng, chan chứa tình nhân loại man mác….hương đồng nội.

Nhà phê bình Lanson cho Alphonse Daudet có biệt tài trong việc miêu tả những gì lưu luyến đến thiện cảm của mình. Mà Daudet thì tất cả đều khiến cho ông lưu luyến. Ông có thiện cảm với kẻ nghèo, với thú vật, với cây cỏ, với vạn vật. Đâu đâu trong mỗi trang, mỗi hàng, ông cũng trút ra một ít lòng mình. Nhưng dù là ký ức, chuyện xưa, thần thoại hay chỉ là chỉ là những hình ảnh tầm thường rút trong kho truyện cổ của miền Nam Pháp hay xuất phát từ tâm hồn thi sĩ, điều học được hay điều nghe thấy, điều tưởng tượng, luôn luôn chúng là những điều rung cảm chân thành. “Les Lettres de mon Moulin” có giá trị nhất và trước tiên nhờ vào hình thức. Lời văn có mùi vị của rượu ngọt, của bó hoa, ngay cả thể văn cũng súc tích nhiều hình ảnh đẹp. Bây giờ “”Les Lettres de mon Moulin” là một tác phẩm cho học sinh học trong trường, ngang hàng với Fables của La Fontaine và truyện cổ của Perrault.

[taq_review]

Trích dẫn

Những Vì Sao. – Nguyên Tác: Les Étoiles.

Thời tôi chăn thú trên ngọn Luberon, tôi ở trên ấy hằng mấy tuần trọn mà chẳng thấy một ai, cô quạnh trên cánh đồng cỏ với con chó Labri và bầy dê. Thỉnh thoảng vị tu sĩ Mont de l’Ure đi ngang qua đó để tìm vài giống cấy thuốc, hoặc tôi thấy được gương mặt đen đúa của một người làm than ở Piémont nào đó, nhưng họ là những người khờ khạo, lặng lẽ vì quá cô đơn, họ đã mất cái thú chuyện trò và không biết gì về những chuyện người ta nói dưới các làng, dưới các đô thị. Vì thế mỗi nửa tháng, khi tôi nghe trên con đường dốc, tiếng chuông của con lừa ở nông trại đem đến tôi lương thực của nửa tháng, và khi tôi thấy hiện lên dần dần trên sườn đồi gương mặt vui vẻ của thằng bé ở nông trại, hay bộ tóc hung đỏ của bà dì già Norade, tôi thật lấy làm sung sướng vô cùng. Tôi bảo kể lại tôi nghe những tin tức của miền dưới ấy, những buổi lễ rửa tội, những đám cưới, nhưng điều khiến tôi chú ý hơn cả là biết xem cô con gái của chủ chúng tôi, cô Stéphanette, hiện giờ ra sao, cô là người xinh đẹp nhất trong mười dặm chung quanh.

Không làm ra vẻ chú ý lắm, tôi hỏi thăm coi nàng có thường đi chơi các cuộc lễ, các buổi họp đêm không, có thêm bọn si tình nào đến luôn không. Và với những người sẽ hỏi tôi mấy chuyện đó ăn thua gì đến tôi, một kẻ chăn dê trên núi, nghèo kém, tôi sẽ trả lời rằng tôi đã hai mươi tuổi và cái cô Stéphanette đó là những gì đẹp nhất tôi từng thấy trong đời.

Thế nhưng, một ngày Chúa nhật nọ, tôi đợi lương thực của nửa tháng mãi mà không thấy. Buổi sáng tôi tự bảo:

– Lỗi tại buổi lễ lớn rồi.

Rồi khoảng mười hai giờ trưa, trời đổ mưa to và tôi nghĩ có lẽ lừa không thể đi được vì đường sá lầy lội.

Cuối cùng khoảng ba giờ, trong sáng, núi lấp loáng ánh nước và ánh nắng, tôi nghe giữa tiếng nước điểm trên lá và tiếng suối đổ tràn đầy, có tiếng chuông lừa vui vẻ, dí dỏm như một hồi chuông dòn tan một ngày lễ Phục sinh. Nhưng không phải thằng bé ở nông trại, cũng không phải là bà dì Norade ngồi trên lưng lừa, mà là – các bạn đoán thử xem ai – cô chủ chúng tôi, các bạn ạ! Đích thân cô chủ chúng tôi ngồi ngay ngắn giữa các giỏ mây, hồng hào vì khí núi và vì cơn mát của trận mưa to.

Thằng bé đau, bà dì Norade nghỉ mát ở nhà con cái. Người đẹp Stéphanette cho tôi biết tất cả những điều đó trong lúc xuống lừa, và với nữa nàng đến trễ là vì nàng lạc mất đường. Nhưng nhìn cách ăn mặc vô cùng diêm dáng với thắt lưng hoa, cái váy sáng chói cùng đăng ten, nàng như đã lưu lại một buổi khiêu vũ nào hơn là tìm đường trong các bụi cây. Chao, con người dễ thương làm sao? Mắt tôi nhìn nàng mãi mà không chán. Thật ra tôi chưa hề thấy nàng gần như thế này. Thỉnh thoảng vào mùa đông, khi bầy thú đã xuống cánh đồng. Và buổi tối, tôi trở về nông trại để ăn, nàng thoăn thoắt đi ngang qua gian phòng, không hề ngỏ chuyện với đám tôi tớ, luôn luôn trang điểm và hơi kiêu hãnh…. Và bây giờ tôi có nàng đứng trước mặt tôi, chỉ riêng tôi thôi, làm sao đầu óc tôi không quay cuồng được.

Khi rút các thức ăn trong giỏ ra xong, Stéphanette bắt đầu tò mò nhìn quanh mình. Hơi nhấc chiếc váy đẹp ngày Chúa nhật lên sợ hỏng, nàng bước vào vòng rào, tỏ ý muốn thấy nơi tôi ngủ, cái máng cỏ rơm với da trừu, cái áo phủ đầu to của tôi móc trên vách, cây gậy, cây súng bắn đá. Tất cả những thứ ấy khiến nàng vui thích.

– Ra anh ở đây à, anh chăn dê, tội nghiệp! Lẻ loi mãi chắc anh buồn lắm. Anh làm gì? Anh nghĩ gì?

Tôi rất muốn trả lời: “ Nghĩ đến cô, cô ơi” và đó không phải là tôi nói dối, nhưng sự xao xuyến ở tôi mạnh quá, tôi không tìm được một lời. Tôi rất tin là nàng nhận thấy điều đó, và cái cô quái ác lại thích làm cho tôi thêm bối rối bằng những sự ranh mãnh của mình….

Và chính nàng lúc nói với tôi, nàng có vẻ là bà tiên Estérelle, có nụ cười xinh xắn của cái đầu ngửa ra sau, và sự hối hả ra đi của nàng khiến cuộc viếng thăm như một sự xuất hiện thần tiên.

– Chào anh chăn dê!

– Chào cô ạ!

Và rồi nàng ra đi, mang theo mấy cái giỏ không.

Khi nàng mất dạng trên các ngã đường dốc, tôi cảm thấy những hòn đá sỏi lăn dưới vó lừa, như rơi vào tim tôi từng hòn một. Tôi nghe chúng rất lâu, rất lâu; và cho đến cuối ngày, tôi đờ ra như say ngủ, không dám cử động sợ rằng giấc mơ của tôi tan đi. Buổi chiều, khi đáy đồi bắt đầu trở màu xanh đậm, và mấy con vật kêu luôn mồm, nép sát vào nhau để tiến vào vòng rào, tôi nghe có tiếng người gọi tôi dưới chiều dốc, và tôi thấy cô chủ của chúng tôi hiện ra, không tươi cười như lúc nãy mà run lập cập vì lạnh, vì sợ, vì ướt đẫm.

Hình như dưới triền đồi nàng đã gặp dòng Sorgue tràn ngập bởi trận mưa to và vì muốn cố hết sức qua sông, nàng đã suýt phải chết chìm. Điều kinh khủng là vào giờ đêm này, không nên tính chuyện trở về nông trại nữa; vì ngả đi tắt cô chủ chúng tôi không tài nào đi một mình tìm ra được, còn tôi thì không thể rời bầy thú. Ý nghĩ ngủ đêm trên núi này khiến nàng khổ tâm lắm, nhất là vì sợ người nhà lo lắng. Tôi thì tôi cố gắng nói cho nàng yên dạ:

– Tháng bảy đêm ngắn cô ạ…. Rồi cũng chỉ là một lúc khó chịu mà thôi…

Rồi tôi nhóm mau một ngọn lửa to để hơ chân nàng và chiếc áo ướt đẫm nước sông Sorgue. Kế, tôi đem sữa, pho mát sữa dê cho nàng, nhưng cô gái đáng thương không nghĩ đến chuyện sưởi, chuyện ăn và nhìn những giọt nước mắt to ngấn trong mắt nàng, cả tôi cũng đâm muốn khóc.

Trong khi ấy, đêm đã xuống hẳn. Chỉ còn trên các đỉnh núi một hạt bụi nắng, một hơi ánh sáng về phía mặt trời lặn. Tôi muốn cô chủ chúng tôi vào nghỉ trong vòng rào. Sau khi trải trên lớp rơm tươi một tấm da đẹp, mới tinh khôi, tôi chúc nàng ngủ ngon, rồi tôi đến ngồi bên ngoài trước cửa….. Thình lình tấm phên vòng rào mở ra và người đẹp Stéphanette hiện lên. Nàng không tài nào ngủ được. Mấy con vật cựa quậy khiến lớp rơm xào xạc hay kêu om trong giấc mộng. Nàng thích đến gần đống lửa hơn. Thấy thế, tôi vắt lên vai nàng một tấm da dê, khơi thêm ngọn lửa và chúng tôi ngồi cạnh bên nhau, không nói gì.

Nếu có bao giờ các bạn ngủ đêm ngoài trời, bạn tất rõ vào lúc chúng ta ngủ, cả một thế giới huyền bí dậy lên trong cô quạnh và im lặng. Rồi suối reo dòn hơn, ao hồ bừng cháy những ngọn lửa con. Tất cả linh hồn của miền núi đi lại tự do và trong không khí có những tiếng cọ sát, những tiếng tai không nghe được, không khác gì người ta nghe cành cây lớn dần, cỏ mọc lên. Ngày là đời sống của động vật nhưng đêm là đời sống của sự vật. Khi người ta không quen, điều đó làm cho sợ.

Vì thế, cô chủ chúng tôi run rẩy cả người và nép sát vào tôi mỗi khi có tiếng động nào. Có một lần, một tiếng kêu dài, buồn bã, phát xuất từ cái ao ngời sáng dưới kia, lên đến phía chúng tôi, gờn gợn âm ba. Ngay cùng lúc ấy, một ngôi sao rơi đẹp lướt trên đầu chúng tôi cùng một hướng, không khác nào tiếng rên rỉ mà chúng tôi vừa nghe, mang theo mình một tia sáng.

Stephanette khẽ hỏi tôi:

– Gì thế?

– Thưa cô, một linh hồn vào thiên đường – Và tôi làm dấu thánh giá.

Nàng cũng làm dấu theo, và ngửng đầu lên tưởng niệm thành kính trong một lúc. Rồi nàng hỏi tôi:

– Thế quả thật các anh là phù thủy, hở anh chăn dê?

– Không đâu, thưa cô. Nhưng ở đây, chúng tôi sống gần các vì sao hơn và chúng tôi biết những gì xảy ra trên ấy rành hơn những người dưới đồng bằng.

Nàng vẫn nhìn trên cao, đầu tựa vào bàn tay, mình phủ áo da trừu như một tiểu mục đồng.

– Sao lắm sao thế? Đẹp thật! Tôi chưa từng thấy nhiều như vậy. Anh có biết tên chúng không, anh chăn dê?

– Biết chứ thưa cô. Đây này, ngay trên đầu chúng ta đó là Con đường của thánh Jacques (giải Ngân hà ). Nó đi từ nước Pháp thẳng đến Tây ban Nha. Chính thánh Jacques de Galice đã vạch nó chỉ đường cho Charlemangne dũng cảm, khi ông đánh nhau với người Sarrasins. Xa hơn, ta thấy Chiếc xe linh hồn (Bắc đẩu ), có bốn cái cốt xe sáng ngời. Ba ngôi sao đi phía trước là Ba con vật và ngôi sao bé tí cạnh bên ngôi sao thứ ba là Người đánh xe. Cô có thấy chung quanh, đám mưa sao rơi xuống không? Đó là những linh hồn mà Thượng đế không muốn nhận vào Thiên đường…. Thấp xuống một chút, là Lưỡi bừa hay Ba vua (sao Orion ). Chúng tôi ấy, chúng tôi lấy làm đồng hồ. Chỉ nhìn chúng, tôi biết bây giờ đã quá nửa đêm.

– Thấp xuống chút nữa, vẫn ở phía Nam là ngôi sao Jean de Milan sáng ngời, Ngọn đuốc các hành tinh (Sirius ). Về ngôi này, các người chăn dê kể lại chuyện như sau. Hình như một đêm nọ, Jean de Milan với Ba vua và Lồng gà con (sao Rua) được mời dự lễ cưới một ngôi sao bạn họ – Lồng gà con gấp hơn – theo người ta nói ra đi trước hết và đi trên đường cao. Cô xem nó kìa trên cao, ở tận đáy vòm trời ấy. Ba vua chắn ngang ở dưới và bắt kịp nó, nhưng cái anh Jean deMilan biếng nhác vì ngủ trễ quá nên ở lại đằng sau chót và giận dữ, để ngăn bọn kia, mới ném họ cây gậy của mình. Chính vì vậy mà Ba vua còn gọi là Cây gậy của Jean de Milan. Nhưng đẹp nhất trong các vì sao, cô ạ, là ngôi sao của chúng tôi, sao Kẻ chăn dê, soi sáng chúng tôi lúc rạng đông khi chúng tôi lùa thú ra đồng và cả buổi tối khi chúng tôi xua thú về. Chúng tôi gọi nó là Maguelonne, người đẹp Maguelonne đeo đuổi theo Pierre de Provence (Saturne) và lấy nhau với anh này mỗi bảy năm.

– Ô hay! Có cả đám cưới sao à, anh chăn dê?

– Có chứ, cô.

Và đang khi tôi cố giải thích cho nàng là thế nào là đám cưới sao, tôi cảm thấy một cái gì tươi mát và mỏng manh đè nhẹ lên vai tôi. Đó là chiếc đầu nặng trĩu vì giấc ngủ, nàng đã tựa vào tôi với tiếng va chạm đáng yêu của giải lụa, của ren và của làn tóc gợn. Nàng để nguyên như vậy không lay động cho đến lúc các vì sao trên trời nhạt đi, mờ đi vì ngày sắp đến. Tôi, tôi nhìn nàng ngủ, hơi xao xuyến tận đáy lòng, nhưng được che chở một cách thiêng liêng bởi cái đêm trong sáng vẫn luôn luôn đem cho tôi những cảm nghĩ tốt đẹp. Quanh chúng tôi, các vì sao tiếp tục cuộc hành trình lặng lẽ của chúng, ngoan ngoãn như một bầy thú đông đảo. Và từng lúc, tôi hình dung ra, một trong những ngôi sao kia, đẹp nhất, sáng nhất, lạc mất đường đã đến tựa vào vai tôi để mà ngủ….

Bạn đọc cảm nhận

Thùy Dương

Đây là một câu chuyện đẹp vô cùng, về những cánh đồng, những cuộc rong chơi, về những kỉ niệm tuổi thơ ngốc xít. Thiên nhiên trong Lá thư hè khiến mình cực kì thích thú. Đẹp, lãng mạn nhưng cũng hoang sơ, dịu dàng mà mãnh liệt. Miền quê nước Pháp hiện lên với một vẻ đẹp khiến bất cứ người đọc nào tình cờ lướt qua cũng mê đắm khôn nguôi. Bên cạnh việc khắc họa một không gian xinh đẹp khoáng đạt, nội dung truyện cũng rất đỗi nhẹ nhàng, trong veo như một làn nước mát. Khiến bất cứ ai đọc qua rồi cũng sẽ phải ngẩn ngơ nghĩ về một quãng thời gian bản thân mình từng như thế.

Tường Mỹ

Tớ thích văn phong của Daudet từ trước khi biết đến quyển sách này, trong những câu chuyện ngắn nhỏ như Bí mật của bác cả Coocni bị khám phá, Con dê của Xơ ganh,… nhỏ bé, giản dị và gần gũi.

Với góc nhìn mang đầy tính nhân đạo, Daudet đã mang cả một vùng quê phiá Nam nước Pháp đẹp như tranh vẽ vào những câu chuyện bằng những dòng thơ quá đỗi yêu kiều mà chứa đầy những triết lí nhân sinh ở đời.

Nhớ mãi câu chuyện Bí mật của bác cả Coocni bị khám phá, Daudet đã viết theo này “Còn mong gì hơn thưa quí ông, trên thế gian này có điều gì là không có tận cùng… “

Nguyễn Thị Hồng Nhung

Đầu tiên bìa sách mang đến cho tôi những cảm xúc lắng đọng, hình ảnh cối xay gió, bức thư hiện lên một cách nhẹ nhàng hứa hẹn mang đến điều bất ngờ. Qủa thực vậy, quyển sách tuy không dày nhưng đưa ta đi phiêu lưu trong những trang truyện mang đậm bản sắc văn hóa nước Pháp. Điều đó khiến tôi, một người chỉ biết hướng nội mở mang thật nhiều về đất nước bạn. Những mẩu chuyện ngắn: dí dỏm; khôi hài; sâu sắc; đôi khi mang chút ảm đảm, lại có lúc khiến người đọc khó rời xa. Tất cả là những tình cảm đẹp mà chúng ta nên trân trọng, lá thư hè của cuộc đời.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button