Review

Những Kẻ Xuất Chúng

Thể loại Chuyên Ngành
Tác giả Malcolm Gladwell
NXB NXB Thế Giới
Công ty phát hành Alphabooks
Số trang 359
Ngày xuất bản 12-2015
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Những Kẻ Xuất Chúng đưa đến cách lý giải hoàn toàn mới lạ nhưng thuyết phục về thành công. Đồng thời nó cũng trả lời cho câu hỏi tại sao có những người thành công nhưng người khác lại không?

Malcolm Gladwell là tác giả, học giả nghiên cứu xã hội và tâm lý. Ông còn là một trong 25 diễn giả được trả tiền cao nhất thế giới và được tạp chí Time bình chọn vào danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2005. Có thể sách của Gladwell xuất bản không nhiều nhưng những cuốn sách của ông mỗi một lần đưa ra đều cho người đọc cái nhìn hoàn toàn mới, bất ngờ với những xảy ra và gần gũi với cuộc sống.

Đến nay, Malcolm Gladwell đã xuất bản được 4 cuốn sách là Điểm Bùng Phát, Trong Chớp Mắt, Những Kẻ Xuất Chúng và Chú Chó Nhìn Thấy Gì. Mỗi cuốn đều có những cách lý giải vô cùng đặc sắc nhưng nếu nói đến cách lý giải về thành công, nhất định phải kể đến Những Kẻ Xuất Chúng (Outliers).

Như đã nói, những Kẻ Xuất Chúng là cuốn sách nói về thành công. Nhưng nó không dạy người đọc làm cách nào để thành công, không khuyên người đọc phải vững tin, phải đặt mục tiêu, phải chọn lựa giữa giàu và nghèo… nhưng mang đến cho người đọc cái nhìn mới hơn, tầm cao hơn với những gì đã biết về thành công trước đó. Bên cạnh đó, sách còn đưa ra những lập luận trả lời cho các câu hỏi, các hiện tượng xã hội người ta vẫn thấy hằng ngày nhưng chưa đủ sức hiểu tường tận.

Tại sao những người thành công thường sinh ra vào những tháng đầu năm? Gladwell đã nghiên cứu một loạt những danh sách các cầu thủ thành danh và phát hiện những người thành công nhất thường sinh vào những tháng đầu năm. Ông đặt tên cho nó là hiệu ứng Matthew. Vậy việc sinh ra đầu năm, với các yếu tố thuộc về tự nhiên đó đã tác động và ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của một đứa trẻ như thế nào?

Quy tắc 10.000 có phải ứng dụng cho tất cả mọi người? Người phát hiện ra quy tắc 10.000 giờ là Anders Ericsson nhưng Gladwell đã mang đến một cái nhìn thực tế và toàn diện hơn qua các ví dụ. Đó là Bill Gates, là nhóm nhạc The Beatles, là Bill Joy. Họ đã bỏ khoảng thời gian xấp xỉ 10.000 giờ để rèn luyện kĩ năng và đứng đầu ngành nghề mình chọn. Nhưng vẫn chưa đủ, họ còn phải may mắn sinh ra vào đúng độ tuổi nhất định, không quá già cũng không quá trẻ mà đủ khả năng để đảm nhiệm kiến thức vào lúc đó.

Một số yếu tố khác có thể không thuyết phục hay “đè bẹp” được kết quả 10.000 giờ nhưng chắc hẳn góp phần đưa kết quả ấy trở nên “chắc chắn thành hiện thực”. Như Bill Gates ngoài 10.000 giờ bỏ ra thì ông còn được lợi thế từ việc sinh ra đúng thời điểm, đúng gia đình có điều kiện, học đúng trường, và cả quyết định đúng của riêng bản thân ông.

Gladwell còn cho ta thấy, tại sao có những người có IQ cao hơn cả Einstein nhưng lại chỉ làm công việc ở trang trại mà thôi? Điển hình là Chris Langan, người được mệnh danh là thông minh nhất nước Mỹ với chỉ số IQ là 195. Từ nhỏ Langan được xem là thần đồng khi 6 tháng đã biết nói và biết đọc năm 3 tuổi. Ông bỏ học trường đại học Montana vì ở đó, ông thậm chí có thể dạy lại những giáo sư. Nhưng cuộc đời ông không thành công và chỉ làm chủ một trang trại ngựa ở nông thôn. Vậy có phải những người quá thông minh sẽ không thể vươn tới thành công hay thành công không phụ thuộc vào thông minh?

Ông còn đưa ra những lý lẽ cực kỳ thuyết phục về việc bạn có lợi hay bất lợi thế nào nếu sinh ra trong một thời điểm khác, ở một dân tộc khác. Người đọc sẽ hiểu tại sao sinh ra là dân tộc Do Thái có lợi hơn tất cả. Tại sao người châu Á lại giỏi toán hơn rất nhiều so với người châu Âu nhưng số lượng các nhà khoa học, phát minh sáng chế thì ngược lại. Ông còn đưa ra lý lẽ đáng kinh ngạc là tổ tiên xa xưa của chúng ta đều có ảnh hưởng nhất định đến thành công của một người qua những tập tục, những văn hóa truyền thống…

Và nguyên nhân của một chiếc máy bay rơi có thể giải thích bằng kiến thức xã hội học được không? Câu trả lời là có, Gladwell có thể làm bạn sững sờ vì kết luận của ông. Đó là vụ tai nạn máy bay không đơn thuần là những trục trặc kĩ thuật nhưng đôi khi lại xuất phát từ chính khác biệt trong văn hóa ứng xử.

Những Kẻ Xuất Chúng thật sự mang lại cho bạn cái nhìn rộng hơn, bất ngờ hơn về những người thành công trong cuộc sống. Đồng thời lập luận trong sách cũng lý giải những vấn đề mà có thể bạn thắc mắc bấy lâu nay hay có kế hoach tự rèn luyện, điều chỉnh và phát huy những thế mạnh của bản thân.

Cuốn sách cũng từng vấp phải những tranh cãi không nhỏ. Một số người cho rằng kết quả nghiên cứu của Gladwell có phần phiến diện, sử dụng cách biện luận nói một cá nhân mà đánh đồng một tập thể, biện luận dối lừa với người đọc… Dù thế nào thì cuốn sách cũng gây ấn tượng cho người đọc và nên là tài liệu tham khảo với những ai muốn hiểu bản thân để vững bước hơn trên con đường đi tìm thành công của riêng mình.

[taq_review]

Trích đoạn

Chương I. Hiệu ứng Matthew

VÌ PHÀM AI ĐÃ CÓ, THÌ ĐƯỢC CHO THÊM VÀ SẼ CÓ DƯ THỪA; CÒN AI KHÔNG CÓ, THÌ NGAY CÁI ĐANG CÓ, CŨNG SẼ BỊ LẤY ĐI.

Matthew 25:29

1.

Vào một ngày mùa xuân ấm áp tháng Năm năm 2007, hai đội Medicine Hat Tigers và Vancouver Giants chạm trán nhau trong giải vô địch khúc côn cầu Memorial Cup ở Vancouver, bang British Columbia, Canada. Tigers và Giants là hai đội xuất sắc nhất Giải ngoại hạng khúc côn cầu Canada, cũng chính là giải vô địch khúc côn cầu trẻ chất lượng nhất thế giới. Đây đều là những ngôi sao tương lai của môn thể thao − những tuyển thủ mười bảy, mười tám và mười chín tuổi, những người đã trượt băng và đánh bóng từ hồi họ mới chỉ là các cậu bé vừa chập chững biết đi.

Trận đấu được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Canada. Ngược xuôi trên những con đường khu trung tâm buôn bán của Vancouver, các băng rôn về Memorial Cup treo phấp phới ở các trụ đèn. Sân vận động chật cứng người. Một dải thảm đỏ trải dài trên mặt băng và xướng ngôn viên giới thiệu những vị tai to mặt lớn dự khán trận đấu. Đầu tiên là Thủ hiến bang British Columbia − ngài Gordon Campbell. Tiếp đó, giữa những tràng pháo tay náo động, Gordie Howe − một trong những huyền thoại của môn thể thao này bước ra. “Thưa các quý bà và quý ông,” xướng ngôn viên hô lớn. “Đây là Ngài Hookey!”

Trong sáu mươi phút tiếp sau, cả hai đội đã cống hiến một trận khúc côn cầu hừng hực khí thế và giằng co quyết liệt. Vancouver ăn bàn trước, ngay đầu hiệp hai, trong một cú bật bóng của Mario Bliznak. Đến cuối hiệp hai, tới lượt Medicine Hat ghi điểm, khi tay săn bàn hàng đầu Darren Helm châm ngòi một cú đánh nhanh vượt qua thủ thành Vancouver − Tyson Sexsmith. Vancouver đáp trả vào hiệp ba, ghi được bàn thắng quyết định của trận đấu và rồi, khi Medicine Hat để mặc thủ thành của mình chống đỡ tuyệt vọng, Vancouver đã ghi bàn lần thứ ba.

Sau trận đấu, các tuyển thủ và gia đình của họ cũng như phóng viên thể thao trên khắp Canada len lỏi chen chúc vào phòng thay đồ của đội thắng trận. Bầu không khí nồng nặc khói thuốc lá, hơi sâm-panh và trang phục đấu khúc côn cầu ướt đẫm mồ hôi. Trên tường treo một dải băng rôn vẽ tay: “Nắm chắc cuộc chơi.” Ở chính giữa căn phòng, huấn luyện viên đội Giants, ông Don Hay tỏ ra đầy xúc động. “Tôi quá tự hào về những chàng trai này,” ông nói. “Cứ nhìn quanh phòng thay đồ mà xem. Tất cả bọn họ đều dốc toàn tâm toàn ý vào trận đấu.”

Môn khúc côn cầu ở Canada đúng là một hệ thống tuyển lựa nhân tài. Hàng nghìn cậu bé Canada bắt đầu chơi môn thể thao này ở cấp độ “học nghề” thậm chí còn trước khi chúng đi nhà trẻ. Từ thời điểm đó trở đi, đã có đủ các giải vô địch cho mọi lứa tuổi, và ở mỗi cấp độ như thế, các tuyển thủ lại được sàng lọc, phân loại, đánh giá và kết quả là những tay chơi tài năng nhất sẽ được tách riêng và chuẩn bị cho cấp độ tiếp theo. Khi các tuyển thủ này bước vào độ tuổi từ 13 đến 19, những người xuất sắc nhất trong số này lại được thi thố trong một giải đấu danh giá có tên là Major Junior A, chính là đỉnh của kim tự tháp. Và nếu đội bóng Major Junior A của bạn được chơi ở Memorial Cup, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang ở đỉnh chóp của kim tự tháp.

Đây chính là con đường chọn lựa những ngôi sao tương lai ở hầu hết các môn thể thao. Đây là cách thức chọn lựa của môn bóng đá ở châu Âu và Nam Mỹ, cũng là cách các vận động viên Olympic được tuyển lựa. Cách thức này, cũng không nhiều khác biệt lắm so với cách mà nghệ thuật âm nhạc cổ điển lựa chọn những nghệ sĩ bậc thầy trong tương lai, nghệ thuật vũ ba lê tuyển chọn những nghệ sĩ múa tương lai, hay các hệ thống giáo dục tinh hoa lựa chọn ra các nhà khoa học và trí thức kế tiếp của mình.

Bạn không thể nào mua tấm vé tham dự giải khúc côn cầu Major Junior A. Bất kể cha mẹ bạn là ai, ông bạn ghê gớm ra sao, hay gia đình bạn làm ngành nghề gì. Cũng chẳng hề hấn gì nếu như bạn sống ở tận ngõ ngách hẻo lánh nào đó của một tỉnh cực nam Canada. Nếu bạn có tài năng, mạng lưới rộng lớn những người chiêu mộ và phát hiện tài năng khúc côn cầu cũng sẽ tìm đến bạn, và nếu bạn tự nguyện chấp nhận phát triển năng lực ấy, hệ thống sẽ tưởng thưởng cho bạn. Thành công trong môn khúc côn cầu được dựa trên công trạng cá nhân − và cả hai từ đó đều quan trọng như nhau. Các tuyển thủ được đánh giá thông qua những màn trình diễn của riêng họ, không phải của ai khác, và dựa vào nền tảng tài năng của họ, chứ không phải căn cứ vào những lập luận cứng nhắc nào đó.

Liệu có phải như vậy?

2.

Đây là một cuốn sách nói về những kẻ xuất chúng, về những con người làm được những việc vượt ra khỏi chuẩn mực thông thường. Theo diễn tiến của những chương tiếp sau, tôi sẽ lần lượt giới thiệu đến các bạn các dạng “ngoại hạng”: thiên tài khoa học, tài phiệt kinh doanh, ngôi sao ca nhạc, các lập trình viên phần mềm. Chúng ta sẽ hé lộ bí mật của những luật sư danh tiếng, tìm hiểu xem điều gì khác biệt giữa những phi công cừ nhất với những người làm nổ máy bay, và thử phát hiện xem tại sao người châu Á lại giỏi Toán đến vậy. Trong khi khảo sát cuộc sống của những người nổi bật ngay giữa chúng ta − những người tài khéo, giỏi giang, tiên phong − tôi sẽ khẳng định rằng có những sai lầm sâu sắc trong cách chúng ta nhìn nhận về thành công.

Câu hỏi chúng ta vẫn thường đặt ra khi nói về những người thành công là gì? Chúng ta muốn xem họ ra sao − họ sở hữu tính cách như thế nào, họ thông minh đến cỡ nào, phong cách của họ có gì đặc biệt, hay họ vốn sinh ra với thứ tài năng thiên bẩm nào. Và chúng ta một mực cho rằng chính những phẩm chất cá nhân đó đủ để giải thích cách một người đạt tới đỉnh cao.

Trong những cuốn tự truyện được các tỉ phú, doanh nhân, ngôi sao ca nhạc hay những người nổi tiếng xuất bản nhan nhản hàng năm, câu chuyện lúc nào cũng y nguyên một kiểu: người hùng của chúng ta được sinh ra trong những hoàn cảnh gieo neo, nhờ những nỗ lực bền bỉ và tài năng mà đã tìm được con đường đi đến sự vĩ đại. Trong Kinh thánh, Joseph vốn bị những người anh em đuổi đi và bán làm nô lệ, sau đó vươn lên để trở thành cánh tay phải của pharaoh là nhờ vào trí thông minh và tư duy xuất sắc của mình. Trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng hồi thế kỉ XIX của Horatio Alger , những chàng trai trẻ sinh ra trong cảnh bần hàn vươn lên trở thành giàu có nhờ vào sự kết hợp giữa lòng gan dạ quả cảm cộng với óc sáng tạo. “Tôi nghĩ xét cho cùng đó là điều bất lợi,” Jeb Bush có lần đã bày tỏ về việc là con trai của một Tổng thống Mỹ, em trai của một đời Tổng thống Mỹ khác đồng thời là cháu của một thương gia ngân hàng Phố Wall kiêm nghị sĩ Hoa Kỳ có ảnh hưởng ra sao tới sự nghiệp của riêng ông. Khi ông tranh cử chức thống đốc bang Florida, ông nhấn đi nhấn lại về bản thân mình như một “người tự lập,” và đó cũng là một thước đo thể hiện rằng chúng ta gắn chặt thành công với những nỗ lực của cá nhân sâu sắc tới mức chẳng mấy người còn để mắt tới lối diễn đạt đó nữa.

Nhiều năm về trước, trong buổi ra mắt tượng đài người anh hùng vĩ đại của nền độc lập Hoa Kỳ − Benjamin Franklin , Robert Winthrop nói với đám đông công chúng: “Hãy ngẩng đầu, hướng mắt vào hình ảnh của một người vươn lên từ tay trắng, không được thừa hưởng chút nào từ dòng dõi gia đình hay các mối bảo trợ, người không được hưởng thụ những lợi ích từ giáo dục ban đầu vốn chẳng rộng mở − lại hàng trăm lần rộng mở − với tất cả các bạn, người đã đảm nhận những công việc con đòi người ở bậc nhất tại những nơi ông làm, nhưng đã sống một cuộc đời vinh quang và chết đi nhưng danh tiếng của ông cả thế giới sẽ chẳng bao giờ quên lãng.”

Trong cuốn Những kẻ xuất chúng, tôi muốn thuyết phục các bạn rằng những kiểu giải thích mang tính cá nhân về thành công như thế không có tác dụng gì. Con người ta không vươn lên từ chỗ hoàn toàn trắng trơn. Chúng ta vẫn thừa hưởng ít nhiều gì đó từ dòng dõi gia đình hoặc sự bảo trợ. Những người thành công trông có vẻ tự thân làm lụng mọi điều. Nhưng trên thực tế, họ vẫn luôn là kẻ thụ hưởng những lợi thế ẩn giấu và những cơ may phi thường cũng như những di sản văn hóa cho phép họ học hành, làm việc chăm chỉ và nhìn nhận về thế giới bằng những cách thức mà kẻ khác không thể. Việc chúng ta sinh trưởng ở đâu và vào thời gian nào rõ ràng làm nên những điều khác biệt. Nền văn hóa mà chúng ta thuộc về và những di sản do ông bà tổ tiên để lại đã định hình những khuôn mẫu thành công bằng những cách thức mà chúng ta không tài nào tưởng tượng nổi. Nói cách khác, sẽ không đầy đủ nếu chúng ta chỉ biết hỏi xem những người thành công có đặc điểm như thế nào. Chỉ thông qua việc hỏi xem họ xuất thân từ đâu chúng ta mới có thể làm sáng tỏ những lôgic đằng sau việc một số người thành công còn người khác thì không.

Các nhà sinh vật học thường vẫn nói về “sinh thái học” của một sinh thể: cây sồi cao lớn nhất trong rừng sở dĩ cao lớn nhất không phải chỉ bởi nó nảy ra từ quả sồi cứng cáp nhất; nó là cây cao lớn nhất bởi không có cây cối nào chặn mất ánh sáng mặt trời của nó, đất đai xung quanh nó vừa sâu vừa màu mỡ, không có con thỏ nào gặm mất vỏ cây khi nó còn non tơ, và cũng không có tay thợ rừng nào đốn hạ khi nó chưa đủ cứng cáp. Chúng ta đều biết những cây sồi cao lớn vươn lên từ những hạt mầm cứng cỏi. Nhưng liệu chúng ta có hiểu biết đủ nhiều về thứ ánh sáng mặt trời đã sưởi ấm cho những hạt mầm đó, về thứ thổ nhưỡng mà trong đó chúng cắm sâu bộ rễ, và cả những con thỏ hay tay thợ rừng mà chúng đủ may mắn tránh thoát không? Nhưng đây không phải cuốn sách nói về những cây đại thụ. Đây là cuốn sách nói về những khu rừng − và môn khúc côn cầu đúng là một xuất phát điểm hợp lý bởi cách giải thích xem ai chiếm lĩnh đỉnh cao trong môn khúc côn cầu thực sự thú vị và phức tạp hơn rất nhiều so với vẻ bên ngoài. Trên thực tế, đúng là khác biệt rõ ràng.

3.

Bạn có nhìn ra không? Đừng vội chán nản nếu bạn không thấy gì, bởi biết bao nhiêu năm trong giới khúc côn cầu chẳng ai phát hiện ra được điều gì đặc biệt cả. Tình trạng đó cứ duy trì cho tới tận giữa thập niên 1980, khi một nhà tâm lý học người Canada tên là Roger Barnsley lần đầu tiên khiến người ta chú ý đến những hiện tượng tương ứng với lứa tuổi.

Barnsley đến xem một trận đấu khúc côn cầu của đội Lethbridge Broncos ở nam Alberta − một đội bóng cũng chơi ở giải Major Junior A, hệt như Vancouver Giants hay Medicine Hats Tigers. Ông đến đó cùng vợ là Paula và hai cậu con trai. Người vợ đọc kỹ danh sách khi đi ngang qua bảng niêm yết tuyển thủ hệt như bảng tên bạn nhìn thấy ở trên.

“Roger,” cô gọi, “anh có biết những cậu trai này sinh vào khi nào không?”

Barnsley nói có. “Chúng đều trong lứa từ mười sáu đến hai mươi, thế nên phải sinh vào khoảng cuối những năm 1960.”

“Không, không phải thế,” Paula tiếp tục. “Tháng nào cơ?”

“Tôi nghĩ là cô ấy rỗi việc quá,” Barnsley nhớ lại. “Nhưng tôi ngó qua đó, và tôi chợt hiểu điều mà cô ấy thắc mắc. Bởi một nguyên cớ nào đó, xuất hiện một số lượng đáng kinh ngạc ngày sinh ở tháng Một, Hai và Ba.”

Barnsley trở về nhà đêm ấy và kiểm tra ngày sinh tháng đẻ của tất cả những vận động viên khúc côn cầu chuyên nghiệp mà ông có thể tìm ra. Ông nhận ra mẫu hình tương tự. Sau đó Barnsley, vợ ông và một đồng sự − A. H. Thompson đã cùng nhau thu thập số liệu của mọi tuyển thủ trong giải vô địch khúc côn cầu Ontario Junior. Câu chuyện vẫn như vậy. Có nhiều cầu thủ sinh vào tháng Giêng hơn bất cứ tháng nào khác, và với mức chênh lệch áp đảo. Thế còn tháng sinh phổ biến thứ hai thì sao? Chính là tháng Hai. Đứng thứ ba? Là tháng Ba. Barnsley phát hiện ra rằng số tuyển thủ chơi ở giải vô địch Ontario Junior sinh vào tháng Giêng gấp gần năm lần rưỡi so với số người sinh vào tháng Mười Một. Ông xem xét các đội hình ngôi sao ở lứa tuổi mười một và mười ba − gồm các tuyển thủ trẻ được lựa chọn vào những đội du đấu ưu tú. Câu chuyện tương tự. Ông lại xem tiếp đến thành phần cấu thành của Giải vô địch khúc côn cầu quốc gia. Vẫn là như vậy. Càng xem xét, Barnsley càng tin chắc rằng những gì ông thấy không phải là thứ trùng hợp ngẫu nhiên, mà là một quy luật bất biến của môn khúc côn cầu Canada: trong bất cứ nhóm cầu thủ khúc côn cầu ưu tú nào − xuất sắc nhất trong những người xuất sắc − có đến 40% tuyển thủ ra đời trong khoảng từ tháng Giêng đến tháng Ba, 30% trong khoảng tháng Tư đến tháng Sáu, và 10% trong khoảng tháng Mười đến tháng Mười Hai.

“Biết bao năm tháng trong nghề tâm lý học, tôi chưa bao giờ gặp phải một hiệu ứng rộng lớn đến thế này,” Barnsley nói. “Bạn thậm chí không cần phải thực hiện bất cứ phân tích số liệu nào. Chỉ cần nhìn vào nó.”

Hãy quay trở lại danh sách của đội Medicine Hat. Giờ bạn đã thấy chưa? Mười bảy trong tổng số hai mươi lăm cầu thủ của đội sinh vào tháng Một, Hai, Ba hoặc Bốn.

Còn đây là đoạn tường thuật tại chỗ hai bàn thắng trong trận chung kết Memorial Cup, bây giờ tôi thử thay thế ngày sinh tháng đẻ vào tên của họ. Nó không còn vẻ gì giống với giải vô địch khúc côn cầu trẻ Canada nữa. Giờ đây nó mang hơi hướng một thứ lễ nghi thể thao lạ đời dành cho những cậu bé tuổi teen sinh dưới các cung hoàng đạo Ma Kết, Bảo Bình và Song Ngư.

11 tháng 11 bắt đầu quanh quẩn một bên lưới của Tiger, chuyền bóng cho đồng đội là mùng 4 tháng 1, cậu này đẩy sang cho 22 tháng 1, anh chàng vụt lại cho 12 tháng 3, cầu thủ này vụt thẳng vào khung thành của Tiger, 27 tháng 4. 27 tháng 4 chặn được cú đánh, nhưng quả bóng bị bật lại bởi mùng 6 tháng 3 của Vancouver. Cậu ta vụt bóng! Các hậu vệ mùng 9 tháng 2 và 14 tháng 2 của Medicine Hat nhoài người chặn bóng trong khi mùng 10 tháng Giêng đứng nhìn bất lực. Mùng 6 tháng 3 ghi bàn!

Giờ hãy chuyển sang hiệp hai.

Đến lượt Medicine Hat. Tay ghi bàn hàng đầu của Tigers − 21 tháng Giêng quán xuyến phía cánh phải sân đấu. Cậu ta dừng lại và xoay người, lách qua hậu vệ 15 tháng 2 của Vancouver. 21 tháng Giêng sau đó khéo léo chuyền bóng cho đồng đội 20 tháng 12 − Ô! cậu ta làm gì vậy?! Anh chàng đó thoát được sự truy cản của hậu vệ 17 tháng 5 đang lao tới và chuyền một cú tạt ngang cấm địa trở lại cho 21 tháng Giêng. Cậu ta vụt bóng! Hậu vệ 12 tháng 3 của Vancouver nhoài ra, cố gắng chặn cú đánh. Thủ thành Vancouver, 19 tháng 3 lao lên vô vọng. 21 tháng Giêng đã ghi bàn! Cậu giơ cao tay mừng chiến thắng. Đồng đội mùng 2 tháng 5 nhảy lên lưng cậu vui sướng.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button