Kỹ năng mềm

Vượt Qua Kỳ Thi Một Cách Hoàn Hảo

vuon qua ky thi mot cach hoan hao sach ebook1. THÔNG TIN SÁCH/EBOOK

Tác giả : Đang cập nhật

Download sách Vượt Qua Kỳ Thi Một Cách Hoàn Hảo ebook PDF/PRC/MOBI/EPUB. Tải miễn phí, đọc online trên điện thoại, máy tính, máy tính bảng.

Danh mục :  Sách kỹ năng

Đọc thử Xem giá bán

2. DOWNLOAD

Download ebook                     

File ebook hiện chưa có hoặc gặp vấn đề bản quyền, Downloadsach sẽ cập nhật link tải ngay khi tìm kiếm được trên Internet.

Bạn có thể Đọc thử hoặc Xem giá bán.

Bạn không tải được sách ?  Xem hướng dẫn nhé : Hướng dẫn tải sách


3. GIỚI THIỆU / REVIEW SÁCH

Lời giới thiệu

Bí quyết vượt qua kỳ thi một cách hoàn hảo – cuốn sách nhỏ nhưng bao hào ý nghĩa lớn. Ngày nay, khi việc học tập cũng ngày càng chủ động hơn thì việc cắm cúi vào học không còn là cách làm thông minh nữa. Vậy làm thế nào để có thể giảm bớt căng thẳng trong mỗi kỳ thi cho học sinh, sinh viên? Câu trả lời nằm trong cuốn sách này.

Đi học thật vui mà đi thi thì thật đáng sợ! Guồng quay học – thi rồi lại thi – học dường như làm ta mệt mỏi và kiệt sức. Đặc biệt, trước mỗi kỳ thi, chúng ta sẽ cuống lên không biết làm thế nào:

– Để đọc hết khối kiến thức khổng lồ?

– Để ghi nhớ những gì mình đã học?

– Để tư duy logic và sáng tạo hơn?

– Để giảm bớt căng thẳng và thoải mái đi thi?

Tất cả những điều nan giải này sẽ được đánh bay trong “Bí quyết vượt qua kỳ thi một cách hoàn hảo” do Alpha Books biên soạn.

Cuốn sách cung cấp cho bạn những phương pháp học tập, ôn luyện và làm bài thi hữu hiệu. Mỗi phương pháp được khái quát thành từng bước ngắn gọn, minh họa bằng các ví dụ hóm hỉnh và những bài luyện tập thiết thực. Bạn đọc có thể vừa đọc vừa thực hành theo rất dễ dàng.

Cuốn sách nhỏ này tựa như một người bạn luôn bên bạn, cho bạn những lời khuyên để việc học tập trở nên lý thú và hiệu quả hơn. Sau khi đọc“Bí quyết vượt qua kỳ thi một cách hoàn hảo”, chắc chắn bạn sẽ tự tin và sẵn sàng đón nhận kỳ thi của mình. Thậm chí, biết đâu bạn còn mong chờ nó đến thật nhanh để thi thố tài năng nữa ấy chứ!

Và lời cuối cùng: Khi bạn phải đối mặt với kỳ thi, hãy để cuốn sách này giúp bạn!

ĐỌC THỬ

1. Xác định mục tiêu học tập

Nếu không có mục đích và định hướng thì nỗ lực và lòng dũng cảm cũng trở nên vô nghĩa.

– John F. Kennedy

Nếu như trong cuộc thi chạy marathon, bạn cần có vạch đích để biết mình phải chạy đến đâu, cần nỗ lực bao nhiêu nữa để trở thành người cán đích đầu tiên thì trong việc học, thiếu đi mục tiêu sẽ khiến bạn đánh mất động lực phấn đấu, chưa nói đến một kế hoạch học tập chỉn chu.

Để nhập cuộc ngay từ đầu, hãy suy nghĩ nghiêm túc về hai vấn đề sau:

Học vì ai và vì điều gì?

Nhiều người nghĩ câu hỏi này thật ngớ ngẩn: Ai học mà chẳng có lý do, nếu không phải cho mình thì cũng là vì bố mẹ; nếu không phải muốn thành tích cao thì cũng để thu nhận kiến thức. Nhưng bạn biết không, mỗi câu trả lời sẽ dẫn bạn đến một chân trời hoàn toàn khác. Hơn nữa, nếu học chỉ để làm cha mẹ hài lòng, vì sĩ diện của bản thân hay vì điểm số thì có thể một lúc nào đó bài vở sẽ trở thành cơn ác mộng. Còn nếu tìm thấy đam mê, bạn sẽ luôn cảm nhận được niềm vui học tập trong những thứ mới mẻ vừa khám phá.

Khả năng hiện tại của bạn đến đâu?

Nếu được tự do lựa chọn, hẳn đa số chúng ta sẽ muốn được văn hay như nhà văn Nguyễn Tuân, toán giỏi như giáo sư Ngô Bảo Châu, có ngón đàn điêu luyện của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn và khả năng học ngoại ngữ thượng thừa cỡ giáo sư Phan Ngọc.

Tuy nhiên, những mong muốn thiếu cơ sở chưa bao giờ là tiền đề của thành công. Hãy thực tế! Bạn giỏi môn gì, yếu môn gì? Bạn bị hổng mảng kiến thức nào, có củng cố hay bổ khuyết được không? Cần bao nhiêu thời gian và công sức nữa để đạt yêu cầu? Nhược điểm lớn nhất của bạn là gì, trí nhớ kém, khả năng tư duy chậm hay tính lười biếng, trễ nải? Trí thông minh có thể cứu bạn trong giới hạn nào và từ chỗ nào thì bạn cần cầu viện đến sự chăm chỉ?

Từ việc cân nhắc động lực và khả năng của mình, hãy đặt ra những mục tiêu: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; mục tiêu lớn và mục tiêu nhỏ. Bạn muốn ra trường với một tấm bằng loại ưu, hay chỉ cần một tấm bằng loại khá nhưng có thật nhiều kinh nghiệm thực tập, làm thêm? Bạn cần đạt học bổng kỳ này, hay đơn giản chỉ là củng cố thật chắc môn tiếng Anh? Bạn cần học giỏi tất cả các môn, hay chỉ cần xuất sắc trong những môn chuyên ngành?

Không cần phải ngần ngại trước những mục tiêu có vẻ quá cao, nếu bạn thấy mình có đủ động lực hay chí ít là một khả năng nào đó để thực hiện nó. Trong trường hợp ngược lại, tốt nhất là nên dẹp bỏ càng sớm càng tốt và tập trung vào những mục tiêu thiết thực hơn.

Không ai khác, chính bạn là người biết rõ nhất mục tiêu, khả năng hiện tại của mình, từ đó xác định cách học phù hợp nhất.

2. Xác định phương pháp học thích hợp cho bản thân

Khi muốn chế ngự kẻ thù, phương pháp còn quan trọng hơn sức mạnh rất nhiều.

– Henry Wadsworth Longfellow

Rất nhiều sinh viên phàn nàn rằng dù đã thử áp dụng rất nhiều cách học nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi. Đầu tiên thì xin hoan nghênh họ – những sinh viên biết cầu tiến và không ngừng học hỏi. Nhưng đợi đã, có điều gì đó không ổn trong chuyện này. Ý tôi là, hình như họ đã “chăm chỉ” hơi thái quá trong việc thử nghiệm phương pháp học cho mình!

Tìm một phương pháp học trong thời buổi thông tin đa dạng như hiện nay là chuyện khá dễ dàng, nhưng lọc ra từ đó cách học – ôn hiệu quả và phù hợp nhất với bản thân mới là điều cốt yếu. Phương pháp học phù hợp cũng như một đôi giầy vừa cỡ, giúp bạn bước đi tự tin và vững chắc hơn. Tùy thuộc vào tính cách và khả năng, có người sẽ cảm thấy dễ dàng khi học theo kiểu sơ đồ và hình vẽ, có người thích diễn đạt kiến thức bằng lời nói, người lại có khả năng ghi nhớ bằng cách hình dung dàn ý trong đầu… Nhiều sinh viên cần phải viết tóm tắt dàn ý ra giấy, vẽ sơ đồ hay nghe đi nghe lại bài giảng của giáo viên; có người lại “dị” đến mức phải đi quanh nhà hay đội sách lên đầu mới học được… Ngoài ra, mỗi môn cũng cần có cách học riêng – bạn không thể học Triết học hay Lịch sử Đảng theo cách mà bạn học môn Toán cao cấp được. Hãy cứ thử vài phương pháp khác nhau và tự đánh giá hiệu quả của chúng đối với việc tiếp thu. Cũng không nhất thiết chỉ chăm chăm vào một hướng đi duy nhất, hãy kết hợp các phương pháp sao cho hợp lý, miễn là đừng quá ôm đồm. Chớ nên ham hố đến mức biến việc học của bạn thành nồi lẩu thập cẩm hay cuộc thí nghiệm các công thức mới, bởi bất cứ phương pháp nào dù tốt đến đâu cũng cần thời gian và sự ổn định để phát huy tác dụng.

Chúng cần được áp dụng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, tức là thường xuyên và liên tục. Ngược lại, nếu chỉ coi chúng là giải pháp “cấp cứu”, như trong khi ôn thi chẳng hạn, trí não bạn sẽ phải vô cùng vất vả để làm quen với lối tư duy mới, mà hiệu quả thu được chẳng đáng là bao.

Một phương pháp học không bao giờ là hoàn hảo với tất cả mọi người, vì thế đừng mất thời gian đi tìm sự hoàn hảo. Hãy chọn ra phương pháp thích hợp với mình và cố gắng áp dụng nó hiệu quả nhất.

3. Xây dựng hệ thống học tập

Biết cách học là đủ chứng tỏ bạn thông thái.

– Henry Brooks Adams

Bạn nghĩ những tay sinh viên khôn ngoan học thế nào? Nếu may mắn, bạn sẽ biết một sinh viên ngành Ngoại ngữ sáng tạo ra những trò chơi đố vui để học từ mới; hay một sinh viên chuyên ngành Khoa học Chính trị tạo ra những tấm bản đồ kiến thức cực lớn trên tường, nối các khái niệm với nhau bằng những sợi len nhiều màu sắc. Những tay sinh viên khôn ngoan thường xây dựng cho mình hệ thống học tập riêng rõ ràng, có hệ thống và sáng tạo. Hãy làm theo những ví dụ kể trên, và sáng tạo theo cách riêng của mình. Bạn không bao giờ nên bắt tay vào học nếu thiếu đi một kế hoạch hệ thống về những gì bạn sẽ ôn tập, ôn tập bằng cách nào và ôn tập bao nhiêu lần.

Xây dựng hệ thống học tập cho riêng mình là chia một công việc lớn thành những phần nhỏ dễ hoàn thành, và hệ thống này sẽ giải phóng năng lượng của bạn, giúp bạn tập trung vào việc học thay vì lo lắng quẩn quanh xem nên làm thế nào, bắt đầu từ đâu. Nếu không có một hệ thống học tập, rốt cuộc bạn sẽ cứ lang thang đầy may rủi giữa các tài liệu, nhìn vào đống sách cao chót vót với sự bất lực trong tâm trí và nỗi phiền muộn trong tim. Với một hệ thống học tập rõ ràng, những công việc của bạn trở nên dễ thực hiện hơn rất nhiều. Trước khi bạn lao vào đọc cuốn sách đầu tiên, hãy bỏ ra mười phút để tập trung viết cụ thể kế hoạch học tập. Sau đó lập bảng liệt kê những công việc cần làm và những ô tương ứng để đánh dấu khi đã hoàn thành. Một khi bạn yên tâm rằng hệ thống này có thể chuẩn bị cho bạn đầy đủ những việc cần làm, bạn sẽ không còn bất kỳ nỗi lo lắng nào về việc liệu bạn đã sẵn sàng cho kỳ thi sắp tới hay chưa. Trách nhiệm của bạn lúc này giảm xuống chỉ còn sắp xếp thời gian để hoàn thành từng việc trong kế hoạch.

Thêm nữa, phương pháp học của bạn càng sáng tạo càng tốt. Nó sẽ giúp bạn bớt cảm thấy chán nản, đem lại cho bạn những điều mới mẻ, và tạo ra những liên kết trí óc mạnh mẽ hơn. Đó là lý do tại sao bạn sinh viên chuyên Ngành ngoại ngữ lại thiết kế ra trò chơi đố vui, và bạn học chuyên ngành Khoa học Chính trị lại dán những sợi len lên tường. Hệ thống học tập của họ thật toàn diện và thú vị. Họ đang học tập một cách khôn ngoan, và bởi vậy họ sẽ rất xuất sắc.

Trong học tập, việc lên kế hoạch học tập như thế nào cũng quan trọng không kém quá trình học tập. Nếu không có hệ thống học tập khoa học và thú vị, bạn có thể sẽ hoàn toàn lãng phí thời gian, sức lực của mình, cũng như nhận phải nhiều điểm kém.

4. Phương pháp kinh điển: Luyện tập, luyện tập và luyện tập

Thiên tài bao gồm 1% cảm hứng và 99% là mồ hôi công sức.

– Thomas Edison

Có điểm nào chung trong câu chuyện về những thiên tài như nhà soạn nhạc tài danh Mozart, tỷ phú Bill Gates, huyền thoại Apple Steve Jobs hay bộ óc vĩ đại Albert Einstein? Đó là dù được sinh ra với tài năng thiên bẩm, con đường dẫn tới thành công của họ không hề trải hoa hồng. Bí quyết của họ hoàn toàn không có gì đặc biệt hay bí ẩn: Chỉ có luyện tập, luyện tập, và luyện tập.

Muốn thành công trong học tập, bạn cũng không còn cách nào khác ngoài sự luyện tập kiên trì. Trước hết, hãy bắt đầu bằng kiến thức và những bài tập căn bản trong giáo trình. Tiếp đến, tận dụng nguồn sách tham khảo và tài liệu để tìm kiếm công thức, các dạng đề mới. Cuối cùng, khi đã nắm được vốn kiến thức mở rộng, hãy tìm đến những bài tập hóc búa hơn; đừng quên so sánh chúng với đề thi của các năm trước để học cách đánh giá độ khó – dễ của đề thi. Tất nhiên, trong suốt quá trình ấy, bạn cũng đừng quên dặm lại bước kiến thức căn bản nếu không muốn “chết đuối trên cạn” bởi những thứ tưởng chừng quá dễ so với sức mình… Không chỉ là bàn đạp vững chắc cho thi cử, phương pháp này còn giúp chúng ta có được sự ổn định tâm lý trước mỗi kỳ thi. Mà chỉ riêng sự tự tin đã đủ mang về cho bạn phân nửa thành công rồi.

Chuyện kể rằng, danh họa Leonardo da Vinci khi mới học vẽ đã phải mất hai năm ròng cho riêng một bài học vẽ trứng.

Câu hỏi dành cho bạn: Ý nghĩa của việc vẽ trứng trên là gì?

Nhiều người nghĩ rằng đó là bài học về sự chăm chỉ và nhẫn nại. Nhưng không, bạn thân mến! Đó là câu chuyện về quá trình rèn luyện kỹ năng. Luyện tập không có nghĩa là cần mẫn làm một công việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán. Thành quả của việc luyện tập cũng không nằm ở chỗ bạn vẽ được một trăm hay một ngàn quả trứng, trong một ngày hay mười năm; mà ở chỗ qua từng ngày, bạn nắm được cách quan sát, cách bóng đổ, cách “bắt” luồng ánh sáng rọi vào. Bạn phải trở thành một chuyên gia, ít nhất là về vẽ trứng.

Đa phần sinh viên đều mắc lỗi này: họ chỉ chú tâm làm sao để hoàn thành tất cả đống bài tập và lúc nào cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi có còn dạng bài nào mình chưa kịp làm qua hay không. Trong khi đó, với những sinh viên biết cách học, bài tập không phải là mục đích, mà chỉ là công cụ giúp họ thu nhặt kiến thức. Họ nghiền ngẫm, rút ra những dạng bài, quy tắc, bản chất, từ đó không cần làm nhiều mà vẫn không hề bị bất ngờ lạ lẫm trước bất kỳ dạng bài nào. Một khi thấu hiểu và áp dụng được điều này, bạn sẽ thấy sự thay đổi đáng kinh ngạc.

Có công mài sắt, có ngày nên kim.

5. Công nghệ là công cụ

Giữa công nghệ tiên tiến và điều kỳ diệu gần như không có sự khác biệt.

– Arthur C. Clarke

Trong thời đại ngày nay, sẽ thật lạc lõng nếu một sinh viên không biết tận dụng công nghệ cao để phục vụ cho việc học của mình. Hầu hết các bạn trẻ giờ đây đều đã biết đến sự cần thiết của từ điển điện tử, phần mềm trắc nghiệm, chương trình đọc sách điện tử hay những ứng dụng ghi chú và nhắc việc.

Với một số ngành học đặc thù như mỹ thuật, kiến trúc, báo chí,… các ứng dụng dựng đồ họa, dựng phim, xử lý ảnh, các thiết bị số như máy ảnh, máy ghi âm lại càng không thể thiếu. Hay gần gũi nhất là chiếc điện thoại di động, hãy tưởng tượng một ngày nó bỗng dưng biến mất, bạn sẽ khổ sở thế nào để tìm gặp giáo viên hướng dẫn làm khóa luận, tập hợp nhóm bạn bè, hoặc chỉ biết khóc nếu phòng học bất ngờ đổi từ tầng 7 dãy nhà này sang tầng 3 của dãy đối diện.

Internet giúp cho việc tìm kiếm và lưu trữ thông tin trở nên thuận tiện và đơn giản hơn nhiều, nhưng để sử dụng chúng hiệu quả, bạn vẫn phải có mẹo. Nếu như đống tài liệu, sách vở chồng chất trên bàn từng làm bạn phát điên, thì đừng để điều đó lặp lại trong thời đại số. Chiếc máy tính là một kho dữ liệu hay bãi rác thông tin tùy theo cách bạn sắp xếp chúng có gọn gàng, khoa học hay không. Trước mỗi học kỳ, hãy tạo một hệ thống thư mục theo từng môn, rồi xếp các slide bài giảng, tài liệu tham khảo, ghi chú… trong suốt quá trình học vào đúng chỗ.

Sao lưu dữ liệu cũng là một kỹ năng không thể bỏ qua nếu bạn không muốn có ngày khóc dở mếu dở vì ổ cứng máy tính hỏng bất chợt, mất điện đột ngột, hay đơn giản là trót ấn nhầm nút “Không lưu” khi đóng file bài luận dang dở. Hiện có rất nhiều tiện ích lưu trữ đám mây thông dụng như SugarSync, Dropbox, hay gần đây nhất là Google Drive – những kho dữ liệu online mà bạn có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị và dễ dàng chia sẻ với các bạn cùng lớp.

Bên cạnh sách, luận văn và tạp chí khoa học, các diễn đàn chuyên ngành cũng là nguồn tham khảo không thể thiếu nếu bạn thực sự nghiêm túc với việc học và tương lai nghề nghiệp của mình. Ở đó, bạn không chỉ thu thập được những thông tin hữu ích mà còn có cơ hội trao đổi, tương tác với những người có cùng mối quan tâm, cũng như cơ hội học hỏi từ những “cao nhân” mà bạn không dễ gì được gặp ngoài đời.

Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là không ít bạn sinh viên đã trở nên lười biếng, ỷ lại vào công nghệ, mà không hiểu rằng dù có phát triển đến đâu chăng nữa thì nó cũng chỉ là công cụ hỗ trợ, chứ không thể “học hộ” cho bạn được. Chủ quan vì đã có sẵn file bài giảng, nhiều sinh viên tìm cách trốn học, hoặc lên lớp nhưng không thèm nghe giảng hay ghi chép. Tệ hơn nữa, nhiều bạn đã có thói quen “học hỏi” bằng cách bê nguyên bài nghiên cứu trên báo vào tiểu luận của mình mà không hề ghi nguồn trích dẫn; thậm chí sử dụng bình luận của thành viên nào đó trên diễn đàn vào bài mà không cần xác minh lại xem những kiến thức đó có chính xác hay không. Cả về mặt đạo đức và pháp luật, đó đều là những hành động không thể chấp nhận được.

Mạng là ảo, nhưng con người là thật. Một sinh viên tự trọng không chỉ biết lựa chọn thông tin để phục vụ cho nhu cầu của mình, mà còn biết đóng góp tri thức của mình và tôn trọng đóp góp của người khác nữa. Làm được điều đó, chắc chắn bạn sẽ tiến xa.

6. Tham gia học nhóm

Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

– Ca dao Việt Nam

Một mình trong góc phòng yên tĩnh hay cả buổi trưa sau giờ học trên thư viện không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tối ưu. Đôi lúc việc đó giống như một mình khiêng một chiếc bàn gỗ lên gác vậy – đơn độc, nặng nề, căng thẳng và chỉ muốn vứt quách nó đi. Đừng tự hành xác bằng cách cô lập mình như thế.

Học nhóm – tại sao không?

Trong nhiều trường hợp, vài cái đầu chụm lại bao giờ cũng sáng suốt và đầy đủ hơn chỉ một cái đầu. Ngay cả khi bạn tự tin rằng mình có thể hoàn thành tốt mọi thứ một mình, bạn vẫn cần học cách trao đổi và chia sẻ kiến thức với những người xung quanh. Sự có mặt của người khác cũng có thể là nhân tố kích thích khiến đầu óc bạn hoạt động tích cực hơn.

Học nhóm, có nghĩa là học cách dùng ưu điểm của người này bổ khuyết cho nhược điểm của người kia, dùng sức của nhiều người thay cho một người để có được sản phẩm quy mô hơn, hoàn hảo hơn, nhanh hơn. Không phải vô tình mà kỹ năng làm việc nhóm lại là một trong những kỹ năng được đánh giá cao nhất trong hồ sơ xin việc của bạn sau này.

Học nhóm thế nào cho hiệu quả?

Trước tiên, để việc học chung thuận lợi và hiệu quả, hãy thỏa thuận những nguyên tắc chung mà mọi thành viên phải tuân thủ, ví dụ như phải hoàn thành phần việc được giao đúng hạn, khi có bất đồng thì lấy theo ý kiến số đông, hay do trưởng nhóm quyết định…

Mức độ chênh lệch trình độ giữa các thành viên càng nhỏ, hiệu quả làm việc càng cao. Tuy nhiên, trong những nhóm học tập được phân công trên lớp, sự chênh lệch là khó tránh khỏi. Trong trường hợp đó, nhóm trưởng càng cần thể hiện vai trò trong việc phân công nhiệm vụ rõ ràng, công bằng và tận dụng được thế mạnh của mỗi thành viên, tránh tình trạng đóng góp không đồng đều gây mất đoàn kết trong nhóm.

Học nhóm là chia sẻ, nhưng không có nghĩa là thành viên yếu hơn dựa dẫm, trông chờ vào các thành viên khác, mà càng phải tích cực, chủ động và có trách nhiệm. Hãy hoàn thành phần việc của mình tốt nhất có thể, nhưng đừng ngần ngại chia sẻ khó khăn với các thành viên khác để giúp nhau tháo gỡ, cũng đừng ngại ngần đưa ra ý kiến với bạn cùng nhóm. Chính những điều nhỏ nhặt này sẽ giúp các thành viên thêm sôi nổi, hào hứng và gần gũi nhau hơn. Nhóm càng hiểu nhau, việc phối hợp càng ăn ý và đương nhiên hiệu quả cũng cao hơn.

Những điều cần tránh

Giữ quyền phát biểu của mình không có nghĩa là luôn sẵn sàng cắt ngang câu nói của các thành viên khác. Hãy lắng nghe với một tâm thế tích cực, cầu thị và xây dựng, đừng vì thể hiện cái tôi của mình mà để xảy ra bất hòa, xích mích không đáng có.

Sự thiếu đồng đều về học lực của các bạn trong nhóm là khó tránh khỏi, vì thế việc coi thường các bạn kém hơn mình hay tự ti trước người giỏi hơn đều dở như nhau. Sự khiêm tốn và cầu tiến luôn là tiêu chí hàng đầu để học nhóm hiệu quả.

Cuối cùng, đừng tạo ra không khí quá gò bó và căng thẳng trong khi học nhóm. Ngoài giờ học, cả nhóm có thể tổ chức các buổi đi cắm trại, xem phim, tán gẫu, giúp các thành viên trong nhóm thân thiết và hiểu nhau hơn.

Học nhóm không chỉ giúp bạn mở mang kiến thức mà còn mang lại cơ hội giao lưu, kết bạn với những sinh viên ưu tú khác.

7. Phương pháp học “3-trong-1”

Kiến thức chỉ có được qua tư duy của con người.

  1. Einstein

Với các môn học mang tính kỹ năng nhiều hơn lý thuyết như môn Ngoại ngữ, bạn không thể đạt được kết quả như ý nếu chỉ chăm chăm học thuộc lòng hay luyện đi luyện lại các bài tập ngữ pháp. Hãy thử áp dụng phương pháp “3-trong-1” được cho là khá hiệu quả dưới đây.

Mục tiêu chính của việc học Ngoại ngữ là giúp người học sử dụng được một ngôn ngữ khác thông qua kết hợp bốn kỹ năng Nghe-Nói-Đọc-Viết, hay Quan sát-Luyện tập-Thể hiện thật nhuần nhuyễn. Nhưng đáng tiếc là, hầu hết chương trình học tại Việt Nam mới chỉ chú trọng đến việc rèn luyện ngữ pháp chứ chưa quan tâm đầy đủ đến kỹ năng, hay thừa lý thuyết, thiếu thực hành… khiến sinh viên không thể hoặc khó áp dụng kiến thức vào những tình huống cụ thể. Rất có thể trong khi học, bạn đã chia tách các kỹ năng rồi lại lúng túng khi vận dụng chúng vào các hoàn cảnh giao tiếp, các bài tiểu luận hay giờ thảo luận trên lớp. Nó là nguyên nhân của nhiều tình huống dở khóc dở cười, như việc sinh viên biết tiếng Anh mà không thể chỉ đường cho một người nước ngoài, hay một bạn sinh viên hát tiếng Anh như gió nhưng lại sai ngữ pháp và lỗi câu nghiêm trọng trong bài thi. Phương pháp “3-trong-1” giúp kết nối các kỹ năng, xóa tan sự lúng túng của bạn khi đứng trước một người bạn nước ngoài hay một bài luận ngắn.

Luyện tập thế nào? Rất đơn giản, mỗi khi học một từ mới, công thức ngữ pháp, phối câu và từ…, bạn hãy kết hợp các giác quan cùng một lúc. Với mỗi từ mới, đừng chỉ viết từ đó ra giấy, mà còn nên xem cách phát âm của nó trong từ điển, đọc to để kiểm tra phần phát âm và điều chỉnh cho thích hợp, tìm tình huống thích hợp vận dụng nó vào câu cụ thể và biết lúc nào nên dùng từ này, lúc nào không được. Hãy rủ một vài bạn thành lập nhóm học Ngoại ngữ, áp dụng phương pháp rèn luyện “3-trong-1”, hỗ trợ và giúp nhau cùng tiến bộ.

Bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ ngoại ngữ, đi làm thêm ở các tổ chức quốc tế, hay đơn giản là dẫn đường cho một khách du lịch nước ngoài, lắng nghe và học cách nói chuyện từ họ, liên hệ với những thứ mình đã học. Trong thời buổi mở cửa hiện nay, có thể học được ở bất cứ đâu, miễn là bạn thực sự muốn.

Một trong những sai lầm của nhiều sinh viên học Ngoại ngữ là tách biệt các kỹ năng. Hãy kết hợp chúng lại. Chỉ khi nhận ra mối liên hệ giữa các kỹ năng, bạn mới biết phải cải thiện điểm yếu nào của mình.


Giang Vi

Tôi là một người yêu sách cuồng nhiệt và đã hơn 20 năm. Tôi dành cả ngày để đọc, viết blog về sách và viết bình luận. Tôi tin rằng sách là công cụ mạnh mẽ nhất trong cuộc sống để mở mang đầu óc cho những ý tưởng và quan điểm mới. Các thể loại yêu thích của tôi bao gồm tiểu thuyết lịch sử, giả tưởng, khoa học viễn tưởng và phi hư cấu. Tôi cũng thích tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau thông qua văn học.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Posts:

Back to top button