Review

Ký Ức Phiên Lãng

Thể loại Văn Học Việt Nam
Tác giả Tô Hoài
NXB NXB Hội Nhà Văn
Công ty phát hành Phương Nam
Số trang 393
Ngày tái bản 07-2016
Giá bánXem giá bán

Nội dung

Đây là một trong hai tập bút ký đặc biệt của nhà văn Tô Hoài. Đó là những trang viết thấm đẫm tình hữu nghị sâu sắc với những quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà tác giả đã có dịp đặt chân đến. Nếu như Ký ức Đông Dương là câu chuyện ấm áp về những người bạn láng giềng thân thiết Lào và Campuchia thì Ký ức phiên lãng là những hồi ức xinh đẹp, sâu lắng đầy cảm xúc về những con người, những vùng đất ở những châu lục khác nhau, tưởng chừng như rất xa xôi nhưng lại quá đỗi gần gũi. Tình anh em sâu đậm, thắm thiết, bền chặt của những dân tộc bị áp bức cùng đứng lên chiến đấu đập tan gông xiềng nô lệ.

[taq_review]

Trích đoạn

Mùa thu Lê-nin-grát

AI ĐÃ CÓ LẦN đến thành phố Lê-nin hẳn dễ cùng một cảm nghĩ với tôi là tới thăm thành phố nhiều bảo tàng nhất thế giới này bằng cách đáp tàu hỏa “Mũi tên đỏ” số 6 Mát-xcơ-va – Lê-nin-grát, mỗi đêm tàu rời bến Mát-xcơ-va đúng 8 giờ 15 phút, tới Lê-nin-grát vừa 7 giờ và chiếc kim phút nhích xuống số 3 trên mặt chiếc đồng hồ lớn trước ga vừa dựng sáng.

Suốt đêm chín trăm cây số, tàu chỉ dừng một lần giữa đường ga Ôtiapkaia – giấc ngủ của khách đi đường cứ bồng bềnh trên song đường sắt và khi bừng mắt, đã thấy mình lướt vào mùa thu giữa những rừng thưa lá đương lác đác chớm vàng, những gò cỏ mới cắt vun lên như cây rơm, những mặt nước phẳng lặng lấp loáng và rồi con tàu vào giữa hai bên những bức tường nhà máy, những đại lộ nhà mười tầng. Lê-nin-grát đặc biệt không có những loi thoi, so le nhà cửa ngoại ô mà chỉ vừa qua khoảng đầm nước và một vùng rừng thưa, đã vào ngay trung tâm nguy nga của đường phố.

Mùa thu tuyệt đẹp đã về trên thành phố cảng chằng chịt cửa sông và những con sông, con hồ – Lê-nin-grát có 66 sông, trên 100 hồ với 620 cây cầu qua lại. Cứ nửa đêm – những đêm trắng như bây giờ, hai vế của 20 chiếc cầu dựng đứng trên sông Nêva mở cho tàu ngoài vào bến, như những đôi cánh khổng lồ vỗ lên.

Tôi thơ thẩn qua cầu tượng Bắt Ngựa dọc sông Môica. Chắc chỉ vài hôm nữa, tuyết lại xuống bời bời trên nhánh sông nhỏ này mà truyện Những con bạc của Đôt-tôi-ep-sky đã tả tỉ mỉ làn tuyết sa và từng miếng đồng gắn trên lan can chiếc cầu cong chênh vênh. Cái nhân vật đánh bạc khát nước thua cháy túi kia đứng ngập chân trong đống tuyết, anh ta đương nghĩ hay đương sắp đâm đầu xuống mặt băng khép lại. Sông Môica trước mặt tôi, ánh nước bây giờ sáng mờ như lưng áo lụa trắng của những ai lưu luyến bóng đêm mùa hạ còn rớt lại.

Ngót ba mươi năm trước, có lần tôi gặp một bà quê ở cảng Ô-đét-xa phương nam, năm ấy đã ngoài sáu mươi mà gần cả đời người cứ hai năm một lần, bà lên Lê-nin-grát, đi xem bảo tàng “Ở ẩn” (Écmitagiơ). Bao giờ cũng vẫn tưởng như chưa xem hết. Chẳng biết lần này có còn gặp được cụ Nina. Vâng, Lê-nin-grát, bảo tàng khổng lồ của lịch sử, của truyền thống, của hiện đại. Lê-nin-grát 900 ngày đêm chống Đức quốc xã bao vây, tàn phá. Lê-nin-grát với con đường sống qua hồ đóng băng Lagôda. Lê-nin-grát của trời và nước Radơlíp, mà anh bạn nhà văn Lê-nin-grát, Rít-khiêu của tôi năm trước thăm Cao Bằng về đã viết một bài ký nổi tiếng thế giới Từ Radơlip đến Pác Bó . Cái khách sạn Anh bên cạnh khách sạn Attôria trên quảng trường thánh Isắc, nhà thơ Etxênin đã ở đấy với người vợ Mỹ những ngày sau cùng. Bãi đá sỏi bên sông Đen, chỗ Pus-kin đấu súng tử nạn. Hầu như tất cả các nhà văn tài hoa của đất nước đều có di tích ở đây, từ Gôgôn đến Maia, thật không ai, không khi nào có thể biết cho hết được cái muôn vẻ Lê-nin-grát.

Tôi cứ tự dưng trở lại lâu dài Smôny, vốn là trường nữ Smôny có từ năm 1808. Ở đấy, đại bản doanh Cách mạng tháng Mười, nhà báo cộng sản Mỹ Giôn Rít đã chứng kiến “10 ngày rung chuyển thế giới”. Bảo tàng Smôny hôm nay vẫn đương là cơ quan làm việc của Thành ủy Lê-nin-grát.

Vẫn là bảo tàng, mà lại là nơi tấp nập mọi công tác điều hành hàng ngày của đảng bộ thành phố. Lê-nin rời nơi hoạt động bí mật của Radơlíp vượt biên giới sang Phần Lan rồi trở về đặt ban chỉ huy trong ngôi nhà này, lãnh đạo toàn quốc Tổng khởi nghĩa, sau 124 ngày ở đây rồi rời xuống Mát-xcơ-va. Tất cả những tuyên bố đầu tiên của chính quyền công nông, những luật về đất, về hòa bình, về dân tộc, những sáng tạo vĩ đại của chế độ Xô Viết mới nhất trên thế giới đã ra đời ở căn buồng số 67.

Hôm nay, trước cánh cửa buồng bên trái vẫn còn cái bảng bìa số buồng và tên bà giáo chủ nhiệm khoa của nhà trường, như 69 năm trước khi tiếng đại bác tàu Rạng Đông mở đầu cuộc chiến đấu. Lê-nin đã làm việc luôn ở đấy. Những chiếc ghế gỗ tròn. Cái bút sắt chấm mực. Chiếc máy điện thoại cao lêu đêu kiểu thế kỷ trước. Cái gối ghếch nghiêng đầu giường, tưởng như con người kỳ diệu ấy chỉ chợp mắt và lúc nào cũng sẵn sàng bật dậy đến bàn viết, đến máy điện thoại.

Cách mạng và tri thức, thư viện Santykôv Tsêđrin 1785, thư viện lớn thứ hai ở Liên Xô sau thư viện Lê-nin ở Mát-xcơ-va. Nhưng sách cổ quí hiếm thì có lẽ không đâu hơn đây. Có những bản viết, bản in đã ngoài hai nghìn năm. Và có toàn bộ sách thư viện riêng của hoàng đế Na-pô-lê-ông. Thật cảm động, thư viện có một hiên tác phẩm Việt Nam trên 9.000 cuốn sách nghiên cứu, văn hóa, văn nghệ.

Lê-nin đã đọc sách ở thư viện này những năm 1985. Sau này, khi đến ở Luân Đôn ở Pa-ri, người thường gửi sách cho thư viện – nay vẫn giữ. Nhiều bản thảo của Von-te, và sách thư viện của Vonte đọc có ghi ý kiến, ai nghiên cứu về Vonte chắc phải đến đây nhiều hơn đến Pa-ri. Cũng như sách của vua Na-pô-lê-ông có những trang gấp đánh dấu, Na-pô-lê-ông đọc và ghi. Mỗi quyển của Na-pô-lê-ông gáy sách đều có một chữ N hoa mạ vàng và bên trên có in hình cái mũ vua!

Tôi lại đến thăm nhà Đôt-tôi-ep-sky. Tôi được may mắn đến nhà ông Đốt từ cái năm thành phố đương chuẩn bị lấy nơi ở cuối cùng của Đốt làm bảo tàng. Và bây giờ nơi đây đã thành bảo tàng thật sự. Bạn đọc đã biết nhiều những chuyện về Đốt. Ông chống nhà vua, bị tội đem ra treo cổ ở quảng trường Cỏ Khô ngay gần đây. Lúc ông sắp phải chui đầu vào thòng lọng thì án chết được đổi ra án đày chung thân biệt xứ đi Xi-bê-ri. Và bạn đọc đã biết những bảo tàng sách và bản thảo của Đốt ở Mát-xcơ-va, ở Kiep, ở Ô-đét-xa. Nhưng đến đây, người yêu Đốt được thăm nhà Đốt, một ngọn bút viết ra những tác phẩm khủng khiếp có sức hun cháy gan ruột người ta đến nỗi trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, quốc xã Đức và phát xít Nhật đã phải ra lệnh hủy sách và cấm đọc Đốt.

Ở cái vui cho ngày hôm nay là được man mác buồn khi ngắm màu giấy tường nhà hệt màu giấy dán tường vàng nhạt thời kỳ Đốt ở nhà này. Bởi khi sửa sang làm nhà lưu niệm, người ta lột bỏ những tờ giấy dán tường cũ, tình cờ bóc đến lớp giấy bồi những tờ báo Pêtrôgrat, xem thấy khớp với năm tháng Đốt ở buồng ấy. Thì ra vách rách, Đốt đã phải dán mảnh báo lẫn với giấy dán tường. Cái màu giấy vàng nhờ nhờ, ủ rũ ngày cũng như đêm quanh chiếc bàn viết trơ trọi mà một hôm ông Đốt đương đau phổi nặng, ông cúi xuống lấy một cái bút rơi và đã hộc máu ra rồi mất.

Trong nhiều tác phẩm của Đốt thường miêu tả một góc nhà âm u, không biết là vốn chỗ tường vàng thiểu não thế hay bởi lỗ hổng trần nhà hắt xuống phản quang một vũng ánh sáng ủ dột ở đầu bậc đá cầu thang, mà lũ mèo các nhà tầng trên tầng dưới thường tụ tập chỗ ấy, chúng vờn nhau, liếm lông rửa mặt khan cho nhau rồi âu yếm gào lên. Cảnh ảm đạm này người đọc thường gặp trong các sáng tác của Đốt.

Cửa buồng ngủ, Đốt treo một cái khay đựng mấy chiếc kẹo giấy bóng sặc sỡ. Những chiếc kẹo Đốt để sẵn cho hai đứa con nhỏ. Ở trong nhà, mà thường ít khi các con trông thấy bố. Đốt có thói quen viết đêm, ăn đêm và ngày ngủ.

Nhưng mà thôi, nói chuyện vui về cuộc đời buồn của Đôt-tôi-ep-sky có lẽ thích hơn. Cũng ở đây, ở gian buồng u ám đã có một chuyện đẹp. Mối tình của Đốt với Anna Griôgalêna. Năm ấy, chàng 45 tuổi và nàng vừa 19.

Hồi này Đốt túng bấn đến thảm hại. Viết mấy cũng không trả xuể được nợ nần chồng chất. Đốt nghĩ ra cách phải viết lúc đọc cho người khác đánh máy họa chăng mới có thể sáng tác nhanh hơn nữa. Các bạn đã đưa cô Anna đến đánh máy thuê cho Đốt.

Đốt cho Anna đánh thử một hôm. Cái truyện đặt lên máy đánh chữ đầu tiên ấy là truyện Những con bạc . Anna đánh nhiều lỗi quá. Đốt bảo thôi mai cô không phải đến nữa. Nhưng Anna nài nỉ Đốt cho cô thử thêm. Vài hôm, Anna đã quen lối viết, cách chữa của Đốt. Chẳng bao lâu, Anna đã đánh rất nhanh, không lỗi. Đốt thật ngạc nhiên (Sau này, cả đời Anna chuyên sắp xếp, tổ chức bản thảo cho Đốt).

Một ngày kia, Anna đánh máy cho Đốt một tiểu thuyết Đốt vừa viết xong, chuyện kể về một mối tình thơ mộng, éo le và buồn. Một họa sĩ đã luống tuổi yêu một cô gái 19 tuổi. Đốt hỏi Anna: Cô thử nghĩ nếu ngoài đời có thật một chuyện như thế thì người ta nên giải quyết thế nào? Anna nói: Có là người ngu dốt nhất thì mới ngoảnh mặt đi trước mối tình chân thật nhường ấy.

Thế là họ lấy nhau. Hai người có với nhau một trai, một gái. Đốt mất năm 61 tuổi. Khi ấy Anna 35 tuổi và bà đã nuôi con, ở vậy suốt đời.

Ở nhà Đốt ra, người chơi Lê-nin-grát bước vào đêm trắng, trời đất hài hòa như một sự cảm thông. Những đêm Lê-nin-grát tháng bảy khác tháng sáu, đêm vào thu không trắng mờ suốt sáng mà có một chốc giữa khuya đèn thành phố lại bật lên, chỉ một chốc thôi. Đêm bát ngát như trăng xuôi chợt điểm một chấm đen gấu ăn trăng, như thế quả có dịu dàng hơn cái trắng mênh mông dằng dặc của đêm lẫn với ngày lúc nào không biết.

Khách chơi đêm trắng dọc sông và trên mặt nước đông không thể tưởng. Các khách sạn “châu Âu” và “Lê-nin-grát” cùng với người thành phố nhởn nhơ trên đường đã vắng hẳn xe cộ. Vẫn biết cả bốn mùa người du lịch các nước đều có những cái thích riêng đến Lê-nin-grát và họ đã tới từng lúc khác nhau, nhưng chưa bao giờ người chơi Lê-nin-grát nhiều như năm nay, đông vui, tấp nập khác thường. Cơ man nào là người, nhiều người già lão, cả trẻ con nước Pháp, nước Mỹ, nước Ý. Hôm qua, tôi trông thấy đi vào vườn cung điện Mùa Hè, khi gió sông Nêva rào rạt thổi lên, một đám mấy chục người Nhật lòa mắt đi du lịch. Những người lòa chỉ đi trong nắng, trong gió cũng nghe biết được cảnh tượng xung quanh. Nhưng đây là các người tàn tật nhà lắm của, đi thế giới có người dẫn đường và phiên dịch, họ hớn hở đi.

Tôi mới vỡ lẽ ra rằng khi ở xa, cứ nghe các hãng tin Mỹ tin Anh thì tưởng như hơi độc ở lò nguyên tử Trécnơbưn hỏng một tổ máy thoát ra đương còn đùn lên, đến nỗi mùa hè này Tây Âu không dám mua rau quả của Liên Xô xuất sang. Thế mà mùa hè và mùa thu ở đây tôi đã thấy tận mắt chưa bao giờ bờ biển Crưm phía nam, nơi cùng tỉnh với Trécnơbưn và ở Mát-xcơ-va, ở Lê-nin-grát, người đến chơi, đến nghỉ đông vui như thế. Các báo công bố số người du lịch mùa hè năm nay về Lê-nin-grát nhiều hơn năm 1985 là 50% – con số kỷ lục kỳ lạ, tưởng khó cắt nghĩa được.

Nhưng rồi người ta dễ dàng nhận ra được câu trả lời giản dị, dẫu hỏi bất cứ ai. Thì ra bởi năm nay châu Âu ăn nhiều bom, nhiều mìn khủng bố quá. Các thành phố lớn ở Tây Âu đương loạn bẫy bom, bẫy mìn. Tất nhiên người đi chơi tìm chỗ nào lý thú thì đến chơi và không thể ai động dại mà thích đến chỗ bom mìn. Người Anh, người Nhật, người Mỹ đều nói tương tự như thế.

Bom đạn ở thành phố Bây-rút “Thụy Sỹ phương Đông” dễ lây lan cả đến các nước này. Pa-ri, một tuần bảy vụ đánh bom, chết và bị thương cả mấy trăm người đi đường. Ở Ý, bọn khủng bố dọa muốn bắt cóc ai thì bắt được người ấy, cảnh sát không làm gì nổi. Các sân bay, quán cà phê, tiệm nhảy, ở các rạp chiếu bóng, ở công viên, cứ thình lình mìn nổ. Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Mỹ mà công quỹ được phần thu quan trọng bằng tiền của người du lịch cũng không làm thế nào kéo lại được chỗ thiếu hụt ấy.

Trong khi đó, cả thành phố Lê-nin-grát nhởn nhơ ngoài đường, đêm trắng lúc nào cũng như đương vào hoàng hôn. Như muốn níu lấy cái ban ngày trong đêm trên trái đất lạ lùng, kể cả những người đời đời sinh sống ở đây cũng có thói quen thích thú ấy. Người ngồi câu hai bờ sông Nêva càng khuya càng đông. Những tàu chơi trên sông lừ lừ trôi mơ hồ qua như chiếc bóng chứ không phải con tàu thật đương đi.

Người tràn ngập lòng đại lộ Népsky thẳng tắp, tất cả các cửa sổ đều trống hốc. Đấy là những nhà ngủ đêm mở cửa sổ – một vẻ đẹp cực hiếm ở các thành phố lạnh phương Bắc. Hay đấy là những tòa nhà đương được sửa sang lại. Giàn giáo chi chit quanh các ngôi nhà đồ sộ thời xưa, bề ngoài vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ, nhưng nội thất được thay đổi hẳn. Các khu phố cũ vẫn ba bốn tầng trong dáng dấp những nhà xây từ 1844 thời Pi-e đại đế, nhưng các phòng từng hộ đã đổi mới, với những tiện nghi hôm nay. Đó cũng là bộ mặt rất riêng của Lê-nin-grát lịch sử và hiện đại.

Mặt trời đã le lói từ lúc hai giờ sáng trên cầu sông Môi-ca. Tôi không được như bà Nina ở Ô-đét-xa cả đời, cứ hai năm lại đến xem Lê-nin-grát, nhưng thể nào mỗi lần đến đây tôi cũng đi dọc sông chỗ tượng Bắt Ngựa đi xuống qua cái cầu nhỏ có những miếng đồng gắn vào lan can có tả trong truyện của Đôt-tôi-ep-sky. Tôi nhìn lên khung cửa sổ căn nhà trước mặt. Dù đến đấy mùa nào, lúc nào cũng tưởng như vẫn giữ mùa thu và tuyết đương lãng đãng rơi. Mỗi người có một cái để nhớ, có một kỷ niệm.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button