Review

Cánh Buồm Đỏ Thắm

Thể loại Văn học nước ngoài
Tác giả Alexander Grin
NXB NXB Văn Học
Công ty phát hành Nhã Nam
Số trang136
Ngày xuất bản 01-2014
Giá bánXem giá bán

Giới thiệu sách

Ở một làng chài nọ có Longren, người thuỷ thủ goá vợ sống lầm lũi cùng cô con gái Assol. Cả làng ai cũng xem hai bố con là kẻ khác người; mà đúng vậy, Assol như đang sống trong một thế giới khác: ngày qua ngày cô chờ cái số phận đẹp như mơ mà có người đã tiên tri từ khi cô còn nhỏ, rằng một ngày kia, có chàng trai sẽ đến tìm cô, mang cô đi trên một con tàu với những cánh buồm đỏ thắm…

Lông-gren làm nghề thủy thủ nên thường xuyên vắng nhà, nhưng vợ anh đã đột ngột qua đời sau khi sinh đứa con gái đầu lòng A-xôn và anh phải từ bỏ công việc của mình để ở nhà chăm sóc, nuôi dạy con. Hàng ngày, anh làm những con thuyền đồ chơi dành cho trẻ con bằng gỗ trắng nhỏ, có cánh buồm đỏ thắm rồi mang lên phố bán.

Một hôm, trên đường lên phố giao hàng, A-xôn mải mê đuổi theo cánh buồm với những ước mơ tưởng tượng và đi lạc vào rừng lúc nào không hay. Cô bé gặp ông già Ê-gơn – người chuyên sưu tầm thơ ca dân gian và được ông tiên đoán, sau này sẽ có một chàng hoàng tử tuấn tú đi trên chiếc thuyền có cánh buồm đỏ thắm đến rước nàng A-xôn xinh đẹp… A-xôn đã đi qua tuổi thơ với niềm tin và sự chờ đợi cánh buồm đỏ thắm. Niềm tin cũng được truyền sang người cha cô độc, giúp họ vượt qua những năm tháng khó khăn, bỏ qua lời đồn đại của dân làng Ca-péc-na, cho rằng cha con A-xôn là những kẻ “dở hơi”, không bình thường với những câu chuyện được thêu dệt hết sức vô lý và tàn nhẫn…Một ngày nọ, lời tiên đoán và niềm tin đã trở thành sự thật. A-xôn được chàng hoàng tử Grây đến đón trên chiếc thuyền có cánh buồm đỏ thắm trước sự ngạc nhiên, sửng sốt của mọi người trong làng.

Cánh Buồm Đỏ Thắm của Alexander Grin là câu chuyện cổ tích trở thành hiện thực. Một cô gái cô đơn giàu mơ ước và niềm tin có thể trở thành nàng công chúa, một chàng trai có tâm hồn bay bổng là chàng hoàng tử. Đây là câu chuyện nhẹ nhàng có thể khiến bạn mỉm cười khi đọc.

[taq_review]

Trích dẫn

Chuẩn bị chiến đấu

Grây bước lên boong tàu “Bí mật”. Anh đứng im một lúc, đưa tay vuốt tóc từ đằng sau ra trước trán một thói quen anh thường làm mỗi khi trong lòng hết sức bối rối. Vẻ lơ đãng hiện lên trên gương mặt anh với nụ cười ngây ngô của người mộng du. Người trợ lý của anh Pan-ten lúc ấy vừa đi qua, tay cầm đĩa cá rán. Nhận thấy vẻ mặt lạ lùng của thuyền trưởng, Pan-ten rụt rè hỏi:

– Anh bị ngã ở đâu phải không. Thưa thuyền trưởng? Anh đi đâu về thế? Gặp chuyện gì vậy? Thật ra thì đó hoàn toàn là chuyện của anh thôi. Có một vị thầu khoán thuê tàu chúng ta chở một món hàng hời lắm, lại còn hứa có tiền thưởng nữa. À mà anh làm sao thế?…

– Cảm ơn anh, – Grây vừa đáp vừa thở mạnh như người vừa được cởi trói. – Chính là tôi đang cần được nghe những lời nói đơn giản và thông minh của anh. Đó như là một thứ nước lạnh. Pan-ten, anh hãy báo cho mọi người biết rằng hôm nay chúng ta sẽ nhổ neo và cho tàu ghé vào cửa sông Li-li-a-na cách đây mười hải lý. Dòng sông này có nhiều doi đất ngầm rất nông. Muốn vào vùng đó chỉ có thể đi từ ngoài biển đến. Anh đi lấy bản đồ đi. Không cần đem theo hoa tiêu. Có thế thôi… Món hàng chở hời ấy đối với tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Anh có thể nói lại với ông thầu khoán như thế. Tôi đi lên phố bây giờ đây và sẽ ở lại đó đến tối.

– Có chuyện gì xảy ra vậy?

– Hoàn toàn không có gì cả, Pan-ten ạ. Tôi muốn anh lưu ý đến mong muốn của tôi là không phải nghe hỏi thêm điều gì. Khi có dịp, tôi sẽ nói cho các anh nghe chuyện là thế nào. Anh hãy nói với các thủy thủ rằng tàu cần được sửa chữa mà xưởng đóng tàu ở đây thì đang bận.

– Rõ! – Pan-ten đáp lại như máy khi Grây đã quay lưng đi. – Mọi mệnh lệnh của anh sẽ được thi hành.

Mặc dù các yêu cầu của thuyền trưởng rất rõ ràng, người trợ lý vẫn tròn xoe mắt ngạc nhiên và vội vã cầm đĩa cá rán quay về buồng của mình, miệng lẩm bẩm: “Này, Pan-ten, mày bị lúng túng rồi đấy. Có phải thuyền trưởng định thử đi buôn lậu một chuyến không” Chẳng lẽ con tàu này lại sắp treo cờ đen của bọn cướp biển sao?”. Đến đây Pan-ten đành chịu bó tay trước những dự đoán quá kinh khủng. Trong khi Pan-ten đang ngấu nghiến ăn món cá thì Grây xuống buồng mình lấy tiền, đi thuyền qua vịnh nhỏ rồi đến khu buôn bán của thị trấn Li-xơ.

Lúc này anh hành động bình thản mà cương quyết, anh biết hết những gì sẽ xảy ra trên con đường kỳ lạ sắp tới. Mỗi hành động, mỗi ý nghĩ đều sưởi ấm anh bằng khoái cảm tinh tế. Dự định của anh hình thành trong nháy mắt và rất cụ thể. Đối với cuộc đời anh, dự định ấy khác nào những nhát dao sắc sảo, chính xác cuối cùng của nhà điêu khắc mà sau đó khối đá hoa cương bỗng biến thành một pho tượng tuyệt vời.

Grây đi đến ba cửa hiệu, anh rất coi trọng việc chọn được loại hàng thật vừa ý cả về màu sắc lẫn phẩm chất. Ở hai cửa hiệu đầu, người ta đưa cho Grây xem thứ hoa màu sặc sỡ thích hợp với loại thị hiếu dễ dãi. Ở của hiệu thứ ba, anh thấy nhiều loại vải đẹp khác nhau. Viên chủ hiệu tíu tít, hớn hở lấy ra các loại vải bị ế, còn Grây thì nghiêm trang như một nhà giải phẫu. Anh kiên nhẫn chọn các súc vải, xếp lại một bên rồi lại giở xem nhiều loại vải màu đỏ đến nỗi cả quầy hàng rực hồng lên. Ánh hồng in lên tay, lên mặt anh, hắt xuống cả mũi giày. Đứng giữa những dải lụa bồng bềnh, Grây phân biệt rõ cãc màu: hồng nhạt, hồng đậm, màu hoa anh đào, màu đỏ da cam, màu huyết dụ. Ở đây có đủ các loại màu na ná nhau nhưng thực ra lại khác nhau, đại loại như những từ đồng nghĩa: “kỳ diệu”, “tuyệt diệu”, “tuyệt đẹp”, “hảo hạng”. Những sắc màu ấy biểu lộ những điều mà lời nói không thể nào diễn tả nổi. Nhưng thuyền trưởng Grây vẫn chưa tìm được thứ vải màu ưng ý. Viên chủ hiệu đưa ra không ít loại vải đẹp nhưng vẫn chưa làm Grây hài hòng. Cuối cùng một thứ lụa làm khách hàng sững sờ chú ý. Anh ngồi xuống chiếc ghế bành đặt gần cửa sổ, kéo dải lụa phủ lên đầu gối mà ngắm nhìn không nhúc nhích, mồm ngậm tẩu thuốc đang cháy dở.

Thứ lụa đó có màu rực như nắng hồng buổi sớm, tỏa ra niềm vui rộn ràng, cao quý, kiêu hãnh. Đó chính là thứ màu mà Grây cần tìm. Nó không có những sắc thái pha tạp của màu lửa, màu hoa anh túc, không có những hàm ý của màu hoa vi-ô-lét hoặc màu hoa cà, cũng không có sắc xanh hay đen có thể làm cho ta nghi ngờ. Nó chỉ thắm hồng lên như một nụ cười duyên phản ánh tâm hồn. Grây say sưa ngắm thứ lụa tuyệt vời đó đến nỗi quên cả viên chủ hiệu đang đứng chờ sau lưng với vẻ chăm chú của con chó săn vừa vớ được mồi ngon. Chờ một lúc, viên chủ hiệu sốt ruột nhắc khéo Grây bằng cách xé xoạt một mảnh lụa nhỏ.

– Thôi, không cần cho xem hàng mẫu nữa, – Grây đứng dậy nói. – Tôi sẽ lấy thứ lụa này.

– Ông lấy cả súc vải này chứ? – viên chủ hiệu hỏi, giọng lộ vẻ nghi ngờ. Nhưng Grây im lặng nhìn vào trán y, điều này làm cho y trở nên mạnh dạn hơn. – vậy ông lấy bao nhiêu mét?

Grây gật đầu ra hiệu cho y chờ một lát. anh lấy bút chì ra tính toán số lượng vải cần đến.

– Hai nghìn mét, – Grây nói, – mắt hồ nghi nhìn lên quầy hàng. – Phải rồi, không quá hai nghìn mét.

– Hai? – viên chủ hiệu giật thót người, bật hỏi lại. – Hai nghìn ư? Hai nghìn mét? Xin mời ông ngồi, thưa thuyền trưởng. Ông có muốn xem thêm hàng mẫu nữa không ạ? Xin tùy ông. Diêm đây ạ, còn đây là thuốc lá thượng hảo hạng, xin mời ông dùng thử. Hai nghìn… , mỗi mét giá… – viên chủ hiệu xướng giá tiền chẳng lấy gì làm thật thà cho lắm. Nhưng Grây cũng chẳng buồn mặc cả với y, anh đang hài lòng với thứ vải mình vừa chọn được, – viên chủ hiệu tiếp tục nói. – Không chê vào đâu được, chỉ có bản hiệu đây mới có thứ hàng đó đấy ạ. Để cho y tỏ hết sự hân hoan xong, Grây thỏa thuận với y về phương thức lấy hàng. Anh thanh toán với y mọi khoản phí tổn rồi cáo từ. Viên chủ hiệu tiễn anh với vẻ trịnh trọng như tiễn một hoàng đế Trung hoa. Vào lúc ấy, bên kia đường gần cửa hiệu vừa rồi, có một nhạc công lang thang đang bắt cây đàn vi-ô-lông-xen của mình phát ra âm thanh buồn buồn tha thiết. Bạn anh, một người thổi sáo, cũng đang hoà cùng anh bài ca giản dị, du dương. Âm điệu bản đàn tản ra trong cái nóng oi bức của ngày hè và vọng đến tai Grây. Anh hiểu ngay rằng mình phải làm điều gì. Nói chung là vào những ngày ấy anh đang sống trong trạng thái tinh thần phấn chấn, trạng thái cho phép anh nhận ra mọi hàm ý, mọi điều mách bảo của thực tiễn. Anh nghe thấy những âm thanh bị át đi trong tiếng xe cộ qua lại ồn ào, và theo tính cách riêng của anh, tiếng nhạc ấy gợi cho anh bao ấn tượng và suy nghĩ quan trọng. Anh cảm thấy những điều anh nghĩ sẽ diễn ra tốt đẹp. Đi qua một ngõ hẹp, anh bước vào cổng ngôi nhà có mấy nhạc công đang biểu diễn. Lúc này, họ đã sắp đi nơi khác. Người thổi sáo, dáng cao cao, đang ngả mũ ngượng ngùng chào cám ơn những ai vừa ném tiền xuống qua cửa sổ. Người kéo vi-ô-lông-xen để đàn dựa vào khuỷu tay, một tay đưa lên lau mồ hôi trán, đang chờ bạn.

– Trời, anh Xim-me đấy à! – Grây nói với anh ta, nhận ra đó là người thường kéo vi-ô-lông rất hay, tối tối vẫn mua vui cho đám thủy thủ – khách hàng của quán “Tiền dành cho rượu” trên bến cảng. Sao anh lại bỏ đàn vi-ô-lông?

– Thưa thuyền trưởng kính mến, – Xim-me đáp lại với giọng đầy hãnh diện, – tôi có thể chơi được mọi thứ đàn. Hồi còn trẻ tôi làm chân nhạc công hề trong rạp xiếc. Bây giờ thôi thèm được làm nghệ thuật một cách tử tế, và tôi buồn rầu nhận thấy rằng tôi đã tự hủy hoại tài năng của mình. Bởi vậy bây giờ do chút tham lam muộn mằn, tôi yêu một lúc hai thứ đàn: đàn vi-ô-lông và đàn vi-ô-lông-xen. Ban ngày thì chơi đàn vi-ô-lông-xen, buổi tối thì chơi vi-ô-lông, cũng thể như tôi than khóc cho tài năng đã chết. Thuyền trưởng có định thết anh em bữa rượu nào không? Vi-ô-lông-xen là cô Các-men của tôi. Còn vi-ô-lông là…

– Là A-xôn, – Grây nói tiếp.

Xim-me không nghe rõ lời Grây.

– Phải rồi, – Xim-me gật gù, – xô-lô bằng kèn hơi hay đánh chũm choẹ một mình là một việc hoàn toàn khác. Nhưng mà chuyện đó thì liên quan gì đến tôi kia chứ? Cứ để kệ cho các anh hề trong nghệ thuật muốn làm gì thì làm. Còn tôi, tôi bao giờ cũng tin rằng các nàng tiên đã chọn vi-ô-lông và vi-ô-lông-xen làm chỗ nghỉ.

– Thế trong cây sáo của tớ thì thần nào nghỉ hở ông bạn? – người thổi sáo vừa tiến lại gần vừa hỏi. Đó là một chàng trai cao lớn, có đôi mắt giống mắt cừu, màu xanh, và bộ râu vàng. – Nào trả lời đi.

– Tùy theo mức độ mà cậu uống từ sáng tới giờ. Trong cây sáo của cậu khi thì có chim muông, khi thì lại chỉ toàn hơi men. Thưa thuyền trưởng, đây là anh bạn Đu-xơ của tôi. Tôi đã nhiều lần kể cho anh ta nghe về thuyền trưởng, một người tiêu tiền như nước mỗi khi uống rượu. Và thế là anh ta cũng mê thuyền trưởng lắm đấy.

– Phải đấy, – Đu-xơ nói, – tôi rất thích những cử chỉ hào hiệp. Nhưng mà tôi là kẻ khôn vặt đấy, đừng có tin vào những lời nịnh bợ của tôi.

– Thế này, – Grây vừa nói vừa cười, – tôi chỉ còn rất ít thời gian mà việc này thì lại cần gấp. Tôi sẽ tạo cho các bạn một cơ hội kiếm tiền kha khá đấy. Các bạn hãy tập hợp một dàn nhạc nhưng đừng có mời những anh chàng ăn vận chải chuốt có vẻ mặt trang nghiêm khô khan như kẻ không hồn, những kẻ khi chơi đàn thì quên hết phần hồn của âm nhạc, chỉ làm nơi biểu diễn trở nên buồn tẻ bằng những tiếng ồn quái gở. Hãy tập hợp những ai biết làm rung động tâm hồn mộc mạc của những chị nấu bếp và những anh bồi. Hãy tìm những nhạc công lang thang như các bạn. Biển cả và tình yêu không chịu nổi những kẻ cầu kỳ. Tôi sẵn sàng ngồi uống rượu với các bạn bây giờ, không phải chỉ một vài chai, nhưng tôi phải đi đằng này ngay. Tôi bận nhiều việc lắm. Các bạn hãy cầm món tiền này và hãy uống rượu mừng cho chữ “A”! Nếu các bạn đồng ý với đề nghị của tôi thì buổi tối hãy kéo nhau xuống con tàu Bí mật của tôi, hiện đang đậu ở cách cái đập trước mặt không xa.

– Xin vâng!- Xim-me reo lên. Anh biết rằng Grây bao giờ cũng trả công hậu hĩ như một ông vua – Đu-xơ, cậu hãy cúi chào và nói đồng ý, hãy tung mũ lên mà mừng đi! Thuyền trưởng Grây muốn cưới vợ đấy!

– Phải rồi, – Grây bình thản đáp. – Mọi chi tiết tôi sẽ nói thêm khi chúng ta ở trên tàu. Còn các bạn…

– Uống rượu mừng cho chữ “A”! – Đu-xơ hích khuỷu tay vào Xim-me, nháy mắt với Grây. – Nhưng… trong bảng chữ cái… còn nhiều vần nữa cơ mà! Thuyền trưởng cố gắng cho anh em uống rượu đến vần cuối cùng…

Grây đưa cho hai người một món tiền. Hai nhạc công đi khỏi. Lúc ấy Grây bèn ghé vào một cửa hiệu, trả một món tiền lớn để thuê làm gấp cho anh một việc bí mật trong thời gian sáu ngày. Khi Grây trở về tàu của mình thì người của cửa hiệu cũng đã tới đó. Đến tối, lụa được chất lên tàu. Năm người thợ làm buồm mà Grây thuê đã ngồi bên đám thủy thủ. Lê-chi-ca vẫn chưa về, dàn nhạc chưa tới. Trong khi chờ đợi bọn họ, Grây đến nói chuyện với Pan-ten.

Cần để ý rằng trong mấy năm liền, Grây đã đi biển với một số thủy thủ nhất định. Dạo đầu họ rất ngạc nhiên trước những quyết định thất thường của Grây, khi thì cho tàu chạy những chuyến bất ngờ, khi thì cho tàu dừng lại – có khi hàng tháng – Ở những nơi vắng vẻ nhất, ít tính chất buôn bán nhất. Nhưng rồi dần dần họ quen với tính nết đó của Grây. Nhiều lần anh cho tàu chạy không, từ chối nhận chở hàng trả giá hời vì thứ hàng đó anh không thích. Không ai thuyết phục được anh nhận chở xà phòng, đinh, phụ tùng máy móc, hay nói gọn lại là những gì chất đống trong khoang tàu và chỉ gợi những cảm giác đơn điệu về sự cần thiết buồn tẻ. Nhưng anh rất sẵn sàng chở hoa quả, đồ sứ, súc vật, hương liệu, chè, thuốc lá, cà phê, vải lụa, những giống cây quý hiếm như dừa, cọ, đàn hương. Những thứ hàng đó thích hợp với trí tưởng tượng của anh, thường tạo ra khung cảnh thú vị. Vì vậy, không có gì lạ khi những thủy thủ của con tàu Bí mật, hấp thụ tinh thần độc đáo đó, nhìn những con tàu chỉ chuyên lo kiếm lời bằng cặp mắt khinh khi. Tuy vậy, đến lần này, Grây vẫn đọc được nhiều câu hỏi trên nét mặt các thủy thủ. Cả đến người thủy thủ ngu dốt nhất cũng biết rất rõ rằng hoàn toàn không cần phải tiến hành chữa tàu ở một vùng cửa sông có rừng cây như vậy.

Tất nhiên là Pan-ten đã thông báo với họ những mệnh lệnh của Grây. Khi thuyền trưởng đến chỗ anh thì anh đang hút tới điếu xì-gà thứ sáu, đi đi lại lại trong buồng, mụ người vì khói thuốc và vấp cả vào ghế. Trời đã về chiều; một dải ánh sáng màu vàng xuyên qua cánh cửa sổ để mở làm chiếc lưỡi trai ở mũ thuyền trưởng loé sáng lên.

– Tất cả đã chuẩn bị xong, thưa thuyền trưởng,- Pan-ten nói, vẻ không vui. – Nếu anh muốn, thì có thể cho nhổ neo ngay.

– Pan-ten ạ, đáng lẽ anh phải hiểu tôi hơn một chút, – Grây nhẹ nhàng nói.- Không có gì bí mật trong chuyện tôi đang làm. Ngay sau khi chúng ta thả neo xuống lòng sông Li-li-a-na, tôi sẽ kể hết mọi chuyện. Và lúc ấy anh sẽ không phải tốn nhiều diêm thế để hút thứ xì-gà tồi ấy. Thôi, anh cho kéo neo lên thôi.

Pan-ten hơi lúng túng nhếch mép cười, gãi gãi lông mày.

– Tất nhiên là như vậy, – anh nói. – Mà tôi cũng có làm sao đâu.

Khi Pan-ten đã đi rồi, Grây ngồi lại một lúc, nhìn chăm chăm về phía cửa hé mở, rồi anh trở về phòng mình. Ở đây, lúc thì anh ngồi. Lúc ngả lưng xuống giường, lúc lắng nghe tiếng dây xích buộc neo đang kéo lên kêu loảng xoảng. Anh sửa soạn đi lên boong tàu nhưng rồi lại ngập ngừng nghĩ ngợi và quay lại bên bàn, lấy đầu ngón tay vạch một đường thẳng lên mặt khăn trải bàn. Tiếng đập mạnh vào cửa làm anh chợt tỉnh, anh vặn quả đấm cửa, và Lê-chi-ca vào. Anh thủy thủ thở hổn hển, đứng sững lại với vẻ mặt của người vừa phi báo tin hoãn cuộc hành hình.

– “Hãy bay đi ngay, Lê-chi-ca!” – tôi tự bảo như vậy, – ngay từ lúc còn đứng ở chỗ cái đập, nhìn thấy thủy thủ tàu ta đang hò nhau kéo neo lên. Mắt tôi tinh như mắt chim ưng ấy. Thê là tôi vội “bay” xuống thuyền, tôi thở hồng hộc vào người chèo thuyền đến nỗi ông ta toát cả mồ hôi vì lo quá. Thưa thuyền trưởng, chẳng lẽ anh muốn quẳng tôi lại trên bờ sao?

– Lê-chi-ca, – Grây vừa nói vừa nhìn kỹ vào đôi mắt đỏ ngầu của người thủy thủ, – tôi chờ anh gần hết buổi sáng rồi. Anh đã giội nước lạnh lên gáy cho tỉnh rượu chưa đấy?

– Giội rồi. Không nhiều bằng số rượu đã uống vào bụng, nhưng đã giội. Mọi việc đã làm xong.

– Anh nói xem nào.

– Không cần phải nói đâu, thưa thuyền trưởng. Đây, tất cả tôi đã viết vào đây rồi. Anh cầm lấy mà xem. Tôi đã cố lắm đấy. Tôi đi đây.

– Đi đâu?

– Nhìn mắt anh, tôi cũng biết anh đang trách tôi còn giội ít nước lạnh lên gáy quá.

Anh ta quay đi rồi ra khỏi phòng với dáng đi lạ lẫm của người mù. Grây lật tờ giấy ra, những dòng chữ viết bằng bút chì nguệch ngoạc, xiêu vẹo. Lê-chi-ca viết thế này:

“Theo lệnh đã giao, sau lúc năm giờ tôi đi ra ngoài đường làng. Nhà cô ấy có mái màu xám, có hai cửa sổ mỗi bên, cạnh nhà có vườn rau. Cô gái đi ra khỏi nhà hai lần: một lần đi lấy nước, một lần đi lấy vỏ cây đun bếp. đến lúc trời tối, tôi có ghé mắt vào cửa sổ nhưng không nhìn thấy gì vì cửa sổ có rèm che”.

Sau đó, Lê-chi-ca ghi tiếp vài câu về đặc điểm gia đình, chắc là thu lượm được qua câu chuyện bên bàn rượu, bởi vì bất ngờ cuối mảnh giấy có câu: “Tôi đã phải chi một ít tiền của mình”.

Nhưng cốt lõi của những điều Lê-chi-ca viết lại chỉ nói lên những cái chúng ta đã biết qua chương đầu cuốn sách này. Grây nhét mảnh giấy vào ngăn bàn, huýt sáo gọi người trực nhật lại và bảo anh ta đi tìm Pan-ten. Nhưng người đến không phải là trợ lý của anh mà lại là thủy thủ trưởng át-vút, vừa đi vừa kéo ống tay áo xuống.

Anh ta nói:

– Chúng tôi đã nhổ neo thì Pan-ten bảo đến gặp anh để xin ý kiến. Pan-ten đang bận: anh ta đang phải đối phó với một đám người mang kèn trống và vi-ô-lông. Anh gọi họ lên tàu à? Pan-ten mời anh đến ngay, một mình anh ta không biết xoay xở thế nào.

– Phải đấy, át-vút ạ, – Grây nói. – Đúng là tôi đã gọi các nhạc công ấy đấy. Anh hãy bảo họ tạm vào buồng thủy thủ đã, rồi sẽ thu xếp chỗ cho họ sau. Át-vút, anh hãy nói với họ và anh em thủy thủ rằng mười lăm phút nữa, tôi sẽ lên boong. Cứ tập hợp trước ở đấy đi, anh và Pan-ten chắc sẽ làm theo lời tôi. Át-vút rướn lông mày bên trái lên, đứng nghiêng người ở chỗ cửa ra vào rồi đi khỏi. Grây úp mặt vào lòng bàn tay hơn mười phút liền. Anh không chuẩn bị gì mà cũng không dự tính điều gì, anh chỉ muốn im lặng suy tưởng. Trong lúc ấy, mọi người sốt ruột chờ anh với vẻ tò mò, phỏng đoán. Anh bước ra và nhìn thấy trên gương mặt họ vẻ chờ đợi những điều gì thật khó tin. Nhưng vì anh coi mọi chuyện đang xảy ra là hoàn toàn bình thường, nên anh cảm hấy hơi bực mình khi những người khác lại băn khoăn như vậy.

Bạn đọc cảm nhận

Bùi Quang Vũ

Cuốn sách được chăm sóc khá kĩ càng, có bìa áo, 8 trang minh họa màu đi kèm mặc dù số trang viết chỉ 127 trang, không có lỗi dịch thuật nào.

Nếu nhìn từ góc độ người lớn thì phần truyện có khá nhiều điểm vô lí như:

– Cô bé Assol được nhắc đến khá mờ nhạt ở phần sau, cuộc sống không nổi bật, hay mong ngóng chàng trai cưỡi con tàu có buồm đỏ đến đón.
– Gray mới nhìn thấy cô nằm bờ nằm bụi ngủ quên, đã động lòng và ngay lập tức đặt nhẫn vào tay cô!
– Đoạn cuối diễn ra quá nhanh, chàng trai vừa đến, Assol đã nhảy ra biển, ôm lấy Gray và đi mất, bỏ cha ở lại làng chài, mặc dù biết ông không có quan hệ hữu hảo với hàng xóm!

Thế nhưng tác giả có lối miêu tả rất tuyệt, mà chắc chắn các bé đọc sẽ rất thích thú, cách miêu tả gần giống như Andecxen, và đặc biệt kết rất có hậu.

NGUYEN MINH THU

Lúc nhỏ mình rất thích bộ phim Cánh buồm đỏ thắm do đó khi thấy cuốn sách này mình đã mua ngay. Sở dĩ bây giờ mới mua vì sách do NN phát hành thiết kế bìa rất đẹp tuy nét vẽ không mượt mà lắm. Trong sách còn có các trang màu đi kèm rất bắt mắt. Đây là một câu chuyện cổ tích đẹp và lãng mạn. Tuy cô bé Asol kiên cường dù bị người dân trong làng dè bỉu, miệt thị nhưng cô vẫn sống mạnh mẽ và luôn giữ vững niềm tin về chàng hoàng tử trên con tàu có chiếc buồm đỏ thắm đến với cô. Lúc nhỏ thì thấy lãng mạn nhưng giờ khi đọc chi tiết đó mình lại thấy cô bé quá ư mơ mộng. Tuy nhiên trong cuộc sống chúng ta cũng nên giữ lại chút mơ mộng cho cuộc đời thêm tươi đẹp phải không.

Trương Hòa

Có nhiều điều khiến tôi thật sự ấn tượng với cuốn sách này: Thứ nhất bìa cuốn sách rất đẹp, cả khổ sách, chất lượng giấy in, hình minh họa đều tuyệt. Thứ hai, câu chuyện về cô gái Assol và chàng trai Gray rất cuốn hút, có gì đó cổ tích, có gì đó không thật nhưng nó vẫn mang lại cho người đọc cảm giác ngọt ngào khi gấp cuốn sách lại. Thứ ba là giá trị nhân văn mà nó mang lại, cô gái tuy lớn lên trong sự xa lánh và khinh miệt nhưng vẫn rất kiên cường và lạc quan, chàng trai tuy giàu có đủ đầy nhưng lại mang trong mình một khát vọng lớn lao và dám can đảm thực hiện khát vọng đó. Một câu chuyện rất ngọt ngào của Alexander Grin.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button