Review

Bố Mẹ Đã Cưa Đổ Tớ

sach-cua-do-nhat-nam-bo-me-da-cua-do-to

Thể loại Kỹ năngTự truyện
Tác giả Đỗ Nhật Nam
NXB NXB Lao Động
Công ty phát hành Thái Hà
Số trang 221
Ngày xuất bản 07-2014
Giá bánXem giá bán

Đỗ Nhật Nam của ngày hôm nay đã chững chạc hơn nhiều, mỗi lời nói và câu chữ của Đỗ Nhật Nam cũng đã thấy rõ toát ra từ một chàng trai chứ không hẳn là từ một cậu bé vô tư nữa. Từ dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam, Đỗ Nhật Nam đã trở thành tác giả viết tự truyện nhỏ tuổi nhất cả nước, và giờ đây, trên tay bạn là tác phẩm thứ 3 mang tên Bố mẹ đã cưa đổ tớ.

Bố mẹ đã cưa đổ tớ đến với bạn bất ngờ lắm đúng không? Cũng giống như hai cuốn sách trước của Đỗ Nhật Nam, càng đọc, chúng ta càng nhận ra, quyển sách, nếu xét ở góc độ nào đó, giúp ích cho những bạn cùng trang lứa một, thì giúp những ông bố bà mẹ mười. Cuốn sách giúp chúng ta sẽ hiểu sâu hơn hai chữ “thần đồng” của Đỗ Nhật Nam, thực chất chỉ có 1% tố chất của Nam được thừa hưởng gen trội từ bố mẹ, còn lại 99% đó là nỗ lực, rèn luyện bền bỉ, kiên trì, phối hợp hiệp đồng nhuần nhuyễn giữa ba người trong gia đình: Bố, mẹ, và Đỗ Nhật Nam.

Nhật Nam thật là đứa trẻ hạnh phúc có được hai bậc phụ huynh mẫu mực trong cách rèn con như vậy. Bằng giọng văn miêu tả chân thực, sinh động và đầy tình yêu thương con người, vạn vật xung quanh, chúng ta càng nhận thấy Nhật Nam quả là một đứa trẻ có tấm lòng nhân hậu, một cái tâm trong sáng.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Khi có trong tay bản thảo, tôi không dám đọc ngay, tôi đợi một thời gian lắng xuống và vào một đêm yên tĩnh mới một mình ngồi “ngâm cứu”. Vốn được mệnh danh là “tiến sỹ văn hóa đọc” và chuyên đi giảng dạy về kỹ năng đọc siêu tốc nhưng nói thật, tác phẩm thứ 3 này của Nhật Nam đã được tôi đọc siêu chậm, chậm đến mức chắc chẳng còn ai đọc chậm hơn tôi. Tôi không đọc hết cuốn sách mà đọc làm 3 lần. Lần thứ nhất chỉ đọc về “Bố tớ”. Lần thứ 2 đọc về “Mẹ tớ”. Còn lần thứ 3, nói thật, là phải ngồi thiền một lúc mới bắt đầu để “Welcome tuổi dậy thì”. Tôi cũng khuyên bạn đọc đọc theo cách của tôi. Đảm bảo bạn sẽ rất thú vị…”

Chúc mừng bạn đã may mắn có trên tay cuốn sách thứ 3 của Đỗ Nhật Nam. Nguyện mong cuốn sách giá trị này đến với thật nhiều độc giả của đất nước 90 triệu dân Việt Nam ta.

[taq_review]

Trích dẫn


Bố dạy tớ biết chấp nhận thất bại

Chúng ta thường hay nói: Thất bại là mẹ thành công. Theo tớ, đây là câu thành ngữ hay dùng để an ủi ai đó mỗi khi gặp thất bại. Tuy nhiên, khi ta gặp một điều gì đó không như ý muốn thì quả là không dễ chịu chút nào. Với tớ mỗi lần gặp thất bại, tớ lại nhớ đến những bài học của bố.

Ngay từ khi tớ còn bé, bố thường hay rủ tớ chơi những trò chơi cần sự đối kháng. Ví như chơi vật tay, chơi cờ, chơi cầu lông. Tớ thích mê những môn này và chỉ cần bố khẽ ngỏ lời là tớ nhảy lên sung sướng, miệng không ngừng hò reo: Oh yeah, oh yeah. Chuẩn bị chơi thì vui thế đấy nhưng bước vào cuộc chơi thế nào cũng diễn ra những tranh luận nảy lửa. Tớ hăng lắm nên muốn thắng bằng được. Lúc nào thua là quay ra hờn dỗi. Mặc tớ phụng phịu, bố vẫn không khoan nhượng và ngay lập tức ghi kết quả vào một tờ giấy kẻ sẵn. Tớ không thích điều đó lắm. Tớ muốn bố phải nhường mình một chút vì dù sao tớ cũng nhỏ hơn mà.

Sau mỗi lần chơi, bố thường nói: Trò chơi là để vui thôi. Tuy nhiên con nên nhớ, trong khi chơi hay cả khi học, khi thi, không phải lúc nào con cũng thắng. Có nhiều lúc con đã rất cố gắng, bằng chứng là con toát mồ hôi đầm đìa, mặt đỏ bừng nhưng vẫn không thể giành được chiến thắng. Con phải chấp nhận điều đó như một phần tất yếu của cuộc sống. Hãy mỉm cười và nghĩ đến chiến thuật tốt nhất cho ngày mai! Nói xong, bố bẹo má tớ và nháy mắt, trông buồn cười lắm.

Những lần “thất bại” trong trò chơi với bố làm tớ trở nên can trường hơn. Khi chơi với bạn bè, tớ luôn nhớ lời bố dặn. Mình cố gắng hết sức còn thành bại lại là chuyện khác. Thua keo này ta bày keo khác mà. Ý nghĩ đó theo tớ trong cả việc học hành. Có những lần do quá chủ quan, tớ đã bị “out” ở ngay những phần thi vốn là sở trường của tớ. Những khi ấy, lời dạy của bố đã thôi thúc tớ quyết tâm hơn ở lần thi sau.

Theo bố, cuộc sống là một chuỗi những trải nghiệm, những biến cố, va vấp. Không ai trong cuộc đời có thể chọn cho mình một con đường hoàn toàn bằng phẳng. Đừng sợ vấp ngã, miễn là khi ngã xong, bạn đứng dậy và nở một nụ cười rồi tiến về phía trước, thế là ổn.

Bố còn kể cho tớ nghe câu chuyện về một nhà khoa học nổi tiếng, người đã tạo ra những bước đột phá trong ngành y học. Một phóng viên khi phỏng vấn đã hỏi: “Theo ông, điều gì khiến ông có thể thành công hơn người bình thường? Hay nói cách khác, ông khác mọi người ở điểm nào?” Nhà khoa học trả lời, tất cả đều nhờ bài học mẹ dạy khi ông mới năm tuổi. Ông nhớ khi ấy mình đang cố lấy chai sữa ra khỏi tủ lạnh thì bị mất thăng bằng, ngã và đánh đổ toàn bộ chai sữa ra sàn bếp. Mẹ ông đã không quát mắng mà chỉ nói: “Chà, chỗ sữa đổ bừa bãi mới đẹp làm sao! Mẹ chưa từng thấy vũng sữa nào lớn như vậy. Ồ, dù sao sữa cũng đổ rồi. Con có muốn ngồi xuống và chơi với vũng sữa trước khi chúng ta lau dọn đi không?”

Và ông đã làm như mẹ gợi ý. Sau vài phút, mẹ ông lại nói: “Con biết không, khi con làm mọi thứ trở nên bừa bãi, cuối cùng thì con cũng phải lau dọn. Vấn đề là con muốn lau dọn chúng như thế nào? Mẹ con mình có thể dùng một chiếc khăn, một miếng bọt biển, hay một chiếc giẻ lau sàn. Con thích dùng thứ nào?” Sau đó hai mẹ con ông lụi hụi lau sàn. Dọn dẹp xong, người mẹ nói tiếp: “Con vừa có một bài học thất bại vì tay con nhỏ xíu, lại cầm chai sữa không cẩn thận, không chắc chắn. Chúng ta hãy ra sân sau, đổ đầy nước vào chai để con nghĩ xem có cách nào cầm cả cái chai mà không đổ nhé.” Và họ đã làm được.

Thật là một bài học tuyệt vời. Nhà khoa học cho biết đó là lúc ông nhận ra mình không sợ mắc sai lầm. Thay vào đó, ông học được rằng: sai lầm chính là những cơ hội để con người biết thêm những điều mới mẻ. Vậy là chai sữa đổ đó đã đem đến triết lý cho cả một cuộc đời biết học hỏi từ kinh nghiệm của những thất bại.

Theo lẽ thông thường, các bà mẹ thường rất “đau khổ” mỗi khi con mình mắc lỗi gì đó. Tớ đã bắt gặp những bà mẹ vừa đón con khỏi trường học vừa cau có, than vãn: Trời ơi, lại điểm kém à, lại bị cô giáo phê là viết chữ xấu à hoặc lại tính nhầm phép tính đơn giản thế à… Khi đó, các em nhỏ ngồi sau hoặc là mắt nhìn ra ngoài đường lơ đãng hoặc là cúi gằm mặt xuống, mắt buồn thiu. Tớ nghĩ rằng, ngày hôm sau đến lớp, thay vì nghĩ cách nào đó để cải thiện lỗi lầm của mình, các em ấy chỉ nghĩ đến vẻ mặt cau có của mẹ mình khi tan trường và thế là các ý tưởng sáng tạo bỗng dưng vụt tắt. Điều đó thật đáng buồn.

Vì thế, mỗi khi gặp thất bại, tớ luôn tìm bố để chia sẻ. Bố sẽ im lặng nghe tớ nói. Sau đó, thông thường bố chẳng đưa ra lời khuyên nào cả ngoài câu hỏi: Trong chuyện đó, con tự thấy mình đã cố gắng hết sức chưa? Nếu câu trả lời của tớ là rồi ạ thì bố gợi ý tiếp: Vậy nguyên nhân thất bại theo con nằm ở đâu? Tớ sẽ phải suy nghĩ rất lâu mới có thể đưa ra câu trả lời. Hỏi xong, bố chẳng đưa ra thêm lời khuyên gì hết mà rủ tớ… chơi đá bóng hoặc chơi cờ, xem phim. Chơi xong, nỗi buồn của tớ cũng vơi đi gần hết. Càng lớn, tớ càng thấy điều giản dị đó thật có ý nghĩa với bản thân mình. Sau những buồn nản và đôi lúc thú thực là hơi thất vọng về mình, tớ lại được bố chia sẻ, an ủi. Bên bố, tớ thấy mình luôn dồi dào năng lượng cho những cuộc chinh phục tiếp theo.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button