Quà tặng cuộc sống

Tìm Lại Chính Mình – Thích Thánh Nghiêm

1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Thích Thánh Nghiêm

Download sách Tìm Lại Chính Mình – Thích Thánh Nghiêm ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  SÁCH HAY VỀ CUỘC SỐNG

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Định dạng ebook                  

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu


Tìm lại chính mình là một trong những tác phẩm hay của pháp sư Thánh Nghiêm, liên quan mật thiết đến đời sống tâm linh của con người hiện đại. Là bậc thầy hướng dẫn đời sống tâm linh, pháp sư không chỉ bàn luận đến thành công và trưởng thành của mỗi cá nhân mà còn mở rộng tầm nhìn cho mỗi người…. Ngài cho rằng trưởng thành của mỗi cá nhân chính là sự trưởng thành của cả nhân loại, thành công của cá nhân chính là thành công của toàn xã hội, cá nhân và tập thể không mẫu thuẫn đối lập mà tác động qua lại, bổ trợ cho nhau.

Tìm lại chính mình là kết tinh của tâm từ mẫn, trí xuất trần giúp chúng ta tìm lại nẻo về bản lai diện mục, đối diện với chính mình.

LỜI DẪN

Con người hiện đại đang sống trong một hệ thống giá trị đa nguyên và hỗn loạn, ai cũng muốn tìm tự do cho riêng mình. Do muốn tìm tự do bên ngoài nên họ không biết gốc rễ của tất cả các vấn đề nảy sinh bên trong chính họ, đương nhiên họ càng không biết thực chất tất cả các đáp án đó lại nằm trong nội tâm mình. Vì vậy, muốn giải quyết triệt để các vấn đề đó, đầu tiên bạn hãy nhìn lại chính bản thân mình, trở lại với bản thân mình.

Tìm lại chính mình là một trong những tác phẩm hay của Hòa thượng Thánh Nghiêm, liên quan mật thiết đến đời sống tâm linh của con người hiện đại. Toàn bộ cuốn sách chia thành bốn phần lớn gồm: 1. “La bàn định hướng cuộc đời”; 2. “Giải thoát cho mình”; 3. “Tìm về âm thanh nội tại”; 4. “Khẳng định bản thân, trưởng thành và thể nhập vô ngã”.

Là bậc thầy hướng dẫn đời sống tâm linh của xã hội đương đại, Hòa thượng Thánh Nghiêm không giống với những tác giả bình thường chỉ bàn luận đến thành công và trưởng thành của mỗi cá nhân. Xuất phát từ tầm nhìn vĩ mô, ngài cho rằng khi con người xác định được phương hướng đúng đắn, hòa mình vào mục tiêu chung của nhân loại, tự nhiên sẽ định vị được bản thân, không đi lệch hướng. Hơn nữa, trưởng thành của mỗi cá nhân chính là sự trưởng thành của cả nhân loại, thành công của cá nhân chính là thành công của toàn xã hội, cá nhân và tập thể không mẫu thuẫn đối lập mà tác động qua lại, bổ trợ cho nhau. Nếu không có trí tuệ uyên thâm, thiếu hiểu biết cuộc đời thì làm sao có được tầm nhìn rộng lớn và sâu sắc như thế được!

Tìm lại chính mình là kết tinh của tâm từ mẫn, trí xuất trần giúp chúng ta tìm lại nẻo về bản lai diện mục, đối diện với chính mình.

ĐỌC THỬ

LA BÀN ĐỊNH HƯỚNG CUỘC ĐỜI

TÌM LẠI CÁI TÔI ĐÍCH THỰC

Tôi tin rằng, chẳng ai chịu nhận mình không biết mình là ai. Khi có người hỏi bạn là ai, chắc chắn bạn sẽ trả lời: “Tôi chính là tôi”. Nhưng bạn đã từng nghĩ cái “tôi” hoặc “chính bản thân tôi” rốt cục là cái gì chưa? Có thể từ nhỏ đến giờ, mọi người đều gọi bạn với các tên đó, bạn cũng đã nghe quen rồi, bạn sẽ cảm thấy cái tên đó chính là mình, mình mang cái tên như vậy.

Cũng có thể bạn cho rằng: “Thân thể của tôi là chính tôi, nhà của tôi chính là tôi, tư tưởng của tôi chính là tôi, năng lực của tôi là chính tôi, tài sản của tôi chính là tôi, vợ của tôi, người quen của tôi, con của tôi, đều là tôi”, tuy nhiên trong những câu nói đó chỉ thấy xuất hiện “của tôi…”, “của tôi…”, đã không nói rõ cái gì là “tôi”.

Ví dụ: Đây là thân thể của ai? Là thân thể “của tôi”. Tư tưởng của ai? Là tư tưởng “của tôi”. Quan niệm của ai? Là quan niệm “của tôi”. Phán đoán của ai? Là phán đoán “của tôi”. Tiền của ai? Chính là tiền “của tôi”. Tất cả đều là “của tôi…”, “của tôi…”.

Vậy “tôi” là cái gì?

Thực tế không có “cái tôi” đích thực!

Chúng ta không biết được mình là ai, bởi từ nhỏ chúng ta đã bị các quan niệm về giá trị bên ngoài chiếm hữu, bị hoàn cảnh vật chất dắt theo đi, trở thành nô lệ của hoàn cảnh bên ngoài mà chính mình không cảm nhận được. Vì sức khỏe của tôi, vì tài sản, những người trong nhà của tôi… của tôi, vừa khóc, vừa cười, vừa thích thú, lại vừa phiền muộn, tất cả đều vì “của tôi”, không có việc nào khác ngoài việc vì “tôi”. Đây quả là điều ngu ngốc!

Hãy suy nghĩ kỹ xem, khi chúng ta vừa ra đời, trong não của chúng ta vốn không có tri thức, học vấn và cũng không có trí nhớ, nhưng cùng với việc học tập những kiến thức trong nhiều năm, dần dần có thể phân biệt được tên, hình dạng và số lượng nhiều ít của sự vật, sau đó lại có những phán đoán về giá trị như “điều này có lợi gì với mình không? Có tốt với mình không? Ai là người yêu của mình? Ai là người không yêu mình? Tôi thích cái gì? Không thích cái gì?”. Hơn nữa trong quá trình xã hội hóa lâu dài, con người học những cách nói chiều lòng người khác, học cách che đậy cái xấu xa thậm chí che khuất cả tình cảm, cảm giác đích thực của mình. Dần dần thành thói quen nói dối lòng, làm dối ý nghĩ, cuối cùng đánh mất khả năng nhận biết về mình – về cái tôi ban sơ. Cả thân và tâm sống mãi trong tình trạng mất khả năng tự chủ.

Cái tôi đích thực phải là cái tôi đủ khả năng điều khiển được chính mình, có thể sai khiến, khống chế được các hoạt động về tình cảm của mình. Tự mình có thể làm chủ được mình, đó mới là chính mình, nếu đã muốn đi về hướng đông sẽ không đi về hướng tây; có thể giúp đỡ người khác mà không phải là đi giết người, đánh người, lại có thể điều khiển được trái tim của mình, khiến cho nó trở thành một trái tim biết hổ thẹn, biết khiêm tốn, chứ không phải là trái tim kiêu ngạo, tự cao tự đại.

Tuy nhiên, chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng bởi môi trường, dao động theo những ảnh hưởng từ bên ngoài. Theo Phật giáo, đó chính là việc thay đổi theo “nghiệp lực”. Nói đơn giản, nghiệp lực là sức mạnh của hết thảy hành vi cử chỉ trong vô lượng kiếp quá khứ ảnh hưởng, chi phối đến hành động trong đời hiện tại)

Tôi tin chắc bất kỳ ai cũng không muốn bị phụ thuộc vào hoàn cảnh, ai cũng hi vọng trở thành người có thể điều khiển được chính mình, và ai cũng muốn thay đổi nghiệp lực. Sự thay đổi này luôn luôn phụ thuộc vào ý chí của mình.

Tận tâm tận lực làm những việc có thể, học những điều nên học, gánh vác những thứ cần gánh vác, đóng góp hết sức mình, không ngừng sửa đổi bản thân, đó là phương pháp tốt nhất để tìm lại chính mình.

Chúc cho mọi người và hi vọng mọi người sẽ tìm được chính mình.

KHÔNG CÒN TRỐNG RỖNG, HƯ VÔ

Cuộc sống con người hiện đại dường như được lập trình sẵn theo công thức: sáng đi làm, chiều tan ca. Giữa những bề bộn của đời sống đôi khi con người thường thấy buồn chán, trống rỗng. Dù có rất nhiều hoạt động, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí như xem ti vi, hát karaoke, chơi bowling, leo núi, đi du lịch, nhưng vẫn không thể bù đắp được sự trống rỗng trong tâm hồn, họ không biết làm thế nào để lấp đầy khoảng trống đó.

Cuộc sống con người hiện đại là vậy. Cuộc sống của người xưa cũng chẳng có gì khác và tôi tin rằng cuộc sống của con người trong tương lai cũng sẽ thế. Có thể nói, cảm giác trống rỗng đã ngự trị trong lòng người bất luận họ sống ở đâu và thời đại nào. Vấn đề là tại sao họ cảm thấy trống rỗng? Trống rỗng là cảm giác thế nào?

Khi một người không biết được mình tồn tại ở trên thế gian này vì mục đích gì, người đó sẽ cảm thấy trống rỗng. Nhiều người sống như chỉ để cho bụng mình no nê, để cho thân mình có nơi để ở, thỏa mãn nhu cầu ăn mặc, xem thế là đủ. Dường như cơm áo gạo tiền là toàn bộ nội dung cuộc sống của họ.

Tuy nhiên, khi cơm ăn đã đủ no, quần áo luôn đủ mặc, có nhà để ở, có xe cộ đi lại, đời sống vật chất đã tạm đủ họ sẽ ý thức đến mục đích đời sống họ là gì. Nếu không tìm ra phương hướng và mục tiêu, thì sự mù mờ, cảm giác trống rỗng sẽ chiếm lĩnh, ngự trị trong lòng.

Nguyên nhân của cảm giác trống rỗng là sự buồn chán nhạt nhẽo. Giống như con thuyền mờ mịt phương hướng trên đại dương, không có điểm dừng, không có sự tác động của những cơn gió to, sóng lớn. Chạy về hướng nào cũng như nhau, thậm chí không di chuyển cũng không sao. Khi không di chuyển giống như người không có việc gì để làm, khi chuyển động lại cảm thấy đó không phải là hướng đi của mình và cảm thấy nhàm chán, cuối cùng là đi vào cảm giác trống rỗng mơ hồ. Khi cảm giác trống rỗng kia ngự trị tâm hồn bạn, cho dù có những hoạt động vui chơi có sức cuốn hút như chơi bowling, xem phim, uống rượu, hát karaoke, xem chương trình truyền hình hấp dẫn,… cũng không đem lại cho bạn cảm giác vui vẻ đích thực. Có thể chúng chỉ tạm thời làm bạn tê liệt, kích thích bạn, khiến bạn bận rộn công việc nào đó để đánh lừa cảm giác của mình. Khi mọi thứ qua đi cảm giác trống rỗng sẽ quay lại với bạn.

Ngoài ra còn có một trạng thái tâm lí khác. Chẳng hạn, khi bạn không đạt được những thứ mình muốn, những ước nguyện không thành sẽ từng bước khiến bạn rơi vào cảm giác trống rỗng. Khi bạn cố gắng nhưng không thể, muốn tiến lên nhưng không tiến được bạn sẽ thấy cuộc sống trôi qua trong nhàm chán và buồn bã.

Có người theo tôi đi học Phật, khi mới bắt đầu nói: “Sư phụ, con muốn được tu hành”, tôi nói: “Được thôi, anh dự định tu hành thế nào?”. Anh ta trả lời: “Con muốn xuất gia”.

Sau khi xuất gia, ngày nào người đó cũng mong được thụ giới. Sau một thời gian có thể chấp nhận thụ giới, tôi cho phép đi thụ. Thụ xong, người đó muốn ngày ngày được giác ngộ. Giác ngộ là điều không thể mong muốn làm trong một sớm một chiều, thế nhưng vẫn ước ao mong đợi. Kết quả, một ngày nọ anh nói với tôi: “Sư phụ, con nghĩ con không thích hợp với việc xuất gia, cũng không hợp với tu hành. Con cảm thấy rất buồn chán, từ sáng đến tối, hết ngày này sang ngày khác đều trôi đi như vậy. Khi ở nhà, con đã sống như thế, không ngờ sau khi xuất gia, cũng sống như vậy. Vẫn là ăn cơm, ngủ nghỉ, đi vệ sinh. Bây giờ con cảm thấy thật nhàm chán, con nghĩ rằng mình không thích hợp với việc xuất gia, về nhà vẫn hơn.”

Trống rỗng, buồn chán chính là do con người không ngừng theo đuổi những thứ tốt hơn so với hiện tại. Nhưng theo đuổi sẽ không có điểm dừng bởi luôn có những thứ tốt đẹp hơn trước mắt. Nếu có tâm lí theo đuổi như thế, đến khi cận kề với cái chết, người đó vẫn cảm thấy trống rỗng, bởi họ nghĩ rằng “những thứ mình cần vẫn chưa có được, lẽ nào mình lại phải chết?”

Theo tôi, xuất thân từ một người học Phật, tu hành, tôi cảm thấy cuộc sống hết sức phong phú, rất thiết thực. Bởi vì tôi biết mục tiêu hiện tại mà tôi cần làm là cái gì, cũng biết được hiện tại tôi cần đón nhận những gì… Tất cả đều đến từ mối liên hệ nhân quả: những gì có được bây giờ, đều là do quá khứ mình tạo nên; tương lai có được những gì, do hiện tại mình làm. Hiện tại cái tôi có được là nhân quả trong quá khứ, hơn nữa những điều mà tôi đang làm, những cố gắng của tôi đều là phương hướng chuẩn bị cho tương lai tốt đẹp của tôi.

Khi một người sống không có mục đích, sống không ý nghĩa, họ sẽ thấy cuộc sống trống rỗng, thậm chí họ chỉ là một cái xác không hồn. Tôi từng nói, mục đích cuộc sống là để nhận lấy sự hồi báo, hồi đáp lại những nguyện vọng; giá trị và ý nghĩa của cuộc sống chính là sự cống hiến, lợi mình, lợi người.

Nếu bạn nhận thức và có cách nhìn nhận cuộc đời như thế, tôi tin chắc bạn sẽ xua tan hết cảm giác nhàm chán, trống trải trong lòng.

BẬN NHƯNG VUI, MỆT MÀ HOAN HỶ

Muốn thành công trong bất kì một ngành nghề nào bạn đều phải có sự nỗ lực. Có thể bạn phải sống vất vả, ăn không ngon, ngủ không yên! Muốn có danh lợi, bạn phải lao động suốt ngày suốt tháng trong thế giới quay cuồng này. Nhưng chúng ta bận rộn thế rốt cục vì cái gì? Trong cái hữu hạn của đời mình, điều gì là mục tiêu bạn theo đuổi?

Quan niệm chung của mọi người đều cho rằng: “Vất vả vì ai, bận rộn vì ai?” Bận rộn cả một đời, kết quả người trước trồng cây nhưng người sau sẽ hưởng bóng mát. Người khác trồng cây để cho chúng ta hưởng bóng mát, thật tuyệt vời. Nhưng chúng ta trồng cây để người khác hưởng bóng mát, ta sẽ cảm thấy không công bằng, không chịu nổi. Thành quả do mình cố gắng làm lại để cho người khác hưởng thụ, dường như chúng ta đã bỏ ra công sức vô ích, bận rộn phí hoài cả một đời. Người hưởng thụ những thành quả của người khác lại cho rằng: “Hưởng bóng mát phải trả ơn thì không hưởng, ăn cơm phải trả tiền không ăn.”

Thực ra, tất cả mọi thứ gồm xã hội loài người, môi trường thế giới hiện tại đều nhờ sự cố gắng của tổ tiên nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ. Chúng ta đã được kế thừa tất cả mọi người trên thế giới, những truyền thống văn hóa và tinh hoa trí tuệ nhân loại mới có được một nền văn minh ngày nay.

Song song với việc hưởng thụ, có bao giờ chúng ta nghĩ: Chúng ta kế thừa biết bao ân huệ của những người đi trước? Có được bao nhiêu lợi ích của người khác, nếu không cố gắng, có lỗi với người đi trước, mắc tội với con cháu mai sau?

Theo quan điểm đạo Phật, mọi người vất vả để thành tựu công đức. “Công đức” nói một cách đơn giản, dễ hiểu đó chính là những thành tựu trong cuộc sống, vậy đó là thành tựu gì?

Đời người sống ngắn ngủi, chỉ vài chục năm. Phạm vi cuộc sống, đối tượng tiếp xúc có hạn. Tuy nhiên, nếu mỗi người chúng ta luôn có cố gắng để cống hiến cho xã hội, sẽ sáng tạo ra những giá trị chung cho cuộc sống loài người, đồng thời sáng tạo những giá trị lịch sử thời đại chúng ta đang sống. Đấy chính là công đức, là thành tích đạt được trong cuộc sống.

Phật giáo cũng cho rằng, cuộc sống của chúng ta vô hạn. Về phương diện thời gian, có đời đời kiếp kiếp vô tận trong quá khứ và cũng có đời đời kiếp kiếp vô tận ở tương lai. Từng thế hệ của chúng ta sẽ chuyển đổi luân hồi cho đến khi thành Phật, đó là sự viên mãn cuối cùng. Về mặt không gian, trái đất chúng ta đang sống, ngoài thế giới này ra còn có thế giới mười phương rộng lớn vô tận.

Vì vậy, ngoài việc phải có trách nhiệm với cuộc sống hiện tại chúng ta còn có trách nhiệm đối với vô lượng nghiệp trong quá khứ và vô lượng nghiệp quả trong tương lai của hết thảy chúng sinh, hết thảy thế giới trong tam thiên đại thiên thế giới. Ngoài ra đó không chỉ là trách nhiệm đối với cá nhân mà còn là trách nhiệm với cuộc sống của nhân loại trên trái đất, thậm chí những chúng sinh ở thế giới vô tận bên ngoài trái đất cũng phải có trách nhiệm.

Vì vậy, bắt buộc chúng ta phải cố gắng. Ngoài việc cố gắng vì con đường phía trước của mình, cần cố gắng vì tất cả chúng sinh trong thế giới mười phương vô tận. Không những cần xây dựng cõi tịnh độ ngay trong thế giới chúng ta, mà còn mong muốn xây dựng cõi tịnh độ khắp mười phương thế giới. Như vậy, bận rộn, mệt mỏi của chúng ta là điều cần thiết phải làm.

Chư Phật, chư Bồ Tát không bao giờ ngừng nghỉ công hạnh lợi sinh. Công việc chúng ta nhiều, mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi, nhưng chư vị Bồ Tát sẽ không bao giờ nói: “Hôm nay tôi xin nghỉ độ sinh!” cả. Nếu chư vị Bồ tát nghỉ một giờ nghĩa là chúng sinh đã niệm danh hiệu phí một giờ. Thực ra bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể niệm danh hiệu Quan thế âm Bồ Tát; Quan thế âm Bồ Tát lúc nào cũng đến để giúp đỡ chúng ta. Ở Đài Loan niệm Quan Thế Âm Bồ Tát có tác dụng, ở Ấn Độ niệm cũng có tác dụng, ở Mỹ cũng vậy. Với thế giới chúng ta, niệm danh hiệu ngài có tác dụng, niệm ở thế giới khác cũng có tác dụng. Bồ Tát có mặt khắp mọi lúc, mọi nơi, mọi không gian và thời gian.

Vậy khi Bồ Tát thành Phật có nghỉ ngơi không? Thích Ca Mâu Ni trước khi thành Phật, gian khổ tu hành, sau khi chứng thành Phật quả, vẫn không biết nghỉ ngơi, vẫn tiếp tục độ sinh. Suốt hơn 40 năm, ngài đi hết hai bên bờ sông Hằng, thuyết pháp giáo hóa chúng sinh. Đức Phật chưa từng trú yên một nơi mà luôn đi hoằng hóa cho đến khi nhập niết bàn. Trước khi thị tịch ngài vẫn tiếp tục thuyết pháp, phổ độ chúng sinh: độ sinh là bản hoài[1] của ba đời chư Phật, ngài chưa bao giờ hết bận rộn vì công hạnh độ sinh.

[1] bản hoài: chỉ hoài bão chính, thệ nguyện chính của chư Phật. (ND)

Chỉ cần làm được “Bận, bận, bận bận đến vui vẻ; mệt, mệt, mệt, mệt đến thích thú”. Lấy trí tuệ soi đường, dùng từ bi nhiếp hóa chúng sinh. Bận rộn để thành tựu công đức, bận rộn để hóa độ chúng sinh, bận rộn để ban vui, cứu khổ ấy chính là tinh thần của chư vị Bồ Tát.

SẮP XẾP CUỘ̣C SỐNG VẸN TOÀN

“Kế hoạch cuộc đời” là cụm từ phổ biến hiện nay. Tuy nhiên khi nói đến kế hoạch cuộc đời mọi người chỉ tập trung ở quá trình từ sinh ra đến chết đi, chỉ dựa vào cuộc sống hữu hạn của cá nhân để vạch kế hoạch nhằm mang lại một cuộc sống trọn vẹn. Quan niệm này sẽ không thuộc phạm vi của kế hoạch mà tôi muốn nói. Theo quan điểm Phật pháp, cuộc đời không chỉ giới hạn trong cuộc sống hiện tại, không giới hạn trong quá trình ngắn ngủi từ sinh ra đến chết đi mà là quá trình kéo dài vô tận.

Hơn nữa kế hoạch cuộc đời của hầu hết mọi người đều mang giá trị hướng ngoại, chỉ tập trung quanh lĩnh vực trí tuệ và công việc. Kế hoạch cuộc đời chuẩn xác nên bắt nguồn từ sự thức tỉnh nội tại, quy hoạch những phẩm chất của toàn bộ cuộc đời, tìm ra điểm cân bằng của cuộc sống, đó mới chính là kế hoạch cuộc đời viên mãn.

Cũng có thể nói, kế hoạch cuộc đời đích thực bao gồm hai loại “hữu hình” và “vô hình”. Kế hoạch hữu hình là cái hướng ngoại, những vật chất, những hình thái cuộc sống, cái vô hình là những cái thuộc về nội tại, sự truởng thành của khả năng tự kiềm chế, của tính cách, nhân phẩm của chúng ta. Kết hợp giữa kế hoạch hướng ngoại và hướng nội với nhau, đó mới là kế hoạch cuộc đời của chúng ta.

Khi bàn đến kế hoạch cuộc đời, tôi thường đưa ra hai nguyên tắc cho mọi người, thứ nhất cần có “tính định hướng”, thứ hai cần có “điểm đặt chân”, điểm đặt chân và tính định hướng có mối liên hệ tương hỗ. Nếu một người không có điểm đặt chân, sẽ không có điểm tựa để bật lên, giống như chiếc thuyền không có mỏ neo: nếu như thiếu đi tính định hướng hướng, giống như con thuyền trôi trên mặt đại dương, không có la bàn dẫn đường, rất dễ gặp nguy hiểm.

Ngoài ra, bắt đầu từ sự hiểu biết, chúng ta nên có một kế hoạch cuộc đời. Gọi là hiểu biết, không phải dựa vào tuổi tác làm tiêu chuẩn, mà dựa vào sự trưởng thành của tâm sinh lý làm tiêu chuẩn. Cũng có thể nói, khi suy nghĩ của chúng ta đã chín muồi, nên bắt đầu có kế hoạch cuộc đời cho chính mình.

Khổng Tử nói: “15 tuổi ta dốc chí vào việc học, 30 tuổi đứng vững trong đời, 40 tuổi không còn nghi ngờ, 50 tuổi biết mệnh trời, 60 tuổi nghe gì cũng xuôi thuận, 70 tuổi thì thích gì làm nấy nhưng không trái với quy củ”. Nhưng khi Khổng Tử nói những điều như vậy, ông đã là một nhà tư tưởng lớn. Thông thường những thiếu niên mười mấy tuổi, không hiểu được thế nào là cuộc đời, định hướng cuộc sống, trường hợp này chúng ta không cần phải bàn đến hai chữ kế hoạch. Lúc đó, cha mẹ, nhà trường, xã hội và các phương tiện truyền thông, hướng dẫn thanh thiếu niên lập kế hoạch cho tương lai của mình, chỉ dẫn cho họ nên làm như thế nào cho tương lai.

Giúp đỡ thanh thiếu niên có kế hoạch cuộc đời, nên hướng dẫn họ định hướng cuộc đời. Vì vậy trong giáo dục, nên dựa theo khả năng trí tuệ của mỗi em, sự phát triển về tính cách và khuynh hướng, cho chúng biết được thiên phận và tư chất tự nhiên của mình, đồng thời cần dựa vào những điều kiện vốn có của chúng để phát triển, tiếp đó giúp đỡ họ xây dựng được nhân sinh quan đúng đắn. Ví dụ: trẻ nhỏ thích vẽ, nên hướng sự phát triển của chúng về lĩnh vực hội họa, những đứa trẻ thích âm nhạc, nên hướng sự phát triển của chúng về việc ca hát hoặc học cách sử dụng các nhạc khí, trẻ thích viết lách, nên hướng chúng phát triển theo lĩnh vực văn nghệ.

Thậm chí với những người trưởng thành cũng cần có kế hoạch cuộc đời. Một mặt cần nắm được tài năng, sở trường của mình; mặt khác cần tìm hiểu những nguồn tài nguyên, điều kiện hữu ích ở bên ngoài. Một khi đã nắm rõ được khuynh hướng về tài năng của mình và điều kiện hữu ích giúp phát triển tài năng ngoại tại, mới có thể tìm thấy phương hướng của cuộc sống, làm tốt được kế hoạch cuộc đời.

Đương nhiên, trí tuệ và sức khỏe của mỗi người khác nhau, môi trường, điều kiện giáo dục không giống nhau, vì vậy ở độ tuổi nào cần có công việc tương ứng, kế hoạch cuộc đời cũng không nhất định phải giống người khác. Ít nhất bạn cần định hướng cho riêng mình, như vậy mới biết được phương hướng để phấn đấu, nên đi về hướng nào trong tương lai.

XÁC ĐỊNH PHƯƠNG HƯỚNG

“Xác định hướng đi cho cuộc sống” là quan niệm tôi thường nêu ra trong những năm trước đây.

Thực chất không chỉ là thanh niên, người trung niên, người già đều cần có phương hướng. Bởi nếu người trung niên không có phương hướng, rất dễ đối diện với tình cảnh “người đến tuổi trung niên mọi việc đều rất đau khổ”, người già không có phương hướng, sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng khi sắp từ giã cuộc đời.

Vì vậy, trong cuộc đời của chúng ta, cần liên tục nhắc nhở về phương hướng của của cuộc đời. Có một kế hoạch lâu dài, con người mới không cảm thấy mù mờ khi bước vào ngã rẽ của cuộc sống.

Cái gọi là phương hướng của cuộc sống, thực chất chính là mục tiêu của cuộc sống. Đầu tiên cần xác định đúng phương hướng chủ đạo sau đó mới xác định mục tiêu thứ yếu, như vậy phương hướng thứ yếu mới không bị sai lệch. Sau khi xác lập được mục tiêu chính, thì những mục tiêu thứ yếu khác đều phải bổ trợ cho mục tiêu chính này. Công việc có thể thay đổi, nghề nghiệp có thể thay đổi dễ dàng, môi trường công việc có thể thay đổi, điều duy nhất không thay đổi chính là nỗ lực theo phương hướng đã chọn. Nếu chúng ta không có những mục tiêu lớn, lâu dài, sẽ rất dễ dàng mất phương hướng.

Trong hoạt động thực tiễn, lúc nào cũng cần dựa vào mục tiêu chính, xem đó là tiêu chuẩn trong việc tu thân. Ví dụ, mục tiêu lớn nhất của bạn là theo đuổi sự nghiệp phúc lợi vì đất nước và xã hội, vậy liệu bạn có thể hại rất nhiều người để có được một khoản tiền phi pháp, hoặc làm một số việc xấu để có quyền lực rất mạnh trong tay? Đương nhiên là không làm được, bởi những việc đó trái với mục tiêu lớn mà bạn đã đặt ra.

Vậy nên quyết định như thế nào đối với mục tiêu của chúng ta?

Cần dựa vào những điều kiện mà mình có được, cộng với môi trường xung quanh và bối cảnh thời đại để quyết định phương hướng, chúng ta không nhất định làm một nhân vật vĩ đại hoặc phải là một người thành công, nhưng nhất thiết cần bồi dưỡng nhân cách cao đẹp và có sự ổn định trong cuộc sống. Trong đó sự yên ổn về tinh thần chính là mục tiêu quan trọng nhất.

Rất nhiều người thường hiểu nhầm ý nghĩa của xác định phương hướng, cho rằng thiết lập phương hướng nghĩa là đang chuẩn bị làm việc gì đó to lớn. Làm việc có sự quyết tâm sẽ có lợi cho mình, nhưng đôi khi hoàn cảnh không cho phép bạn có thể hoàn thành được điều đó. Ví dụ, nếu bạn muốn kiếm được nhiều tiền hoặc muốn trở thành một ông chủ của doanh nghiệp lớn, điều này rất tốt, nhưng nếu không đạt được mong muốn đó, bạn vẫn phải tiếp tục sống, không nên vì điều đó mà mất đi mục tiêu cuộc sống. Hơn nữa dù là kiếm tiền hay trở thành ông chủ doanh nghiệp đều không phải là phương hướng đích thực trong cuộc sống.

Phương hướng đích thực chính là trong cuộc đời cần luôn giữ sự yên ổn về tinh thần, sức khỏe, sự an toàn và hạnh phúc của mọi người.

Với tôi, do hiểu được năng lực của mình, cũng biết được mình nên làm gì, không nên làm gì, vì vậy tôi sẽ không bị mất phương hướng. Nếu có người nhờ tôi làm những việc trái với phương hướng của tôi, họ đưa ra những điều kiện rất tốt với tôi, tôi cũng sẽ không bị sự mê hoặc mà giúp họ.

Một khi đã quyết định được phương hướng, không nên đứng núi này trông núi nọ mà thay đổi. Mặc dù đường đời đầy rẫy chông gai, khó khăn, nhưng chỉ cần phương hướng của chúng ta không đổi, dù con đường có gian khổ đến mấy, dù đó là con đường lớn hay nhỏ, cuối cùng ta vẫn bước đi được trên con đường của mình.

CUỘC SỐNG KHÔNG CÒN TRỐNG TRẢI VÔ NGHĨA

Hiện nay, đa số chúng ta không còn sợ thiếu thốn về đời sống vật chất nữa, nhưng điều đó không có nghĩa là nội hàm trong cuộc sống chúng ta được nâng cao. Suy cho cùng, chúng ta là người chứ không phải động vật, không chỉ cần thỏa mãn bản năng, dừng ở đời sống vật chất, mà còn phải có đời sống tinh thần phong phú. Nhưng con người không thế, nếu tồn tại chỉ để thỏa mãn bản năng, chúng ta đâu có điểm gì khác so với động vật?

Hiện nay, hầu hết mọi người trên thế giới đều đang theo đuổi sự thỏa mãn về vật chất, tuy nhiên cuộc sống vật chất chỉ làm cho ngũ quan chúng ta bị kích thích, tê liệt, không thể khiến cho trái tim của chúng ta được trong sạch, cũng không thể khiến cho chúng ta cảm thấy sự toàn vẹn. Bởi sự hưởng thụ và kích thích của vật chất chỉ tạm thời, an ủi mình trong thoáng chốc, khi qua đi nó sẽ để lại khoảng trống vô biên trong tâm hồn. Để bù đắp khoảng trống đó, nhiều người lao mình vào các cuộc chơi như rượu chè, cờ bạc, cá độ bóng đá như con thiêu thân lao mình vào đống lửa, cuối cùng trở thành kẻ nô lệ vật chất. Cứ như vậy, một người từ khi sinh ra đến chết, do cảm thấy trống rỗng trong lòng mà luôn theo đuổi sự thỏa mãn vật chất, càng theo đuổi càng thấy trống rỗng. Cuộc sống cứ lặp lại như vậy, tính ác lại trỗi dậy. Trạng thái đó kéo dài cho đến khi sắp đi xa cuộc đời, thật bi thương, đáng sợ! Chết là điều lo sợ nhất, tiếc nuối nhất của con người.

Vì vậy để đời sống tinh thần phong phú, chúng ta nên bắt đầu từ việc làm trong sạch nội tâm. Tuy nhiên nếu chỉ nói mà không làm khác nào bàn binh pháp trên giấy?

Vậy, làm thế nào để nâng cao đời sống tinh thần?

Có người dùng nghệ thuật để nâng cao tinh thần, có người dùng tư tưởng hoặc quan niệm triết học để làm phong phú cho mình. Nhưng đó chỉ được coi là một nhà họa sỹ, nhà tư tưởng, nhà triết học, khi họ vẽ tranh, đọc sách, dạy học hay thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật, có thể trong lòng cảm thấy thỏa mãn, khi tưởng tượng, suy luận, khi viết văn hoặc khi giảng giải, có vẻ như cảm thấy tràn đầy sự tự tin, nội dung thật phong phú, nhưng một khi đã rời xa những thứ đó, họ vẫn cảm thấy trống rỗng.

Chúng ta từng nghe nhà chính trị than “càng lên cao càng lạnh”, người làm kinh tế than “thời gian không cho phép”, người theo đuổi văn học than “trước không gặp được cổ nhân, sau không biết đến người sẽ gặp”. Bất kì ai cũng có nỗi niềm cô đơn riêng, nhà triết gia cũng có sự cô đơn của triết gia, nhân vật vĩ đại cũng có sự cô đơn của vĩ đại. Một khi lòng mình còn cảm thấy trống vắng, cô đơn chứng tỏ cuộc sống bạn chưa phải phong phú về mặt tinh thần đích thực.

Theo quan điểm các nhà tôn giáo, đời sống tâm linh là một thứ quý báu khiến cho cuộc sống tinh thần trở nên đầy đủ và phong phú. Con người sẽ không bị trống rỗng và cũng không cảm thấy cô đơn.

Với tôi, mặc dù hiện tại tôi không có tài sản, cô đơn, trông có vẻ trống rỗng, nhưng khi tôi niệm Phật, Phật sẽ luôn bên tôi, khi tôi niệm Bồ Tát, Bồ Tát sẽ ở trước mặt tôi. Cũng vậy, khi tôi nghĩ đến chúng sinh, chúng sinh sẽ luôn ở bên tôi, khi tôi nghĩ đến thế giới cực lạc ở Tây Phương, lập tức tôi như được sống trong thế giới cực lạc. Như vậy, tất nhiên tôi sẽ không cảm thấy cô đơn, trỗng rỗng.

Mặc dù con người yếu đuối, thời gian và sức lực của chúng ta có hạn, nhưng vì cuộc đời quá ngắn ngủi, năng lực không đủ, nên cần phải được hiến dâng tích cực. Cần có niềm tin của tôn giáo sẽ tốt hơn. Nhưng niềm tin này cũng không phải là thứ hư vô, chúng phải có được thông qua quá trình thực tiễn và sự lĩnh hội sâu sắc của bản thân mọi người.

MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA, GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG

Trong cuộc sống hối hả, bận bịu, bạn đã từng suy tư về ý nghĩa và giá trị của cuộc sống? Có phải là để kiếm kế sinh nhai, kiếm quần áo mặc? Hay là để cầu tài, cầu danh, cạnh tranh với người khác?

Nhiều người tham sống sợ chết, tham danh cầu lợi, tranh đoạt… từng ngày trôi đi. Nhìn thấy mọi người muốn, tôi cũng muốn, mọi người không muốn, tôi cũng không thèm. Cho rằng cái mà mọi người đều muốn, đó phải là cái tốt đẹp, vì vậy tranh nhau cướp lấy, tuy mình chưa từng nghĩ bản thân thực sự cần cái đó? Dù sao mọi người đều muốn thì tôi cũng muốn, mọi người không cần thì mình lập tức vứt nó đi, bởi vì mọi người đã không cần, tôi vẫn muốn nó làm gì nữa?

Giống như con kiến, thông thường chúng chỉ cần những thứ mà chúng cảm thấy ngon, các chú kiến khác lần lượt sẽ vây quanh để cùng đi. Nhưng đó không phải là hành vi của con người. Con người cần có quan niệm rằng “Cái tôi cần chưa chắc người khác cần, cái người khác muốn chưa chắc là cái tôi muốn” đó mới chính là nhân cách độc lập đích thực. Tuy nhiên, đa số mọi người đều thích a dua theo người khác, đó là một hiện tượng đáng buồn.

Một người nếu sống không có mục đích, nhất định sẽ cảm thấy vô cùng trống rỗng, cảm thấy cuộc đời không có giá trị gì, giống như cái xác không hồn.

Nhưng mỗi một mạng sống con người đều có nhân quả, đều quý giá tượng trưng cho ý nghĩa nào đó. Vậy, mục đích sự sống con người là gì? Cuối cùng sẽ đi về đâu? Sẽ trở thành cái gì?

Theo quan điểm Phật giáo, cuộc sống của người phàm là để thụ báo và trả nợ. Phật, Bồ Tát ứng thế để thực hiện hoài bão độ sinh. Nếu nhận thức được thân thể con người quý báu không dễ gì có được, có thể biết được điều thiện và điều ác, vì cái thiện mà xua đi cái ác, cuộc sống con người sẽ có ý nghĩa. Nếu từng bước cống hiến tích cực, đem lợi cho mình và người khác, thì cuộc sống có giá trị biết bao.

“Thụ báo” là: Chúng ta cần phải chịu trách nhiệm về những hành vi chúng ta làm, nói năng, suy nghĩ. Cuộc đời chúng ta là quá trình tự làm tự chịu, những điều mà chúng ta đã làm và những hành vi thiện ác của cuộc đời, kết hợp tạo thành cuộc đời hiện tại của một con người, đó chính nguyên nhân tồn tại của sự sống con người.

Có nhiều hiện tượng thoạt nhìn chúng ta thấy bất công, và chúng ta cũng không có cách nào giải quyết. Ví dụ có người rất cố gắng, nhưng không thành công, có người chẳng cần cố gắng vẫn thuận buồm xuôi gió, luôn gặp may mắn. Nhưng chúng ta thấy bất công. Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần truy nguyên quá khứ, tìm về nguyên nhân sâu xa trong quá khứ vô tận, những hành vi mà chúng ta đã làm, những thứ vẫn chưa báo có thể sẽ báo lại trong đời hiện tại, hoặc có thể báo trong đời sống tương lai khác. Hơn nữa những hành vi mà mình làm, có cái tốt, cũng có cái xấu, tạo nghiệp tốt sẽ nhận được phúc báo, tạo nghiệp ác sẽ chịu đau khổ.

Giá trị cuộc sống con người là gì? Nhiều người cho rằng giá trị cuộc sống của con người là có tiền bạc, có địa vị, có danh lợi, được người khác tôn trọng. Ví dụ, thăng quan tiến chức, áo gấm vinh quy khiến cho người thân, hàng xóm và bạn bè ở quê thơm lây, không những thể hiện giá trị của cá nhân, mà cả quê hương, gia đình cũng hưởng phúc theo. Tuy nhiên đó phải chăng là giá trị đích thực?

Giá trị đích thực không phải là hư vinh của dòng họ gia tộc mà nó nằm ở những cống hiến thiết thực của bạn. Nếu bạn là người đầu cơ mưu lợi, tranh giành quyền thế danh lợi, dù lúc đó sẽ rất tự hào vẫn cũng không phải là giá trị đích thực. Bởi giá trị đó là mặt trái của nó, tạo ác nghiệp, tương lai bạn sẽ phải trả nợ theo nhân xác đã gieo đó.

Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng: có bao nhiêu sự cống hiến sẽ có bấy nhiêu giá trị. Ví dụ, trong thời gian này tôi đang giảng về Phật pháp cho mọi người, đó chính là giá trị của tôi. Nếu trong thời gian này, tôi đang ngủ, ăn cơm hay cãi nhau với người khác, thì tôi chẳng tạo ra giá trị gì cả. Giá trị của cuộc sống chính là việc tạo ra những điều có lợi cho người khác, hơn nữa nó có lợi đối với sự trưởng thành của chính mình.

Chúng ta có thể lập thệ nguyện cho đời mình. Nguyện vọng đó dù lớn dù nhỏ, có thể chỉ là sự cầu nguyện: “Cảđời này của tôi chỉ muốn làm người tốt” cầu nguyện trong cuộc đời này, mình không làm điều xấu, không lười biếng, không đầu cơ mưu lợi, tận tâm tận lực với trách nhiệm của mình. Cho dù cả đời này làm không tốt cũng không sao, bởi vẫn còn cuộc sống mới để nỗ lực. Cuộc đời như vậy, mới có giá trị, có ý nghĩa và tràn đầy hi vọng.

NGUYỆN VỌNG CỦA CON NGƯỜI

Khi còn nhỏ, ai cũng có ước mơ, nguyện vọng riêng, ai cũng nghĩ “Tương lai tôi sẽ làm…”. Nhưng khi trưởng thành, liệu ước mơ kia có thực sự trở thành hiện thực? Một khi cuộc sống gặp khó khăn, lại tự hỏi “Tại sao tôi sinh ra trong đời để tôi phải sống đau khổ, vất vả thế này!”

Theo quan điểm của Phật giáo, bạn không đơn giản do bố mẹ đã sinh ra mà chính bạn tự đến với thế giới này, mục đích bạn đến đáp nguyện, thực hiện những ước nguyện khác. Trong cuộc đời ngắn ngủi, chúng ta thường vì cầu nguyện cho điều gì đó, nhận lời với một người nào đó, cầu nguyện và chấp thuận như vậy. Trong vô số kiếp quá khứ không biết bao lần chúng ta đã hứa nguyện như thế. Vì vậy Phật giáo cho rằng, những điều cầu nguyện trong quá khứ, cả đời này vẫn tiếp tục cầu nguyện, hơn nữa những điều đã từng cầu nguyện mà chưa được thực hiện, vẫn chưa thành hiện thực, vẫn cần tiếp tục cầu nguyện ở cuộc đời này hay ở tương lai.

Cũng có người từng nói: “Đó chính là ý nghĩa, và mục đích về cuộc sống của các tín đồ Phật giáo. Tôi không phải là tín đồ Phật giáo, tại sao tôi lại biến những cầu nguyện và việc thực hiện ước nguyện trở thành mục đích của cuộc sống?” Nhất định sẽ có người hỏi như vậy, thậm chí ngay cả tín đồ Phật giáo cũng sẽ nghĩ như vậy.

Xét theo một phương diện khác, “ước nguyện” và “thực hiện những ước nguyện” thực ra đó là lời hứa của chúng ta đối với cuộc sống, cho dù là người không học Phật pháp cũng sẽ coi trọng lời hứa giữa con người với nhau, huống hồ đó là lời hứa của mình với chính mình. Nếu bạn đã từng nghĩ: “Nếu tôi có thể…, tôi sẽ…” hoặc “Nhưng nếu nguyện vọng của tôi có thể…, vậy tôi muốn…” Có những lời nguyện cầu tương đối ổn định, nhưng có những nguyện cầu luôn thay đổi, đó phải chăng là sự cầu nguyện? Phải chăng là sự thực hiện nguyện vọng?

Chỉ cần có nhiều ước mơ với con đường phía trước, cho rằng trước mắt mình luôn có đường để đi, nhất định họ sẽ có chí nguyện và sự mong đợi, đó chính là cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, họ sẽ không ngừng cố gắng thực hiện ước nguyện, ước nguyện hoàn thành, họ vẫn tiếp tục cầu nguyện. Nếu nguyện vọng này nghĩ cho người khác, không chỉ cho riêng mình, người đó sẽ dần hoàn thiện nhân cách. Bất luận ước nguyện lớn hay nhỏ đều sẽ thành công, nhờ thế họ sống có ý nghĩa.

Riêng tôi, do lúc nhỏ nhà nghèo, bố mẹ không có đầy đủ quần áo, cơm gạo và tiền bạc để nuôi con cái, thậm chí có lúc không có gì cả, vì vậy mẹ tôi luôn cảm thấy có lỗi với các con. Lúc đó tôi có cầu nguyện, tôi nói: “Mẹ à, không sao cả, mặc dù bây giờ chúng ta rất nghèo, nhưng hãy đợi con lớn lên, con nhất định sẽ kiếm được nhiều tiền để mọi người tiêu. Đến lúc đó, mẹ sẽ không nhắc đến từ nghèo nữa.”

Tôi vẫn luôn luôn nhớ lời cầu nguyện của mình, nhưng cho đến bây giờ, tôi mãi mãi vẫn không có cơ hội để thực hiện điều đó. Tôi nên làm thế nào để bù đắp điều này? Tôi chỉ còn cách trở thành người công hiến cho tất cả, cho mọi người, dựa vào việc giúp đỡ người khác để thể hiện sự tưởng nhớ và hoài niệm đối với cha mẹ tôi. Đó chính là “thực hiện nguyện vọng”.

Để thực hiện nguyện vọng và cầu nguyện, mọi người cần có trách nhiệm, cố gắng hết mình.

Tinh thần trách nhiệm là thái độ sống lành mạnh, bởi khi một người có tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ sẽ có cơ hội nhận ra năng lực của mình, từ đó khẳng định bản thân. Với những người thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ rất khó trong việc tự đánh giá năng lực bản thân. Người không tự đánh giá được năng lực bản thân sẽ mãi mãi mất đi mục tiêu và ý nghĩ tồn tại của mình. Tâm lý họ cũng sẽ không lành mạnh, không vui vẻ thoải mái trong lòng.

Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta cần hóa thân vào những những nhân vật khác nhau, ở nhà bạn có thể là người con, người chồng, là người cha hoặc là con gái, người vợ, người mẹ. Ở đến nơi làm việc, bạn lại là nhân viên, ở trường học, có thể bạn là giáo viên, cũng có thể là học sinh.

Những nhân vật khác nhau sẽ thể hiện những trách nhiệm khác nhau, cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình chính là ý nghĩa của cuộc sống, đồng thời cũng là việc thực hiện nguyện vọng và sự cầu nguyện tốt nhất.

TÌM LẠI GIÁ TRỊ CUỘC SỐNG

Nhiều người kêu khổ với tôi, nói rằng, sống trên đời này, thật vô nghĩa! Không những họ thường nghĩ ngợi lung tung, không cảm nhận sự tự tại của cuộc sống trước mắt, nghiêm trọng hơn, lòng họ luôn có cảm giác buồn chán, tương lai mờ mịt. Cuộc sống của họ như bị tê liệt, không tìm được giá trị đích thực của cuộc sống!.

Để sống với giá trị đích thực của cuộc sống, hãy xem chúng ta tận dụng cuộc sống thế nào, khi nào bạn tận dụng cuộc sống, lúc đó cuộc sống mới có giá trị. Tuy nhiên giá trị cũng có hai mặt trái và phải.

Trước khi tạo ra giá trị, phát huy ý nghĩa của cuộc sống, thiết nghĩ bạn cần phải nắm vững những nhân tố tạo nên giá trị cuộc sống, về cơ bản có ba loại: thứ nhất là tư tưởng, thứ hai là ngôn ngữ, thứ ba là hoạt động của cơ thể. Phật giáo gọi ba điều này là “tam nghiệp”: Hành vi trong hoạt động của cơ thể gọi là “thân”, hành vi ngôn ngữ gọi là “khẩu”, hành vi của tư tưởng gọi là “ý”. Giá trị phải trái thế nào của cuộc sống dựa trên việc chúng ta vận dụng ba điều này như thế nào.

“Mặt trái” giá trị cuộc sống là sự phát triển không đầy đủ ở mặt đạo đức, nhân cách; có nhu cầu tham vọng vật chất quá lớn, quá quan tâm đến việc ăn uống, quan hệ nam nữ… Điều đó thuộc về bản năng động vật, là biểu hiện của thú tính; ngày nào những tham vọng tầm thường đó còn ngự trị trong bạn, ngày đó điều thiện sẽ vắng mặt trong lòng bạn.

“Mặt phải” giá trị cuộc sống là gì? Là người đó phát huy những hành vi mà một người cần có, bao gồm: đạo đức luân lí, sự tôn trọng trong cách đối nhân xử thế, tư tưởng. Đặc biệt là điều thứ ba, con người trở nên đáng quý do con người có lý tính, có suy nghĩ và tư tưởng.

Hổ sẽ ăn thịt người, chỉ cần chúng có cơ hội ăn. Bất cứ lúc nào chúng cũng nghĩ cách để ăn thịt mà không cần phải có cách nghĩ như thế nào, chỉ cần chúng muốn ăn, nó sẽ không tự hỏi lại liệu con người có thể ăn được không? Ai có thể ăn được? Nếu con người không có tư tưởng, lời nói và việc làm của họ sẽ rất dễ giống với động vật.

Trong tất cả các loại động vật, chỉ con người mới có tư duy, vậy tại sao chúng ta không biết tận dụng ưu điểm này để cuộc sống có ý nghĩa? Học cách giúp đỡ vì người khác để giá trị cao đẹp của cuộc sống thể hiện rõ nét.

Chúng ta hãy bình tĩnh nhìn lại mình xem “những điều tôi đang nghĩ có đúng với chuẩn mực đạo đức không? có hợp lý không? có tác dụng tốt không? có thực tế không? Thường xuyên nhắc nhở mình, bạn sẽ phát hiện: suy nghĩ hữu dụng chiếm tỉ lệ rất thấp so với những suy nghĩ vô dụng, phi đạo đức.

Tuy nhiên một số người dụng tâm vào các phương diện khác, kết quả các dụng tâm đó trở thành tâm lí cơ hội, xảo trá. Ví dụ: Rõ ràng trong lòng cảm thấy tức giận, muốn mắng người khác, nhưng không nói thậm chí không biểu hiện trên nét mặt, hoặc ban đầu muốn nói gì đó, sau khi suy nghĩ, vì lợi ích cá nhân hoặc lí do nào đó có lợi cho mình, mà nói ngược lại những gì mình đang suy nghĩ khiến mọi người lầm tưởng là người tốt, là quân tử, là người đáng tin cậy.

Nếu chúng ta vận dụng sở trường, tức vận dụng khả năng tư duy của con người cho những mưu cầu toan tính cá nhân như thế, vô tình chúng ta trở thành kẻ “lợi dụng tư duy” để làm điều xấu. Chúng ta không chỉ làm người quân tử, làm người tốt qua vẻ ngoài mà quan trọng nhất chúng ta cần thể nghiệm nội tâm, thay đổi nội tâm mới thực sự tạo ra ý nghĩa cuộc sống, phát huy giá trị của cuộc sống.

HƯỞNG THỤ VÀ QUÝ TRỌNG CUỘC SỐNG

Rất nhiều người cho rằng hưởng thụ cuộc sống là ăn, uống, đi chơi, vui vẻ, nếu thực sự chỉ là như vậy, tất cả các động vật đều biết ăn, uống, đi chơi, vui vẻ, vậy con người cũng giống như động vật sao? Như vậy không gọi là hưởng thụ “cuộc sống” mà đó là sự hưởng thụ “cuộc sống của động vật”, lãng phí cuộc sống con người.

Cuộc đời của mỗi người chỉ ngắn ngủi trong mấy chục năm, nếu như phân chia 24 giờ một ngày thành ba phần bằng nhau, tám giờ làm việc một ngày, sinh hoạt tám tiếng, ngủ tám tiếng, việc tận dụng thời gian của cuộc đời thực chất không nhiều, thậm chí có thể nói là quá ít. Nếu tính sống đến một trăm tuổi, cũng có hơn một nửa thời gian để ngủ, ăn uống.

Ăn, uống, chơi, vui vẻ là bản năng của động vật, mặc dù con người cũng là động vật, nhưng con người không chỉ là động vật mà còn có trách nhiệm và nghĩa vụ với mọi người, chúng ta nên giữ gìn và quý trọng cuộc sống ngắn ngủi của mình. Hiểu được việc giữ gìn thời gian, điều kiện hoàn cảnh mà chúng ta có, tận dụng tốt những thú đó, phát huy được hiệu quả cao nhất, đó mới thực sự là người hiểu được việc hưởng thụ cuộc sống.

Một số người chỉ biết lợi ích trước mắt, những việc đem lại lợi ích cho họ, họ mới nghĩ đến việc giúp đỡ, còn không có lợi gì với họ, hoặc không có liên quan đến họ, họ sẽ không tham gia, không thèm giúp đỡ, đó là bởi vì họ quá tự tư, cái nhìn quá thiển cận và quá thực dụng.

Nếu mở rộng lòng mình, thay đổi quan niệm, nghĩ đến lợi ích của cộng đồng, biến hiện thực trở thành thực tế. Biết quý trọng hiện tại, sự sống, quý trọng thời gian quý báu, coi trọng môi trường mình đang sống, cố gắng không ngừng tạo phúc cho mọi người trong xã hội. Lúc đó hiện thực không còn xấu xa nữa. Đáng tiếc có rất nhiều người trong chúng ta sống trên cõi đời này với sự lo buồn, hối hận và kiêu ngạo, hoặc sống trong mộng tưởng và những hoài niệm, chìm đắm trong những công lao hiển hách trong quá khứ, chỉ biết hoài niệm về những gì mà mình đã từng trải qua như thế nào, đã từng làm những gì, mình đã từng đắc ý ở những đâu. Có người hoàn toàn phó thác sinh mạng mình lên vai của con cái họ, hi vọng con mình sẽ thành công, khoe khoang con mình là người thông minh, lanh lợi. Cả ngày chỉ biết nói những chuyện không đâu với bạn bè, với họ ngày tháng chỉ trôi qua như vậy.

Vậy tại sao chúng ta không biết tận dụng thời gian này để làm việc thiện, những công việc công ích, phục vụ xã hội, quan tâm đến mọi người? Như vậy chúng ta không chỉ đã làm hết trách nhiệm của mình mà còn không để thời gian trôi đi lãng phí.

Tuy nhiên quý trọng thời gian không có nghĩa là phải làm việc cật lực, hãy biết vạch kế hoạch, những lúc cần nghỉ ngơi hãy nghỉ ngơi, lúc nào cần thoải mái thì hãy thoải mái, phải có sự sắp xếp thích hợp.

Cầu chúc cho mọi người được hưởng cuộc sống tươi đẹp của mình. Hưởng thụ cuộc sống tức biết quý trọng cuộc sống, không để thời gian trôi qua một cách lãng phí. Bởi cuộc sống của con người vốn rất ngắn ngủi, từng giây từng phút trôi đi đều rất đáng quý. Nguồn tài nguyên của toàn xã hội được từng thành viên tích lũy mà có, chúng ta hãy nắm lấy hiện tại, quý trọng hiện tại, như vậy có thể làm tăng thêm rất nhiều nguồn tài nguyên, vô hình chung trung cũng chính là tích lũy cho xã hội nguồn tài nguyên vô tận.


 

Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button