Quà tặng cuộc sống

Trải Nghiệm Và Khát Vọng Cuộc Sống

trai nghiem va khat vong cuoc song sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Anne Morrow Lindbergh

Download sách Trải Nghiệm Và Khát Vọng Cuộc Sống ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                 

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

(Nhân kỷ niệm 50 năm xuất bản tác phẩm này)

Vậy là “Trải nghiệm & khát vọng cuộc sống” đã bước vào tuổi 50. Khi mới là một cô bé 10 tuổi, tôi đã cầm ấn bản đầu tiên cuốn sách của mẹ. Và bây giờ, khi cầm ấn bản mới nhất trên tay, tôi đã là một phụ nữ 60 tuổi. Tôi đã đọc “Trải nghiệm & khát vọng cuộc sống” suốt thời gian đó và chưa bao giờ cảm thấy cuốn sách mẹ tôi viết vào năm 1955 lại lạc hậu đối với những vấn đề ngày nay.

Dù đọc bất cứ dòng nào, trang nào trong “Trải nghiệm & khát vọng cuộc sống”, người ta vẫn thấy mình có thể thở nhẹ nhàng hơn và sống thoải mái hơn. Dù đọc toàn bộ hay chỉ vài dòng trong sách, bạn cũng có thể cảm thấy bình an và tự do sống theo một cách khác.

Ngôn ngữ và giọng điệu của cuốn sách luôn làm tôi liên tưởng đến những chuyển động bình thường mà vĩnh hằng của biển cả. Tôi không biết mẹ đã cố ý chọn giọng văn đó hay nó đến một cách tự nhiên với bà trong thời gian bà sống ở biển để viết. Chỉ biết là sau khi đọc vài trang đầu tiên của cuốn sách, tôi đã cảm thấy có thể thư giãn trong nhịp điệu của biển, cảm thấy mình đang miên man trong những đợt sóng bềnh bồng. Cảm giác được dỗ dành và trấn an bao bọc lấy tôi.

Không chỉ đem lại âm hưởng dịu dàng của cuộc sống hay cảm giác bình an từ những tiếng nói bên trong, “Trải nghiệm & khát vọng cuộc sống” còn ẩn chứa một sức mạnh phi thường. Tôi thật bất ngờ khi phát hiện ra sức mạnh đó, có lẽ vì tôi luôn nghĩ mẹ gắn liền với sự dịu dàng, cả trong tình yêu thương và trong dáng vẻ mong manh, nhạy cảm của bà.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, mẹ tôi cũng là một người thật đặc biệt. Bà là người phụ nữ đầu tiên ở Mỹ có bằng lái tàu lượn hạng ưu năm 1930. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên nhận Huy chương Hubbard của Hội địa lý quốc gia vào năm 1934. Năm 1938, bà nhận được giải thưởng Tác phẩm hay nhất trong năm (National Book Award) cho tác phẩm “Listen! The wind”, một cuốn tiểu thuyết về những chuyến phiêu lưu. Và điều cuối cùng: bà luôn là tác giả có sách bán chạy nhất trong suốt sự nghiệp của mình.

Tôi nhớ năm 65 tuổi, mẹ vẫn cùng tôi đi trượt tuyết ở Vermont. Năm 70 tuổi, bà làm một chuyến hành trình đi bộ suốt những con đường dài dưới những ngọn núi ở Thụy Sĩ. Năm năm sau, khi đã 75 tuổi, bà đi bộ xuống miệng núi lửa Haleakala ở Maui, Hawaii để trải qua một đêm trong lòng núi cùng con cháu và bạn bè.

Tôi vẫn nhớ mẹ đã từng đứng cạnh tôi trong đôi giày leo núi, nhìn lên bầu trời đêm đầy sao để dạy cho tôi tên và vị trí của các chòm sao – một trong những kiến thức bà đã học để xác định đường bay trong đêm khi tham gia khóa huấn luyện bay gần 50 năm về trước.

Điều tuyệt vời nhất mà “Trải nghiệm & khát vọng cuộc sống” đem lại cho người đọc là tự do, một sự tự do tuyệt diệu. Tôi nghĩ rất khó để nhận ra hay miêu tả cảm giác tự do này, nhưng chính nó là lý do làm cuốn sách luôn được yêu mến trong suốt 50 năm qua. Sự tự do này xuất hiện khi chúng ta can đảm mở lòng với cuộc sống, như mẹ tôi đã làm, bất kể những gì mà cuộc sống đem lại cho chúng ta: niềm vui, nỗi buồn, thành công, thất bại, đau đớn, hạnh phúc, kể cả những điều nhất thời hay những thứ không bao giờ thay đổi.

Bằng cách dựa vào những kinh nghiệm của bản thân, cố gắng giữ vững niềm tin và sống hết mình với hiện tại dù bất cứ chuyện gì xảy ra, mẹ tôi đã tìm được tự do cho chính mình trong suốt cuộc đời của bà. Tất cả chúng ta cũng đều có thể như thế. Với “Trải nghiệm & khát vọng cuộc sống”, mẹ tôi đã tìm ra một cách sống mới, cho chính bà và cho những người chung quanh.

“Trải nghiệm & khát vọng cuộc sống” được tái bản nhiều lần trong suốt 50 năm, nghĩa là ngày càng có thêm nhiều bạn đọc có cơ hội chạm đến tự do và niềm vui giống như mẹ tôi. Và tôi hạnh phúc vì điều đó.

Tháng 3/ 2005

– Reeve Lindbergh

LỜI MỞ ĐẦU

Tôi bắt đầu viết những trang sách này chỉ để dành tặng cho chính mình, để suy ngẫm về cách sống, về sự cân bằng trong cuộc sống, trong sự nghiệp cũng như trong mối quan hệ với mọi người xung quanh. Với cây bút nhỏ trong tay, tôi bắt đầu viết thật tự nhiên, thoải mái. Khi những ý nghĩ đầu tiên trong tâm tưởng thành hình trên mặt giấy, tôi có cảm giác những trải nghiệm của mình có đôi phần khác biệt so với người khác (có phải tất cả chúng ta đều ảo tưởng như vậy không nhỉ?). Cuộc sống của tôi có lúc được tự do bay bổng hơn mọi người, nhưng cũng có khi lại bị giam hãm trong vòng tù túng ràng buộc.

Thêm nữa, tôi cho rằng chẳng phải tất cả phụ nữ trên thế gian này đều muốn kiếm tìm cho mình một cuộc sống mới mẻ nhiều dư vị, hay ước vọng tìm được một chốn bình yên nào đó để có thể suy tư trầm mặc. Nhiều phụ nữ cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Dưới cái nhìn của một người đứng ngoài quan sát, tôi thán phục và ngạc nhiên khi thấy họ xoay xở lần hồi cuộc sống của mình. Họ làm tốt hơn tôi rất nhiều. Với một chút ghen tị xen lẫn khâm phục và ngưỡng mộ, tôi lặng lẽ quan sát sự hoàn hảo có vẻ như rất mong manh đó trong chuỗi ngày đều đặn yên ả của họ. Có lẽ họ chẳng gặp phải bất kỳ một sự vướng víu nào cả, hoặc cũng có thể họ đã tìm được một giải pháp nào đó.

Nhưng khi tiếp tục những trang viết của mình cũng như qua những câu chuyện về những người phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau, với những mảnh đời, những trải nghiệm không giống nhau – đó là những người phải tự bươn chải để nuôi sống bản thân, những người chỉ quẩn quanh với công việc nội trợ, làm vợ, làm mẹ và cả những người có cuộc sống an nhàn hơn – tôi mới nhận ra rằng quan điểm của mình không có gì lạ thường cả. Trong những hoàn cảnh khác nhau, bằng những hình thức không giống nhau, tôi nhận ra rằng nhiều phụ nữ, cả cánh nam giới cũng vậy, đều đang vật lộn với những câu hỏi như tôi. Họ khao khát được tranh luận để tìm ra lời giải đáp khả dĩ nhất. Ngay cả những con người mà cuộc sống của họ dường như thật yên bình, phẳng lặng, được ẩn giấu đằng sau vẻ ngoài hạnh phúc – thì cũng như tôi – họ đều muốn cuộc sống của mình thêm nhịp nhàng với những khoảng lặng sáng tạo hơn, với sự điều chỉnh hài hòa hơn cho nhu cầu cá nhân và cả những mối quan hệ mới mẻ sẽ còn tiếp diễn.

Thế rồi dần dần, những trang viết này bao gồm cả những tranh luận, những tâm sự thầm kín của nhiều người, và nó không còn là câu chuyện của riêng tôi nữa bởi tôi sẽ gửi tặng lại cho những người đã từng trăn trở những suy nghĩ như tôi. Như thế, với tình cảm nồng hậu và mối giao tình đối với những người cùng chung chí hướng, tôi gửi tặng lại món quà của mình vào lòng biển khơi…

– Anne Morrow Lindbergh

ĐỌC THỬ

1. BỜ BIỂN

Bờ biển không phải là nơi lý tưởng để làm việc, học tập, viết lách hay trăn trở những suy nghĩ còn vướng bận. Lẽ ra tôi phải hiểu rõ điều này từ nhiều năm trước. Đây không phải là nơi để lý trí lên tiếng hay trí tuệ trổ tài bởi không gian nơi đây thật dịu dàng, thật nhẹ nhàng và cũng rất đỗi êm đềm. Thế mà vẫn có một người không hiểu điều này. Lòng ngập tràn hy vọng, cô mang theo chiếc túi đã ngả màu chứa đầy sách vở, những bức thư đã lâu chưa hồi âm, những cây bút chì mới chuốt và cả một bản danh sách đầy những dự định tốt đẹp. Thế nhưng quyển sách ấy vẫn chưa được giở trang nào, cây bút chì thì gãy mất ngòi, còn tập giấy vẫn trắng tinh không một tỳ vết như bầu trời trong xanh, tinh khôi không có lấy một gợn mây. Chẳng đọc, chẳng viết lách, thậm chí cũng chẳng nghĩ suy – ít nhất thì đây cũng không phải là lúc để làm những việc đó.

Ban đầu, cơ thể mệt mỏi ấy hoàn toàn biểu tình. Như đang ở trên boong tàu lộng gió, cô hờ hững buông mình xuống chiếc ghế xếp. Cưỡng lại lý trí, cưỡng lại tất cả quyết tâm của mình, cô trở về với giai điệu ban sơ của sóng biển. Sóng cuộn đến tận bờ, gió len mình qua những rặng thông, những con diệc vỗ cánh chao liệng chạm vào đụn cát vàng mịn. Tất cả làm mờ đi nhịp sống cuồng nhiệt ở chốn thị thành, những thời gian biểu gấp gáp hay lịch trình làm việc quay cuồng. Như đắm chìm trong cơn mê, cơ thể cô được thả lỏng và tâm hồn hoàn toàn thư giãn. Và rồi cô cũng sẽ giống như những thực thể nơi đây – cũng sẽ bị biển cả cuốn đi, cũng sẽ trần trụi, mênh mông, như bờ biển, với những đường nét nguệch ngoạc ngày hôm qua đã bị những đợt sóng của ngày hôm nay xóa nhòa.

Thế nhưng sau hai tuần lưu lại bờ biển, vào một buổi sáng nọ, lý trí trong cô chợt thức giấc để trở lại với đời thường – nhưng không phải trong không khí nhộn nhịp của chốn thị thành mà là trong những trải nghiệm với đại dương bao la. Lý trí ấy bắt đầu cuồn cuộn, chồm lên như muốn nuốt lấy những con sóng nhỏ hiền hòa, lững thững ngoài kia. Cô sẽ chẳng bao giờ biết những báu vật được những con sóng vô tình cuốn lên bờ cát mềm mại như tâm hồn tinh khôi ấy là gì. Có thể là một hòn sỏi tròn xoe hoàn hảo hay một vỏ sò quý hiếm nào đó từ lòng đại dương, nhưng cũng có thể là một chú ốc vặn, một nàng ốc trăng hay thậm chí là loài mực phủ.

Những thứ ấy không phải để con người ta tìm kiếm, và chúng cũng chẳng phải là thứ của cải do đào bới mà có được. Không, đừng có sục sạo dưới đáy biển vào lúc này. Điều đó sẽ đi ngược lại mục đích của cô mất thôi. Biển cả sẽ chẳng bao giờ ban tặng cho những ai nóng lòng, tham lam hay thiếu kiên nhẫn. Đào xới tìm kiếm kho báu chẳng những cho thấy sự nôn nóng, hám lợi, mà còn thể hiện sự thiếu niềm tin. Kiên nhẫn, kiên nhẫn và hãy kiên nhẫn! Đó là thông điệp mà đại dương bao la kia muốn mang đến cho tất cả chúng ta. Hãy kiên nhẫn và tin tưởng. Hãy cứ nằm như thế, mênh mông, tự nguyện như bờ biển kia, để đón chờ món quà từ biển.

2. CHIẾC VỎ ỐC XOẮN

Vỏ ốc trên tay tôi trống rỗng. Trước đây nó đã từng là nơi trú ngụ của một chú ốc, một thực thể tương tự loài ốc sên. Sau khi kẻ cư trú thứ nhất này về cõi vĩnh hằng, chiếc vỏ ốc trở thành chốn tránh nắng che mưa tạm thời của một chú ốc mượn hồn, và giờ thì chú ốc mượn hồn cũng đã bỏ đi, để lại những rãnh ngoằn ngoèo như những dây leo mỏng manh tạo hình trên cát. Chú dứt áo ra đi, để lại cho tôi chiếc vỏ ốc này, chiếc vỏ ốc từng là nơi chở che cho chú. Tôi mân mê tặng phẩm ấy trên tay, ngắm nhìn cánh cửa mở rộng vào chốn trú chân của chú, nơi chú vẫn thường xuyên ra vào. Liệu có phải nơi đây đã trở thành gánh nặng đối với chú? Tại sao chú phải rời bỏ chốn này? Phải chăng chú đang nuôi niềm hy vọng về một ngôi nhà thoải mái hơn, một nơi trú ẩn đẹp đẽ hơn?

Chiếc vỏ ốc tuy bé tí teo, đơn giản, nhưng xinh xắn và còn sáng đẹp long lanh. Nó bé xíu, chỉ bằng ngón tay cái của tôi nhưng cấu trúc thì hoàn hảo đến từng chi tiết. Hình dáng của nó cuộn phồng óng ả như những quả lê, ở giữa cuộn thành một đường xoắn, mỹ miều cho đến đỉnh nhọn. Chiếc vỏ ốc khoác lên mình một màu vàng đục mờ đã được vị mặn của nước biển gội rửa. Mỗi vòng xoắn, mỗi nếp u, mỗi đường vân ngang dọc trên vật thể hình vỏ trứng vẫn hiển hiện rõ ràng như cái ngày tạo hóa đã sinh ra nó. Tôi thích thú quan sát từng đường vòng quanh – chính là cái cầu thang xoắn ốc tin hin, nơi chủ nhân của nó vẫn đi đi về về.

Bất giác, tôi nhớ đến cái vỏ ốc của mình. Cái vỏ ốc của tôi chẳng giống như vậy. Nó rất bừa bộn với đủ mọi thứ trên đời, rêu phong với những con hàu bám u bám cục. Hình dạng của nó thật khó nhận ra. Nhưng chắc chắn là nó đã từng mang một hình hài. Hình dáng của nó vẫn còn in đậm trong tâm trí tôi. Cuộc sống của tôi, nó có hình hài như thế nào nhỉ?

Cuộc sống của tôi khởi nguồn từ chính gia đình mình. Tôi có một mái nhà êm ấm ở vùng ngoại ô New York, hạnh phúc tràn trề với một người chồng và năm đứa con. Công việc viết lách vừa là nghề cũng vừa là cái nghiệp mà tôi theo đuổi. Tuy nhiên, hình hài cuộc sống của tôi còn được xác định bởi nhiều thứ khác nữa. Chính gốc gác cội nguồn của tôi, chính nền giáo dục mà tôi thu nhận được, chính lương tâm, trái tim của tôi cùng những khát vọng của nó đã soi đường chỉ lối cho tôi. Tôi muốn cho và nhận từ gia đình mình, muốn chia sẻ với bạn bè và cộng đồng để thực hiện nghĩa vụ với con người và với thế giới, trong tư cách là một phụ nữ, một nghệ sĩ, và là một công dân.

Thực tế, điều mà tôi mong muốn hơn hết thảy, điều mà tôi xem là đỉnh cao của những khát vọng khác, chính là sự hòa hợp với bản thân mình. Tôi mong muốn sự minh mẫn sáng suốt, sức sáng tạo và nội tâm của chính mình sẽ giúp tôi hoạt động và thực hiện các nghĩa vụ một cách tốt nhất. Nếu nói theo ngôn ngữ của tâm linh thì tôi đang muốn được “thanh thản”. Tất nhiên, tôi không dùng từ này theo đúng nghĩa thần học một cách tuyệt đối. Mà ở đây, khi dùng từ “thanh thản” tôi muốn nói đến sự hài hòa trong nội tâm, để từ nội tâm sẽ chuyển thành sự hài hòa bên ngoài. Tôi đang kiếm tìm những gì mà Socrates đã đòi hỏi những người cầu nguyện khi ông nói trong tác phẩm Phaedrus: “Vẻ bề ngoài và nội tâm của một con người có thể hòa quyện làm một”. Tôi muốn đạt đến trạng thái thanh thản nội tâm để từ đó có thể sống và cống hiến như bản chất của mỗi con người vốn vậy.

Cũng mơ hồ như định nghĩa này, tôi tin rằng phần lớn mỗi người chúng ta đều nhận thức được từng thời đoạn trong cuộc đời mình. Chúng ta luôn cảm nhận được khi nào thì tâm hồn mình bị xáo động, lúc nào lòng mình đã được thanh thản, bình yên – ngay cả khi những cảm giác ấy được thể hiện bằng những ngôn từ rất khác nhau. Nhưng điều quan trọng là chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được những xung đột nội tại. Khi vui vẻ, bạn cảm thấy mình có đủ sức mạnh để làm tất cả mọi việc. Cảm giác ấy cứ như cá gặp nước, như hổ về rừng. Còn khi bạn buồn đau, bạn sẽ cảm thấy công việc nặng tựa ngàn cân, cho dù lúc ấy bạn chỉ làm một việc cỏn con là buộc dây giày. Quả thật, buộc dây giày chỉ là một trong vô số kỹ năng mà chúng ta phải học, bất kể cảm giác của ta lúc đó như thế nào. Tôi đã học hỏi được nhiều kỹ năng từ những trải nghiệm còn lưu giữ trong các tác phẩm của những thế hệ đi trước. Họ đã tốn nhiều thời gian và công sức trong việc tìm kiếm sự thanh thản, và chính trong những môi trường nhất định, những trạng thái nhất định của cuộc sống, những nguyên tắc đạo đức – chứ không phải thứ gì khác – trở nên rất hữu ích đối với sự hài hòa giữa nội tâm và vẻ bên ngoài. Trên thực tế, có những con đường nhất định mà bạn nên theo đuổi.

Đơn giản hóa cuộc sống là một trong muôn nẻo đường ấy. Tôi từng có ý định hưởng thụ một cuộc sống an nhàn, lựa chọn một vỏ ốc đơn giản mà mình có thể dễ dàng mang theo – như chú ốc mượn hồn kia vậy. Nhưng tôi không thể làm như thế. Tôi phát hiện ra rằng cuộc sống của mình không thể có chỗ cho sự nhàn hạ. Tôi còn có chồng và năm đứa con. Họ cũng lựa chọn và theo đuổi những con đường khác nhau trên thế gian này. Cuộc sống mà tôi lựa chọn là làm một người vợ, một người mẹ, và cũng là một đầu tàu với những toa hàng phức tạp, rắc rối. Nó bao gồm một ngôi nhà ở vùng ngoại ô, những công việc nội trợ nặng nhọc không tên, bao gồm sự quay cuồng giữa sự thiếu thốn và chi li dè sẻn cho cuộc sống hàng ngày. Nó bao gồm cả nơi ăn chốn ở, những bữa ăn, việc chợ búa, những hóa đơn phải thanh toán cũng như việc cân đối thu chi theo hàng ngàn cách khác nhau.

Cuộc sống ngày nay là một vòng xoay với những mối quan hệ mở rộng ngày càng phức tạp. Cuộc sống ấy đặt lên vai mỗi người gánh nặng do các nhu cầu bức thiết từ phía gia đình, xã hội, cộng đồng thông qua những áp lực về văn hóa, chính trị, xã hội, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, những việc làm từ thiện và nhiều thứ khác nữa. Đầu óc tôi quay cuồng với những vấn đề như vậy. Mỗi ngày, phụ nữ chúng ta luôn phải trình diễn những màn xiếc ngoạn mục như thế. Điều đó có thể khiến những diễn viên nhào lộn phải ganh tỵ. Hãy nhìn chúng tôi mà xem. Mỗi ngày, chúng tôi luôn phải bước đi trên sợi dây căng và thẳng tắp, vừa phải giữ thăng bằng với đống sách trên đầu, trong khi vẫn phải để tâm đến bọn trẻ, đến việc bếp núc. Dù vậy, chúng tôi vẫn phải luôn vững vàng và phải làm chủ chính mình.

Cuộc sống như thế quả thật không hề đơn giản. Nó rắc rối, phức tạp như điều mà các đức ông chồng từng trải đã cảnh báo trước với chúng ta. Nó không đưa ta đến sự hài hòa thống nhất mà chỉ mang lại sự chia lìa cách ngăn. Nó không hướng đến sự thanh thản mà chỉ góp phần hủy hoại tâm hồn. Và có thể kết luận rằng, nó không chỉ đúng với cuộc sống của riêng tôi, mà nó còn là cuộc sống của hàng triệu phụ nữ khác trên đất Mỹ.

Sở dĩ tôi nhấn mạnh đến phụ nữ Hoa Kỳ là vì ngày nay, phụ nữ Hoa Kỳ có quyền lựa chọn cuộc sống cho mình hơn phụ nữ ở bất kỳ quốc gia nào khác. Sự phát triển của rất nhiều phụ nữ trên thế giới vẫn còn bị kìm hãm bởi chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu, bởi những cuộc đấu tranh sinh tồn, bởi những lề thói chật hẹp cùng bao lo toan cho cuộc sống gia đình. Trong khi đó, phụ nữ Hoa Kỳ vẫn còn những khoảng lặng cho riêng mình; họ tương đối tự do và được quyền lựa chọn cho mình một cuộc sống thoải mái. Những khác biệt này có thể chỉ là tạm thời, nhưng xét đến những giới hạn có thực về kinh tế, văn hóa, giới tính, thì nó vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt.

Cuộc sống phức tạp không những ảnh hưởng đến phụ nữ chúng ta mà còn tác động không nhỏ đến các quý ông. Đây cũng không phải là chuyện của riêng nước Mỹ, mà nó còn là vấn đề của cả thế giới hiện đại. Và vấn đề này không chỉ giới hạn trong thời điểm hiện tại mà nó mãi sẽ là một trong những trở ngại to lớn của xã hội loài người.

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button