Review

Khác Biệt Để Bứt Phá

Thể loại Kỹ Năng – Chuyên Ngành
Tác giả Jason Fried – David Heinemeier Hansson
NXB NXB Tổng hợp TP.HCM
Công ty phát hành First News – Trí Việt
Số trang 316
Ngày xuất bản 06-2016
Giá bánXem giá bán

Hầu hết các sách kinh doanh đều cho bạn cùng một lời khuyên. Đó là viết ra bản kế hoạch, nghiên cứu thị trường, tìm kiếm nhà đầu tư, vân vân và vân vân. Nếu bạn đang tìm một quyển sách như thế, tôi khuyên bạn hãy đặt cuốn sách này trở lại kệ.

Khác biệt để bứt phá chỉ cho bạn một phương thức vô cùng dễ dàng để bạn gặt hái thành công. Bạn sẽ biết vì sao mình không cần đến nguồn vốn bên ngoài và vì sao bạn nên phớt lờ sự cạnh tranh. Sự thật là bạn cần ít hơn bạn nghĩ. Bạn không cần phải làm việc cật lực, không cần phải hoang phí thời gian cho công việc giấy tờ hay họp hội. Bạn thậm chí còn không cần đến cả văn phòng nữa. Những thứ đó tất thảy đều dư thừa.

Cái bạn cần là đừng nói nữa, mà hãy bắt tay vào việc. Cuốn sách sẽ chỉ cho bạn khối điều hay ho. Bạn sẽ học cách làm việc hiệu quả hơn mà không mất quá nhiều thời gian.

Thẳng thắng, rõ ràng và dễ đọc, Khác biệt để bứt phá là cuốn sách thực tiễn tuyệt vời dành cho những ai đã và đang mơ ước đến việc tạo dựng một thứ gì đó bằng chính sức mình.

[taq_review]

Trích dẫn

Thực tế mới

Đây là một quyển sách kinh doanh khác biệt dành cho những người khác biệt, từ những người chưa bao giờ mơ đến việc mở công ty cho đến những người đã gầy dựng và điều hành doanh nghiệp của mình một cách thành công.

Quyển sách này dành cho những doanh nhân kỳ cựu, những người dám nghĩ dám làm của giới kinh doanh; những người biết mình sinh ra để đi tiên phong, lãnh đạo và chinh phục.

Quyển sách cũng dành cho những chủ doanh nghiệp nhỏ, những người xem công việc kinh doanh là niềm vui sống và những người đang tìm kiếm công cụ giúp họ tốn ít công sức hơn nhưng mang lại hiệu quả hơn.

Và quyển sách này cũng dành cho những người bị mắc kẹt trong công việc hàng ngày, những người luôn ước ao được làm việc của chính mình. Có lẽ họ thích những gì mình làm, nhưng họ không thích sếp hay đồng nghiệp; hoặc có lẽ họ quá chán ngán, muốn được làm công việc mà mình đam mê và được trả lương cho công việc đó.

Cuối cùng, quyển sách này dành cho tất cả những ai chưa từng nghĩ đến việc lập nghiệp. Có lẽ họ nghĩ mình sinh ra không phải để làm việc đó. Có lẽ họ nghĩ họ không có thời gian, tiền bạc và niềm tin để hình dung ra nó. Cũng có thể họ chỉ sợ mạo hiểm. Hoặc có lẽ họ cho rằng kinh doanh là một thế giới “bẩn”. Bất luận lý do là gì thì quyển sách này cũng vẫn dành cho họ.

Có một thực tế mới: ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể kinh doanh. Những công cụ trước đây nằm ngoài tầm tay thì giờ rất dễ có được. Công nghệ từng tiêu tốn hàng ngàn đô-la thì giờ chỉ vài đô-la hoặc thậm chí là miễn phí. Một người có thể đảm đương công việc của hai hay ba người, thậm chí, trong một vài trường hợp, còn có thể đảm đương công việc của cả phòng. Những việc bất khả hồi vài năm trước thì giờ trở nên thật đơn giản.

Bạn không cần phải đau khổ làm việc đến 60, 80, hay 100 giờ mỗi tuần để công việc diễn ra suôn sẻ và có hiệu quả. Chỉ 10 đến 40 giờ mỗi tuần đã là quá nhiều. Bạn không cần phải rút hết tiền tiết kiệm hay gồng gánh nhiều rủi ro. Bạn thậm chí chẳng cần có một văn phòng riêng. Giờ đây, bạn có thể làm việc ở nhà hoặc hợp tác với những người sống cách xa hàng ngàn dặm mà bạn chưa bao giờ gặp mặt.

Đã đến lúc thay đổi phương thức làm việc. Chúng ta hãy bắt đầu.

Phớt lờ thế giới thực

Những lúc hào hứng nói với mọi người về một ý tưởng mới, bạn thường nghe mọi người bảo: “Chẳng làm được đâu”.

Thế giới thực có vẻ là một nơi cực kỳ buồn chán. Đó là nơi mà các ý tưởng mới, phương pháp lạ và những khái niệm ngoại lai luôn thất thế. Chỉ có những gì người ta đã biết và từng làm mới được chào đón và đánh giá cao, cho dù những điều đó có thiếu sót hoặc kém hiệu quả.

Hãy nhìn sâu hơn vào vấn đề và bạn sẽ phát hiện ra các cư dân của “thế giới thực” này đầy bi quan và tuyệt vọng. Họ mong chờ những khái niệm mới sẽ thất bại. Họ cho rằng xã hội chưa sẵn sàng hoặc không có khả năng thay đổi.

Tệ hại hơn, họ muốn kéo kẻ khác cùng xuống mồ. Nếu bạn tràn trề hy vọng và đầy chí cầu tiến, họ sẽ cố thuyết phục để bạn tin rằng các ý tưởng của mình là bất khả thi. Họ sẽ bảo bạn đang lãng phí thời giờ.

Đừng tin họ. Thế giới này có thể là thật đối với họ, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải sống trong đó.

Chúng tôi biết vậy vì công ty của chúng tôi không thể đáp ứng được đòi hỏi của thế giới thực này theo bất cứ cách nào. Trong thế giới thực, bạn không thể có hơn một tá nhân viên trải rộng trên tám thành phố ở hai châu lục. Trong thế giới thực, bạn không thể thu hút hàng triệu khách hàng mà không cần bất cứ nhân viên bán hàng hay chiến dịch quảng cáo. Trong thế giới thực, bạn không thể để lộ bí quyết thành công của mình cho người khác biết. Tuy nhiên, chúng tôi đã làm tất cả những điều đó và vẫn phát đạt.

Thế giới thực không phải là một nơi chốn, mà là một lời biện hộ. Nó là một lời bào chữa để không cần phải nỗ lực vì bất cứ điều gì. Thế giới thực đó chẳng có liên quan gì đến bạn.

Đừng tung hô việc học hỏi từ sai lầm

Trong thế giới kinh doanh, thất bại đã trở thành một nghi thức bất di bất dịch. Bạn nghe ra rả bên tai cứ mười doanh nghiệp thì có đến chín là thất bại. Bạn nghe các cơ hội kinh doanh của bạn quá mong manh. Bạn nghe thất bại tạo nên nghị lực. Người ta còn khuyên bạn: “Thất bại là mẹ thành công”.

Với quá nhiều thất bại xung quanh mình, bạn không thể nào không sống cùng nó. Nhưng đừng để nó ăn sâu vào người bạn. Đừng để mình bị các số liệu thống kê đánh lừa. Người khác thất bại thì đó là thất bại của họ, không phải của bạn.

Nếu người khác không thể đưa được sản phẩm của họ ra thị trường thì nào có liên quan gì đến bạn. Nếu người khác không thể xây dựng một đội ngũ nhân viên thì cũng chẳng can hệ chi đến bạn. Nếu người khác không thể định giá đúng dịch vụ của họ thì điều đó cũng chẳng mảy may ảnh hưởng đến bạn. Nếu người khác chi tiêu vượt mức thu nhập của họ thì… xem nào, bạn biết chuyện gì sẽ xảy ra rồi chứ?

Một nhận thức sai lầm khác: bạn cần phải học hỏi từ thất bại của mình. Bạn thật sự học được gì từ thất bại? Đó là bạn có thể biết những điều không nên lặp lại, nhưng liệu điều đó có ích gì khi bạn vẫn không biết bạn nên làm gì vào lần sau?

Hãy làm ngược lại bằng cách học hỏi từ thành công của mình. Thành công cho bạn “đạn dược” thực sự. Khi thành công trong một việc nào đó, bạn biết được điều gì hiệu quả và bạn có thể tiếp tục thực hiện việc đó. Và lần sau, bạn sẽ có thể làm tốt hơn thế.

Thất bại không phải là điều kiện tiên quyết để thành công. Một nghiên cứu của Khoa Kinh tế, Đại học Harvard phát hiện ra các doanh nhân thành công có nhiều cơ hội tiếp tục thành công hơn (tỷ lệ thành công trong tương lai của họ là 34%). Còn những doanh nhân mà công ty của họ thất bại ngay từ ban đầu gần như có cùng một tỷ lệ thành công với những người mới khởi nghiệp: chỉ 23%). Như vậy, cơ hội thành công của những người thất bại ngang bằng với những ai mới bước chân vào con đường kinh doanh. Thành công mới chính là kinh nghiệm thực sự đáng giá.

Điều này có gì bất ngờ đâu. Đó chính là quy luật tự nhiên. Sự tiến hóa không nấn ná ở những thất bại trong quá khứ; nó luôn được xây dựng dựa trên những gì hiệu quả. Bạn cũng nên như thế.

Sao phải bành trướng quy mô?

Người ta hỏi bạn: “Công ty của anh lớn cỡ nào?”. Đó chỉ là một câu hỏi nhỏ trong cuộc trò chuyện thân mật, nhưng họ lại không tìm kiếm câu trả lời nhỏ. Nếu con số càng lớn, bạn càng có vẻ quyền lực, chuyên nghiệp và ấn tượng. “Ôi, tuyệt!” – Họ sẽ thốt lên thế nếu bạn có trên một trăm nhân viên. Còn không, bạn sẽ nhận được câu: “Ồ… ổn thôi”. Câu trước là một lời khen, còn câu sau chỉ vì lịch sự.

Tại sao lại như thế? Gia tăng quy mô và việc kinh doanh có liên hệ gì với nhau? Tại sao mở rộng luôn là mục tiêu? Sức lôi cuốn của doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp nhỏ là gì? Việc tìm được quy mô thích hợp và duy trì như thế thì có gì không ổn? Bạn sẽ cần một câu trả lời hay hơn, khác hơn so với “hiệu quả kinh tế quy mô lớn” đã ăn sâu vào đầu.

Liệu chúng ta có nhìn vào Harvard hay Oxford và bảo: “Nếu hai ngôi trường này mở rộng thêm nhiều chi nhánh và thuê thêm hàng ngàn giáo sư, vươn ra toàn cầu và mở trường ở khắp nơi trên thế giới… thì sẽ trở thành những ngôi trường vĩ đại”? Đương nhiên là không. Đó không phải là cách mà chúng ta đo lường giá trị của những tổ chức này. Thế thì tại sao chúng ta lại đo lường các doanh nghiệp bằng cách đó?

Có thể quy mô phù hợp cho công ty của bạn là năm người. Có thể là bốn mươi. Có thể là hai trăm. Hoặc cũng có thể chỉ cần bạn với chiếc máy tính xách tay là đủ. Đừng đưa ra giả định về quy mô doanh nghiệp của bạn. Hãy phát triển từ từ và xem cái gì là phù hợp. Việc thuê mướn nhân sự trước chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết yểu của nhiều công ty. Và hãy tránh sự phát triển bộc phát. Việc đó có thể khiến bạn bỏ qua quy mô thích hợp của mình.

Quy mô nhỏ không phải là một chiếc bàn đạp. Quy mô nhỏ là một đích đến vĩ đại trong chính bản thân nó.

Bạn có bao giờ nhận thấy trong khi các doanh nghiệp nhỏ mong muốn trở nên lớn hơn thì các doanh nghiệp lớn lại ước gì họ nhỏ và linh động hơn? Và hãy nhớ, một khi bạn đã lớn lên thì việc thu gọn lại mà không cần phải sa thải nhân viên, làm tổn hại nhuệ khí và thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh là cực kỳ khó khăn.

Bạn không cần phải lúc nào cũng nhắm đến việc mở rộng quy mô. Quy mô ở đây không chỉ là số lượng nhân viên mà còn là chi phí, tiền thuê trụ sở, hạ tầng công nghệ thông tin, nội thất… Việc mở rộng quy mô không tự nhiên xảy đến với bạn. Bạn chính là người quyết định. Nếu bạn muốn, tức là bạn chấp nhận thêm những chuyện gây đau đầu. Bạn sẽ gánh lấy nhiều chi phí và ép mình phải gầy dựng một doanh nghiệp cồng kềnh, một doanh nghiệp mà việc điều hành sẽ khiến bạn khó khăn và căng thẳng hơn rất nhiều.

Đừng cảm thấy bất an khi điều hành một doanh nghiệp nhỏ. Bất kỳ ai điều hành một doanh nghiệp có thể đứng vững và có thể sinh lợi thì dù nó nhỏ hay lớn, người tạo ra nó cũng nên lấy làm tự hào.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button