Review

Ghét Thân Thương Yêu Cưới

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Alice Munro
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang 620
Ngày xuất bản 03-2016
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Mỗi khi nhấc một tập truyện mới của Alice Munro lên, người ta luôn biết điều gì đang chờ đợi mình. Vẫn những thị trấn nhỏ và những thành phố mới ở Ontario và British Columbia. Vẫn những người trẻ đầy gai góc và mâu thuẫn. Vẫn những người già đối mặt với cái chết và mối tình muộn. Vẫn giọng kể thấu suốt sắc lạnh của một người quan sát tỉ mỉ tinh tường. Ấy thế nhưng, dường như mỗi trang lại mang đến một loạt những điều ta không hề lường trước: hành động bất ngờ, cảm xúc bất ngờ, ngôn ngữ bất ngờ, chi tiết bất ngờ. Và cốt truyện thì luôn quá tinh vi phức tạp để có thể tóm tắt lại.

Hãy đọc chín truyện ngắn trong Ghét thân thương yêu cưới. Đó là cách duy nhất để thật sự hiểu những điều kỳ diệu mà bậc phù thủy tâm lý và ngôn từ Alice Munro tạo tác nên.

“Mỗi câu chuyện trong chín truyện ngắn đều vừa thấm thía, vừa gay gắt, vừa hài hước, vừa u hoài, vừa mỉa mai, vừa kịch tính.”

(Library Journal)

[taq_review]

Trích dẫn

Cô Alfrida không đến dự lễ tang cha tôi. Tôi tự hỏi có phải vì cô không muốn gặp tôi. Theo tôi biết, cô chưa bao giờ công khai nói cô ác cảm gì với tôi; cũng chẳng ai khác biết gì về chuyện đó. Nhưng cha tôi thì biết. Khi tôi về nhà thăm ông và được biết cô Alfrida sống gần đó – thực ra là ngay trong nhà bà tôi mà cuối cùng cô lại được thừa kế – tôi đề xuất hai cha con đi thăm cô. Đó là giai đoạn xáo động giữa hai cuộc hôn nhân của tôi, lúc tôi đang trong tâm trạng cởi mở, vừa mới được giải thoát và có khả năng giao tiếp với bất kỳ ai tôi chọn.
Cha tôi nói, “Ờ, con biết đấy, cô Alfrida hơi bực bội.”
Bây giờ ông gọi cô là Alfrida. Từ khi nào vậy?
Ban đầu tôi thậm chí còn không thể nghĩ là cô Alfrida có thể bực bội chuyện gì. Cha phải nhắc tôi đến cái truyện tôi viết, được đăng cách đó vài năm, còn tôi thì ngạc nhiên, thậm chí sốt ruột và hơi giận dữ khi nghĩ rằng Alfrida phản đối một việc dường như giờ không còn mấy liên quan đến cô nữa.
“Hoàn toàn không phải cô Alfrida đâu,” tôi nói với cha tôi, “Con đã thay đổi câu chuyện, con thậm chí chẳng nghĩ đến cô ấy. Đó là một nhân vật thôi. Ai cũng thấy được điều đó.”
Nhưng thực tế là vẫn có chuyện đèn nổ, bà mẹ quấn vải chết chóc, đứa trẻ mồ côi kiên định.
“Hừm,” cha tôi nói. Nói chung ông khá hài lòng về việc tôi trở thành nhà văn, nhưng ông không tán thành cho lắm với cái được gọi là nhân vật của tôi. Cũng như với việc tôi bỏ chồng vì lý do cá nhân – nói đúng ra là lý do bừa bãi – và cách tôi bào chữa cho mình khắp nơi – hay có lẽ, theo cách nói của ông, tháo lui khỏi mọi chuyện. Dù ông không nói ra – đó không còn là việc của ông nữa.
Tôi hỏi làm sao ông lại biết cô Alfrida cảm nhận như thế.
Ông đáp, “Một lá thư.”
Một lá thư, dù họ sống không xa nhau. Tôi thấy buồn khi nghĩ đến việc ông đã phải chịu mũi dùi bởi cái điều có thể coi là sự khinh suất, hay thậm chí việc làm sai trái của tôi. Tôi cũng buồn vì dường như bây giờ ông và cô Alfrida chỉ giữ quan hệ khách khí. Tôi tự hỏi ông đang bỏ lỡ điều gì. Có phải ông đã cảm thấy ông buộc phải bảo vệ tôi trước cô Alfrida, cũng như ông phải bảo vệ những gì tôi viết trước người khác? Giờ ông cũng sẽ làm vậy, dù việc này không dễ với ông. Khi làm cái việc bảo vệ không mấy dễ chịu ấy, có lẽ ông đã nói gì đó gay gắt. Vì tôi, những khó khăn kỳ dị càng chồng chất lên ông.
Có một mối nguy hại xuất hiện mỗi khi tôi về quê. Đó là mối nguy hại của việc nhìn đời mình qua mắt người khác chứ không phải mắt chính tôi. Nhìn đời mình như một cuốn sách cứ kéo dài ra mãi, như cuộn dây thép gai rối rắm, gây hoang mang, gây khó chịu – bị đặt đối chọi với những sản phẩm phong phú, thức ăn, hoa hoét, quần áo đan dệt trong đời sống gia đình của các phụ nữ khác. Lúc ấy, thật khó mà nói rằng chuyện về quê này đáng để nhọc công. Có lẽ là đáng để tôi nhọc công thật, nhưng còn người khác thì sao?
Cha tôi kể cô Alfrida bây giờ sống một mình. Tôi hỏi chú Bill thì thế nào. Ông nói toàn bộ chuyện ấy nằm ngoài quyền phán xét của ông. Nhưng ông tin là đã có chút phi vụ giải thoát.
“Giải thoát chú Bill á? Sao lại thế? Ai giải thoát?”

“Ờ, bố tin là có một bà vợ.”
“Con gặp chú ấy ở nhà cô Alfrida một lần. Con thích chú ấy.”
“Người ta vẫn thích hắn. Phụ nữ ấy mà.”
Tôi phải coi như sự tuyệt giao đó có lẽ không liên quan gì đến tôi. Mẹ kế của tôi đã thúc giục cha tôi sống kiểu mới. Họ đi chơi bowling và đánh bi đá trên tuyết, và thường xuyên gặp gỡ các cặp khác để uống cà phê hay ăn bánh rán vòng ở hiệu Tim Horton. Bà sống đời góa bụa một thời gian dài trước khi lấy ông, thời đó bà có nhiều bạn bè và họ trở thành bạn mới của ông. Chuyện xảy ra giữa ông và cô Alfrida có lẽ đơn thuần chỉ là một trong những thay đổi đó, những mối gắn bó cũ cứ sờn mòn đi, một điều tôi hiểu rõ qua chính đời mình nhưng không tưởng tượng nổi lại có thể xảy đến với cuộc sống của những người lớn tuổi hơn – nhất là, như tôi hẳn sẽ nói, cuộc sống những người quê tôi.
Mẹ kế của tôi qua đời không lâu trước cha tôi. Sau cuộc hôn nhân ngắn ngủi hạnh phúc của họ, hai người được gửi đến hai nghĩa trang khác nhau để nằm cạnh người bạn đời đến sớm hơn nhưng rầy rà hơn. Trước khi hai người qua đời, cô Alfrida quay lại sống ở thành phố. Cô không bán nhà đi, cô chỉ bỏ đi và để nó đó. Cha tôi viết cho tôi, “Thật là một kiểu xử lý khôi hài.”
Đông người đến dự lễ tang cha tôi, nhiều người tôi không quen. Một phụ nữ bước qua bãi cỏ trong nghĩa trang đến nói với tôi ban đầu tôi nghĩ đó hẳn là bạn của mẹ kế. Rồi tôi nhận ra người này chỉ hơn tôi vài tuổi. Dáng bè bè chắc nịch, vòng tóc màu vàng tro uốn xoăn cùng áo vét in hoa khiến chị ta trông có vẻ già hơn.
“Tôi nhận ra chị qua ảnh,” chị ta nói. “Bà Alfrida từng luôn khoe khoang về chị.”
Tôi nói, “Cô Alfrida chưa chết sao?”
“Ồ, chưa,” người kia đáp, và kể tiếp cho tôi rằng cô Alfrida đang ở một nhà dưỡng lão tại một thị trấn ngay phía Bắc Toronto.
“Tôi chuyển bà xuống đó để tiện thăm nom.”
Giờ thì dễ dàng nhận ra – cả qua giọng nói – chị ta cùng thế hệ với tôi, và tôi chợt nghĩ chắc hẳn chị ta, người trong cái gia đình kia của cô Alfrida, em cùng cha khác mẹ với cô, ra đời khi cô Alfrida gần như đã lớn.
Chị ta xưng tên họ với tôi, và dĩ nhiên đó không phải và họ của cô Alfrida – hẳn chị ta đã lập gia đình. Mà tôi lại chẳng nhớ nổi có khi nào cô Alfrida nhắc đến các em cùng cha khác mẹ bằng tên hay không.
Tôi hỏi cô Alfrida dạo này thế nào, người phụ nữ nói thị lực của cô kém đến nỗi cô chính thức bị mù. Và cô có vấn đề nghiêm trọng về thận, có nghĩa là cô phải đi lọc thận hai lần một tuần.
“Còn ngoài chuyện đó ra ấy à…?” chị ta hỏi và cười lớn. Tôi nghĩ, ừ, một người em gái, bởi vì tôi nghe ra cái gì đó rất Alfrida trong giọng cười phá lên bạt mạng đó.
“Vì thế bà đi lại không được dễ lắm,” chị ta nói. “Nếu không tôi đã đưa bà đến. Bà vẫn nhận báo từ đây và thỉnh thoảng tôi đọc cho bà nghe. Chính qua đó mà tôi biết tin cha chị.”

Tôi bốc đồng tự hỏi lên thành lời, rằng liệu tôi có nên đi thăm cô ở nhà dưỡng lão không. Những nỗi xúc động ở lễ tang – mọi cảm xúc ấm áp, lắng dịu và hòa giải mở ra trong tôi sau cái chết ở một tuổi hợp lý của cha – đã gợi ra đề xuất này. Sẽ khó mà thực hiện được. Chồng tôi – người chồng thứ hai của tôi – và tôi chỉ có hai ngày ở đây, trước khi bay sang châu Âu cho kỳ nghỉ đã bị trì hoãn.

“Chẳng biết chị có thăm hỏi được gì nhiều không nữa,” người phụ nữ nói. “Có ngày thì bà bình thường. Rồi lại có ngày không bình thường. Ta chẳng bao giờ biết được. Đôi khi tôi nghĩ là bà đang giả vờ. Chẳng hạn như, bà sẽ ngồi đó cả ngày và bất kể người ta nói gì với bà, bà sẽ chỉ nói mãi một thứ. ‘Khỏe như vâm và sẵn sàng yêu đương’[9]. Cả ngày bà chỉ nói câu đó. Khỏe như vâm và sẵn sàng yêu đương. Bà sẽ làm chị phát điên lên mất. Rồi lại có hôm bà trả lời bình thường được.”
Một lần nữa, giọng nói và giọng cười – lần này nửa ẩn nửa hiện – làm tôi nhớ đến cô Alfrida, thế là tôi bèn nói, chị biết không, tôi chắc chắn đã gặp chị, tôi nhớ một lần mẹ kế của cô Alfrida và cha cô ấy đến chơi, hay có lẽ là khi cha cô ấy cùng vài đứa trẻ…”
“Ồ, tôi không phải người ấy,” người phụ nữ nói. “Chị nghĩ tôi là em gái Alfrida sao? Thật hết ý! Tôi chắc là trông đúng tuổi chứ nhỉ.”
Tôi bắt đầu nói rằng tôi không nhìn chị ta được rõ lắm, mà đúng là thế thật. Vào tháng mười, mặt trời buổi chiều đã xuống thấp và đang chiếu thẳng vào mắt tôi. Người phụ nữ đứng ngược sáng, nên khó mà nhìn ra đường nét và vẻ mặt chị ta.
Chị ta so vai vẻ bồn chồn và nghiêm trọng. Chị ta nói, “Alfrida là mẹ ruột của tôi.”
Ôi. Mẹ ơi.
Rồi chị ta kể cho tôi, không dài dòng lắm, câu chuyện mà chắc chị ta phải kể thường xuyên, vì đó là sự kiện quan trọng của đời chị, là cuộc phiêu lưu chị phải cô độc dấn thân vào. Chị ta được một gia đình ở miền Đông Ontario nhận làm con nuôi; họ là gia đình duy nhất chị từng biết đến (“và tôi yêu họ tha thiết”), chị ta đã lập gia đình và có con, con cái chị đã trưởng thành trước khi chị cảm thấy niềm thôi thúc muốn tìm ra mẹ ruột của mình. Việc này không dễ lắm, vì cách lưu giữ hồ sơ trước đây, và cả vì vụ giữ bí mật (“Việc bà sinh tôi đã được giữ bí mật trăm phần trăm”), nhưng cách đây vài năm chị ta đã lần ra cô Alfrida.
“Cũng đúng lúc nữa,” chị ta nói. “Ý tôi là đúng lúc ai đó phải đến chăm sóc bà. Tôi làm hết sức mình có thể.”
Tôi nói, “Tôi không hề biết gì.”
“Ừ. Ngày ấy tôi không cho là nhiều người biết. Khi mình bắt đầu tìm kiếm, người ta cảnh báo rằng mình mà xuất hiện thì có khi sẽ gây sốc. Người già mà, đó vẫn là một cú nặng đô đấy. Nhưng mà. Tôi không cho là bà thấy phiền lắm. Trước đó thì có lẽ bà sẽ thấy phiền?”
Ở chị ta toát ra một vẻ đắc thắng nào đó, cũng không khó hiểu. Nếu ta có một câu chuyện mà kể ra có thể làm người khác choáng váng, rồi ta nói ra, và đúng là người ta choáng thật, thì hẳn phải có một khoảnh khắc êm dịu của quyền lực. Trong trường hợp này, khoảnh khắc đó trọn vẹn đến độ chị ta cảm thấy phải xin lỗi.
“Xin lỗi chị, tôi cứ nói về bản thân mà chưa bày tỏ nỗi buồn thương cha chị.” Tôi cảm ơn chị ta.
“Chị biết không, bà Alfrida kể cho tôi rằng một hôm cha chị và bà đang đi học về, đó là khi họ học cấp ba. Họ không thể đi cùng nhau hết đường vì, chị biết đấy, thời đó, con trai và con gái, họ có thể bị trêu chọc chuyện gì đó kinh khủng. Vì thế nếu cha chị tan học trước ông sẽ đợi chỗ con đường về nhà rẽ khỏi đường chính, bên ngoài thị trấn, và nếu bà ra trước thì bà cũng làm như vậy, đợi ông. Và một hôm đang đi cùng nhau, họ nghe thấy chuông rung khắp nơi và chị biết chuyện gì không, Thế chiến Thứ nhất đã kết thúc.”

Bạn đọc cảm nhận

Mình biết Alice Munro qua tác phẩm “Trốn chạy” và ấn tượng với giọng văn của bà từ đó nên khi thấy tiki có “Ghét, thân, thương, yêu, cưới” mình đã đặt hàng ngay. Bìa sách gây ấn tượng mạnh, đơn giản mà ý nghĩa. Nội dung của 9 truyện ngắn vẫn là những câu chuyện đời thường của những con người từng trải, vẫn là giọng văn trầm lặng mà sâu sắc chạm đến trái tim người đọc. Những câu chuyện ấy làm cho ta buồn, lại khiến ta mỉm cười và phải suy nghĩ rất lâu sau khi đọc xong. Qủa nhiên, Alice Munro vẫn luôn là Alice Munro.

Luong Van

Cuốn hút bởi bìa sách đơn giản và dễ thương.

Nội dung sách là những câu chuyện nhỏ những mảnh ghép cuộc đời về tình yêu, về cảm xúc của mỗi con người trước lựa chọn “ván bài” cuộc đời. Không hoa mỹ hay đặc tả số phận của mỗi con người trong mỗi câu chuyện, nhưng khi đọc và ngẫm nghĩ mới thấy tính cách nhân vật khá nổi bật và riêng biệt.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button